Tiến sĩ Gil Fronsdal
Hoài Hương dịch
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 468
Đánh máy: Liên Hoa – Huỳnh Hoa
Thursday, March 5, 2009
ĐỨC PHẬT DẠY CON NHƯ THẾ NÀO?
LTS: Tiến sĩ Gil Fronsdal hiện đang giảng dạy Thiền tại Insight Meditation Center ở Redwood City, California, Hoa Kỳ. Ông có vợ và hai con. Với ông, Đức Phật là một bậc thầy, một con người giác ngộ. Sự kiện Đức Phật giáo dưỡng La Hầu La trở nên giác ngộ được ghi chép trong Kinh tạng Pafli, theo Gil Fronsdal gần gũi và thân mật như cha dạy con, thầy dạy trò đã khơi nguồn cảm hứng cho ông hướng dẫn tu tập thiền định cho con cái và thanh thiếu niên. Xin giới thiệu bài viết Đức Phật dạy con như thế nào, nguyên tác The Buddha as a Parents, tạp chí Inquiring Mind xuất bản, ( Hoài Hương chuyển dịch sang tiếng Việt) đến với bạn đọc…
- Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.
- Phải thiền làm sao giống như đất vậy: đất không cảm thấy phiền vì bất cứ thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu tập thiền giống như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích vì bất cứ một điều gì. Hãy tập thiền như nước, như lửa, như gió và như không gian: tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích. Thực tập được như nước, như lửa, như không gian, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả.
VẤN ĐỀ NGHIỆP BÁO
Xuân Đinh Hợi 2007
H.T THÍCH NHẬT QUANG
Nghiệp là một vấn đề hết sức quan trọng đối với tất cả chúng ta. Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, các vị cũng biết nghiệp và bị nó chi phối, đây là định luật không ai thoát khỏi. Tuy nhiên là Phật tử, chúng ta hiểu và biết cách chuyển hóa nghiệp. Ban đầu từ những nghiệp không tốt chuyển thành nghiệp tốt. Tu lâu xa hơn thì đi đến dứt sạch nghiệp.
Vì sao nói nghiệp là định luật? Vì không chúng sanh nào thoát khỏi nghiệp riêng của mình hết. Như chúng ta đang mang nghiệp làm người. Trong sự sống những việc ăn mặc, làm việc, tiếp xúc, chúng ta bị nghiệp của mình chi phối. Nghiệp này chẳng những chi phối trọn đời chúng ta, mà còn trích trữ để chuẩn bị cho những đời kế tiếp nữa. Muốn giải quyết dứt điểm vấn đề quả thật khó khăn. Bởi nó liên hệ tới ba đời quá khứ hiện tại và tương lai. Trong kinh nhân quả nói: “Muốn biết tương lai của mình thế nào cứ nhìn thẳng vào hành động hiện tại”.
Nhìn vào một gia đình, chúng ta không thể kết luận vì sao họ lại có hoàn cảnh như thế. Theo tinh thần nhà Phật, sở dĩ hôm nay gia đình như vậy là do quá khứ các thành viên của gia đình đó đã tạo những nghiệp nhân xấu hoặc tốt thế nào đó, đời này có quả báo tương ứng. Nhìn vào hiện tại chúng ta có thể đoán định được gia đình đó sẽ có một tương lai thế nào. Nói nghiệp tức là nói tới hành động của chúng ta trong quá khứ, hiện tại dẫn tới vị lai. Nếu là hành động của mình thì chúng ta có quyền chuyển nó. Giả dụ đời ông nội mình làm ruộng, đến đời mình cũng làm ruộng, nhưng sang đời con cái mình, nó học hành thăng tiến nên hết làm ruộng. Nó bán ruộng để làm các xí nghiệp, áp dụng phương thức khoa học, tổ chức theo đời mới. Đó là chuyển nông nghiệp sang công nghiệp.
Nghiệp lực cũng vậy. Hành động của chúng ta trước đây xấu, bây giờ mình chuyển thành tốt. Nếu quyết tâm thì chuyển được. Ví dụ hồi trước quí vị không thể ăn chay, không thể đi chùa, không thể tụng kinh ngồi thiền, bây giờ có thể làm các việc công đức ấy. Ngày xưa thấy người đi xin quý vị không nhìn tới, bây giờ biết lấy tiền ra cho tùy theo khả năng của mình, sẵn sàng tham gia những việc từ thiện xã hội. Đó là chuyển nghiệp bất thiện sang nghiệp thiện. Đây là điều kiện thuận lợi cho chúng ta suy nghiệm tu tập. Bởi vì tu là sửa đổi, quán chuyển, loại bỏ những thứ không cần thiết, tích lũy công đức trí tuệ để đi tới mục đích cứu cánh là thanh tịnh giải thoát. Việc này ai cũng làm được, già trẻ luôn cả những người bệnh hoạn nhất cũng có thể tu tập được.
Tuy nhiên quyết tâm chuyển nghiệp hay không đó mới là điều chủ yếu của mỗi chúng ta. Thành ra trong kinh nói: “Chính chúng ta phải lãnh phần trách nhiệm về những hành động của mình trong quá khứ, để bây giờ gặt hái sự an vui hay đau khổ trong hiện tại. Chính ta tạo thiên đàn cho ta, cũng chính ta tạo địa ngục cho ta. Ta là người xây dựng tương lai của mình.” Cho nên muốn hoán chuyển nghiệp hay không là tự mình. Nghiệp của mình thì mình chịu, nên thể trông chờ, ỷ lại ai giải quyết thay thế mình. Như trong gia đình, mỗi người con đều có phương thức làm ăn, cha mẹ chia của đầy đủ, đứa nào siêng năng giỏi giang thì thành công, đứa nào lười biếng nhác nhúa thì thất bại. Những đứa con sáng suốt biết làm ăn, tạo được tài sản là do cần cù, khéo léo, có phương pháp, có trách nhiệm thì chúng sẽ xây dựng được sự nghiệp. Những đứa con ỷ lại cha mẹ, mong mỏi người khác giúp đỡ, cứ như thế thì không làm được gì cả. Tinh thần của đạo Phật không chấp nhận người như vậy. Tạo thiên đường cũng mình, mà thành địa ngục cũng mình, chớ không ai khác. Sự giúp đỡ lo lắng của cha mẹ, sự bảo bọc của người thân có một giới hạn nào thôi. Nếu chúng ta nhận định chính xác như vậy, thì trong đời sống không ỷ lại, không buông trôi. Vì ta biết rõ sự an lạc tốt đẹp từ công sức khả năng của mình gầy dựng nên. Người tu hành không thể ngồi đó cầu đức Phật hoặc Bồ Tát đến xoa đầu an ủi hứa sẽ rước lên Niết-bàn. Chúng ta biết rằng tu được hay không là do mình, tốt đẹp hay không cũng do mình. Đức Phật chỉ là bậc đạo sư, mỗi chúng ta tự thực hành. Dân quê hay nói: Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc.
Quí vị thử nghiệm xem từ đâu có người yểu, người thọ, người bệnh người mạnh, người xấu người đẹp.… Có người làm gì cũng không ai làm theo, nói gì cũng không ai nghe theo. Nhưng có hạng người làm gì cũng có người làm theo, nói gì cũng có người nghe theo? Hoặc khi quí vị buồn khổ quá, tự hỏi không biết do đâu mình lại khổ đau như vậy v.v... Đây là những vấn đề trong kinh nhân quả, Phật tử có hiểu mới áp dụng Phật pháp vào đời sống, từ đó hết khổ được vui.
Trong kinh dạy: “Tất cả chúng sanh đều mang theo nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chình vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sanh.” Như thế mỗi người đều có nghiệp riêng không ai giống ai hết. Quý vị thấy chúng ta bao nhiêu người là bấy nhiêu nét, không ai giống ai hết, kể cả anh em sinh đôi cũng không thể hoàn toàn giống nhau y hệt. Như cha con ruột, con giống cha cũng giống điểm nào thôi, còn rất nhiều điểm không giống. Bởi lẽ không giống nên dân quê nói: “Sanh con há dễ sanh long”. Sanh con được chớ không sanh được lòng con. Nói thế nghĩa là con có những diểm không giống cha mẹ.
Người cả đời sát sinh như thợ săn, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây nghiệp thương tích không chút xót thương đối với chúng sanh. Người này nếu tái sanh làm người thì không sống lâu, tức là yểu mệnh. Đối với mạng sống chúng sanh họ không chút thương yêu, bàn tay luôn luôn làm việc sát hại nên kết quả họ tái sinh làm người thì mạng sống họ ngắn ngủi, bệnh hoạn liên miên. Biết như vậy rồi Phật tử không bao giờ hiếu sát, đó là tu. Quý vị đừng nghĩ rằng phải xuất gia như quý thầy, ăn chay giữ một hai trăm điều giới mới gọi là tu. Không phải! Đó là hình thức, là phương tiện giúp cho người tu hoàn bị tư cách của mình. Người xuất gia mặc áo Phật phải giữ những điều giới cho hợp với tư cách của người xuất gia, còn việc tu thì y cứ trên tâm chuyển hóa, sửa đổi tu tập của mỗi người, không lập cước theo hình thức bên ngoài. Phật tử biết người chết yểu là do có tính hiếu sát, thì bây giờ không gây nhân đó nữa. Trong mọi sinh hoạt quí vị luôn nghĩ nhớ thương tưởng sinh mạng chúng sanh, tránh gây thương tổn cho chúng. Nếu làm được như vậy là tu.
Người luôn luôn thận trọng không hề xúc phạm đến đời sống của kẻ khác, sống xa guơm đao giáo mác và các loại khí giới. Lấy lòng từ ái đối xử đối với tất cả chúng sanh, người này tái sanh được trường thọ. Trái lại với người yểu thọ là người sống luôn luôn thận trọng không hề xúc phạm đến mạng sống của chúng sanh. Trong giới sát, Phật tử cố gắng giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu, quan trọng là tuyệt đối không được giết người. Kế đến là mạng sống của những con vật lớn trâu bò, những con vật mình nuôi. Ngoài ra Phật tử luôn có lòng trắc ẩn không nở làm hại những con vật yếu đuối cô thế hơn mình. Nếu quí vị hoán chuyển hướng sinh hoạt như vậy là biết tu, kết quả là sẽ được trường thọ. Phương pháp đức Phật hướng dẫn chúng ta tu rất khoa học, không có gì huyền bí cả. Phật không dạy thần thánh đến ban tuổi thọ cho mình, do tự ta thôi. Vì vậy Phật tử không ỷ lại, không trông đợi vào thế lực khác. Muốn yểu thọ hay trường thọ đều tự mình, không ai có thể được.
Lại nữa, kẻ độc ác luôn tìm cách hại người, dùng gươm đao đối xử với người… Kẻ này nếu tái sanh làm người, thân thể ương yếu bệnh hoạn”. Quý vị thấy ai thân thể ương yếu, luôn bệnh tật không có sức khỏe v.v... thì biết người này gây nhân tác hại đến chúng sanh. Phật tử không muốn thân thể yếu đuối bệnh hoạn mà bây giờ phải mang thân bệnh hoạn thì biết hồi trước mình gây những nghiệp nhân ác, như dùng gậy gộc, đấm đá, đao gươm sát hại chúng sanh. Cho nên bây giờ mang báo nghiệp như thế. Biết như vậy chúng ta ăn năn chừa bỏ không gây nhân đó nữa, tức là biết hoán chuyển nghiệp, biết tu.
Người nào không làm tổn thương người khác, đủ đức tánh hiền lương nhu hòa, khi tái sinh có thân thể khỏe mạnh. Điều này rõ ràng hợp với đạo lý dân gian. Chữ “nhu” là mềm diệu, chữ “hòa” là hòa hợp. Người lúc nào cũng mềm diệu hòa hợp, thương tất cả mọi người, không gây tổn hại ai, người đó hiện tại được quả báo tốt và đảm bảo tương lai có thân thể khỏe mạnh cường tráng. Người thô lỗ, cọc cằn, luôn giận dữ, chửi mắng nguyền rủa người khác, khi tái sanh mang thân xấu xí. Chúng ta không ai muốn mình xấu xí nhưng cứ chửi mắng cọc cằn, giận dữ với người thì làm sao xinh đẹp được. Cho dù quý vị dùng son phấn hoặc phương tiện văn minh sửa sắc đẹp tới đâu, nó cũng chỉ bên ngoài thôi, không phải là cái thật thì không thể bền lâu được. Muốn tráng kiện đẹp đẽ như Phật, Bồ Tát thì phải tu sửa trong tâm, chớ không phải sửa bên ngoài. Như kẻ thô lỗ cọc cằn, hay nguyền rủa chủi mắng người khác, bây giờ sửa lại không thô lỗ cọc cằn nữa mới được dáng vẻ xinh xắn dễ nhìn, dễ coi.
Khi giận lên muốn chửi mắng người ta, mình hiện tướng thô lỗ cọc cằn, như vậy lâu ngày quen theo tướng đó nên rất xấu xí khó coi. Như tôi nghe nói tài tử đóng vai Tề-thiên được huấn luyện thật lâu mới làm được hành động của con khỉ, tới chừng hết đóng phim, tay anh ta vẫn cứ khều khều, mặt nhăn nhăn. Nói chuyện một hồi tự nhiên anh lấy tay móc móc mặt nhăn nhăn y như khỉ đột. Chúng ta cũng vậy, nếu cứ để những bực tức hiện ra tướng xấu hoài, coi chừng mai mốt mặt mày xấu xí, không sửa được.
Người thanh tao nhã nhặn, dù bị chửi mắng cũng không oán giận, tìm cách trả thù. Chúng ta thấy Phật, Bồ Tát không khi nào bị người ta chửi mà tìm cách chửi lại. Điều này giúp chúng ta thêm một kinh nghiệm, khi ra đường thấy ai tự xưng mình là Phật, Bồ Tát, khi ấy có người mắng chửi họ, họ chửi lại thì ta biết đây không phải Phật, Bồ-tát thật rồi. Phật, Bồ Tát thật không khi nào có tâm mạ nhục, ác độc, trả thù chúng sanh. Thật ra người ta chửi mình mà mình không giận là cả một vấn đề. Người ta nói xấu mà mình bình yên tươi cười, không có tâm giận tức, muốn trả thù là việc làm của Phật, Bồ Tát rồi. Cho nên phải là người có công phu mới thực hành được như vậy.
Người có tánh đố kị, thèm thuồng ham muốn lợi danh của người khác, không biết tôn kính người đáng kính, luôn chứa chấp lòng ganh tị. Khi tái sanh, người này không có ảnh hưởng, nói gì không ai nghe, làm gì không ai theo. Huynh đệ muốn nói gì cũng có người nhất trí theo mình, trước nhất không nên mang bệnh tật đố, ham muốn lợi danh của người khác. Bởi vì trong lòng mình không còn bệnh tật, tâm đố kị, ganh ghét đó là đã loại nhân xấu ra. Tinh thần tu học trong đạo Phật rõ ràng như vậy. Cho nên Phật, Bồ Tát thật không bao giờ hiện tướng cho chúng ta dễ nhận đâu. Có khi các ngài hiện ra những dáng dấp mình không lường nổi. Bởi không lường nổi nên ta dễ sai phạm. Người biết tu vượt qua cửa ải này dễ dàng không khó, người không biết tu không vượt qua được.
Như ở Trung Hoa sách sử ghi lại Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Di lặc, Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện ra hình thức trong lớp ăn mày ăn xin dơ bẩn bần tiện, nếu là người thật tu thì không có niệm chê bai, phỉ báng các ngài. Chúng ta nhìn lại mình còn những tật tham lam, tật đố, ganh ghét, gặp người không sẵn sàng ủng hộ chúng ta lại buồn. Từ buồn sanh ra nghi kị, có những sự kiện làm mất đi tình cảm xóm làng, bà con, nên chúng ta phải bỏ thói xấu ấy. Bỏ thói xấu nghĩa là chuyển hóa nghiệp vậy.
Muốn tu tiến quý vị phải có sự nhẫn chịu, đó là sức mạnh. Bình tỉnh sáng suốt nuôi dưỡng sức mạnh, gầy dựng công phu tới khi nào được hoàn chỉnh. Chúng ta thường bị vọng tưởng lăng xăng, điên đảo kéo lôi, mở con mắt ra là bị chúng kéo đi từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới tối. Cho tới nhớ lại đã quá muộn. Thế nên phải hàm dưỡng công phu thật liên tục, bền lâu, hy vọng có đủ sức mạnh chiến thăng với nghiệp lực, với vọng tưởng.
Nếu người giàu lòng quảng đại, tính ưa bố thí, biết phục thiện không kiêu hãnh, trọng người đáng kính, người lễ độ như thế kết quả sẽ được quyền quý, có học thức, có địa vị. Người chịu gần gũi người có trí tuệ, tìm hiểu học hành nhất định sống tốt hơn những người không có học. Phật tử muốn hiểu đạo lý cho đúng, ít ra phải đọc sách, nghe chư Tăng thuyết pháp. Không khi nào tự dưng chúng ta hiểu, hay chỉ nghe người chung quanh nói lan man mà có thể hiểu đúng đắn được. Phật bảo người đến với đạo Phật hãy nghe, suy ngẫm hiểu cho chính chắn rồi hãy tin. Đừng bao giờ vội vàng tin càng. Có thế chúng ta mới trở thành người Phật tử hiểu biết đạo lý, có kinh nghiệm hành trì, có cái nhìn sâu sắc. Ứng dụng đạo lý Phật dạy vào đời sống, quí vị sẽ ảnh hưởng tốt đến xã hội. Xã hội Việt
Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình, Phật tử áp dụng đạo lý Phật dạy vào đời sống để trở thành người công dân Việt
Cuộc sống nói cho cùng có là bao lâu! Phật tử lớn lên lập gia đình lây quây một thời gian rồi già, bệnh, chết. Điều này không ai chạy trốn thoát, mọi người đều phải đi chung một con đường như thế. Chúng ta là người con Phật, không thể nào ngồi đợi già, bệnh, chết ập đến mà phải chuẩn bị. Tu tập, gầy dựng một cái già, bệnh, chết có ý nghĩa đúng với tinh thần đạo Phật. Người hiểu Phật pháp rồi sẽ thấy nhẹ nhàng khi thân này bệnh, vẫn vui vẻ trong sinh hoạt thường nhật. Có áp dụng Phật pháp quý vị mới cảm nhận được sự có mặt của mình trong xã hội là có ý nghĩa. Không phải ta sinh ra rồi mai mốt chết đi, mọi người đều quên lãng. Sự hiện diện của mỗi người chúng ta không bị nghiệp xấu thúc bách, kéo lôi mà mình chuyển hóa tu tập tạo những nghiệp tốt. Như vậy ngày mình từ giả cuộc đời ra đi cũng có giá trị.
Quý vị thấy không khi nào một người cha người mẹ xứng đáng mất đi mà trong gia đình không có người khóc. Chẳng những người trong gia đình mà những người chung quanh cũng ngậm ngùi tiếc thương. Ai cũng thấy dường như mất đi một cái gì quý giá nên tự nhiên cảm xúc. Ngược lại, bình thường mình như cọp beo, người ta nghe mình chết, họ nói đáng đời ông đó. Nếu ta để lại cho đời ác cảm như thế thì cuộc đời mình còn ý nghĩa gì nữa. Chúng ta là Phật tử, không phải đều tốt hết, cũng có cái tốt cũng có cái chưa tốt. Do đó theo lời dạy của Phật chúng ta cố gắng tu tập chuyển hóa cho được tốt đẹp hoàn thiện. Quí thầy cố gắng làm, cố gắng tu rồi hướng dẫn Phật tử cùng hiểu, cùng sửa đổi tập nghiệp xấu để hiện tại chúng ta là người tốt, đảm bảo tương lai cũng được tốt đẹp. Sự hiện hữu của chúng ta như thế mới có giá trị.
Chúng tôi hy vọng đạo Phật sẽ giúp cho tất cả chúng ta chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, mỗi người Phật tử sẽ là một vị Phật tương lai, độ mình và độ người vượt qua dòng thác tử sanh. Muốn thế chúc quí vị tu tập tốt, có kết quả thiết thực trong đời sống hiện tại cũng như vị lai.
HƯỚNG TIẾN TU HÀNH
Xuân Đinh Hợi 2007
Hôm nay là ngày khai pháp đầu năm tại tổ đình Thiền viện Thường Chiếu. Có một ít Phật tử đến hỏi tôi “bây giờ chúng con phải tu làm sao?” Tôi liền dẫn quí vị ấy ra La Hán Đường, rồi nói “Hôm nay là ngày công tác phổ thỉnh, chúng tôi xin mời các Phật tử cùng đại chúng sinh hoạt, xem đây là một trong những thời khóa tu học. Các vị ấy rất phấn khởi đi theo tôi. Tới nơi, thầy tri sự sắp đặt người trồng cỏ, người chạy nước, người ban đất… làm đủ thứ việc. Tôi nói “các đạo hữu hãy tham gia đi, đây là giờ sinh hoạt tu học của đại chúng đó”, muốn nói gì lát nữa chúng ta sẽ bàn bạc sau. Quí vị làm việc cùng với đại chúng tới khoảng giữa buổi, chư tăng nghỉ ngơi giải lao một chút, Phật tử vui vẻ trở lại tìm tôi thưa: Thưa thầy, bữa nay chúng con được một bài học sống về pháp tu, nhưng không biết có chín chắn chưa?
Lâu nay chúng ta học thiền, hiểu Phật pháp nhiều, nhưng áp dụng lý thuyết vào đời sống sinh hoạt có kết quả tốt hay không lại là chuyện khác. Một thiền sư Trung Hoa khi có học nhân tới hỏi đại ý Phật pháp, ngài đạp cho một đạp té nhào. Vị tăng ngồi dậy, ngài cười hỏi “nhận ra đại ý Phật pháp chưa?”. Chúng ta làm sao hiểu nổi những bài học như vậy. Nhưng đó lại là cách chỉ dạy triệt để nhất. Thiền sư làm cho chúng ta chết hết những vọng tưởng điên đảo, những suy tư về cái gọi là đại ý Phật pháp. Nếu ngài giải thích đại ý Phật pháp thế này thế kia, chúng ta sẽ mắc kẹt trên ngôn ngữ, hý luận thì càng cách xa Phật pháp.
Tuy nhiên thời buổi của chúng ta ngày nay, không thể áp dụng phương pháp này. Vì thời nay đời sống văn minh, con người chú trọng nhân phẩm, cuộc sống đi theo chiều hướng phát triển của khoa học kỹ thuật, nói năng biện chứng rõ ràng, không thể úp mở khó hiểu hay dùng các hành động lạ lùng mà có thể nhiếp phục được. Nếu chúng ta tu thiền như các ngài hồi xưa, người ta sẽ cho mình điên loạn, xã hội không chấp nhận. Thế là vô tình ta làm mất đi tính khế thời khế cơ, khiến Phật pháp sẽ bị mai một, nói chi đến chuyện làm hưng thịnh dòng giống Phật.
Như vậy bây giờ chúng ta phải tu như thế nào mới nhận ra được diệu lý chân thật, mới cảm thông được bài thuyết pháp kiểu xưa của Tổ sư. Một thiền sư đặc biệt như Tổ Lâm Tế, đụng tới là hét là đánh. Sau khi ngài ngộ đạo, truyền bá xiển dương tông phong Phật tổ sáng rực. Cho nên có thể nói Tổ Lâm Tế là một nhân vật kiệt liệt, kỳ khu trong nhà thiền. Năm xưa nơi hội tổ Hoàng Bá, ngài Lâm Tế còn là một học tăng, đến thưa hỏi Phật pháp qua sự hướng dẫn của người trưởng huynh là ngài Trần Tôn Túc. Ngài Lâm Tế nghe lời, lên hỏi Hòa thượng đại ý Phật pháp. Ba lần hỏi đều bị ăn gậy cả ba. Trong sử diễn tả hình dáng của ngài Hoàng Bá to lớn, như vậy nếu ngài thẳng tay nện ba gậy thì mệt lắm. Thế nhưng bài pháp trực tiếp giữa hai thầy trò ngài đến nay vẫn còn hiệu lực triệt để. Bởi vì ở đây không cho phép học nhân suy nghĩ. Suy nghĩ tốt cũng không được, suy nghĩ xấu cũng không được, suy nghĩ tới cũng không được, suy nghĩ lui cũng không được. Chạy qua chạy về bốn phương tám hướng, trốn chui trốn nhủi đâu cũng không được, đành phải ăn đòn. Ngay chỗ đó nhận ra được hay không thì tùy mình, ông thầy không bắt buộc. Cho tới bây giờ có thể nói ở Việt
Thời đại chúng ta ngày nay không thể dùng những chiêu thức đó. Tuy nhiên nếu chúng ta không nắm được yếu chỉ nhà thiền vốn không nhiều lời, cứ chạy tìm trên danh văn nghĩa cú thì trọn đời cùng cũng không tu được. Phải nhận ra lẽ sống thực ngay nơi mình, căn cứ từ những phương tiện sinh hoạt bình nhật mà xoay trở lại ông Phật thật hằng hữu nơi mỗi chúng ta. Từ cuộc sống, từ mọi điều kiện ngõ ngách, ta có thể nhận lại được chính mình.
Tôi nghĩ quí Phật tử hôm ấy ít nhiều sẽ thầm nhận được điều tôi muốn nói với họ. Thầm nhận rằng tại thiền viện có một sức sống thật, ngoài những cách hành trì theo pháp môn truyền thống nhà Phật. Trong lao động chúng ta có cơ hội để học tập lẫn nhau, đồng thời cũng biểu hiện sức sống tỉnh giác thông qua việc làm của mình. Người ta nói tu là hướng thiện, là hành thiền, nhưng hướng thiện hành thiền như thế nào? Hòa thượng ở đây dạy chúng ta tu hành như thế nào mà biết được vọng tưởng không thật, đừng bị nó sai khiến kéo lôi. Muốn thế, ta phải làm chủ được các dấy niệm. Chỉ vậy thôi. Đối với các dấy niệm chúng ta làm chủ được thì bảo đảm làm chủ được vấn đề sinh tử. Chính những dấy niệm, những vọng tưởng, những so đo tính toán ngược xuôi, đẩy đưa chúng ta đi vào con đường sinh tử.
Trong mọi thời mọi lúc, mọi sinh hoạt, lúc ăn nghỉ, tiếp khách, làm việc, nói năng… ta làm chủ được mình là tu thiền. Chưa làm chủ được thì sao? Thì bị nó kéo đi. Bởi vì nó là một thói quen, nhà Phật gọi là nghiệp. Mà nghiệp thì có sức mạnh. Chúng ta không làm chủ nghiệp thì nó làm chủ lại mình. Cho nên suốt một đời tạo nghiệp, cuối cùng khi mất thức thần sẽ theo nghiệp thọ sanh. Do vậy vừa có dấy niệm là chúng ta lao theo nên mất mình. Nếu tu tập như vậy thì chừng nào mình mới làm chủ được sinh tử, mới đạt đạo? Nói theo danh từ chuyên môn trong nhà Phật chừng nào tâm mình thanh tịnh thì ngộ đạo. Giản dị như vậy. Muốn tâm thanh tịnh thì phải làm chủ các dấy niệm.
Nhiều khi chúng ta làm việc mệt mỏi, muốn ngủ chừng một tiếng đồng hồ để lấy lại sức khỏe, nhưng dễ gì. Nếu trước khi ngủ mình còn ưu tư, chuẩn bị một việc gì đó thì sẽ bị mất ngủ hoặc ngủ chập chờn với bao nhiêu việc trong mộng. Cho nên lúc thức hay ngủ, luôn luôn mình thấy mất sức khỏe. Thiền sư thì không như vậy, các ngài nói ăn là ăn, ngủ là ngủ. Do vậy các ngài dám trả lời một cách dứt khoát: “Thiền là gì?” Đói ăn mệt ngủ. Bởi vì các ngài khi ăn chỉ ăn, khi ngủ chỉ ngủ. Còn chúng ta ăn không ra ăn, ngủ không ra ngủ, trong đầu vướng bận trăm công ngàn việc. Sở dĩ ta dễ giận, dễ vui, dễ buồn là do bị động nhiều quá. Bao giờ mình đừng bị động nữa thì mới an ổn.
Có những vị còn rất trẻ nhưng muốn ngủ được phải uống thuốc, nghĩa là họ bị động quá nhiều. Bị động như vậy mà bảo thanh tịnh, bảo yên làm sao yên được. Sự sắp đặt công việc hằng ngày với những giao tế chung quanh càng nhiều chừng nào thì bị động càng lớn chừng ấy. Lúc quí vị làm phó giám đốc thì cái động trong phạm vi của phó giám đốc. Khi quí vị làm giám đốc, tổng giám đốc hoặc làm chức lớn hơn nữa thì cái động lớn bằng chức danh của quí vị. Như vậy bảo thanh tịnh, bình yên sao được. Do chỗ này mà có người tu Phật trải qua nhiều năm không thấy tiến bộ. Bởi vì họ nuôi dưỡng từng đoàn vọng tưởng, cả trời vọng tưởng nên dù tu học Phật pháp nhiều đạo tràng, nghe nhiều vị thiền sư giảng dạy nhưng cuối cùng trớt lớt hết.
Có nhiều buổi khuya tôi thức dậy, ngồi nhìn đồng hồ điện tử chớp, để xem hồi kiểng của đại chúng có ăn khớp với đồng hồ không? Kim chỉ giây chớp từng giây từng giây, tôi thấy nhanh quá. Rồi nghĩ đến hơi thở mỏi mòn của mình cũng nhanh như vậy. Cho nên người xưa nói: Có khi lên giường nghỉ, rút chân lên chưa chắc sáng mai còn có cơ hội thả chân xuống. Thật là cái thấy đáo để. Trở lại đời sống tu tập hằng ngày của chúng ta cũng vậy đó. Làm sao ta tranh thủ từng phút giây làm chủ với vô thường. Chúng ta phải làm chủ cho được những thứ tầm thường, những niệm loạn động, những nghiệp tập kéo lôi mình đi trong trầm luân sanh tử. Công tác hằng ngày không nhất thiết phải một thứ. Bữa quét rác, bữa tưới cây, bữa dâng hương cho Phật, bữa rửa chén, bữa nấu cơm… ta luân phiên làm trong tỉnh giác. Trong tất cả các thời, mọi sinh hoạt, phải làm chủ đừng để các niệm xen vô lôi dẫn ta đi. Việc này phải tập, tập lâu lắm mới quen, chứ không phải dễ đâu.
Chính bản thân chúng tôi trong những ngày đầu ở núi với Hòa thượng đã tập như vậy. Quí vị thử tưởng tượng, thời hai mươi mấy tuổi đi học bằng xe hai bánh, chạy rong chạy rêu dưới phố, nay hẹn nhóm này, mai tới nhóm kia, nó điên đảo lăng xăng cở nào. Nhưng lên núi rồi thì cột trâu lại, tất cả chuyện trần gian trả lại hết. Con trâu ăn cỏ ở đây, sống ở đây, không cho đi đâu. Chuyện nghe bình thường nhưng phải tập ba bốn năm trời, mới cột được chút chút. Đó là những chia xẻ rất thật của chúng tôi.
Nói đến vấn đề hướng thiện và tu thiền, thật ra nó giản dị vô cùng. Từ khi Hòa thượng thành lập thiền viện Thường Chiếu cho tới bây giờ, chưa lần nào Ngài đứng ra tổ chức, kêu gọi Phật tử đi hành hương. Hòa thượng nói chúng ta giản dị bớt về mặt hình thức để Phật tử có thời gian tu. Như chư tăng ở đây sáng mai thức dậy ai nấy đều lo quét dọn. Quét dọn có hai mặt: một mặt là quét dọn đạo tràng, sái tịnh trang nghiêm, một mặt nữa là quét dọn những cặn bã trong lòng mình, hốt đi hết. Một việc làm bình thường như vậy, nếu ai thâm ngộ thâm đắc thì vào cửa được. Đó là một pháp sống. Do vậy người xưa không nói dạy thiền, không nói tu thiền, chỉ ngay trong việc làm nhận lấy. Người xưa dạy sáng mai quét rác, trong lòng thầm nghĩ:
Cần tảo già lam địa,
Thời thời phước huệ sanh,
Nhược vô tân khách chí,
Tất hữu thánh nhân hành.
Dịch:
Siêng năng quét đất Phật,
Phước huệ thường thường sanh,
Nếu không có khách viếng,
Cũng có thánh nhân đi.
Trong lòng chỉ duy nhất như vậy, không gì khác hơn. Không bồn chồn, không nghĩ ngợi, không toan tính, chỉ thế thôi. Biết chắc với một niềm tin vững vàng, việc làm của mình ngay bây giờ trang nghiêm thanh tịnh. Người được như vậy quả thật là người sống có lý tưởng. Thật ra người tu là người sống có lý tưởng, chứ không phải không có lý tưởng. Lý tưởng, sức sống ấy ấp ủ bên trong, người ngoài không thấy biết. Như tôi lên Trúc Lâm, chư tăng trên đó sinh hoạt khác hơn dưới này. Buổi sáng làm việc ngoài ngoại viện sớm hơn giờ ăn sáng, vì tránh lúc khách đến viếng đông. Có hôm trời lạnh xuống sáu độ, nhưng các thầy vẫn tự nhiên chạy ra sân, vừa hít hà, vừa quét dọn v.v.. làm các công việc với tính cách hồn nhiên, nhanh nhẹn, vui vẻ. Làm xong, chư tăng vào nội viện đóng cổng lại, không tiếp duyên bên ngoài. Chúng ta thấy quí thầy sống dường như thầm lặng ẩn mình, nhưng thật ra họ rất có lý tưởng. Phải có lý tưởng mới duy trì một đời sống như thế lâu dài được.
Ở thiền viện Thường Chiếu cũng vậy, tôi luôn nhắc nhở huynh đệ bớt tiếp duyên. Ai có phận sự mới ra ngoài, không phận sự gì thì ở yên một chỗ lo tu hành, nuôi dưỡng chí nguyện của mình. Đây là điều rất hệ trọng, phải chỉnh đốn nhắc nhở anh em thường xuyên. Nếu không họ sẽ quên mất mục đích xuất gia của mình. Chỉ một việc nhỏ thôi, chúng ta thấy đã khó làm rồi. Đó là việc gì? Như mình muốn đi đâu thì tự quở “đừng đi”. Vừa nghĩ muốn ra nhà khách liền tự hỏi “ra nhà khách làm gì?” Nếu thấy không cần thiết thì không đi. Một niệm dấy lên, mình dừng được là thành công. Bây giờ quí vị khởi niệm ra khỏi cổng chùa, đi chợ Phước Thái hoặc chạy ra xóm, vừa khởi niệm liền dừng, nói không cần thiết, quí vị sẽ yên. Chúng ta cố gắng vận dụng trí tuệ để cắt bớt những dây mơ rễ má, những dấy niệm, những vọng động, mai ra mới làm chủ được. Nếu không ta sẽ bị những dấy động dẫn đi hoài, không biết tới bao giờ mới dừng.
Những khi quí thầy bệnh thường hay nhớ nhà, nhớ ba má, nhớ anh chị… đó là tâm trạng chung của những người bệnh. Khi một niệm nhớ nhà dấy lên, thế là quí vị chạy tuốt về quê. Nào là vọng tưởng con đường đất đỏ xe chạy lọc cọc. Tới nhà má mình ra đón, rót nước, dọn cơm, ân cần thăm hỏi từng chút. Sẵn đó nhớ lui về dĩ vãng, hồi nhỏ mình đi học, nửa chừng trốn chạy về nhà đeo theo má. Bà già phải nắm tay dẫn vô trường, mình không chịu đi vùng vằng la khóc om sòm. Thế là má mua cho mấy cái bánh trám kín miệng lại. Mình mắc ăn bánh, quên khóc và cũng không hay má đã nắm tay giao cho cô giáo… thôi, nhớ đủ thứ. Vì thế mỗi lần bệnh lại muốn về nhà hoặc trông người thân lên thăm. Bệnh thân đã nhọc cọng thêm bệnh tâm nữa, thành ra yếu đuối quá sức.
Ở thiền viện có nhiều huynh đệ, nhưng khi bệnh mình chỉ nghĩ nghĩ đến người thân ở nhà. Lạ vậy! Vì thế tôi thường nhắc huynh đệ: trong viện, một trăm tám chục thầy, cho như một trăm thầy ghét mình thì cũng có tám chục thầy không ghét. Mình nhờ họ cạo gió họ cạo gió, nhờ họ lấy nước họ lấy nước, nhờ việc gì họ cũng sẵn sàng hết. Chẳng những nhờ mà đó nguyên tắc sắp đặt của thiền viện, cớ gì mình lại trông mong, dấy niệm phóng ra ngoài. Nhưng thật ra thói quen ấy nhất thời bỏ không dễ đâu. Bệnh xuống là nhớ má nhớ ba, nhớ chị nhớ em, nhớ quê nhà. Bây giờ muốn quên cũng phải có công phu. Những dây mơ rễ má như vậy, mình cắt đứt may ra cái hướng thiện, việc hành thiền mới vững. Nếu không sự tu hành của chúng ta sẽ chẳng đi tới đâu.
Những điều này chúng ta phải bảo vệ, chia sẻ và nhắc nhở nhau thường xuyên. Huynh đệ cố gắng làm chủ các vọng tưởng, các dấy niệm của mình thì hy vọng làm chủ được sinh tử. Từ đây về sau, dù huynh đệ có bị hoàn cảnh hoán chuyển, người phương trời này, kẻ góc biển nọ, chúng ta nhớ lời nhắc nhở của huynh đệ, nhớ pháp Hòa thượng chỉ dạy. Ai làm chủ được dấy niệm, người đó làm chủ được sinh tử. Làm chủ được sinh tử thì ở đâu cũng tự tại, kể cả trong địa ngục. Ở địa ngục vì mình tình nguyện vô đó nói chuyện với quỷ sứ, chứ không ai nói chuyện với mấy ổng hết. Hoặc ở trong bất cứ đường nào trong lục đạo, người làm chủ được vọng tưởng là đủ sức nói chuyện với những vị lãnh đạo trong đó. Vì vậy bây giờ huynh đệ chúng ta quyết tâm làm chủ cho được những dấy niệm.
Kinh nghiệm bản thân chúng tôi thấy, như sáng mai thức dậy ta lo làm những công việc bình thường của mình. Thức dậy rửa mặt, kiếm bình thủy chế ly nước trà, hớp vài ngụm, hít hà này kia rồi mặc ăo tràng lên thiền đường. Đó là con đường đi chung. Lên thiền đường thì phải im lặng, không ai nói gì với ai hết, mỗi người tự tu tự tỉnh. Việc làm ấy thành thói quen rồi, không cần ai nhắc nhở. Chỗ của mình đã có, bồ đoàn tọa cụ đã sẵn, lên đó sửa soạn ngồi ngay ngắn, trong vòng 15 phút thôi là vô khuôn vô nếp hết. Ông già ngồi trên bàn ngó xuống trợn mắt cũng không nói gì, dưới này hàng trăm ông nhỏ ngồi ngó lên cũng không dám hó hé. Chỉ một thầy vác thiền bảng đi, thấy ông nào ngồi không yên là đập, ông nào ngồi cong là kê thiền bảng vào, mình biết ngồi cong thì kéo lại. Làm theo thói quen như vậy, cũng phải trải qua một thời gian tu tập.
Thật ra chỗ này mất thời gian lắm. Có vị tới giờ lên thiền đường lại không muốn lên. Chung bảng đã đánh, luật đã định, nếu có bệnh duyên thì phải xin phép. Do vậy có người tới thưa “Bạch Thầy, bữa nay con bệnh quá, xin được ở dưới”. Ông thầy không nói gì hết, nhưng con mắt ngó sửng “Bệnh thiệt không đó!” Thế là một lát đi kiểm tra, bệnh thiệt thì thông qua, còn vì ham trùm mền ngủ là không được. Trong thanh quy có quy tắc đàng hoàng mới trị nổi mấy tay làm biếng. Thật ra vì chúng ta còn dở, còn yếu nên phải sử dụng những phương tiện như vậy. Nếu còn dấy niệm, còn ỷ lại tha lực bên ngoài là chúng ta còn yếu, chưa tự quyết. Bây giờ ta phải cố gắng giữ được chủ lực mới vào được bước thứ nhất.
Kế nữa, người tu phải chuyển hóa và thực hiện tất cả những công đức. Chuyển hóa như thế nào? Chúng ta thẳng thắn đi vào nề nếp tu học. Nếu tu mà chỉ ngồi nói thì dù tụng nửa ngày cũng chẳng dính vào đâu. Tâm vọng động là bóng dáng của các trần cảnh bên ngoài, nó chưa phải thực tâm, nên lén lút làm đủ thứ chuyện, chúng ta chưa kiểm soát được. Chừng nào sống được với chân tâm ta mới kiểm soát, làm chủ nó dễ dàng. Như thế là chuyển hóa trọn vẹn vọng tâm, tu tạo tất cả công đức lành.
Ngày xưa, trong sinh hoạt của đức Phật, ngài cũng có giờ nằm nghỉ, giờ tiếp chư tăng từ các nơi về thăm viếng, giờ pháp thoại… Giờ giấc của ngài thành thời khóa đặc biệt như vậy, không ai dám xen vô. Bây giờ chúng ta thấy Hòa thượng ân sư cũng có giờ. Ví dụ Phật tử lên thăm ngài nhằm khoảng 12 giờ trưa,vị tri khách của Thiền viện báo giờ này là giờ nghỉ của Hòa thượng, quí vị vui lòng đợi tới giờ thức chúng mới thăm được. Hoặc buổi sáng khoảng 7 giờ, quí vị muốn trình Hòa thượng việc gì, vị tri khách hướng dẫn cũng báo giờ này Hòa thượng còn đang chống gậy đi bên ngoài các công trình, để hướng dẫn công việc cho chư tăng. Khoảng tám giờ ngài mới về thất, quí vị đến đó thưa hỏi v.v.. Những công việc bình thường, ta cũng nên bắt chước các ngài, sắp xếp có thời khóa giờ giấc đàng hoàng. Giờ nào việc đó. Đây cũng là pháp tu.
Nhiều Phật tử phàn nàn chúng con nhiều việc quá tu không được. Hòa thượng vui vẻ nói “ngày xưa vua Trần Nhân Tông công việc hơn chúng ta gấp trăm ngàn lần mà còn tu được”. Quí vị đọc câu chuyện nửa ngày của Thái Thượng Hoàng sẽ thấy Ngài làm việc nửa ngày tu nửa ngày, đều đặn như vậy, không sót mất một thời khóa nào. Bây giờ chúng ta cũng bắt đầu như vậy đi. Vua Trần ngày xưa khi giao ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, ngài làm Thái Thượng Hoàng, nghĩa là vẫn còn nhiếp chính. Do vậy có lần ngài về triều đột xuất, vua Anh Tông không biết trước. Đêm đó nhà vua uống rượu quá chén, sáng ngủ say không hay vua cha hồi triều, mà quần thần chẳng ai dám gọi dậy, do đó vua không ra nghinh tiếp.
Thái Thượng Hoàng biết chuyện, không nói không rằng bỏ đi thẳng về phủ Thiên Trường triệu tập bá quan về chầu tại đó. Khi tỉnh rượu, Anh Tông hay ra cớ sự, thất kinh hồn vía, chạy ra trước sân rồng, thấy một thư sinh còn đứng đó. Nhà vua gọi vào viết một tờ tấu chương xin sám hối vua cha. Rồi hai vua tôi dong thuyền suốt đêm đuổi theo Thái Thượng Hoàng. Đến sáng, vua Anh Tông quỳ sẵn nơi tiền sảnh, xin được dâng biểu vua cha. Ngài Nhân Tông không thèm ngó tới. Vua quỳ suốt như vậy cả buổi, không dám nhúc nhích. Bá quan nóng ruột, tất cả đều quỳ mọp thỉnh cầu Thượng Hoàng Nhân Tông xá tội cho vua con. Sau khi đọc xong tờ biểu, thấy lời lẽ phải đạo, văn từ trôi chảy, ý tứ sâu lắng, vua cha mới chịu tha, nhưng bố cho vua con một trận ra trò. Vua Trần Nhân Tông dạy con nghiêm chỉnh nổi tiếng trong lịch sử nước ta đến thế. Nhờ vậy triều đại nhà Trần tồn tại lâu dài và vua tôi đều nổi tiếng vua hiền tôi sáng đến bây giờ. Lịch sử nước ta luôn xem Trần triều là chuẩn mực một thời hưng thịnh của nước nhà, lấy đây làm tấm gương soi chung cho các thế hệ mai sau.
Bây giờ chúng ta tu tập là chuyển hóa nghiệp, làm chủ nó. Người tu thiền không ỷ lại, không trông chờ, cố gắng tự chuyển hóa và làm tròn bổn phận của mình bằng tất cả tâm thành. Như lúc xưa, khi mới về đây chúng tôi cũng bôn ba đi cuốc, đi cày với đại chúng, bây giờ không làm nổi nữa. Không làm nổi chẳng lẽ đi ngủ, phải thành tâm góp sức, bằng cách chỉ đạo hướng dẫn việc làm cho anh em, đồng lao cộng khổ với chư tăng. Người xưa hay nói “chịu đấm mới được ăn xôi”, ai không chịu đấm nổi thì khỏi ăn xôi, không chịu cực làm sao tu. Công việc nào cũng phải chịu khó mới thành tựu, huống là việc tu cầu giác ngộ giải thoát. Trong sự tu hành chúng ta chân thành, sắp xếp công việc hằng ngày thế nào để không mất thì giờ tu. Như vậy từ từ sẽ yên.
Hôm nay buổi khai pháp đầu năm, tôi trình bày vài phương tiện nhỏ trong việc tu hành để tất cả chúng ta, bắt đầu công phu tu hành bằng tâm chân thành của mình. Điểm quan trọng chúng tôi muốn nói là người tu phải làm chủ được các dấy niệm của mình mới làm chủ được sinh tử. Đó là đỉnh cao, là lý tưởng trong đời tu của chúng ta. Rất mong Tăng Ni cũng như Phật tử, chúng ta đều năng nổ thực hiện cho được lý tưởng ấy ngay trong đời này. Có thế ta mới thật sự nếm được pháp vị an lạc, giải quyết việc sinh tử của mình.
TÁM GIAI ĐOẠN TU THÀNH PHẬT
Ngày đầu xuân là ngày mang tin vui lớn nhất đến cho chúng ta, bởi vì ngày này đức Phật tương lai Đại từ tôn Di Lặc đản sinh. Nhân đây, chúng tôi nêu lên những giai đoạn mà người con Phật phải trải qua trên bước đường tu tập.
Chúng ta biết không có vị Phật nào trong thời tu nhân mà chỉ nằm nghỉ, đi chơi, bách phố la cà khắp nơi, cuối cùng được thành Phật. Tất cả chư Phật đã thành, sẽ thành đều trải qua quá trình tu tập Phật đạo, siêng năng, tinh tấn bất thoái chuyển trong thời gian dài vô số kiếp. Các ngài đã sống trải, tu tập, phát nguyện, chịu tất cả sự khó khổ, gian nan nhất trên cuộc đời mới thành tựu Phật đạo. Thông thường chúng ta được học, trong vô số kiếp thứ nhất các ngài ở những vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, đó là bốn mươi cấp căn bản. Đến vô số kiếp thứ hai từ Sơ Địa cho tới Bát Địa Bồ-tát. Vô số kiếp thứ ba từ Bát Địa cho đến Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác thành Phật.
Chúng ta bây giờ đang ở vô số kiếp thứ mấy, đã đi được bao nhiêu, tu tập ra sao? Không ai biết cả. Thỉnh thoảng có vị than tu hoài không thành Phật, dâng hương lễ Phật nói với Phật: “Bạch Ngài, con tu bao nhiêu năm rồi mà không thành Phật, cũng chẳng giác ngộ giải thoát. Những thứ bất như ý đầy dẫy, con làm sao giải tỏa được nó đây?” Như đã nói, chúng ta chưa biết mình ở vô số kiếp nào, trên quá trình từ nhân địa tới Phật đạo, do đó cần phải tự đả thông bằng đạo lý do chính mình thể nghiệm.
Ở đây, chúng tôi nêu lên tám giai đoạn thể nghiệm để huynh đệ cùng chiêm nghiệm, chia sẻ trên bước đường tu học của chúng ta.
Tám giai đoạn đó thế này:
1. Trai giới thanh tịnh:
Chúng ta cùng nhau nghiệm xem trai giới của mình thanh tịnh chưa? Nếu chưa mà cứ than thở bạch Phật “tu hoài không xong” thì tự mình phải điều chỉnh lại. Hầu hết Phật tử đều đã thọ giới, ít nhất là năm giới. Qua năm giới ấy, mình nghiệm xem giữ được giới nào, hành trì có trang nghiêm hoàn chỉnh không, hay còn những giới chưa giữ được. Nếu còn một chút chưa giải quyết được thì là chúng ta chưa hoàn chỉnh bước thứ nhất. Bước thứ nhất chưa hoàn chỉnh mà nhảy qua bước thứ hai thì có khi phải quanh trở lại.
Trên thức tế có vị tu hành cũng đàng hoàng, giới đức trang nghiêm, đạo hạnh đầy đủ, nhưng đùng một cái thiên hạ ngạc nhiên khi nghe vị ấy quay về thế tục. Dạng này do có những bước nhảy vượt, không cơ bản, không vững chắc, nên mới xảy ra như thế. Vì vậy người tu trước nhất phải hoàn chỉnh giai đoạn trai giới thanh tịnh. Chúng ta có thể kiểm nghiệm và biết được mình thanh tịnh hay chưa thanh tịnh. Thanh tịnh đến mức độ nào?
Về phía Phật tử cư sĩ, ít nhất quí vị thọ năm giới, ngoài ra còn thọ thêm mười giới Thập Thiện, có vị phát tâm thọ năm mươi tám giới Bồ-tát nữa. Tóm lại, trong hàng cư sĩ có ba cấp giới học. Cấp thứ nhất là năm giới căn bản, cấp thứ hai là giới Thập Thiện. Người giữ tròn mười giới Thập Thiện đời sau sẽ được sanh thiên, nếu giữ không tròn thì thay vì đi thẳng lên thiên giới, vị ấy né qua một bên lọt vào cõi A Tu La. Nghe nói thế giới A Tu La ai cũng ngán, vì nó lạ lùng lắm. A Tu La nữ rất hoàn chỉnh, còn A Tu La nam có khi mang đầu trâu mặt ngựa, nóng nảy dữ dằn. Do vậy họ thường hay gây chiến với chư thiên. Chúng ta học trong sử thấy ngài Long Thọ, Mã Minh, từ tuệ nhãn thấy đầu, tay, chân… từ đâu rơi xuống đầy máu me. Quí Ngài biết là do chúng A Tu La đánh nhau với mấy ông trời. Nói thế, không phải A Tu La không có phước. Phước họ gần như chư thiên, nhưng vì quá sân giận nên không bì lại cõi trời. Nên biết hậu quả của sân hận lớn lao vô cùng. Giống như một đóm lửa nhỏ chúng ta không dập tắt, nó sẽ cháy lan khắp.
Trở lại vấn đề tu tập ở bước đầu là giới học. Khi quí thầy trao truyền giới cho quí Phật tử, thường hay nói: “Quí vị giữ được những điều giới đó là tu”. Giới học là pháp tu, Phật tử giữ được những điều giới đó là bảo toàn nhân cách. Giữ được giới quí vị khỏi sợ mai mốt nhắm mắt bị ma quỷ bắt. Giữ năm giới hoàn toàn là nhất định Phật tử sẽ sống an ổn, vui vẻ. Khi chết biết được đường đi, không sợ hãi hay nghi ngờ gì cả. Đó là ở cấp năm giới.
Nếu không trì giới, ở nhân gian đi xuống thì thời gian vô cùng. Các vị thánh nói cõi địa ngục một ngày một đêm bằng ở nhân gian một trăm năm. Tuy nhà Phật bảo mọi pháp đều giả hợp mà một trăm năm đâu phải là ngắn. Con người từ lúc mới sinh ra, lớn lên xinh đẹp khôn ngoan như thế, nhưng đến bảy tám mươi là đi hết nổi. Có khi mới bốn mươi, năm mươi tuổi cũng đi hết nổi rồi. Thời gian tuy không thật nhưng quả báo mình chịu đựng rất đáng kể, chứ không phải thường.
Các vị Phật tử tại gia đã thọ hoặc năm giới, mười giới, trong cấp độ này từng bước tu tập quí vị đã có thể nghiệm, có công phu. Từ đó quí vị nhận ra được hướng đi, chỗ đến của mình ra sao. Đặc biệt hơn, nếu vị nào phát tâm thọ năm mươi tám giới Bồ-tát, là Phật tử tại gia nhưng tư cách hành xử như một vị Bồ-tát. Đây là điều đáng quí, đáng khích lệ. Thế nên hàng Phật tử cần phải giữ gìn những thành tựu ban đầu như thế, để làm thềm thang tiến lên quả vị giải thoát cứu kính.
Nói về trai. Phật tử còn nhớ trong lễ quy y Tam Bảo, quí thầy dạy: “Ăn chay hay mặn gì cũng tu hết, giữ được năm giới là tu”, nhưng “Ăn chay phát triển được lòng nhân, gần gũi tâm từ bi, dễ đi đến thành tựu tâm đại từ đại bi”. Chúng ta là đệ tử Phật, bắt đầu quy y, tập sống theo đời sống của Phật, Bồ-tát thì đối với việc ăn chay cũng nên thực hành để nuôi dưỡng và phát triển tâm từ.
Nói về “trai” là nói đến chế độ ăn uống của người Phật tử. Điều này không bắt buộc ai cả, nhưng nếu quí vị có cách ăn uống tốt thì cũng hỗ trợ cho công phu tu nhiều lắm. Bước ban đầu chúng ta phải giữ giới thanh tịnh là dĩ nhiên rồi, nhưng trai thì có vị ăn chưa được. Lại có người không phải là Phật tử mà ăn chay trường. Hiện nay y học nghiên cứu thấy ăn chay ngừa được một số bệnh nan y, vì vậy trên thế giới người ta ăn chay nhiều lắm. Nếu Phật tử nào vừa giữ giới vừa ăn chay được thì có thể nói là hoàn chỉnh phần trai giới. Vị nào chỉ giữ giới mà chưa giữ trai thì chưa hoàn chỉnh được bước đầu. Như vậy con đường Phật đạo còn dài xa lắm.
2. Không thoái lui trên con đường Phật đạo:
Ở đây muốn nhấn mạnh không thoái lui tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là tâm cầu Phật đạo, cầu giác ngộ. Người Phật tử làm sao gầy dựng được bước đi căn bản luôn tiến, luôn vững, không vì bất cứ lý do gì thoái tâm Bồ-đề. Khi tâm Bồ-đề thoái rồi thì con đường Phật đạo xem như bị ngó lơ, mình quay lưng đi. Một khi ta đã ngó lơ, đã quay lưng thì không biết bao giờ mình mới chịu tìm, chịu nhận lại ông Phật thật sẵn có nơi mình. Vì vậy quí thầy hướng dẫn các Phật tử tu tập, luôn luôn quan tâm e ngại ở giai đoạn này. Có thể vì lý do bức xúc nào đó, Phật tử đi chùa một thời gian thấy chán nản, tu tập một thời gian thấy chán nản. Đó là biểu hiện của thoái tâm Bồ-đề. Một khi đã nản, đã quay lưng rồi, gầy dựng trở lại rất khó.
Trong sử học có nói về gia đình ông Cấp Cô Độc, là vị đại thí chủ của tăng đoàn thời đức Phật còn tại thế. Ông sẵn sàng đem tất cả kho báu của mình ra dâng hết cho Tam Bảo. Vì vậy Phật cần xây dựng chỗ nào, chư tăng cần làm việc gì, ông đều cung cấp hết. Bởi ông phát tâm như vậy nên trong gia đình cũng có một ít người không ưng, trong đó có bà giữ kho. Bà chuyên giữ kho, khi chư tăng cần cái gì, có giấy của trưởng giả, ngoài mặt bà không dám nói nặng nhưng trong bụng cằn nhằn “sao mấy sư cứ vòi vĩnh hoài vậy, không biết xấu hổ”. Thấy chư tăng từ xa là bà nghĩ không biết bữa nay mấy ông thầy tới làm gì nữa đây? Bà bực bội lắm.
Một hôm, đức Thế Tôn nghĩ bà nghiệp chướng sâu dày, ngài muốn độ nhưng biết bà lão không có duyên ngài. Khi thấy Phật đi đằng kia bà ngó chỗ khác. Phật biết thế nên hóa hiện ra nhiều thân, có mặt khắp mọi hướng. Nơi nào bà ngó đều có Phật đi tới, bà liền ngó xuống đất. Phật biết mình không có duyên với bà ta rồi, Ngài liền quán sát trong tăng đoàn, thấy có một người độ được bà. Đó là La Hầu La. Mỗi khi thấy ngài La Hầu La từ đằng xa là bà đứng dậy chạy ra đón mừng. Không gì lạ, bởi duyên trong nhiều đời bà đã từng là mẹ của ngài, nên còn hơi hướm tình thương thuở trước, do đó tôn giả La Hầu La là người độ bà.
Ở đây trên con đường Phật đạo dài lâu, chúng ta từng bước gầy dựng, quan tâm gìn giữ làm sao tâm Bồ-đề của mình vững chắc, không để thoái tâm. Cố gắng gìn giữ thì những sự kiện phát sinh trong giai đoạn tu tập không làm gì được chúng ta. Phải biết nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, vì đó chính là bảo vệ tánh giác của mình. Đức Phật không bao giờ chấp nhận những ai bữa nay hứng lên ngồi thiền bỏ ăn, ngồi suốt đêm suốt ngày. Làm được hai ba ngày, sau đó thấy mệt bỏ luôn. Tu kiểu một nắng mười mưa như vậy nhất định không bao giờ thành công cho được.
Con đường Phật đạo liên tục dài lâu, chịu đựng gan dạ và phải một bề tiến thẳng mới đến nơi đến chốn được. Thành ra ở bước thứ hai, chúng ta phải bảo vệ được tâm Bồ-đề. Nghĩa là từ hồi chúng ta mới bén duyên đến với đạo, chưa hiểu biết gì về đạo, rồi từ từ học Phật, phát tâm tu hành, nuôi dưỡng dần dần cho tới khi chúng ta hiểu đạo, áp dụng tu tập. Chúng ta giữ cho được liên tục, không để bất cứ lý do gì làm hỏng đi. Chủng tánh Bồ-đề mà bị hư thối rồi thì không làm sao gầy dựng lại được. Luôn luôn với tâm thành khẩn, hướng tiến, biết rõ con đường dài lên dốc ngược, chúng ta phải gắng gỗ mà đi, đi mãi. Như thế không tính thời gian, gặp khó khăn chi cũng cứ tiến thẳng, nhất định sẽ thành công.
3. Phát đại nguyện rộng lớn:
Người tu hành nào cũng phát đại nguyện hết. Trong thời khóa chúng ta tu tập hằng ngày có mười hai lời nguyện, đó là những đại nguyện. Tại sao gọi là đại nguyện? Vì đó là những lời nguyện tỉnh táo sáng suốt để thành tựu Phật đạo. Chúng ta không nguyện được bao nhiêu vàng, bao nhiêu tài sản, không nguyện có thân tướng như trời như vua, mà nguyện tâm Bồ-đề được kiên cố, nguyện tất cả những vị thiện hữu tri thức trong mười phương vì lòng thương tưởng mà hỗ trợ cho mình thành tựu được đại nguyện. Chúng ta cũng biết những vị đó đang tiến hoặc tiến trước mình một khoảng trên con đường tu tập Phật đạo, họ chưa xong việc. Do vậy có thể họ cũng không cho mình được gì cả. Song ta chỉ mong họ có điều kiện hỗ trợ mình, giống như hai người bạn cùng làm ăn với nhau. Một người bị hoàn cảnh suy sụp, công việc làm ăn thất bại, tài sản tiêu hết. Một người có điều kiện phát huy được trở thành giàu có vô cùng. Bây giờ người bạn thân đã bị khánh kiệt không mong người kia đem cho mình tài sản, mà chỉ mượn thôi, khi gầy dựng sự nghiệp được sẽ trả lại.
Cũng thế, người đệ tử Phật hiểu biết một cách cụ thể, sống vững với tinh thần Phật lý căn bản là mình chỉ nương nhờ tạm thôi. Ở đây thiện hữu tri thức hỗ trợ cho những lời nguyện của mình. Chúng ta chưa thành Phật nhưng phát nguyện thành Phật, chưa độ chúng sanh nhưng phát nguyện khi giác ngộ sẽ độ hết chúng sanh. Tôn giả A Nan khi nhận ra được yếu chỉ rồi, ngài phát nguyện trước đức Thế Tôn: “Con nguyện độ tất cả chúng sinh được thành Phật rồi con thành mới thành Phật. Nguyện Phật chứng minh và hỗ trợ cho con thực hiện được lời nguyện này”. Đây là cách phát đại nguyện của chư vị Bồ-tát.
Đức Phật trong thời tu nhân hành Bồ-tát đạo, có một khoảng ngài rơi vào địa ngục, thấy nhiều tội nhân bị hành hạ khổ sở vô cùng. Quỷ sứ bắt họ kéo chiếc xe bằng sắt rất nặng, bọn chúng đứng trên xe đâm chém vào người tội nhân. Hoặc cho tội nhân đội vòng lửa xoay trên đầu. Nghe tiếng rên la, kêu gào đau đớn thống khổ của họ, Ngài thương quá nên phát nguyện: “Tôi nguyện thay tất cả nỗi khổ này cho chúng sinh, nguyện từ nay về sau đứng ai gầy dựng nhân xấu để rơi vào địa ngục chịu muôn vàn sự thống khổ như thế này. Ngài vừa phát nguyện như vậy đó thì những chiếc xe sắt rớt ra hết, và bỗng nhiên ngài thấy mình bay lên hư không. Nhờ tâm từ bi mở ra, ngài phát nguyện thay khổ cho tất cả chúng sanh, nguyện mười phương các bậc hiền thánh hộ trì giúp cho chúng sanh hết mê lầm, không gây tạo những nghiệp nhân bất hảo, để đừng bị đọa vào địa ngục, nên ngài ra khỏi chốn lửa dữ.
Ở đây nói phát đại nguyện là như vậy, tức là phát tâm giác. Phát được tâm giác rồi thì tất cả cửa mở ra. Chúng ta hễ phát tâm được thì mình vui vẻ, trong lòng cởi mở. Ngược nếu nếu chấp chặt thí sẽ bị mất hết. Như người sợ kẻ trộm, làm rào dậu, chuông điện đủ thứ, càng sợ nó càng tìm vô lấy của. Cuối cùng mỗi nghiệp theo nghiệp mà trôi lăn. Khi học Phật pháp rồi chúng ta thấy con người khó cưỡng lại được nghiệp của mình, chớ không phải họ không biết.
Nói tới đây tôi nhớ hồi nhỏ lúc tôi ở chùa Vạn Đức. Vùng đó hồi xưa có nhóm bụi đời dữ dằn lắm. Tên chúa đảng có sở thích là ban đêm muốn ăn cháo gà, nên đàn em đêm nào cũng kiếm gà về nấu cho anh ta ăn. Đàn em kiếm riết rồi sợ quá, vì người ta bảo vệ gà rất kỹ, cuối cùng đích thân hắn đi. Bữa đó thấy ảnh chết, tôi đi ngang cũng không dám ngó nữa. Người nuôi gà giăng điện trên bờ rào, ảnh vừa nhảy vô nằm vắt ngang trên đó bị điện giựt chết. Họ lôi ra để ngoài đường từ sáng cho tới chiều, cả gia đình của anh đi ngang cũng không dám nhận. Thiên hạ phỉ nhổ, chê cười. Thật ra, không phải anh không biết điện giật sẽ chết, nhưng do cái nghiệp nó sai khiến dẫn đi như vậy.
Nói tóm lại phát đại nguyện là mở lòng ra, phát tâm giác, cầu giải trừ tất cả nghiệp tập, tu hành cho tới viên thành Phật đạo.
4. Tâm từ bình đẳng:
Lòng thương trải rộng bình đẳng không phân biệt thân sơ. Muốn có được tâm từ bình đẳng quả thực rất gian nan. Trong cuộc sống có những trường hợp, những con người vừa gặp tự nhiên mình thương. Có người mình phải phân tích, phải phát tâm lắm mới thương nổi. Bây giờ làm sao quí vị thương được kẻ vừa lấy trộm đồ trong nhà mình, điều này khó lắm. Nội mình đang đi đây, rủi họ đụng mà không xin lỗi, có vẻ kênh kênh là mình muốn đập rồi, chứ ở đó mà nói thương. Nhưng trong tinh thần Phật dạy chúng ta phải thương được, xóa được, bình đẳng được với những người như thế.
Muốn thực hành điều này, chúng ta phải nhớ lời Phật dạy là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả đều là Phật sẽ thành. Như vậy sẽ không có ông Phật nào giận ông Phật nào hết. Mình giận là không phải Phật rồi. Ta đâu nỡ lòng nào phủ nhận mình không phải là Phật. Do vậy nên dù sự cố xảy ra làm sao, chúng ta cũng cố gắng hành trì chỗ này. Không giận một vị Phật tương lai nào cả, đó là giữ được tâm bình đẳng giữa Phật Phật với nhau.
Trong kinh Pháp Hoa có một phẩm ghi lại hình ảnh tu tập và hoằng hóa của Bồ-tát Thường Bất Khinh. “Thường” là lúc nào cũng như vậy, “Bất Khinh” là chẳng dám xem thường ai hết. Phương pháp giáo hóa của ngài là đi đâu, gặp ai từ xa bất luận tăng ni hay đạo tục, ngài đều chấp tay bái bái nói lớn: “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài là Phật sẽ thành”. Bài thuyết pháp và hành động của ngài lúc nào cũng như thế. Bài thuyết pháp ấy nhắc cho chúng ta nhớ mình là Phật sẽ thành, tức chúng ta có dòng họ, có chủng tử Phật. Phát huy tinh thần tu tập Bồ-tát đạo của các Phật tử là như thế.
Phát đại nguyện, phát Bồ-tát tâm, gầy dựng tinh thần bình đẳng triệt để, là bắt đầu bước những bước khó rồi. Cho nên nói con đường tu tập Bồ-tát hạnh đi đến viên thành Phật đạo là con đường dài lâu, kiếp số vô lượng vô biên. Đức Thế Tôn đã cho chúng ta biết ngài trải qua những giai đoạn như thế trong ba a tăng kỳ kiếp. Vì vậy cần phải lập chí thật vững chắc, siêng năng tinh cần, không tính hạn lượng, chỉ một tâm hướng đến việc tu tập mà thôi.
5. Hạ thấp mình để cầu học Phật pháp:
Khi tu hành, chúng ta được sự hướng dẫn của chư tăng, quí thầy thường dạy, người Phật tử gặp chư Tăng Ni và các bạn đạo của mình, phải chấp tay chào: “A Di Đà Phật”. Gặp nhau thưa anh thưa chị là phép tắc ngoài đời. Vì có anh chị thì có hoặc là anh chị họ nội, hoặc anh chị họ ngoại. Rồi anh chị bên họ nội gần gũi hơn anh chị bên họ ngoại hoặc ngược lại v.v… phân biệt nhiều chừng nào thì phiền não phát sinh chừng nấy. Trong đạo không như thế, gặp nhau người lớn người nhỏ, người quen người không quen đều là bà con hết, vì tất cả đều là Phật sẽ thành hết, nên chấp tay xá chào: “A Di Đà Phật”. Bây giờ chúng ta tu Bồ-tát đạo để viên thành Phật đạo thì nhất cử nhất động gì cũng đều hướng về Phật đạo.
Cho nên ở giai đoạn thứ năm phải hạ mình xuống học đạo. Tất cả mọi công phu, việc làm trong đạo, không thể nghe sơ qua mà làm được, phải học, phải có thầy. Chúng ta luôn được hướng dẫn, hun đúc tinh thần tu tập trong một môi trường, một điều kiện nhất định. Quí Phật tử thấy chư Tăng Ni xuất gia như chúng tôi, được hun đúc trong một thiền viện để nuôi dưỡng phát huy tinh thần cầu đạo giác ngộ giải thoát. Bởi vì việc này khó chứ không phải dễ, không phải nói là làm được. Có khi nói được, nói rất hay mà làm không được, cho nên phải được khép trong một cái khung, để từng bước chúng ta làm cho được. Vì thế người vào đạo bước ban đầu phải khiêm nhường, hạ thấp xuống để học, dù cho bản thân mình là hạng người nào.
Chúng ta đọc kinh, thấy các vị Bồ-tát học đạo nơi những người thị hiện loài súc sanh. Bồ-tát học đạo với chồn, cáo, hổ chẳng hạn. Bởi vì có khi các loài súc sanh ấy là lớp thị hiện của Bồ-tát để thử tâm người học đạo. Trong kinh Phật nói giáo pháp của đức Thế Tôn không phân biệt chủng tộc, giai cấp. Đức Phật thị hiện ra đời để phá giai cấp, nhất là bốn giai cấp đè nặng trên vai người Ấn Độ. Trong đó giai cấp Thủ Đà la là giai cấp thấp nhất, bị đè bẹp, bị bóc lột, phải làm nô lệ cho cho các giai cấp trên từ đời này sang đời khác, không thể cất đầu lên được. Trong giáo đoàn của đức Phật có những vị A La Hán, gốc tích từ dòng nô lệ, như trưởng lão U Ba Li, vị Thánh đệ tử hành luật bậc nhất.
Có lần đức Thế Tôn trên đường hoằng hóa, gặp một vị trong giai cấp Thủ đà la. Thường những người giai cấp này có cái chuông gắn nơi chân, họ đi đâu chuông kêu keng keng, báo động những dòng tộc quý phái biết có bọn Thủ đà la ở gần nên tránh đi, vì gặp là xui lắm. Người này đang gánh phân, nghe nói có đức Thế Tôn ở trước, ông sợ quá tìm cách tránh. Đức Phật quán sát thấy người này hữu duyên, có thể hóa độ được, nên ngài thị hiện khắp mọi ngỏ ngách. Ông tránh chỗ nào cũng gặp Phật hết. Cuối cùng đức Thế Tôn nhiếp phục, độ vị Thủ Đà La này thành Tỳ-kheo và chẳng bao lâu vị ấy chứng Thánh quả. Sự việc này khiến vua Ba Tư Nặc rất bất mãn. Bởi vì vua là đệ tử Phật, mỗi lần lên hầu chuyện Phật, thưa hỏi Phật pháp, nhà vua đảnh lễ đức Thế Tôn và tất cả các vị thánh A La Hán, trong đó có ông Thủ đà la này.
Chịu hết nổi, vua nhất định tìm đức Thế Tôn, trình bày cho ra lẽ: Muốn giáo đoàn cao quý tốt đẹp, vì sao Như Lai lại nhận những người như thế vào trong tăng đoàn? Hôm ấy ông đến, đức Thế Tôn đang nghỉ trưa, cửa đã đóng. Có một vị tỳ-kheo ngồi bên ngoài, ông tới chấp tay thưa: “Bạch thầy, làm ơn cho tôi vào gặp đức Thế Tôn”. Vị Tỳ-kheo nói bây giờ là buổi trưa, chư tăng chỉ tịnh, đức Thế Tôn đang nghỉ ngơi. Vua nói: “Không, tôi là đệ tử đặc biệt của Phật, tôi đến giờ nào Phật cũng cho gặp hết. Phiền ngài hoan hỷ trình lại đức Thế Tôn là có vua Ba Tư Nặc tới yết kiến Như Lai”. Vị tỳ-kheo thấy không ngăn được, ngang cổng tinh xá có một cục đá to, ngài dụng thần lực đi xuyên qua cục đá ấy, vào trong không cần mở cửa. Vua thấy nể quá, thầy giữ cửa của đức Phật mà có thần thông như thế, nên không dám khinh suất giáo đoàn. Sau khi Tôn giả ấy vào thưa với đức Phật, Thế Tôn hoan hỷ cho vua vào.
Gặp Phật nhà vua đảnh lễ, lời đầu tiên của vua là: “Kính bạch đức Thế Tôn, tôn giả giữ cửa hôm nay là tôn giả nào mà có thần lực đặc biệt như thế?”. Đức Phật cười nói: “Đó là người hôm nọ gánh phân trong dòng Thủ đà la hạ tiện đó, nay đã xuất gia đã thành thánh quả rồI”. Nghe xong lời này, nhà vua phá tan tâm đố kỵ, cố chấp về giai cấp của mình.
Cho nên trên bước đường tu học, chúng ta phải hạ tâm xuống học hỏi với tất cả mọi người.
6. Tâm từ bi nhẫn nhục:
Tâm từ của chúng ta có chứ không phải không, nhưng nó giới hạn lắm. Tiền thân đức Thế Tôn tu nhân bố thí, ngài phát nguyện bố thí con mắt. Nhưng từ sáng tới chiều không có người đến xin, Bồ-tát rất buồn. Khi có người tới xin ngài rất hoan hỷ, người xin chưa kịp hỏi, ngài đã móc mắt cho rồi. Người kia cầm lên nói: “Tôi xin con mắt phải, ngài cho con mắt trái, đâu có dùng được”. Nói xong, kẻ ấy ném con mắt của đức Phật xuống đất. Nếu lúc đó tâm từ bi vô ngã vị tha không phát triển thì sân hận nổi lên. Song Bồ-tát tu hạnh bố thí Ba la mật, chẳng những không sân giận mà còn vui vẻ móc con mắt còn lại cho nốt. Chỉ có tâm từ bi, bình đẳng mới thành tựu được như thế.
Cho nên trong giới hạnh tu Bồ-tát đạo để đi đến Phật đạo khó khăn vô cùng, chúng ta thành tựu được mới viên thành Phật đạo. Từ bi nhẫn nhục mà không thấy có mình, có người mới có thể đạt ba la mật. Người tu phải đầy đủ dũng lực, trí lực khả dĩ thực hành hạnh này tới nơi tới chốn. Bằng ngược lại, yếu đuối hoặc không có trí tuệ thì không thể thực hành hạnh từ bi nhẫn nhục một cách rốt ráo được.
7. Tinh tấn giải thoát:
Tinh tấn trên con đường giải thoát, cuối cùng làm được tất cả việc khó làm, bỏ được tất cả việc khó bỏ. Hai chặng này là hai chặng viên mãn nhất.
Có những việc làm chúng ta thể hiện được tinh thần Bồ-tát, nhưng tâm Bồ-tát chưa hoàn toàn viên mãn. Do vậy nên mình chỉ làm trong một chừng mực nào thôi. Bây giờ chúng ta phải mở rộng biên cương ấy ra, xóa hết mê ngộ mới viên thành Phật đạo. Như trời trưa nắng gắt, gánh nặng đường xa, muốn đi đến nơi thì những gì trong gánh phải bỏ hết, cuối cùng cái gánh cũng bỏ luôn. Thân này, hoàn cảnh này, sự sống này, tất cả sự kiện chúng ta loại bỏ hết.
Hòa thượng thường dạy, thân này không thật, hoàn cảnh không thật, các pháp không thật, tâm của mình cũng không thật nữa. Do vậy mình vững vàng bỏ tất cả những cái không thật đó, để sống với tánh giác của mình. Mỗi người chúng ta đều có sẵn tính giác. Ai khéo thực hiện Bồ-tát đạo là phải loại bỏ hết những gì không phải tánh giác để nhận lại sống lại với cái chân thật ấy. Tuy chúng ta có tánh giác nhưng từ lâu quay lưng, bỏ quên nên bây giờ vọng tưởng phiền não bu bám che mờ tánh giác. Bây giờ muốn tánh giác hiển lộ thì phải giạt những thứ tạp nhiễm ra. Hy vọng trên bước đường tu tập, chư huynh đệ nắm vững, hiểu biết lộ trình như vậy để bước từng bước thật vững.
8. Khắc phục hoàn toàn tất cả những khổ đau, được an vui giải thoát:
Khi chúng ta đã thực hành trọn vẹn bảy bước trước là có thể bước sang bước thứ tám. Nhờ nhận và sống lại được với tánh giác chân thật có sẵn nơi mình, chúng ta không còn mê muội, không còn phiền não, do đó cũng không còn khổ đau. Nghĩa là tới giai đọan này hành giả hoàn toàn khắc phục tất cả khổ đau, được an vui giải thoát. Bước thứ tám là đi đến kết quả viên mãn. Chúng ta tự giác, giác tha đầy đủ công đức thì mới thành tựu Phật đạo.
Nhân ngày đầu xuân, kỷ niệm Bồ-tát Di Lặc là vị Bồ-tát hoan hỷ, không còn chấp thủ, tất cả người con Phật chúng ta nhất tâm hướng về ngài, kính lễ ngài và nhớ lại gương hạnh của ngài, phát nguyện thực hiện cho được gương hạnh đó, thực hiện cho được tâm bình đẳng, từ bi trí tuệ, đi từ từ bước đầu giới hạnh thanh tịnh cho đến bước cuối cùng là bỏ được tất cả những gì khó bỏ để được giải thoát an vui vĩnh viễn.
Kính chúc những người con Phật chúng ta luôn tỉnh sáng, thực hiện trọn vẹn nguyện lành của mình, tu tập cho đến viên mãn Phật đạo.