Các bạn muốn xem màn ảnh bự hoặc tải về máy xin bấm vào link này:
http://thuvienphathoc.blip.tv/file/2790005/
Các bạn muốn xem màn ảnh bự hoặc tải về máy xin bấm vào link này:
http://thuvienphathoc.blip.tv/file/2789999/
Các bạn muốn xem màn ảnh bự hoặc tải về máy xin bấm vào link này:
Nếu không thể tặng nhau những nụ cười thì đừng cho nhau giọt nước mắt.
Sự hờ hững của người này giết chết lòng nhiệt tình của người kia.
Không có nỗi đau nào hơn khi lòng tốt bị hiểu lầm.
Sự nghiệp công danh như bọt nước
Vinh hoa phú quý tợ bèo mây.
Hạnh phúc đâu chỉ là ánh mặt trời ấm áp mà còn là vầng trăng lạnh lẽo đêm thâu.
Các nhà nghiên cứu Phật giáo đã chỉ ra sự hình thành và phát triển nhân cách con người diễn ra có tính quy luật theo từng lứa tuổi, bắt đầu từ khi thọ thai cho đến trưởng thành. Mỗi giai đoạn phát triển đều có những đặc điểm riêng biệt. Vì thế, giáo dục bao giờ cũng hướng vào con người cụ thể với những đặc điểm tâm lý riêng về lứa tuổi, giới tính... và những đặc trưng độc đáo trong nhân cách. Do đó, giáo dục phải xuất phát từ những đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng để đề ra các nội dung, cách thức phù hợp. Cụ thể là Phật giáo chủ trương giáo dục từ trong thai nhi cho đến khi lọt lòng, lớn lên và cả trưởng thành sau này mà có từng nội dung giáo dục, phương thức giáo dục phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ sơ sinh (0 - 1 tuổi)
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, cha mẹ sống phải biết yêu thương bằng một tình yêu chân thành, khắng khít không có gì phân ly được. Sự đầm ấm gia đình sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi hình thành những hạt giống yêu thương và hiểu biết sau này. Kinh nghiệm thực tiễn về đời sống tâm linh, một cặp vợ chồng khi người mẹ mang thai thường xuyên thắp hương cầu nguyện Phật, Bồ tát, tụng kinh bái sám, chiêm ngưỡng Thế Tôn, làm các việc công đức thì lúc đó cha mẹ đã bắt đầu cho thai nhi kết nối liên thông với thế giới an lành trong tâm thức. Ðể khi vừa lọt lòng thông qua lời ru của mẹ và sự ôm ấp trìu mến của mẹ cha, trẻ thơ học được cách hòa nhập với môi trường sống mới.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh chủ yếu là về mặt cơ thể được thể hiện ở những tiến bộ trong các hoạt động của các giác quan và vận động qua sự nhìn, nghe, ngửi, nếm, lật, ngồi bò, đứng đi, nằm, cầm, nắm… Chiều hướng phát triển của các giác quan và vận động cơ thể trong giai đoạn này cũng nói lên tính chất và mức độ phát triển về trí tuệ và tinh thần của đứa trẻ.
Tùy theo cách thức chăm sóc của cha mẹ và cách cư xử của mọi người lớn trong gia đình mà đứa trẻ ghi nhận được các ấn tượng, hình thành các thói quen về hành vi trong sinh hoạt sau này. Cách tiếp cận thế giới qua hình ảnh, đồ vật theo hướng thiện sẽ làm nền tảng cho trẻ lớn lên có kinh nghiệm cư xử đúng với thế giới xung quanh. Mọi thứ phụ thuộc vào khả năng cha mẹ am hiểu giáo lý và ứng dụng giáo lý để hướng dẫn cho trẻ bắt chước và in đậm dấu ấn Phật pháp từ buổi còn thơ.
Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ ở nhà (1 - 3 tuổi)
Ðến thời kỳ này, trẻ thơ bắt đầu tiến bộ rõ rệt về cơ thể, tâm lý. Trẻ bắt đầu được cha mẹ tập đi, biết thích chơi đồ vật, biết nói dần dần, góp phần thúc đẩy sự phát triển khả năng ý thức, một yếu tố thể hiện nhân cách con người. Lúc này cha mẹ tập nói những đại từ nhân xưng thân thuộc như ba, má, ông, bà hay thầy, sư ông… khi bồng trẻ lên chùa lễ Phật và hướng dẫn con mình hiểu người khác nói. Đồng thời, cha mẹ chỉ bảo cho con cái học tập cư xử theo những nguyên tắc hành vi khi tiếp xúc với người khác trong gia đình như anh em, chú bác. Quan trọng hơn là cha mẹ phải là những người gương mẫu, đừng bao giờ để trẻ thấy một hình ảnh bất hòa cãi vã, tạo dấu ấn xấu trong mắt trẻ. Thỉnh thoảng, cha mẹ lên chùa cho trẻ tiếp xúc không gian tĩnh lặng rộng lớn, hình ảnh Phật, Bồ Tát qua những hình tượng hiền hòa để trẻ cảm nhận tình thương của Phật, thậm chí có thể chỉ vào những bức tượng Hộ pháp để răn đe khi chúng không vâng lời như không chịu ăn, khóc nhè…
Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ ở nhà trẻ (3 - 6 tuổi)
Ðây là giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ, thể hiện khả năng hành động theo động cơ gián tiếp. Sự phát triển nhân cách lệ thuộc vào khuôn mẫu hành vi của người lớn mà trẻ em tiếp xúc như cha mẹ, thầy cô, bạn bè… Những dấu ấn ban đầu trên nhân cách trẻ thơ được lưu giữ lại. Sự phát triển nhân cách trong giai đoạn này chỉ đạt được mức độ thấp nhưng diễn ra ở tốc độ cao, bắt đầu xuất hiện khuynh hướng độc lập. Vì vậy cha mẹ phải tập trung chú ý, quan tâm nhiều hơn trong việc trẻ ham thích trò chơi. Thông qua việc tiếp xúc với trò chơi mà định hướng ý thức trẻ vào việc học tập. Có thể dạy trẻ những gương tốt đạo đức thông qua việc kể chuyện cổ tích, thần thoại, bước đầu chỉ ra nhân vật thiện ác, kích thích trí tưởng tượng của trẻ, các loại tình cảm của trẻ thơ. Ðối với những phụ huynh là Phật tử thuần thành thì nên kể những mẩu chuyện tiền thân Đức Phật. Thỉnh thoảng khen thưởng cho quà, hoặc chở trẻ đi chùa tập làm quen và chào hỏi các vị thầy, dạy tập trẻ thưa thầy mở đầu là “A Di Ðà Phật”, “Bạch thầy”…, cúi chào người lớn, nhất là chú ý đến việc trẻ trong cách thức ứng xử các hành vi lễ phép, biết làm chủ về sinh hoạt cá nhân. Bước đầu cho trẻ tiếp xúc các lễ hội Phật giáo nhân ngày Phật đản, Vu lan, …để thông qua các đại lễ này ươm mầm những hạt giống về ý nghĩa Phật ra đời, những đạo lý cơ bản về hiếu hạnh.
Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ học sinh tiểu học (6 - 11 tuổi)
Lúc này trẻ bắt đầu lớn nhanh so với các giai đoạn trước. Trẻ thơ bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội để tiếp nhận các hệ thống tri thức. Cha mẹ cần chú ý quan tâm về việc học tập, tính cách bắt đầu định hình với các đặc điểm sau:
- Khả năng nhận thức của trẻ phát triển nhanh chóng nhờ hoạt động học tập. Ðời sống tình cảm chiếm ưu thế và chi phối mạnh mẽ các hoạt động trong sự hồn nhiên.
- Hay bắt chước những người gần gũi, có ảnh hưởng nhất định đến chúng. Bản tính hiếu động, không kiềm chế dẫn đến sai phạm những điều cha mẹ, ông bà, người lớn dạy bảo.
Do đó, cha mẹ cần phải khéo léo uốn nắn dạy dỗ con em trong việc ứng xử hành vi, lễ phép tôn trọng người lớn và biết học tập theo chương trình dạy ở trường. Lúc này cha mẹ phải cho con tiếp xúc các mẫu người mô phạm để làm phương tiện giáo dục. Ngoài sự giáo dục của gia đình, nhà trường, cha mẹ phải dẫn con lên chùa gần gũi chư Tăng. Sự tiếp xúc này sẽ để lại ấn tượng tốt thông qua lễ lạy, nghe những lời dạy của quý Thầy, những câu chuyện đạo lý trong Phật giáo về sự tôn trọng sự thật, sự vâng lời mẹ cha, biết yêu thương đồng loại. Như câu chuyện Sa di La Hầu La thường hay nói dối được giáo hóa qua bài kinh Giáo Giới La Hầu La. Sa di nọ nhờ cứu đàn kiến mà được khỏe mạnh, sống lâu. Hoặc những bài kệ ngắn gọn đơn giản trong kinh Pháp Cú v.v...
Lúc này, cha mẹ cần lưu tâm chú trọng từng hành vi ứng xử của trẻ trong học tập, tâm lý, dạy cho chúng tự tin, biết tin yêu gia đình, thầy cô… đồng thời hướng dẫn tham gia các hoạt động mang tính tập thể, gia nhập Gia Đình Phật Tử, đi hành hương các chùa cùng bố mẹ, làm việc công đức ở chùa như quét dọn, tham gia văn nghệ vào các ngày lễ của Phật giáo… nói chung là tập làm các việc có ích thuộc về khả năng các cháu có thể làm được.
Giáo dục và sự phát triển nhân cách học sinh trung học cơ sở (11 -15 tuổi)
Giai đoạn này là giai đoạn trẻ phát triển và biến động về tâm sinh lý phức tạp, tác động khá mạnh vào sự định hình nhân cách. Giới tính định hình, nó quy định tính cách, nhận thức và sự thể hiện ra bên ngoài qua các hành vi ứng xử khác nhau giữa trẻ nam và nữ. Lúc này trẻ xuất hiện những khuynh hướng phát triển khá đặc biệt về biến chuyển tâm lý: như mong muốn tự khẳng định mình nên bắt đầu có dấu hiệu phản ứng lại lời dạy của thầy cô, cha mẹ, hoặc tranh cãi với bạn bè. Các em bắt đầu biết xấu hổ, biết tự kiêu, biết làm đẹp, thích được thỏa mãn các mong muốn như được đi chơi, được xem các trò chơi, tivi, game… Nếu không đáp ứng hoặc đáp ứng nhu cầu của trẻ không đúng do nuông chiều của cha mẹ thì dễ dẫn đến hư hỏng. Tình cảm của các em lúc này diễn biến rất phức tạp.
Vì vậy, cha mẹ càng có sự liên kết giáo dục gia đình, nhà trường, nhà chùa và xã hội chặt chẽ đối với vấn đề giáo dục các em hoàn thiện. Người mẹ lúc này càng gần gũi con hơn bao giờ hết. Phải biết để ý sự phát triển tâm lý, theo dõi sự dậy thì tránh sự lo âu khi cơ thể biến chuyển về sinh lý cho các em gái, kể cả các em trai, đồng thời dạy cho các em hiểu biết về giới tính, có cách thức hành xử đúng khi quan hệ, tiếp xúc với người khác giới. Tuổi này các em bắt đầu ham chơi, thích mơ mộng và mong muốn được cưng chiều. Vì vậy phải khéo léo kết nối yêu thương vỗ về nhưng cũng phải nghiêm khắc cần thiết. Quan tâm và tạo các điều kiện học tập tốt nhất và vui chơi lành mạnh mà cha mẹ có thể đáp ứng.
Môi trường của các em tiếp xúc lúc này khá rộng, hiểu biết nhiều. Vì vậy cha mẹ Phật tử phải dành nhiều thì giờ chăm lo để các em phát triển nhân cách theo định hướng của gia đình, nề nếp của gia phong. Liên lạc thường xuyên với các thầy cô giáo để theo dõi việc học, tìm hiểu bạn bè của các em để nắm rõ tình hình sinh hoạt ở bên ngoài. Khi có điều kiện sinh hoạt gia đình thông qua bữa cơm, húy kỵ, tiệc mừng sinh nhật, chúc thọ… cần nói rõ ý nghĩa lễ và khơi dậy tình thương yêu, biết chia sẻ niềm vui với người khác, cũng như giảng rõ về sự bất hạnh đối với ai thiếu tình thương với cha mẹ. Độ tuổi này các bậc cha mẹ phải kết hợp quý thầy khéo léo giảng dạy các em về niềm tin và lẽ sống; tin Tam bảo, tin nhân quả, dạy phân biệt chính tà, thiện ác, nhất là biết tin vào chính mình.
Có điều kiện nên cho các em đi chùa cùng với gia đình để bước đầu học hỏi giáo lý Phật Đà, sự quy y và biết sống theo năm giới như một nếp sống đạo đức Phật giáo. Khi cha mẹ đi chùa hành hương thì nên cho các em đi theo, tiếp cận sự tin yêu, tôn kính ba ngôi Tam bảo, sự bố thí cúng dường, thực hành các việc phước thiện… Các chùa hiện nay đều có tổ chức thuyết giảng sáng Chủ nhật, tu Bát quan trai, lớp học giáo lý, hướng dẫn các em thực hành nếp sống tri túc, hướng dẫn lối sống đạo đức Phật giáo, cho các em tham gia đi hành hương, từ thiện nên tạo điều kiện cho các em học tập và thực hiện. Dần dần, các em sẽ biết hình thành nhân cách hoàn thiện sống có ích và thực hiện ước mơ hoài bão của chúng theo định hướng của gia đình, xã hội yêu cầu.
Tóm lại, trẻ em là đối tượng cần quan tâm hơn bao giờ hết. Ðây là thành phần hạt nhân kết nối sự yêu thương gia đình qua tình vợ chồng, anh em, ông bà, cha mẹ, bà con quyến thuộc nội ngoại xa gần xóm giềng. Các em cũng là người kế thừa trong gia đình gánh vác việc gia tộc, ngoài xã hội là những chủ nhân ông xây dựng đất nước sau này.
Là Phật tử, các em là người hộ trì Chánh pháp, thậm chí trở thành người xuất gia học đạo hành đạo đem lại lợi ích sau này cho đời đạo mỗi ngày sáng tươi. Vì thế, trách nhiệm với việc giáo dục trẻ thơ không chỉ ở phạm vi gia đình, nhà trường, nhà chùa mà cả xã hội nữa.
Cuộc sống hôm nay từng bước chuyển đổi trong xu hướng thịnh vượng, đời sống sinh hoạt của nhân dân ngày một ấm no đầy đủ, sự quan tâm đối với trẻ thơ càng được chú trọng hơn. Các tổ chức cộng đồng, trong đó có Phật giáo đã thực thi chú trọng giảng dạy trẻ thơ học pháp và hành pháp trong sự hình thành nhân cách người Phật tử. Đây chính là chủ thể và cội nguồn cho Phật Giáo Việt Nam phát triển lâu dài và có kế thừa liên tục. Vì vậy, trách nhiệm của chư Tăng đối với việc giảng dạy giáo lý cho thiếu nhi hoặc gián tiếp thông qua các phụ huynh Phật tử, hay trực tiếp với một chương trình cụ thể là điều cần thiết.
Thích Phước Đạt
(theo phoquang.orgMƯỜI HAI YẾU TỐ SỐNG HẠNH PHÚC
Hạnh phúc là niềm mơ ước, niềm khoắc khoải muôn thuở của con người. Không ai sống trên quả địa cầu này lại không mang niềm ước mơ hạnh phúc. Bởi hạnh phúc là cái rất thân thiết mà con người không thể thiếu được. Nhưng hạnh phúc không phải là món quà do người khác ban tặng, mà hạnh phúc chính do sự tạo dựng của mỗi người. Vì vậy để có được một đời sống hạnh phúc thật sự đòi hỏi mỗi người phải có sự nỗ lực lớn, nhiều lúc cần vận dụng tất cả ý chí mới mong đạt được. Đồng cảm với những ưu tư, khoắc khoải đó của mỗi người, kinh Hạnh phúc Đức Phật đề cập đến mười hai yếu tố nhằm giúp con người sống hạnh phúc. Tìm hiểu và áp dụng các yếu tố này vào đời sống hằng ngày sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trên con đường kiến tạo hạnh phúc, an lạc.
* Yếu tố thứ nhất: Luôn luôn thành thật với chính mình.
Thành thật với chính mình là ý thức quay trở về để thấy rõ mình, nhìn nhận mình và bắt đầu cho một cuộc cách mạng tự thân. Có nghĩa là không tự dối gạt mình, không che dấu những tật xấu mình đang có mà luôn luôn mạnh dạn nhận lãnh những lỗi lầm của mình và quyết tâm sửa đổi. Chẳng hạn như ta là một người ích kỷ, không chân thật thì ta phải biết chấp nhận đó là những tánh xấu của ta và quyết tâm sửa đổi chứ không bào chửa biện minh. Thành thật với chính mình là yếu tố giúp chúng ta cải thiện không ngừng để trở thành một người hoàn thiện. Người có đức thành thật với chính mình tức sẽ tạo niềm tin yêu, kính mến người khác. Kinh Pháp Cú ghi : "Thành tín là bạn chí thân" chính là ý nghĩa này. Muốn có hạnh phúc thật sự bạn phải luôn luôn thành thật với chính mình.
* Yếu tố thứ hai: Biết hổ thẹn và ăn năn sửa đổi lỗi lầm.
Đã là người, là :"Nhân vô thập toàn", không ai không khỏi có những lỗi lầm. Nhưng điều cao quý và quan trọng là khi vấp phải một lỗi lầm nào liền phải biết hổ thẹn, ăn năn sửa đổi các lỗi lầm ấy. Hổ thẹn là yếu tố tâm lý thiện rất quý báu và rất cần thiết mà mỗi người cần luôn biết làm cho dấy khởi. Có những người vấp phải những lỗi lầm nhưng họ không biết hổ thẹn ăn năn, cho nên từ những lỗi lầm này kéo theo những lỗi lầm khác lần hồi sẽ đưa đẩy họ vào con đường đau khổ khôn nguôi. Làm điều lỗi lầm, xấu ác mà không biết hổ thẹn hối cải là người ác nhất và sẽ gánh chịu những hậu quả khổ đau nhất trên đời.
Ở đời người không tạo nên lỗi lầm rất là hiếm có. Họ là những vị Thánh sống. Đức Phật thường ca ngợi, tán thán những người có lỗi lầm, có ác ý làm việc ác nhưng sớm biết ăn năn hối cải. Biết hổ thẹn và hối cải lỗi lầm là hạt giống tốt, là một yếu tố cần thiết để làm nẩy nở hoa trái hạnh phúc. Biết hổ thẹn và ăn năn, sửa đổi lỗi lầm là điều rất quan trọng và rất khó làm, nhất là điều xấu ác ấy đã quá gắn chặt, và trở thành tập quán mà Duy Thức học gọi là "chủng tử" thì lại càng khó thay đổi. Cho nên để sửa đổi, hối cải những lỗi lầm không cho tái phạm trở lại đòi hỏi phải có một ý chí rất lớn, đôi lúc phải đem cả bản thể, sinh mệnh mới mong vượt thoát được.
Đừng bao giờ có tư tưởng rằng: "Đã lỡ rồi cho lỡ luôn", mà phải luôn biết dừng lại và cải hối tự thân để vươn lên. Phải nên nhớ rằng, không ai thương ta bằng chính ta cả. Vì vậy có đôi lúc cho dù người khác không chấp nhận sự ăn năn hối cải của mình, thì cũng đừng nên bận tâm, miễn là tự mình biết thắp sáng ý thức sửa đổi để làm lại cho tốt là đủ lắm rồi. Hãy nỗ lực để trở nên người hoàn thiện, là nguồn hạnh phúc cho chính mình, cho mọi người.
* Yếu tố thứ ba: Tin vào khả năng tốt của mình.
Đức tự tin là một đức tính vô cùng quý báu. Tin tưởng mình có khả năng tốt thì hẳn nhiên sẽ giúp mình làm nhiều điều tốt. Trong mỗi người đều có sẵn những đức tính tốt như tâm thương yêu, tâm hiểu biết, tâm vui tươi và tâm bao dung cởi mở. Những đức tính này rất quý báu, rất mầu nhiệm, nó có khả năng hóa giải được tâm giận hờn, tâm cố chấp, tâm âu lo, tâm ích kỷ và bảo thủ. Những hạt giống quý báu và mầu nhiệm ấy đang bị che phủ bởi những tập quán xấu, bất thiện như tham lam, giận dữ, si mê. Vì vậy, trong đời sống hằng ngày ta phải luôn định tỉnh, quán sát, theo dõi để loại trừ dần các tâm bất thiện và phát triển những hạt giống thiện. Cần phải luôn ý thức rằng những đức tính tốt là yếu tố đưa đến hạnh phúc, an lạc. Những đức tính xấu là yếu tố đưa đến đau khổ, bất an. Kinh Hoa nghiêm Đức Phật đã ngợi ca về khả năng tốt đẹp của con người khi nói: "Nhân thị tối thắng" là lời xác quyết hùng hồn làm cho chúng ta vững tin hơn. Hãy tin vào khả năng tốt của chính mình và hãy phát triển khả năng ấy để tạo dựng hạnh phúc cho chính mình và đồng loại.
* Yếu tố thứ tư: Quyết xa lánh bạn xấu ác.
Tục ngữ của dân tộc ta có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là một lời khuyên nhủ rất quan trọng mà ta phải hết sức cẩn thận. Trong cuộc đời, ta vẫn thường thấy sự thành công hay thất bại của một người thì phần nhiều nhờ yếu tố hoàn cảnh bên ngoài. Những người được gặp gỡ, gần gũi những bạn tốt, những bậc đại nhân thì quả là một may mắn rất lớn. Bởi những người bạn tốt thì luôn luôn khuyến khích, un đúc chí hướng thượng cho ta, giúp ta phát triển những đức tính tốt, ngăn ngừa không cho ta làm các điều xấu ác. Ngược lại, bạn xấu ác là những người trong lòng chứa nhiều điều bất thiện, tâm họ thường nghĩ điều ác, miệng nói lời ác và thân làm việc ác. Nếu thân cận với những kẻ ấy sớm muộn gì bạn cũng sẽ trở thành người xấu như họ. Lúc nào tâm ta chưa được tự chủ hoàn toàn, bản chất đời sống của ta chưa được thánh thiện thì xa lánh bạn xấu ác là cách hay nhất để không bị nhiễm các tánh xấu. Trong xã hội ngày nay, do đời sống vật chất bên ngoài tác động, nên không những tìm được người bạn tốt rất khó, mà tìm môi trường tốt để cho chúng ta sinh hoạt cũng rất hiếm. Vì vậy hãy quyết tâm xa lánh bạn xấu, xa lánh môi trường xấu và hãy chọn bạn lành để thân cận, nương tựa. Nếu không tìm được bạn tốt, thì thà làm bạn một mình chứ nhất quyết đừng làm bạn với kẻ xấu. Thân cận bạn lành và xa lánh bạn xấu là yếu tố quan trọng để hoàn thiện con người của chúng ta.
* Yếu tố thứ năm: Yêu thương đi đôi với trí tuệ và lòng chân thật.
Yêu thương là một loại tình cảm rất đẹp đẽ, cao quý mà bất cứ ai cũng có. Nhưng tình cảm ấy cần phải được nuôi dưỡng bằng trí tuệ và lòng chân thật thì mới được bền vững. Thương ai thì ta phải đem trí tuệ và lòng chân thật của ta để làm cho người đó được hạnh phúc. Cha mẹ thương yêu con phải để nhiều thì giờ săn sóc con, dạy bảo con bằng lời lẽ hiền dịu đúng đắn, bằng sự sống trong sạch và bằng tất cả tấm lòng chân thật của mình. Thương cha me, thương anh em, thương vợ chồng, thương thầy bạn cũng luôn đem tình thương trong sáng, tình chân thật ấy đối đải mới gọi là thương.Thương nếu không đi đôi với trí để soi chiếu, không đem lòng chân thật để đối đải lẫn nhau thì càng thương càng đưa đến xung đột, đau khổ và thù oán cho nhau. Cho nên thương phải luôn đi đôi với trí tuệ và lòng chân thật thì tình thương ấy mới được vẹn toàn vững bền.
* Yếu tố thứ sáu: Rèn luyện ý chí vượt thoát và không sợ hãi.
Sợ hãi là một tập quán cố hữu của con người. Sợ hãi nên thường né tránh sự thật, sợ hãi nên chạy trốn với chính mình, sợ hãi nên nói dối và cũng từ sợ hãi nên có thể gây tạo nên nhiều điều tội lỗi. Người thường ôm lòng sợ hãi sẽ không sống an ổn hạnh phúc và hướng thượng được. Muốn chấm dứt tâm lý sợ hãi phải rèn luyện ý chí vượt thoát những cố chấp thường tình. Phải rèn luyện sống đời sống chân chánh, tập nói sự thật, nhìn thẳng sự thật và sống với sự thật của chính mình. Hãy quyết không nói dối để được người thương, không nói dối để được lòng người, không nói dối để tránh trách nhiệm. Sợ mất uy tính, sợ cô đơn, sợ bị người coi thường, sợ chết chóc... Đó là căn bệnh trầm trọng của nhiều người. Luyện ý chí để vượt thoát qua sự sợ hãi đòi hỏi phải có một sự nỗ lực lớn. Quán về vô thường, về nhân quả sẽ giúp chúng ta thấy rõ được sự thật của các pháp, từ đó tâm được định tỉnh tự chủ.
*Yếu tố thứ bảy: Vun bồi và phát triển lòng từ bi.
Lòng từ bi là một loại tình cảm rất đặc sắc trong đạo Phật. Tình cảm này vượt ra ngoài tình yêu nam nữ, người thân. Chỉ thương người thân mình, bản thân mình là một thứ tình cảm đáng khuyến khích, nhưng loại tình cảm này nếu không được trau dồi và quán chiếu rộng lớn hơn thì dễ rơi vào đau khổ oan trái. Từ bi là lòng thương yêu bao trùm khắp tất cả, không phân biệt kẻ sơ, người thân, quốc gia, chủng tộc mà chỉ có lòng mong muốn đem an vui đến cho tất cả. Lòng từ bi là tâm trắc ẩn thương người, thương đời, thương cả muôn vật cỏ cây. Nhờ có tâm trắc ẩn thôi thúc mà phát tâm làm các điều lành cứu giúp người khốn khổ một cách bình đẳng. Vun bồi và phát triển lòng từ bi có nghĩa là vun bồi và phát triển nguồn an lạc và hạnh phúc của chính mình và người.
* Yếu tố thứ tám: Thường giữ lòng hoan hỷ.
Hoan hỷ là lòng luôn vui tươi, bao dung, cởi mở và nụ cười tươi mát luôn nở trên môi. Để có được lòng hoan hỷ thì trong tâm phải có đủ hai yếu tố là hiểu biết và thương yêu. Thương người vì hiểu hoàn cảnh của người, hiểu người để thương mà không có thành kiến, không bắt buộc người mình thương phải tùy thuận theo ý muốn của mình. Từ bỏ được lòng tham, lòng sân, tà kiến và cố chấp thì cõi lòng sẽ luôn tươi mát, tự tại, bình an và hoan hỷ. Thường quán chiếu để thấy được các pháp vốn là vô thường, giả ảo, duyên khởi thì tâm sẽ không bị vướng mắc, rồi từ đó ứng xử với mọi người theo tinh thần ấy thì sẽ giúp mình và người sống an lạc hoan hỷ. Thường giữ lòng hoan hỷ sẽ giúp ta lạc quan giữa bộn bề phiền toái của cuộc sống.
* Yếu tố thứ chín: Sống theo hạnh xả chấp.
Hành trình sống của con người cũng như một con thuyền ra khơi giữa sóng to gió lớn. Nếu không khéo lèo lái và trút bỏ những hành trang không cần thiết, thì chiếc tàu sẽ dễ bị chìm đắm. Cũng vậy, trong cuộc đời nếu chúng ta cứ ôm nắm, chấp giữ quá nhiều những giận hờn, trách móc, những bất như ý mà người khác vô tình hay cố ý đem đến cho ta thì ta sẽ khổ đau ray rứt mãi. Vì vậy muốn được an lạc hẳn nhiên chúng ta phải nỗ lực loại bỏ tất cả những chấp trước gây thương tích khổ đau cho mình. Hãy học hạnh xả chấp, yêu thương với tất cả ngay cả với những người đem đến điều bất hạnh cho mình. Sự sống là một dòng biến chuyển tiến hóa không ngừng. Kẻ cố chấp là người không bao giờ tiến bước lên phía trước được. Người xả chấp là người biết hòa mình vào dòng tiến hóa không ngừng.
* Yếu tố thứ mười: Nương theo pháp lành và sống chơn chánh.
Sống chân chánh và sống nương theo pháp lành là lý tưởng sống mà người Phật tử cố thực hiện theo. Người Phật tử phát nguyện nương theo Phật, nương theo giáo pháp, nương theo những vị xuất gia chân chánh là để trau dồi tâm ý và để sống đời sống hướng thượng thanh cao. Đó là nền tảng vững chắc của pháp lành, của hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc chân thật là hạnh phúc lâu dài, đem đến an vui cho mình và người trong hiện tại cũng như trong tương lai. Sống theo pháp lành chắc chắn sẽ có được nguồn hạnh phúc thật sự. Sống chân chánh là sống đúng theo chánh pháp, làm nghề nghiệp sinh sống một cách chân chánh. Tài sản kiếm được do công lao làm việc khó nhọc của mình, do tâm hồn và trí tuệ trong sạch phát kiến, do thừa kế sự nghiệp chứ không do sát sanh, trộm cướp hay bán thân mà có. Muốn có hạnh phúc thật sự phải nương theo pháp lành, để sống một đời sống chân chánh, lương thiện, cho dù vật chất có thiếu thốn đi nữa, nhưng tinh thần sẽ rất thanh thản, an vui.
* Yếu tố thứ mười một: Trau dồi thân tướng và giữ gìn sức khỏe
Một người có thân tướng tốt đẹp là do họ đã gây tạo nhiều nhân tốt, nó phát sinh từ tâm hồn đẹp và nhân cách cao quý. Có người có sắc diện đẹp, nhưng không có thân tướng sáng vì nhân cách thấp kém và tâm hồn không trong sạch. Một người có tướng dẹp, tướng sáng, tướng quý là do họ biết gieo trồng nhiều điều lành, tâm hồn rộng lượng, thành thật, nhân ái và chánh trực. Chính nhờ vậy nên họ luôn luôn là người có sức khỏe tốt và sống lâu. Cho nên để trau dồi, giữ gìn sức khỏe được thật tốt, ngoài việc luyện tập thân thể, ăn uống điều độ... còn có một cách tốt nhất đó là tránh không làm điều xấu ác và giữ tinh thần luôn được vui tươi, định tỉnh. Những tâm lý như buồn rầu, lo lắng, tức giận, ích kỷ... là những độc chất nguy hại đến sức khỏe và dung nhan của chúng ta rất mãnh liệt mà chúng ta cần nên loại bỏ.
* Yếu tố thứ mười hai: Sống hòa hợp với thiên nhiên.
Chưa có lúc nào con người cảm thấy môi trường sống của mình bị đe dọa như lúc này. Các nhà môi sinh đã kêu gọi các nước trên thế giới hãy cùng nhau bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách khẩn cấp. Cho thấy tầm quan trọng của thiên nhiên như thế nào. Nhờ thiên nhiên con người mới sống, hít thở được không khí trong lành, làm sạch buồng phổi và có tinh thần sảng khoái không bị căng thẳng. Đức Phật là hiện thân của một đời sống hòa hợp với thiên nhiên, cuộc đời Ngài luôn gắn liền với thiên nhiên, Ngài đản sanh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn đều ở giữa thiên nhiên với rừng cây bao bọc. Thiên nhiên là nguồn sống vô tận, có công năng nuôi dưỡng thân thể và sự sống của chúng ta. Ở xã hội Tây phương hiện nay, người ta đua nhau tìm về với thiên nhiên cũng vì lý do này. Sống hòa hợp và bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ hạnh phúc của chúng ta và của thế hệ sau này.
Trong thời đại khoa học điêïn toán hôm nay, nền khoa học kỷ nghệ đã đạt được những thành quả lớn lao nhưng không phải nhờ những thành quả này mà con người có được một đời sống hạnh phúc.
Con người vẫn còn đó những bế tắc về tâm lý, những ray rứt âu lo về tinh thần, những xung đột giữa các quốc gia, giữa con người và con người, giữa con người và môi trường sống. Chính vì vậy nên các phương pháp để giải tỏa những bế tắc của con người sẽ mãi hoài còn nguyên giá trị. Mười hai yếu tố gieo và trồng để tạo nguồn hạnh phúc như Đức Phật đã đề cập rất là cần thiết cho con người hôm nay trong công trình kiến tạo hạnh phúc chân thật. Áp dụng được các yếu tố này vào trong đời sống ngày nay thì chắc chắn con người sẽ sống tự tin hơn, thương yêu, bao dung và cởi mở với nhau hơn, là những điều mà thế giới hôm nay rất cần đến.
Thích Nhuận Hải
(Theo lien-hoa.net)
(Thanh Sơn trích dẫn Tuyển tập Uống nước nhớ nguồn của Võ Hồng và nhiều tác giả)
“Tình người như chim cùng ở trong một rừng
Hạn lớn đến thì mỗi con tự bay riêng”.