Monday, January 5, 2009

NIEM PHAT NHUNG DIEU CAN BIET (5-17)

NIEM PHAT NHUNG DIEU CAN BIET (6-17)

NIEM PHAT NHUNG DIEU CAN BIET (7-17)

Sunday, January 4, 2009

THIỀN VÀ TỊNH BỔ SUNG CHO NHAU

Do những tương đồng đã dẫn trên, Thiền và Tịnh thay vì đối nghịch, mâu thuẫn nhau lại có thể hòa hợp, bổ sung cho nhau để kiện toàn sự tu tập.

2.1. Thiền bổ sung cho Tịnh

Tịnh độ là pháp tu rất phổ cập trong dân gian. Nhưng thường lệ cái gì quá phổ thông thì dễ đi tới chỗ bị xem thường hay tu qua loa lấy có. Thời nay nghiệp lực chúng sanh sâu dày, căn khí yếu ớt, tánh hay giải đãi, nếu chỉ hoàn toàn dựa vào tha lực mà tu thì tự nhiên phát sanh ra sự ỷ lại hay chần chờ. Nhất là họ viện cớ rằng: Kinh A Di Đà nói: "Lúc lâm chung chỉ cần niệm mười tiếng danh hiệu A Di Đà Phật thì dù trước đó có tạo nhiều nghiệp tội cũng được vãng sanh Cực Lạc". Nếu hiểu lầm như vậy thì đáng tiếc thay, vì lẽ tâm họ thường nghiêng về đường ác thì lúc lâm chung đâu dễ cất lên tiếng niệm Phật cầu vãng sanh, đâu dễ hướng về cõi Tịnh. Ấy chỉ vì nghiệp lực chiêu cảm kéo họ đi vào ngõ tối tăm chớ không phải vì Phật không cứu.

Kinh đã nói rằng: Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhơn duyên, đắc sanh bỉ quốc. Nghĩa là không thể dùng một chút ít công đức mà cầu xin Cực Lạc được. Phật A Di Đà tuy sẵn sàng tiếp độ, nhưng trước nhất tự mình phải độ mình, tạo đủ tư lương Phước Trí rồi hồi hướng Tịnh độ mới bảo đảm. Tu Thiền song song với Tịnh độ thì tránh được sự biếng nhác giải đãi nêu trên. Phải tự mình nỗ lực, gắng gỏi công phu, phải phát tâm bỏ nhiễm về tịnh, bỏ ác theo thiện, tức là tự mình phải có ý hướng muốn giải thoát thì mới ứng hợp cùng bi nguyện độ sanh của Đức Phật A Di Đà. Tha lực dù mạnh mẽ đến đâu mà không có sự tích cực của tự lực thì cũng phí uổng thôi.

Hơn nữa, người có khuynh hướng và khả năng tu Thiền thường có thể vượt qua sự tướng mà vào lý tánh. Nếu thực hành Thiền Tịnh song tu, hành giả không cần áp dụng sự niệm Phật mà tu Lý niệm Phật hay Thiệt Tướng niệm Phật. Pháp tu này viên mãn thì vãng sanh hàng thượng phẩm. Ở cõi ngũ trược ác thế này mà gia công tu tập đến mức ấy thì thâu ngắn con đường đi đến quả vị Phật. Như Đức Phật Thích Ca phát tâm Vô thượng Bồ-đề cùng lúc với ngài Di Lặc, nhưng Đức Thích Ca thành Phật trước chỉ vì Ngài chọn phương tiện Nan hành đạo nơi cõi Ta-bà đầy nghịch duyên chướng ngại, còn ngài Di Lặc hiện giờ còn là vị Nhất Sanh Bổ Xứ (phải tu thêm một kiếp nữa mới thành Đạo) vì Ngài chọn Dị hành đạo.

Vả lại Thiền gia thường có định lực tập trung rất mạnh, nếu dùng lực này mà chấp trì hồng danh A Di Đà thì sự chấp trì rất bền chắc, sâu nhiệm. Trong pháp môn Tịnh độ, Tín ví như đôi mắt, Nguyện là chỗ đến, còn Chấp trì là đôi chân. Có đôi chân vững vàng mạnh mẽ rồi, cứ nhắm hướng mà đi thì chỗ nào không đến được? Chấp trì là pháp hành căn bản, nếu thêm năng lực Thiền vào thì chẳng khác nào thêm động cơ cho hành giả tiến nhanh đến đích.

Như vậy tha lực kết hợp với tự lực sẽ đưa đến hoàn bị, kết quả tốt và bảo đảm vậy.

2.2. Tịnh bổ sung cho Thiền

Thiền tông hay dùng phương tiện phá tướng hiển tánh, là pháp tu thẳng tắt để vào pháp tánh Không. Nhưng vì luôn luôn phải phá tướng mà vào nên nhiều người bị rơi vào chỗ chấp không. Khi vướng vào chấp không rồi thì không còn kiêng sợ gì nữa, Giới luật không cần giữ, vì cho rằng địa ngục không, Niết-bàn không, Cực Lạc cũng không. Thế là tha hồ buông lung càn bướng, chạy theo dục vọng, làm bại hoại kỷ cương, làm suy đồi Phật pháp, tội lỗi không thể nào kể ra cho xiết. Nếu những người này biết tu Tịnh độ, biết cầu vãng sanh Cực Lạc thì lúc đang sa rớt như vậy còn có thể nhờ Tín, Nguyện kềm chế lại được, rồi kịp thời sám hối thì sự nghiệp tu hành có cơ cứu vãn bằng không cứ nhắm mắt lao đầu xuống vực thẳm mà tự cho là hay, là giỏi.

Thiền nặng về lý, Tịnh nghiêng về sự. Đó là vì phương tiện mà phân chia ra như vậy chứ thật ra bao giờ cũng phải viên dung sự lý, tánh tướng thì mới hợp đạo mầu. Đây là câu chuyện có thật chứng minh điều ấy:

Thuở xưa, mỗi khi tổ Bách Trượng đăng đàn thuyết pháp đều có một ông già vào dự thính. Bữa nọ, chờ cho mọi người đều lui ra, ông lão tiến đến đảnh lễ và thưa:

- Tôi xưa vốn là một Thiền sư, chỉ vì dạy lầm một câu mà bị đọa làm thân chồn 500 kiếp. Nay cầu xin Tổ chỉ dạy cho để thoát khỏi thân súc sanh.

Tổ hỏi:

- Ngươi lầm lạc ra sao?

- Dạ thưa, xưa có người hỏi: khi ngộ rồi có còn bị nhân quả không? Tôi đáp: Không. Vì bác bỏ nhân quả nên tôi bị đọa.

Tổ bảo:

- Ngươi hãy hỏi lại câu ấy.

- Khi ngộ rồi còn có bị nhân quả chăng?

Tổ đáp:

- Bất muội nhân quả! (Không lầm nhân quả!).

Ông già lễ tạ lui ra. Đêm đó, Tổ thấy cụ già ban sáng đến đảnh lễ, nói: "Nhờ Tổ khai thông, tôi thoát khỏi kiếp chồn. Ngày mai xin cho người đến khe suối phía Nam lượm xác. Xin được trà tỳ như một vị Tăng". Sáng ngày hôm sau, quả tìm được một xác chồn to lớn nằm chết ở suối. Tổ làm y theo lời thỉnh nguyện của ông già.

Câu trả lời của tổ Bách Trượng, vừa công nhận luật nhân quả vừa vượt lên trên sự tướng. Cái gì hữu hình đều là giả, đừng lầm cái ấy với lý thể tánh Không! Nhưng cũng đừng xem thường nó! Đấy là cách dung thông tánh tướng, sự lý rất hoàn hảo mà người tu Thiền nếu được bổ sung bằng Tịnh sẽ có thể đạt được.

2.3. Tự lực và tha lực phải đầy đủ:

Thiền sinh thường quan niệm rằng phải tự mình cứu mình, ai ăn người ấy no nên chủ trương chỉ tin vào tự lực. Thật ra nếu xét cho kỹ, Thiền sinh cũng phải nhờ tha lực rất nhiều: từ miếng cơm manh áo của đàn na tín thí đến sự dìu dắt khai thị của Thầy, rồi nào kinh điển lưu truyền lời Phật tổ, nào cảnh sách, nào gương hạnh người xưa, v.v... đâu ai có thể tự sống một mình, đâu ai tự tu, tự chứng được. Bác bỏ tha lực là một điều sai lầm lớn vì mình và người là lẽ tương giao, thiếu đi một, sự sống không thể tồn tại.

Giữa chúng sanh còn có sự tương giao với nhau thì giữa Phật và chúng sanh lẽ nào không có sự tương ứng? Vì tâm, Phật, chúng sanh đồng nhất thể nên khi tâm này khởi niệm Phật thì Phật hiện tiền trong tâm. Bấy giờ những ích kỷ, hèn mọn, nhơ bẩn của tâm mình bỗng tiêu tan như bóng tối phải biến mất ngay khi vầng thái dương xuất hiện. Đó là sự cảm ứng tương giao không thể nghĩ bàn. Tin vào Phật lực thì được Phật hộ trì; Phật có cõi Tịnh và năng lực nhiếp hóa chúng sanh; chúng sanh ngưỡng thừa Phật lực mà được vãng sanh; đó là lý đương nhiên, do sự kết hợp giữa tha lực và tự lực mà thành tựu.

Thời buổi bây giờ không phải là cơ hội của Thiền vì người tu ít ai được tỏ ngộ, nói gì là chứng đắc. Vậy thì đang lúc công phu nửa chừng mà vô thường đến thì hành giả đi về đâu? Nếu không tin Phật lực mà vào cõi Tịnh thoát nẻo luân hồi thì chắc chắn sẽ còn quanh quẩn mãi trong ba cõi sáu đường, bao giờ ra khỏi được? Hơn nữa, khi gặp tai ương hoạn nạn, lúc hiểm nguy, khi đau yếu bệnh hoạn, ai cũng có khuynh hướng nương tựa vào sự che chở, sự cứu nguy của Quán Thế Âm Bồ-tát, như con thơ cần mẹ hiền. Đó là khuynh hướng tự nhiên không chối bỏ được. Ít ai có đủ bản lãnh dùng tự lực đối phó những vấn đề trên, mặc dù lúc bình thời người tu Thiền cảm thấy rất thanh thản ung dung. Vì thế, người tu Thiền nên tự cứu mình bằng cách tin vào lời giới thiệu của Đức Phật Thích Ca về cõi Cực Lạc ở Tây phương rồi phát nguyện vãng sanh. Dùng hết năng lực mà hạ thủ công phu, hoặc là Sự chấp trì, hoặc là Lý chấp trì thì đó là cách tu thực tiễn và hiệu quả hơn hết vì đã phối hợp tự lực và tha lực.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | Mục lục