Monday, March 9, 2009

Long Thọ Bồ Tát Khai Thị Niệm Phật

HT Thích Thiền Tâm

Long Thọ Đại Sĩ, tiếng Phạn gọi là Nagarjuna, người dòng Phạm chí, ứng thế ở xứ Nam Thiên Trúc, sau Phật diệt độ bảy trăm năm. Tương truyền ngài sanh dưới cây A Châu Đà Na, cây này có năm trăm vị Long thần ở, lại nhờ Long Vương Bồ Tát mà thành đạo, nên lấy hiệu là Long Thọ.



Trong quyển Tam Bảo Cảm Ứng Lục có trích dẫn: "Theo kinh Kim Cang Chánh Trí, thì thời qúa khứ, ngài Mã Minh đã thành Phật, hiệu là Đại Quang Minh Như Lai. Ngài Long Thọ hiệu là Diệu Vân Tướng Như Lai. Lại theo kinh Đại Trang Nghiêm Tam Muội, ngài Mã Minh là vị cổ Phật hiệu Nhật Nguyệt Tinh Minh. Ngài Long Thọ là Diệu Vân Tự Tại Vương Phật". Truyện Phú Pháp Tạng cũng nói về ngài như sau: "Bản vị nguyên là Phật Diệu Vân, Ứng tích ở ngôi Hoan Hỷ Địa". Truyền ký về ngài có nhiều điểm thần kỳ, như việc mở thiết tháp ở Nam Thiên Trúc học về Mật giáo; được Đại Long Bồ Tát đem vào hải cung đọc kinh Hoa Nghiêm và các kinh điển Đại Thừa. Vì thế, ngài một thân mà kiêm làm Tổ sư của tám tông phái Phật Giáo.

Sau khi đắc pháp với Tôn Giả Ca Tỳ Ma La, làm vị Tổ thứ bốn bên Thiền tông. Long Thọ Đại Sĩ đi hoằng hóa các nơi mà có trứ thuật nhiều bộ luận. Trong luận Tỳ Bà Sa của ngài viết có đoạn khen ngợi về Tịnh Độ như sau:

Nếu người muốn thành Phật
Xưng niệm A Di Đà
Ứng thời vì hiện thân
Nên nay con quy mạng.

Do sức nguyện Phật kia
Mười phương chư Bồ Tát
Đến nghe pháp cúng dường
Nên con cúi đầu lễ.

Các Bồ Tát cõi ấy
Đầy đủ những tướng hảo.
Thân đẹp tự trang nghiêm
Nên con lạy quy y.

Chư Bồ Tát Cực lạc
Mỗi ngày trong ba thời
Cúng dường Phật mười phương
Nên con cúi đầy lạy.

Nếu người trồng căn lành
Nghi thì hoa không nở
Kẻ lòng tin thanh tịnh
Hoa nở được thấy Phật.

Hiện tại Phật mười phương
Dùng các thứ nhân duyên
Khen công đức Di Đà
Nên con quy mạng lễ.

Cõi Cực Lạc nghiêm đẹp
Mầu nhiệm hơn thiên cung
Công đức rất sâu dầy
Nên con lễ chân Phật.

Ngài lại tạo bộ luận Đại Trí Độ, trong đoạn khai thị về pháp môn Tịnh độ có dạy:" Niệm Phật tam muội có thể trừ các thứ phiền não và những tội đời trước. Các pháp tam muội khác, có môn trừ được nghiệp dâm, không thể trừ được nghiệp sân, có môn trừ được nghiệp sân, không thể trừ nghiệp dâm. Có môn trừ được ba độc, tham, sân, si, không thể trừ các tội đời trước. Môn Niệm Phật tam muội có thể trừ các thứ phiền não và các thứ tội chướng. Lại nữa, Niệm Phật tam muội có phước đức lớn, hay độ chúng sanh. Chư Bồ Tát muốn mau diệt tội chướng, được nhiều phước đức, sớm độ chúng sanh, không chi hơn tu môn Niệm Phật tam muội.

Hỏi: Bồ tát phải thường ở cõi trần lao để giáo hóa chúng sanh, sao lại nguyện sanh về Tịnh Độ?

Đáp: Nếu chưa vào Vô sanh nhẫn của Bồ Tát vị, chưa được thọ ký, chưa đến ngôi Bất Thối chuyển, mà xa lìa chư Phật, tất sẽ chìm trong biển phiền não, hư mất hết các căn lành! Như thế, đã không thể độ mình, làm sao độ chúng sanh được? Ví như, kẻ dùng chiếc thuyền không bền chắc để đưa người, khi gặp sóng to gió lớn, tất thuyền sẽ bị hư rã, mình và người đều chết đắm. Lại như người đem ấm nước sôi đổ vào ao băng tuyết, muốn cho ao băng tuyết tiêu tan, ban sơ chỉ tan được chút ít , kết cuộc chính nước sôi ấy sẽ trở thành băng tuyết. Bồ tát chưa vào Vô sanh pháp vị mà xa lìa chư Phật cũng lại như thế! Nếu Bồ Tát chưa đủ nhẫn lực, chưa đủ phương tiện, muốn dùng chút ít công đức để ra hóa độ chúng sanh, sự lợi ích tuy có đôi phần, nhưng trái lại chính mình sẽ bị đọa lạc.

Lại nữa, nếu bồ Tát mắt thường thấy sắc tướng của Phật, tại thường nghe âm thanh Phật nói, thì tâm sẽ được thanh tịnh, được pháp lạc, được trí huệ lớn, kế đó y theo lời dạy tu hành, tất sẽ mau giải thoát. Gặp Phật được vô lượng sự lợi ích như thế, tại sao không nhất tâm cầu về cõi Phật? Như trẻ thơ không nên rời mẹ, người đi xa không rời lương thực, lúc nóng bức không rời gió nước trong mát, tiết nghiêm hàn không rời sưởi ấm, sang sông không rời thuyền câu, đau bệnh không rời thuốc hay; Bồ Tát không rời chư Phật còn qúa hơn các việc như trên. Tại sao thế? Bởi dù là cha mẹ, hàng thân thuộc, bậc thiện tri thức, ngôi vua chúa, hay các đấng thiên vương cũng không thể làm lợi ích cho chúng sanh bằng Phật. Chư Phật có đủ năng lực đưa loài hữu tình lìa các cảnh khổ, lần lần tiến lên ngôi vị Thế Tôn....

Hỏi: Làm thế nào để thường được gần gũi chư Phật?

Đáp: Chúng sanh luân hồi từ vô thỉ kiếp, tạo vô lượng tội chướng nhân duyên. Cho nên, dù có tu phước đức, trí tuệ vẫn kém ít, dù có tu trí huệ, phước đức cũng không được bao nhiêu. Bồ tát khi cầu Phật đạo, cần phải thực hành sanh nhẫn và pháp nhẫn. Do thực hành sanh nhẫn, đối với tất cả chúng sanh phát tâm từ bi hỷ xả, nên diệt được tội chướng trong vô lượng kiếp, sanh vô lượng phước đức căn lành. Do thực hành pháp nhẫn, nên phá hết các vô minh về pháp chấp, sanh vô lượng trí tuệ. Nếu hai hạnh ấy được hòa hiệp, thì đời đời không xa rời chư Phật.

Lại một hạnh: Ví như chúng sanh tâm dục nặng; thì đọa làm thân dâm điểu; tâm sân nặng thì thọ sanh trong loài độc trùng. Nếu kẻ nào thường niệm Phật, ưa thích cõi Phật, không tham phước báu cõi nhân thiên, tất sẽ tùy tâm mến trọng của mình, quyết được sanh về Tịnh độ, thường gần gũi chư Phật...."

Về sau, ngài Long Thọ phú pháp cho Tôn Giả Ca Na Đề Bà, rồi nhập định như con ve bỏ xác mà hóa.

Trong kinh Lăng Già, về ngài Long Thọ, đức Phật đã có lời huyền ký với Đại Huệ Bồ Tát rằng:

Đại Huệ ông nên biết
Chứng sơ Hoan hỷ địa
Đời vị lai sẽ có
Sau khi ta nhập niết bàn
Tôn hiệu là Long Thọ
Tỳ kheo danh đức lớn
Duy trì pháp của ta
— nước Nam Thiên Trúc
Trong thế gian hiển ngã
Phá các tông Hữu, Vô.

Như thế, ngài Long Thọ ứng tích là bậc Sơ Địa Bồ Tát Bi Trí rộng sâu, một thân làm Tổ Sư của tám tông, mà vẫn phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ.


Thursday, March 5, 2009

Năm học giới

Viết dựa theo tập sách "Tam Quy, Ngũ Giới"
của Bác Phạm Kim Khánh.

Nền tảng của giáo lý Phật Pháp là Giới. Trì Giới là nghiêm chỉnh tự khép mình vào khuôn khổ kỷ cương. Phạn ngữ Sīla, hay Giới, là tác phong đạo đức và luân lý biểu hiện qua hành động và lời nói. Giới được xem là những quy luật tu học, những hướng dẫn giúp ta thanh lọc tâm ý. Trong Phật giáo, Giới không phải là những điều răn cấm do một đấng thiêng liêng tối cao nào đó đặt ra. Ðức Phật không bao giờ ra lệnh, bắt buộc hàng đệ tử phải làm điều này, hay ngăn cấm không cho làm điều kia. Thay vì răn cấm, Ðức Phật giảng dạy định luật "nhân quả" và khuyên bảo chúng sinh nên sống hòa hợp với lý "nghiệp báo". Ngài đặt ra những nguyên tắc giúp chúng sinh nương theo đó để trau giồi đạo hạnh và tiến hóa. Người Phật tử không bị ép buộc phải tuân hành những điều "răn cấm", mà trái lại, hoàn toàn có tự do chọn lựa con đường của mình. Ngài dạy rằng chư Phật chỉ là những vị đạo sư đã tìm ra con đường đưa đến giải thoát, đã thành công thực hiện con đường đó, và có lòng từ bi chỉ dẫn cho những ai sẵn sàng bước theo dấu chân của các Ngài.

Trong Bát Chánh Đạo - con đường giải thoát gồm tám yếu tố chân chánh, Giới có liên quan đến những lời không nên nói, những việc không nên làm và những nghề không nên theo đuổi (Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng). Còn năm yếu tố kia được xếp vào nhóm Định (Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Định) và nhóm Tuệ (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy). Người cư sĩ tại gia hành trì năm giới căn bản là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, và không dùng chất say. Đức Phật dạy:

"Ai mà có thói sát sinh,
Nói năng gian dối, tánh tình tà dâm,
Say sưa, trộm cắp, hư thân,
Sống đời như thế trầm luân vô vàn.
Xem như ngay cõi nhân gian,
Tự đào bỏ mất thiện căn của mình".
(Pháp Cú, 246-247)

"Tự đào bỏ mất thiện căn của mình" có nghĩa là bám chặt, dính mắc vào kiếp sống sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi thế gian đầy đau khổ này. Ðức Phật dạy chúng ta nên cố tránh những hành động tạo nghiệp bất thiện kể trên, để làm cho tâm được trong sạch, phát triển trí tuệ để thoát ra khỏi vòng luân hồi.

*

Người Phật tử thuần thành thường xuyên tụng niệm câu kinh thọ trì năm giới - bằng tiếng Pāli và tiếng Việt - để tự nhắc mình những quy tắc tu tập, và quyết tâm điều hướng cuộc sống vào khuôn khổ của giới hạnh. Năm câu tụng Pāli có cùng chung cụm từ "veramaṇī sikkhāpadaṁ samādiyāmi" nghĩa là "tôi nguyện tuân giữ điều học là tránh không làm ...", và được tóm lược như sau:

1. Pāṇātipātā veramaṇī sikkhāpadaṁ samā diyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sinh.

Không sát sinh là không cố ý cắt đứt, ngăn chặn, tiêu diệt, hay làm trở ngại sức tiến triển của luồng sống hay năng lực đời sống, không cho nó liên tục trôi chảy. Không sát sinh cũng hàm ý là không làm tổn thương sự sống của bất luận sinh vật nào, cũng không sai khiến, xúi giục, dụ dỗ người khác làm những điều này. Trong hình thức thô sơ nhất, hành động sát sinh gồm đủ năm yếu tố: có một sinh vật đang sống, có sự hiểu biết rằng con vật ấy đang sống, cố ý cắt đứt sự sống của sinh vật ấy, chú tâm cố gắng làm cho con vật chết, và chính hành động giết hại.

Ðức Phật dạy:

"Sợ thay gậy gộc, gươm đao,
Yêu thương mầm sống, khát khao cuộc đời.
Suy lòng mình ra lòng người,
Chớ nên giết hại hoặc xui giết người."
(Pháp Cú, 130)

Khi bình giảng về hạnh Trì Giới Ba-la-mật (Sīla Parami) trong quyển "Đức Phật và Phật Pháp", Hòa thượng Nārada viết:

"Mọi người đều quý trọng đời sống của mình. Không ai có quyền cướp sự sống của kẻ khác. Bồ-tát rải tâm Từ đến tất cả chúng sinh, cho đến những con vật bé nhỏ đang bò dưới chân, và không khi nào sát hại hoặc làm tổn thương một sinh vật nào.

"Con người vốn sẵn có một thú tính xúi giục giết hại những chúng sinh khác để ăn thịt mà không chút xót thương. Cũng có khi người ta sát sinh để giải trí, như săn bắn hay đi câu. Dù để nuôi sống thân mạng hay để tìm thú vui, không có lý do nào chánh đáng để giết một sinh linh hoặc làm cách nào khác cho một sinh linh bị giết. Có những phương pháp tàn nhẫn, ghê tởm, cũng có những phương pháp mà người ta gọi là "nhân đạo" để sát sinh. Nhưng làm đau khổ một chúng sinh khác là thiếu lòng từ ái. Giết một con thú đã là hành động bất chánh, nói chi đến giết một người, mặc dù nhiều lý do đã được viện ra gọi là chánh đáng, có khi gọi là cao quý, để con người tàn sát con người."

2. Adinnādānā veramaṇī sikkhāpadaṁ samā diyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.

Không trộm cắp, tức không cố ý lấy, hoặc nhờ người khác lấy vật có chủ mà không được cho đến mình. Ðức Phật dạy: "Người ấy cố tránh lấy vật gì không được cho đến mình, những gì - dù ở giữa rừng hoang hay trong xóm làng - thuộc quyền sở hữu của người khác, người ấy không nên lấy với dụng ý đem về làm của riêng." (Tăng Chi, X. 176)

"Lấy một vật gì không được cho đến mình" ở đây có thể bao gồm nhiều hình thức như: trộm cắp, lén lút lấy của người; công khai lấy của người bằng vũ lực hoặc bằng cách hăm dọa; gian lận, giả dối tráo trở, lường gạt, v.v... Tất cả những hình thức trên đều là trộm cắp. Loại tâm nằm phía sau hành động trộm cắp, tức là tác ý thúc đẩy, đưa mình đến hành động phạm giới thường là tâm tham, nhưng cũng có thể là tâm sân, và trong mọi trường hợp, đều có tâm si.

Người thanh tịnh trì giới lánh xa mọi hình thức trộm cắp, dù là trộm cắp hiển nhiên, lộ liễu, hay trộm cắp vi tế, kín đáo, ẩn núp dưới một hình thức nào khác. Người ấy luôn luôn cố gắng phát triển những đức tính thanh bạch, liêm khiết, chân thật và chánh trực. Chẳng những không lấy của người mà còn cố gắng mở rộng tâm quảng đại bố thí, đem của mình ra hiến tặng cho người khác.

3. Kāmesu micchācārā veramaṇī sikhāpadaṁ samādiyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự tà dâm.

Không tà dâm là gìn giữ đời sống gia đình trong sạch, không lang chạ phóng túng. Ðức Phật dạy: "Người giới đức trong sạch cố tránh tà hạnh và cố gắng tự chế. Người ấy không lăng loàn lang chạ với người còn sống dưới sự bảo bọc của cha, mẹ, anh, chị, hay họ hàng, với người đã có chồng hay vợ, với người đã hứa hôn, hoặc với người mà xã hội không cho phép." (Tăng Chi, X. 176)

Về phương diện luân lý, giới này nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, không để cho người ngoài xâm phạm vào tình trạng an lạc trong nhà, tạo niềm tín cẩn lẫn nhau, và gia tăng tình nghĩa vợ chồng. Về mặt đạo đức, giới này giúp làm giảm thiểu năng lực tự nhiên có chiều hướng lan rộng của dục vọng và mặt khác, tăng trưởng đức hạnh từ khước và tự chế của lối sống thanh cao.

4. Musāvādā veramaṇī sikkhāpadaṁ samā diyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự vọng ngữ.

Không vọng ngữ, tức không nói lời giả dối sai quấy, không tạo khẩu nghiệp bất thiện, luôn luôn có lời nói chân chánh và đồng thời trau giồi khẩu nghiệp thiện.

Thông thường chúng ta có khuynh hướng xem nhẹ khẩu nghiệp, vì hậu quả của lời nói thường không biểu hiện mạnh mẽ tức khắc như thân nghiệp. Nhưng nếu chịu khó bình tâm suy tư, chúng ta nhận thức được rằng lời nói có tầm ảnh hưởng rất quan trọng và khả năng tạo hậu quả vô cùng to tát, trong việc thiện cũng như trong điều bất thiện. Lời nói có thể khơi dậy lòng căm thù, tiêu diệt đời sống, gây chiến tranh, mà cũng có khả năng mở mang trí tuệ, hàn gắn chia rẽ và đem lại thanh bình an lạc.

Từ ngàn xưa, lời nói vẫn được xem như lưỡi dao bén cả hai bề mà người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Ngày nay, với sự tiến bộ của những phương tiện truyền thông, hậu quả của lời nói - tốt cũng như xấu - trổ sinh càng nhanh chóng và sâu xa không thể lường. Nếu con người có thể kiểm soát được cái lưỡi không xương của mình thì nhân loại chẳng những tránh được bao nhiêu phiền phức rối ren đau khổ, mà đời sống trên thế gian này cũng được tốt đẹp, thoải mái dễ chịu, đáng sống.

Có bốn loại khẩu nghiệp bất thiện là nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn, và nói nhảm nhí. Như vậy, không vọng ngữ là không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời thô lỗ và không nói lời nhảm nhí vô ích.

a) Không nói dối, mà luôn luôn nói lời chân thật. Ðức Phật dạy: "Ở đây, người trì giới không nói lời giả dối. Người ấy nói lời chân thật, tận tâm sống chân thật, chắc chắn, đáng được tín cẩn, không làm cho người khác hiểu sai sự thật. Giữa buổi họp hay giữa đám đông, trong giới thân bằng quyến thuộc hay ngoài xã hội, hoặc trước triều đình khi được gọi làm nhân chứng cho một việc gì, người ấy sẽ nói "tôi không biết" nếu thật sự không biết; và nếu biết, người ấy nói "tôi biết". Người ấy nói "tôi không thấy gì" nếu thật sự không thấy, và nói "tôi thấy", nếu thật sự thấy. Như vậy người ấy không bao giờ nói lời giả dối vì lợi ích cho mình, vì lợi ích cho một người thân, hoặc vì bất cứ lợi ích nào". (Tăng Chi, X.176)

b) Không nói đâm thọc, mà luôn luôn nói lời hòa thuận. Ðức Phật dạy: "Người trì giới này không dùng lời lẽ có tính cách đâm thọc. Ðiều gì nghe ở đây, người ấy không lặp lại nơi khác nhằm tạo chia rẽ. Ðiều gì nghe ở nơi khác, người ấy không lặp lại ở đây nhằm tạo chia rẽ. Người ấy có tinh thần đoàn kết những ai chia rẽ, và khuyến khích những ai đoàn kết. Không khí thuận hòa là niềm vui của người ấy. Người ấy hoan hỷ thỏa thích và phấn khởi trong sự hòa hợp và, bằng lời nói, cố gắng gieo trồng mầm mống thuận hòa". (Tăng Chi, X.176)

c) Không nói thô lỗ cộc cằn, mà luôn luôn nói lời thanh tao nhã nhặn. Ðức Phật dạy: "Người trì giới này không nói những lời thô lỗ cộc cằn. Người ấy chỉ thốt ra những lời dịu hiền, thanh nhã, dễ mến, những lời thành thật và lễ độ, thân hữu và làm vui lòng nhiều người." (Tăng Chi, X.176)

Và:

"Đừng nên mở miệng nói câu,
Cộc cằn, ác độc khiến đau lòng người,
Người ta cũng nói trả thôi,
Những lời độc địa muôn đời khổ thay!
Lời qua tiếng lại đắng cay,
Như bao dao gậy phạt ngay thân mình."
(Pháp Cú, 133)

d) Không nói nhảm nhí, mà chỉ nói những lời hữu ích. Ðức Phật dạy: "Người trì giới này không nói lời nhảm nhí vô ích. Người ấy nói đúng lúc, đúng như sự việc xảy ra, nói những lời hữu ích, nói về Giáo pháp và Giới Luật. Lời nói của người ấy là một kho tàng, thốt ra đúng lúc, hữu lý, hòa nhã, và đầy ý nghĩa." (Tăng Chi, X.176)

Lời nói nhảm ắt vô ý nghĩa, nông cạn, và không dẫn đến lợi ích nào. Những lời lẽ như thế ấy chỉ khơi động vọng tâm, Ðức Phật khuyên nên hạn chế những ngôn từ thuộc loại này. Lời nói phải là cẩn ngôn, phải được chọn lọc, và chỉ nói những lời thích hợp với Giáo pháp. Ngài dạy: "Này chư Tỳ khưu, khi quý vị tụ họp đông đảo thì chỉ có hai việc nên làm: hoặc thảo luận về Giáo pháp, hoặc giữ sự im lặng cao thượng." (Trung Bộ, 26)

Người nghiêm túc trì giới không vọng ngữ là người không nói lời nhảm nhí vô ích. Không phải nói nhiều mà chứng tỏ rằng mình học rộng biết xa. Cũng không phải nói nhiều mà tạo nhiều lợi ích cho mình hoặc cho người khác. Ngài dạy:

"Dù ngàn lời nói với nhau,
Nếu đều vô nghĩa, ích đâu cho đời!
Chẳng bằng chỉ nói một lời,
Đầy đủ nghĩa lý, mọi người mừng thay!
Nghe xong, tâm tịnh lạc ngay."

(Pháp Cú, 100)

5. Surāmerayāmajjapamādaṭṭhāna veramaṇī sikkhāpadaṁ samādiyāmi - Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dể duôi uống rượu và các chất say.

"Không dùng chất say" là không uống rượu và không dùng bất luận chất say nào, như ma túy chẳng hạn, có thể làm cho trí não lu mờ, mất sáng suốt. Mặc dù uống chút rượu không đến đỗi là một tệ hại trọng đại, nhưng trong đa số các trường hợp, người uống rượu không biết đến lúc nào phải ngừng, và khi đã quá chén rồi thì mất lý trí, không còn kiểm soát được lời nói và hành động của họ. Từ đó, người say sưa có thể phạm bất cứ giới nào khác mà bình thường họ vẫn cố gắng gìn giữ.

*

Trên đây là năm giới căn bản mà mỗi người Phật tử tự nguyện nghiêm trì. Người giữ gìn trong sạch năm giới này là một phước lành cho những ai sống quanh người ấy, mà cũng tạo thiện nghiệp cho chính mình. Người ấy sẽ tái sinh vào những cảnh giới nhàn lạc và thọ hưởng quả lành.

Tuy nhiên, đó chưa phải là mục tiêu cứu cánh của người tu Phật, vì vẫn chưa thoát ra khỏi những kiếp sống trong vòng luân hồi, mà chỉ thọ hưởng những phần thưởng thu nhặt trên con đường hành trì đưa đến Niết Bàn. Giới chỉ là phương tiện để thành đạt mục tiêu. Mục tiêu tối hậu là Giải Thoát. Toàn thể giáo huấn mà Ðức Thế Tôn truyền dạy đều chỉ nhằm vào mục tiêu Giải Thoát. Trong bài kinh Uposatha, Phật Tự Thuyết V.51, Ðức Phật tuyên bố: "Cũng như các biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, Giáo pháp của Ta chỉ có một vị là vị Giải Thoát".

Dù là bài kinh dài hay ngắn, dù là những lời dạy cho hàng sơ cơ hay những giáo huấn cao thâm, tất cả đều nhằm vào mục tiêu duy nhất là giải thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau của kiếp sống vô thường và vô ngã. Tuy nhiên, không thể có sự bỗng nhiên giải thoát, hay giải thoát từng đoàn từng nhóm, mà chỉ có công phu chuyên cần tu tập của từng cá nhân, và do công phu tu tập cá nhân ấy, mỗi người đần dần tiến đến sự giải thoát cho riêng mình. Ðức Thế Tôn dạy tiếp:

"Cũng như các biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm; Giáo pháp và Giới Luật này có các công phu tu tập tuần tự đưa đến các tiến triển tuần tự, các quả dị thục tuần tự, không có sự bỗng nhiên giác ngộ".

Năm giới căn bản là nền tảng của Giáo pháp. Dựa trên căn bản vững chắc đó, người Phật tử thuần thành nỗ lực và kiên trì tuần tự tu tiến.

*

Nghiêm túc trì giới còn có nghĩa là bố thí vô úy - bố thí sự an toàn, tình trạng không lo sợ đến cho người khác. Không ai thích sống chung với những người ăn nói giả dối, thô lỗ cộc cằn, với hạng người sát sinh, trộm cắp, lăng loàn, say sưa hư hỏng. Gần họ, ta không cảm thấy an toàn, phải luôn luôn lo sợ, lúc nào cũng phải đề phòng. Trái lại, ta thích ở gần những người có giới đức, vì những người này không làm cho mình lo âu, sợ sệt. Người giữ giới trong sạch mang đến trạng thái an toàn cho những ai sống quanh mình. Người giữ tròn đủ năm học giới là người "đem sự không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem sự không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem sự không hại cho vô lượng chúng sanh", và đó là "nguồn nước công đức, nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhân sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc." (Tăng Chi, VIII.39)

Có sách giải thích từ sīla - giới là đồng nghĩa với samadhāna - hòa điệu, điều hòa, nhịp nhàng hòa hợp. Ðây là lối sống hòa điệu với chính mình và với người khác. Người giữ giới là người không bao giờ làm tổn thương sự sống của bất luận chúng sinh nào mà luôn luôn nâng đỡ, giúp cho luồng sống của mọi chúng sinh trôi chảy dễ dàng. Người ấy không trộm cắp mà luôn luôn mở rộng tâm quảng đại bố thí. Người ấy không lang chạ phóng túng mà luôn luôn có đời sống gia đình trong sạch. Người ấy luôn luôn chân thật, luôn luôn thanh nhã, luôn luôn có lời nói hữu ích và đem lại tinh thần hòa hợp. Người ấy không bao giờ say sưa mà lúc nào cũng bình tỉnh sáng suốt. Người như thế chắc chắn tạo được một cuộc sống hiền hòa trong gia đình, đem lại sự hòa hợp trong giao tiếp giữa người với người trong một xã hội mà quyền lợi cá nhân có nhiều khác biệt, đôi khi còn đối nghịch. Về phương diện tâm lý, người nghiêm trì giới luật tránh cho mình những xung đột tâm trí do tội lỗi gây nên - những nỗi khổ não khi bị lương tâm cắn rứt - và nhờ đó, tâm trí được thăng bằng, an lạc.

Tóm lại, người Phật tử nghiêm trì giới luật qua hai mặt: thụ động và chủ động. Về mặt thụ động, trì giới là không tạo nghiệp ác qua lời nói lẫn hành động, và ngăn chặn các tư tưởng uế trược tội lỗi trong tâm ý. Về mặt chủ động, trì giới là tạo thêm nghiệp thiện, phát triển tâm ý tốt lành, nhằm tạo điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi, hỗ trợ ta trên con đường đưa đến giác ngộ giải thoát.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | Mục lục

AI CŨNG PHẢI HỌC LÀM NGƯỜI

Liên Hải dịch

Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học, liền học Thạc sĩ, rồi lại học Tiến sĩ. Sau nhiều năm, cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đồ đệ này trở về, thưa với ngài Tinh Vân: “Bạch Sư Phụ nay con đã có học vị Tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa?” Ngài Tinh Vân bảo: “Học làm người”, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.

Ngài Tinh Vân cho rằng, bất luận là sĩ nông công thương, người ở tầng lớp nào có học tập là có tiến bộ, nay cùng chia sẻ với mọi người về những điều cần phải học.

Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn. Đối tượng mà mình nhận lỗi có thể là cha mẹ, bạn bè, mọi người trong xã hội, thậm chí nhận lỗi với con cái hay là người không tốt đối với mình, nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ lượng của bản thân. Học nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu tập lớn.

Thứ hai “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta lại mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại dài lâu được, chứ cứng làm chi cho chịu thiệt thòi. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập. Người ta thường hình dung những người cố chấp, thì tấm lòng của họ, tính cách của họ rất lạnh, rất cứng y như một miếng sắt vậy. Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở, điều hòa thân tâm, dần dần điều phục tâm như ngựa hoang, như vượn chuyền cành này khiến cho nó nhu hòa mềm mại, thì cuộc sống mới vui tươi hơn, mới lâu dài được.

Thứ ba “học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một bước thì biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. Các vị muốn sống, muốn sinh tồn, muốn sinh mạng này thì cần phải biết nhẫn, có thể hiểu rõ những đúng sai, thiện ác, tốt xấu của thế gian, thậm chí chấp nhận nó.

Thứ tư “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu lẫn nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc va li, lúc cần dùng thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới có thể tự tại được.

Thứ sáu “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm bồ tát, tâm bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

Thứ bảy “học sinh tồn”. Để sinh tồn chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu để với người thân.

Chúc bạn bè thân hữu cùng cố gắng!

Liên Hải dịch

Truyện ngắn: Vết Thương

Một cậu bé có tính xấu rất hay nổi nóng. Một hôm người cha đưa một túi đinh và nói với cậu bé rằng mỗi khi con nổi nóng thì hãy chạy ra đằng sau nhà đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ.

Ngày đầu tiên cậu bé đã đóng rất nhiều đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số đinh đóng lên hàng rào mỗi ngày một ít đi. Rồi cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình thì dễ hơn là phải đóng cây đinh lên hàng rào. Một ngày kia, cậu đă không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu nói với cha và ông bảo cậu hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào nếu một ngày cậu không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần.

Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé tìm cha mình báo rằng không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu đã cùng cậu đứng bên hàng rào và ông nói với cậu rằng: “Con đã làm rất tốt. Nhưng hãy nhìn nhĩmg lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết thương trong lòng người khác. Dù sau đó con có nói bao nhiêu lần xin lỗi đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như vết thương thể xác vậy…”.

Lời cha dạy thật là thâm thúy, cậu bé chừng như đã hiểu ra được tai hại của cơn giận. Từ đó về sau cậu bé trở nên hiền lành dễ thương khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên về sự thay đổi tâm tính của cậu.

(Kể theo “Học làm người”)

phatphap.wordpress.com & phatphapnhiemmau.com