Friday, August 20, 2010

TƯƠNG QUAN MÌNH VÀ NGƯỜI

Trong cuộc sống tương quan giữa mình và mọi người chung quanh, hầu hết chúng ta mắc phải cái bệnh "cầu toàn trách bị". Chúng ta đòi hỏi những người sống gần với mình phải vẹn toàn một trăm phần trăm (100%) như ý mình muốn, phải đầy đủ hoàn toàn những điều như tâm mình tưởng. Nếu những người thân chỉ được tám chục phần trăm (80%) trong sự đòi hỏi của mình, sống gần gũi lâu ngày còn hai chục phần trăm bất như ý này sẽ làm cho chúng ta sinh bực bội chán chường. Sao chúng ta không đặt lại câu hỏi, chính mình có được vẹn toàn mọi điều như ý mình muốn chăng? Hẳn là không. Mình đã không được vẹn toàn, sao lại đòi hỏi người phải vẹn toàn, có phải là bất công, phi lý không? Ngày xưa ở các nước Ðông phương quyền lập gia đình cho con cái là ở cha mẹ, cha mẹ định sao con cái phải nghe vậy. Do đó có những gia đình vợ chồng không hòa thuận vì không cảm thông nhau, nên đi đến đổ vỡ ly dị. Ngày nay ở các nước Tây phương con cái được quyền chọn lựa đôi bạn cho mình. Họ còn có quyền sống gần với người họ chọn lựa một thời gian, sau mới quyết định thành đôi bạn hay không, cha mẹ không được can thiệp đến đời tư của họ. Thế mà khi đã thành đôi bạn, lại vẫn ly dị nhau. Ðây là lỗi tại ai, cha mẹ ép buộc chăng? Quả thực đây là cái bệnh đòi hỏi vẹn toàn một trăm phần trăm (100%) theo ý mình muốn. Bởi không có ai thỏa mãn sự đòi hỏi của mình nên từ thân biến thành sơ. Thế là cứ ly dị mãi, đến già trở thành người cô độc. Chúng ta còn thêm lắm bệnh. Nào là muốn ai cũng khen mình, có người chê là buồn khổ. Muốn mọi người gần mình phải tuyệt đối tuân theo sự sắp đặt của mình, nếu 80 điều họ theo, còn 20 điều họ chống là giận dữ bực tức. Ðòi hỏi người thân của mình phải tốt tuyệt đối, nếu họ có vài ba điều xấu liền chán nản muốn lánh xa. Ðến tình cảm thương yêu cũng vậy, bắt buộc người thân của mình phải thương yêu mình tuyệt đối, nếu bị chia xẻ cho ai, dù người ấy là thân thuộc hợp lý, vẫn cảm thấy buồn. Chính vì lòng tham lam đòi hỏi quá đáng, khiến người chung quanh chúng ta từ từ muốn xa lánh chúng ta. Ðây là vì không biết cuộc đời là tương đối, nên không thông cảm với mọi người chung quanh, kết quả tự chuốc lấy khổ đau cô độc. Trái lại, chúng ta tập nhìn mọi người với cặp mắt tương đối, không đòi hỏi quá đáng, dễ cảm thông tha thứ nhau. Ðược vậy đời sống sẽ vui tươi, người thân đông đảo, dễ dàng đạt được hạnh phúc.


CÀNH LÁ VÔ ƯU

H.T THÍCH THANH TỪ



Thien tong vn

Wednesday, August 18, 2010

Lủ lụt ở Pakistan




























































































































































Nhìn thấy cảnh này làm CN nhớ lại năm rồi có 1 ngày gần nhà CN bị ngập ,xe minivan mà bị ngập tới nửa xe,ngồì trong xe nhìn cảnh vật lúc đó thật rầu,chỉ thấy nước dâng lên cuồn cuộn,đồ đạc trôi ngổn ngang,đường xá bị tắt nghẽn,sợ qúa và lo lắng cho nhà mình bị ngập nên CN niệm Phật Bà Quán Âm qúa chừng luôn ,niệm khoảng 10 phút thì tự nhiên mưa ít lại và từ từ tạnh mưa,thì 1 chút chạy về tới nhà, nhà bà hàng xóm bị ngập mà nhà CN khg bị gì,thật là hú hồn....khg biết hên hay tại nhờ niệm Ngài Quan Thế Âm nữa.....theo người khg tin Phật thì cho là hên,nhưng theo CN thì nhờ niệm Ngài Quán Âm với tấm lòng thành nên được Ngài giúp đỡ,chớ hôm đó mà mưa thêm chút nữa là nhà CN bị ngập hết rồi...Ngài đã rất hiển linh,nhiều lần CN đã nhờ Ngài cứu giúp qua những cơn nguy khổ của dòng đời.....

Làm sao biết có kiếp trước kiếp sau

Căn cơ của một người bình thường không thể nào biết được có kiếp trước hay kiếp sau. Chỉ có những người tu tập thiền định, đi sâu vào nội tâm, chứng được các tầng thiền, hoặc có thiên nhãn thông, túc mạng thông thì mới thấy được kiếp sống quá khứ và vị lai.




Đa số con người đều rơi vào hai loại chấp:

1) chấp thường: tin rằng sau khi chết thì linh hồn còn hoài, hoặc xuống địa ngục bị trừng phạt đời đời, hoặc lên thiên đàng hưởng phước đời đời. Trong trường hợp này họ vô tình chấp nhận là có kiếp sau.

2) chấp đoạn: tin rằng sau khi chết là hết, không còn gì hết.

Đối với hai hạng người chấp như trên thì rất khó nói cho họ hiểu, bởi vì trong tâm của họ đã đóng khung và tin chắc như vậy rồi, giống như một cái ly úp ngược thì dù cố gắng đổ bao nhiêu nước cũng không vào được.

Vì không có thiên nhãn hay thần nhãn nên chúng ta có thể tạm dùng lý trí mà suy luận ra. Hãy lấy thí dụ, làm sao biết được có vi trùng, vi khuẩn? Mắt thường làm sao thấy được? Nếu mắt không thấy thì làm sao lại tin là có? Đa số đều tin có vi trùng, kể cả những trẻ nhỏ mới biết đọc biết viết. Người thường như chúng ta không trông thấy vi trùng nhưng các bác sĩ, bác học với kính hiển vi họ thấy vi trùng một cách rõ ràng và đối với họ, có vi trùng là một sự thật hiển nhiên chứ không còn là một niềm tin nữa. Khi chúng ta bị bệnh đi nhà thương nghe bác sĩ nói ta bị nhiễm vi trùng này,vi trùng kia là chúng ta tin liền. Tại sao không thấy mà tin? Bởi vì do suy luận hợp lý mà tin. Ta tin bác sĩ là người có học thức đàng hoàng, khổ nhọc nghiên cứu học hỏi trên dưới 10 năm mới ra trường. Hơn nữa ông ta hơi đâu mà đi lừa ta làm gì? Ông ta nói vi trùng nào cũng được, miễn sao cho ta thuốc uống hết bệnh là được rồi.

Tại sao mắt ta không thấy vi trùng mà vẫn tin? Tại sao ta không biết trong thuốc có những hóa chất gì mà lại tin là uống vào sẽ hết bệnh? Nếu ta muốn thấy tận mắt vi trùng thì phải vào các phòng thí nghiệm dí mắt vào ống kính hiển vi. Nếu ta muốn biết những hóa chất của thuốc tây thì phải chịu khó vào đại học vài năm để học y khoa hay dược khoa thì mới biết được những hoá chất hay dược liệu đó là gì, có công năng gì, do những phản ứng hóa học nào tạo ra, v.v...

Cũng vậy, nếu muốn thấy được kiếp trước hay kiếp sau thì ta cũng phải chịu khó tu tập thiền định để chứng được thiên nhãn thông hoặc túc mạng thông. Đức Phật nhờ tu hành đắc đạo nên có thiên nhãn thông, túc mạng thông thấy được vô số kiếp quá khứ của mình và của người khác giống như người có máy video thâu được hình ảnh của mình và người. Điều cần nhấn mạnh là những đệ tử của ngài cũng chứng được và thấy được kiếp trước của mình. Đức Phật là bậc giác ngộ, đệ tử của ngài là những bậc thánh tăng A la Hán, không còn phiền não ô nhiễm, đều chứng được thiên nhãn thông và túc mạng thông. Là Phật tử, tuy nhục nhãn còn bị che lấp bởi vô minh phiền não nhưng chúng ta vẫn có thể tin lời các ngài là có kiếp trước kiếp sau, giống như chúng ta đang tin bác sĩ nói có vi trùng vậy.

Tại sao chúng ta không thấy được ngày hôm qua mà lại tin là có ngày hôm qua? Ta biết được có ngày hôm qua là nhờ ký ức. Qua một đêm ngủ thời gian không đủ dài để xóa mờ trí nhớ nên ta mới nhớ lại được. Nhưng làm sao ta nhớ lại được chính xác ta đã làm gì, nói gì, đi đâu với ai, chỗ nào 10, 20 năm về trước? Nếu không nhớ nổi việc cũ ngay trong kiếp này thì qua một lần chết và tái sinh, trải qua một thân ngũ uẩn khác (ví như một màn sương mù dày đặc) làm sao ta có thể nhớ lại được kiếp trước? Một người bị mổ tim hay mổ óc, bị chích thuốc mê, sau khi tỉnh dậy nhiều khi phải mất vài ngày mới hoàn hồn nhớ lại được mình là ai, đang ở đâu. Chưa kể những người bị bệnh Alzheimer hoàn toàn mất hết trí nhớ, đối với những người này thì ngày hôm qua còn không có huống chi năm trước hay kiếp trước. Với kỹ thuật văn minh hiện đại, chúng ta có thể chụp hình với máy ảnh hoặc thu hình với máy video. Những gì chúng ta đã chụp hoặc thu hình từ mười năm trước, hôm nay tuy không thấy, không nhớ, nhưng nếu cần thì chúng ta vẫn có thể lấy ra xem lại được vì tất cả hình ảnh đã được thâu vào băng video. Cũng vậy tất cả những gì chúng ta đã làm, đã sống đều được thu vào tâm thức. Tâm thức là một kho tàng chứa tất cả những kiếp sống của ta, trong Duy thức Học gọi là Tàng thức hay A lại Da (Alaya) thức. Người nào có khả năng đi vào vùng sâu thẳm của tâm (tức Tàng thức) thì có thể thấy lại hết những kiếp sống quá khứ của mình. Muốn đạt được khả năng này thì phải tu tập thiền định, hoặc ngày nay với phương pháp thôi miên (hypnotisme) người ta có thể trở lui về quá khứ hoặc kiếp này, hoặc nhiều lắm là một vài kiếp trước như trường hợp của ông Edgar Cayce. Chuyện tin có kiếp trước là một chuyện hiển nhiên đối với dân Tây Tạng, bởi vì các Lạt ma cao cấp, sau khi chết và tái sinh các ngài đều nhớ được kiếp trước của mình, đã từng là ai, ở đâu, sống trong tu viện nào, và nhận diện ra các đệ tử cũ của mình.

Chúng ta không thấy và không biết được có kiếp trước chỉ vì tâm thức của chúng ta chưa được học hỏi, tu tập và phát triển. Khoa học ngày nay cho biết là con người mới chỉ sử dụng được 10% bộ óc của mình mà thôi, còn lại 90% kia chưa được khai thác và biết đến. Vì vậy một người thông minh nên có tinh thần cởi mở để học hỏi và khám phá ra những điều mới lạ, thay vì cố chấp khép tâm lại, chỉ tin những gì mắt thấy, tai nghe, tay sờ mó được.


Thích Trí Siêu
Nguồn: trisieu.free.fr

Một khoảnh khắc, một đời người

TVĐĐ - 08/17/2010
Thư thân mến!

Thấm thoát mà nay đã hơn hai mươi năm. Hai mươi năm hợp tan bèo nổi. Đường đời bạn đã không có chút hương vị mặn nồng mà đường đạo cũng lắm nỗi gian truân. Bước tới thì không đủ nghị lực, bước lui thì chán chường cảnh cũ người xưa. Tâm trạng tấn thối lưỡng nan liệu có ích gì cho đời tu của bạn.

Thư ạ! “Mặc áo nhà chùa chưa phải là nhà sư”. Người ta lầm tưởng cạo bỏ mái tóc xanh là cởi giũ được những buồn đau quá khứ, quay lưng với chán chường tục lụy. Thực chất thì “Cà sa chưa được e nhiều chuyện, mặc được cà sa chuyện lại nhiều”. Có lẽ, đời bạn là một minh chứng quá rõ nét. Thư nên nhớ cõi đời là một cõi tốt giúp ta dễ giác ngộ. Khi bị nhấn chìm trong khổ đau ta phải rút ra một bài học. Nếu ta không học được, nỗi đau sẽ được tái diễn cho đến khi ta thấm đậm, tự hóa giải thì nó sẽ biến thành kinh nghiệm bản thân và nỗi khổ đó sẽ chấm dứt.

Đạo Phật chủ trương không xa rời thực tại. Giác ngộ không phải là lặn nước ngòi ngoi tìm kiếm ở cuối bãi đầu ghềnh mà chính ngay trong đời thường, trong cảnh khổ đau nhức nhối, trong niệm buồn thương giận ghét… Chính trong khoảng cực cùng thống khổ quyết định tìm ra một lối thoát. Giống như con đà điểu khi gặp nạn chỉ chúi đầu vào cát tưởng thế là yên thân thoát hiểm. Cũng vậy, không phải chúng ta từ chối, trốn tránh sự thật mà chúng ta có thể giải phóng khổ đau. Phải đối mặt với thực tại, nhìn cho tường tận những đầu mối vướng mắc buộc ràng, tìm cho ra lẽ thật, thấy rõ chuỗi hư tưởng nối kết đã xoay chuyển và quật ngã con người. Sở dĩ ta bị chi phối vì mình chưa thấy rõ thực tướng của nó. “Đêm nằm gối mộng nghìn mơ, sáng ra thức dậy tay không còn gì”. Đây là chỗ người xưa đại ngộ, nhưng cũng là chỗ bọn phàm phu sợ chết được.




Hãy giáp mặt với con người thật của mình, ở trong chỗ nhẹ như mây nổi, thông qua gió đồng đó bạn mới thấy mình ung dung nhàn hạ.

Khi ấy, bạn sẽ chán cảnh phong trần đầy hơn thiệt tính toan, chán kiếp phù hoa hư ảo và chỉ thích tìm đến ốc đảo bình an của mình thôi. Mặc dù kiếp người còn bao vương dính khổ đau nhưng chúng ta vẫn có chỗ ẩn thân. Những lúc buồn phiền trôi nổi tưởng như không thể chịu đựng được, chỉ cần chợt nhớ lại thì nụ cười đã nở sẵn trên môi, bao phiền muộn tuôn rơi không còn mảnh vụn, ngọn gió an lành phe phẩy. Thật vi diệu! Thật cao cả! Ta chính là điểm tựa duy nhất để trở về thế giới mát lành này. Mọi thứ chung quanh ta rồi sẽ lần lượt tan hoại. Nếu nương người người sẽ chết, tựa cây cây sẽ ngã… Vậy còn chỗ nào để chúng ta bám víu cậy nhờ ?

Định luật bất toàn vẫn là thông lệ. Thư đừng lý tưởng hóa một đối tượng nào. Đừng buồn vui theo nhân vật của mình. Để rồi, khi biết rõ tính chất của họ chỉ là người phàm phu như bao người khác, cũng nhói buốt khi chia tay, cũng đau buồn khi giận ghét… Thần tượng sụp đổ. Thư chới với bơ vơ rồi thối lùi không còn muốn tiếp tục con đường tu nữa. Đó là sự dại dột đáng thương của bạn. Ta đi xuất gia là quyết chí vượt đến một phương trời cao rộng, đâu phải là kẻ tầm thường bám víu vào những mảnh vụn thương ghét của thế tình. Khi bạn đã chọn lựa con đường này, chỉ trong một khoảnh khắc mà định hướng cả một đời người, chúng ta phải bước theo không chần chừ, không mỏi mệt và cũng không để mất thời gian chạy rong trong đường mòn lối tẻ mà bỏ quên chính đạo.

Một phút dần dà ngày tháng đã trôi qua. Trong vòng quay luân hồi, đời hiện tại là điểm mốc của nhân quả quá khứ và định hình cho đời sống tương lai, ta không thể chậm trễ trong phút hiện tại. Như vậy, thật là khờ khạo nếu chúng ta định hướng sai, hoặc đã chọn đúng đường rồi mà còn bị những dây mơ rễ má buộc ràng chằng chịt, làm cho cây đại thụ nghiêng ngả. Ta nên đặt gánh nặng xuống, nhẹ nhàng sống với hiện tại, làm những gì cần làm và đáng làm. Không ai có thể lật ngược thời gian tìm về quá khứ, hãy buông đi bóng mờ dĩ vãng và cũng đừng bám víu vào những tưởng tượng tương lai. Trong một phút tình cờ ta chợt gặp lại hình bóng của chính mình uyên nguyên hiện hữu. Mình cùng trời đất, con người một thể nhất như, chưa từng có chưa từng không, lồ lộ giữa hư không, đánh đuổi cũng chẳng đi, xóa bỏ cũng không mất. Thương ghét phải quấy… cùng một lúc bằn bặt không dấu vết, chẳng là hướng nguyện một đời người sao? Muốn thật đến điền địa này, phải một lúc buông sạch không còn vướng chấp. Hãy phá bỏ những lớp sóng ngầm độc hại trong nội tâm, sống hiện hữu trong từng phút ngay đây và lúc này, không còn đeo mang hành lý nặng nề của hôm qua và ôm đồm cả việc ngày mai. Nếu không thì cũng như con trâu nhảy qua cửa sổ, đầu, mình, bốn chân lọt qua, chỉ còn cái đuôi dính lại thì vẫn còn kẹt trong trần ai khổ ải, chưa thật thấu thoát.

Tuy nhiên, “đốn ngộ tuy đồng Phật, đa sanh tập khí thâm”. Nhắc đến tập khí một chút hơi hám mà có khả năng tung hoành biến không thành có, thể không thành sự, kỳ ảo khó lường. Có đôi lúc trời quang mây tạnh, không gió mà nổi sóng ầm ầm, chưa kéo mây đen mà sấm chớp rầm rì không báo trước. Người chẳng thường phản tỉnh rất khó vượt qua. Nếu bạn từng ở chỗ này chiêm nghiệm thấy rằng, tuy sống và biết việc ấy rất rõ, thỉnh thoảng vẫn bị phiền não tập khí lôi dẫn, nhưng không thể chi phối hoàn toàn. Cho nên chúng ta cần có thời gian dài thuần thục mới được. Như “Măng sẽ thành tre, ngay khi là măng thì không thể kết bè”. Các vị Thiền sư ở núi đôi ba mươi năm còn có khi tẩu tác, bọn phàm phu chúng ta làm sao dám xem thường.

Nói như vậy các bạn sẽ thắc mắc “Người đã nhân được và người còn mù mờ chưa rõ diện mục khác nhau thế nào?” Người còn nằm mơ ngủ mớ giả thật khó phân, nên đi trong đêm đen mà tưởng như ban ngày, phiền não tập khí dẫn dắt loanh quanh không biết lối ra, người này bị đúng sai thiện ác… xoay chuyển nên dằn vặt mâu thuẫn. Nội tâm là một bãi chiến trường ác liệt. Còn người thật sống với chính mình, khi quên thì có bị tập khí chi phối, nhưng vừa nhớ lại thì như trăng sáng vằng vặc, trong ngoài đều rỡ rỡ, không còn dấu vết dư tập bợn nhơ. Dụng công rất nhẹ nhàng. Dụng công mà chẳng có chút công để dụng nên rất thảnh thơi nhàn hạ. Tu mà không thấy tu, chỉ làm một việc thường sống mà thôi.

Khổ đau và giác ngộ ở trong một khoảnh khắc mê ngộ. Nếu mê thì lang thang cùng kiếp trong biển đời luân chuyển. “Khổ ở trong địa ngục bị thiêu đốt chưa phải là khổ, cái khổ làm ngạ quỷ đói khát cũng chưa phải là khổ, cái khổ làm súc sinh kéo cày bị đánh cũng chưa phải là khổ, cái khổ vô minh không biết đường đi mới gọi là khổ”. Đó là tiếng vọng từ xa xưa hơn hai ngàn năm lịch sử. Cho đến ngày này chân lý ấy chưa từng đổi thay. Chính vô minh là đầu mối cột trói con người trong cõi luân hồi. Vì không biết thật hư, không rành chơn ngụy, con người tự tạo nghiệp dĩ để lẩn quẩn trong vòng quay sanh tử, kiệt lực trong khổ đau không có ngày ra khỏi. Chỉ có ánh sáng giác ngộ mới soi tỏ đường đi lối về, khiến người thoát khổ lầm mê. Nhưng ta đã qua bao kiếp luân hồi tạo nhiều tội lỗi, bóng đêm tăm tối dày đặc biết bao giờ xóa tan cho hết? Như căn nhà tối ngàn năm chỉ cần đốt đèn lên liền sáng, không cần năm đợi tháng chờ. Đó là công năng của trí giác ngộ, thoáng như làn gió, nhanh như tia chớp. Nhưng nhà đã sáng rồi, thấy rõ bụi nhơ giăng phủ thì cần phải khổ công rất nhiều mới dọn sạch cửa nhà. Đây là giai đoạn tiệm tu của hành giả. Cho nên cái thấy thì tột trời xanh nhưng thực hành thì phải bước từng bước chân vững vàng dưới đất.

Thư cứ than thở không ai hiểu mình, bơ vơ và lạc lõng giữa dòng đời. Chúng ta đến đây một mình và sẽ ra đi một mìn, không thầy bạn thân quyến. Để chuẩn bị cho chuyến đi xa đơn độc này bạn cần phải tích lũy tư lương. Trong hiện tại ta phải thương yêu, giúp đỡ những người xung quanh và đừng mong cầu ngược lại. Luôn theo tôn chỉ “Những gì mình không muốn, đừng nên đem cho người khác”. Ta đã khao khát được mọi người hiểu, thông cảm thì chính chúng ta phải chủ động quán thông và chia sẻ niềm đau nỗi sầu của thiên hạ. Đời đã khổ nhiều rồi chúng ta đừng làm cho người khổ thêm. Hãy luôn biểu lộ tình cảm chân thành nhưng nhớ đừng để vượt quá bản tính của mình.

Có những điều mặc dù đúng, có thể bị hiểu lầm trong hiện tại, nhưng sẽ được nhận chân trong một lúc nào đó, bạn không cần nhọc công tranh cãi đúng sai. Đừng quá quan tâm đến những mảnh vụn rơi rớt mà quên đi miếng bánh đang cầm sẵn trên tay. Hãy để mọi người khám phá ra sự cao quý của bạn trước khi bạn bày tỏ. Dù sống một mình hay ở giữa mọi người, bạn phải luôn sống thật, không phô trương hay màu mè nếu không chính bạn tự đánh mất giá trị chân chính của mình. Đã là người xuất gia, xả huyễn thân dưỡng thánh trí, nên làm những việc ích người lợi đạo, nhưng hãy bỏ lại sau lưng mọi thành quả cho lý đương nhiên. Bởi muốn đến một chân trời mới lạ, đừng quay tìm những dấu vết đường qua. Và nên nhớ, mình không là gì giữa thế giới bao la, mặt trời luôn hiện hữu giữa tầng không chớ không phải mới mọc do tiếng gáy của con gà mỗi sáng… Đại đạo thênh thang vô cùng, còn thân người là một chấm nhỏ chìm nổi giữa hư không. Bản thể nhất như không nhiễm và niệm tưởng hư khởi chỉ là chuỗi bọt kết thành. Chỉ như thế mà nhận, chỉ như thế mà sống. Có được vậy bạn mới chấm dứt ảo tưởng sai lầm và thật sự đặt chân lên ngưỡng cửa vượt thoát.

Thư nên biết cuộc đời đầy cạm bẫy không phải là bến đỗ bình an, đừng nhọc nhằn đuổi bướm hái hoa, lươn ươn cho qua ngày tháng. Người xưa một ngày qua, nhìn lại công phu trong ngày chưa tiến bộ còn sa nước mắt quý tiếc thời gian đã mất. Vậy làm việc gì bạn cũng nên có sự quyết tâm. Khi có chí quyết là đã nắm được phân nửa của sự thành công. Bằng như đạo nhãn chưa sáng mà cũng chẳng nuôi chí xuất trần thì dù ở trong đạo nhiều năm, chỉ thêm nợ cơm áo đàn na thí chủ, liệu có kham trả nổi không? Thư hay trách thầy bạn luôn khắt khe với mình, nhưng theo tôi thấy thì không như vậy. Bởi người muốn làm việc lớn, ngay từ nhỏ phải được đào luyện, khổ thân nhọc trí, truân chuyên vất vả mà không hề nản chí thì mới kham gánh vác đại sự. Nói đến đại sự không có nghĩa là chúng ta bỏ qua việc nhỏ. Không có việc lớn nào mà không bắt đầu từ nhân nhỏ. Một cây không thể là rừng cây, nhưng rừng cây không thể không bắt đầu từ một cây. Một con người không thể làm nên đại sự mà cần phải nhiều người, nhưng đại sự phải bắt đầu từ nhân tố là một người. Muốn làm nên việc lớn ta phải rèn luyện nhân cách, ý chí… của mình cho vững mạnh. Thư có nhận là mình không có tính cả quyết, làm việc gì cũng lừng khừng dang dở không? Đây là nguyên do đưa đến bao điều thất bại mà bạn không thấy được. Thiền sư Bankei có lần thất lạc giấy tờ Sư cần, thị giả tìm khắp nơi không được. Về sau họ khám phá ra. Sư trách: “Ngay từ đầu nếu các ông quyết định tìm ra cho được, dù phải giật sập ngôi nhà thì nó cũng phải lòi ra. Nhưng chính các ông không tìm hết lòng hết dạ nên không biết chỗ của nó. Tờ giấy không có gì quan trọng, nhưng tôi bảo các ông tìm để đào luyện cái thái độ quyết tâm mà các ông phải mang suốt đời. Với tâm trạng lừng khừng như thế các ông sẽ không thành được, dù chỉ một nửa con người”. Qua câu chuyện đó chắc Thư cũng thấy rõ dụng ý của người xưa, cũng như hướng tâm đào luyện của thiện hữu ngày nay, luôn muốn vun bồi xây đắp nền móng cho hậu lai, nên răn đe nhắc nhở chúng ta. Phải biết rõ tấm lòng của các bậc tiền bối thì chúng ta mới đem hết thân tâm thụ giáo. Bằng mọi cách chúng ta phải chuyển hóa cuộc đời, gặp lại chính mình để không cô phụ công ơn tiền nhân đã hàm dưỡng hạt mầm hoa trái cho chúng ta.

Tu là phải biết rõ mình, luôn nhìn thấy những thói hư tật xấu, soi tỏ từng mống tâm động niệm. Hãy gỡ bỏ những chiếc mặt nạ bôi son trét phấn để thấy đúng về mình. “Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ mới trả lời cả họ mày thơm”. Chúng ta có thể bình phẩm khen chê mọi người từ tư tưởng đến hành động, từ lý tưởng đến con đường tu chứng một cách sáng suốt rành mạch nhưng đối diện với chính mình chúng ta lại khó nhận đúng lẽ thật. Có phải chăng chúng ta quá yêu tự ngã nên tự kỷ ám thị “Mình là trung tâm thế giới”. Đập nát tự kỷ, phá tung ngọn núi năm uẩn thì mới tìm ra bản thể uyên nguyên. Người xưa nói đập một hạt bụi ra làm trăm mảnh, chín mươi chín mảnh thấy là giả, chỉ cần một mảnh thấy thật, chúng ta cũng chưa thật sự bước vào ngưỡng cửa giác ngộ. Thư vẫn thường trách cứ hoàn cảnh chung quanh mà chưa từng ngồi lại để thấy rõ lỗi mình. Chúng ta đừng mong chờ mọi người trải hoa tươi cỏ thắm cho mình đi, mà chính chúng ta phải san bằng mọi chướng ngại, lướt trên sạn sỏi chông gai. Đừng bắt ngoại cảnh thuận theo bản ngã của mình mà chính chúng ta phải hòa nhập vào hoàn cảnh. Chúng ta phải sống hoà nhịp với đời mà vẫn giữ lấy sắc thái “nguyên khôi”. Vươn lên trong sóng gió chìm nổi mà vẫn tươi nhuần phong độ. Đó là bạn đang đứng thật vững trên đôi chân của mình. Dần dần ta sẽ gột sạch mọi khí thô tế, thuần thục uyển chuyển như dòng nước chảy. Bạn không thấy cây dương mềm mại, người thợ đem nó về tạc thành những bức tượng, sơn son thếp vàng vào đó cho mọi người lạy. Còn gỗ đàn thì cứng, người ta chỉ mang về đục thành mõ hoặc làm nêm, rồi cứ gõ bổ lên nó luôn. Muốn thành người hữu dụng mai sau, chúng ta phải được rèn luyện, gọt giũa ngay từ bây giờ. Và hãy mang vào chân đôi giày tùy duyên như huyễn rồi tha hồ mà xông bờ lướt bụi.

Đạo Phật rất thực tế, không dạy chúng ta những điều phù phiếm viễn vông. Sự giác ngộ giải thoát chẳng tìm đâu xa, không cần nhọc nhằn nơi dấu hạc chân mây mà chính trong hiện tại, ngay nơi mỗi người chúng ta. Thư có chứng nghiệm được ảo giác sai lầm do chính tư tưởng và cảm giác đánh lừa không? Ảo giác đó như căn hầm tăm tối giam hãm con người chìm trong cảnh mù mịt, khiến ta không nhận được chân lý, nên lầm lẫn phân biệt chia chẻ nhân ngã, năng sở… Công việc cần thiết hiện tại là phải chặt đứt gông cùm trói buộc. Giải thoát không phải là cảnh giới trên trời trên mây mà là trạng thái hiện tại lạc trú. Tu không phải được một cái gì xa lạ mà là gạn lọc cặn bã, khai phóng tâm thức, để trả lại sự trong sáng nguyên ủy. Như chúng ta lột một cây chuối, lột từng lớp từng lớp cho đến khi không còn gì cả. Như vậy không thể nói tu để chứng đạt một cái gì cao siêu, không có pháp môn nào cũng không có người đang tu. Vì tu là sửa mà ở đây chỉ cần cởi bỏ những lớp da mỏng da dày thì bộ mặt uyên nguyên lồ lộ, sẵn vậy hiện tiền không có gì phải tu sửa. Nói có một cái để được, một chỗ để đến là ảo tưởng sai lầm của chúng ta.

Thư và mình tuy là thân hữu nhưng mỗi người một hướng đi, một con đường, một thế giới. Bạn luôn hoài bảo cố học thành tài, còn tôi chỉ thích làm một hành giả tiêu dao nơi rừng hoang chiền vắng. Đôi khi mình cảm nhận sự cách biệt quá xa. Tìm một điểm gần chỉ có sự chia sẻ và niềm cảm thông sâu sắc làm cơ sở bền vững thôi. Thư là Thái Sơn lồng lộng, cao nghiêm thách thức cùng mưa sa bão táp. Tôi là viên đá cuội tầm thường nắng gội mưa pha, nằm bên bờ đại dương luôn chịu bao vùi dập của sóng biển. Có một lúc nào đó, viên đá này sẽ tan biến nhưng trái tim và thần trí sẽ bay về nơi chẳng có quê hương, không chốn nhất định để tiếp tục kiếp sống vô bờ cho đến khi hoàn thành hạnh nguyện thiêng liêng. Dường đời hai nẻo, đường đạo mênh mông không có chỗ tương phùng. Nhưng dù khoảng trời cách biệt quá xa, mình vẫn luôn hướng về bạn bằng tâm hồn tán trợ hộ niệm để cùng tồn tại trên biển đời trôi nổi.

Vẫn biết trọng trách tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự là điều tất yếu của mỗi người con Phật, nhưng liệu chúng ta đủ trí lực để vượt qua những cám dỗ vướng mắc trên con đường thiên lý này không? Đó còn là bài toán khó giải. Muốn dấn thân vào trần lao làm Phật sự, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải có nội lực công phu, mới đủ sức đương đầu với bát phong, ngũ dục. Nếu Thư chỉ dùng chút tài học vấn của mình mà dám dấn thân thì điều này thật khó đảm bảo. Vì dù đọc khắp ngàn kinh muôn luận mà không tiêu hóa được, chúng ta vẫn là người nghèo đếm của báu cho người. Chỉ e có ngày xôi hỏng bỏng không thì uổng phí một đời xuất gia học đạo. Con người, cuộc sống, trí tuệ và trái tim làm sao dung hợp được là một vấn đề.

Con người có trí tuệ và tài năng cũng cần có trái tim nồng ấm để xoa dịu những vết đau cuộc đời, nhưng không đồng nghĩa là chúng ta chạy theo sự đòi hỏi của trái tim mà quên tiếng nói của trí tuệ. Cũng không phải chúng ta chỉ thuần theo lý trí khô cằn mà quên đi tình thương sanh loại. Ta nên thận trọng trong việc hành xử. Nếu bạn đang làm một việc vô ích và không cần thiết cho sự giác ngộ, đường đi của người học đạo, thì có phải là bạn đang bước vào một cuộc phiêu lưu không đoạn kết chăng? Hãy kiểm soát lại tâm mình, xem cho kỹ từng động niệm chi li, tường tận từng động cơ phát xuất hành vi, đừng để niệm lợi danh dẫn dắt khiến chúng ta định hướng sai lầm. Chúng ta phải là bản kinh sống truyền trao trí tuệ giác ngộ cho người chớ không thể là cây cột chỉ đường vô hồn không có chút kinh nghiệm dẫn lối, phải không Thư?

Bạn thân mến!

Gió thổi tùng lay, gió không có ý đùa tùng, nước chảy khe sâu, khe không có tâm giữ nước. Thời gian cứ trôi, mọi vật đổi thay, con người cũng không tồn tại. Bao lớp người trước đi qua, bao thế hệ sau tiếp nối. Từng từng lớp lớp, đã bấy người đi qua, đã bao người bước tới, từng bước chân giẫm nát địa đàng nhưng trông lại chỉ là dấu chân trên cát. Gió lấp nước trôi, cát vẫn còn đây mà dấu chân thì đã xóa mờ. Con người rồi ai cũng sẽ chết. Có cái chết nhẹ tợ lông hồng, thanh thoát an nhiên, chưa từng đến cũng chẳng hề đi, thâu thần tịch diệt. Và có cái chết nặng như Thái Sơn, lang thang trong biển nghiệp luân hồi, không biết mình sẽ đi về đâu. Bao nhiêu thứ tài bảo, kiến thức chất chứa một đời đâu thể đem ra đương địch với sanh tử. Đường trước mịt mờ không biết chỗ nương thân. Thư cần phải thận trọng trước bờ sanh tử, đừng để lỡ bước sa chân mà ân hận ngàn đời.



Hạnh Diệu

http://thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=2356