Một điểm rỗng rang thể vốn không, Muôn điều tạo hóa ấy cơ đồng.
Bao la thế giới ngoài trời đất,
Lặng ánh hàn quang cõi cõi trong.
Ở Thánh chẳng thêm phàm chẳng bớt,
Vuông tròn tùy món mặc dung thông.
Nghìn sông nước lắng trăng in bóng,
Hoa nở khắp nơi rực sắc hồng.
Âm :
Nhất điểm hư vô thể bổn không,
Vạn ban tạo hóa giá cơ đồng.
Bao la thế giới càn khôn ngoại,
Trạm tịch hàn quang sát hải trung.
Tại Thánh bất tăng phàm mạc giảm,
Phương viên tùy khí nhậm dung thông.
Thủy trừng nguyệt hiện thiên giang ấn,
Sắc ánh hoa khai đại địa hồng.
Trước khi học bài kệ Kiến Tánh tôi giải sơ về từ Kiến Tánh Thành Phật cho quí vị hiểu. Có nhiều người nghe nói kiến tánh thành Phật lầm cho rằng: Kiến tánh thì thành Phật, nên đâm ra hoang mang. Tại sao ngày xưa đức Phật tu hành khổ hạnh đến ba vô số kiếp mới thành Phật, ngày nay chúng ta tu kiến tánh là thành Phật liền ? Chữ kiến tánh với chữ thành Phật đi liền với nhau hay có một ẩn ý nào trong đó ? Nếu ngày nay chúng ta tu mà kiến tánh thành Phật liền thì trái với giáo lý của Phật. Vì trong Kinh có ghi, sau khi đức Phật Thích Ca ra đời ở thế giới Ta bà, này trải qua một thời gian thật lâu dài mới có đức Phật Di Lặc ra đời. Hiện tại Phật Di Lặc chưa ra đời, người tu Thiền nói kiến tánh liền thành Phật thì Phật ra đời nhiều lắm. Như vậy thì trái hẳn với giáo lý Phật dạy. Nếu chúng ta không hiểu tường tận ý này thì sẽ lúng túng.
Chữ Kiến tánh đây là nhận được tánh Phật của chính mình, tánh Phật là Phật nhân, nếu mình nhận được Phật nhân thì tương lai sẽ có Phật quả, nên nói thành Phật. Phật gọi tánh Phật đó là Phật nhân, hay nói cách khác là Phật pháp thân. Còn Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề hay trong hội Long hoa mai kia là Phật quả hay là Phật báo thân. Như vậy kiến tánh thành Phật là nhận ra Phật nhân, nhưng đến Phật quả thì phải còn nhiều đời nhiều kiếp tu nữa mới được thành, chớ không phải kiến tánh liền thành Phật. Nếu kiến tánh liền thành Phật thì chư Tổ gọi là Phật chớ đâu gọi là Tổ. Bây giờ chúng ta gọi Tổ Đạt Ma, Tổ Huệ Khả, chớ đâu gọi Phật Đạt Ma, Phật Huệ Khả... Như vậy các Ngài kiến tánh là nhận được Phật nhân, nhưng phải vô số kiếp tu hạnh Bồ-tát mới thành Phật quả. Hiểu như thế chúng ta mới không hoang mang về việc chư Tổ kiến tánh mà không thấy vị nào thành Phật. Tôi tạm ví dụ cho dễ hiểu: Người nông dân có một số lúa giống thì nhất định sẽ có lúa ăn. Sẽ có lúa chớ không phải có lúa ăn liền, vì có lúa giống còn phải cày cấy gieo mạ, bón phân,lúa ra bông, lúa chín rồi mới có lúa ăn. Như vậy người nông dân có lúa giống thì biết chắc rằng sẽ có lúa ăn, nếu người ấy siêng năng cày cấy đúng cách. Lúa giống ví dụ như Phật nhân, có Phật nhân thì sẽ có Phật quả, vì từ Phật nhân đến Phật quả, phải trải qua một thời gian khó nhọc tu hành, chớ không phải thành Phật liền trong hiện tại.
Như vậy nội dung quyển Kiến tánh thành Phật chỉ thẳng mọi người chúng ta có tánh Phật, người nhận được tánh Phật gọi là kiến tánh. Tại sao nói kiến tánh ? Nếu không khéo chúng ta lại mắc kẹt trên ngôn ngữ. Theo nghĩa thông thường kiến là thấy, như tôi thấy cây viết, thấy bình hoa, thấy đồng hồ v.v... nhưng tôi có thấy được con mắt, thấy được cái mặt của tôi không ? Con mắt cái mặt còn không thấy, huống là các bộ phận bên trong. Như vậy tánh Phật không thể dùng mắt thấy được mà sao đây nói kiến tánh ? Kiến tánh ở đây không phải thấy bằng mắt, mà chữ kiến dùng đây như chữ chánh kiến, tức là nhận định chân chánh, nên nhận được tánh Phật gọi là kiến tánh. Nhưng tại sao lại dùng chữ kiến ? Ví dụ tôi thấy cái hoa hồng này là màu đỏ, có người khác nói cái hoa hồng này màu trắng hay màu đen, tôi có chịu không ? Tôi thấy tận mắt cái hoa này màu đỏ thì dù có ai dùng bao nhiêu thứ lý luận cũng không thay đổi được cái thấy của tôi. Cũng vậy, khi chúng ta nhận được bản tánh của mình rồi không còn ngờ vực gì nữa, thì dù ai có dùng lý luận khác để lay chuyển cũng không được, đó gọi là kiến tánh.
Ngài Đại Mai Pháp Thường đến tham vấn Mã Tổ, Sư hỏi:
- Thế nào là Phật ?
Mã Tổ đáp:
- Tức tâm là Phật.
Ngay câu đó Ngài liền lãnh hội. Ngài về cất am ẩn tu ở núi Đại Mai.
Sau này Mã Tổ nghe Sư ở núi, bèn sai vị Tăng đến hỏi:
- Hòa thượng gặp Mã Tổ đã được cái gì về ẩn núi này ?
Sư đáp:
- Mã Tổ nói với tôi “tức tâm là Phật” tôi bèn đến ở núi này.
Vị Tăng:
- Gần đây Mã Tổ nói phi tâm phi Phật.
Sư đáp:
- Ông già lừa người chưa có ngày xong, mặc ông phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết “tức tâm là Phật”.
Vị Tăng về thuật lại với Mã Tổ, Mã Tổ tuyên bố giữa đại chúng: - Trái Mai đã chín.
Như vậy là chính ngài Đại Mai nghe Mã Tổ nói và Ngài đã nhận ra rồi, nên sau này Mã Tổ nói khác đi cũng không lay chuyển được niềm tin của Ngài. Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng, khi một người đã nhận được bản tánh của mình, lòng tin đã vững chắc rồi, dù có bao nhiêu ngôn ngữ lý luận nói khác đi cũng không làm cho người ấy lay chuyển đổi thay, đó gọi là kiến tánh. Kiến tánh là nhận ra tánh Phật chân thật của mình không còn ngờ vực gì nữa. Nên nhớ rằng kiến tánh không phải thấy bằng mắt, vì tánh Phật của mình con mắt không thể nhìn thấy được, mà chính cái nhận định của mình đúng đắn tường tận không nghi ngờ thì gọi là kiến tánh.
Như vậy bài kệ Kiến tánh là bài kệ nói về việc nhận ra bản tánh Phật:
Một điểm rỗng rang thể vốn không, muôn điều tạo hóa ấy cơ đồng. Nghĩa là nơi chúng ta ai ai cũng có một điểm sáng, nó không có hình tướng cho nên rỗng rang không giới hạn, thể của nó vốn không, nơi mọi người đồng nhau không khác. Những hiện tượng tạo hóa lập bày ở thế gian, đứng trên bản thể rỗng rang sáng suốt mà nhìn thì nó đồng nhau không khác.
Bao la thế giới ngoài trời đất, lặng ánh hàn quang cõi cõi trong. Người đời thường nói trời đất trùm cả muôn sự muôn vật, nhưng ở đây nói cái điểm rỗng rang hay Phật tánh của mỗi người trùm cả trời đất, chớ nó không ở trong trời đất cho nên nói “bao la thế giới ngoài trời đất”. Sát hải chỉ cho thế giới nhiều như biển cả, cũng không ngoài cái tánh rỗng rang của chính mình. Cái điểm sáng đó là ánh sáng mát mẻ soi khắp muôn cõi.
Ở Thánh chẳng thêm, phàm chẳng bớt, vuông tròn tùy món mặc dung thông. Điểm linh quang này ở Thánh chẳng thêm ở phàm chẳng bớt, nơi Bồ-tát cũng như nơi phàm phu cái tánh sáng đó cũng như vậy không tăng không giảm. Nhưng tại sao các Ngài thì sáng suốt thành Thánh còn chúng ta thì mê muội phàm phu ? Bởi vì các Ngài nhận được tánh sáng đó và hằng sống với nó nên thành Thánh, chúng ta thì có mà quên đi nên là phàm, chớ chẳng phải không có hoặc kém hơn các Ngài. Tánh giác thì dung thông không ngăn ngại, tùy theo món đồ vuông thì nó vuông, tròn thì nó tròn, tùy theo món đồ mà nó hội nhập. Món đồ là ví dụ, chớ sự thật thì tánh giác ở nơi trời, nơi người thì nó như trời như người, ở nơi con vật thì nó giống như con vật. Tùy hình tướng chúng sanh phàm phu thấp kém, hay Thánh hiền nó vẫn bao dung trong đó, nó không nhỏ lại hay lớn hơn mà dung thông, tùy theo nghiệp của chúng sanh mà ứng hiện.
Nghìn sông nước lắng, trăng in bóng, hoa nở khắp nơi rực sắc hồng. Một nghìn con sông mà nước lóng trong thì có một nghìn cái bóng trăng hiện. Nhưng dưới nước có nghìn mặt trăng mà trên chỉ có một mặt trăng. Như vậy mặt trăng là một mà bóng mặt trăng thì có cả nghìn cả muôn, để nói rằng pháp thân thì không hai mà ứng hóa thân thì vô số.
Giống như hoa nở nơi này nơi nọ, cũng chỉ một sắc hồng hoặc sắc trắng. Cũng vậy, pháp thân thì không hai mà ứng thân, hóa thân thì đầy khắp, mọi nơi đều có. Đó là nói về tánh giác. Tánh giác này có nhiều tên, có Kinh còn gọi là Phật tánh, nhà Thiền thì gọi là tánh, tánh này là tâm thanh tịnh bất sanh bất diệt chớ không có gì khác. Qua bài kệ này Ngài chỉ cho chúng ta biết ai cũng có sẵn tánh giác, chỉ tại chúng ta mê không chịu nhận mà thôi.
Hỏi: - Thế nào là Phật ?
Đáp: - Phật là tiếng Phạn ở Ấn Độ, Trung Hoa dịch là Giác. Giác tức là bản tánh linh giác. Song bản tánh linh giác này vốn chân thật rỗng rang và trong lặng (chơn không trạm tịch), tròn đồng với thái hư, nghiễm nhiên sáng rỡ, trùm khắp cả pháp giới. Bản tánh ấy, hay ứng cơ tiếp vật, nhướng mày chớp mắt, giơ tay dở chân, chỉ một thể tròn sáng, mà sáu căn vận dụng thì tánh giác này ứng hiện.
Hỏi thế nào là Phật ? Ở đây giải thích Phật là Giác, Giác là bản tánh linh giác của mỗi người, bản tánh ấy rỗng rang trong lặng... Đoạn này ngài Chân Nguyên chỉ thẳng không giấu giếm tí nào hết. Bản tánh đó ai cũng có nhưng làm sao biết được ? Ngài Chân Nguyên nói rõ: hay ứng cơ tiếp vật, hay nhướng mày chớp mắt, giơ tay dở chân đều gốc từ tánh linh giác mà ra. - Như vậy trong chúng ta ai cũng biết nhướng mày chớp mắt, đưa tay lên dở chân bước đi, là đã có tánh linh giác rồi. Tuy nhiên ai ai cũng có tánh linh giác nhưng ít ai dám nhận, người không dám nhận là thiếu, có mà không nhận thì coi như không có. Chúng ta biết ăn biết nói biết đi biết đứng là do có tánh linh giác, nhưng khi nói năng đi đứng chúng ta lại không nhớ tánh linh giác của mình, chỉ nhớ cái suy nghĩ tính toán thôi ! Nếu chúng ta đi từ đầu đường đến cuối đường, không một vọng niệm nghĩ suy dấy lên, thì lúc đó chúng ta đang sống với cái linh giác; vì có linh giác mới biết đi, nếu không, làm sao biết đi ? Thế mà chúng ta lại không chịu, khi đi mà trong đầu cứ lẩm nhẩm chuyện hôm qua hôm kia, tính toán đủ thứ chớ không nhớ mình đang đi. Nếu đi biết mình đang đi thì chúng ta thấy rõ ràng cái lăng xăng lộn xộn đó không thật, cái biết đi mới là thật. Thế mà chúng ta nhận cái lăng xăng lộn xộn, bỏ cái biết đi. Ngài Chân Nguyên lại nói thêm, sáu căn vận dụng thì tánh giác ứng hiện. Như vậy trong chúng ta ai nói rằng mình vô phần ? Nếu vô phần thì hết ăn hết nói hết cử động, đó là một điều hiển nhiên rõ ràng. Ngài tâm đắc Kinh Lăng Già, nên Ngài dẫn ra đây.
Vì vậy, trong Kinh Lăng Già quyển hai, Phật bảo Đại Huệ và các Bồ-tát rằng: “Pháp tánh không tịch, vốn không có ngôn thuyết. Ngôn thuyết đều do bốn thứ tướng vọng tưởng mà dấy lên”. Thế nào là bốn thứ vọng tưởng ? Phật bảo Đại Huệ: Một là tướng ngôn thuyết. Hai là mộng ngôn thuyết. Ba là quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết. Bốn là vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết.
Đoạn này Ngài dẫn Kinh lăng Già. Phật dạy rằng tánh linh giác vốn rỗng lặng không có ngôn thuyết, ngôn thuyết là do bốn thứ vọng tưởng dấy lên. Sau đây mới giải thích bốn thứ ngôn thuyết:
- Tướng ngôn thuyết, nghĩa là từ chính mình vọng tưởng chấp trước nơi sắc tướng mà sanh.
- Mộng ngôn thuyết, nghĩa là cảnh giới đã trải qua ở trước, rồi theo đó nhớ nghĩ lại mà sanh, từ khi thức dậy rồi, cảnh giới không tánh mà sanh.
- Quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết, nghĩa là do oán hận mà tạo nghiệp ở trước, theo đó nhớ nghĩ lại mà sanh.
- Vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết, nghĩa là từ chủng tử tập khí do lỗi chấp trước hư ngụy từ vô thủy mà sanh.
Nhân có bốn thứ tướng ngôn thuyết vọng tưởng mà sanh khua môi uốn lưỡi, rồi động đến hai mảnh da khiến phát ra lời nói. Nếu không có bốn thứ tướng vọng tưởng ngôn thuyết, tức là cội nguồn thường lạc ngã tịnh, một tánh tròn sáng, muôn đức đầy đủ.
1- Tướng ngôn thuyết: Sở dĩ chúng ta có nói năng là y cứ nơi sắc tướng mà phát ra ý nghĩ, do ý nghĩ rồi phát ra ngôn ngữ. Như vậy lời nói là do ý nghĩ tưởng tượng về hình sắc mà nói. Ví dụ nói người này đẹp, người kia xấu là căn cứ trên sắc tướng mình thấy rồi đặt ra từ ngữ xấu đẹp. Những sắc tướng khác cũng như thế, đều từ mắt thấy hình tướng, tâm khởi vọng tưởng, từ vọng tưởng khởi ra tướng ngôn thuyết.
2- Mộng ngôn thuyết: Có hai thứ: Một là những chuyện xảy ra tháng trước hay năm trước, bây giờ chúng ta ngồi tưởng tượng ôn lại rồi kể ra, cũng giống như chuyện trong mộng. Thế nên nói cảnh giới đã trải qua ở trước, rồi theo đó mới nghĩ lại mà sanh ra. Hai là chúng ta nằm mộng, như đêm hôm mộng thấy người vác cây rượt đánh mình, sáng dậy kể lại cho bà con nghe. Như vậy cảnh giới qua mất rồi bây giờ kể lại chỉ còn là tưởng tượng, nên nói là mộng ngôn thuyết. Cảnh giới chúng ta thấy hồi hôm, bây giờ thức dậy kể lại cho người khác nghe, cảnh giới ấy không còn nên nói cảnh giới không tánh mà sanh, không tánh là không có thật, vì khi thức dậy rồi cảnh ấy đâu còn.
3- Quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết: Quá là lỗi lầm, do chấp chặt những lỗi lầm đã tạo, khi nhớ lại rồi sanh ra ngôn thuyết. Ví dụ ngày hôm qua có ai chọc tức, mình cãi lộn với họ, chuyện đó qua rồi nhưng mình còn ấm ức trong lòng nên sanh ra oán hận. Do ôm sự oán hận trong lòng, nên vài hôm sau gặp lại người đó mình liền bực tức và nói ra những lời nặng nhẹ hoặc nhát gừng. Đó là do oán hận tạo nghiệp ở trước rồi theo đó nhớ nghĩ mà sanh ra. Hoặc có người đi đâu gặp ai làm gì phiền giận, khi về nhà thuật lại cho người thân nghe, đó cũng gọi là quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết.
4- Vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết: Nghĩa là ngôn thuyết theo cái tập khí cũ của mình. Ví dụ người tu, Phật dạy phải giữ oai nghi, nói nhẹ nhàng đi chậm rãi. Nhưng có người vào chùa tu vẫn quen thói cũ, nói thì nhanh, hoặc to tiếng gắt gỏng, đi thì vội vàng hấp tấp, lúc nào cũng như có việc gấp, đó là do tập khí cũ. Đáng lý người tu không có những cử chỉ hành động thô tháo, nhưng vì tập khí cũ chưa hết phải tu lâu nó mới tiêu mòn, chớ không phải mới tu là hết liền. Do đó chúng ta thấy có người tu đi đứng nghiêm trang, nói năng ôn hòa nhã nhặn chậm rãi, cũng có những người tu đi nhanh như chạy, nói nặng nề khó nghe, đó là do tập khí từ vô thủy vọng tưởng mà có.
Như vậy để thấy rằng vọng tưởng của chúng ta có nhiều loại, vọng tưởng của cái tưởng, vọng tưởng của cái mộng, vọng tưởng của những lỗi lầm, vọng tưởng từ vô thủy mà sanh ra ngôn thuyết.
Nhân có bốn thứ tướng ngôn thuyết vọng tưởng mà sanh ra lời nói. Nếu không có bốn thứ vọng tưởng ngôn thuyết tức là cội nguồn của Thường Lạc Ngã Tịnh, hay là cội nguồn của Niết-bàn. Như trước tôi nói nếu chúng ta đi trên đường, từ đầu đường đến cuối đường, trong tâm không có dấy một vọng tưởng nghĩ suy. Nhưng mắt vẫn thấy tai vẫn nghe, mũi vẫn thở, thân vẫn cảm giác gió mát, chân bước đi đều đều, đó là chúng ta đang sống với tánh giác, đang hưởng Niết-bàn hiện tại. Nhưng chúng ta không chịu như thế, cứ tưởng tượng suy tư nên tâm lúc nào cũng bất an. Như vậy tu dễ hay khó ? Đi một cây số chúng ta không nghĩ gì hết, cứ sống an nhiên với trời đất là chúng ta đang ở tại Niết-bàn. Rất dễ tại sao chúng ta không chịu ? Đi một cây số đường tâm an nhiên không khởi vọng tưởng an nhiên là Thường, tâm an nhiên thì mặt mình vui là Lạc, đang sống với cái biết hiện hữu của mình là Ngã, tâm không dấy động là Tịnh. Như vậy trên một cây số đường có Thường Lạc Ngã Tịnh, nếu chúng ta đi hai ba chục cây số mà không vọng tưởng thì cũng đang sống ở Niết-bàn. Giả sử, đi cả ngày thì cũng ở trong Niết-bàn cả ngày. Đi giữa thế gian trần tục đầy khổ lụy mà vẫn ở trong Thường Lạc Ngã Tịnh của Niết-bàn đâu khó. Song, đi mà tâm lo nghĩ đủ điều chắc chắn là bất an, dù đang đi trong chốn già lam thanh tịnh. Nói rộng ra, bất cứ chúng ta làm việc gì như nhổ cỏ nấu cơm... mà tâm thanh tịnh là đang ở Niết-bàn. Nhưng có nhiều người than rằng khi nấu cơm phải tính nấu món này món kia, làm sao không vọng tưởng ? Cuốc đất nhổ cỏ thì dễ chớ nấu cơm hơi khó hơn. Theo tôi thì không khó, trước khi nấu cơm quí vị bỏ ra năm mười phút, tính bữa nay nấu món gì rồi ghi vào tờ giấy để trên bàn. Chúng ta cứ theo thứ tự mà làm, thì trong khi làm tâm vẫn thanh tịnh. Tại chúng ta có thói quen vừa làm vừa nghĩ tính liên miên, không bao giờ để cái đầu trống, cho nên bị bất an hoài. Như vậy người tu Thiền có Niết-bàn ngay trong sanh tử, chớ không tìm kiếm ở đâu xa, chỉ cần buông vọng tưởng, làm cái gì biết cái đó, đừng cho vọng tưởng khởi thì cả ngày sống trong Niết-bàn. Và, người ta gọi cõi Ta bà khổ, trái lại chúng ta gọi Ta bà vui.
Tôi thấy cái khổ không thật mà nhiều khi chúng ta lại cố tình tạo ra. Như có người được tin ở Thành phố thân nhân nhắn về, nếu nghe như thế mà không thêm một ý nghĩ nào khác thì không khổ sở bất an. Nhưng chợt nghĩ có lẽ ba má mình bị bệnh, hay gia đình có điều gì quan trọng xảy ra, tự khởi lên một chục thứ có lẽ thì tâm lo lắng bất an, đêm nằm lăn qua trở lại không ngủ được. Như vậy cái khổ đó từ đâu tới ? Chẳng phải từ người nhắn tin làm cho ta khổ, mà khổ là tại mình đa sự vọng tưởng đủ điều. Lại nữa, giả sử có người thân đi đâu hẹn chúa nhật về, nhưng không đúng hẹn, thì bắt đầu trông ngóng, đặt vấn đề; người thân đi đường bị tai nạn, bị bệnh, bị mất tiền... có nhiều vấn đề như thế đầu óc chúng ta thảnh thơi không ? Không thảnh thơi là bắt đầu khổ. Cái khổ đó do ai tạo ? Tại người về trễ tạo hay tại chúng ta ? Nhiều khi người đi ra đường phải giải quyết bao chuyện rắc rối, khó khăn nên về trễ. Đã về trễ lại bị người thân rầy rà, cằn nhằn, do đó sanh chuyện vui buồn với nhau. Lý đáng người thân về trễ chúng ta để cho họ nghỉ ngơi rồi từ từ hỏi lý do, sau đó họ kể lý do cho nghe thì đâu có chuyện gì xảy ra. Con người thường tự tạo cho mình cái khổ, khổ là do vọng tưởng làm mình khổ chớ không ai khác làm cả. Như vậy để thấy rằng những nỗi khổ không phải tự có mà do mình vọng tưởng gây ra. Nếu chúng ta đi đâu, làm việc gì mà không vọng tưởng là đang sống trong Niết-bàn khỏi cầu về Cực lạc; ở ngay cõi Ta bà mà không vọng tưởng thì không khổ đau. Do đó Niết-bàn hay Cực lạc ở ngay thế gian này chớ không ở đâu xa.
Lại Phần Giải Ký nói: Đây là tướng ngôn thuyết vọng tưởng. Nghĩa là vọng thấy hình dáng nam nữ, thân thể, vẻ mặt, thanh sắc tốt xấu, và tất cả của cải, đồ đạc, mọi tướng đẹp xấu v.v... vọng khởi phân biệt mà có ngôn thuyết, gọi là tướng ngôn thuyết. Lại nhân mộng thấy cảnh giới đã trải qua ở trước, sau khi tỉnh dậy nhớ nghĩ lại, vọng chấp phân biệt việc lành dữ, tốt xấu, hơn kém,... gọi là mộng ngôn thuyết. Song do nhớ nghĩ mình người, oán thân, yêu ghét, lấy bỏ ở trước mà tạo thành nghiệp, rồi vọng sanh phân biệt mà có ngôn thuyết, gọi là quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết. Hoặc từ vô thủy đến nay, thức thứ tám gồm chứa tự tướng hí luận, chủng tử tập khí, kích thích mạnh mẽ nên sanh phân biệt, gọi là vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết. Tất cả ngôn thuyết chẳng ra ngoài bốn thứ này. Do vọng tưởng làm nhân cho ngôn thuyết, nên lìa ngoài bốn thứ này thì không có nói năng, không chỗ nói năng, tức là chân thật đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế tức là chân không vô tướng, tròn đồng thái hư, lặng lẽ vô sanh.
Đoạn này Ngài dẫn phần Giải Ký của Kinh Lăng Già giải rộng về bốn thứ ngôn thuyết.
Tướng ngôn thuyết vọng tưởng là do đối duyên xúc cảnh hiện tại như thấy hình dáng nam nữ, vẻ mặt thanh sắc... tất cả hình tướng tốt xấu khởi phân biệt mà có ngôn thuyết. Mộng tưởng ngôn thuyết là thấy cảnh trong giấc mơ, sau đó thức dậy nhớ nghĩ vọng chấp phân biệt lành dữ tốt xấu rồi nói ra. Quá vọng tưởng kế trước ngôn thuyết là do thương ghét buồn giận tạo thành nghiệp. Thành nghiệp rồi suy nghĩ phân biệt nói ra theo nghiệp mình đã tạo. Vô thủy vọng tưởng ngôn thuyết là do từ vô thủy thức thứ tám chứa tự tướng hí luận, tức là chứa chấp những hí luận có tính cách đùa cợt không đúng chân lý, không đúng chánh pháp, thành chủng tử tập khí, từ chủng tử tập khí kích thích mạnh mẽ phát ra ngôn thuyết. Như vậy chúng ta nói năng là do căn cứ trên bốn điều này. Một là căn cứ trên sắc tướng thấy nghe hiện tại, hai là căn cứ trên cảnh trong mộng, ba là căn cứ trên lỗi lầm đã tạo, bốn là căn cứ trên những tích lũy ở trong tàng thức từ vô thủy mà phát ra ngôn thuyết. Tóm lại tất cả ngôn thuyết là do những phân biệt suy tính của hiện tại, quá khứ và những điều chứa chấp ở trong nội tâm mà phát ra, nên nói tất cả ngôn thuyết chẳng ngoài bốn thứ này. Như vậy vọng tưởng làm nhân cho ngôn thuyết, nếu không vọng tưởng thì không có ngôn thuyết (nói năng), đó là chân thật đệ nhất nghĩa đế. Đệ nhất nghĩa đế là chân không tức là chỉ cho tánh linh giác của chúng ta. Nếu chúng ta không vọng tưởng là đang sống với tánh linh giác của chính mình, có đầy đủ bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Niết-bàn như trước đã nói.
Như vậy ở đây đã chỉ rõ cái gốc sanh ra vọng tưởng, chúng ta biết tu thì phải buông xả vọng tưởng, tiêu ma nó, không chạy theo nó, dần dần đi đứng nằm ngồi hằng sống với cái bất sanh bất diệt sẵn có của mình.
Bấy giờ ngài Đại Huệ và các Bồ-tát đem nghĩa này hỏi Thế Tôn: Ngưỡng mong Thế Tôn nói thêm về cảnh giới do ngôn ngữ vọng tưởng hiện ra. Thế nào là chỗ nhân duyên chúng sanh vọng tưởng mà có ngôn thuyết sanh ?
Phật bảo ngài Đại Huệ và các Bồ-tát: Nghĩa là từ tám chỗ: đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, lợi, răng hòa hợp mà phát ra tướng âm thanh ngôn thuyết.
Lại Phần Giải Ký nói: Đây là chỉ bày tướng ngôn ngữ âm thanh. Nghĩa là ngôn ngữ của chúng sanh phát ra, do bốn thứ vọng tưởng trước làm nhân và tám thứ đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, lợi, răng ở sau làm duyên, nên có ngôn thuyết.
Ngài Đại Huệ và các Bồ-tát bạch Phật hỏi thêm về chỗ phát xuất ra ngôn ngữ vọng tưởng. Tại sao vọng tưởng phát ra ngôn ngữ, ngôn ngữ nó phát ra bằng cách nào ? Đức Phật trả lời là ngôn ngữ phát ra từ tám chỗ: đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, lợi, răng. Trong tám cái này thiếu một cái thì không có ngôn thuyết, nhất là thiếu cái đầu, không có đầu thì không có miệng lấy gì nói năng ? Phần Giải Ký nói bốn thứ vọng tưởng làm nhân, tám thứ đầu, ngực v.v...làm duyên nên sanh ra ngôn thuyết.
Nhưng theo Lão Tử thì nói: “Trong khoảng trời đất, giống như ống bể lò rèn, rỗng mà chẳng cong, động thì càng phát ra”. Đây là nghĩa vọng tưởng duyên khí, gió thức thổi động, vô cớ mà phát ra. Hiện thấy ở thế gian, trong việc ứng dụng hằng ngày, một niệm vọng khởi thì ba nghiệp khắp dấy lên, mười điều ác hăng làm thì tám gió thổi bay, nói năng kia đây trùng trùng điệp điệp.
Để rõ thêm ý nghĩa vọng tưởng duyên khí Ngài dẫn lời Lão Tử nói trong Đạo Đức Kinh.
Kế đến Ngài nói trong việc ứng xử hằng ngày, hễ một niệm thương ghét sân si dấy lên thì ba nghiệp đều dấy lên. Một niệm tốt khởi thì ba nghiệp đều tốt, một niệm xấu khởi thì ba nghiệp đều xấu, ba nghiệp xấu thì mười điều ác hằng làm, mười điều ác hằng làm thì tám gió thổi bay (tám gió: lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc) khi đó nói năng kia đây trùng trùng điệp điệp. Tóm lại, động cơ sanh ra nghiệp là vọng tưởng, hễ một niệm khởi thì ba nghiệp tạo nghiệp thiện hoặc nghiệp ác, khi tạo nghiệp rồi thì tám gió thổi rung rinh và đủ thứ phiền phức xảy ra sau đó.
Xét theo đó thì biết, tướng ngôn ngữ ở trong cõi chúng sanh là từ bốn thứ vọng tưởng mà sanh, rồi kia đây sân si cũng từ ngôn thuyết như thế.
Đến như thần thông của Phật, thì lời nói tợ âm thanh tiếng trống trời, ngay thẳng từ bi, vi diệu hòa nhã. Ngài diễn nói pháp có sáu mươi bốn thứ tiếng Phạm âm, vang xa khắp cả mười phương, mọi chúng sanh đều vui thích, nghe tiếng ngộ đạo, đồng được giải thoát, tức chẳng phải lời nói từ bốn thứ vọng tưởng.
Ngài nói rằng xét theo trên để biết tất cả ngôn ngữ trong thế gian, đều do bốn thứ vọng tưởng mà sanh ra, cho đến thương ghét hay sân si cũng từ vọng tưởng mà ra không có gì thật cả. Tuy nhiên, nói tất cả ngôn ngữ từ vọng tưởng sanh ra, vậy đức Phật thuyết pháp cũng từ vọng tưởng sanh ra sao ? Đây đáp rằng, lời Phật giảng dạy không phải từ bốn thứ vọng tưởng, mà tiếng nói đó phát xuất từ tâm từ bi ngay thẳng đã thấy được chân lý, đã sống đúng chánh pháp mà phát sanh, nên nói tiếng Phật thuyết pháp âm thanh vang xa như tiếng trống trời, tiếng nói đó phát xuất từ tâm ngay thẳng từ bi, nên mọi chúng sanh nghe đều được ngộ đạo giải thoát.
Phật bảo ngài Đại Huệ: Không tánh mà làm thành ngôn thuyết. Nghĩa là như lông rùa sừng thỏ..., thế gian hiện thành ngôn thuyết. Đại Huệ ! Chẳng phải tánh, chẳng phải phi tánh, chỉ có ngôn thuyết thôi. Như điều ông nói, ngôn thuyết có tánh, có tất cả tánh, luận ông ắt hoại.
Phần Ký nói: “Đây là nói các pháp tuy không, mà chẳng ngại ngôn thuyết”.
Đoạn này Phật bảo ngài Đại Huệ: Không tánh mà làm thành ngôn thuyết, nghĩa là ngôn thuyết người nói ra không có thực thể. Phật ví dụ như lông rùa sừng thỏ. Rùa không có lông, thỏ không có sừng, vậy mà người ta đặt điều nói đây là lông rùa kia là sừng thỏ, đem ra nói với nhau, như những chuyện không đâu cộng thêm những câu nói vô nghĩa mà người ta vẫn đặt thành câu nói. Những câu nói như vậy không có thực thể, chẳng qua là người ta tưởng tượng đặt ra, cho nên nói ngôn thuyết không có tự tánh, tức là không cố định. Nếu cho rằng ngôn thuyết có thực thể thì lý luận ấy ắt hoại, vì đó là luận lý không đúng lẽ thật. Nên đoạn kế Phần Ký nói tuy nói các pháp không mà chẳng ngại ngôn thuyết.
Đời Đường lại dịch là: “Tuy không các pháp, mà cũng có ngôn thuyết. Đâu chẳng hiện thấy lông rùa, sừng thỏ, con của người thạch nữ v.v..., ở trong đó người đời đều khởi ra ngôn thuyết. Nó chẳng phải có chẳng phải không, mà chỉ có ngôn thuyết thôi. Như điều ông nói, vì có ngôn thuyết nên có các pháp, nếu không có các pháp thì không có ngôn thuyết. Hiện nay sừng thỏ... tuy không có mà chẳng ngại có lời nói. Xét theo đó thì nghĩa của ông chẳng thành”. Vì vậy nói luận của ông ắt hoại, tỏ ngộ các pháp vốn không, do duyên tụ hội mà sanh. Đã do duyên hội mà sanh, thì sanh vốn không, dù nói nhân nơi duyên kia sanh, cũng là giả danh. Đây là pháp tánh vô sanh, ngôn từ cùng lặng, năng sở đều quên, trong lặng thường trụ, không có lời nói.
Tuy không các pháp mà cũng có ngôn thuyết như lông rùa sừng thỏ, con của người thạch nữ; đó là những chuyện không có mà người ta tưởng tượng nói ra. Như vậy những cái không có mà người đời họ cũng nói được chớ không phải đợi có họ mới nói. Đó chỉ là ngôn thuyết đặt ra chớ không phải sự thật. Kế đến là đức Phật bác lý luận của ngài Đại Huệ. Vì theo ngài Đại Huệ thì có các pháp thật nên có ngôn thuyết. Như có cái bàn, người ta mới kêu tên cái bàn, có cái hoa hồng người ta mới nói tên hoa hồng. Nhưng Phật bảo rằng xét như thế thì nghĩa của ngài Đại Huệ không thành, vì như lông rùa sừng thỏ, con của người thạch nữ, không có mà vẫn có ngôn thuyết vậy.
Tóm lại, tất cả pháp tánh nó là vô sanh, nhưng người đời tùy theo nhân duyên mà đặt tên cho nó, nên có tên gọi, có ngôn ngữ nói năng... chớ không có thật. Đến chỗ tất cả ngôn từ lặng, năng sở quên thì trở về chỗ thường trụ, tịch tĩnh không còn ngôn ngữ.
Thế nên đức Thích Ca Thế Tôn lên pháp tòa, tự tại không lời, im lặng giây lâu, chính là yếu chỉ trên đây. Đại sư Đạt-ma chín năm ngó vách, ngồi nghiêm trang không nói, cũng đúng như lý này. Người trí quán sâu liền chứng nơi chân thật không tịch. Do đó, thế ngàn non đến đỉnh thì dừng, muôn sự tiêu về thể thì bình.
Như chúng ta đã biết tất cả ngôn ngữ nhân nơi vọng tưởng mà sanh, hay vọng tưởng là cái nhân sanh ra ngôn ngữ, song vọng tưởng không thật nên ngôn ngữ cũng không thật. Như vậy muốn chỉ cái chân thật không cần ngôn ngữ, cho nên đoạn này nói đức Thế Tôn lên pháp tòa tự tại không lời, im lặng giây lâu rồi cầm cành hoa đưa lên, ngài Ca-diếp nhìn mỉm cười. Xong ! Không có lời nào mà Phật đã chỉ cái chân thật. Cái chân thật là cái không lời, có lời thì không thật. Sau đây dẫn thêm Tổ Bồ-đề-đạt-ma chín năm ngồi xây mặt vào vách không nói là nhằm ý này. Như vậy để thấy rằng chỗ cứu cánh chân thật thì không có lời nói, vì lời nói là từ vọng tưởng hư dối. Người trí quán sâu chỗ này liền chứng được chỗ chân thật không tịch. Như ngàn cái núi mà lên đến đỉnh thì hết lối đi, muôn sự vật ở thế gian trở về thể thì bình đẳng như nhau.
Thế Tôn lại bảo ngài Đại Huệ và các Bồ-tát: “Chẳng phải tất cả cõi nước đều có dùng ngôn thuyết. Ngôn thuyết là Như Lai tùy theo chúng sanh ở cõi Ta bà. Bởi giáo thể ở phương này dùng âm thanh và nghe, nên giả tạm làm ra văn tự,ï chương cú, ngôn từ thì kinh giáo mới được an lập. Ngoài ra những thế giới của chư Phật khác, thì diệu lý của Phật pháp chẳng liên quan đến văn tự, chẳng dùng ngôn thuyết. Hoặc có cõi Phật dùng mắt nhìn xem mà hiển bày tỏ ngộ pháp tánh. Hoặc có cõi làm ra tướng, hoặc có cõi nhướng mày, hoặc có cõi chớp mắt, hoặc có cõi mỉm cười, hoặc có cõi hơi há miệng, hoặc cõi cười nói, hoặc cõi nhớ nghĩ cõi nước, hoặc cõi lay động... dùng những pháp như thế mà bày cơ lộ tánh, thảy đều là Phật sự, tiếp hóa chúng sanh”.
Đức Phật lại bảo ngài Đại Huệ rằng chẳng phải tất cả cõi nước đều dùng ngôn thuyết, mà tùy theo cách giáo hóa của mỗi nơi mà dùng hay không dùng. Như cõi Ta bà của chúng ta vì dùng âm thanh và nghe âm thanh nên mới dùng ngôn thuyết để nghe mà ngộ đạo. Còn các cõi khác thì dùng phương tiện khác như nhướng mày, chớp mắt, há miệng, cười nói v.v... không cố định. Tất cả đều là bày cơ lộ tánh thảy đều là Phật sự để giáo hóa chúng sanh.
Đời Đường lại dịch: “Hoặc có cõi Phật trừng mắt nhìn mà hiển bày pháp, hoặc cõi hiện tướng khác, hoặc nhướng mày hoặc chớp mắt, hoặc hiện mỉm cuời, hoặc hơi há miệng, cười nói nhớ nghĩ, lay động... dùng những việc như thế mà hiển bày pháp, khiến mọi quần sanh tỏ ngộ bản tánh.”
Đoạn này nói thêm để hiểu được ý ở trước.
Phật lại bảo Bồ-tát Đại Huệ: “Hãy xem thế giới này những loài chúng sanh như ruồi, muỗi, trùng, kiến v.v... không có ngôn thuyết mà đều làm xong việc, đâu đợi có ngôn thuyết mới hiển bày pháp ư ?”
Điều đó chứng tỏ, chẳng những các pháp không tánh, hơn nữa ngôn ngữ cũng tánh không. Nghĩa là tướng các pháp vốn tịch diệt, chẳng thể dùng lời nói tỏ bày. Phật Tổ từ trước đến chỗ cùng cực, chỉ bốn mắt nhìn nhau, im lặng ấn chứng. Đạo vô ngôn được truyền ra, bắt nguồn từ chỗ thấy như trên. Vì vậy, ngài Lâm Tế, Đức Sơn gậy hét truyền dạy. Ngưỡng Sơn tướng tròn, Thạch Củng giương cung, Đạo Ngô múa hốt... Các vị Tổ Sư đều cùng chung chứng đến chỗ sâu xa. Đây là chánh định lìa lời nói. Nghĩa là núi sông quả đất chung chuyển pháp luân căn bản, loài vảy, mai, lông, cánh khắp hiện sắc thân Tam-muội. Thế nên trong chỗ thường dùng hằng ngày của chúng sanh, thì cửa sáu căn đều là chỗ nhập lý ngộ đạo, đâu hoàn toàn phải đợi ngôn thuyết ! Nên đức Thế Tôn đưa cành hoa chỉ cho chúng, ngài Ca-diếp khế hội tâm Phật mỉm cười. Phật trước Phật sau chỉ dùng tâm truyền tâm, chẳng lập văn tự.
Qua đoạn này chúng ta thấy rằng không phải chỉ có ngôn thuyết mới truyền đạo, mới thấu suốt bản tâm mà chính là những hành động, vì tất cả hành động hiển bày được tâm. Hơn nữa ngôn thuyết là phát nguồn từ vọng tưởng mà vọng tưởng là cái nghĩ suy phân biệt không thật, nó không phải tâm thể chân thật, nó không phải là linh giác mà tất cả những hành động như nhướng mày chớp mắt, cử động tay chân... cái nào cũng có hàm ẩn linh giác. Do có linh giác nên mọi hoạt động mới sanh khởi, mà linh giác là tâm. Thế mà lâu nay hễ nói tới tâm là chúng ta nhận cái suy nghĩ là tâm. Song, nhướng mày chớp mắt, co tay duỗi chân nếu không có tâm thì mấy cái đó làm sao hoạt động ? Như vậy, tâm là cái biết trùm hết cơ thể này, con người này, chớ không phải chỉ có cái suy nghĩ. Cái suy nghĩ chỉ là vọng tưởng không thật. Như vậy cái chân thật hiển lộ ở nơi sáu căn, chớ không phải chỉ ở ý căn. Do đó dùng phương tiện nào của sáu căn cũng có thể chỉ bày cái chân thật. Cho nên một tiếng hét, một cái đánh, bốn mắt nhìn nhau đều hiển bày cái chân thật. Không phải kêu lại bảo: Tôi cho ông cái này, giảng nói điều kia, mới là chỉ cái chân thật, mà cái chân thật hiện sẵn ở các giác quan của chính mình. Hiểu như thế mới thấy trọng tâm của Phật của nhà Thiền là, trước sau chẳng lập văn tự dùng tâm ấn tâm.
Hỏi: - Nếu chẳng lập văn tự, lấy gì làm tâm ?
Đáp: - Ông hỏi tôi tức đó là tâm ông. Tôi đáp ông, tức là tâm tôi. Nếu ông không tâm, nhân đâu biết hỏi tôi ? Nếu tôi không tâm, nhân đâu biết đáp ông ? Chính ngay khi ông hỏi tôi, tức là tâm ông. Tâm này từ vô thủy kiếp cho đến hiện giờ, mọi hành động, tạo tác, ở trong tất cả thời cũng như ngay đây, đối diện hiện dùng, tùy cơ thu buông, đối đãi thưa hỏi, chẳng phải tánh là gì ? Cái gì thưa hỏi đây ? Nói năng đó là cái gì ? Cái gì hay biết hỏi ? Đây chính là tánh linh giác căn bản nơi chính mình của mọi người. Tánh tức là tâm, tâm tức là Phật, Phật tức là đạo, đạo tức là Thiền. Thiền nghĩa là kiến tánh. Vì vậy đưa cành hoa mỉm cười, hội được tông yếu đó là Thiền. Bốn mắt nhìn nhau, lãnh nhận ý chỉ, đó là Thiền. Thiền là lặng lẽ, lặng lẽ nhưng thường soi sáng, soi sáng nhưng thường lặng lẽ, thanh tịnh trong lặng nhiệm mầu, tròn đồng thái hư, trọn không một vật, ứng dụng tự tại; thể tự không tịch, gọi đó là Thiền, gọi đó là Giác.
Đoạn này Ngài chỉ rất là tường tận chúng ta phải khéo nhận ra để khỏi cô phụ Ngài.
Hỏi: Nếu chẳng lập văn tự lấy gì làm tâm. Đáp rằng: Ông hỏi, tôi đáp, tức là có tâm rồi. Thật vậy, nếu không có tâm làm sao biết hỏi, nếu không có tâm làm sao biết đáp. Biết hỏi biết đáp đó là tâm, cần gì văn tự !
Ngài Huệ Hải đến tham vấn Mã Tổ. Mã Tổ hỏi:
- Đến cầu việc gì ?
- Đến cầu Phật pháp.
- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì.
- Thế nào là kho báu nhà mình !
- Chính cái ông hỏi ta đó.
Chính cái hỏi đó là kho báu, nó sẵn đó chớ có tìm kiếm đâu xa. Vậy có ai trong chúng ta mà không biết hỏi đáp; dù hỏi đáp cái gì. Hễ biết hỏi đáp là có tâm, là có kho báu rồi. Vậy chúng ta tìm kiếm tâm ở đâu, trèo non vượt núi để kiếm tìm Phật tâm của mình phải không ? Nó sờ sờ ở sáu căn, tìm kiếm làm gì ? Đọc đoạn này chúng ta thấy ngài Chân Nguyên thật là tâm Lão bà, nói hết những gì cần nói để cảnh tỉnh mọi người. Ngài nói từ thuở nào đến giờ mọi hành động tạo tác như hỏi đáp, thu vào buông ra, tất cả mọi động dụng nói năng đều là tâm tánh của chính mình. Tánh là tâm, tâm là Phật, Phật là đạo, đạo là Thiền. Tánh Phật Đạo Thiền ngay nơi mình sẵn đủ. Nhưng nói tới Thiền là nói tới kiến tánh. Kiến tánh là nhận được bản tánh của chính mình. Như Phật đưa cành hoa sen ngài Ca-diếp nhìn mỉm cười, đó là nhận tâm yếu, là kiến tánh, là Thiền. Thầy trò nhìn nhau cảm thông đó là Thiền. Như vậy nhận được bản tâm là ngộ lý Thiền, là nhận ra cái chân tâm của mình, từ chân tâm đó phát ra ngôn ngữ, phát ra thưa hỏi, phát ra hành động. Nếu chúng ta nói năng hành động mà đừng chạy theo vọng tưởng là chúng ta biết trở về với Thiền, ngộ được lý Thiền.
Do tâm thường giác nên gọi Đại Giác Thế Tôn, cũng gọi Giác Vương Như Lai hay gọi là chủ hư không. Tức tâm là Phật, trọn không có Phật khác. Tức Phật là tánh, trọn không có tánh khác. Như nắm tay làm thành do bàn tay, tợ nước thành sóng. Sóng tức là nước, bàn tay tức là nắm tay.
Do tâm thường giác, nên gọi Đại Giác Thế Tôn tức là Phật, cũng gọi là ông vua Giác, cũng gọi là chủ hư không, vì hư không trùm hết mà tâm thể này trùm cả hư không, cho nên gọi là chủ hư không. Chính cái tâm này là Phật không có ông Phật nào khác. Nhưng nhớ tâm đó không phải tâm vọng tưởng, nếu vọng tưởng là tâm chúng sanh. Vậy quí vị muốn thành Phật hay muốn làm chúng sanh ? Chúng sanh thì mê, Phật thì giác đều ở nơi tâm mình chớ không ở đâu khác. Kiểm lại coi nơi mình cái gì là tâm mê ? Cái gì là tâm giác ? Vọng tưởng là tâm mê, cái biết hiện tiền không dấy vọng tưởng là tâm giác. Chúng ta tu là bỏ vọng tưởng để sống với cái biết hiện tiền thanh tịnh. Vậy tu Thiền là bỏ mê sống với giác chớ không có gì lạ hết. Hiểu rồi chúng ta thấy rõ ràng trước mắt, chớ không phải chuyện xa lạ. Ở đây Ngài nói tức tâm là Phật, tức tâm là tánh, cho nên ba từ: Tâm, Tánh, Phật tên gọi tuy khác nhưng không phải khác. Cả ba đều chỉ cho thể chân thật. Ngài đưa ra ví dụ, sở dĩ có nắm tay là do bàn tay co lại, bỏ bàn tay không có nắm tay. Hoặc, sóng từ nước mà có, rời nước tìm sóng không có. Bàn tay là cái gốc, là cái thể, nắm tay là ngọn, là cái dụng. Cũng vậy nước là thể, sóng là dụng, tất cả cái dụng không rời cái thể mà có. Như vậy mọi cái nghĩ suy phân biệt đều từ cái thể linh giác mà ra, song phải buông hết vọng tưởng mới trở về với tánh linh giác.
Nên Kinh Hoa Nghiêm nói:
Nếu người muốn rõ biết,
Ba đời tất cả Phật.
Nên quán tánh pháp giới,
Tất cả chỉ tâm tạo.
Âm :
Nhược nhơn dục liễu tri,
Tam thế nhấùt thiết Phật.
Ưng quán pháp giới tánh,
Nhất thiết duy tâm tạo.
Đến đây Ngài dẫn bài kệ của Kinh Hoa Nghiêm. Ý kệ nói rằng: người nào muốn biết rõ ba đời chư Phật thì phải quán pháp giới tánh, tất cả đều do tâm tạo.
Lại nói: Tâm, Phật và chúng sanh, ba thứ này đều không sai khác. Tất cả Phật pháp, tự tâm sẵn có, thôi đem tâm tìm kiếm bên ngoài, bỏ cha chạy đi lang thang. Tiếng Phạn gượng gọi Phật, Trung Hoa nói là tánh giác. Tánh này chẳng lìa thân ta, nếu người đốn ngộ được cội gốc, người này sẽ chóng được thành Phật.
Tâm, Phật và chúng sanh ba thứ đều không khác, đều cùng cái thể chân thật đó thôi. Phật pháp đã sẵn có nơi tự tâm, đừng đem tâm tìm kiếm bên ngoài, đừng làm kẻ cùng tử ở trong Kinh Pháp Hoa bỏ cha đi lang thang đói khổ ở xứ người, thời gian sau mới sực nhớ trở về. Ngài lại nói Phật là tánh giác, tánh giác đó là nguồn cội của con người, nếu quên nguồn cội khởi vọng tưởng là chúng sanh, nếu trở về nguồn cội là giác ngộ là Phật.
Thế nào là cội gốc ?
Chỉ dạy rằng: - Cội gốc chính là tâm tánh linh giác của mọi người. Tâm này là cội nguồn của chư Phật, là đất tánh của chúng sanh. Đất thì sản sanh muôn vật, ngàn muôn cây cối, cành lá hoa quả, mỗi mỗi đều nhân nơi đất mà sanh. Tâm bao gồm muôn pháp, trăm khéo ngàn hay, huyền cơ diệu lý, mỗi mỗi đều từ tâm dựng lập. Tâm là biển của muôn pháp, từ nơi thật tế mà ứng hóa ra. Tánh là gốc của muôn hạnh, tùy nơi một tâm mà biến dùng. Huệ giải tròn thông, linh minh đầy đủ, gồm trọn muôn pháp chỉ một lý, xuyên suốt muôn thuở chỉ một tâm.
Hỏi thế nào là cội gốc ? Ngài giải thích cội gốc là tâm tánh linh giác của người; mà tâm tánh linh giác này là tâm của chư Phật. Tâm đó là cội nguồn là gốc rễ của tất cả. Giống như đất sanh ra muôn vật, hay như biển cả trùm hết các loài trong nước. Tánh là gốc của muôn hạnh, tùy nơi một tâm mà biến dùng. Như vậy tâm là gốc, tâm là nguồn cội tất cả pháp.
Buông ra thì lấy một làm nhiều, thu lại thì lấy nhiều làm một. Nên lập một tâm làm tông, mở ra thì có nhiều cửa vô tận. Mới nói: “Ba cõi chỉ là tâm, muôn pháp chỉ là thức, một niệm chẳng sanh, các duyên chóng dứt”. Ngộ diệu lý nơi bản tâm thì tội phước đều không, mê viên minh của tự tánh thì thiện ác đều ngại.
Vì tâm là gốc của tất cả sự vật nên nhà Thiền gọi là Phật tâm tông. Ở đây nói lấy tâm làm tông, mở ra thì có nhiều cửa nhiều pháp môn không thể kể hết. Cho nên nói ba cõi từ tâm hiện ra, muôn pháp từ thức mà phân biệt sanh, nếu một niệm không sanh thì các duyên chóng dứt. Như vậy chúng ta tu chỉ cần làm sao đi đứng nằm ngồi một niệm không sanh thì muôn duyên theo đó dứt sạch. Ở đoạn này có câu: Ngộ diệu lý nơi bản tâm thì tội phước đều không, mê viên minh của tự tánh thì thiện ác đều ngại. Chúng ta phải hiểu chỗ này cho kỹ kẻo lầm. Sở dĩ chư Tổ nói không tội phước, không thiện ác là vì các Ngài đã ngộ được diệu lý của tâm. Tâm không có tướng sanh diệt thì nói gì tội phước thiện ác ? Ngược lại nếu mê chơn tánh tức là mê bản tâm thì thiện ác tội phước đều có thật. Thế nên đối với người mê, Phật dạy bỏ mười điều ác làm mười điều thiện v.v...
Ngàn dòng sông riêng khác mà đồng nguồn, muôn xe sai biệt mà đồng lối mòn; tất cả muôn pháp đều về một tâm, tâm sanh thì mọi thứ pháp sanh, tâm diệt thì mọi thứ pháp diệt. Do đó các ngôi sao đều chầu về hướng Bắc, muôn dòng sông trọn chảy về Đông, hà sa diệu pháp thảy ở nguồn tâm, đạo pháp hiện tiền, một tâm đầy đủ. Nên biết, ngàn pháp muôn pháp, Phật Phật, Tổ Tổ từ trước chỉ lấy tâm truyền tâm, chữ bát mở toang; lấy tâm ấn tâm, bốn mắt nhìn nhau, hơn năm ngàn tám trăm quyển, tám mươi bốn ngàn pháp môn, mọi thứ phương tiện, đều từ một chữ tâm ấy lưu xuất, dựng lập. Dù đem tre bằng núi Tu Di làm bút, lấy nước bốn biển cả làm mực, viết một chữ tâm nầy vẫn chẳng hết.
Kế đến Ngài đưa ra hình ảnh ngàn dòng sông riêng khác chỉ có một nguồn. Nói cho dễ hiểu là ngàn dòng sông ở khắp mọi nơi đều chảy ra biển. Muôn xe riêng khác cùng đi một lối mòn, tức là cùng đi trên một lằn xe đi. Tất cả muôn pháp gốc từ tâm mà ra. Nếu tâm sanh thì muôn pháp sanh, nếu tâm lặng yên thì muôn pháp diệt, vì gốc từ tâm. Nói muôn pháp gốc từ tâm, tâm đó là tâm gì ? - Là tâm linh giác. Còn cái tâm sanh là tâm vọng tưởng; vì là tâm vọng tưởng nên có sanh có diệt, chớ tâm linh giác đâu có sanh diệt. Chỗ này rất tế nhị, quí vị học phải hiểu cho kỹ, kẻo lầm lộn.
Ngài lại đưa ra một ví dụ nữa: Tất cả ngôi sao đều hướng về phương Bắc, các nguồn sông đều chảy về phương Đông, nói lên cái ý tất cả đều về một hướng để nói rõ cái nghĩa muôn pháp đều trở về tâm. Do đó nên Phật Tổ lấy tâm truyền tâm chớ không truyền cái gì khác, truyền tâm bằng cách bốn mắt nhìn nhau. Song đứng về mặt truyền bá rộng rãi thì năm ngàn tám trăm quyển kinh, tám muôn bốn ngàn pháp môn, mọi thứ phương tiện đó đều từ tâm lưu xuất dựng lập. Tất cả phương tiện gốc từ tâm, chỉ cần trở về tâm là đủ. Cho nên chữ tâm rất là to lớn, dù có lấy tre bằng núi Tu Di làm bút, lấy nước biển làm mực cũng không viết hết chữ tâm này. Chữ tâm sao to quá vậy ? Vì tâm thể sanh muôn pháp, tâm trùm khắp tất cả, cho nên không thể diễn tả được nó.
Kinh nói: “Diễn nói một chữ mà cả biển mực khó chép hết”. Vô lượng thu lại làm một, một buông ra thành vô lượng. Song thái hư dù rộng mà chẳng thể bao gồm thể kia; mặt trời, mặt trăng tuy sáng mà chẳng thể sánh với ánh sáng kia. Tâm ấy rộng bao cả thái hư; tánh ấy, lượng trùm khắp pháp giới, tròn lặng sáng rực, không có Đông, Tây, Nam, Bắc, không có bốn phía, trên dưới, không vật có thể sánh, gượng gọi là tâm. Buông ra thì lớn không gì ngoài, thu lại thì nhỏ không gì trong. Bởi tâm vương ẩn hiện, gồm chứa tất cả người vật, trước trời đất, suốt xưa nay, một mình tồn tại, một mình chiếu soi, không hình không tướng, không xanh, vàng, đỏ, trắng, không vuông tròn, dài ngắn, không đầu đuôi trước sau, không kiếp số, bờ mé, giống như hư không, không có mặt mày có thể nói phải quấy. Tuy không xanh, vàng, đỏ, trắng, vuông tròn, dài ngắn, nhưng hay hiện ra xanh vàng đỏ trắng, vuông tròn dài ngắn.
Kinh nói rằng một chữ tâm mà bút mực khó chép hết. Vô lượng tức là muôn pháp thu về một tâm, và từ một tâm lưu xuất ra muôn pháp. Song thái hư dù rộng mà chẳng thể bao gồm được tâm, ánh sáng của mặt trời mặt trăng chẳng bằng ánh sáng của tâm. Tâm rộng lớn ấy bao hàm cả thái hư, nhưng tạm gọi nó là tâm. Cả một đoạn văn dài ở trên nói lên ý nghĩa tâm thể của chúng ta trùm khắp và tùy theo duyên ứng hiện. Tuy ứng hiện theo tất cả pháp nhưng không lệ thuộc vào tất cả pháp, nó là chủ mà nó cũng không rời tất cả pháp của nó hiện ra.
Cho nên Thiền sư Xuyên Lão nói:
Ma-ha Đại pháp Vương,
Không ngắn cũng không dài.
Xưa nay không đen trắng,
Tùy chỗ hiện xanh vàng.
Âm :
Ma-ha Đại pháp Vương,
Vô đoản diệc vô trường.
Bản lai vô táo bạch,
Tùy xứ hiện thanh hoàng.
Ma-ha Đại pháp Vương là chỉ cho tâm thể lớn nhất, nó không ngắn không dài không đen không trắng, không cố định ở một hình tướng, tùy duyên ứng hiện nên có sai khác.
Nhắc lại lần nữa, ngài Chân Nguyên chỉ cho chúng ta biết rõ rằng nơi mọi người ai cũng có sẵn tâm linh giác, chớ không riêng một người nào. Nếu chúng ta không đuổi theo vọng tưởng mà để cho nó hiện trong mọi sinh hoạt, là biết sống với tâm linh giác, thì khỏi phải nhọc công leo núi, lội sông để tìm kiếm, mà nó hiển hiện ở lúc mở lời nói năng, cử động tay chân, nhướng mày chớp mắt v.v... Lúc nào nó cũng hiện hữu không hề thiếu vắng. Câu chuyện của ngài Văn Hỷ đối đáp với ông già ở núi Ngũ đài cho ta rõ thêm ý nghĩa này.
Ngài Văn Hỷ lên núi Ngũ đài tìm ngài Văn Thù, nhưng chỉ gặp ông già dắt trâu đi, mời Ngài vào động. Sau khi hỏi thăm, ông già rót nước mời uống. Ông đưa chung trà lên hỏi ngài Văn Hỷ:
- Ở phương Nam có cái này không ?
Ngài Văn Hỷ trả lời:
- Dạ không .
Ông già hỏi:
- Hằng ngày lấy cái gì uống trà ?
Ông già muốn hỏi “cái biết uống trà”, tức là tâm linh giác, chớ đâu có hỏi cái chung trà. Nhưng ngài Văn Hỷ không nhận ra, lại thấy cái chung trà đẹp quá, xứ mình không có nên trả lời không. Nếu không thì làm sao biết ăn biết uống ? Hỏi phương Nam có cái này không ? Trả lời có thì không bị lừa, còn trả lời không thì không nhận ra cái mà ông già muốn chỉ.
Ngài chỉ cho chúng ta thấy, trong tất cả mọi cử động đều hàm ẩn tâm linh giác, nên các Thiền sư muốn chỉ cái ấy cho chúng ta, hễ gặp phương tiện nào là sử dụng phương tiện đó. Ở đây Ông già đưa chung trà, ở hội Linh Sơn đức Phật đưa cành hoa, đều nhằm chỉ cho chúng ta nhận ra tâm Phật sẵn có nơi mình. Chúng ta thật là người có phước lớn mới biết nơi mình có sẵn ông Phật. Nếu thiếu phước thì đâu biết mình có Phật. Nhưng phước này ai cho ? Tất cả chúng ta đều có sẵn. Song, nếu được chỉ thì biết, không được chỉ thì quên.
Như vậy chúng ta tu là có kết quả trước mắt chớ không tìm kiếm đâu xa. Đừng nghĩ rằng tu không biết bao giờ mới thành công, khéo ứng dụng là có kết quả. Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, đi, đứng, nói năng, làm việc, quét nhà, nấu cơm v.v... không khởi vọng tưởng là chúng ta đang sống trong Niết-bàn. Chỉ tại chúng ta không khôn ngoan, làm việc này, mà tưởng chuyện khác mê nên luôn sống trong điên đảo lầm. Tự mình chuốc khổ rồi kêu Phật cứu khổ, khổ đó do ai làm mà kêu Phật cứu ? - Tự mình làm thì tự mình giải chớ không ai giải khổ thế cho mình được. Chẳng hạn người thân đi xa chưa về, mình lo sợ ngồi đứng không yên, đầu óc rối bù, bèn đến đốt nhang cầu Phật gia hộ cho người thân đi đường được bình yên, tai qua nạn khỏi v.v... Tại mình vọng tưởng quá rồi đâm ra hoảng hốt, cầu xin khấn vái chớ chắc gì người thân mình gặp nạn ! Đó là một trong những chuyện mà chúng ta tự tạo khổ cho mình. Biết được như thế, hằng ngày chúng ta luôn luôn sống trong tỉnh giác yên lặng thì cuộc sống được bình an tốt đẹp.
Pháp tánh vốn tùy duyên, sắc không đều chẳng ngại. Vào sông thì tùy khúc uốn quanh; nước thì thuận theo vật vuông tròn. Như hạt châu ma-ni, ánh hiện ra năm màu, tùy loại đều hiện, trọn chẳng biến đổi. Dù không hình tướng mà hay hiện thành tất cả tướng, chân không mà diệu hữu, bất biến mà tùy duyên. Chân không là ban đầu của tánh, diệu hữu là ban đầu của khí. Nên biết, núi sông, quả đất, sum la vạn tượng, tình với vô tình, cho đến niệm thô, niệm tế, pháp nhiễm, pháp tịnh, không một vật, một trần nào ra ngoài tâm vương. Đây là diệu hữu.
Đoạn này Ngài giải thích về pháp tánh tùy duyên. Chúng ta suy gẫm câu tùy duyên mà bất biến để hiểu sâu thêm phần này. Đây nói pháp tánh vốn tùy duyên, nên nó hiện ra hình tướng mà sắc và không đều chẳng ngại nhau. Sắc là hình tướng, không là chỉ cho thể tánh, hai cái đó nó không ngại nhau. Pháp tánh ví như nước, nước ở sông thì tùy theo con sông mà ngay thẳng hay quanh co. Nước ở bình chai, tô chén tùy theo bình chai, tô chén mà vuông hay tròn, không nhất định. Như vậy thể của nước thì bất động, tùy theo duyên mà nước quanh co hay vuông tròn. Lại ví như hạt châu ma-ni vốn trong sáng, nhưng ở bên ngoài óng ánh màu đỏ, màu xanh, màu vàng... thì hạt châu ẩn hiện màu đó. Như vậy hạt châu không có màu, do bên ngoài có màu gì thì thấy hạt châu hiện màu ấy. Hạt châu trong sáng là bất biến chỉ cho pháp tánh, hạt châu có màu là tùy duyên biến đổi. Qua những ví dụ trên ngài Chân Nguyên muốn chỉ cho chúng ta pháp tánh sẵn có nơi mọi người, nhưng nó tùy duyên, ở mắt thì duyên theo sắc, ở tai thì duyên theo tiếng, ở mũi thì duyên theo mùi... Bởi nó tùy theo sáu căn duyên với sáu trần mà có muôn hình vạn trạng, có nhiều thứ chuyển biến tốt xấu thương ghét đủ thứ. Nguyên pháp tánh thì không có một thứ nên nói là chân không, nhưng tùy duyên thì có đầy đủ muôn sự muôn vật. Thể bất biến thì không đổi mà tùy duyên nên có khác. Do đó Ngài nói chân không là ban đầu của tánh, diệu hữu là ban đầu của khí. Chân không diệu hữu là lý của nhà Phật, chân không là cái thể không tướng mạo bất di bất dịch không đổi thay. Nhưng khi nó theo duyên biến hiện đủ thứ thì gọi là diệu hữu. Ở đây Ngài lấy tinh thần của Lão Trang để phối hợp với ý nghĩa chân không diệu hữu của nhà Phật. Theo tinh thần của Lão Trang nói về tánh và khí thì, cái tánh của Lão Trang ví như cái chân không của nhà Phật, cái khí của Lão Trang ví như diệu hữu của nhà Phật.
Sau đây tôi dẫn một đoạn trong sách Trang Tử để rõ cái ý nghĩa đó. Về Trang Tử Tri Bắc Du có một đoạn viết: “Nhân chi sinh, khí chi tựu giả, tựu tắc vi sinh, tán tắc vi tử. Nhược tử sinh vi đồ, ngô nhược hà hoạn”. Dịch: “Sự sống của con người do khí tựu mà có. Khí tựu thì sống, khí tan thì chết. Nếu sống chết là đôi bạn đồng hành thì ta còn bận tâm làm chi ?”. Như vậy chữ khí chỉ cho sự sanh, khí tựu thì sanh, khí tan thì diệt, sự sống chết tùy theo khí tựu và tán, giống như bên nhà Phật nói diệu hữu. Diệu hữu là tùy theo duyên, đủ duyên thì thành sự vật, thiếu duyên thì không.
Lại một đoạn của Hoài Nam Tử - Bản Kinh Huấn viết: “Thiên địa chi hòa hợp, âm dương chi đào hóa, vạn vật giai thạnh nhất khí dã”. Dịch: “Sự hòa hợp của trời đất, sự đào luyện biến hóa của âm dương, đối với vạn vật đều nhờ vào nhất khí”. Như vậy khí là sự tụ tán mà thành thiên hình vạn trạng, cho nên ngài Chân Nguyên dùng chữ tánh và khí của Lão Trang để phối hợp với cái chân không và diệu hữu của nhà Phật. Ngài nói thêm rằng từ vạn vật hữu tình vô tình trên thế gian này cho đến các tâm niệm thô tế đều không ra ngoài tâm vương, tức là ngoài cái tánh giác hay cái chân không. Từ cái chân không theo duyên mà hiện có đủ thứ gọi đó là diệu hữu. Đó là ý nghĩa chân không diệu hữu theo cái nhìn của ngài Chân Nguyên.
Lại nói: - Chẳng phải không, chẳng phải sắc, ứng hóa thành muôn thứ mà chẳng lìa một chân thật. Tâm vương là thể như như, trong lặng thường trụ; vốn tự viên thành, dường như hư không; ứng vật hiện hình, như trăng trong nước. Nghĩa là tâm vương hay ứng hiện vào trong các loài, nên nói là thức hòa hợp. Bản tánh tâm vương như gương tròn lớn hiện các thứ hình sắc. Tâm vương vốn không hình tướng, tuy không hình tướng mà hay hiện thành tất cả các tướng, nhưng lại chẳng nhiễm tất cả các tướng. Tướng đến thì hiện, tướng đi thì mất, tướng tụ thì có, tướng tan thì không; tướng tuy có đến đi, tụ tan mà tâm vương vốn tự trong trẻo thường lặng lẽ. Như gương tròn lớn hay hiện tất cả vật, tuy hay hiện tất cả vật mà chẳng nhiễm tất cả vật; vật đến thì hiện, vật đi thì mất, vật có đến đi hiện mất, nhưng gương vốn tự sẵn vậy chẳng động. Vì vậy đem gương tròn dụ tâm vương. Song tâm vương chẳng nhiễm các vật, xưa nay thanh tịnh, trong lặng thường trụ, sạch trọi trơn, bày trơ trơ, không một vật, không thể nắm bắt. Nên nói pháp thân thanh tịnh tức là tánh của mọi người, báo thân viên mãn tức là trí của mọi người, hóa thân ngàn trăm ức tức là hạnh của mọi người.
Đoạn này Ngài giải thích thêm về tâm vương. Ba tên chân không, tâm vương, pháp thân tuy khác, nhưng đều chỉ cho cái thể, đều là một gốc. Cho nên gọi tâm vương, chân không, pháp thân gì cũng được. Bởi đứng về mặt tâm thì nói tâm vương tâm sở. Tâm vương là tâm thể không sanh diệt, còn tâm sở là tâm duyên theo cảnh phân biệt nên nó sanh diệt. Đứng về mặt thân thì gọi là pháp thân. Vì cái thân tứ đại của chúng ta là cái thân hiện tượng có đi lại, có nói năng, hoạt động, cái thân đó không phải là cái thân bất sanh bất diệt. Như vậy thân của chúng ta là cái thân theo nghiệp báo mà có chớ không phải là pháp thân. Pháp thân thì không hình tướng, nhưng bất sanh bất diệt nên gọi là pháp thân. Gọi là chân không là vì pháp thân này không có hình tướng, không một vật, một pháp mà người thế gian có thể thấy nghe nắm bắt được, tuy nhiên không tướng nhưng mà hằng hữu. Tóm lại, chân không, pháp thân hay tâm vương cũng đều chỉ cho cái thể đó. Ở đây ngài Chân Nguyên nói tâm vương ví như tấm gương tròn sáng chiếu soi sự vật, nếu vật dơ thì nhìn cái bóng trong gương dơ, nếu vật sạch thì nhìn cái bóng trong gương sạch. Vật đen thấy đen, vật trắng thấy trắng. Vật ở ngoài thế nào thì nó hiện vào gương thế ấy. Tuy nhiên gương hiện bóng dơ sạch mà gương có dơ sạch không ? Bản chất của gương thì không dơ không sạch. Như vậy để thấy rằng tâm vương có thấy nghe hay biết tất cả mọi cảnh vật. Nó thấy sắc nghe tiếng rất là rành rõ, nếu không thêm một niệm phân biệt của tâm sở thì tất cả cảnh vật không làm cho tâm vương dơ sạch hay phân biệt tốt xấu rồi khen chê. Ngài ví tâm vương như cái gương để biết rõ rằng nếu hằng ngày chúng ta thấy, nghe, ngửi nếm, xúc chạm... mà không thêm niệm phân biệt của tâm sở thì tâm vương không dính mắc. Như vậy chúng ta tu không phải tìm kiếm nơi nào, trốn tránh ở đâu, mà ngay trong khi tiếp xúc với mọi sự vật tâm không nhiễm dơ dính mắc, tâm không nhiễm dơ dính mắc thì không có niệm khen chê thương ghét, đó là cái gốc của sự tu.
Theo cái nhìn của ngài Chân Nguyên pháp thân tức tánh giác của mọi người, báo thân là trí của mình, hóa thân là hạnh của mình. Như vậy tánh giác trí tuệ và công hạnh của chúng ta là đủ ba thân. Trong chúng ta có người nào thiếu ba cái này không ? Chắc chắn là ai cũng có đủ. Vậy trong lúc tu chúng ta khéo sử dụng trí tuệ để đạt đến sự giác ngộ chân thật. Sử dụng công hạnh để làm lợi ích cho mọi người, hai điều này được viên mãn thì chúng ta đầy đủ ba thân.
Pháp thân thanh tịnh là sẵn thanh tịnh như vậy, là chí tôn từ bao thuở, thấy biết rất nhiệm mầu, không gì sánh ngang, trong lặng chân thật thanh tịnh, không hình không tướng, gọi đó là pháp thân thanh tịnh. Pháp thân tuy không hình không tướng mà hay hiện tất cả hình tướng. Đã thành các hình tướng thì gọi đó là ứng thân. Ứng thân thì có thiện ác, tốt xấu, tùy theo nghiệp báo mà thọ lấy thân. Nghiệp báo thiện tức có tướng tốt, nghiệp báo ác tức có tướng xấu. Tùy nơi nghiệp báo mà thọ lấy thân, gọi là báo thân. Báo thân, nghĩa là thân nghiệp báo một đời. Còn ứng thân tức là thân ứng hiện ra. Sao gọi là thân ứng hiện ra ? Tức nhân nghiệp báo cảm thành mà ứng hiện ra có thân, gọi đó là thân báo ứng. Nghĩa là pháp thân hay ứng vào sắc thân, ứng nơi mắt thấy sắc, ứng nơi tai nghe tiếng, ứng nơi mũi ngửi mùi, ứng nơi lưỡi đàm luận, ứng nơi thân cảm xúc, ứng nơi ý biết pháp, cho đến giơ tay động chân đều là ứng thân.
Đoạn này Ngài giải thích về pháp thân thanh tịnh. Pháp thân thanh tịnh là thanh tịnh từ thuở nào, chớ không phải do dụng công tu hành mà nó được thanh tịnh nên nói chí tôn từ bao thuở. Bởi vì mọi sự vật trên thế gian đều là tướng vô thường sanh diệt, còn pháp thân là bất sanh bất diệt nên nói nó là chí tôn. Chí tôn là nó quí hơn tất cả. Cái thấy biết của Pháp thân rất nhiệm mầu. Thấy biết nhiệm mầu không phải thấy biết khôn ngoan lanh lợi khéo léo, mà như trước ví dụ tấm gương sáng cái gì cũng hiện rõ hết, mà khi đem vật đi thì không dính lại một cái gì cả. Đó là nhiệm mầu, cũng đừng lầm tưởng nhiệm mầu là nó có phép lạ huyền bí v.v... Nó chỉ là cái thể trong sáng hiện đủ các hình tướng mà không bị các hình tướng làm nhiễm dơ. Pháp thân ấy không gì sánh bằng, nó trong sáng thật là lặng lẽ thanh tịnh chỉ có người dụng công tu mới cảm nhận được và mới hiểu được những lời giải thích này. Như khi chúng ta ngồi thiền tâm không có một niệm nhỏ nhiệm dấy lên, chỉ thuần trong sáng thanh tịnh nên một tiếng động nhỏ cũng nghe, những hình ảnh trước mắt đều thấy, những gì xảy ra chung quanh đều biết rõ ràng. Đó gọi là không hình tướng mà luôn luôn được thanh tịnh. Do thanh tịnh mà không hình tướng nên mọi sự vật có hình tướng như núi sông, quả đất v.v... đem so sánh với pháp thân đều không bằng. Bởi những vật có hình tướng thì vô thường sanh diệt, pháp thân thì không vô thường sanh diệt. Nếu chúng ta hằng sống với pháp thân thanh tịnh thì không bị ngoại cảnh làm nhiễm dơ, như vậy có giải thoát không ? Pháp thân không hình tướng thì dính mắc vào đâu, cái gì trói buộc được ? Và, không còn một niệm nhỏ nhiệm thì đâu có dấy động, không động nên không sanh diệt, không sanh diệt là giải thoát sanh tử. Vì còn theo niệm là còn tạo nghiệp, còn đi trong sanh tử luân hồi. Không có một niệm nhiễm dơ là sống với pháp thân thanh tịnh là được giải thoát sanh tử luân hồi. Giải thoát là pháp thân giải thoát, cho nên ai sống được với pháp thân là sống với cái thể giải thoát.
Kế đến Ngài nói pháp thân không hình tướng mà nó hay hiện hình tướng. Như tấm gương sáng nếu trước nó không có người vật thì trong gương không có hình tướng người vật, nếu trước gương có người vật thì bóng người vật hiện đầy đủ trong gương. Giả sử có tấm gương rộng một thước vuông để ở đàng kia thì hai trăm người ngồi trong giảng đường này có hiện bóng trong gương không ? Sao diện tích nó nhỏ mà chứa được hai trăm người ? Để thấy rằng tấm gương trong sáng không dính bụi nên hình ảnh người vật hiện trong gương không chướng ngại. Nếu tấm gương bị phủ một lớp bụi đen dày thì hình ảnh người vật không thể nào hiện được. Gương trong sáng không dính bụi nên hiện được tất cả hình tướng, cũng vậy Pháp thân trong sáng không hình tướng mà hiện ra muôn ngàn hình tướng đó là theo duyên mà ứng hiện. Nhưng khi thành các hình tướng thì gọi là Ứng thân chớ không gọi là Pháp thân. Theo ngài Chân Nguyên Ứng thân thì có nghiệp báo tốt xấu, từ Pháp thân mà ứng hiện ra Báo thân có mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm v.v... đó gọi là Ứng thân. Theo nghiệp lành nghiệp dữ thọ thân tốt xấu, giàu nghèo v.v... đó là Báo thân. Như vậy Ứng thân, Báo thân và Pháp thân không rời nhau. Ứng thân là do Pháp thân ứng hiện ra cái thấy nghe hiểu biết gọi là Ứng thân. Cho nên từ nơi thấy nghe hiểu biết chúng ta nhận ra Pháp thân. Đó là chỗ mà các Thiền sư dùng mọi phương tiện để đánh thức chúng ta nhận ra ngay nơi thân này Pháp thân luôn luôn ứng hiện, cho nên mắt thấy sắc, tai nghe tiếng là do Pháp thân ứng ra nơi mắt nơi tai, các căn khác cũng thế. Như vậy sáu căn tiếp xúc với sáu trần đều có Pháp thân ứng hiện nơi sáu căn. Muốn chỉ Pháp thân chúng ta làm sao chỉ ? Ví dụ trong hư không có gió, có người hỏi gió ở đâu, làm sao chỉ ? Nếu thấy cái màn phất phơ bảo đó là gió thì đúng hay sai ? Gió không phất phơ, song bản chất của gió là động, do đó thấy cái màn phất phơ chúng ta biết có gió. Gió ở khắp chỗ nhưng gió không tướng mạo làm sao chỉ ? Cho nên chỉ là chỉ cái mà gió tác động như cái màn phất phơ. Gió tác động vào cây thông, chúng ta thấy cành thông đong đưa. Chúng ta nương vào tướng lay động của cành thông mà biết có gió. Cũng thế ngay nơi sáu căn Pháp thân ứng ra thấy, nghe, ngửi, nếm v.v... mà biết bản thể đang hiện hữu, không nên tìm kiếm ở đâu xa.
Hội rằng :
Vốn là một tinh minh. Chia thành sáu hòa hợp. Thu sáu hòa hợp lại, vốn là một tinh minh.
Lại nói: Sao gọi là hóa thân ? Đã vào ứng thân, đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hiểu biết, làm mọi thứ việc lành, cho đến trăm ngàn pháp môn, phương tiện diệu hạnh, tùy cơ biến hóa, ứng dụng không cùng, gọi đó là hóa thân. Tuy riêng có ứng và hóa, cũng đều từ pháp thân lưu xuất, nên nói: Ba thân vốn chính là một thân. Kinh nói: “Hàng thượng căn rõ được một, thì muôn việc đều xong”. Nếu như còn ngờ vực, hãy nghiệm xét cho tường tận nơi lý.
Đoạn này Ngài dẫn Kinh Lăng Nghiêm. Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật gọi sáu căn là sáu hòa hợp, sáu hòa hợp đó gốc từ một tinh minh, một tinh minh chia thành sáu hòa hợp, từ sáu hòa hợp trở về vốn là một tinh minh (Pháp thân). Cho nên trong khi tu, tâm chúng ta kẹt ở cái thấy, cái nghe, cái ngữi... thì nó thuộc về một trong sáu hòa hợp. Khi tâm chúng ta an định rồi thì không còn mắc kẹt ở căn nào, mà nó trùm hết. Thấy nghe hiểu biết hiện tiền không kẹt ở căn nào là trở về một tinh minh. Như vậy một tinh minh nếu kẹt thì thành sáu hòa hợp. Sáu hòa hợp nếu biết gở thì trở về một tinh minh. Nói một chớ thật ra khi sáu đã gỡ thì một cũng không còn.
Trước nói ba thân: Pháp thân, Ứng thân, Báo thân chớ chưa nói Hóa thân. Đoạn này giải thích về Hóa thân. Hóa thân là trong mọi hoạt động đi đứng nằm ngồi, làm tất cả việc lành, tu tất cả các pháp môn đều là diệu hạnh của Hóa thân. Hay nói cách khác tùy cơ ứng hóa thì gọi là Hóa thân. Tuy có ứng hóa riêng khác nhưng đều từ Pháp thân lưu xuất. Pháp thân ứng ra theo Báo thân, tùy theo Báo thân mà ứng ra sáu căn, tùy theo sáu căn mà hành động những điều hay điều tốt, như sự tu hành v.v... là Hóa thân. Như vậy Hóa thân là ngọn của Ứng thân, mà gốc của Ứng thân lại là Pháp thân. Cho nên hàng thượng căn nhận được Pháp thân thì rõ Ứng thân, Báo thân, Hóa thân cũng đều gốc từ đó mà ra.
Bởi Chân Phật thì không hình, Chân kinh thì không quyển, bao la pháp giới, tròn đồng thái hư, chẳng thêm chẳng bớt, không thiếu không dư, người người sẵn đủ, kẻ kẻ viên thành, bản tánh Di Đà, Chân kinh Bát-nhã, kho báu nhà mình, nguyên là vật tự có. Song tánh đạo không khác, sắc và không nhất như, viên dung cả pháp giới, đối diện ở trước mắt, ứng vật hiện hình như trăng trong nước.
Ngài nói thêm về cái thể thênh thang của pháp tánh. Chân Phật chỉ cho Pháp thân không hình tướng, Chân kinh chỉ cho pháp tánh chân thật không tướng mạo, nên nói không quyễn nhưng nó bao trùm cả pháp giới nó không thiếu, không dư, ai ai cũng tròn đủ hết. Như hiện giờ thân tứ đại của chúng ta, người ốm thì ba, bốn chục ký, người mập thì sáu bảy đến tám chín chục ký, còn chiều cao thì cao lắm là hai thước. Nếu người nào to lớn thì bằng hòn đá lớn trong núi là cùng. Nhưng chúng ta có một cái thể trùm cả pháp giới, trùm cả hư không thì to cỡ nào ? Như vậy, sự to lớn của thân tứ đại thì có chừng mực, có giới hạn, còn sự to lớn của tâm thể thì không giới hạn vô tận vô biên, không thể tính lường. Thế mà chúng ta lại quên chỉ nhớ cái thân mấy chục ký, cao một vài mét, rồi cho là thật là quí. Cái thân mấy chục ký này chỉ sống mấy chục năm, còn Pháp thân thì tuổi thọ vô lượng vô biên. Nếu chúng ta là người ham sống thì nên sống với thân nào ? Cái thân sống mấy chục năm có nghĩa lý gì đối với Pháp thân bất tử ? Vậy mà có nhiều người chẳng chịu sống với cái thân bất tử, mà chỉ thích sống với cái thân tạm bợ, lúc nào cũng lo gìn giữ lo sợ mất nó. Quên thân tuổi thọ vô lượng rộng lớn vô biên, mà bám víu và hài lòng thỏa mãn với cái thân tạm bợ để tiếp tục gây tạo nghiệp khổ, bỏ thân này thọ thân khác, đi mãi trong luân hồi sanh tử. Do đó chư Phật thấy thương chúng ta ngu muội có cái thể to lớn bất hoại mà không nhớ, chỉ nhớ lo cho cái thân bé nhỏ tạm bợ vô thường, chớ không phải Phật thương chúng ta thiếu thốn về ăn mặc hay dáng vẻ lùn xấu. Thế nên Phật dạy tu để trở về với cái thể trùm khắp bất sanh bất diệt của chúng ta, thể ấy còn gọi là Niết-bàn vô sanh. Không còn sanh thì đâu có tử nên gọi là giải thoát sanh tử. Song giải thoát sanh tử là giải thoát cái gì ? Là không vì cái thân tạm bợ mà tạo những nghiệp nhân sanh tử. Khi dứt hết những mầm sanh tử rồi chúng ta hằng sống với Pháp thân bất sanh bất diệt của mình gọi là giải thoát sanh tử. Nên biết cái không sanh tử ở ngay nơi mình chớ không phải tìm kiếm ở đâu xa, cho nên nói bản tánh là Di Đà tức là chỉ cho tự tánh không sanh diệt, Chân kinh Bát-nhã là chỉ cho trí tuệ sẵn có của mình, kho báu nhà mình sẵn đủ vậy đi tìm kiếm ở đâu cho nhọc. Cái tự tánh ấy là không sắc, do không sắc nên sắc và không không hai. Tùy theo vật hiện hình, ví như mặt hồ nước trong thì bóng mặt trăng hiện.
Kệ nói :
Chẳng biết báu trong áo,
Vô minh say tự tỉnh.
Trăm hài đều rã tan,
Một vật vững sáng mãi.
Âm :
Bất thức y trung bảo,
Vô minh túy tự tỉnh.
Bách hài câu hội tán,
Nhất vật trấn trường linh.
Chẳng biết báu trong áo, vô minh say tự tỉnh. Nghĩa là không biết mình có hòn ngọc báu ở trong túi áo của mình, đó là vì vô minh say mê, nhưng khi thức tỉnh mới biết trong áo mình có hòn ngọc quí. Ý hai câu này dẫn Kinh Pháp Hoa ví dụ anh chàng say được người bạn cho hạt châu cột trong chéo áo để đem ra dùng xài. Nhưng anh chàng vẫn cứ say không tỉnh, không biết mình có hạt châu trong chéo áo, nên vẫn nghèo đời khổ sở. Sau gặp lại bạn chỉ trong chéo áo anh có hạt châu, anh lấy ra dùng hết kiếp nghèo đói.
Trăm hài đều rã tan, một vật vững sáng mãi. Trong thân tứ đại do tất cả các phần gân, xương... kết hợp lại, một ngày nào đó nó sẽ tan nát không còn, nhưng trong đó có một vật trong sáng không bao giờ hoại.
Ý bài kệ nói nơi chúng ta có hòn ngọc quí, vì chúng ta mê say quên hòn ngọc quí có sẵn nơi mình. Cũng như thân này là thân tạm bợ nhưng trong cái tạm bợ đó có cái trong sáng còn hoài không mất.
Áo là sắc thân, báu là tự tánh. Trước kia Lục Tổ Huệ Năng đốn ngộ tự tánh, tâm châu linh bảo, bèn đáp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn rằng: “Tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh !”
Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh !
Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng tự sanh diệt !
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ !
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp !
Đây nói áo là sắc thân, viên ngọc báu là tự tánh. Cho nên Lục Tổ Huệ Năng mới nói tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh và khi nghe Ngũ Tổ giảng Kinh Kim Cang đến câu ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Ngài liền đại ngộ, và la lên:
Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh !
Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng tự sanh diệt !
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ !
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp !
Lục Tổ do nhận được tự tánh của mình vốn tự thanh tịnh, chẳng sanh chẳng diệt, đầy đủ tất cả, hay sanh tất cả, nên Ngũ Tổ ấn chứng cho Ngài đã ngộ được bản tánh; ngộ được bản tánh tức là kiến tánh. Bản tánh sẵn có mà lâu nay quên, bây giờ chợt nhận ra nên Ngài dùng chữ đâu ngờ. Như vậy người tu mà nhận ra được bản tánh của mình thì từ đó về sau sự tu hành mới được an ổn.
Hội rằng : Tánh đủ mọi lý mà ứng với muôn sự.
- Hỏi đáp đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Tham học đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Tụng kinh đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Niệm Phật đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Nói năng đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Gậy hét đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Cơ duyên đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Thế Tôn giơ cành hoa đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Ngài Ca-diếp mỉm cười đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Lâm Tế hét, Đức Sơn đánh, Ngưỡng Sơn tướng tròn, Thạch Củng giương cung, Đạo Ngô múa hốt, cơ duyên của chư Tổ đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
Hội rằng nghĩa là hiểu rằng. Tự tánh của con người đủ ở mọi lý, ứng hiện với muôn vật. Đây giải thích cho thấy tự tánh con người xuất hiện từ chỗ nào qua các câu hỏi. Hỏi đáp đó là gì ? Tức là biết hỏi biết đáp đó là ai ? Đáp: Chỉ là tự tánh. Do tự tánh ứng ra mới biết hỏi biết đáp. Rồi tham học tụng kinh, niệm Phật, nói năng là do tự tánh ứng hiện mới biết tham học, tụng kinh, niệm Phật, nói năng. Nếu không có tự tánh (tánh giác) thì không có ai ứng hiện để làm những việc đó, thân người chỉ là một khối máu thịt vô tri không biết làm gì cả. Bây giờ xa hơn một chút là: gậy hét, cơ duyên, Thế Tôn giơ cành hoa, ngài Ca-diếp mỉm cười, Lâm Tế hét, Đức Sơn đánh, Ngưỡng Sơn tướng tròn, Thạch Củng giương cung, Đạo Ngô múa hốt, đều do tự tánh (tánh giác) ứng hiện, nên Phật và chư Tổ mới hành xử như thế. Tất cả đều lưu xuất từ tự tánh. Tự tánh là Phật, thiền Tăng hỏi thế nào là Phật, Tổ đánh một cái đau điếng là chỉ ông Phật đó. Vì có ông Phật mới biết hỏi, có ông Phật mới biết đánh, có ông Phật mới biết đau. Chủ yếu của các Thiền sư là chỉ thẳng nên không giải thích dông dài. Cũng vậy, hỏi thế nào là Phật ? Hét một tiếng là chỉ ông Phật đó, vì có ông Phật mới biết hét. Tất cả những hành động khác cũng như thế, các Ngài nhằm chỉ thẳng cho chúng ta nhận ra cái chân thật (tánh giác). Từ lâu chúng ta quen nhận cái giả trên tướng mạo ngôn từ nên thấy các Thiền sư chỉ cái thật qua hành động không ngôn ngữ, chúng ta đâm ra ngờ vực. Bây giờ học hiểu kỹ chỗ này rồi, đọc sách Thiền chúng ta mới không thấy lạ và hết nghi ngờ. Ngày xưa đọc câu chuyện Thiền sư Đả Địa, mỗi khi có người đến hỏi thế nào là Phật ? Ngài lấy gậy đập xuống đất một cái, không trả lời. Hỏi gì Ngài cũng lấy gậy đập xuống đất, do đó người đời gọi Ngài là Hòa thượng Đả Địa. Đả địa là đánh đất. Tôi có bình một câu thế này: “Muốn thấy mặt nước phẳng trước khi cá ăn mống”. Vì vừa khởi niệm đập một cái là đã thấy rồi. Mặt nước không dấy động tức là mặt nước phẳng, nếu dấy động thì từ mặt nước mà ra chớ không ở đâu xa hết. Như vậy tất cả hành động của các Thiền sư hoặc đánh hay hét... đều nhằm chỉ thẳng tự tánh cho mình.
- Bốn mắt nhìn nhau đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Trưởng Lão Câu Chi đưa ngón tay, giơ nắm tay đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Lâm Tế phủi tay áo liền đi đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Khai hoa kết ấn đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Đi đứng ngồi nằm đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Thấy nghe hiểu biết đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Ăn cơm ăn cháo đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Uống nước uống trà đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Đắp y ôm bát đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Nói năng hỏi đáp đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Tạo tác, làm việc đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
- Im im xét tư duy, nói nói động miệng đó là gì ? - Chỉ là tự tánh.
Qua một đoạn dài trên Ngài cũng chỉ thẳng tự tánh hiện đầy đủ trong mọi hành động, mọi nói năng mọi cử chỉ, không có gì ngoài tự tánh. Cho nên các Thiền sư không tốn lời giải thích mà chỉ cần biểu hiện một cử chỉ để chúng ta nhận ra tự tánh.
Vậy ở đây có ai thiếu tự tánh không ? Không thiếu mà chưa dám nhận, đó là điều đáng tiếc. Tự tánh là tâm vương là vua lại không dám nhận, cứ nhận mấy thứ đạo tặc buồn giận thương ghét và kết thân với chúng, cho nên bị khổ suốt đời. Xét kỹ chúng ta thông minh hay mê muội ? Cái chân thật không dám nhận, lại ôm giữ cái giả dối tạm bợ rồi than khổ. Song sự khổ đau ở thế gian này chúng ta xét kỹ thấy nó như trò hề, chớ có đáng gì đâu. Thế mà lắm người cũng khóc lên khóc xuống vì những chuyện phiền não vớ vẩn không đâu, gặp ai cũng than đời tôi sao khổ quá ! Tuy nhiên, nếu xét kỹ mỗi người chúng ta đều có một cái không bao giờ khổ, biết như thế rồi thì tự tại vô cùng, sống ở giữa cõi trần này không có gì đáng làm cho mình phiền lòng, không phiền lòng thì có gì khổ sở. Giả sử có ai sân si nói bậy bạ thấy họ là người ôm đạo tặc là người đáng thương, người ấy có vị pháp vương mà không chịu nhận, lại đi rước đạo tặc vào nhà để cho nó phá hết gia sản. Người sân giận nói bậy bạ là người đáng thương chớ đâu đáng buồn, vì trước hết là họ hao tổn khí lực, kế đến là họ hao tổn tâm lực. Như vậy họ lỗ lã rất nhiều chớ có được gì đâu ? Thế nên chúng ta biết tu thì đối với những người làm phiền mình, mình thông cảm thương họ chớ không nên buồn họ. Hơn nữa hằng ngày chúng ta gặp biết bao điều không như ý xảy ra, nếu không buông bỏ mà cứ đeo mang những thứ đó để phiền não khổ tâm than trách thì biết bao giờ chúng ta mới giác ngộ ? Bởi vì đó là những thứ làm che mờ khuất lấp cái tánh linh giác của chính mình. Xét kỹ trong chúng ta khi phát tâm tu, ai cũng muốn giải khổ, tại sao vào chùa một thời gian chúng ta lại cột trói những thứ lỉnh kỉnh không ra gì vào lòng cho nó khổ thêm. Như vậy muốn hết khổ thì những cái không giá trị như thị phi, phải quấy tốt xấu, buông bỏ hết thì chúng ta mới hết khổ. Chúng ta hết khổ mới mong cứu khổ cho người, còn mình ôm một khối khổ mà nói chuyện đạo lý, khuyên người hết khổ thì không được bảo đảm. Giả sử có người thấy bạn mình phiền não bèn dùng lời đạo lý khuyên họ đừng giận hờn, giận hờn là đau khổ. Nhưng khi gặp chuyện trái ý mình nổi giận la om sòm, như vậy người ấy có khổ không ? Thế nên chúng ta phải hiểu cho thật thấu đáo điều này, tự mình phải hết khổ mới chỉ dạy nhắc nhở cho người, đó là đúng tinh thần cứu khổ chúng sanh của đạo Phật.
?
[mucluc][p1][p2-c1][p2-c2][p2-c3]
[p3-c1][p3-c2][p3-c3-a1][p3-c3-a2][p3-c3-a3][p3-c3-a4][p3-c3-a5]
[Trang chu] [Kinh sach]