Tuesday, April 20, 2010

Ông Sư Rỗng

Vào thời Phật tại thế, có một vị trưởng lão tên là Pothila. Vị sư này lão thông tam tạng và thường tuyên đọc giáo lý cho một nhóm 500 vị tỳ kheo nghe. Chỉ hiềm có một điều là sư chưa chứng được quả thánh nào cả. Để giúp sư, đức Thế Tôn thường gọi sư là "Pothila rỗng" mỗi khi tiện dịp. Chẳng hạn như mỗi lần sư đến bên đức Phật, ngài bảo:
- Hãy đến đây Pothila rỗng!
- Ngồi xuống đi, Pothila rỗng!
- Hãy đi đi, Pothila rỗng! v.v...
Và khi trưởng lão Pothila đã rời khỏi ghế, đi ra, Phật còn nói:
- Pothila rỗng đã đi.
Trưởng lão Pothila thầm nghĩ: "Ta đọc tụng thông thuộc cả tam tạng và chú giải cũng rành mạch không kém, ta là thầy giáo thọ cho 500 tỳ kheo và 18 hội chúng, vậy mà đức Thế Tôn vẫn gọi ta là "Pothila rỗng". Chắc tại vì ta chưa phát triển chánh định nên ngài gọi như thế".
Cảm thấy bị kích động, sư tự nhủ: "Ta sẽ vào rừng để thiền định". Chiều hôm ấy, sau khi giảng kinh xong, đợi lúc trời nhá nhem tối, trưởng lão mang y bát, nối gót theo nhóm thính chúng cuối cùng ra khỏi pháp đường. Các thầy tỳ kheo ngồi trong phòng đọc kinh nhưng chẳng hề hay biết gì về vị pháp sư của mình.
Sau khi đi khoảng 120 dặm đường, trưởng lão Pothila gặp một cụm rừng là nơi ẩn cư của 30 vị tỳ kheo. Sư đến chào vị trưởng chúng, thưa:
- Bạch trưởng lão, xin ngài hãy chỉ dạy cho con.
- Này tôn giả, ngài là một vị giảng sư,chúng tôi còn phải học với ngài, sao ngài lại nói thế?
- Thưa trưởng lão, xin ngài đừng từ chối mà hãy chỉ dạy cho con.
Tất cả các vì tỳ kheo ngụ tại khu rừng này đều đã đắc A la hán. Vị trưởng chúng nghĩ thầm: "Ông sư này là người học rộng, có lẽ ông đầy lòng kiêu hãnh" và thầy từ chối chỉ dạy và gửi Pothila xuống cho đệ nhị tòa. Pothila cũng cung kính xin học hỏi với vị sư này, nhưng đệ nhị tòa lại đẩy sang đệ tam tòa. Và cứ như thế, cho đến người nhỏ nhất trong chúng: một chú tiểu 7 tuổi đang ngồi khâu áo. Kiêu khí của Pothila cũng tụt dần cho đến mức thấp nhất. Trưởng lão Pothila đến bên chú tiểu, chắp tay cung kính:
- Thưa tôn giả, xin ngài hãy chỉ dạy cho con.
- Ồ, pháp sư, ngài nói gì thế? Ngài lớn hơn tôi về tuổi tác cũng như học thức, tôi còn phải học thêm ở ngài nữa mà.
- Bạch tôn giả, xin ngài đừng từ chối. Hãy chỉ dạy cho con.
- Thưa tôn giả, nếu ngài có đủ kiên nhẫn làm theo lời tôi, tôi sẽ hướng dẫn ngài.
- Con sẽ kiên nhẫn tất cả. Nếu ngài dạy con nhảy vào lửa, con cũng nhảy theo.
Nhìn bộ y phục đắt giá của Pothila, chú tiểu chỉ một cái ao gần đó:
- Xin ngài hãy để nguyên y phục và nhảy xuống ao.
Thấy y phục của vị trưởng lão này đã ướt đẫm, chú tiểu bảo:
- Hãy leo lên.
Trưởng lão Pothila liền leo lên đứng cung kính trước mặt chú tiểu. Chú giảng dạy:
- Này tôn giả, như một cái hang có sáu cửa ngõ. Một con dế chun vào hang. Ai muốn bắt nó phải bịt năm cửa, chỉ chừa một cửa là tóm được nó ngay. Tôn giả hãy quán sát sáu căn của mình. Đóng năm căn lại và tập trung trọng tâm vào ý căn.
Nghe qua lời nói của chú tiểu, trưởng lão Pothila hốt nhiên tỉnh ngộ, nói:
- Bấy nhiêu cũng đủ rồi.
Trưởng lão liền nhập định. Đức Thế Tông ở cách đó 100 dặm biết rằng tôn giả này sẽ đắc quả, ngài liền hóa thân đến trước mặt Pothila, đọc kệ. Bài kệ này trở thành câu Pháp cú 282 và được lưu truyền cho đến ngày nay:
"Do thiền định trí tuệ phát sinh. Không hành thiền trí tuệ phai mờ. Biết rõ những điều lợi hại này. Hãy thực hành để phát triển trí tuệ". Trích Truyện Phật giáo tuyển tập. Học viện Buddhadhamma.

http://trisieu.free.fr/phatphap/ongsu_rong.htm

Sunday, April 18, 2010

Bổn lai diện mục

Trong giới thiền môn thuờng có câu công án : thế nào là bổn lai diện mục của ông ? Có nghĩa là mặt mũi xưa nay của ông là gì ? Câu trả lời thật ra cũng dễ thôi, đó là cái tâm. Nhưng vấn đề khó ở chỗ là có nhận ra hay thấy được cái tâm đó chưa ? Nhận ra được rồi thì làm gì ? Phiền não có được chuyển hóa không ? Bản ngã còn không ?

Nếu tôi hỏi bạn: thế nào là bầu trời xưa nay (original sky) ? Bạn sẽ chỉ lên trời và nói kia là bầu trời. Nhưng bầu trời mà bạn chỉ tôi, nó không phải là bầu trời bổn lai (origine) mà toàn là mây đen hoặc mây trắng và trong đầu óc bạn, bạn cho những đám mây đen, mây trắng đó là bầu trời. Mỗi khi nói đến bầu trời thì bạn chỉ nói : bầu trời của tôi hôm nay đen hoặc bầu trời của tôi trắng, hoặc cả đen lẫn trắng. Loanh quanh lẩn quẩn bầu trời của bạn chỉ gom lại trong những đám mây đen, mây trắng, mây to mây nhỏ, mây hình này mây hình kia.

Rồi một hôm tôi đi cùng với bạn để xem bầu trời, hôm đó trời không nhiều mây lắm, chỉ lác đác vài đám mây trắng trôi lờ lững, tôi mới chỉ cho bạn thấy bầu trời thực sự xưa nay (origine) là cái nền màu xanh lơ ẩn hiện sau những làn mây kia. Ðó là lần đầu tiên bạn tỉnh ngộ và nhận ra thế nào là bầu trời thực sự xưa nay, nó không phải là những đám mây, làn mây hay cụm mây như bạn đã tưởng. Ðây gọi là liễu ngộ, thoáng nhận ra. Nhờ liễu ngộ bầu trời bổn lai, nên gặp những lúc giông bão với bầu trời đen ngòm tối nghịt, bạn vẫn biết đó không phải là bầu trời bổn lai và bạn sẽ an nhiên chờ cho cơn mưa tạnh để thấy lại bầu trời bổn lai. Và mầu nhiệm thay, sau cơn mưa bạn ngẩng mặt nhìn lên thì bầu trời lần này khác hẳn với những lần trước kia, nó trong xanh và đẹp một cách kỳ diệu, không còn gợn một chút mây nào, tâm hồn của bạn cũng nhẹ nhàng như bay bổng và hoà nhập với vũ trụ. Ðây gọi là chứng ngộ, cái thoáng hiện ra trước kia nay được hiển lộ hoàn toàn (bổn tánh hiển lộ toàn thân).

Xưa nay chúng ta luôn sống trong vọng tưởng, vọng tình, ham muốn, ao ước, tính toán, vui, buồn, giận, lo, yêu, ghét, mừng, sợ, khổ, nhục, v.v... đó là những đám mây che phủ bầu trời tâm mà ta cứ tưởng đó là tâm mình, là mình. Tưởng lầm như vậy gọi là mê.

Tâm, Phật, chúng sinh tuy ba mà một. Khi mê không nhận ra bổn tâm (hay bổn lai diện mục) thì tâm kia trở thành chúng sinh đau khổ, khi nhận ra được bổn tâm và trở về an trú trong bổn tâm thanh tịnh (trong sạch) đó thì tâm trở thành Phật.

Vấn đề nhận ra bổn tánh kể ra cũng không khó lắm, nhiều khi có vẻ quá dễ nên chư tổ phải dùng phương tiện nói úp nói mở khiến nó trở nên huyền bí. Cái khó nhất là sau khi nhận ra được bổn tánh rồi, phải làm sao duy trì nó, sống với nó, và an trụ trong nó, không để cho những đám mây vọng tưởng vọng tình (tức là những tập khí chấp ngã thâm căn cố đế) khởi lên che phủ trở lại làm ta lãng quên đi cái thấy ban đầu. Vì thế nên mới phải ra công dụng sức, mới có công phu tu tập. Cái gì khổ công tìm cầu, khi nhận ra được mới thấy quý. Người đi tìm vàng phải cực nhọc đào mỏ, giật mìn, đập đá, phải sàng bụi lọc cát kiếm từng hạt từng viên vàng một. Khi tìm thấy được thì họ la hét reo mừng đúng là bắt được của. Ngược lại, nếu một đứa trẻ con nhà giàu chưa biết đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm tiền sống qua ngày, mà cha mẹ cho nó một hạt kim cương thì có thể nó sẽ lấy đem đổi để lấy một phong kẹo chocolat hay tệ hơn nữa là đem chơi bắn bi.

Trở về bổn lai diện mục, nếu nhận ra được thì sự tu tập sẽ dễ dàng hơn vì biết cái nào là bầu trời xanh trong để trở về an trụ, và biết cái nào là những đám mây đen trắng không nên bám theo. Nhưng dù có nhận ra được bổn tánh hay không thì người tu vẫn phải tiếp tục tu hành như thường, giống như bao nhiêu người khác, có nghĩa là vẫn nương theo các phương tiện pháp môn như tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật, trì chú, bố thí, trì giới, v.v... để loại trừ vọng tưởng, vọng tình, vọng nghiệp. Bởi thế có nhiều thiền sư, sau khi đắc pháp (liễu ngộ) rồi thì rút vào núi ẩn tu thêm vài chục năm hoặc trở về tu theo pháp môn niệm Phật, hoặc làm bất cứ hạnh gì khác (xứng tánh tác phật sự) để mài giũa tâm và trở về an trụ nơi bổn tánh thanh tịnh bất sinh bất diệt của mình.

Trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục tổ Huệ Năng đã nói rõ vể bổn tánh của tâm. Sau khi được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn giảng nói kinh Kim Cang, Lục tổ mới thốt lên một tràng về bổn tánh :

Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh
Nào ngờ tự tánh vốn bất sinh diệt
Nào ngờ tự tánh vốn tự cụ túc
Nào ngờ tự tánh vốn vô diêu động
Nào ngờ tự tánh năng sinh vạn pháp.

Có nhiều người tu thiền ngồi im, ráng giữ cho tâm không suy nghĩ gì hết, không dám khởi niệm, vì cho rằng khởi niệm là không còn thanh tịnh, họ tập vô niệm. Nếu không khởi niệm, không suy nghĩ gì hết, thì thú vật cũng đâu có suy nghĩ gì, người rơi vào coma cũng đâu có suy nghĩ gì ! Nếu tập đi vào định thì không khởi niệm là đúng, nhưng nếu bảo không khởi niệm để nhận ra bổn lai diện mục thì rơi vào nhị biên, vì như Lục tổ nói ở trên, tự tánh vốn vô diêu động nhưng năng sinh vạn pháp.

Nếu thoáng thấy tánh mà không tiếp tục công phu thì rất dễ khởi tâm ngã mạn cho là mình đã ngộ đạo hay chứng đắc này nọ (tăng thượng mạn), để cho bao nhiêu tập khí cũ, vọng tình vọng tưởng nắm đầu che mắt sai khiến, tự hại mình và hại người, đó là nhân đọa địa ngục. Ðây là mối nguy hiểm cho những người tu thiền mà không có thầy hoặc thiện tri thức bên cạnh nhắc nhở. Trong kinh Lăng Nghiêm, ban đầu đức Phật khai thị cho A-Nan nhận ra chân tâm, sau đó ngài dạy ông nương theo pháp môn "nhĩ căn viên thông" của Quan Thế Âm Bồ tát để tu tập. Như thế đủ biết nhận ra chân tâm đâu phải là xong.

Vì thế trong luật Trường Hàng (cho người xuất gia) có nói : Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật. Ngũ hạ dĩ hậu, phương nãi thính giáo tham thiền. Nghĩa là năm hạ về trước, người tu phải học hỏi giữ gìn giới luật tinh chuyên, năm hạ về sau mới đi nghe giáo lý và tham thiền.

Thích Trí Siêu

Thông tin về Lịch trình hoằng pháp của thầy Trí Siêu năm 2010

- Thơ cám ơn Phật tử

- Lịch trình hoằng pháp của thầy Trí Siêu năm 2010:

California, Hoa Kỳ
- Đạo tràng Như Không
1183 San Moritz Dr
San Jose, CA 95132
Ngày 20,21 tháng 3, từ 10am - 3pm: "Tu trong đời thường"

- Đạo tràng Quảng Hảo
330 Woodhaven Pl
Sacramento, CA 95605
Ngày 27 tháng 3, từ 10am - 5pm: "Huân tu Tịnh Độ"

- Chùa Huyền Giác
5210 58th St
Sacramento, CA 95820
Tel: (961) 455-6652
Ngày 28 tháng 3, từ 10am - 11:30am: "Thập nhị nhân duyên"

- Chùa An Lạc
1647 E San Fernando St
San Jose, CA 95116
Tel: (408) 254-1710
Ngày 17 tháng 4, từ 2pm - 3:30pm: "Đối trị tham, sân, si"
Ngày 18 tháng 4, từ 9:30am - 11am: "Đối trị tham, sân, si" (tiếp theo)


Las Vegas, Hoa Kỳ

- Đạo tràng Ưu Đàm
8946 Coral Shale St
Las Vegas, NV 89123
Tel: (702) 273-6662
Ngày 6,7 tháng 4, từ 3pm - 9pm: "Thiền tịnh song tu"

Texas, Hoa Kỳ
- Chùa Tịnh Luật
8703 Fairbanks North Houston Rd.
Houston, TX 77065
Tel: (713) 856-7802
Ngày 29,30,31 tháng 5: "Đại thừa khởi tín luận"

Germany
- Nordrhein Westfallen
Ngày 13 tháng 6, từ 10am - 3pm: "Tứ Diệu Đế"

- Chùa Phật Đạo
69483 Wald Michelbach-Siedelbrunn
Ngày 16-19 tháng 6: "Khóa tu Ý Tình Thân"


Paris, France
- Chùa Linh Sơn
9 Av. Jean Jaurès
94340 Joinville le Pont
Ngày 4-25 tháng 7: "Pháp Bảo Đàn kinh"

Canada
- Tịnh Thất Giác Hải
3961 McDonalds Corners Road
Lanark, Ontario
Ngày 12-14 tháng 8: "Khóa tu Ý Tình Thân"

- Chùa Hiếu Giang
4629 Bank Street
Ottawa, On K1T 2W6
Tel: (613) 822-8535
Ngày 15 tháng 8, từ 9am - 3pm.

- Đạo tràng Pháp Hoa, Toronto
Ngày 21,22 tháng 8.

- Chùa Quan Âm
3781 De Courtrai
Montréal, PQ H3S 1B8
Tel: (514) 735-9425
Ngày 27,28,29 tháng 8.

Fountain Valley, Hoa Kỳ
- Chùa Tường Quang
9837 Winthrop Circle
Fountain Valley, CA 92708
Tel: (714) 968-4251
Ngày 25,26 tháng 9: "Đèn soi nẻo giác luận"

- Hội Phật Học Đuốc Tuệ
Ngày 2,3 tháng 10: "Kim cang thừa Tây Tạng"

Rồi sẽ qua đi

Một đại vương xin một đạo sĩ Sufi một cẩm nang có thể giúp mình trong mọi trường hợp xấu tốt, thành bại, sống chết. Ðạo sĩ đưa cho nhà vua chiếc nhẫn kim cương của mình và bảo : "Có một thông điệp trong này, nhưng chỉ khi nào vua thực sự lâm vào thế bí mới được mở ra, không được mở ra chỉ vì tò mò."

Nhiều lần vua rất tò mò muốn biết cái gì ở dưới viên kim cương ấy, nhưng chống lại cơn cám dỗ vì giữ lời hứa với đạo sĩ.

Mười năm sau, đất nước bị xâm chiếm, vua phải bỏ chạy vào rừng. Kẻ thù đang rượt đuổi sau lưng, tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần. Vua thúc ngựa phi thật nhanh cho đến khi cả người lẫn ngựa đều mệt lả. Thình lình vua đối diện một hố thẳm, không thể quay lui vì sau lưng kẻ thù đang rượt, cũng không thể nhảy xuống hố vì sẽ cầm chắc cái chết. Vua chỉ còn nước dừng lại chờ. Bỗng chốc nhớ đến chiếc nhẫn, vua tháo viên kim cương ra và tìm thấy một mảnh giấy ghi : "Ngay việc này rồi cũng sẽ qua đi". Tự nhiên một niềm bình thản lớn lao ngự trị trong tâm hồn nhà vua : "Việc này rồi cũng sẽ qua đi."

Và sự việc xảy ra đúng như thế. Tiếng vó ngựa quân thù mỗi lúc một xa dần, vì họ đã rẽ sang đường khác. Vua thu thập quân binh, chiến đấu chiếm lại vương đô. Cả kinh thành vui mừng trang hoàng đẹp đẽ, rắc đầy hoa tươi để đón rước nhà vua hồi cung.

Vua bỗng cảm thấy một niềm kiêu hãnh lớn nổi lên, và ông nhớ lại thông điệp "Rồi việc này cũng sẽ qua đi", khi ấy niềm kiêu hãnh tan biến, tất cả những tràng hoa, sự tung hô vạn tuế trở thành trò con trẻ. Quả thực câu ấy đã có ích trong khi thất bại cũng như lúc thành công. Nó trở thành thiền định của ông, câu thần chú của ông. Từ đấy dù bất cứ việc gì xảy ra, tự thâm tâm vua cũng đều thầm nhủ "rồi nó sẽ qua đi".

Nếu bạn có thể nhớ điều ấy, thì dù bất cứ việc gì xảy đến, bạn cũng chỉ làm một người chứng kiến "Ðiều này nữa cũng sẽ qua đi."

Sự chứng kiến như vậy gọi là ý thức tỉnh giác.

Trích báo Tuệ Uyển số 37, tháng 11/2003


http://trisieu.free.fr/phatphap/Roisequa.htm