Friday, July 3, 2009

Yếu chỉ pháp trì danh niệm Phật và Kệ gia hạnh tu trì

Khi hạ thủ công phu ở nơi một câu hồng danh của Phật “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” hay là “A DI ĐÀ PHẬT” niệm cho được vừa chừng không quá mau (không gấp), không quá chậm (không hườn) là niệm cho đều đặn. Kế đó là mình phải giử làm sao cho cái tiếng niệm Phật cùng với cái tâm của mình phải hiệp khắn nhau. Nghĩa là cái tâm phải duyên theo tiếng, cái tiếng phải nằm ở trong tâm, không để cho nó xao lãng theo một tiếng gì khác

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Tin sâu - Nguyện thiết - Hạnh Chuyên

***

Nam Mô A Di Đà Phật!
Không gấp cũng không hườn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ

Nhiếp tâm là định học
Nhận rõ chính huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp trì danh
Nhất tâm phật hiện tiền
Tam muội sự thành tựu
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý pháp thân hiện
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng phẩm
----------o0o----------

KỆ NIỆM PHẬT

(Hạ thủ công phu)
MỘT CÂU A DI ĐÀ PHẬT
KHÔNG GẤP CŨNG KHÔNG HƯỜN
TÂM TIẾNG HIỆP KHẮN NHAU
THƯỜNG NIỆM CHO RÀNH RÕ

Khi hạ thủ công phu ở nơi một câu hồng danh của Phật “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” hay là “A DI ĐÀ PHẬT” niệm cho được vừa chừng không quá mau (không gấp), không quá chậm (không hườn) là niệm cho đều đặn. Kế đó là mình phải giử làm sao cho cái tiếng niệm Phật cùng với cái tâm của mình phải hiệp khắn nhau. Nghĩa là cái tâm phải duyên theo tiếng, cái tiếng phải nằm ở trong tâm, không để cho nó xao lãng theo một tiếng gì khác, hể nó thoạt mà rời đi thì mình phải nhiếp kéo nó trở lại liền đặng cho nó trụ nơi cái tiếng, như vậy gọi là “TÂM TIẾNG HIỆP KHẮN NHAU” nghĩa là cái tâm và cái tiếng không khi nào rời nhau, mà tâm và tiếng không khi nào rời nhau đó mới gọi là thiết thiệt niệm Phật, chớ nếu trong lúc mình niệm Phật mà mình lại tưởng niệm những việc khác đó là mình niệm việc khác, nhớ việc khác, chớ đâu phải là thiệt niệm Phật. Nếu là thiệt niệm Phật thì trong tâm mình chỉ nhớ và tưởng Phật mà thôi. Bây giờ mình niệm Phật , danh hiệu Phật, tất nhiên là mình nhớ và tưởng lấy ở nơi cái tiếng niệm Phật, cái hiệu của Phật, như vậy mới gọi là thiết thiệt niệm Phật. Thành ra mình làm cái gì cũng phải cho thiết thiệt trúng cái đó, chớ nếu sai đi, tất nhiên khó có thể thành công được, do đó mới có câu “TÂM TIẾNG HIỆP KHẮN NHAU.” Nên nhớ kỹ lắm mới được, khi niệm Phật phải nhớ câu đó và phải làm cho đúng theo mới có lợi lạc. Nếu được tâm tiếng hiệp khắn nhau như vậy mới gọi là niệm đúng cách và thiết thiệt.

Giờ đây phải “THƯỜNG NIỆM CHO RÀNH RÕ.” Tâm tiếng hiệp khắn nhau rồi, nhưng phải để ý cho nó rành, rành là rành rẽ, tức là từ tiếng, từ câu không có lộn lạo, còn rõ là rõ rành, hể Nam là rõ tiếng Nam, Mô là rõ tiếng Mô, A là rõ tiếng A cho đến Phật thì Phật cái tiếng không trại đi, phải cho thật rõ, vì điều này rất cần lắm, chớ nếu mình niệm mà không nhận cho rành rẽ và rõ ràng, niệm một cách bơ thờ, về sau khi công phu được thuần thục, mà khi thuần rồi, cái niệm trong tâm nó tự nổi lên cũng không rành rỏ, nó hơi trại đi, chớ nếu lúc nào mình cũng giữ cho rành rõ, thì khi thuần thục trong tâm mình nó cũng nổi lên cái tiếng niệm Phật rõ lắm, điều nầy rất quan trọng, nên nhớ chữ “THƯỜNG” nếu muốn được cái tâm mà về sau, nó tự niệm lấy nó, không cần mình phải ép buộc nó mới niệm--phải thường—nghĩa là luôn luôn mình phải niệm cho thật nhiều giờ và thời gian cho được tương tục gọi là thường, chớ nếu trong một ngày, một đêm mà mình chỉ có niệm một hai tiếng đồng hồ thôi, còn 22 tiếng kia mình lại nghĩ việc tào tạp thì biết bao giờ tâm mình mới thuần thục được. Mình phải tập cho nó niệm luôn luôn lâu ngày thành thói quen--tập quán—nhưng bây giờ mình bận đủ các công việc đâu phải như các vị rãnh rang (cấm túc), kiết thất hay là tịnh niệm, tịnh khẩu chẳng hạn, vậy mình phải làm sao đây? Tất nhiên trong lúc đi đứng nằm ngồi và lúc rãnh cũng bắt cái tâm mình nó niệm Phật, trừ khi nào tâm mình bắt buộc phải chú trọng đến những công việc gì khác, xong rồi, phải nhớ niệm Phật lại. Như lúc mình mặc áo mình cũng vẫn niệm Phật được, đi ngoài đường cũng vẫn niệm Phật được, bởi vì lúc đó cái tâm có thể rảnh để Niệm Phật, như vậy lúc mình ngồi ăn cơm cũng niệm Phật được, hoặc lúc mình nằm nghĩ, chứ không phải chỉ niệm phật lúc mình ở trước bàn thờ Phật, có chuông, có mỏ, quỳ nơi đó, nếu chỉ có như vậy thì khó thuần thục, khó thành thói quen. Về công hạnh niệm Phật điều đó cần phải nhớ lắm mới được.

NHIẾP TÂM LÀ ĐỊNH HỌC
NHẬN RÕ CHÍNH HUỆ HỌC
CHÁNH NIỆM TRỪ VỌNG HOẶC
GIỚI THỂ ĐỒNG THỜI ĐỦ

Trong một câu niệm Phật, mình gồm cả ba môn “Vô lậu học” mà các đệ tử của Phật cần phải thật hành là “GIỚI, ĐỊNH, HUỆ.” Như vậy trong câu niệm Phật mà đang thật hành đó nó tương ứng với: GIỚI, ĐỊNH, HUỆ là như thế nào? Đáng lẽ thì bài kệ phải nói là GIỚI trước rồi mới đến ĐỊNH và HUỆ, nhưng vì rằng phải theo việc trình bày, thành ra phải để GIỚI về sau. Trước hết là mình nhiếp tâm niệm Phật, không nghĩ việc gì khác, tâm mình trụ nơi câu niệm Phật thôi, thì đó mình học về môn ĐỊNH. Đây nói là mình học về môn ĐỊNH chớ không phải là mình được ĐỊNH, nhưng mình đã học môn định thì tương ứng với ĐỊNH thì một ngày kia mình sẻ được ĐỊNH. Đó là môn “Vô lậu học” thứ nhất, gọi là “ĐỊNH HỌC.” Kế đó, trong lúc mình niệm Phật thì tâm và tiếng hiệp khắn với nhau, mình lại nhận rõ ràng và rành rẽ tất nhiên trong lúc đó cái tâm mình nó sáng, nó có sáng mới nhận được rành rẽ và rõ ràng, chớ nếu nó không sáng thì làm sao nhận được rành rõ. Cái sáng đó nó tương ứng với HUỆ, đây là môn “Vô lâu học”, thứ hai gọi rằng “HUỆ HỌC”. Và trong lúc mình niệm Phật thì không có những vọng tưởng, đó là chánh niệm. Đã chánh niệm, không vọng tưởng tất nhiên không có những sự lỗi lầm và tương ứng với GIỚI, đây là môn “Vô lậu học” thứ ba gọi rằng môn học về GIỚI. Đó là từ dưới đi lên trên, hay là bắt từ trên trở xuống dưới thì nhiếp tâm thuộc về ĐỊNH HỌC, tâm mình nhận rành rẽ và rõ ràng đối với câu niệm Phật là tâm sáng, tương ứng với HUỆ HỌC và vọng niệm không khởi, chánh niệm hiện tiền không có sự lỗi lầm trong lúc niệm Phật tất là tương ứng với GIỚI. Như vậy trong lúc mình thực hành một câu niệm Phật đủ cả ba môn Vô lậu học (GIỚI, ĐỊNH, HUỆ), mà đã tương ứng với Giới, Định, Huệ rồi một ngày kia khi mà câu niệm Phật được thuần, tất nhiên là mình thành tựu được một lượt cả ba môn Vô Lậu Học, và mình thấy trong hiền đời đã có sự lợi ích rất lớn là mình được cái sư điều nhiếp thân tâm đi vào nới pháp lành, tương ứng với ba môn Vô Lậu Học là ba điều mà đức Phật dạy: Hễ đệ tử Phật, dầu xuất gia hay tại gia đều phải tu và trong tương lai, tất nhiên là nhờ ở nơi tịnh nghiệp mình tu hành đó, sẽ được vãng sanh về Cực Lạc Thế Giới, bảo đảm sự giải thoát thẳng đến thành Phật không thối chuyển. Như vậy, pháp môn “NIỆM PHẬT” nếu mình suy nghĩ kỹ lợi ích biết chừng nao, cần phải noi theo và thực hành cho đúng và phải cố gắng khuyên những người có duyên với mình đều phải TIN, phải NGUYỆN và THỰC HÀNH như mình để cho mình cùng tất cả mọi người đều được lợi ích nơi pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc Thế Giới của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy và đúng theo bản hoài của Ngài là muốn cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật.

TÓM LẠI: Mấy câu kệ trên nói về nơi hạ thủ công phu ở một câu hồng danh của Phật “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” hay là “A DI ĐÀ PHẬT” niệm cho vừa chừng, không quá mau gọi là không gấp, không quá chậm gọi là không hườn, và nơi đó phải nhiếp tâm theo cái tiếng niệm Phật, tâm với tiếng đi đôi với nhau gọi là tâm tiếng hiệp khắn với nhau. Phải niệm cho được nhiều giờ trong ngày đêm. Khi niệm cái tiếng phải cho rõ ràng, nhận cho rành rỏ, nên gọi rằng thường niệm cho rành rõ, kế đó mới hiệp câu niệm Phật của mình cho tương ứng với ba môn “Vô Lậu Học” Giới, Định và Huệ. Khi mình niệm thì nhiếp tâm, không cho tán tâm, trụ nơi cái tiếng niệm Phật, như vậy gọi rằng tâm duyên nơi một cảnh, nghĩa là cái tâm ở một cảnh hồng danh của đức Phật, đó tất nhiên học về môn Định và khi niệm đó thì cái trí rất sáng, nhận cái tiếng niệm Phật rõ ràng, từng câu rành rẻ. Cái trí sáng đó tất nhiên đã tương ứng với môn Huệ Học thì lần lần TRÍ HUỆ PHÁT.

Trong khi mình niệm Phật thì nhiếp tâm nơi chánh niệm, vọng niệm không xen vô, mà vọng niệm không có thì tất nhiên những lỗi lầm không có, vì bao nhiêu những tội nghiệp lỗi lầm đều ở nơi vọng tâm phân biệt mà ra. Nay vọng tâm không có, trụ tâm ở chánh niệm, thì như vậy những lỗi lầm không có, mà giới là chi? Tức nhiên là để ngăn, không cho ở nơi thân khẩu ý tạo tội lỗi. Giờ đây thân khẩu ý trụ nơi câu niệm Phật là chánh niệm không có những tội lỗi, thì đó là tương ứng với Giới. Như vậy, trong một câu niệm Phật, lúc mình chuyên tâm đúng cách thì đầy đủ cả Giới Học, Định Học và Huệ Học. Khi Giới, Định và Huệ mà phát ra thành tựu, cái đó là chứng quả thánh. Giờ đây mới tiếp tục để tiến lần thêm ở nơi cái phần niệm Phật cho nó được nơi Sự Tam Muội hay Lý Tam Muội, tức là chánh định niệm Phật về SỰ và chánh định niệm Phật về LÝ. Theo đúng như trong kinh nói: Người niệm Phật mà được ở nơi cái Sư Tam Muội, chánh định về sự thì khi lâm chung, chắc chắn vãng sanh. Vãng sanh rồi tất nhiên không mất nơi cái phần Trung Phẩm, mà nếu được gồm lý niệm Phật nữa thì khi vãng sanh không mất phần Thượng phẩm. Thượng Phẩm tức là BẬT ĐẠI BỒ TÁT, Trung Phẩm tức là ngang hàng Thánh của Nhị Thừa, thành ra không phải bực thường được. Đây theo nơi bài kệ để tuần tự giảng giải quí đạo hữu nên nghe kỹ và cố gắng để mình đi được bước nào thì được bước nấy.

NIỆM LỰC ĐƯỢC TƯƠNG TỤC
ĐÚNG NGHĨA CHẤP TRÌ DANH
NHẤT TÂM PHẬT HIỆN TIỀN
TAM MUỘI SỰ THÀNH TỰU

Khi niệm Phật nhiếp tâm đúng cách như vậy rồi, niệm mỗi ngày mỗi đêm, niệm được nhiều giờ, nhiều thời gian gọi rằng thường niệm, đã thường niệm rồi trải qua một thời gian tức nhiền cái tâm được thuần thục. Khi tâm được thuần thục rồi thì nó có cái trớn niệm Phật nơi tâm. Lúc đó thì không cần phải tác ý, không cần phải dụng công, nhưng nơi tâm vẫn cứ tiếp tục nổi lên tiếng niệm Phật. Nhớ kỹ là cái tâm nổi lên tiếng niệm Phật, như vậy đó, nó không có gián đoạn nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng nhận thấy rằng tâm mình nó vẫn có cái tiếng niệm Phật, không cần phải dụng công tác ý gì hết, đó gọi rằng là được niệm lực tương tục, nghĩa là cái sức chánh niệm nối tiếp, cho nên biết rằng cái lúc mà mình tác ý dụng công thì mình phải cố gắng lắm cái tâm mới chịu duyên theo ở nơi cái tiếng niệm Phật, mà rồi thật ra trong lúc đó tâm nó có nhiều khi, ở nơi mình, cái miệng thì có niệm Phật, cái tiếng có phát ra mà cái tâm nhiều khi nó nhận câu thứ nhất, câu thứ nhì nó lơ là hay là ở trong câu niệm Phật đó nó nhận tiếng Phật tiếng A gì đó, mà tiếng Nam, tiếng Mô nó lơ là, còn giờ đây cái tâm tự động nó niệm Phật do sau khi mình niệm Phật được thường lâu ngày nó thuần thục, nói lâu ngày đây, chớ cái trình độ này có người chỉ trong một ngày đêm có thể được, nếu căn trí lanh lợi và tinh tấn. Có người chừng bảy ngày đã được rồi, còn người niệm Phật không được thường lắm thì phải thành ra lâu. Nếu được cái sức niệm ở nơi tâm tự động nó niệm gọi là BẤT NIỆM TỰ NIỆM đó thì được cái chánh niệm nối tiếp luôn kêu là NIỆM LỰC ĐƯỢC TƯƠNG TỤC, thì đó mới đúng nơi cái nghĩa CHẤP TRÌ DANH HIỆU mà trong kinh Di Đà các đạo hữu thường tụng đó.

Thường thường người tụng kinh Di Đà ít có để ý, bởi vì lời Phật nói ra không phải là cái thông thường, mình phải cần để ý lắm. Hễ phật nói nhất tâm thì nhất định là cái tâm phải chuyên nhất thôi, không được xen gì hết mới gọi là nhất tâm, còn Phật nói nhất niệm thì tất nhiên cái niệm phải cột nó lại một chỗ mới gọi là nhất niệm. Giờ đây Phật nói rằng chấp trì danh hiệu thì tất nhiên ở nơi danh hiệu đức Phật, nơi hồng danh đức Phật A Di Đà hay Nam Mô A Di Đà Phật thì phải nắm cầm cho chắc, nắm cầm đó là cái tâm nắm cầm cho chắc không lúc nào rời và không để cho cái gì xen tạp vô, như vậy gọi rằng cái tâm nó chỉ nắm cầm hay là giữ chắc không rời câu niệm Phật, mới gọi là niệm Phật tương tục, dù không niệm cái tâm nó vẫn tự niệm, nói gọn lại là bất niệm tự niệm và cái chánh niệm đó được nối tiếp gọi là tượng tục. Đó mới thiệt là cái nghĩa chấp trì danh hiệu ở trong kinh Di Đà. Nên cuối câu kệ gọi rằng: Niệm lực được tương tục. Đúng nghĩa chấp trì danh.

Khi mà niệm lực được tương tục rồi, nắm giữ lấy danh hiệu của Đức Phật mà không có cái tạp niệm xen vô thì trong một thời gian cái tâm nó dừng lại, lìa hết tất cả cảnh ngũ trần, nghĩa là sắc, thanh, hương, vị, xúc nó không có duyên nừa. Lúc đó dầu có con kiến cắn cũng không hay, nghĩa là lìa nơi xúc trần, dầu có mùi hương thoãng cũng không biết là lìa nơi hương trần và cho đến có tiếng chi một bên tai cũng không nghe, có cái chi ở trước mắt cũng không thấy, dầu lúc đó mỡ mắt, mà cái tâm chỉ duyên rành rẽ ở nơi câu niệm Phật và chỉ có nhận câu niệm Phật mà thôi lúc đó trong thì quên thân, ngoài không duyên theo cảnh, cái tâm nó đứng lặng là nhất tâm bất loạn. Khi được như vậy thì trong kinh Vô Lượng Thọ có nói lúc đó Phật thân hiện, Phật A Di Đà hiện, cho đến Phật cảnh Cực Lạc hiện, nên câu kệ gọi rằng: “NHẤT TÂM PHẬT HIỀN TIẾN.” Đó là thành tựu được Sự Tâm Muội, câu kệ gọi rằng: “TAM MUỘI SỰ THÀNH TỰU.” Chánh định thuộc về sự, cái tâm mình trụ ở nơi câu niệm Phật, trong thì quên thân, ngoài không duyên theo cảnh và lúc đó Phật và thánh cảnh hiện, nó thuộc về sự tướng. Nếu người mà đuợc ngang nơi đây, thơi gian sau, khi vãng sanh bảo đảm ở nơi Trung Phẩm, tức nhiên ngang với hàng thánh của Nhị Thừa. Còn nếu được niệm lực tương tục đúng nghĩa chấp trì danh ở trên là bảo đảm vãng sanh, nhưng mà trong phẩm vị thì chưa chắc Phẩm nào, còn tùy theo ở nơi thiện căn công đức của người tu hành.

ĐƯƠNG NIỆM TỨC VÔ NIỆM
NIỆM TÁNH VỐN TỰ KHÔNG
TÂM LÀM PHẬT LÀ PHẬT
CHỨNG LÝ PHÁP THÂN HIỆN

Bây giờ do nơi chánh định thuộc về sự thì cái tâm nó đứng lặng, do cái tâm đứng lặng đó, thành trí huệ phát—trí huệ đây gợi là Vô lậu trí huệ hay là thánh trí phát. Do nơi phát đó, thành ra lúc đó toàn thể tự tâm bổn tánh nó hiển hiện, trong Thiền Tông gọi rằng minh tâm kiến tánh. Lúc đó đã thấy nơi bổn tánh rồi, mà bổn tánh thì tức nhiên không phải là cái tánh riêng của một cái gì hết, nó cũng là cái tánh của tâm mà cũng là cái tánh của Pháp, nó là cái tánh nói chung của tất cả Pháp. Mà đã là cái tánh của tất cả Pháp rồi thì đương lúc niệm Phật đó cái tâm nó trụ ở nơi câu niệm Phật, nơi sự niệm Phật. Chính ở nơi sự niệm Phật đó lại tỏ ngộ, thấy là vô niệm. Cho nên biết rằng cái thể tánh chân thật của tất cả các pháp, nghĩa là không luận của tâm hay là của sắc đều là cái tánh không tịch cả. Đã không tịch tất nhiên nó không có cái sự gì và cũng không có cái tướng gì hết, cho nên nói cái thể tánh chân thật nó như vậy. Do đó mới tùy duyên mà có ra tất cả sự, tất cả Pháp. Vì vậy nên khi tỏ ngộ bổn tâm tự tánh rồi thì thấy cái chánh niệm mình đương niệm đó tức là vô niệm gọi là ĐƯƠNG NIỆM TỨC VÔ NIỆM.

Mà cái tánh của chánh niệm không phải là mình làm cho nó không, bởi vì bổn lai là không. Cũng như cái tánh của tất cả tâm, cái tánh của tất cả Pháp, bổn lai nó là không tịch.

Do đó cho nên sợ rằng người học đạo không biết, cố ý mà dằn ép cái tâm phải nhận rằng ở nơi niệm cái tánh là không (điều đó không phải). Lúc đó thấy cái niệm là không tánh mà rồi cũng rõ biết cái tánh niệm bổn lai nó là không. Như vậy mới thật là thấy cái thật tánh của niệm, mà nếu thấy cái thật tánh của niệm thì thấy tất cả cái thật tánh của các pháp, bởi vì tất cả pháp đều là một tánh mà thôi.

Cho nên thành ra thấy cái thật tánh của một pháp tất nhiên thấy được cái thật tánh của tất cả pháp. Nên câu kệ mới nói đương niệm, chính lúc đương niệm đó không phải bỏ niệm, mà GIÁC NGỘ LÀ VÔ NIỆM. Giác ngộ vô niệm là chi? Tức nhiên là cái niệm tánh không tịch, mà cái niệm tánh không tịch đó là tánh bổn lai của cái niệm, cho nên gọi rằng: “NIỆM TÁNH VỐN TỰ KHÔNG” chớ không phải là nó mới không đây. Tại vì trước kia mình mê muội, mình theo sự tướng, mình thấy có thế này, có thế kia đủ thứ hết.

Giờ đây giác ngộ được rồi thì thấy là bổn tánh không tịch, bổn tánh không tịch đó là bổn lai từ nào đến giờ nó đã vẫn không tịch như vậy, chớ không phải mới, do mình tu hành đây rồi nó mới là không, không như vậy …Kế đến câu “TÂM LÀM PHẬT LÀ PHẬT” Đồng thời lúc đó phải giác ngộ rằng chính cái tâm của mình đây là chân tâm thật tánh của mình đó. Và rằng ở trên, hể giác ngộ ở nơi cái tâm niệm đó rồi thì thấy rõ rằng cái bổn tâm của mình làm Phật và cái bổn tâm đó chính là Phật. Đó gọi rằng là bổn tâm chân thật. Lúc đó tất nhiên gọi rằng chi? Là đã chứng ở nơi lý tánh, thành tựu ở cái lý Tam Muội niệm Phật và đồng thời pháp thân Phật hiện. Ở nơi trên về cái sự Tam Muội gọi rằng là Phật hiện tiền, lúc đó có Phật ở ngoài mình hiện ra, rồi mình thấy Phật hiện, còn giờ đây, chính tỏ ngộ được ở nơi thân tâm mình làm Phật là Phật. Nên biết rằng cái tỏ ngộ đó không phải lấy ở nơi cái trí suy luận mà tỏ ngộ chính là cái hiện lượng chứng trí lúc đó nhận như vậy, thấy như vậy, chứng như vậy, chớ không phải là cái suy luận. Mà đã chứng ngộ ở nơi bổn tâm mình làm Phật và tức là Phật, vậy Phật và tâm không phải là hai, chính tâm là Phật, Phật là tâm. Như vậy tất nhiên là chứng nơi pháp thân, gọi là pháp thân hiên tiền, lúc đó pháp thân hiện, còn ở trên ở nơi sự tam muội mà Phật hiện đó là Phật sư tướng hiện, sắc thân Phật hiện, còn đây là PHÁP THÂN PHẬT HIỆN. Nếu người mà được đến đây rồi, thì khi vãng sanh quyết định ở nơi thượng phẩm, tức là một vì Đại Bồ Tát hiện tại người đó ở tại đây cũng là một vì Đại Bồ tát. Tầng bậc nầy đối với Thiền Tông gọi là Chứng Tâm Tánh, sau khi minh tâm kiến tánh rồi, chứng tâm tánh gọi là đai triệt, đại ngộ, ngang nơi đó. Nhưng ở nơi pháp môn niệm Phật thì hơn nơi Thiền Tông bởi vì ở nơi Thiền Tông đến khi minh tâm kiến tánh hay là chứng nhập ở nơi tự tánh rồi, còn cần phải thêm một thời gian rèn luyện nơi đó để dứt trừ những nghiệp chướng phiền não, còn người niệm Phật thì không như vậy. Bởi vì ngoài cái sự tỏ ngộ ra, chứng nhập ra, còn có cái nguyện lực Phật nhiếp trì, mà đã vào trong nguyện lực của Phật nhiếp trì rồi tất nhiên chẳng những là chứng ngộ nơi cái tự pháp thân mà cũng là ở vào nơi pháp thân của đức Phật A Di Đà. Do đó cho nên không luận là nghiệp chướng, phiền não và tất cả, không luận tới việc đó. Mà sau khi bõ cái thân này rồi về Cực Lạc Thế Giói được vãng sanh ở nơi Thượng Phẩm thì mấy cái đó tự mất. Do đó nên trong kinh quán Vô Lượng Thọ có nói: Người mà được vãng sanh về Thượng Phẩm tức nhiên bực đó gọi rằng ở vào sơ Địa Bồ Tát. Hiện tiền sau khi sanh về có thể dùng cái trí lực và thần thông, nghĩa là liền sau khi sanh về có thể hiện thân làm Phật ở trong 100 thế giới nào không Phật thì vị Bồ Tát đó có thể hiện thân làm Phật để độ chúng sanh. Nên biết rằng mỗi thế giới như vậy là có vô số những tiểu thế giới hiệp lại, cũng như Ta Bà thế giới của mình là có 1000 triệu cái tiểu thế giới hiện lại, nghĩa là 1000 triệu cái thái dương hệ hiệp lại mới thành cái thế giới Ta Bà. Do đó mà khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật rồi thì cái thân hiện ra tới gọi là: “Thiên Bá Ức”, nghĩa là 1000 trăm ức, 1000 trăm lần ức, 1000 trăm ức đó là 1000 tỷ, 1000 tỷ thân Phật Thích Ca chớ không phải chỉ một thân Phật Thích Ca. Đó là nói một thế giới, mà đây vị Bồ Tát ở nơi cái chứng lý pháp thân, nghĩa là ở nơi cái lý Niệm Phật Tam Muội thành tựu rồi, vãng sanh về Cực Lạc Thế Giới, trụ nơi bậc sơ địa có thể dùng thần thông trí huệ hiện thân làm Phật ở trong 100 thế giới không Phật để độ chúng sanh.

Mình thấy pháp môn niệm Phật, nếu bắt từ dưới nhìn lên trên và từ trên nhìn lần xuống dưới, mình thấy cái đường đi rành rẽ hết sức là phân minh. Ở nới đó, mình thấy cũng không đến nổi quá khó, chỉ có khó là mình phải tin, quyết định thực hành tinh tấn và không giải đãi mà thôi. Khó là chịu nhất định để tu và quyết định tinh tấn, chỉ có khó nới đó mà thôi, chớ còn cái việc mà thấy theo sự đắc lực, thì pháp môn niệm Phật không có cái chi là khó lắm, không phải như các pháp môn khác. Vì các pháp môn khác do tự lực, tự lực thành khó, và ở nơi các pháp môn khác mà đến chổ chứng lý pháp thân hiện: Bên Thiền Tông thuộc về vô tướng tu. Vô Tướng Tu đó khó nắm nơi đâu để mà làm trụ cột, để hạ thủ lắm, nếu sai một chút thì thuộc về hữu tướng, mà hữu tướng tất nhiên không phải của Thiền Tông, sai rồi thì không thành tựu được. Còn như theo Pháp Hoa Tông mà tu thì cũng phải tam chỉ tam quán, cái đó không phải dể được. Theo Hoa Nghiêm Tông thì thuộc về pháp giới quán rất khó. Theo như Duy Thức Tông thì phải là Duy Thức Quán, quán chẳng phải dể. Đó là nói những pháp môn thuộc về tự lực tu.

Muốn được đến trình độ gọi là chứng lý pháp thân thì phải trong các tông thuộc về Viên Đốn Đại Thừa, chớ nếu ngoài những tông đó ra mà tu những tông khác thì tất nhiên không thể đến từng đó được. Những tông vừa kể trên tu đến từng này khó lắm, bởi vì ở đó thuộc về tự lực. Còn đây, ngoài tự lực ra thì pháp môn niệm Phật này còn có ở nơi tha lực, tức là nguyện lực của Phật nhiếp trì. Do đó thành ra có sự dễ dàng hơn, bão đảm hơn. Huống nữa là trong pháp môn niệm Phật nầy, nếu mình chỉ được ở nơi cái từng công phu thấp nhất là có cái sự chuyên niệm, nó được tương ứng với nghĩa chấp trì, tất nhiên đó là bảo đảm vãng sanh. Nếu được vãng sanh rồi thì dự vào hàng thánh, được bất thối chuyển nơi đạo vô thượng. Dầu rằng đối với các bậc đạt được Sự Tam Muội Niệm Phật hay Lý Tam Muội Niệm Phật là còn thấp, nhưng kỳ thật khi đã vãng sanh dự vào hành thánh, được bất thối chuyển, nhất là được về Thế Giới Cực Lạc rồi thì không có các sự khổ như là những cảnh duyên nó làm mình xao động, hoặc sự ép buộc ở nơi thời tiết, nhất là việc ăn, việc mặc nó làm mình bận rộn cả ngày đêm. Không có tất cả cái đó thì tất nhiên rãng rang tu hành, mà trong khi rãnh rang đó lại có tiếng gió thổi, tiếng chim kêu, tiếng nước chảy đều phát ra tiếng nói pháp hết, hơn nữa, nơi Cực Lạc Thế Giới, như trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, như kinh A Di Đà đó, các đạo hữu cũng thường tụng, thì các Bậc Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát thượng thiện nhân là bạn, và người được vãng sanh sẽ ở chung với bậc đó. Cho nên trong kinh Di Đà có nói: Những người nào mà nghe nơi đây thì phải phát nguyện, nguyện sanh về Cực Lạc Thế Giới. Tai sao vậy? Vì đồng với các Bậc Thượng Thiện Nhân Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát câu hội một chổ ở chung một chổ.

Như vậy đó thì thấy minh về bên đó rồi thì các bậc Đại Bồ Tát như Quan Thế Âm, Đại Thế Chí và vô số các vị Bồ Tát khác cũng đến cái từng đó, thì mình được ở trong cái hội đó, trong cái xóm đó, nghĩa là nói ngay ra ở chung. Cung điện của mình ở đây thì cung điện của các Ngài ở kia, muốn gặp lúc nào cũng được, muốn hỏi han lúc nào cũng tiện. Và cái hóa thân Phật ở khắp nơi trong Thế Giới Cực Lạc, không có chổ nào không có hóa thân Phật hết. Thành ra muốn thấy Phật lúc nào cũng được, trừ ra những bậc thuộc về thượng phẩm, chứng lý pháp thân. Chừng đó tất nhiên về Thế Giới Cực Lạc mới thấy được báo thân thật của Phật, còn ở những bậc dưới thì thấy hoá thân mà hóa thân cũng như báo thân, bởi vì sự thuyết pháp độ sanh của Phật thì hóa thân báo thân gì cũng giống nhau nhưng cái thân có khác theo trình độ người: Thân lớn, thân nhỏ, cái chổ đẹp nhiều hay là đẹp ít khác nhau, theo cái trí lực ở nơi con mắt thấy nó sai khác, chớ sự giáo hóa cũng đồng. Phật bao giờ cũng theo căn cơ mà thuyết pháp. Do đó cho nên trong kinh nói rằng: Chỉ có nước Cực Lạc là bảo đảm ở nơi con đường thành Phật mà thôi. Như trong kinh A Di Đà Phật nói: Người nào nghe kinh này mà thọ trì tu hành cùng những người đà phát nguyện, đang phát nguyện, sẻ phát nguyện vãng sanh về nước của đức Phật A Di Đà, thì những người ấy đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nghĩa là người đó sẽ được vãng sanh và được bảo đảm đi thẳng đến thành Phật mà thôi. Do đó, thấy căn cơ của tự mình hiện tại đây cũng như tất cả mọi người trong thời gian này mà rời pháp môn Niệm Phật thì quyết khó bảo đảm giải thoát lắm đừng nói là bảo đảm thành Phật.

Vậy các đạo hữu cũng nên cố gắng tự tu cho tinh tấn, và cũng đem pháp môn Niệm Phật chỉ dậy người khác và khuyên bảo người khác nên thực hành như mình.

Hòa thượng Thích Trí Tịnh biên soạn
(Thập niên 50 - 60)

Gửi cho người thân In trang này



Thursday, July 2, 2009

vaodoi3-ky4_2.wmv

Wednesday, July 1, 2009

Vào đời 3 -kỳ 4_1 wmv

Tầm quan trọng của phát nguyện và hồi hướng

Thích Trí Siêu

Trong đạo Phật, ta thường nghe nói về Tam Ðộc tức là lòng ham muốn, giận tức và si mê, chúng trói buộc ta trong vòng sinh tử luân hồi. Và muốn giải thoát thì ta phải dẹp trừ chúng bằng cách bớt ham muốn, mở rộng lòng từ bi, trau dồi giáo lý Phật Pháp. Do hiểu như vậy, 0nên nhiều người trong chúng ta không dám mong cầu gì cả, đến chùa tụng Kinh cho vui vậy thôi chứ không thành tâm phát nguyện và hồi hướng (trong các thời Kinh ở chùa đều có văn phát nguyện và hồi hướng, nhưng vì không chú tâm hoặc không hiểu nên gọi là không thành tâm), khi bố thí thì bố thí vậy thôi chứ không nghĩ gì hết. Rồi ta cho như vậy là đúng, vì trong Thiền Tông thường nói giữ 'Tâm Không', nên ta không dám nghĩ, không dám mong cầu gì hết, chỉ giữ Tâm Không thôi. Nếu ta cứ làm như vậy hoài thì kiếp sau ta sẽ đầu thai thành cục đá bên lề đường, vì cục đá cũng có Tâm Không, vô tri vô giác, không nghĩ, không biết gì cả. Cõi Ta Bà mà chúng ta đang ở đây thuộc về cõi Dục. Chúng sanh ở đây luôn luôn ham muốn, ham muốn ngũ dục: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ ấm. Nhưng chúng ta quên mất một điều là tất cả chư Phật đều thị hiện thành Phật ở cõi này, chứ không thành Phật ở hai cõi Sắc và Vô Sắc. Ðức Phật dạy ta lìa bỏ ngũ dục chứ đâu có dạy ta lìa bỏ Niết Bàn dục (tức lòng ham muốn đạt được Niết Bàn). Ở đời, khi làm một việc gì thì ta thường có lý do và mục đích. Lúc nhỏ ta cắp sách đến trường, lý do là cha mẹ ta muốn cho ta nên người. Mục đích của sự học là để được bằng tú tài. Có tú tài để được vào Ðại Học. Vào Ðại Học mấy năm để có được một văn bằng (diplôme). Có văn bằng để đi ra làm việc. Làm việc để có tiền. Có tiền để nuôi thân hoặc nuôi gia đình,... Tất cả những cái 'để' đó đều là mục đích của những hành động và việc làm của ta. Khi có mục đích là có sự mong cầu. Sự mong cầu hay ham muốn được xem là tốt hay xấu tùy theo mục đích của nó tức là đối tượng của sự mong cầu. Nếu ta ham muốn ngũ dục thì đó là xấu vì kết quả là ta sẽ đau khổ, ngược lại nếu ta ham muốn học đạo, tu đạo, thì đó là một sự ham muốn tốt vì kết quả là ta sẽ giải thoát, hưởng sự an vui của Niết Bàn. Khi ta ham muốn vừa vừa thì gọi là mong cầu, khi ta hết lòng ham muốn và quyết chí đạt cho được mục đích thì gọi là nguyện. Tất cả chư Phật và Bồ Tát đều là những người đã mong cầu, đã phát nguyện năm xưa. Ta há không nhớ Ðức Phật Thích Ca đã phát nguyện gì dưới gốc cây Bồ Ðề? Ngài nguyện: 'Dù máu khô, thịt nát, xương tan, nếu không giác ngộ (thành Phật) ta thề không rời khỏi nơi đây.'
Ngoài ra đọc trong Túc Sanh Truyện (Jataka) kể về các tiền thân của đức Phật, ta sẽ thấy là mỗi khi làm một hạnh gì, ngài đều phát nguyện và hồi hướng. Phát nguyện cầu thành Phật để cứu độ chúng sanh và hồi hướng tất cả công đức cho quả vị Phật.
Hồi hướng là gì?
Là gom góp tất cả để đặt vào một chổ. Người làm phước nhiều mà không biết hồi hướng sẽ giống như người đi làm cho có thật nhiều tiền đem về chất đầy nhà, rồi không biết làm gì với đống tiền đó.
Hãy lấy một thí dụ:
1. Ta đến chùa làm một việc công đức, mà trong tâm ta luôn luôn nghĩ đến sự giàu sang sung sướng, thì kiếp sau ta sẽ được giàu sang sung sướng.
2. Cũng một việc công đức đó, mà ta hồi hướng được giải thoát sinh tử luân hồi, thì trong những kiếp sau ta sẽ được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
3. Cũng một việc công đức đó, mà ta hồi hướng cầu thành Phật thì chắc chắn một kiếp xa xôi nào đó ta sẽ thành Phật.
Tại sao trong thí dụ (1) nói kiếp sau, thí dụ (2) nói những kiếp sau, và thí dụ (3) nói một kiếp xa xôi, ý nghĩa là sao?
Thí dụ (1) nói về sự giàu sang sung sướng ví như một cái áo bành tô (manteau) trị giá 700 quan. Thí dụ (2) nói về sự giải thoát sinh tử luân hồi ví như một chiếc xe hơi trị giá 70.000 quan. Thí dụ (3) nói về sự cầu thành Phật ví như một căn nhà villa trị giá 700.000 quan.
Nếu ta đi làm lương một tháng là 5000 quan, và trong đầu ta không có một mục đích gì cả, thì khi đi đường, nếu thấy một cái áo bành tô đẹp, vừa giá ta có thể mua được thì ta mua ngay không chần chờ.
Cũng với số lương đó mà ta muốn có một chiếc xe hơi thì ta phải dành dụm năm này qua năm nọ, không dám lấy tiền lương xài vào việc khác như mua quần áo, thì khoảng vài năm là ta có thể có được một chiếc xe hơi.
Cũng với số lương đó mà ta muốn có một căn nhà villa thì ta phải dành dụm lâu hơn nữa vì lương của ta quá ít so với giá tiền của cái nhà. Do đó ta phải gom góp dành dụm tiền lương không dám xài hoang phí vào việc khác, mà cốt chỉ để mua nhà. Vậy thì khoảng hai mươi năm hay hơn nữa ta mới hoàn toàn làm chủ cái nhà (vì ở bên Pháp cho trả Crédit).
Sau ba thí dụ trên, ta thấy rằng cũng cùng một hành động (karman) cùng một nhân (hetu) mà có quả báo khác nhau. Ðó là do tâm hồi hướng mà ra. Nếu ta tạo công đức nhiều mà không biết hồi hướng thì uổng lắm, vì sao? Dĩ nhiên là khi tạo công đức thì chắc chắn ta sẽ gặp quả báo tốt, nhưng uổng vì đó là quả báo hữu lậu của thế gian, sau một thời gian ta sẽ còn lại hai bàn tay trắng mà thôi.
Nếu thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện và hồi hướng thì sau này : trước khi, trong khi, và sau khi làm một việc gì tốt ta nên phát nguyện và hồi hướng. Và hơn nữa khi ta gặp một việc công đức nào ta sẽ vui mừng vì đó là một cơ hội cho ta tiến mau đến mục đích (nếu là trường hợp ta thích xe hơi hoặc căn nhà, mà không thích áo bành tô).
Vậy theo ta hiểu thì Bồ Tát là phải nhớ đến Bồ đề tâm, nhớ phát nguyện và hồi hướng cầu thành Phật, nhưng không hiểu tại sao khi ta đọc Tâm Kinh thì thấy trong đó có nói câu 'vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố'. Lúc đó ta nên khởi tâm nghĩ như vầy : Bồ Tát Quán Tự Tại là bậc Diệu Giác Bồ Tát, còn ta đây là Bào thai Bồ Tát (Bồ Tát còn nằm trong bụng mẹ). Hơn nữa Quán Tự Tại Bồ Tát đã hiểu, đã thấy, đã chứng được tánh Không, tức thực tướng của vạn pháp, còn ta đây không biết cái gì là phải cái gì là trái, cái gì tốt cái gì xấu, cái gì là Từ Bi cái gì là ác độc, nói chi đến tánh Không với tánh Có. Ta đừng làm giống như người đang đi trên sông, thấy người khác đến bờ vứt bỏ con thuyền, mà ở đây ta cũng vội vàng lấy búa ra đập thủng thuyền của mình. Ta phải luôn luôn ý thức nhìn lại xem mình là ai? Em bé lên 3, thanh niên 20, hay ông lão 70. Nếu là em bé lên 3 thì ta hãy vui vẻ tập đi, không nên bắt chước lấy cây gậy của ông già bảy mươi mà chết sớm. Còn ngược lại nếu thấy mình là ông lão bảy mươi thì ta cứ việc 'vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố', không ai cấm cản vì đạo Phật là đạo tự giác không có bắt buộc hay độc tài.
Sau khi hiểu được sự phát Bồ đề tâm cũng như sự phát nguyện và hồi hướng của Bồ Tát, ta bước sang phần thực hành của Bồ Tát tức Lục Ðộ.
À, hình như chúng ta quên mất một điều, là không biết tại sao Bồ Tát lại phát Bồ đề tâm? Mục đích của Bồ đề tâm là thành Phật cứu độ chúng sanh, nhưng lý do và căn nguyên của sự phát Bồ đề tâm là gì? Bồ Tát phát Bồ đề tâm, lý do vì Bồ Tát thấy chúng sanh đau khổ nên muốn cứu khổ chúng sanh, muốn cứu khổ chúng sanh nên mới cầu thành Phật tức cầu sự giác ngộ hoàn toàn.
Bồ Tát là những người ý thức được sự đau khổ của cuộc đời, thấy rõ được sự bất công, sự đàn áp, bóc lột, lợi dụng, tàn hoại, ác độc của chính con người tạo cho con người. Nếu Bồ Tát chỉ ngồi một chỗ, cần gì hô lên một tiếng, có người đem đến dâng cho, thì Bồ Tát khó ý thức được sự khó khăn, đổ mồ hôi sôi nước mắt của người dâng cho mình. Nếu không tự thân chứng nghiệm đau khổ, thì ít nhất Bồ Tát cũng tập ý thức sự có mặt của đau khổ nơi mọi loài. Vì có đau khổ nên mới có đạo Phật, nếu không có đau khổ thì không có đạo Phật. Bồ Tát ý thức được sự đau khổ không phải để sợ hãi, mà là để nuôi dưỡng lòng từ bi của mình. Bồ đề tâm của Bồ Tát cũng ví như ngọn lửa được đốt bằng dầu đau khổ. Nếu không có dầu đau khổ thì ngọn lửa Bồ đề tâm sẽ tắt. Do đó đối với Tứ Diệu Ðế, Bồ Tát đã thấu triệt hoàn toàn. Nếu chúng ta muốn đi theo con đường của Bồ Tát thì chúng ta cũng cần phải học cho thông suốt Tứ Diệu Ðế, nếu không được thì ít nhất chúng ta cũng cần phải hiểu được 'Nhị diệu đế' tức là hai Diệu đế đầu: Khổ Ðế và Tập Ðế. Và sau khi hiểu rõ rồi thì ta hãy tiến bước trên Bồ Tát đạo, nếu không như thế thì ta chỉ là 'danh tự Bồ Tát', tức là ta đến chùa thọ bồ tát giới cho vui mà thôi.
Sau khi hiểu được nguyên nhân và mục đích của Bồ Tát, ta bước sang con đường đi của Bồ Tát, tức Bồ Tát đạo (Bodhisattvamàrga).
Bồ Tát đạo thường được biểu hiện qua Lục độ, tức sáu hạnh, còn gọi là Lục Ba La Mật (Pàramità) gồm có: Bố thí (Dàna), Trì giới (Sila), Nhẫn nhục (Ksànti), Tinh tấn (Vìrya), Thiền định (Dhyàna), Trí tuệ (Prajna). Pàramità dịch âm là Ba La Mật Ða, dịch chữ là Ðáo Bỉ Ngạn có nghĩa là đến bờ bên kia. Lục Ba La Mật là sáu phương tiện có khả năng đưa (độ) Bồ Tát sang đến bờ bên kia là bờ Ðại Giác, tức Phật.
Trong phạm vi nhỏ hẹp, sách này chỉ xin nói về Bố thí Ba la mật thôi. Vì bố thí đúng với ý nghĩa của nó thì nó bao gồm cả sáu Ba la mật, nếu không thì nhiều khi nó cũng không được gọi là Bố thí nữa.