Thursday, March 5, 2009

TÌNH THƯƠNG TRONG ÐẠO PHẬT

THÍCH NHUẬN HẢI

Có nhiều người cho rằng đạo Phật là đạo diệt dục, là đạo lý dạy con người diệt trừ tất cả mọi ước mơ, mọi mong muốn, mọi thương yêu, là giáo lý bi quan yếm thế… Nói như vậy quả là một ngộ nhận rất lớn và chứng tỏ là họ chưa hiểu gì về đạo Phật. Trong khi đó giáo lý về tình thương là một đề tài rất lớn mà đức Phật luôn đề cập đến trong nhiều kinh, được xem là vấn đề cốt tuỷ trong đạo Phật.


Tình thương là một loại năng lượng có thể thực hiện được nhiều phép lạ. Khi người ta thương, người ta có thể làm được những việc mà người không thương không thể làm được. Tuy nhiên có loại tình thương đem đến cho ta và người niềm vui và hạnh phúc và có loại tình thương đem đến cho ta và người sự bi lụy khổ đau. Loài người ngụp lặn trong khổ đau vì trong đời sống hàng ngày tình thương của họ còn mang nhiều tính chất của hệ lụy và vướng mắc. Vì vậy muốn vượt thoát khổ đau, chúng ta cần có được tình thương chân thật, một tình thương có khả năng đem lại hạnh phúc, an vui cho người và mình.

Giáo lý về tình thương được gọi là Tứ Phạm Trụ, Brahmavihara (The Four Abodes of Brahma). Brahma có nghĩa là Phạm Thiên hay là cao quý. Vihara là chổ ở, là cư xá, có khi được dịch là tu viện. Ðó là nơi cư trú của Phật và Bồ Tát. Nếu ta muốn hạnh phúc thì ta hãy xin vào cư trú ở đó để sống chung với Phật và Bồ Tát. Tứ Phạm Trụ tức là Từ, Bi, Hỷ và Xả mà chúng ta thường gọi là bốn tâm vô lượng. Vô lượng tức là không thể đo được, và có thể phát huy đến vô cùng. Bốn tâm không có biên giới là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ và tâm Xả.

Trước hết là tâm Từ. Chữ Phạn là Maitri, chữ Pàli là Metta. Maitri có nghĩa là khả năng hiến tặng niềm vui, hiến tặng hạnh phúc (The capacity to offer joy and happiness). Ðức Phật sắp ra đời để nối tiếp sự nghiệp của Phật Thích Ca tên là Maitreya, nghĩa là đức Phật của tình thương.

Thứ hai là tâm Bi, Karuna, có nghĩa là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Nó gồm ý chí muốn vơi đi nỗi khổ, muốn chuyển hóa nỗi khổ của con người; Và gồm cả phương pháp và khả năng chuyển hóa nỗi khổ.

Hỷ tức là Mudita, là niềm vui. Tình thương đích thực, có Từ, có Bi sẽ đem tới sự nhẹ nhõm và niềm vui tươi. Tình thương mà chứa chất sầu đau thì không phải là tình thương trong đạo Phật. Cho nên Mudita là một yếu tố của tình thương đích thực. Tình thương có thể đem lại cho người thương và người được thương hạnh phúc mới đúng là tình thương chân thật. Còn thứ tình thương mỗi ngày gây đau khổ và vướng mắc cho nhau, thì không phải là tình thương của đạo Phật. Hỷ là yếu tố thứ ba của tình thương ấy.

Và sau cùng, Xả (Upeksa) là sự nhẹ nhàng, thư thái, tự do và không kỳ thị. Thương như thế nào mà ta còn giữ được tự do cho ta và cho người ta thương thì mới đích thực là tình thương. Thương như thế nào mà hai người không dìu nhau vào ngục tù. Tình cha con, tình thầy trò, tình anh em, tình yêu nam nữ cũng vậy.

Tứ vô lượng tâm là giáo lý dạy rất đầy đủ về tình thương. Tình thương này có năng lực trị liệu. Từ, Bi, Hỷ, Xả không phải là triết lý, là mục tiêu xa xôi mà là sự thực tập. Từ không phải chỉ là ước muốn đem lại hạnh phúc cho người. Chính sự thực tập Từ đem lại hạnh phúc cho người. Có người càng thương thì càng làm cho người kia khổ. Thương như vậy chưa phải là Từ, mới chỉ có ý chí thương nhưng không có khả năng thương. Bi cũng vậy. Bi cũng là ước muốn và có khả năng làm vơi đi nỗi khổ. Hỷ là ước muốn và khả năng tạo hạnh phúc cho mình và người. Và Xả tức là ước muốn và khả năng hiến tặng sự tự do và sự không kỳ thị cho mình và cho người.

Nếu không thực tập được chánh niệm thì ta không thể thực tập được tình thương. Chánh niệm cho chúng ta thấy được nhu yếu chuyển hóa khổ đau và nhu yếu hiến tặng niềm vui. Khi một người làm cho ta khổ thì chính người đó cũng đang bất an; Phản ứng của ta chỉ làm cho người đó thêm khổ, vì thế lại làm khổ chính ta hơn. Cái khả năng giúp ta nhận chân ra sự thật đó là chánh niệm. Từ, Bi, Hỷ, Xả phải thực hiện cho chính mình trước. Nếu ta không có bốn tâm đó trong ta thì ta không thể hiến tặng nó cho người khác. Phải đầu tư, phải gây vốn cho bốn vô lượng tâm. Vốn liếng của ta là công phu thực tập Tứ Diệu Ðế. Ði thiền hành cho đúng phép, có an lạc trong từng bước chân, nuôi dưỡng từng tế bào của cơ thể bằng hơi thở chánh niệm, đó là ta đang tự thương mình. Thương mình đích thực, ta làm cho rã bớt những nỗi sầu khổ, tưới vào bản thân những niềm vui.

Nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng những người xung quanh bằng tình thương, đó là sự thực tập của chúng ta. Và tình thương ở đây xuất phát từ Tuệ. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu. Bản chất của Từ Bi là Trí Tuệ. Thương mà không hiểu thì làm khổ người mình thương. Muốn hiến tặng niềm vui cho người, ta phải hiểu người. Con mắt chánh niệm phải quan sát. Cư xử với con cái cũng vậy, với cha mẹ cũng vậy. Chúng ta có thể nói rằng trong đạo Phật thương yêu được làm bằng một chất liệu gọi là hiểu biết. Mà hiểu biết là hoa trái của chánh niệm.

Nguyên tắc thực tập Tứ Diệu Ðế phải được thực tập ở đây.

Trước hết ta nhìn vào để thấy được những nỗi khổ. Sau khi nhận diện được sự thật thứ nhất về Khổ, ta mới tìm ra được những nguyên nhân gần xa của Khổ, tức là ta quán chiếu Tập. Và sự thực khi nào nắm được hai sự thật đầu ta mới biết con đường nào giúp người vượt qua những khổ đau, biết được Diệt và Ðạo. Thực tập Tứ Diệu Ðế là thực tập tình thương. Phật là một bậc Trí và Bi viên mãn. Thật ra, nếu Bi mà viên mãn thì Trí cũng viên mãn, và nếu Trí mà viên mãn thì Bi cũng viên mãn.Hai là một, một là hai. Trong Kinh Bát Ðại Nhân Giác nói rằng một vị Bồ Tát không đem tâm ghét những người đã làm điều ác. Những điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị, những vô minh căm thù đã được chất chứa từ lâu đã đưa tới những hành vi ác độc. “Bất tắng ác nhân” là bốn chữ trong Kinh Bát Ðại Nhân giác. Làm sao ta hiểu được bốn chữ “không ghét người ác” nếu ta quên tình thương, nếu ta chỉ dùng trí năng khô khan để hiểu? Trí năng khô khan gọi là càn tuệ, dired knowledge. Tình thương chỉ có làm bằng chất liệu hiểu biết, bằng tuệ giác chân thật, chữ Phạn là Prajna, phiên âm là Bát Nhã. Bát Nhã là hoa trái của sự quán chiếu. Không giận mình, không ghét người. Vì thấy những nguyên do sâu xa của mọi hành động nên ta thấy thương mình và thương người. Chất liệu của Từ phát xuất từ trái tim, và tưới trở lại cho trái tim. Thực tập Từ và Bi trên căn bản hiểu biết thì không bao giờ vướng mắc vào tình thương chiếm hữu. Thương mà không hiểu chỉ giam nhau vào ngục tù, tự giam mình vào ngục tù và làm khổ lẫn nhau. Người này lập ra nhà tù nhốt người kia vào cũng chỉ vì có thiện chí. Chồng với vợ, cha mẹ với con cái, bạn bè với nhau, khi thương nhau chúng ta vẫn thường giam nhau vào ngục tù, chỉ vì ta không biết được nhu yếu sâu xa đích thực của chính bản thân ta và của những người mà ta thương.

Tình thương chân thật được làm bằng sự hiểu biết. Tình thương chân thật phải đến niềm vui vô cầu, không vị lợi. Tu không phải là từ bỏ niềm vui. Niềm vui của người tu không phải chỉ phát sanh khi thấy người khác thành đạt và hạnh phúc, mà cả khi thấy mình nhẹ nhàng, thảnh thơi và có hạnh phúc. Khi tôi bước những bước thiền hành thảnh thơi, tôi tiếp xúc với nắng, tôi tiếp xúc với tiếng chim, tôi được nuôi dưỡng, tôi thư thái, đó là niềm vui, chữ Phạn là Mudita. Tu tập đúng pháp là nuôi dưỡng thân tâm bằng niềm vui và sự nhẹ nhàng. Làm như vậy là ta đang thực tập thương yêu, đang nuôi dưỡng tình yêu chân thật cho mình và những người xung quanh.

THÂN CẬN NGƯỜI TRÍ - HT.Thích Trí Quảng

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
Đánh máy: Liên Hoa – Huỳnh Hoa
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 468
( Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 36 tại chùa Phổ Quang ngày 03-09-2008)

Kinh Pháp Hoa dạy rằng người tu muốn giải thoát phải từ bỏ quyến thuộc ngu si, thân cận người trí, nhiếp niệm ở núi rừng, thường nghĩ đến Phật. Có người hiểu lầm rằng từ bỏ quyến thuộc ngu si là từ bỏ gia đình. Nói tới gia đình hay cha mẹ, Phật giáo ngày báo hiếu trong mùa Vu Lan, theo đó Đức Phật dạy chúng ta cần ghi nhớ bốn ơn, mà công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ là ơn lớn nhất không được quên. Cha mẹ sanh thành khác với cha vô minh, mẹ phiền não.

Như vậy, từ bỏ quyến thuộc ngu si nói cho đúng là từ bỏ vô minh phiền não và thân cận người trí chỉ cho thiện tri thức, không thân cận thầy tà bạn ác. Nho giáo cũng dạy rằng sanh ta là cha mẹ, dạy dỗ chúng ta là thầy bạn. Không có cha mẹ thì chúng ta không thể có thân nay và không có thầy bạn, chúng ta không nên người.
Ý thức rằng cha mẹ vô minh phiền não và thầy tà bạn ác dẫn chúng ta vào đường tội lỗi, chúng ta nghĩ đến thầy hiền bạn tốt và gần gũi những người này, mới nghe được lời dạy đúng đắn, giúp chúng ta thành đạt trong cuộc sống. Thành đạt có hai hướng, thành đạt theo người thế gian là học hành đỗ đạt, làm quan, làm tướng, làm nhà kinh doanh phát đạt, v.v… thì cũng tốt; nhưng sự thành công này chỉ giả tạm, nhất thời mà thôi, nay thành mai bại, ở trong sự thành đạt sinh diệt của thế gian vô thường.

Sự thành đạt mà người đệ tử Phật cần thấy biết, quan tâm và hướng tời là các bậc tam hiền tứ quả giải thoát; vì mục tiêu của chúng ta là phấn đấu trên bước đường tu là phải đạt được sự giải thoát như các Ngài. Thật vậy, người trí là hàng tam thừa tứ quả đã giải thoát. Tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Tứ quả của Thanh văn là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Tứ quả của Bồ tát là hàng Bồ tát thập trụ, Bồ tát thập hạnh, Bồ tát thập hồi hướng và Bồ tát thập địa.

Vì vậy, sự thành đạt của chúng ta là thân cận, học hỏi và gặt hái được những tinh ba của pháp mầu từ các bậc trí nhân là hàng tam thừa tứ quả giải thoát Tăng. Từ tiêu chuẩn như vậy, chúng ta nhận thấy nếu là hàng Thanh văn, thì tối thiểu phải được giải thoát để chúng ta học theo. Nghĩa là họ không bị sự ràng buộc của thân xác và tinh thần, mà chúng ta có thể học với họ thành quả giải thoát đó. Còn người thực sự thành đạt theo thế gian như những chính trị gia, thương gia, hay đại gia, mặc dù họ nắm quyền lực tối cao về chính trị hay kinh tế, nhưng chúng ta nhận thấy cuộc sống họ toàn là khổ cộng thêm khổ, luôn bị mất ăn mất ngủ, nhức óc, mệt tim, v.v… vì phải tính toán, đối phó đủ thứ. Khi chưa thành đạt, họ phải cố tranh thủ cho được; khi thành đạt rồi thì họ phải cố giữ gìn, bảo vệ, thậm chí còn muốn bành trướng hơn nữa và đến khi mất mát, họ tuyệt vọng, khổ đau. Cuộc sống thành đạt theo thế gian như vậy, chúng ta không muốn đi theo. Thực tế lịch sử đã cho thấy người thành đạt cao nhất thế giới như nhà độc tài Hitler, ông đã huy động được sức mạnh của toàn nước Đức để tấn công các nước lân cận một cách dễ dàng, nhưng cuối cùng chấm dứt thế chiến thứ hai, ông phải chết thê thảm. Hoặc Sada Hussein từng được coi là người hùng để rồi bị treo cổ kết liễu cuộc đòi. Sự thành đạt về chính trị như vậy thật đáng sợ. Ở đất nước chúng ta, có một thời những người thành đạt về kinh tế nổi tiếng như Minh Phụng, Nguyễn Văn Mười Hai, hoặc Năm Cam, nhưng cuộc đời của họ đều kết thúc một cách thê thảm. Chúng ta gạt sang một bên, họ không phải là người trí mà chúng ta muốn thân cận.

Người trí mà chúng ta muốn thân cận không bị vật chất và tình cảm chi phối. Một nhà hiền triết Ấn Độ đã nói rằng con người chỉ đáng tôn quý khi họ chinh phục được nội giới và ngoại giới. Chinh phục được ngoại giới giống như các nhà khoa học chinh phục được các hành tinh, đạt được hiểu biết lớn lao. Nhưng chinh phục được nội giới của các nhà tu hành, như diệt trừ được tham vọng thì càng vĩ đại hơn gấp bội.

Như vậy, chúng ta có quan sát và suy nghĩ về việc làm của người trí để thân cận. Người thắng được thiên nhiên bên ngoài theo Phật là đã được quả vị Tu đà hoàn, tức vượt được sự hàn nhiệt cơ khát, không bị vật chất chi phối. Trong khi người giàu có theo thế gian tuy cuộc sống dư thừa của cải, nhưng họ luôn bị vật chất lẫn tình cảm tác hại, bị phiền não quấy rầy. Thực tế chúng ta thấy các vị Thánh La Hán không có tiền, không có vật dụng, thậm chí không lệ thuộc miếng ăn, một ngày một bữa cơm đạm bạc, hoặc hai, ba ngày dùng một bữa cũng không sao, lúc nào họ cũng an lạc, giải thoát.

Chúng ta tu học cần thân cận những người có đời sống thanh thoát như vậy. Riêng tôi hành đạo được đến ngày nay nhờ biết gần gũi người tu không đặt nặng việc ăn, mặc, ở và được giải thoát. Họ không lệ thuộc đói khát, vì đã chinh phục được thân tứ đại, làm chủ được thân tứ đại, thực tế là cả ngày họ không cần uống nước, hoặc không ăn vài ngày cũng khỏe mạnh như thường. Có vị làm việc không mệt, không cần ngủ là đã chinh phục được ngoại giới. Tôi cố gần gũi học hỏi để biết vì sao họ có cơ thể kỳ diệu mà mình thực tập theo.

Về nội giới, Đức Phật dạy chúng ta tu 37 trợ đạo phẩm và từng bước đi lên. Đối với nội giới, tâm là chính yếu. Tâm có chơn tâm và vọng thức. Chinh phục nội giới là chinh phục được vọng thức. Vọng thức chủ yếu là do sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra hiểu biết của con người. Tuy con người hiểu biết hơn các loài khác, nhưng Đức Phật dạy rằng hiểu biết này không chính xác và thường gây phiền toái cho chúng ta. Vì vậy, người ta thường nói thà không biết còn hơn, hoặc biết ít thì khổ ít, không biết thì không khổ. Người khác làm gì, mình không bận tâm; vì cái biết về người, về việc của người khiến mình bắt đầu phân biệt, phê phán và tự đau khổ. Thiết nghĩ họ làm gì là việc của họ, chẳng liên quan gì đến ta, nhưng tại sao ta lại tự rước lấy cái khổ, quả là đáng thương hại!

Chinh phục ngoại giới là vượt qua được hay làm chủ được bốn việc: đói, khát, nóng, lạnh; nhưng chinh phục nội giới là chinh phục được tình cảm của chính mình, tức tình cảm ủy mị, lúc nào cũng buồn, giận, lo, khổ.

Đi vào cửa Phật, Tu đà hoàn thuộc cấp bậc thấp nhất trong hàng đại trí, đã thoát khỏi sự chi phối của hàn nhiệt cơ khát và an trụ pháp Không, tức nhân không, pháp không và tất cánh không. Tâm họ vắng lặng, vì thấy biết rõ thế giới sanh diệt, nên không bận tâm và hướng về vô sanh, trở về chơn tâm. Khi sống với chơn tâm mà nhìn ra thế giới sanh diệt, thấy tất cả mọi người đều đáng thương.
Trong kinh Hoa Nghiêm đưa ra hình ảnh Tỳ kheo Hải Vân nhiếp niệm ở núi rừng, tức ngôi yên, vắng lặng và quán sát biển khổ trần gian, thấy đủ các loại hình chúng sinh đang bị dày xéo bởi vô số khổ đau, quy lại là khổ đau xuất phát từ tham vọng của con người. Ngài thấy rõ không có khổ, hay không đáng khổ, nhưng chúng sinh tự tạo khổ cho họ, thì thật vô lý, đáng thương hại. Nói cụ thể như quý vị tu hành ở đạo tràng này, chắc chắn không khổ gì cả, không phải lo lắng gì cả, buổi trưa có người phục vụ tận nơi cơm ăn, nước uống. Nhưng giả sử một người nào đó đang ở trong đạo tràng này, lại khởi nghĩ rằng phải như thế này như thế kia thì họ đã tự làm khổ bằng chính vọng tường điên đảo của họ.

Bậc trí trụ ở chơn tâm mà quán vọng thức, hay ở vô sanh nhìn sanh diệt, là đã đi vào lộ trình Phật dạy, sống với một phần trí tuệ của Phật. Vì vậy, đối với người tu, trí tuệ là sự nghiệp của đời họ. Trên bước đường tu, đương nhiên họ phải nhờ thiện tri thức khai ngộ, nhưng phát xuất từ thật trí, tức sự thấy biết từ vô sanh. Nếu chúng ta thân cận được người trí như vậy, mặc dù sống ở Ta bà nhiều khổ đau, chúng ta cũng cảm thấy an ổn và tiến tu được.

Bậc trí trụ an trú pháp Không là không sanh diệt, hay vô sanh. Ở dòng thác trí tuệ của vô sanh quán sát, thấy rõ có hai thế giới: thế giới sanh diệt và thế giới không sanh diệt. Thế giới sanh diệt với đầy đủ thiện và ác, thiện của sanh diệt và ác của sanh diệt. Và nếu ở vô sanh mà nhìn thế giới sanh diệt, thì gọi đó là giấc mơ, vì con người hiệu hữu và sinh hoạt trong thế giới sanh diệt chẳng khác gì người đang ở trong giấc mơ thấy mình làm đủ thứ việc to tát, nhưng đến khi thức dậy, mọi việc làm trong giấc chiêm bao đều không còn. Nhận ra yếu nghĩa này, chúng ta phát hiện rằng những người tu trên sanh diệt thì thì sanh diệt chấm dứt, coi như không tu, vì tu trong chiêm bao. Thí dụ cho dễ hiểu, thuở nhỏ tôi chiêm bao thấy mình đi thỉnh kinh ở Ấn Độ, nhưng thức dậy, tôi vẫn là cậu bé tay không, hoặc mơ thấy mình lên trời, bay được, nhưng tỉnh dậy vẫn là con người phải đi trên mặt đất.

Trên bước đường tu, bắt đầu phát hiện, thấy biết việc thiện ác của sanh diệt, chúng ta bỏ việc ác, làm việc thiện, tức tu tứ chánh cần, thức hiện bốn điều là việc thiện chưa làm thì phải làm, việc ác chưa làm thì không được làm, việc thiện đã làm thì làm phải làm nhiều hơn, việc ác đã làm thì phải dứt bỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là phương tiện của Như Lai ở giai đoạn đầu mà thôi. Còn diệt được “cái sanh diệt” mới là việc quan trọng thật sự của người tu.

Thật vậy, kinh Niết Bàn dạy rằng sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc, nghĩa là sanh diệt chấm dứt thì ở trong tịch diệt mới được an lạc. Vì tất cả việc làm trong thế giới sanh diệt đều chỉ có giá trị tương đối, thậm chí việc thiện trong sanh diệt đôi khi cũng trở thành ác. Ví dụ giúp cho người lười biếng không chịu làm việc, chỉ thích ngửa tay xin, là ta đã tiếp tay cho họ tăng thêm tánh ăn bám, lợi dụng và làm mất ý chí phấn đấu của họ. Giúp đỡ người khác như vậy việc thiện này đã trở thành ác.

Đi về vô sanh, tức sanh diệt hết, thì nguồn vui hiện hữu ở thế giới tịch diệt, là đã qua thế giới Thiền định; lúc bấy giờ, vô sanh là thiện, sanh là ác. Thực tế cho thấy biết bao nhiêu người tốt trên cuộc đời này trải qua một khoảng thời gian, họ trở thành xấu, hay nói cách khác, người đời hết làm thiện thì làm ác, sinh hoạt trong sanh tử luân hồi là như thế. Vì vậy, Đức Phật dạy phải chấm dứt sanh diệt mới có tịch diệt an lạc.

Từ quả vị Tu đà hoàn, Phật dạy hàng Thanh văn tiến lên một bậc là Tư đà hàm, lấy tâm tịch diệt là chính yếu. Tâm tịch diệt là thiện, tâm sanh diệt là ác, vì tất cả mọi việc làm của chúng ta ở thế giới sanh diệt đều là làm trong chiêm bao, thức dậy là hết. Vì vậy, bậc Tư đà hàm là người trí ở quả vị thứ hai của Thanh văn thường sống trong Thiền định, lấy tâm vô sanh làm thiện, còn tất cả tâm snah diệt là ác, cho nên việc thiện của thế gian thuộc sanh diệt cũng không cần thiết đối với họ.

Hai bậc Tu đà hoàn và Tư đà ham đi thuận chiếu từ sanh tử về Niết bàn, nhưng lên bậc thứ ba, tâm họ bắt đầu xả ly, không vướng mắc gì cả. Kinh gọi họ thường vào ra sanh từ, tức là vào ra sanh tử ở cửa tâm. Nói cách khác, trong một niệm tâm có bao nhiêu lần sanh diệt thì người thực tập Thiền quá nhận ra được. Từ vô sanh hiện sanh và từ sanh về sanh diệt, họ đang thực tập trên lộ trình này và lên đến đỉnh cao nhất, họ trụ được ở Ngũ tịnh cư Thiên. Thế giới này có năm đặc tánh là vô phiền, vô nhiệt, thiện kiến, thiện hiện và sắc cứu cánh.

Khi tâm chúng ta thâm nhập vào thế giới này thì không có phiền não, không có bực tức, nhìn cuộc đời chính xác rõ ràng, thấy như thực, cuối cùng quán sát được cùng tột của sắc chất gọi là sắc cứu cánh. Thuở nhỏ, họ điều này thấy khó hiểu, nhưng trải qua quá trình tu hành, tôi nhận thấy sự quán sát để đạt được sắc cứu cánh có nghĩa là chúng ta dùng tâm để phân tích, chia sẻ vật nhỏ lần cho đến nhỏ nhất, chỉ còn là một vi trần mà mắt không thấy, nhưng tâm thấy được. Ví dụ ở trên núi Thị Vải, tôi thấy ánh sáng xuyên qua cành cây thấy trong không khí có vô số hạt bụi nhỏ li ti, đó là vi trần mà mắt thấy được vì có ánh sáng từ trên cao rọi xuống.

Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật nói rằng: trong cực vi đầu sợi lông xuất hiện trang nghiêm đủ ba cõi, mười phương trần sát các đầu lông, tôi đều thâm nhập để nghiêm tịnh. Đó là cái thấy của Phật, thấy siêu tuyệt, thấy thế giới nhỏ đến mức bằng đầu sợi lông mà có chứa đủ cả ba cõi và Ngài thâm nhập vào mười phương thế giới đó. Dĩ nhiên là Phật thấy bằng tâm và thâm nhập các thế giới cực vi đó cũng bằng tâm.

Ngày nay, cái cực vi được gọi là hạt nguyên tử có điện tử dương và điện tử âm chạy xung quanh. Đức Phật nói rằng trong một vi trần có bảy ngưu mao đầu trần, trong một ngưu mao đầu trần có bảy thố mao đầu trần ( lông con thỏ ), trong thố mao đầu trần có bảy ngân trần, trong mỗi ngân trần có bảy kim trần. Đức Phật quán sát sự hình thành thế giới, chia chẻ qua bảy lần bảy như vậy, đồng với Đức Phật nhập định trong 49 ngày và quán sát đến tận cùng ở trạng thái kim trần, gọi là sắc cứu cánh, thì thấy thân chúng ta và thân chúng sinh cùng với vật chất vô tình bên ngoài đều biến thành không, hay tất cả đều là một.

An trụ ở sự chứng ngộ như thế, đạt được thân và tâm tự tại, chứng quả vị A na hàm là hạng người trí thứ ba, tâm thăng hoa, mở rộng và cuối cùng lên đỉnh cao chứng được từ một Thất Bồ đề phần, tức bảy phần giác ngộ của Phật và kiểm tra được từ một đến bảy phần này qua lại bảy lần là con số 49 tiêu biểu cho vũ trụ quan của Phật giáo.
Từ thế giới tu chứng của A na hàm trở lại cuộc đời, thể nghiệm được Bát chánh đạo trong cuộc sống. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là tám điều mà vị Thánh A la hán thành tựu. Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A na hàm thuộc Hiền vị.

Nếu chúng ta có phước duyên được sống gần những vị Hiền thánh của Thanh văn là bậc trí huệ thì tâm sẽ hoàn toàn được an ổn và không bị vật chất chi phối, vì thấy không đòi hỏi vật chất nên chúng ta thực tập theo thầy, cũng không lệ thuộc vật chất. Bậc trí của Thanh văn hay nhị thừ là như vậy. trong khi bậc trí của Bồ tát, sự chứng ngộ ở mức độ cao hơn và lên đến đỉnh cao nhất là Nhập Bất tư nghì giải thoát cảnh giới của kinh Hoa Nghiêm.

Tóm lại, Đức Phật giới thiệu các bậc trí trong kinh điển Nguyên thủy, Nikaya cho đến các bậc trí trong kinh Bát Nhã, kinh Phổ hiền để chúng ta thân cận, học theo và nỗ lực thực tập cho đạt kết quả tốt đẹp trong cuộc sống của chính mình, không phải thân cận học theo trí thế gian để bị vướng mắc mãi trong vòng sanh tử luân hồi khổ đau.

phatphap.wordpress.com & phatphapnhiemmau.com

Không vui không buồn

Quảng Tánh
Nguồn: báo Giác Ngộ số 462
Đánh máy: Liên Hoa – Huỳnh Hoa

Một thời Thế Tôn ở Safketa, rừng Anjana, tại vườn Nai. Rồi thiên tử Kakudha, sau khi đêm đã gần mãn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn khu rừng Anjana, đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Thưa Sa Môn, Ngài có hoan hỷ không?

Ta được cái gì, này Hiền giả, mà Ta hoan hỷ?

Nếu vậy, thưa Sa môn, có phải Ngài sầu muộn?

Ta mòn mỏi cái gì, này Hiền giả, mà Ta sầu muộn?

Thật như vậy, này Hiền giả.

Làm sao, này Tỷ kheo
Ngài không có sầu muộn
Tuy vậy, Ngài cũng không
Có được sự hoan hỷ
Làm sao nay Ngài lại
Ngồi cô độc một mình
Không có được hoan hỷ
Cũng không bị dao động
Thật sự, này Dạ xoa
Ta không có sầu muộn
Tuy vậy ở nơi ta
Hoan hỷ không khởi lên
Dầu nay Ta có ngồi
Riêng một mình cô độc
Ta không có hoan hỷ
Cũng không bị dao động
Làm sao, này Tỷ kheo
Ngài không có sầu muộn
Làm sao ở nơi Ngài
Hoan hỷ không khởi lên
Làm sao nay Ngài lại
Ngồi cô độc một mình
Không có được hoan hỷ
Cũng không bị dao động
Hoan hỷ chỉ có đến
Với người tâm sầu muộn
Sầu muộn chỉ có đến
Với người tâm hoan hỷ
Do vậy, này Tỷ kheo
Không hoan hỷ, sầu muộn
Vậy nên, này Hiền giả
Ông phải biết như vậy
Đã lâu, con mới thấy
Bà la môn tịch tịnh
Vị Tỷ kheo không sầu
Cũng không có hoan hỷ
Đã an toàn vượt khỏi
Chỗ người đời đắm say

( ĐTKVN, Tương Ưng Bộ 1, chương II, phẩm Cấp Cô Độc, Phần Kakudha, VNCPHVN ấn hành, tr 124)

LỜI BÀN

Hầu hết chúng ta đều sống với những hoài niệm trong quá khứ và các sự hướng ở tương lai mà hiếm khi an trú vào hiện tại. Vì không thiết lập được chánh niệm để an trú nên tâm của chúng ta thường lang thang, chạy theo cảnh bên ngoài hoặc chơi trò trốn tìm với chính mình, buồn vui theo vọng tưởng.

Tâm lý của chúng ta luôn dao động, lẫn lộn buồn vui. Đôi khi tâm ta rơi vào trạng thái không vui cũng không buồn nhưng vì thiếu chánh niệm nên ta cảm thấy cô đơn, trống trải. Thậm chí một vài người sợ hãi khi phải đối diện với chính mình liền tìm cách chạy trốn như điện thoại tâm sự với người thân, nghe nhạc, xem phim hoặc đi ngủ.

Nên những ai chưa từng trải nghiệm thiền định, thiết lập một đời sống hướng nội, chánh niệm tỉnh giác thì khó mà hiểu được sức sống nội tại và sự an tĩnh, thảnh thơi của hành giả. Thật không dễ hình dung về cách sống bình dị, đơn độc, thanh bần, trầm lắng, xem ra chẳng có gì vui cẩ, mà người ta cứ sống vậy suốt đời.

Theo tuệ giác Thế Tôn, người ta buồn vì có vui (hết vui thì thấy buồn) và người ta vui vì có buồn (hết buồn thì thấy vui). Chỉ có những người thiết lập được sự bình an, tâm tư lắng đọng không bị cảnh bên ngoài chi phối, vượt lên sự buồn vui thường tình mới thực sự vững chải, an trú trong hạnh phúc và tịnh lạc.

phatphap.wordpress.com & phatphapdaithua.com

ĐỨC PHẬT DẠY CON NHƯ THẾ NÀO?

Tiến sĩ Gil Fronsdal
Hoài Hương dịch
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 468
Đánh máy: Liên Hoa – Huỳnh Hoa

LTS: Tiến sĩ Gil Fronsdal hiện đang giảng dạy Thiền tại Insight Meditation Center ở Redwood City, California, Hoa Kỳ. Ông có vợ và hai con. Với ông, Đức Phật là một bậc thầy, một con người giác ngộ. Sự kiện Đức Phật giáo dưỡng La Hầu La trở nên giác ngộ được ghi chép trong Kinh tạng Pafli, theo Gil Fronsdal gần gũi và thân mật như cha dạy con, thầy dạy trò đã khơi nguồn cảm hứng cho ông hướng dẫn tu tập thiền định cho con cái và thanh thiếu niên. Xin giới thiệu bài viết Đức Phật dạy con như thế nào, nguyên tác The Buddha as a Parents, tạp chí Inquiring Mind xuất bản, ( Hoài Hương chuyển dịch sang tiếng Việt) đến với bạn đọc…
G.N

Ngày nay, hầu như người Phật tử nào cũng biết rằng thái tử Tất Đạt Đa, sau này là Đức Phật, đã lìa bỏ tổ ấm của mình để đi tìm con đường giải thoát không lâu sau cái ngày La Hầu La, đứa con trai duy nhất của Ngài, chào đời. Nhiều người cảm thấy khó hiểu, thậm chí phẫn nộ, trước một hành động có vẻ “thiếu trách nhiệm” như thế. Song, ít ai biết rằng sau khi đạt Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật đã trở thành thầy dạy dỗ chính cho con trai của mình trong hầu hết quãng đời niên thiếu, kể từ khi La Hầu La lên bảy tuổi, và Ngài đã là một người cha rất mực mô phạm: La Hầu La đã đạt được giác ngộ viên mãn khi mới tròn hai mươi tuổi. Vậy, ta hãy tự hỏi, Đức Phật là một người cha như thế nào? Phương pháp dạy con của Ngài ra sao? Làm thế nào một bậc giác ngộ trao truyền những giá trị tâm linh cho con cái?

Kinh điển không đề cập nhiều đến mối quan hệ cha-con giữa Đức Phật và La Hầu La, nhưng rải rác vẫn có để lại những dấu hiệu thú vị đáng lưu ý về việc Đức Phật đã dẫn dắt La Hầu La như thế nào trên con đường trưởng thành. Mặc dầu trước cả các kinh điển này đã có những mẩu chuyện nói về việc La Hầu La đã trở thành đồ đệ của Đức Phật như thế nào, nhưng phần lớn những tình tiết này nằm trong 3 bài pháp mà nếu ta gom cả lại với nhau, thì đó chính là một tiến trình liên tục của con đường dẫn tới giác ngộ: lúc La Hầu La 7 tuổi, Đức Phật dạy cho con về đạo đức; lúc La Hầu La 10 tuổi, Đức Phật dạy cho con thiền; và lúc 20 tuổi, Ngài dạy về tuệ giác giải thoát. Quá trình trưởng thành của La Hầu La, vì vậy, đi liền với tiến trình giác ngộ.

Khi con trai của tôi tròn 7 tuổi, tôi bắt đầu suy tư về việc làm thế nào để dẫn dắt nó và em trai của nó trên con đường tâm linh. Ít nhất, tôi muốn các con tôi học và thực hành Phật pháp đủ để sau này lớn lên chúng có thể trở về với những tiềm năng đó nếu chúng thích hay cần đến. Tôi cũng nghĩ rằng nếu các con tôi có thể nương tựa nơi Phật pháp, thì sau này, dù đang ở bất cứ nơi đâu, chúng cũng có thể quay về với cái mái ấm đó. Nhất là, vì đối với tôi, gia tài lớn nhất mà tôi có được qua sự thực tập Phật pháp là sự an lạc, thảnh thơi và lòng từ bi, tôi tự hỏi làm cách nào tôi có thể trao truyền cái gia tài tâm linh đó lại cho thế hệ sau. Được biết La Hầu La bắt đầu được Đức Phật dạy dỗ từ năm 7 tuổi, tôi lục tìm trong những bản kinh tiếng Pafli để học lấy những phương pháp mà Đức Phật đã sử dụng để dạy dỗ con của Ngài.

Tôi tìm thấy cách thế nào để lại một “gia tài tâm linh” qua những mẩu chuyện thật hay trong kinh điển về việc La Hầu La đã theo học với cha như thế nào. Sáu năm sau khi Đức Phật rời bỏ gia đình, và một năm sau khi đạt được giác ngộ, Ngài trở về kinh thành. La Hầu La, lúc ấy 7 tuổi, theo lời mẹ dạy, đã chạy đến bên cha để xin thừa hưởng gia tài. Nếu như ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa không bỏ kinh thành ra đi, thì bây giờ La Hầu La đã được truyền ngôi. Nhưng là một người đã buông bỏ hết tất cả, sống đời khổ hạnh, Đức Phật có thể trao lại cho con mình cái gì? Đáp lời La Hầu La, Đức Phật quay sang nói với Tôn giả Xá Lợi Phất ( Sariputta), một đồ đệ thân tín của Ngài: “Hãy thâu nhận nó”. Như vậy, thay vì được ngôi vua, La Hầu La đã được thừa hưởng con đường đi của cha mình, con đường dẫn đến giải thoát.

Có lẽ còn lâu lắm con trai tôi mới cạo trọc đầu và khoác lên mình chiếc áo cà sa, nhưng tôi vẫn muốn cho con tôi tiếp xúc với những điều căn bản của Phật pháp, những điều đã chuyển hóa sâu sắc cuộc đời tôi. Khi tôi đọc những đoạn kinh về cách Đức Phật dạy La Hầu La, tôi ngạc nhiên nhận ra rằng những điều này không những vẫn còn mới mẻ mà còn rất thích hợp với việc dạy con ở nước Mỹ này, trong thời hiện đại này. Thật vậy, những bài pháp này đã trở thành kim chỉ nam cho tôi trong việc dạy con.

ĐẠO ĐỨC

Câu chuyện đầu tiên kể về La Hầu La được Đức Phật dạy về lòng chính trực. Lúc lên 8 tuổi, La Hầu La đã có lần nói dối. Kinh Giáo giới La Hầu La (Trung Bộ kinh, 61) kể rằng sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đến tìm con, La Hầu La lấy ghế mời Thế tôn ngồi, rồi mang đến một thau nước cho Ngài rửa chân, theo phong tục thời ấy. Sau khi rửa chân xong, Đức Phật hỏi:

- Này, La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái thau này không?

- Dạ, con có thấy. La Hầu La thưa.

- Đời của một người tu cũng chỉ bằng một chút nước này thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.

Tôi tưởng tượng La Hầu La đỏ mặt lên.

Sau đó, Đức Phật đổ hết nước trong thau ra và nói:

- Đời của một người tu cũng đang vất bỏ đi như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.

Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và nói:

- Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.
Và, để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và nói:

- Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này nếu như người đó cố tình nói dối.

Sau đó, Ngài dạy La Hầu La:

- Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy, La Hầu La, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.

Câu chuyện trên đây nhắc nhở tôi rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thật ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm đúng lúc để dạy dỗ mà không trừng phạt hay nổi giận với La Hầu La.

Sau bài thuyết giảng ngắn mà nghiêm khắc, rõ ràng về việc nói dối đó, tôi tưởng tượng La Hầu La đã lắng nghe hơn. Sau đó, Đức Phật chỉ dẫn La Hầu La làm sao để suy xét mọi hành động của mình.

- Cái gương dùng để làm gì? Ngài hỏi.

- Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi. La Hầu La đáp

Đức Phật lại dạy:

- Trong khi chuẩn bị làm điều gì bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.

Tôi chợt nhận ra rằng thay vì dạy cho con mình nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, Đức Phật đã dạy cho con suy gẫm về lợi ích và có hại. Điều này đòi hỏi cả sự tự tri lẫn lòng bi mẫn. Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên “có lợi” hay “có hại” giúp giải thoát đời sống đạo đức của ta khỏi những khái niệm trừu tượng và những ý niệm chẳng ăn nhập gì tới hậu quả của việc ta làm. “Có lợi” và “có hại” cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu của mình. Những điều ta làm sẽ trở thành hoặc là nghịch duyên, hoặc là thuận duyên trên con đường ta đi.

Phương pháp giáo hóa của Đức Phật khiến cho tôi càng tin tưởng thêm rằng chúng ta cần gieo xuống nơi tâm hồn con trẻ những hạt giống của lòng bi mẫn, những hạt giống của ý thức về việc mỗi hành động của nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Sức mạnh của sự quán chiếu và lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn: “Con hãy biết quán chiếu, và hãy có lòng từ bi!”. Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của cha mẹ đứa trẻ.

Đức Phật cũng dạy La Hầu La hãy xem xét sau khi làm một việc gì đó, nó có gây tổn hại gì không. Nếu có, thì phải đến gặp một người có tuệ giác và sám hối để tránh lặp lại lỗi lầm trong tương lai. Tôi đã học được cách hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình. Và lòng chính trực đó tùy thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ soi xét lỗi lầm của con mình ra sao. Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển đạo đức của con trẻ: nếu cha mẹ cho con trẻ thấy được là nó có thể tin tưởng mình được, là mình chỉ muốn giúp cho con mình trưởng thành hơn là muốn trừng phạt con, thì con trẻ sẽ trở nên thành thật với cha mẹ chúng hơn.

THIỀN ĐỊNH

Câu chuyện thứ hai nói về việc Đức Phật đã dạy thiền cho La Hầu La ra sao, nhằm phát triển nền tảng của nội tâm (Trung Bộ kinh, 62). Lúc đó La Hầu La được 10 tuổi. Câu chuyện bắt đầu trong lúc Đức Phật và La Hầu La đi thiền hành. Trong lúc đi, La Hầu La chợt thấy hãnh diện về vẻ đẹp của mình, và Đức Phật đã đọc được tư tưởng đó. Ngài nói với La Hầu La:

- Nhìn bằng con mắt của tuệ giác, cái thân này không phải là tôi, không phải là của tôi, không phải là tự ngã của tôi. Rồi Đức Phật giảng tiếp: Ta phải loại bỏ hết, tất cả tưởng, hành, thức cũng như bất cứ ý niệm nào về tôi, của tôi, và tự ngã của tôi.

Nghe những lời dạy này xong, La Hầu La cảm thấy hổ thẹn, lui về tịnh xá, và không thiết gì đến việc ăn uống suốt ngày hôm đó.

Tôi cho rằng đây là sự dạy dỗ căn bản cho con trẻ. Tôi không thể tưởng tượng bản thân tôi lúc 10 tuổi có thể hiểu được những lời Phật dạy như thế. Tôi nhớ lại, rất rõ ràng, rằng ở vào tuổi đó, đầu óc tôi chỉ toàn lo nghĩ đến diện mạo của tôi ra sao. Tôi thường nghe nói rằng điều này rất là quan trọng cho tiến trình phát triển của các em về “cái tôi” và quá trình đi tìm kiếm bản thân mình. Có nên trách một em trai 14 tuổi về những ý tưởng phù du như vậy hay không? Có phải Đức Phật đã xen vào tiến trình phát triển bình thường của con trẻ, thay vì để chúng tự khám phá? Nếu không có hiểu biết về “cái tôi”, làm sao một thiếu niên có thể phát triển thành một người lớn với tâm lý thăng bằng?

Câu trả lời nằm ở những gì Đức Phật dạy La Hầu La ở đoạn sau đây:

Tôi hôm đó, sau khi bị Đức Phật quở trách, La Hầu La đến xin Ngài dạy cho mình phương pháp thiền quán hơi thở. Trước hết, Đức Phật dùng thí dụ minh họa làm sao để buông xả trong lúc thiền định, Ngài dạy:

- Phải thiền làm sao giống như đất vậy: đất không cảm thấy phiền vì bất cứ thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu tập thiền giống như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích vì bất cứ một điều gì. Hãy tập thiền như nước, như lửa, như gió và như không gian: tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích. Thực tập được như nước, như lửa, như không gian, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả.
Rồi, trước khi dạy cho La Hầu La phép quán niệm hơi thở, Đức Phật dạy về quán tâm từ như là một phương thuốc giải độc trừ khử ác tâm, về tâm bi để vượt thắng sự tàn ác, về tâm hỷ để thuần phục những sự bất toại nguyện, và về tâ, xả để ngăn chặn những bất an, thương ghét.

Sau đó, Ngài mới bắt đầu dạy cho La Hầu La phép quán niệm hơi thở trong 16 giai đoạn. Những giai đoạn này chia làm 3 phần:

a) Tịnh tâm và tịnh thân

b) Định tâm để nhận biết thân tâm và phát triển tuệ giác

c) Buông xả.

Cuối cùng, Đức Phật lưu lại một dấu ấn đậm nét về giáo lý của Ngài với La Hầu La bằng cách nhấn mạnh rằng qua sự thực tập ý thức từng hơi thở của mình, ta sẽ có khả năng nhận biết hơi thở cuối cùng của mình vào giây phút cận tử một cách hoàn toàn bình thản.

Khi đọc về cách thức Đức Phật dạy La Hầu La phép thở để nhận biết thân tâm của mình, tôi nhận thấy đó cũng là một phương pháp để xây dựng một khái niệm vững chắc về “cái tôi”. Tôi tự nghĩ, phải chăng các em thiếu niên ở thời đại ngày nay hay chấp vào “cái tôi” của mình và có nhiều ý niệm phân biệt mình với kẻ khác, là vì các em không cảm thấy thoải mái với chính bản thân mình và với người khác? Và tôi tin rằng, cái chấp và sự phân biệt ấy sẽ không còn nữa với chính mình cũng như thoải mái với người xung quanh.

Khi giảng dạy thiền cho thiếu niên, tôi nhận thấy khả năng thiền của các em vượt bậc vào khoảng 13 – 14 tuổi. Có nhiều em có thể nhập thiền rất sâu, tuy rằng các em không duy trì được trạng thái này lâu lắm. Tôi đã biết rất nhiều người trẻ dùng phương pháp thiền định để ổn định tinh thần và tìm về sự thảnh thơi an lạc giữa những thử thách của tuổi mới lớn.

Tuy nhiên, thiền quán hơi thở không chỉ ích lợi cho các em thiếu niên, mà nó còn là cuộc hành trình suốt đời. Đức Phật đã kết thúc bài giảng của mình bằng cách chỉ cho La Hầu La thấy giá trị của việc tập quán niệm hơi thở như thế nào đối với giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.

TUỆ GIÁC

Trong bài pháp thứ ba và cuối cùng, Đức Phật hướng dẫn La Hầu La trả lời một loạt những câu hỏi về tuệ giác giải thoát ( Trung Bộ kinh, 147 ). La Hầu La đã dâng trọn đời niên thiếu của mình cho con đường đạt đến giác ngộ; trong một đoạn kinh, Tôn giả được xem là một nhà tu gương mẫu và tinh chuyên. Khi La Hầu La tròn 20 tuổi, Đức Phật biết rằng La Hầu La đã gần đến bờ giải thoát, Ngài đã làm một việc hết sức cảm động: Ngài đi bộ cùng với La Hầu La vào sâu trong rừng. Ngồi dưới gốc một cây đại thụ già cỗi, Ngài đã hướng dẫn La Hầu La một cuộc pháp đàm rất kỹ về thuyết vô ngã. Đối với một người đã đạt đến trình độ tu tập cao như La Hầu La, thì những tư tưởng nằm sâu trong tiềm thức về cái ngã là chướng ngại cuối cùng của sự giải thoát. Ngồi nghe Đức Phật giảng, La Hầu La đã chứng đắc được tính vô ngã của vạn pháp, và đó chính là nấc thang cuối cùng giúp La Hầu La đạt đến sự giải thoát trọn vẹn.

Thuyết vô ngã của Đức Phật có thể rất khó hiểu. Người ta rất dễ ngộ nhận nó là một triết thuyết trừu tượng, mà không thấy được thực ra đó chính là những lời dạy rất thực tế về việc làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc bằng cách buông bỏ hết tất cả. Đối với tôi, việc Đức Phật dạy La Hầu La về thuyết vô ngã trong rừng sâu là cần thiết. Tôi thấy mình có cái nhìn khác khi ở giữa quang cảnh thiên nhiên so với khi ở giữa chốn phố thị. Tôi nhận thấy cảm giác an lạc và thảnh thơi mà thiên nhiên mang lại giúp mình dễ thoát ra được ý niệm về ngã hơn. Quán chiếu về sự buông xả trong khi đọc một cuốn sách về Phật pháp khi ngồi trong nhà rất là khác với khi mình ngồi dưới một gốc cây. Trong khi đọc bài pháp thứ ba này, tôi chiêm nghiệm được sự quan trọng của việc biết mình (tự tri) giữa khung cảnh thiên nhiên.

Ngày xưa, lúc La Hầu La 7 tuổi, đến xin cha được thừa hưởng gia tài, Tôn giả đã không hề tưởng tượng được là 13 năm sau đó đã được thừa hưởng một gia tài quý báu nhất mà một người làm cha mẹ có thể để lại cho con cái của mình. Trong Phật giáo, giác ngộ là hạnh phúc lớn lao nhất. Tôi ước mong cho con cái của tôi sẽ tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi và an lành trên con đường đi tới sự giải thoát. Và có lẽ, trên con đường trở thành người lớn, chúng cũng sẽ được dạy về đạo đức, thiền định và tuệ giác như La Hầu La vậy.