Thursday, March 5, 2009

TÁM GIAI ĐOẠN TU THÀNH PHẬT

Ngày đầu xuân là ngày mang tin vui lớn nhất đến cho chúng ta, bởi vì ngày này đức Phật tương lai Đại từ tôn Di Lặc đản sinh. Nhân đây, chúng tôi nêu lên những giai đoạn mà người con Phật phải trải qua trên bước đường tu tập.

Chúng ta biết không có vị Phật nào trong thời tu nhân mà chỉ nằm nghỉ, đi chơi, bách phố la cà khắp nơi, cuối cùng được thành Phật. Tất cả chư Phật đã thành, sẽ thành đều trải qua quá trình tu tập Phật đạo, siêng năng, tinh tấn bất thoái chuyển trong thời gian dài vô số kiếp. Các ngài đã sống trải, tu tập, phát nguyện, chịu tất cả sự khó khổ, gian nan nhất trên cuộc đời mới thành tựu Phật đạo. Thông thường chúng ta được học, trong vô số kiếp thứ nhất các ngài ở những vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, đó là bốn mươi cấp căn bản. Đến vô số kiếp thứ hai từ Sơ Địa cho tới Bát Địa Bồ-tát. Vô số kiếp thứ ba từ Bát Địa cho đến Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác thành Phật.

Chúng ta bây giờ đang ở vô số kiếp thứ mấy, đã đi được bao nhiêu, tu tập ra sao? Không ai biết cả. Thỉnh thoảng có vị than tu hoài không thành Phật, dâng hương lễ Phật nói với Phật: “Bạch Ngài, con tu bao nhiêu năm rồi mà không thành Phật, cũng chẳng giác ngộ giải thoát. Những thứ bất như ý đầy dẫy, con làm sao giải tỏa được nó đây?” Như đã nói, chúng ta chưa biết mình ở vô số kiếp nào, trên quá trình từ nhân địa tới Phật đạo, do đó cần phải tự đả thông bằng đạo lý do chính mình thể nghiệm.

Ở đây, chúng tôi nêu lên tám giai đoạn thể nghiệm để huynh đệ cùng chiêm nghiệm, chia sẻ trên bước đường tu học của chúng ta.

Tám giai đoạn đó thế này:

1. Trai giới thanh tịnh:

Chúng ta cùng nhau nghiệm xem trai giới của mình thanh tịnh chưa? Nếu chưa mà cứ than thở bạch Phật “tu hoài không xong” thì tự mình phải điều chỉnh lại. Hầu hết Phật tử đều đã thọ giới, ít nhất là năm giới. Qua năm giới ấy, mình nghiệm xem giữ được giới nào, hành trì có trang nghiêm hoàn chỉnh không, hay còn những giới chưa giữ được. Nếu còn một chút chưa giải quyết được thì là chúng ta chưa hoàn chỉnh bước thứ nhất. Bước thứ nhất chưa hoàn chỉnh mà nhảy qua bước thứ hai thì có khi phải quanh trở lại.

Trên thức tế có vị tu hành cũng đàng hoàng, giới đức trang nghiêm, đạo hạnh đầy đủ, nhưng đùng một cái thiên hạ ngạc nhiên khi nghe vị ấy quay về thế tục. Dạng này do có những bước nhảy vượt, không cơ bản, không vững chắc, nên mới xảy ra như thế. Vì vậy người tu trước nhất phải hoàn chỉnh giai đoạn trai giới thanh tịnh. Chúng ta có thể kiểm nghiệm và biết được mình thanh tịnh hay chưa thanh tịnh. Thanh tịnh đến mức độ nào?

Về phía Phật tử cư sĩ, ít nhất quí vị thọ năm giới, ngoài ra còn thọ thêm mười giới Thập Thiện, có vị phát tâm thọ năm mươi tám giới Bồ-tát nữa. Tóm lại, trong hàng cư sĩ có ba cấp giới học. Cấp thứ nhất là năm giới căn bản, cấp thứ hai là giới Thập Thiện. Người giữ tròn mười giới Thập Thiện đời sau sẽ được sanh thiên, nếu giữ không tròn thì thay vì đi thẳng lên thiên giới, vị ấy né qua một bên lọt vào cõi A Tu La. Nghe nói thế giới A Tu La ai cũng ngán, vì nó lạ lùng lắm. A Tu La nữ rất hoàn chỉnh, còn A Tu La nam có khi mang đầu trâu mặt ngựa, nóng nảy dữ dằn. Do vậy họ thường hay gây chiến với chư thiên. Chúng ta học trong sử thấy ngài Long Thọ, Mã Minh, từ tuệ nhãn thấy đầu, tay, chân… từ đâu rơi xuống đầy máu me. Quí Ngài biết là do chúng A Tu La đánh nhau với mấy ông trời. Nói thế, không phải A Tu La không có phước. Phước họ gần như chư thiên, nhưng vì quá sân giận nên không bì lại cõi trời. Nên biết hậu quả của sân hận lớn lao vô cùng. Giống như một đóm lửa nhỏ chúng ta không dập tắt, nó sẽ cháy lan khắp.

Trở lại vấn đề tu tập ở bước đầu là giới học. Khi quí thầy trao truyền giới cho quí Phật tử, thường hay nói: “Quí vị giữ được những điều giới đó là tu”. Giới học là pháp tu, Phật tử giữ được những điều giới đó là bảo toàn nhân cách. Giữ được giới quí vị khỏi sợ mai mốt nhắm mắt bị ma quỷ bắt. Giữ năm giới hoàn toàn là nhất định Phật tử sẽ sống an ổn, vui vẻ. Khi chết biết được đường đi, không sợ hãi hay nghi ngờ gì cả. Đó là ở cấp năm giới.

Nếu không trì giới, ở nhân gian đi xuống thì thời gian vô cùng. Các vị thánh nói cõi địa ngục một ngày một đêm bằng ở nhân gian một trăm năm. Tuy nhà Phật bảo mọi pháp đều giả hợp mà một trăm năm đâu phải là ngắn. Con người từ lúc mới sinh ra, lớn lên xinh đẹp khôn ngoan như thế, nhưng đến bảy tám mươi là đi hết nổi. Có khi mới bốn mươi, năm mươi tuổi cũng đi hết nổi rồi. Thời gian tuy không thật nhưng quả báo mình chịu đựng rất đáng kể, chứ không phải thường.

Các vị Phật tử tại gia đã thọ hoặc năm giới, mười giới, trong cấp độ này từng bước tu tập quí vị đã có thể nghiệm, có công phu. Từ đó quí vị nhận ra được hướng đi, chỗ đến của mình ra sao. Đặc biệt hơn, nếu vị nào phát tâm thọ năm mươi tám giới Bồ-tát, là Phật tử tại gia nhưng tư cách hành xử như một vị Bồ-tát. Đây là điều đáng quí, đáng khích lệ. Thế nên hàng Phật tử cần phải giữ gìn những thành tựu ban đầu như thế, để làm thềm thang tiến lên quả vị giải thoát cứu kính.

Nói về trai. Phật tử còn nhớ trong lễ quy y Tam Bảo, quí thầy dạy: “Ăn chay hay mặn gì cũng tu hết, giữ được năm giới là tu”, nhưng “Ăn chay phát triển được lòng nhân, gần gũi tâm từ bi, dễ đi đến thành tựu tâm đại từ đại bi”. Chúng ta là đệ tử Phật, bắt đầu quy y, tập sống theo đời sống của Phật, Bồ-tát thì đối với việc ăn chay cũng nên thực hành để nuôi dưỡng và phát triển tâm từ.

Nói về “trai” là nói đến chế độ ăn uống của người Phật tử. Điều này không bắt buộc ai cả, nhưng nếu quí vị có cách ăn uống tốt thì cũng hỗ trợ cho công phu tu nhiều lắm. Bước ban đầu chúng ta phải giữ giới thanh tịnh là dĩ nhiên rồi, nhưng trai thì có vị ăn chưa được. Lại có người không phải là Phật tử mà ăn chay trường. Hiện nay y học nghiên cứu thấy ăn chay ngừa được một số bệnh nan y, vì vậy trên thế giới người ta ăn chay nhiều lắm. Nếu Phật tử nào vừa giữ giới vừa ăn chay được thì có thể nói là hoàn chỉnh phần trai giới. Vị nào chỉ giữ giới mà chưa giữ trai thì chưa hoàn chỉnh được bước đầu. Như vậy con đường Phật đạo còn dài xa lắm.

2. Không thoái lui trên con đường Phật đạo:

Ở đây muốn nhấn mạnh không thoái lui tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là tâm cầu Phật đạo, cầu giác ngộ. Người Phật tử làm sao gầy dựng được bước đi căn bản luôn tiến, luôn vững, không vì bất cứ lý do gì thoái tâm Bồ-đề. Khi tâm Bồ-đề thoái rồi thì con đường Phật đạo xem như bị ngó lơ, mình quay lưng đi. Một khi ta đã ngó lơ, đã quay lưng thì không biết bao giờ mình mới chịu tìm, chịu nhận lại ông Phật thật sẵn có nơi mình. Vì vậy quí thầy hướng dẫn các Phật tử tu tập, luôn luôn quan tâm e ngại ở giai đoạn này. Có thể vì lý do bức xúc nào đó, Phật tử đi chùa một thời gian thấy chán nản, tu tập một thời gian thấy chán nản. Đó là biểu hiện của thoái tâm Bồ-đề. Một khi đã nản, đã quay lưng rồi, gầy dựng trở lại rất khó.

Trong sử học có nói về gia đình ông Cấp Cô Độc, là vị đại thí chủ của tăng đoàn thời đức Phật còn tại thế. Ông sẵn sàng đem tất cả kho báu của mình ra dâng hết cho Tam Bảo. Vì vậy Phật cần xây dựng chỗ nào, chư tăng cần làm việc gì, ông đều cung cấp hết. Bởi ông phát tâm như vậy nên trong gia đình cũng có một ít người không ưng, trong đó có bà giữ kho. Bà chuyên giữ kho, khi chư tăng cần cái gì, có giấy của trưởng giả, ngoài mặt bà không dám nói nặng nhưng trong bụng cằn nhằn “sao mấy sư cứ vòi vĩnh hoài vậy, không biết xấu hổ”. Thấy chư tăng từ xa là bà nghĩ không biết bữa nay mấy ông thầy tới làm gì nữa đây? Bà bực bội lắm.

Một hôm, đức Thế Tôn nghĩ bà nghiệp chướng sâu dày, ngài muốn độ nhưng biết bà lão không có duyên ngài. Khi thấy Phật đi đằng kia bà ngó chỗ khác. Phật biết thế nên hóa hiện ra nhiều thân, có mặt khắp mọi hướng. Nơi nào bà ngó đều có Phật đi tới, bà liền ngó xuống đất. Phật biết mình không có duyên với bà ta rồi, Ngài liền quán sát trong tăng đoàn, thấy có một người độ được bà. Đó là La Hầu La. Mỗi khi thấy ngài La Hầu La từ đằng xa là bà đứng dậy chạy ra đón mừng. Không gì lạ, bởi duyên trong nhiều đời bà đã từng là mẹ của ngài, nên còn hơi hướm tình thương thuở trước, do đó tôn giả La Hầu La là người độ bà.

Ở đây trên con đường Phật đạo dài lâu, chúng ta từng bước gầy dựng, quan tâm gìn giữ làm sao tâm Bồ-đề của mình vững chắc, không để thoái tâm. Cố gắng gìn giữ thì những sự kiện phát sinh trong giai đoạn tu tập không làm gì được chúng ta. Phải biết nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, vì đó chính là bảo vệ tánh giác của mình. Đức Phật không bao giờ chấp nhận những ai bữa nay hứng lên ngồi thiền bỏ ăn, ngồi suốt đêm suốt ngày. Làm được hai ba ngày, sau đó thấy mệt bỏ luôn. Tu kiểu một nắng mười mưa như vậy nhất định không bao giờ thành công cho được.

Con đường Phật đạo liên tục dài lâu, chịu đựng gan dạ và phải một bề tiến thẳng mới đến nơi đến chốn được. Thành ra ở bước thứ hai, chúng ta phải bảo vệ được tâm Bồ-đề. Nghĩa là từ hồi chúng ta mới bén duyên đến với đạo, chưa hiểu biết gì về đạo, rồi từ từ học Phật, phát tâm tu hành, nuôi dưỡng dần dần cho tới khi chúng ta hiểu đạo, áp dụng tu tập. Chúng ta giữ cho được liên tục, không để bất cứ lý do gì làm hỏng đi. Chủng tánh Bồ-đề mà bị hư thối rồi thì không làm sao gầy dựng lại được. Luôn luôn với tâm thành khẩn, hướng tiến, biết rõ con đường dài lên dốc ngược, chúng ta phải gắng gỗ mà đi, đi mãi. Như thế không tính thời gian, gặp khó khăn chi cũng cứ tiến thẳng, nhất định sẽ thành công.

3. Phát đại nguyện rộng lớn:

Người tu hành nào cũng phát đại nguyện hết. Trong thời khóa chúng ta tu tập hằng ngày có mười hai lời nguyện, đó là những đại nguyện. Tại sao gọi là đại nguyện? Vì đó là những lời nguyện tỉnh táo sáng suốt để thành tựu Phật đạo. Chúng ta không nguyện được bao nhiêu vàng, bao nhiêu tài sản, không nguyện có thân tướng như trời như vua, mà nguyện tâm Bồ-đề được kiên cố, nguyện tất cả những vị thiện hữu tri thức trong mười phương vì lòng thương tưởng mà hỗ trợ cho mình thành tựu được đại nguyện. Chúng ta cũng biết những vị đó đang tiến hoặc tiến trước mình một khoảng trên con đường tu tập Phật đạo, họ chưa xong việc. Do vậy có thể họ cũng không cho mình được gì cả. Song ta chỉ mong họ có điều kiện hỗ trợ mình, giống như hai người bạn cùng làm ăn với nhau. Một người bị hoàn cảnh suy sụp, công việc làm ăn thất bại, tài sản tiêu hết. Một người có điều kiện phát huy được trở thành giàu có vô cùng. Bây giờ người bạn thân đã bị khánh kiệt không mong người kia đem cho mình tài sản, mà chỉ mượn thôi, khi gầy dựng sự nghiệp được sẽ trả lại.

Cũng thế, người đệ tử Phật hiểu biết một cách cụ thể, sống vững với tinh thần Phật lý căn bản là mình chỉ nương nhờ tạm thôi. Ở đây thiện hữu tri thức hỗ trợ cho những lời nguyện của mình. Chúng ta chưa thành Phật nhưng phát nguyện thành Phật, chưa độ chúng sanh nhưng phát nguyện khi giác ngộ sẽ độ hết chúng sanh. Tôn giả A Nan khi nhận ra được yếu chỉ rồi, ngài phát nguyện trước đức Thế Tôn: “Con nguyện độ tất cả chúng sinh được thành Phật rồi con thành mới thành Phật. Nguyện Phật chứng minh và hỗ trợ cho con thực hiện được lời nguyện này”. Đây là cách phát đại nguyện của chư vị Bồ-tát.

Đức Phật trong thời tu nhân hành Bồ-tát đạo, có một khoảng ngài rơi vào địa ngục, thấy nhiều tội nhân bị hành hạ khổ sở vô cùng. Quỷ sứ bắt họ kéo chiếc xe bằng sắt rất nặng, bọn chúng đứng trên xe đâm chém vào người tội nhân. Hoặc cho tội nhân đội vòng lửa xoay trên đầu. Nghe tiếng rên la, kêu gào đau đớn thống khổ của họ, Ngài thương quá nên phát nguyện: “Tôi nguyện thay tất cả nỗi khổ này cho chúng sinh, nguyện từ nay về sau đứng ai gầy dựng nhân xấu để rơi vào địa ngục chịu muôn vàn sự thống khổ như thế này. Ngài vừa phát nguyện như vậy đó thì những chiếc xe sắt rớt ra hết, và bỗng nhiên ngài thấy mình bay lên hư không. Nhờ tâm từ bi mở ra, ngài phát nguyện thay khổ cho tất cả chúng sanh, nguyện mười phương các bậc hiền thánh hộ trì giúp cho chúng sanh hết mê lầm, không gây tạo những nghiệp nhân bất hảo, để đừng bị đọa vào địa ngục, nên ngài ra khỏi chốn lửa dữ.

Ở đây nói phát đại nguyện là như vậy, tức là phát tâm giác. Phát được tâm giác rồi thì tất cả cửa mở ra. Chúng ta hễ phát tâm được thì mình vui vẻ, trong lòng cởi mở. Ngược nếu nếu chấp chặt thí sẽ bị mất hết. Như người sợ kẻ trộm, làm rào dậu, chuông điện đủ thứ, càng sợ nó càng tìm vô lấy của. Cuối cùng mỗi nghiệp theo nghiệp mà trôi lăn. Khi học Phật pháp rồi chúng ta thấy con người khó cưỡng lại được nghiệp của mình, chớ không phải họ không biết.

Nói tới đây tôi nhớ hồi nhỏ lúc tôi ở chùa Vạn Đức. Vùng đó hồi xưa có nhóm bụi đời dữ dằn lắm. Tên chúa đảng có sở thích là ban đêm muốn ăn cháo gà, nên đàn em đêm nào cũng kiếm gà về nấu cho anh ta ăn. Đàn em kiếm riết rồi sợ quá, vì người ta bảo vệ gà rất kỹ, cuối cùng đích thân hắn đi. Bữa đó thấy ảnh chết, tôi đi ngang cũng không dám ngó nữa. Người nuôi gà giăng điện trên bờ rào, ảnh vừa nhảy vô nằm vắt ngang trên đó bị điện giựt chết. Họ lôi ra để ngoài đường từ sáng cho tới chiều, cả gia đình của anh đi ngang cũng không dám nhận. Thiên hạ phỉ nhổ, chê cười. Thật ra, không phải anh không biết điện giật sẽ chết, nhưng do cái nghiệp nó sai khiến dẫn đi như vậy.

Nói tóm lại phát đại nguyện là mở lòng ra, phát tâm giác, cầu giải trừ tất cả nghiệp tập, tu hành cho tới viên thành Phật đạo.

4. Tâm từ bình đẳng:

Lòng thương trải rộng bình đẳng không phân biệt thân sơ. Muốn có được tâm từ bình đẳng quả thực rất gian nan. Trong cuộc sống có những trường hợp, những con người vừa gặp tự nhiên mình thương. Có người mình phải phân tích, phải phát tâm lắm mới thương nổi. Bây giờ làm sao quí vị thương được kẻ vừa lấy trộm đồ trong nhà mình, điều này khó lắm. Nội mình đang đi đây, rủi họ đụng mà không xin lỗi, có vẻ kênh kênh là mình muốn đập rồi, chứ ở đó mà nói thương. Nhưng trong tinh thần Phật dạy chúng ta phải thương được, xóa được, bình đẳng được với những người như thế.

Muốn thực hành điều này, chúng ta phải nhớ lời Phật dạy là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả đều là Phật sẽ thành. Như vậy sẽ không có ông Phật nào giận ông Phật nào hết. Mình giận là không phải Phật rồi. Ta đâu nỡ lòng nào phủ nhận mình không phải là Phật. Do vậy nên dù sự cố xảy ra làm sao, chúng ta cũng cố gắng hành trì chỗ này. Không giận một vị Phật tương lai nào cả, đó là giữ được tâm bình đẳng giữa Phật Phật với nhau.

Trong kinh Pháp Hoa có một phẩm ghi lại hình ảnh tu tập và hoằng hóa của Bồ-tát Thường Bất Khinh. “Thường” là lúc nào cũng như vậy, “Bất Khinh” là chẳng dám xem thường ai hết. Phương pháp giáo hóa của ngài là đi đâu, gặp ai từ xa bất luận tăng ni hay đạo tục, ngài đều chấp tay bái bái nói lớn: “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài là Phật sẽ thành”. Bài thuyết pháp và hành động của ngài lúc nào cũng như thế. Bài thuyết pháp ấy nhắc cho chúng ta nhớ mình là Phật sẽ thành, tức chúng ta có dòng họ, có chủng tử Phật. Phát huy tinh thần tu tập Bồ-tát đạo của các Phật tử là như thế.

Phát đại nguyện, phát Bồ-tát tâm, gầy dựng tinh thần bình đẳng triệt để, là bắt đầu bước những bước khó rồi. Cho nên nói con đường tu tập Bồ-tát hạnh đi đến viên thành Phật đạo là con đường dài lâu, kiếp số vô lượng vô biên. Đức Thế Tôn đã cho chúng ta biết ngài trải qua những giai đoạn như thế trong ba a tăng kỳ kiếp. Vì vậy cần phải lập chí thật vững chắc, siêng năng tinh cần, không tính hạn lượng, chỉ một tâm hướng đến việc tu tập mà thôi.

5. Hạ thấp mình để cầu học Phật pháp:

Khi tu hành, chúng ta được sự hướng dẫn của chư tăng, quí thầy thường dạy, người Phật tử gặp chư Tăng Ni và các bạn đạo của mình, phải chấp tay chào: “A Di Đà Phật”. Gặp nhau thưa anh thưa chị là phép tắc ngoài đời. Vì có anh chị thì có hoặc là anh chị họ nội, hoặc anh chị họ ngoại. Rồi anh chị bên họ nội gần gũi hơn anh chị bên họ ngoại hoặc ngược lại v.v… phân biệt nhiều chừng nào thì phiền não phát sinh chừng nấy. Trong đạo không như thế, gặp nhau người lớn người nhỏ, người quen người không quen đều là bà con hết, vì tất cả đều là Phật sẽ thành hết, nên chấp tay xá chào: “A Di Đà Phật”. Bây giờ chúng ta tu Bồ-tát đạo để viên thành Phật đạo thì nhất cử nhất động gì cũng đều hướng về Phật đạo.

Cho nên ở giai đoạn thứ năm phải hạ mình xuống học đạo. Tất cả mọi công phu, việc làm trong đạo, không thể nghe sơ qua mà làm được, phải học, phải có thầy. Chúng ta luôn được hướng dẫn, hun đúc tinh thần tu tập trong một môi trường, một điều kiện nhất định. Quí Phật tử thấy chư Tăng Ni xuất gia như chúng tôi, được hun đúc trong một thiền viện để nuôi dưỡng phát huy tinh thần cầu đạo giác ngộ giải thoát. Bởi vì việc này khó chứ không phải dễ, không phải nói là làm được. Có khi nói được, nói rất hay mà làm không được, cho nên phải được khép trong một cái khung, để từng bước chúng ta làm cho được. Vì thế người vào đạo bước ban đầu phải khiêm nhường, hạ thấp xuống để học, dù cho bản thân mình là hạng người nào.

Chúng ta đọc kinh, thấy các vị Bồ-tát học đạo nơi những người thị hiện loài súc sanh. Bồ-tát học đạo với chồn, cáo, hổ chẳng hạn. Bởi vì có khi các loài súc sanh ấy là lớp thị hiện của Bồ-tát để thử tâm người học đạo. Trong kinh Phật nói giáo pháp của đức Thế Tôn không phân biệt chủng tộc, giai cấp. Đức Phật thị hiện ra đời để phá giai cấp, nhất là bốn giai cấp đè nặng trên vai người Ấn Độ. Trong đó giai cấp Thủ Đà la là giai cấp thấp nhất, bị đè bẹp, bị bóc lột, phải làm nô lệ cho cho các giai cấp trên từ đời này sang đời khác, không thể cất đầu lên được. Trong giáo đoàn của đức Phật có những vị A La Hán, gốc tích từ dòng nô lệ, như trưởng lão U Ba Li, vị Thánh đệ tử hành luật bậc nhất.

Có lần đức Thế Tôn trên đường hoằng hóa, gặp một vị trong giai cấp Thủ đà la. Thường những người giai cấp này có cái chuông gắn nơi chân, họ đi đâu chuông kêu keng keng, báo động những dòng tộc quý phái biết có bọn Thủ đà la ở gần nên tránh đi, vì gặp là xui lắm. Người này đang gánh phân, nghe nói có đức Thế Tôn ở trước, ông sợ quá tìm cách tránh. Đức Phật quán sát thấy người này hữu duyên, có thể hóa độ được, nên ngài thị hiện khắp mọi ngỏ ngách. Ông tránh chỗ nào cũng gặp Phật hết. Cuối cùng đức Thế Tôn nhiếp phục, độ vị Thủ Đà La này thành Tỳ-kheo và chẳng bao lâu vị ấy chứng Thánh quả. Sự việc này khiến vua Ba Tư Nặc rất bất mãn. Bởi vì vua là đệ tử Phật, mỗi lần lên hầu chuyện Phật, thưa hỏi Phật pháp, nhà vua đảnh lễ đức Thế Tôn và tất cả các vị thánh A La Hán, trong đó có ông Thủ đà la này.

Chịu hết nổi, vua nhất định tìm đức Thế Tôn, trình bày cho ra lẽ: Muốn giáo đoàn cao quý tốt đẹp, vì sao Như Lai lại nhận những người như thế vào trong tăng đoàn? Hôm ấy ông đến, đức Thế Tôn đang nghỉ trưa, cửa đã đóng. Có một vị tỳ-kheo ngồi bên ngoài, ông tới chấp tay thưa: “Bạch thầy, làm ơn cho tôi vào gặp đức Thế Tôn”. Vị Tỳ-kheo nói bây giờ là buổi trưa, chư tăng chỉ tịnh, đức Thế Tôn đang nghỉ ngơi. Vua nói: “Không, tôi là đệ tử đặc biệt của Phật, tôi đến giờ nào Phật cũng cho gặp hết. Phiền ngài hoan hỷ trình lại đức Thế Tôn là có vua Ba Tư Nặc tới yết kiến Như Lai”. Vị tỳ-kheo thấy không ngăn được, ngang cổng tinh xá có một cục đá to, ngài dụng thần lực đi xuyên qua cục đá ấy, vào trong không cần mở cửa. Vua thấy nể quá, thầy giữ cửa của đức Phật mà có thần thông như thế, nên không dám khinh suất giáo đoàn. Sau khi Tôn giả ấy vào thưa với đức Phật, Thế Tôn hoan hỷ cho vua vào.

Gặp Phật nhà vua đảnh lễ, lời đầu tiên của vua là: “Kính bạch đức Thế Tôn, tôn giả giữ cửa hôm nay là tôn giả nào mà có thần lực đặc biệt như thế?”. Đức Phật cười nói: “Đó là người hôm nọ gánh phân trong dòng Thủ đà la hạ tiện đó, nay đã xuất gia đã thành thánh quả rồI”. Nghe xong lời này, nhà vua phá tan tâm đố kỵ, cố chấp về giai cấp của mình.

Cho nên trên bước đường tu học, chúng ta phải hạ tâm xuống học hỏi với tất cả mọi người.

6. Tâm từ bi nhẫn nhục:

Tâm từ của chúng ta có chứ không phải không, nhưng nó giới hạn lắm. Tiền thân đức Thế Tôn tu nhân bố thí, ngài phát nguyện bố thí con mắt. Nhưng từ sáng tới chiều không có người đến xin, Bồ-tát rất buồn. Khi có người tới xin ngài rất hoan hỷ, người xin chưa kịp hỏi, ngài đã móc mắt cho rồi. Người kia cầm lên nói: “Tôi xin con mắt phải, ngài cho con mắt trái, đâu có dùng được”. Nói xong, kẻ ấy ném con mắt của đức Phật xuống đất. Nếu lúc đó tâm từ bi vô ngã vị tha không phát triển thì sân hận nổi lên. Song Bồ-tát tu hạnh bố thí Ba la mật, chẳng những không sân giận mà còn vui vẻ móc con mắt còn lại cho nốt. Chỉ có tâm từ bi, bình đẳng mới thành tựu được như thế.

Cho nên trong giới hạnh tu Bồ-tát đạo để đi đến Phật đạo khó khăn vô cùng, chúng ta thành tựu được mới viên thành Phật đạo. Từ bi nhẫn nhục mà không thấy có mình, có người mới có thể đạt ba la mật. Người tu phải đầy đủ dũng lực, trí lực khả dĩ thực hành hạnh này tới nơi tới chốn. Bằng ngược lại, yếu đuối hoặc không có trí tuệ thì không thể thực hành hạnh từ bi nhẫn nhục một cách rốt ráo được.

7. Tinh tấn giải thoát:

Tinh tấn trên con đường giải thoát, cuối cùng làm được tất cả việc khó làm, bỏ được tất cả việc khó bỏ. Hai chặng này là hai chặng viên mãn nhất.

Có những việc làm chúng ta thể hiện được tinh thần Bồ-tát, nhưng tâm Bồ-tát chưa hoàn toàn viên mãn. Do vậy nên mình chỉ làm trong một chừng mực nào thôi. Bây giờ chúng ta phải mở rộng biên cương ấy ra, xóa hết mê ngộ mới viên thành Phật đạo. Như trời trưa nắng gắt, gánh nặng đường xa, muốn đi đến nơi thì những gì trong gánh phải bỏ hết, cuối cùng cái gánh cũng bỏ luôn. Thân này, hoàn cảnh này, sự sống này, tất cả sự kiện chúng ta loại bỏ hết.

Hòa thượng thường dạy, thân này không thật, hoàn cảnh không thật, các pháp không thật, tâm của mình cũng không thật nữa. Do vậy mình vững vàng bỏ tất cả những cái không thật đó, để sống với tánh giác của mình. Mỗi người chúng ta đều có sẵn tính giác. Ai khéo thực hiện Bồ-tát đạo là phải loại bỏ hết những gì không phải tánh giác để nhận lại sống lại với cái chân thật ấy. Tuy chúng ta có tánh giác nhưng từ lâu quay lưng, bỏ quên nên bây giờ vọng tưởng phiền não bu bám che mờ tánh giác. Bây giờ muốn tánh giác hiển lộ thì phải giạt những thứ tạp nhiễm ra. Hy vọng trên bước đường tu tập, chư huynh đệ nắm vững, hiểu biết lộ trình như vậy để bước từng bước thật vững.

8. Khắc phục hoàn toàn tất cả những khổ đau, được an vui giải thoát:

Khi chúng ta đã thực hành trọn vẹn bảy bước trước là có thể bước sang bước thứ tám. Nhờ nhận và sống lại được với tánh giác chân thật có sẵn nơi mình, chúng ta không còn mê muội, không còn phiền não, do đó cũng không còn khổ đau. Nghĩa là tới giai đọan này hành giả hoàn toàn khắc phục tất cả khổ đau, được an vui giải thoát. Bước thứ tám là đi đến kết quả viên mãn. Chúng ta tự giác, giác tha đầy đủ công đức thì mới thành tựu Phật đạo.

Nhân ngày đầu xuân, kỷ niệm Bồ-tát Di Lặc là vị Bồ-tát hoan hỷ, không còn chấp thủ, tất cả người con Phật chúng ta nhất tâm hướng về ngài, kính lễ ngài và nhớ lại gương hạnh của ngài, phát nguyện thực hiện cho được gương hạnh đó, thực hiện cho được tâm bình đẳng, từ bi trí tuệ, đi từ từ bước đầu giới hạnh thanh tịnh cho đến bước cuối cùng là bỏ được tất cả những gì khó bỏ để được giải thoát an vui vĩnh viễn.

Kính chúc những người con Phật chúng ta luôn tỉnh sáng, thực hiện trọn vẹn nguyện lành của mình, tu tập cho đến viên mãn Phật đạo.

Thở! Mọi Người Hãy Thở

Trong khóa tu Zen Teens, tôi có cơ hội lên chia sẻ với các em. Nếu tôi ngồi nói 1 tiếng đồng hồ thì chắc chắn các em sẽ chán lắm, nên tôi tìm đến các em từ Mississippi để cầu cứu. Tôi vẽ lên bảng hình trái tim, phổi, não, những mũi tên và giải thích cho các em nghe hệ thống thần kinh làm việc như thế nào khi một người đi qua một cảm xúc mạnh, và ký ức ngắn hạn (short-term memory) cũng như ký ức dài hạn (long-term memory) được ghi nhận như thế nào trong những trường hợp đó. Mười mấy em ngồi chung quanh tôi, có em nhìn lơ đãng ra ngoài, có em nghe miệng mở há hốc. Tôi chợt hỏi mình, điều tôi đòi hỏi các em có hơi buồn cười (ridiculous) quá không? Tôi dừng lại vài giây rồi nói: Sư cô đã học những kiến thức này trong trường y, nhưng sư cô đã không biết sử dụng để chăm sóc mình. Bây giờ sư cô muốn dạy các em đến đây tu học để các em có thể hiểu và chăm sóc mình tốt hơn. Sư cô biết đề tài này khá phức tạp. Sư cô đã giải thích cho các em nghe rồi đó, bây giờ các em giúp sư cô dùng ngôn ngữ của các em để làm cho nó dễ hiểu hơn. Mình sẽ đóng kịch, nên mình phải làm cho nó thật đơn giản để các em khác có thể tiếp thu được. Mình có thể dàn cảnh thế này, có một cuộc xung đột giữa hai người... hay có một anh chàng đẹp trai đi ngang qua.... ''Mình dùng anh chàng đẹp trai đi ngang qua đi,'' Julie đề nghị với nụ cười láu lỉnh. Tôi nhìn quanh và thấy các em biểu lộ sự thích thú. Ừ, mình dùng nó làm kịch bản của mình, tôi liền nói. Vậy thì ai sẽ làm anh chàng đẹp trai? Ai làm cái tâm (mind) bị thu hút bởi anh chàng đó? Ai làm tim, phỗi, não, và các hóa chất thần kinh? ''Con làm cái tâm cho,'' Julie xung phong. ''Con làm phổi cho,'' Terry giơ tay lên (Terry 11 tuổi, có những triệu chứng suyển gần đây, và tôi đã chỉ cho em về phương pháp thở bụng khi đang lên cơn suyễn). Các em chọn Allen làm ''anh chàng đẹp trai.'' Allen rất thích chơi thể thao, luôn mang vớ đen cao đến đầu gối, dáng cao và đi tướng rất ngầu. Hiệp, 17 tuổi, dầy bề ngang, ít nói và hiền, cũng bị xung phong giùm để làm bộ não. Hóa và Vivi xung phong làm những hóa chất thần kinh tiết ra từ bộ não. Kenny hoan hỷ làm mắt và tai (tượng trưng cho các căn mắt tai mũi lưỡi và thân), mở to ra khi thấy ''anh chàng đẹp trai'' đi qua, nhưng rồi em chợt la lên, ''Con không thể làm mắt và tai được, vì người ta sẽ tưởng con là bê đê (gay)!''

Các em đứng thành một hàng theo trình tự: tâm, mắt tai, não, và hai hóa chất đứng hai bên não. Isaac là ''hạt giống chánh niệm,''còn nhỏ xíu trước khi tu tập, nên ngồi núp sau lưng ''tâm.'' Đáng lẽ ''tâm'' phải nói huyên thuyên bất tận khi ''anh chàng đẹp trai'' đi ngang, nhưng ''tâm'' chỉ nói được ''He's dreaming!'' rồi cứ cười khúc khích. ''Tâm'' nỗi quạu khi bị các bộ phận khác nhắc. Khi tôi hỏi nếu em lên trước mọi người em có sẽ bị khớp không, ''tâm''trả lời ''con cũng không chắc nữa,'' làm tôi hơi lo. Ngày hôm sau Julie (''tâm'') đến xin nói chuyện riêng với tôi. Qua sự chia sẻ của em, tôi nhận thấy rằng em dễ lên xuống, và em có những cái nhìn và những tập khí có thể làm cho em rất khổ về sau. Tôi lau nước mắt của em, và hướng dẫn em thở để làm dịu lại những cảm xúc đang đi lên trong em. Rồi tôi chia sẻ một cách chân thành với em về những nhận xét và quan tâm tôi có về em. Em chỉ mới 15 tuổi, có thể em chưa hiểu hoặc chưa chấp nhận được những gì tôi chia sẻ với em, nhưng tôi hy vọng rằng em cảm được tình thương tôi cho em. Biết đâu một lúc nào đó trong cuộc đời khi em bị khổ, em sẽ nhớ lại những gì em đã học được từ môi trường tu tập của Lộc Uyển.

Hôm tôi lên chia sẻ với thính chúng trẻ, các em từ Mississippi đã cùng lên với tôi. Các em mặt những bộ vạt hò màu nâu nhìn rất hiền và thiền vị. Mỗi em đều đeo trước ngực hình vẻ của bộ phận cơ thể mình đang đóng. Julie không lên, và không em nào chịu thay thế em, nên tôi đành phải đóng vai cái ''tâm.'' Tôi giới thiệu sơ lược với đại chúng về sự tương quan mật thiết giữa tâm và cơ thể . Khi mình gặp một hoàn cảnh ngoại tại nào đó, nếu tâm mình bị kích thích mạnh (như có sự sợ hãi, giận dữ, thích thú hay kích động) thì não bộ sẽ phóng thích (release) nhiều chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitters) và những hoá chất hormones có liên hệ đến cảm xúc. Sự kích hoạt này của hệ thống thần kinh giao cảm (activation of the sympathetic nervous system) đưa đến những phản ứng sinh lý học gọi chung là ''phản ứng đánh hay chạy'' (physiological responses collectively called fight-or-flight response). Các giác quan trở nên rất nhạy cảm, các cơ bắp co lại, tim và phổi làm việc tích cực hơn. Trung tâm cảm thọ (Emotion center Amygdala) bị kích hoạt cực độ, và trung tâm ký ức (Hippocampus) ghi nhận kinh nghiệm đó (encode) như ''ký ức ngắn hạn.'' Nếu sau đó mình hồi tưởng lại sự kiện đã xảy ra, tâm mình lại bị kích thích với nhiều suy nghĩ và cảm thọ, thì não bộ lại phóng thích các hoá chất thần kinh, dẫn đến những phản ứng trong cơ thể, và trong bộ nhớ của mình (memory bank), ký ức ngắn hạn trở thành ký ức dài hạn....Cứ như thế, tâm mình luôn bị kích thích bởi những hoàn cảnh ngoại tại và nội tại, và những trải nghiệm tâm sinh lý này (physiological and mental experiences) hằn sâu trong não bộ và tâm thức của mình.... Tôi mời đại chúng xem màn kịch (skit) để hiểu rõ hơn những hoạt động này. Kelly và Tiểu Mi cầm hai tờ giấy viết chữ ''Màn 1'' ''Chưa Thực Tập''đi ngang trước đại chúng. ''Anh chàng đẹp trai'' xuất hiện, vừa đi vừa trả lời điện thoại. ''Tâm'' la lên, ''He's dreaming!'' ''I am in love!'' ''I think HE'S THE ONE!'' ''Blah blah blah....'' (Anh ta đẹp trai quá... Tôi yêu rồi...Tôi đã tìm được đúng đối tượng rồi, vân vân và vân vân). Thính giả cười ầm lên, và tôi thầm nghĩ, có sư cô nào ăn nói như tôi! Thôi lỡ phóng lao rồi phải theo lao! ''Mắt và tai'' (em Hạnh) mở toang những cánh cửa giấy. Hạt giống chánh niệm ngồi im ru. ''Não'' tức thì bóc tay vào túi đeo trước ngực, quăng ra hàng loạt những cục giấy vo tròn tượng trưng cho các chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitters). Hai viên hoá học (Vivi và Hóa) chạy ra với 2 cái búa (cũng bằng giấy) và đập vào ''tim'' và ''phổi.'' ''Tim'' dùng mõ gõ cốc cốc thật nhanh. ''Phổi'' thở hổn hển, miệng mở to. ''Não'' giơ tay lên xuống, nói như người máy, ''Ký ức ngắn hạn. Ký ức ngắn hạn. Ký ức ngắn hạn.''

Không phải hoàn cảnh, mà chính cách phản ứng và sự ghi nhận hoàn cảnh ấy ảnh hưởng một đời người. Nếu ai đã từng yêu sẽ luôn nhớ những mối tình đầu, vì mình lao vào nó với tất cả những cảm xúc của thân và tâm. Bao nhiêu năm sau nghĩ lại, mình vẫn cảm thấy bồi hồi. Cũng vậy, khi mình bị khủng hoảng hay lo sợ hay giận dữ, mình cũng ghi nhận những kinh nghiệm này với những phản ứng của thân và tâm. Một người có những kỷ niệm bi thương, nếu mỗi lần nhớ lại sự kiện ấy mà cả tâm lẫn thân sống lại những giây phút đó, thì thật sự những sự kiện đâu phải chỉ xảy ra trong quá khứ, mà chúng vẫn đang tiếp tục xảy ra trong hiện tại và trong tương lai. Mình khổ hoài, trong khi thức cũng như trong những giấc mơ là vì thế. Nhưng nếu mình biết tu tập, thì khi một hoàn cảnh ngoại tại đến với mình, mình tức thì quay về với hơi thở, để làm chậm lại những suy tư và làm an lại cái tâm của mình.


Não bộ vì thế sẽ phản ứng chậm hơn và ít hơn, cơ thể bị kích thích ít hơn, và khi nhớ lại hoàn cảnh ấy, mình lại theo dõi hơi thở để giữ thân tâm trong trạng thái an bình. Như thế, mình có thể ảnh hưởng tích cực cách thân tâm mình đi qua và ghi nhận những hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Sự tu tập này lại có công năng chuyển hóa và trị liệu những vết thương của quá khứ, vì khi những khổ đau đi lên trong tâm thức mình mà mình có thể ngồi thật yên với nó trong hơi thở chánh niệm, thì ''ký ức ngắn hạn mới'' này sẽ được ghi nhận và với thời gian trở thành ''ký ức dài hạn.'' Cứ như thế, mỗi lần khổ đau đi lên, mình lại ôm ấp nó với tình thương trong chánh pháp và dần dần thân và tâm không còn phản ứng tiêu cực như xưa khi nghĩ về quá khứ. Trong báo Scientific American (Khoa Học Người Mỹ) năm 2005 có bài viết về đề tài ''Erasing Memory'' (Xóa Ký Ức). Các bác sĩ tâm lý trị liệu và các nhà khoa học não bộ dự tính sẽ tìm cách xóa đi những ký ức có tính cách rất tiêu cực với những chất hóa học, để người ta không còn bị ám ảnh và khổ đau bởi những gì của quá khứ. Nhưng vấn đề là các ký ức đều nối liền với nhau trong sự liên kết giữa các sợi thần kinh (neurons) ở những điểm tiếp hợp thần kinh (synapses). Làm sao có thể cho thuốc một cách kịp thời ngay sau khi nạn nhân bị khủng hoảng, để ngăn không cho não bộ ghi nhận nó vào ký ức ngắn hạn? Làm sao có thể xoá ký ức ''xấu'' và chỉ để lại những ký ức ''tốt?'' Họ cũng lại rất sợ thuốc bị lạm dụng, ví dụ như những kẻ tội phạm sẽ dùng thuốc để làm cho nạn nhân quên đi những thương tổn họ gây nên, v.v....Có thể một ngày nào đó khoa học làm được điều này, nhưng với sự tu tập chúng ta làm được ngay bây giờ. Tôi cũng đã từng bị ám ảnh bởi quá khứ và khổ đau triền miên mặc dù tôi có bao nhiêu điều kiện hạnh phúc trong hiện tại. ''Tâm cứ bận về quá khứ, hoặc lo rong ruổi tương lai. Quanh quẩn trong vòng hờn giận, xem thường bảo vật trong tay. Dày đạp lên trên hạnh phúc. Tháng năm sầu khổ miệt mài....'' Tôi tu chưa được bao lâu và tôi vẫn vụng về, nhưng tôi biết nhiều khổ đau và gút mắt trong tôi đã được chuyển hóa và trị liệu. Tôi có thể chấp nhận và học hỏi được nhiều từ những kinh nghiệm của quá khứ. Lòng thương và sự cảm thông trong tôi cũng phát sinh và lớn lên từ đó.

Tôi kể cho các em nghe về cách người ta bắt cá hiện nay. Hồi đó những người đánh cá phải ra xa ở ngoài biển để giăng lưới và đợi thật lâu. Tôi được nghe rằng bây giờ ở Boston, người ta chỉ cần bật lên một thứ đèn màu xanh tại cảng vào buổi tối, và trong vòng một giờ, họ có thể kéo lưới với đầy ấp những con cá. Họ làm cá ngay tại chỗ, và từng đàn quạ xà xuống tranh nhau những phần họ ném đi. Cá sa vào lưới là vì chúng bị thu hút bởi ánh đèn màu xanh. Ánh đèn màu xanh của các em là những gì? tôi hỏi. ''Đồ đạc vật chất'' (material things) một em reo lên. ''Thức ăn.'' ''Trò chơi điện tử'' (video games). ''Alcohol'' (rượu). ''Internet.'' ''Chat rooms'' (những phòng nói chuyện trên mạng). ''Shopping'' (mua sắm). ''Xì ke ma túy'' (drugs). ''Ti vi.'' ''Người khác phái....'' Các em thay phiên nhau trả lời.

Để kết thúc buổi chia sẻ, các em lại đứng lên trước đại chúng. Kelly và Tiểu Mi cầm hai tờ giấy viết chữ ''Màn 2'' ''Với Sự Thực Tập''(With Practice) đi ngang trước đại chúng. ''Anh chàng đẹp trai'' xuất hiện, vừa đi vừa trả lời điện thoại. ''Tâm'' la lên, ''He's dreaming!'' ''I am in love!'' ''Mắt và tai'' mở toang những cánh cửa giấy. Nhưng ngay lúc đó, hạt giống chánh niệm nhảy ra, bây giờ với sự thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm đã lớn lên thành cây hướng dương thật lớn (đeo trước ngực). ''Chánh niệm'' la lên với giọng địa phương của Mississippi ''Breathe, y'all'' (Thở. Tất cả đều thở!). ''Chánh niệm'' chạy đến tâm và mỗi bộ phận của cơ thể và lập đi lập lại ''Breathe, y'all! Breathe!'' ''Tâm'' dừng lại những tiếng bi bô xì xồ và tự làm thiền hướng dẫn cho mình, ''Thở vào tôi biết tôi đang thở vào. Thở ra tôi biết tôi đang thở ra. Thở vào tôi biết tôi đang bị kích thích. Thở ra tôi làm yên lại thân và tâm tôi....'' ''Não'' tỏ vẻ ngập ngừng, bóc tay vào túi đeo trước ngực, và quăng ra rất chậm chạp (in slow motion) vài cục giấy thần kinh hoá học. Hai viên ''hoá học''cũng chạy thật chậm với 2 cái búa và đập nhẹ vào ''tim'' và ''phổi.'' ''Tim'' dùng mõ gõ cốc cốc với tốc độ chỉ hơi nhanh hơn một chút. ''Phổi'' thở nhẹ và sâu, miệng cười toe toét. ''Não'' giơ tay lên xuống, nói như người máy, ''Ký ức ngắn hạn. Ký ức ngắn hạn. Ký ức ngắn hạn.''
Khóa tu đã đi qua, và các em đã về lại với gia đình của mình. Nhưng tôi biết những giây phút cùng chung sống và tu tập với các thầy cô ở Lộc Uyển đã được ghi nhận vào ký ức ngắn hạn của các em. Mỗi lần các em nhớ về Lộc Uyển, các em sẽ mỉm cười, và trong ký ức dài hạn của các em sẽ có những niềm vui. Bụt trong tự thân sẽ dẫn dắt và đưa các em trở về trong ánh sáng và không gian thênh thang. Một khi các em đã nếm được hương vị ngọt ngào của sự tu tập, cuộc đời các em vĩnh viễn thay đổi. It will never be the same.

Bên Nhau Trong Cơn Bão

(kể lại chuyện của gia đình thầy Pháp Duệ)

Trong cuộc đời, ai ai cũng phải lần lượt trải qua những lúc thăng trầm, phải đối diện với những nghịch cảnh chớ trêu. Những biến cố lớn ấy sẽ bất thần ập xuống bất cứ lúc nào không ngoại trừ một ai. Điều quan trọng là cách chúng ta chấp nhận và đi qua chúng như thế nào để làm giảm thiểu khổ đau do nghịch cảnh gây ra và để vững vàng hơn, để khả năng bao dung, thương yêu lớn hơn sau mỗi niềm đau.
Vừa qua, gia đình tôi đã hứng chịu một thảm kịch. Đó là sự ra đi của đứa em trai mới mười tám tuổi của tôi. Chỉ còn vài ngày trước khi khóa tu mùa hè kết thúc, tôi nhận được tin từ gia đình là em Tony của tôi đã gặp một tai nạn và đang nằm hôn mê bất tỉnh trong bệnh viện. Tôi cứ nghĩ rằng chỉ là tai nạn bình thường thôi, chắc em sẽ bình phục trở lại, cho nên tôi cố đợi mấy ngày cho hết khóa tu mới xin phép tăng thân rời Làng Mai để về nhà thăm em. Khi về tới nơi tôi mới giật mình khi biết rằng tình trạng của em hết sức nguy kịch.

Hôm ấy, bên giường em Tony, bác sỹ cho biết rằng em trai tôi có thể qua đời hoặc phải sống trong tình trạng hôn mê vĩnh viễn. Mẹ tôi khụy xuống trước hung tin đó. Tôi liền tới ôm lấy mẹ và cứ giữ yên mẹ vòng tay tôi suốt buổi nói chuyện với bác sĩ, vừa để làm chỗ dựa cho mẹ mà cũng vừa để nương tựa vào mẹ vì cảm xúc trong tôi cũng đang cuồn cuộn dâng trào, nếu không ôm mẹ chắc tôi cũng khó giữ được sự bình an.

Bác sĩ nói, có hai sự lựa chọn: một là em trai tôi sẽ sống trong tình trạng hôn mê suốt đời, hai là gia đình phải chấp nhận rút ống dưỡng khí để em sớm ra đi một cách không đau đớn. Quả là một quyết định vô cùng khó khăn đối với gia đình chúng tôi. Những người thân của tôi có mặt lúc đó đều lặng đi. Không khí cực kỳ căng thẳng. Tôi không còn cách nào khác là nắm chặt lấy hơi thở để giữ vững sự bình tĩnh. Tôi đã đặt ra những câu hỏi cần thiết đối với bác sĩ. Sau đó xin phép bác sĩ cho gia đình tôi bốn mươi tám giờ đồng hồ để bàn bạc vì hiện tại chúng tôi không đủ sáng suốt để đưa ra quyết định.

Khi đối diện với nghịch cảnh tôi mới thấy công phu theo dõi hơi thở và bước chân thiền hành quý giá tới nhường nào. Những người không có may mắn được tu tập, khi gặp chuyện bất ngờ xảy tới họ cuốn quýt, bấn loạn lên, họ làm cho mọi việc trở nên rối tung rối mù thêm nữa. Nhờ ơn Sư Ông, nhờ ơn đại chúng, trong những năm tháng tu học năng lượng bình an, vững chãi của đại chúng đã đi vào trong tôi, cơ hội được thực tập mỗi ngày đã un đúc sự bình tĩnh của tôi. Tôi ý thức rằng tôi phải giữ được sự vững chãi ấy để làm nơi nương tựa cho những người thân trong cơn nguy khốn.

Nhìn ra phía hành lang bệnh viện, tôi thấy những đứa em ruột, những đứa em họ của tôi và bạn của Tony đang buồn bã, lo lắng chờ đợi tin tức. Tôi lại gần các em và hướng dẫn các em (mười lăm em) đi thiền hành. Hàng ngày các em nghịch ngợm, hiếu động là vậy thế nhưng hôm nay không ai bảo ai, các em đi rất nghiêm trang. Chú tâm vào hơi thở và từng bước chân thiền hành giúp cho các em buông bớt những căng thẳng xuống. Chúng tôi đi một vòng quanh sân bệnh viện, sau đó ngồi lại bên nhau. Nhờ năng lượng thực tập thiền hành tâm các em dịu xuống, khuôn mặt các em đã bắt đầu buông thư, tuy nhiên cũng có những em vẫn bật khóc. Bọn trẻ chợt nảy ra một ý định: Gấp một ngàn con hạc trắng để cầu nguyện cho Tony. Những cậu bé, những cô bé ấy bắt đầu đặt hi vọng vào những con hạc giấy. Chúng gấp một cách rất thận trọng và nhanh chóng, chỉ trong vài tiếng đồng hồ một ngàn con hạc đã được treo đầy quanh giường của Tony. Các em cùng nhau nhất tâm, thiết tha cầu nguyện và tin rằng Tony sẽ bình phục để lại có thể chạy đi chơi, có thể chuyện trò với chúng như ngày xưa.

Chiều hôm đó, em John mười sáu tuổi - em trai kế Tony của tôi đã tập hợp các anh chị em trong đại gia đình ngồi thiền tại một góc phòng. Tôi rất hài lòng về sự thực tập của em, không ai bảo ai, những người lớn cũng lần lượt ngồi xuống nhiếp tâm cầu nguyện cho Tony. Một năng lượng bình an, nhẹ nhàng từ từ lan tỏa khắp căn phòng. Tôi gọi điện tới tu viện Bích Nham cầu viện các sư anh, tới giúp. Thầy Pháp Nguyên, Pháp Chiếu, và các thầy khác nhanh chóng có mặt ở nhà tôi ngay ngày hôm sau. Tăng thân xuất gia tới đem một luồng không khí mới cho gia đình chúng tôi. Từng cử chỉ, động tác của các thầy đều được đặt dưới ý thức chánh niệm. Mỗi bước chân của các thầy tỏa chiếu sự vững chãi, khuôn mặt bình thản phong cách từ tốn từ đã giúp cho những người thân của tôi cảm thấy bình tâm.

Mỗi ngày, những người họ hàng của tôi tới rất đông để chia sẻ nỗi đau với gia đình tôi. Quý thầy đã chia sẻ với họ về cách sống trong đời sống hàng ngày. Cách thực tập khi người thân đột ngột ra đi. Làm sao để có truyền thông trong gia đình. Các thầy rất gần gũi, thân thiện nên ai cũng muốn tới gần để được hưởng năng lượng bình an. Buổi trưa và buổi tối các thầy làm thiền buông thư cho mọi người để giảm bớt không khí căng thẳng. Những ngày ấy gia đình, họ hàng tôi thực tập rất miên mật, căn nhà biến thành đạo tràng và không khí u ám, đau buồn được chuyển thành không khí trang nghiêm thanh tịnh để cầu nguyện cho em Tony.

Bảy ngày sau, em Tony của tôi đã ra đi một cách rất nhẹ nhàng, khi cả nhà đang quây quần quanh giường em và niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng tôi đã không cần làm một quyết định nào cả. Em thương chúng tôi, em hiểu tình cảnh khó khăn của chúng tôi và đã ra đi thật bình an nhưng cũng thật dũng cảm. Họ hàng và bạn bè của gia đình tôi tới nhà tang lễ chia buồn ngày càng đông. Có nhiều người rầu rĩ, có những người khóc vì thương cảm, nhưng quý thầy đã dạy: “Khi đi đám không nhất thiết phải làm cho người ta buồn rầu hơn”. Những ngày tang lễ em biến thành những ngày tu quán niệm với chương trình kín từ sang đến tối. Các thầy cho pháp thoại ngay trong nhà tang lễ, có thiền hành, có thiền buông thư, mọi người ai cũng cảm thấy một sự nhẹ nhàng, bình an lan tỏa. Khi các thầy hướng dẫn thiền buông thư, mọi người đều lần lượt nằm ngay xuống sàn bên em Tony. Không khí bình an, trang nghiêm thanh tịnh khiến cho những nhân viên nhà tang lễ cũng ngạc nhiên, họ nói rằng chưa bao giờ họ chứng kiến một đám tang như vậy. Những người khách tới chia buồn cũng cảm thấy lòng nhẹ nhàng, không ai muốn về hết, cho tới tối, khi nhân viên tiếp tân tới nhắc nhở mọi người mới chịu chào từ biệt.

Ngày hôm sau, trước giờ hỏa táng của em, có khoảng năm sáu em lên đọc bài diễn văn tưởng niệm Tony. Và đây là bức thư của em John em trai kế Tony viết:

Lời Tán Dương

Hôm nay chúng ta đến với nhau để ca tụng và tưởng niệm cuộc đời của anh con, Hoàng Tony. Anh Tony sinh vào ngày 3 tháng 8 năm 1990. Sự việc bất ngờ đã xảy ra vào ngày 2 tháng 8 năm 2008, chỉ một ngày trước ngày sinh nhật của Tony. Tony đã nằm hôn mê và đã cố phấn đấu, phấn đấu và phấn đấu. Tony đã phấn đấu cho đến lúc không còn sức lực nữa và đã ra đi vào ngày 9 tháng 8 năm 2008. Đây là một chuyện buồn nhưng những sự việc như vậy xảy ra hàng ngày, chúng ta đã không được may mắn vì nó đã xảy ra cho người thương của chúng ta. Có nhiều người còn phải chịu nhiều bi thảm hơn chúng ta. Có những người đã mất cả gia đình. Có những người trẻ chưa bao giờ có một nơi để gọi là nhà. Có những người trẻ không có thức ăn để ăn và nước để uống. Tony đã có nhiều may mắn lớn lên trong một gia đình có nhiều tình thương, nhiều sự chăm sóc và yểm trợ; có một mái nhà và có thức ăn và nước uống. Chúng ta không nên quá đau buồn về sự qua đời của Tony khi mới 18 tuổi, thay vì vậy, chúng ta nên ca tụng và vui mừng vì Tony đã sống vui trong 18 năm qua, không phải là 18 năm ngắn ngủi mà là 18 năm dài với nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Tony có rất nhiều tài năng trong nhiều lãnh vực. Tony có một gương mặt rất đẹp và một nụ cười không ai có thể quên được. Tony cũng rất thông minh…nếu anh muốn. Có những lần Tony đem những bài tập về nhà làm và thường khoe về điểm mình đạt được. Người đầu tiên mà Tony thường đến là anh Bình. Và anh Bình luôn luôn thưởng cho Tony bằng cách bao Tony đi ăn tiệm hoặc mua quần áo mới cho Tony. Điều này làm cho Tony rất vui lòng, không phải vì được thưởng mà vì Tony đã làm cho anh của mình được vui. Một điều khác về Tony nữa là Tony rất có tài và có nhiều ước vọng. Tony đã học chạy trước khi học đi. Tình yêu đầu tiên của Tony là bóng rổ. Anh Bình đã dạy cho Tony cách chơi bóng rổ và Tony rất thích môn thể thao này. Tony thường nói rằng Tony sẽ vào đội bóng tuyển quốc gia NBA và mọi người đều yểm trợ ước muốn đó vì Tony chơi rất nghiêm túc. Tony liệng banh ngọt xớt, nhồi banh không ai sánh kịp và đưa banh tới rổ ai cũng phải tránh ra. Nhưng cuối cùng thì Tony chán chơi bóng rổ và tìm tới trò chơi đánh boxing, quyền Anh. Mấy anh em tham gia đánh boxing hai lần. Lần đầu là do vì Tony xem phim hoạt hình anime và mấy anh em muốn học các cách đánh boxing trong phim như cú đánh Dempsey, Corksrew và Smash. Vì vậy mấy anh em ghi danh học ở câu lạc bộ thể dục thể thao Sully’s Boxing Gym. Lúc đó mấy anh em rất phấn khởi nhưng chỉ học được hai tuần rồi cũng làm biếng và bỏ không học nữa. Vài năm sau Tony có xem một trận đấu boxing giữa Floyd và Gatti và rồi Tony đã thích boxing trở lại. Cho nên Tony, Alvin và con đã quyết định học boxing lần nữa. Thiện, em họ con, đã chở mấy anh em chúng con đến câu lạc bộ để ghi danh vào lớp boxing. Trong ba người chúng con, Tony đánh hay nhất. Tony thường là người dẫn đầu và là người thúc đẩy chúng con học. Boxing là trò thể thao mà Tony thực sự yêu thích. Tony có những cú đánh thẳng, mạnh và lẹ. Các thế phòng thủ của Tony tuy yếu nhưng đền bù vào đó là các thế tấn công rất nguy hiểm. Trong những buổi luyện tập, Tony đã tỏ ra rất xuất sắc và có khả năng trở thành một boxer, một võ sĩ quyền Anh giỏi. Món quà lớn nhất mà Tony có là trái tim. Tony làm việc chăm chỉ để kiếm tiền giúp gia đình. Tony làm bất cứ việc gì để mọi người được vui và Tony sẽ bảo vệ chúng ta và phù hộ cho chúng ta được nhiều may mắn.

Cách đây vài ngày, Quốc, em họ của con, đã nói rất hay. Quốc nói rằng chúng ta không nên bỏ qua những cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình cho những người mình thương và chúng ta nên tụ họp để đến với nhau như một đại gia đình thường xuyên hơn mà không phải đợi đến khi chúng ta mất một người thương. Con chưa bao giờ nói với Tony là con thương Tony. Con hy vọng bây giờ con nói cũng không trễ. Tony, anh rất toàn hảo. Anh luôn luôn cố gắng giúp em mỗi khi em cần đến sự giúp đỡ. Qua những lúc vui cũng như những khi buồn, em sẽ luôn thương tưởng đến anh và anh sẽ luôn luôn ở trong tim của em. Mặc dầu anh đã ra đi, em không có cảm tưởng rằng anh thực sự mất. Hôm trước, khi em và Thiên đi tìm mua quần áo cho anh, em có cảm giác rằng đầu gối của em bị bong gân. Hai đầu gối của em thường rất là tốt còn đầu gối của anh thì bị đau. Em có cảm giác như là một phần của anh đang có mặt trong em. Em thương anh rất nhiều và anh sẽ luôn có mặt ở đây với em. Em chúc anh nhiều may mắn trong đời sống mới và chúc anh nghỉ ngơi trong sự bình an.
John

Những hạt mưa lất phất nhẹ bay khi chúng tôi đặt Tony vào nơi an nghỉ. Lòng từ bi của mọi người khiến ba mẹ tôi ấm lòng và không quá đau buồn, ba mẹ tôi rất cảm động và thầm tự hào về con mình khi được nghe những lời thương yêu dành cho Tony. Chúng tôi thiền ôm với nhau. Đám bụi mưa đã theo gió tung tăng ở phía chân trời. Người ta bảo, khi an táng mà có một cơn mưa nhẹ diễn ra thì đó là dấu hiệu của điềm tốt. Nhìn bầu trời trong xanh cao vời vợi tôi thấy Tony của chúng tôi đang ngon giấc, em đang nghỉ ngơi tại một nơi an lành và em sẽ lại biểu hiện ở một hình thái mới để tiếp tục chuyến du hành của mình. Trong tôi hiện lên ánh mắt sáng ngời và nụ cười rạng rỡ của em, tôi mỉm cười thầm nhẩm lại một bài kinh:

Thân này không phải là tôi
Tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy
Tôi là sự sống thênh thang
Tôi chưa bao giờ từng sinh
Mà cũng chưa bao giờ từng diệt
Nhìn kia biển rộng trời cao
Muôn vàn tinh tú xôn xao
Tất cả cùng biểu hiện tôi
Trong từng nguồn linh tâm thức
Tự muôn đời tôi vẫn tự do
Tử sinh là cửa ngõ vào ra
Tử sinh là trò chơi cút bắt
Hãy cười cùng tôi, hãy thở cùng tôi
Hãy nắm tay chào để rồi bất ngờ gặp lại
Gặp lại hôm nay, gặp lại mai sau
Chúng ta sẽ gặp lại nhau nơi suối nguồn
Chúng ta sẽ gặp nhau trong muôn và nẻo sống.
Lần cập nhật cuối ( Thứ sáu, 19 Tháng 12 2008 05:54 )

Wednesday, March 4, 2009

Phá chấp mê lầm(13-13)