Friday, May 21, 2010

Thiền quán có thể làm cho tôi thôi hờn giận chứ ?

Bằng chứng mới thừa nhận rằng thiền quán chửa trị băn khoăn và chán nản. Nhưng còn sự giận dữ tệ hại từng cơn thì thế nào?

Luân Đôn, Anh quốc – Một vài tháng trước, tôi đã xé một tờ Grazia và đập lên nó một cái, bởi vì tôi đã quyết định chọn dòng đề tên tôi quá nhỏ (trên tiêu đề của tạp chí). Thế là một thân hữu, người chứng kiến sự giận dữ ấy, đã đề nghị tôi nên thử tập thiền quán. “Nó có thể giúp cho sự giận dữ của bạn,” cô ta nói thế, trong khi quán sát những giọt mồ hôi nhỏ giọt trên má tôi và rơi xuống tờ tạp chí. “Nhưng tôi thích sống trong sự tôn kính đến tín ngưỡng riêng của tôi ở Luân Đôn,” tôi đáp lại. “Không, chị không nên, và tôi đã từng thấy chị la lối vào những xe buýt.”

Dường như thiền quán có những sự lợi ích về sức khỏe, một cách đặc biệt cho những hệ thống thần kinh với vấn đề giận dữ và băn khoăn như chính tôi. Tuần này những nhà chuyên môn Hoa Kỳ đã công bố những kết quả về sự nghiên cứu của họ trong niềm hỉ lạc của thiền quán tiên nghiệm (1). Hình như những người thực tập thiền quán cho thấy một sự sụt giảm 48% triệu chứng trầm cảm. Năm ngoái, một nghiên cứu khác cho hay rằng có 47% giảm thiểu trong chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ và chết yểu trong những bộ óc thiền quán tiên nghiệm, mà nó khiến người bạn Cameron, tập Yoga, một cựu nam siêu mẫu, đã nói với tôi những điều ấy. “Những người tập Yoga (2) có thể chọn khi nào để chết.” anh ta đã từng nói như thế. Thế nên – có phải thiền quán đã có thể cứu tập Grazia của tôi? Có phải nó có thể cứu tôi?

Có nhiều loại thiền tập khác nhau, tôi đã biết như thế - đấy là một nơi chứa đựng rộng lớn hương liệu của yêu thương. Đấy là điều thông thường của những tôn giáo lớn – nguyện cầu hay lần tràng hạt (niệm Phật) cũng có thể được xem là một loại thiền tập – và như một hành vi thư thái thanh thản, tối thiểu nó cũng lâu dài, cổ xưa như chiến tranh. Có thiền tập man tra, hay chân ngôn, mà ở đấy chúng ta lập lại một cách liên tục những từ ngữ hay những câu lựa chọn (thiền quán tiên nghiệm là một loại này), tỉnh thức chính niệm, yoga, Thái cực quyền, và Khí công. Toàn bộ sự chửa trị, thanh bình trầm lặng hứa hẹn, và việc chấm dứt đối với những sự công kích trên những tạp chí ngớ ngẫn. Tôi chọn lựa thử nghiệm tỉnh thức, bởi vì theo lời giới thiệu của tôi, nó sẽ giúp tôi “thẩm tra chính mình” và học để “Sống trong giây phút hiện tại” qua tư thế thiền tọa và hoạt động của hơi thở. (Trái lại, đối với Thái cực quyền, bạn phải đứng lên).

Thế là tôi gọi điện thoại và xin được gia nhập vào một lớp Thiền tập Sơ tâm (8 bảng Anh) tại Trung tâm Phật giáo Tây Luân Đôn. Nó ở trong khu vực Noting Hill, một nơi quái quỉ dễ thương, chắc chắn là nơi cuối cùng ở Luân Đôn mà tôi thích có một kinh nghiệm tâm linh. Một vài ngày sau đó, tôi đi ngang qua tòa nhà hoàn toàn vô tình, hai lần, không ý thức. Tôi tin điều này được gọi là một sự khước từ. Sự giận dữ và khoắc khoãi muốn ở lại trong quyền lực, những thứ quái quỉ đó không muốn cút đi. Giống như có P. Mandelson (3) trong óc tôi.

Vì vậy tôi đi đến trể tràng, vào căn phòng xinh xắn dưới tầng hầm, nơi có điện thờ nhỏ. Đức Phật ở đấy. Vì một lý do nào đấy, Ngài nhắc nhở tôi về một người hâm mộ bóng đá rất nhỏ bé. Khung cảnh giống như một buổi trưa Chú Nhật với người bà quá cố của tôi. Một nhóm đàn bà và một người đàn ông với hàm râu quai nón bất động và được phủ lên những chiếc chăn mảu xanh dương trên sàn nhà. Chỉ có chiếc xe buýt EastEnders (4) là vắng mặt.

Một người đàn ông tên là Duncan đang hướng dẫn nhóm. Ông ta cao và mờ nhạt – đẹp trai nhưng hơi tinh quái. Ông ta có một thân hình yoga gân guốc và đôi mắt xanh dương rực sáng. Ông mĩm cười một cách nhẹ nhàng và bảo tôi ngồi trên ghế rồi nhắm mắt lại. Tôi vâng lời, và Duncan bắt đầu nói những điều tĩnh lặng. Tôi không nhớ tất cả những điều ấy, vì tôi không thể ghi lại với đôi mắt nhắm, nhưng tôi rõ ràng nhớ lại điều ông nói: “Cảm giác lưỡi của bạn”. Ông khuyến khích chúng tôi cảm giác và nhận thức mỗi phần thân thể của chúng tôi và trên tất cả là tập trung trong hơi thở: “Thở vào, thở ra, thở vào, thở ra.”

Không có truyền hình trong phòng, cũng không có quyển sách nào, thế là tôi quyết định đồng hành với sự kỳ quái này. Tôi thở dài một tiếng thật dài, giống như một nữ nhân vật chính trong Mills&Boon phản kháng giám đốc một công ty, và tôi phó thác mình cho buổi sáng Chú Nhật yên lặng. Tôi cảm giác như tôi đang lao mình xuống một cái giếng đến một nơi nào đấy không thể chạm được và kinh khủng. Điều này, tôi cho rằng, là chính tôi, mà không có sự rối trí. Tôi trầm ngâm về việc tôi thương người cháu Blobby của tôi như thế nào – không phải tên thật – và làm thế nào tôi mua một cái nồi hầm thịt trong J. Lewis sau này. “Thở vào, thở ra,” Duncan nói, trong một giọng thôi miên. “Thở vào, thở ra.” Tôi gần như đi vào giấc ngủ.

Vào cuối buổi thiền tập, tôi cảm thấy vui tươi và cười rúc rich. Tôi nằm trên sàn nhà trong chiếc chăn của tôi, cười một cách thoãi mái to tiếng, như một em bé, một em bé ngây thơ. Tôi nghĩ rằng tôi phải rất là mệt mõi. Tôi nói với một vài người bạn đồng hành. Dường như tất cả họ đã ở trong tình trạng qua khỏi những khủng hoảng cá nhân dễ sợ, mặc dù tôi không biết là họ có la hét vào những chiếc xe buýt hay không.

Tôi có một buổi nói chuyện ngắn với Duncan. Ông ta vào khoảng 50 tuổi và dường như rất sang trọng bảnh bao, mặc dù ông nói ông không phải thế. Ông quan tâm rằng tôi có thể đã trêu chọc những người Phật tử trong một bài báo của tôi. “Mọi Người Trêu Chọc Những Phật Tử,” ông nói. Tôi? Trêu chọc những Phật tử? Đáng lẻ tôi đang phỏng vấn Duncan, nhưng không có việc phỏng vấn bất cứ người nào sau khi thiền tập. Bạn vừa vấp ngã lộn nhào. Tôi hỏi: tại sao tôi mệt mõi quá? “Đấy là nội dung chủ đề,” ông nói, “Bà ngủ bởi vì đấy là một cách thoát ra khỏi sự hiện diện.” Chúng tôi tạm dừng lại.

Thay vì thế, tôi đọc tài liệu mà Duncan đưa cho tôi. “Chính niệm có nghĩa là sự chú tâm trong một cung cách đặc thù: trên một mục tiêu, trong giây phút hiện tại, không phán xét. Không có điều gì lạnh lùng, phân tích hay không cảm giác về tỉnh thức. Phương hướng tổng thể của chính niệm là dịu dàng, thưởng thức, và nuôi dưỡng. Đấy là về việc biểu hiện tỉnh thức hơn trong giây phút hiện tại. Điều này làm cho đời sống thú vị hơn, sinh động hơn, và hoàn thiện hơn.” Đối với tôi, đây là ngôn ngữ vượt xa sự cầu kỳ, líu lo hay khó hiểu. Có lẽ tôi sẽ có một sự hiển hiện sau buổi ăn trưa?

Sau đó, tôi đối diện với sự thử thách đầu tiên trong đời sống thiền tập của tôi. Tôi đi gặp người bạn Raymond của tôi ở Kentish Town. Tôi đang làm món thịt trừu bầm. Nhưng khi tôi đặt nồi hầm lên lò, nó bùng nổ. “Chiếc nồi đã nổ,” tôi nói với Raymond. “Ô bạn thân mến,” Raymond nói mà không rời khỏi chiếc ghế dài, nơi anh ta đang đọc quyển sách nhan đề ‘Kế Hoạch Hóa Thị Trấn ở Anh quốc từ năm 1900: Sự Trổi Dậy và Sụp Đổ của những Ý Tưởng.’ “Tôi chắc là nó sẽ ổn thôi.”

“Nó nổ,” tôi nói.

“Ô, bạn thân mến,” anh ta nói và lật sang một trang. Nếu tôi không tập thiền, tôi tin rằng tôi đã phải đả thương Raymond. Nhưng tôi không làm thế; tôi bình tĩnh. Tôi cảm thấy một cảm giác bình thản, điều mà tôi luôn luôn kết hợp với sự vô ý hay Valium (5). Và vì thế tôi chỉ đơn giản để thịt bầm vào thùng và rời khỏi đấy. Khi anh ta gọi lại sau đó, để nói rằng anh ta đã lấy thịt bầm ra, nấu và ăn nó – “thật quá lắm” – tôi phát ra một nụ cười khúc khích.

Một vài ngày sau đó, thiền quán gọi tôi lại. Tôi thật sự muốn làm điều ấy. Có phải sự giận dữ đã sẳn lòng bay đi chỗ khác, giống như một bản tình ca dở ẹt? Lần này tôi đến City Lit ở Holborn, nơi có một lớp chính niệm, cũng được Duncan hướng dẫn. Tôi lại trể một lần nữa – năng lực của sự khước từ! Vì thế, khi tôi đi vào, hai mươi người phụ nữ đang ngồi trên những tấm nệm cá nhân với đôi mắt họ nhắm lại, tiến hành buổi thực tập. Một người mở mắt ra và cau có nhìn tôi. Tôi trừng mắt lại. Chắc chắn cũng có một người đàn ông lặng lẽ cô độc là không thể tránh. Trong lớp thiền quán luôn luôn có một người đàn ông đơn lẻ. Dường như đấy là quy luật.

Khi mọi người mở mắt ra, Duncan kiểm soát xem mọi người có hoàn thành bài tập chính niệm ở nhà không. Mọi người đã được yêu cầu thực tập thiền quán mười phút mỗi ngày và ghi nhận những tư tưởng hỉ lạc của họ, cũng chú ý đến những tâm trạng và cảm giác đồng hành với tư tưởng hoan hỉ trước đấy. Không phải tất cả mọi người đều đã làm điều này, việc ấy dường như Duncan đã trãi qua. Lớp học đầy những ám ảnh. Duncan yêu cầu chúng tôi viết chữ “bông hoa” trên một tờ giấy, và thiền quán trên ấy. Có ít nhất ba người đã yêu cầu cho thêm giấy bởi vì một người đã nói, “tôi đã không viết chữ “bông hoa” ở giữa tờ giấy.”

Chúng tôi thực tập lại một lần nữa – tôi nhắm mắt lại, lắng nghe Duncan nói về lưỡi và bàn chân cùng sự cần thiết tỉnh thức về chúng và sống trong chúng; một lần nữa tôi rơi vào sự cát tường thân hữu. Lần này dễ dàng hơn. Tôi có thể thâm nhập vào cảnh giới không có gì quan trọng. Mọi thứ. Sẽ. Là. Tốt.

Tôi yêu cảm giác mới này. Thông thường, khi vồ lấy từ sự giận dữ này đến sự giận dữ khác, tôi kết thúc một ngày lắp bắp và rơi vào trong một tình trạng nửa mê ngủ mà từ đấy tôi thức dậy mệt lữ, thường thì với chương trình BBC3 vẫn đang lẫm bẫm trong góc. (Có một lần tôi thức dậy để xem một người trên chiếc xe lăn khiêu vũ trong phòng múa).

Rồi thì, chúng tôi có một sự kiện. Một người đàn bà ngoài đường la hét và và tôi bị kéo lại Holborn. Bà ta lại la hét nữa và những loại tư tưởng động lòng, như điện ảnh. Tôi hoang mang. Tôi là một sự thất bại! Một yêu quái! Tôi căm ghét mọi người và mọi người căm ghét tôi! Tôi cảm thấy thân thể tôi quằn quại, như một nắm đấm khổng lồ. Tôi cảm thấy như người ‘Hulk-ish’ to lớn vụng về. Tôi luôn luôn đồng cảm với người Hulk to lớn lạ thường, vì những lý do rõ ràng; thậm chí tôi có thể chơi khúc nhạc dạo về hắn ta trên đàn dương cầm. Nhưng điều này, tôi biết, là quen thuộc, đây là lý do tại sao tôi ở đây – để được chửa trị cho chứng băn khoăn của tôi và ảnh hưởng không tránh khỏi của nó, khát vọng muốn đấm vào những chậu hoa. Tôi trở lại với Duncan, người cứu tinh của tôi. “Thở vào, thở ra,” ông nói. “Thở vào, thở ra.”

Tôi mời Duncan đi ăn trưa để hỏi tại sao thiền quán hữu hiệu; tôi chắc là nó hữu hiệu, nhưng tôi không biết tại sao. “Sự cự tuyệt thừa nhận chính chúng ta [sự quên lãng chính chúng ta], là nguyên nhân của hầu hết những nổi sầu khổ. Thiền quán sẽ đưa chúng ta đến một niềm hứng thú với sự sống, nhưng nó chỉ có thể được biết qua kinh nghiệm trực tiếp. “Ngay cả đớn đau”, ông ta nói thêm một cách lạc quan, “có thể cảm giác hoàn toàn hữu ích.” Nhưng ông ta nghĩ tôi nên hành động trên tư thế của tôi. Dường như, tôi ngồi đấy với đầu của tôi nghiêng về một phía, như nạn nhân của một cơn đột quỵ.

Tôi tiếp tục thiền quán như tôi đã thực hành, tôi có thể cảm nhận cơn giận dữ vẩy chào giả biệt. Tôi yên tĩnh. Thí dụ, một người bạn mời tôi đến một tiệc liên hoan tối. Tôi sợ những buổi tiệc tối như sợ Quốc xã Hitler. Nhưng tôi đến, và tôi lịch sự, ngay cả khi có ai đấy hỏi rằng tôi có bị viêm bọng đái không. (Tôi không bị). Thiền quán rất hiệu quả, tôi sợ. Tôi đang ở trong một hiểm họa biến thành cái mền hay tấm chăn. Tôi ở trong hiểm họa sống vui!

--

PHỤ GIẢI:

(1) Transcendental meditation.

(2) Những người theo thuyết Du già.

(3) P. Mandelson: sinh ngày 21 tháng Mười năm 1953, hiện là đại diện của Anh quốc trong Liên hiệp Âu châu về thương mại. Được xem như kiến trúc sư của Đảng Lao Động hiện đại và tên mới của nó là “Tân Lao Động”. Tác giả quyển ‘Cách mạng của Blair (1996)’, và tác phẩm mới gần đây là ‘Những Thành phố ở Âu châu và Thế giới (2005)’.

(4) EastEnders: một chương trình truyền hình ở Anh quốc kể lại những câu chuyện về đời sống và làm việc của những người ở Albert Square.

(5) Valium: một loại thuốc an thần.

--

Can meditation stop me getting angry?

Tanya Gold, The Guardian, 08/04 2010

Tuệ Uyển chuyển ngữ, 23/04/2010


http://www.daophatngaynay.com/vn/phap-mon/thien-dinh/nguyen-thuy/4406-Thien-quan-co-the-lam-cho-toi-thoi-hon-gian-chu-.html

Thursday, May 20, 2010

DÒNG CHẢY XA BỜ - LƯU Ý KHI ĐI BIỂN !

Trong những ngày hè nóng nực, không có gì vui thú bằng đưa gia đình đi tắm biển. Mọi người vui thú vẫy vùng cùng sóng biển, trẻ con đào cát, xây lâu đài cát chán chê rồi kéo nhau nhảy ùm xuống biển, ngụp lặn theo từng con sóng vỗ bờ. Đây cũng là dịp để chúng ta tán chuyện, thưởng thức những món hải sản tuyệt vời, rồi trở về nhà trong trạng thái tinh thần phấn chấn cho một tuần làm việc mới.
Tuy nhiên, tắm biển cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Thỉnh thoảng, chúng ta nghe chuyện thương tâm về những người hoặc trẻ em bị cuốn trôi ra biển mà mọi ứng cứu đều trở nên qua muộn.

Bài này đề cập đến một vấn đề an toàn mà chúng ta cần quan tâm khi đi tắm biển.
DÒNG CHẢY XA BỜ (RIP CURRENT)
- Là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ
đánh & đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục
đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển.
Dòng nước biển đi từ bờ ra biển này được gọi là rip (hay rip
current).
- Nơi có dòng chảy xa bờ là vùng nước lặng, hầu như không
có sóng.

Click here to view full size
Hình ảnh trên cho thấy một dòng chảy xa bờ. Trong thí nghiệm này, người ta rắc chất màu sát bờ biển, chất màu bị kéo ra xa bờ, chứng tỏ nơi đó dòng nước đi ngược từ bờ ra biển.
Dòng nước ngược này có thể ổn định không thay đổi trong suốt cả tháng / cả năm. Tuy nhiên, chúng cũng có thể liên tục thay đổi mỗi vài giờ. Ở một số bãi biển, dòng nước ngược này không đi hướng ra biển mà chạy dọc theo bờ biển.

TẠI SAO DÒNG CHẢY XA BỜ NGUY HIỂM ?

Dòng chảy xa bờ được xem là một trong những nguy hiểm hàng đầu trên bờ biển. Nó là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn & chết đuối khi tắm biển. Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ & đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m - 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic! Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng từ 1-3 m. Tuy nhiên, có khi dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét.
Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, không phải chỉ khi có sóng lớn. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to. Vào những ngày sóng không lớn, trái lại, người ta thường chết đuối nhiều hơn vì có nhiều người xuống biển tắm. Khi thấy sóng không quá to người ta thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ.

Dòng chảy xa bờ có thể cực kỳ nguy hiểm vì nó kéo người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ, rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác.

Đối với người không biết bơi, dòng chảy xa bờ có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông. Khi đó người không biết bơi sẽ hoảng loạn & có thể chết đuối.

Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên thường làm cho người ta hiểu lầm đó là nơi an toàn. Người ta sẽ di chuyển sang tắm nơi đó thay vì tắm nơi có biển báo an toàn. Khi người tắm biển bơi vào dòng chảy xa bờ đó, ngay lập tức họ sẽ có thể bị cuốn trôi ra biển.

Click here to view full size

Trong hình trên đây, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào gần bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu (breaking waves) thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ. Tuy nhiên nếu chúng ta di chuyển vào tắm chỗ lặng sóng (giữa hai mũi tên) là chúng ta rơi vào dòng chảy xa bờ. Dòng sông nhỏ này sẽ lập tức kéo phăng chúng ta ra xa khỏi bờ & đưa thẳng chúng ta ra biển. Như vậy, vùng có sóng là vùng nước an toàn, còn vùng lặng sóng chính là vùng nguy hiểm.

Click here to view full size

CÁCH NHẬN DẠNG DÒNG CHẢY XA BỜ

Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây :

· Có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.

· Có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.

· Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ / bọt nước nổi trên mặt dòng
chảy xa bờ & trôi ra biển.
CÁCH THOÁT KHỎI DÒNG CHẢY XA BỜ
Dòng chảy xa bờ không kéo người ta xuống nước,chỉ kéo người bơi ra xa bờ & thường sẽ đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu (breaking waves) & sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ.

Lời khuyên của chuyên gia khi chúng ta bị rơi vào dòng chảy xa bờ

- Bình tĩnh, không hoảng loạn.

- Tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào
bờ.

- Đối với người bơi giỏi
Nếu bạn tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng
đến chỗ có sóng bạc đầu & nhờ sóng đưa bạn vào bờ.

- Đối với người bơi yếu
+ Bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển / đuối sức, hãy
giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.
+ Nếu đòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển
để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ. Một lần
nữa, nếu thấy không thể chạm bờ biển / đuối sức, hãy giơ tay lên
ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.
- Nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên
nghiệp & bơi ở vùng an toàn, cần quan sát các chỉ báo an toàn & nếu
cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển
mà bạn sắp xuống tắm.

- Cần biết bơi & không nên bơi một mình. Nếu bạn không chắc thì
không nên xuống biển tắm.

Click here to view full size

Lời kết
Trước khi tắm biển, chúng ta cần tìm hiểu đặc điểm & độ an toàn của bãi biển mà chúng ta sắp xuống tắm. Chúng ta cần dành vài phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ & không nên bơi gần những vùng đó, luôn nhớ là vùng bờ biển lặng sóng không có nghĩa là nơi đó an toàn. Khi chẳng may rơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta cần bình tĩnh, tìm cách thoát ra khỏi dòng chảy đó bằng cách bơi song song với bờ biển / bơi vuông góc với dòng chảy xa bờ để vào vùng có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa chúng ta vào bờ. Tuyệt đối không nên bơi ngược dòng chảy xa bờ.

Chúng ta hãy cùng nhau phổ biến kiến thức về dòng chảy xa bờ này đến các cha mẹ trẻ, đến mọi người để giúp các con chúng ta tắm biển một cách an toàn.

Thịt heo quay chay

Phân lượng vật liệu chỉ có tính tượng trưng.



1. Chuẩn bị nước dùng chay: Hầm các loại củ quả như cà rốt, su su, bắp cải... cắt nhỏ; cứ mỗi kí lô nấu nhỏ lửa với 2 lít nước, còn lại 1,5 lít, để nguội, lọc lược qua túi vải cho nước trong đẹp, nêm chút muối cho đậm đà chứ không mặn. Sử dụng nước hầm các loại rau củ này để chế biến các món chay nói chung.

2. Làm phần da với vỏ bánh mì: Dùng loại bánh mì vỏ cứng giòn, ruột mềm xốp. Đây là loại bánh mì quen thuộc ở VN có nhiều kích cỡ lớn nhỏ, nhiều quốc gia như Pháp, Ý cũng có loại bánh mì này. Mặt trên bánh có một vết xẻ dọc hoặc hai ba vết xẻ chéo cho bánh nở rộng, mặt dưới liền lạc. Dùng dao, kéo cắt khoét lấy phần mặt dưới của ổ bánh thành một miếng thẳng thớm, xé lột bỏ bớt phần ruột mềm cho phần vỏ còn dày khoảng non một phân (# 1cm). Chỉ sử dụng phần vỏ cứng này, cắt ra thành từng miếng chừng nửa bàn tay cho dễ làm

3. Tẩm ướp phần vỏ bánh: Nếu bạn có một công thức riêng nào đó hay dùng tẩm ướp phần da heo quay mặn, miễn sao không có phụ gia gốc động vật, đều có thể dùng được. Hoặc dùng công thức gợi ý như sau: 2 muỗng súp nước trong hủ chanh muối + 4 đến 6 muỗng nước lọc + 1 hoặc 2 muỗng súp mật ong cho hỗn hợp vừa có vị ngọt nhẹ + ½ muỗng cà phê ngũ vị hương + 1 muỗng súp dầu ăn + vài giọt xì dầu cho hỗn hợp sẩm màu lại. Dùng cọ sạch quét một lớp hổn hợp gia vị lên cả hai mặt trong ngoài của miếng vỏ bánh, để qua mươi lăm phút cho khô rồi quét lại một lần nữa, để khô hoàn toàn.

4. Làm phần mỡ với bột năng: Dùng 1 chén bột năng, châm từ từ vào chừng 1 chén nước dùng chay cho hỗn hợp vừa sệt, bắc lên bếp, nhỏ lửa, khuấy bột năng nửa sống nửa chín, hỗn hợp phải đặc sệt nhưng đổ ra vẫn ở dạng chảy được. Thời gian khuấy một chén bột chỉ chừng hai phút. Để nguội bột.

5. Làm phần thịt nạc với đậu xanh:

- Dùng một chén đậu xanh đã đải vỏ, nấu chín như nấu cơm rồi tán nhuyễn mịn hoặc tùy ý thay đậu xanh bằng khoai môn lột vỏ cắt miếng, hấp chín, tán nhuyễn mịn.

- Khuấy 2 muỗng súp bột năng với 2/3 chén nước dùng nguội. Tùy thích thêm vài giọt màu đỏ, hồng ..(loại màu thực phẩm hay dùng làm kem bánh ngọt) vào nước bột khuấy đều để tạo màu cho đậu giống "thịt" hơn.

- Cho nước bột vào bột đậu bắc lên bếp, nhỏ lửa, khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp sệt mịn lại, tùy ý nêm trộn đều với chút xíu muối, tiêu, dầu ăn.

6. Tạo hình cách 1 dạng thịt đùi: Đổ lên mặt trong miếng vỏ bánh mì một lớp bột năng dày chừng 3 phân, tải đều ra, xong rồi đổ tiếp lên một lớp đậu xanh dày chừng 4 đến 5 phân, đắp nặn thành khối đẹp mắt, lớp bột đậu này sẽ đè lớp bột năng lún xuống là vừa đẹp hoặc tùy vào độ sệt của bột và sự khéo tay của người làm. Khi thao tác trét bột nên lưu ý làm nhẹ và đều tay sao cho nhìn thấy ba phần da, mỡ, thịt, liền lạc (H. 2 và H. 3). Tạo hình cách 2 dạng miếng thịt ba chỉ: Làm như cách 1 nhưng trét chen kẻ hai lần cứ một lớp bột năng dày 1 phân, rồi một lớp bột đậu dày 2 phân.



7. Sơ chế: Chuẩn bị xửng hấp, nước sôi lớn. Dùng dĩa sứ, để ngửa từng miếng bánh đã trét các lớp bột vào dĩa, hấp chỉ trong một phút trở lại vừa đủ cho lớp bột năng chín đều và trở trong là được, đừng hấp lâu, lớp vỏ bánh sẽ bị nát và đây cũng là lý do tại sao nên làm từng miếng nhỏ. Hấp xong để miếng "thịt" nguội hoàn toàn cho phần vỏ khô ráo hẳn (H. 4). Khâu này có tác dụng duy nhất là làm cho phần bột năng chín, đông lại và có sắc trong.



8. Chiên: Chuẩn bị xẻng phẳng; chảo đáy phẳng, chảo không dính càng tốt, cho vào một lượng dầu vừa đủ ngập phần da vỏ của miếng bánh, để dầu nóng vừa, đặt ngửa miếng "thịt" vào chảo cho phần vỏ cứng tiếp xúc với đáy chảo, khi thao tác chiên, dùng xẻng ép nhẹ tay lên mặt "thịt" cho phần vỏ tiếp xúc đều với đáy chảo, múc từng ít dầu rưới đều lên mặt đậu một hai lần cho thấm vị dầu. Chiên trong thời gian rất ngắn kẻo cháy vỏ bánh, vừa đủ thấy lớp vỏ phồng dộp lên là dùng xẻng xúc ra liền và luôn để ngửa miếng "thịt". Để nguội.

9. Cắt “thịt” quay chay: Để ngửa "thịt" lên mặt thớt, phần da tiếp xúc với thớt, dùng dao mỏng bén đặt lên mặt đậu rồi nhẹ tay xắn "thịt" thành từng miếng từ trong ra chứ không phải chặt từ ngoài vào. Tùy ý xắn thành miếng to nhỏ, khi sắp vào dĩa thì để ngang miếng thịt cho thấy rõ ba phần da, mỡ, thịt cho đẹp mắt (H.5).

10. Nói thêm:

- Thao tác khuấy bột năng, bột đậu xanh… cần chút ít kinh nghiệm riêng của người đứng bếp để nhận xét, nếu làm quá đặc thì các lớp "mỡ, nạc…" sẽ khó kết dính vào nhau, quá loãng thì sẽ khó tạo hình. Đây là điều không hướng dẫn hàm thụ được. Nếu cần, phải làm nhiều lần để tự mình rút kinh nghiệm.

-Gợi ý về việc dùng những vật liệu khác để thay thế vỏ bánh mì giòn VN: Bánh mì sanwich vuông, nướng lại cho phần vỏ trở vàng giòn hơn; bánh mì tròn vỏ giòn của châu Âu. Tại Bolsa, Cali. có rất nhiều cửa hàng của người Việt bán bánh mì ổ làm theo kiểu VN.

- Gợi ý về dùng vật liệu khác để làm phần "thịt nạc": Dùng hột sen nấu chín mềm tán mịn; hoặc dùng chả chay cắt lát mỏng chừng 1,5cm đặt lên lớp bột năng thay cho lớp đậu xanh rồi mới đem hấp, khi cắt thì phần chả chay này khá giống thịt nạc hơn nhưng khó dính chắc vào lớp mỡ.

- Chất lượng dầu sử dụng để chiên quyết định phần lớn chất lượng món ăn, nếu dùng dầu olive hay dầu hạt hướng dương, dầu đậu phụng. món ăn sẽ rất thơm ngon.

Wednesday, May 19, 2010

SÁM HỐI

Hoà Thượng Thích Thanh Từ


I.- MỞ ĐỀ
Mắc bệnh ung nhọt làm mủ trong thân, người bệnh cần phải gan dạ mời giải phẫu sư mổ ra và cạo rửa mủ máu cho sạch, có thế thì bệnh chóng lành. Nếu bệnh nhân hèn nhát không dám cho mổ, để ấp ủ lâu ngày, ung nhọt có thể làm nguy hiểm đến tánh mạng. Cũng như thế, người tu lỡ phạm những điều tội lỗi, gan dạ đến những bậc đức hạnh thành tâm phát lồ sám hối thì tội lỗi chóng sạch. Ngược lại, kẻ ấy hèn nhát cứ một bề che giấu, tội lỗi càng ngày càng trầm trọng, đến mai kia có thể sa đọa không thể cứu. Chúng ta là phàm phu, là kẻ đang tập tu, không sao tránh khỏi những điều sai lầm tội lỗi, chỉ quí ở chỗ có lỗi biết thành tâm sám hối, không dám tái phạm, khiến tội lỗi sạch dần cho đến ngày nào đó hoàn toàn thanh tịnh. Hèn nhát không chịu sám hối là kẻ chấp nhận sự lui sụt của mình, tự hủy bỏ đời sống tu hành của chính mình. Sám hối là phương pháp sách tiến mạnh mẽ nhất, đối với người chân thật tu hành, bỏ sám hối khó ai từ phàm phu tiến lên thánh được.
II.- ĐỊNH NGHĨA
Sám hối là ăn năn hối cải. Những tội lỗi đã làm, chúng ta hổ thẹn, ăn năn không dám tái phạm; những tội lỗi đang làm và sẽ làm, chúng ta hứa sửa đổi không làm. Không phạm tội cũ, không tạo lỗi mới, là chủ yếu của pháp sám hối. Sám hối cũng nói là phát lồ sám hối. Phát lồ là vạch trần những tội lỗi mình đã làm phơi bày trước bậc đức hạnh để thành tâm sám hối. Làm thế, do tâm hổ thẹn, cầu tiến mới dám gan dạ đến trước bậc đức hạnh phơi bày hết tội lỗi của mình cầu xin sám hối. Giá trị căn bản nhất là, hổ thẹn và cầu tiến, hai tâm này là động cơ chính yếu trong việc sám hối. Vì hổ thẹn và cầu tiến chúng ta mới sám hối, sau khi sám hối dứt khoát không tái phạm gây tạo nữa. Trọng tâm của sám hối là ở chỗ này.
III.- HÌNH THỨC SÁM HỐI
Sám hối tương tợ nghĩa xin lỗi của người thế gian. Người thế gian lỡ phạm lầm lỗi với ai khiến họ phiền muộn, biết mình có lỗi gan dạ đến xin lỗi, lỗi lầm ấy liền được tha thứ, nếu người rộng lượng, hoặc giảm bớt buồn phiền, nếu người cố chấp. Biết nhận lỗi mình và gan dạ đi xin lỗi, quả là người tiến bộ đáng khen. Người tu cũng thế, nếu vì ba nghiệp không khéo gìn giữ, có ngôn ngữ hành động làm cho người chung quanh mình phiền não, nhận rõ lỗi mình, gan dạ đến ngay đương sự thành tâm sám hối. Nếu người thật tu hành, không ai chẳng tha thứ cho người đã biết lỗi sám hối. Thế là tội lỗi liền đó dứt sạch.
Nếu người tu vì si mê che đậy lỡ phạm những giới của mình đã thọ, cần phải hổ thẹn gan dạ đến trước những vị đức hạnh phát lồ sám hối. Do lòng thành của mình và nhờ sự chứng minh của bậc trưởng thượng, chúng ta nỗ lực cố gắng không tái phạm những lỗi lầm cũ và không tạo tội lỗi mới. Các bậc đức hạnh không thể tha tội lỗi cho chúng ta, song nhờ các ngài làm đối tượng cao quí khiến những lời hứa nguyện của chúng ta có thêm sức mạnh, cho đến cả đời không quên. Biết ăn năn lỗi cũ, không tạo tội mới, đây là lý do hết tội của người sám hối.
Trên đường tu hành, chúng ta thấy chướng nhiều thuận ít, hoặc trong khi phát nguyện tu hành gặp toàn những trở ngại, hoặc thân thể bệnh hoạn ngăn trở sự tu, hoặc túc nghiệp ác duyên khiến mờ mịt ngu tối... gặp hoàn cảnh này, chúng ta nên đến trước hình tượng Phật, Bồ-tát thành tâm sám hối. Bởi những nghiệp duyên đời trước, hiện nay chúng ta không nhớ không biết, chỉ thấy những hiện tượng bất tường, nhận ra mình còn nhiều ác chướng, đến trước Phật, Bồ-tát thành tâm sám hối. Với lòng thiết tha tâm chân thành, chúng ta đảnh lễ Phật, Bồ-tát, quì gối chí thành phát lên những lời chí thiết sám hối và hứa nguyện, cầu Phật, Bồ-tát chứng minh. Bởi lòng thành khẩn thiết tha này, nên sám hối tội lỗi chóng sạch. Lời văn sám hối những nghiệp chướng cũ thu gọn trong bốn câu này:
Xưa con đã tạo bao ác nghiệp
Đều bởi muôn thuở tham sân si
Từ thân miệng ý mà phát sanh
Tất cả, nay con xin sám hối.
IV.- TINH THẦN SÁM HỐI
Sám hối đúng ý nghĩa của nó phải có đủ tâm hổ thẹn và cầu tiến. Vì hổ thẹn, chúng ta không thể chứa chấp tội lỗi mãi, cần thành tâm sám hối rồi mới an ổn. Với tinh thần cầu tiến chúng ta phải dứt khoát những lỗi lầm đã qua bằng cách sám hối, để vui vẻ tiến lên con đường đạo đức. Có thế, sự tu hành tinh tấn không bị chướng ngại. Bởi hổ thẹn và mong mỏi vươn lên, sau khi sám hối, chúng ta tuyệt đối không để tái phạm những lỗi cũ. Chính khi sám hối không phải bị ai bắt buộc, chỉ do tâm hổ thẹn thúc đẩy, chí thành tha thiết sám hối. Lòng chí thành tha thiết sẽ giúp chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.
Tuy nhiên, đã thành tâm sám hối lý đáng không được tái phạm lỗi ấy nữa, song vì hoàn cảnh bất khả kháng, hoặc vì tâm yếu mềm chống chọi không lại, rồi dẫm lại vết xưa. Thế đã dở lắm rồi, nhưng chúng ta cũng thành tâm sám hối đừng nản. Còn biết sám hối, chúng ta còn thấy đó là tội lỗi, nếu buông xuôi luôn, tội lỗi càng ngập đầu. Vì thế, có khi một lỗi phạm đến đôi ba lần, lần nào chúng ta cũng vẫn mạnh dạn sám hối, đừng vì tự ái không dám sám hối những lỗi đã tái phạm, tự ái này là gốc khiến ta buông lung tột độ.
Tinh thần sám hối buộc chúng ta phải thành khẩn thiết tha, hổ thẹn cầu tiến, vạch trần những lỗi lầm đã làm, cầu xin sám hối. Vì vậy, khi sám hối đương sự phải cần cầu tha thiết, lời lẽ trình bày chân thành rành rõ thiết yếu, phát nguyện chừa cải một cách mạnh dạn, mới đúng ý nghĩa sám hối. Nhưng gần đây các chùa cứ theo lệ xưa, chiều mười bốn và chiều ba mươi tổ chức lạy sám hối Hồng Danh, sau khi lạy quì xuống tụng nguyên bản văn dịch âm chữ Hán, Phật tử đọc thuộc lòng mà không hiểu biết gì hết. Như thế, cứ lạy tụng xong gọi là xong thời sám hối. Sám hối như thế mất hết tinh thần cao cả, ý nghĩa thâm sâu của nó. Hằng ngày Phật tử làm những tội lỗi gì cũng được, miễn đến ngày mười bốn và ba mươi đi sám hối một thời là sạch. Quả là một việc làm lấy lệ không đúng tinh thần đạo Phật.
V.- LỢI ÍCH SÁM HỐI
Nếu người phạm tội một lòng thành khẩn thiết tha sám hối, sau khi sám hối tuyệt đối không tái phạm, người này chưa phải là thánh, nhưng đã là bậc hiền. Bởi vì tất cả thế gian này có ai không có tội lỗi, chỉ khác nhau nhiều hay ít, biết chừa cải hay không biết chừa cải ấy thôi. Đã có tội lỗi mà biết ăn năn hối cải, tội lỗi ấy sẽ giảm xuống dần dần, cho đến hết, người như thế không phải bậc hiền là gì? Cho nên trong cuộc sống này, chúng ta đừng đòi hỏi mình hay mọi người không có tội lỗi, chỉ cần khi lỡ phạm tội lỗi mình cũng như mọi người phải hổ thẹn ăn năn thành tâm sám hối, nguyện chừa cải hẳn sau này. Được thế, chúng ta đều là con người tiến bộ, là kẻ sẽ vươn lên bậc Hiền Thánh ở mai kia. Sám hối muốn hết tội phải nhắm thẳng động cơ chánh yếu của nó. Như bài kệ này:
Tánh tội vốn không do tâm tạo
Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong
Tội trong tâm diệt cả hai không
Thế ấy mới là chân sám hối.
Hành động ăn cướp ăn trộm, tự nó không thể thành nghiệp phải do lòng tham thúc đẩy. Lòng tham là động cơ chánh yếu của hành động trộm cướp. Thế nên nói “tánh tội vốn không do tâm tạo”. Lòng tham dứt rồi thì hành động trộm cướp làm gì còn. Quả là cả tâm cả tội đều sạch, sự sám hối này mới là chân chánh sám hối. Chân chánh sám hối thì tội lỗi nào mà chẳng sạch.
Hoặc khi sám hối thì thành khẩn tha thiết, song sau đó lại mau quên thỉnh thoảng lại tái phạm. Tái phạm lại sám hối, năm lần mười lượt như vậy, tuy tội không sạch được, mà do bền chí sám hối nó cũng mòn dần. Đây có thể là trường hợp của hạng trung bình chúng ta. Chúng ta chưa được một lần sám hối là dứt khoát không phạm, mà lâu lâu lại tái phạm tội cũ. Đừng thối chí đừng nản lòng, chúng ta lại dập đầu sám hối nữa. Biết như thế là dở, song dở phải chịu dở chớ sao; biết dở chịu dở còn hơn người không biết không chịu.
Có sám hối là có suy giảm tiêu mòn, chúng ta hằng ngày mang tâm hổ thẹn, lòng thiết tha sám hối mãi. Nhắc đi lập lại đôi ba mươi lần, nó cũng có sức mạnh, đây là hành động thấp mình khiến tâm ngạo mạn tiêu mất, lâu ngày công đức cũng được đầy đủ. Dám sám hối cũng là một việc làm can đảm, nó là sức mạnh đẩy chúng ta tiến lên. Tu mà không gan dạ sám hối, quả là người hèn nhát che dấu không thể nào tiến lên được.
VI.- KẾT LUẬN
Người đời đa số có tội lỗi tìm mọi cách khéo léo che giấu đắp điếm cho người khác đừng thấy lỗi mình, chúng ta có lỗi can đảm nhận chịu và can đảm phơi bày cho người khác biết để sám hối. Thế đã vượt hơn người đời một bậc đáng kể rồi. Huống là, biết lỗi rồi ăn năn hổ thẹn quyết tâm chừa cải để khỏi phạm lại lần thứ hai, người này hẳn đã đi theo bước đường của Hiền Thánh. Căn bản của sự tu hành là sửa đổi những điều dở, nếu chúng ta không còn dở thì ai cần tu. Sửa đổi những điều dở, sám hối là thượng sách. Người biết sám hối, là biết tu, ngược lại có lỗi mà không biết sám hối, dù có mang hình thức nhà tu kẻ ấy cũng chưa biết tu. Sám hối với một tâm chí thành, với một lòng tha thiết, xấu hổ những lỗi đã làm, quả quyết không tái phạm, người này không còn tội lỗi nào mà chẳng sạch. Dù có tạo tội bao nhiêu, họ vẫn là người tốt ở mai sau.