Ðoạn lìa phiền não
Chủ đích đã có, Ðại đức Ananđa an ủi và khích lệ:
- Này Cô-ki-là, đời sống bắt đầu từ những yếu tố đáng nhờm gớm và hổ thẹn. Hiện hữu của nó là sự tập hợp của tứ đại. Chung cuộc của nó là tiêu tán khổ đau. Mở mắt chào đời ta khóc. Nhắm mắt lìa đời ta cũng khóc. Nếu lúc chào đời trẻ thơ nắm chặt đôi tay biểu hiện cho khả năng chiếm hữu thì khi nhắm mắt lìa đời người ta xòe tay cảnh tỉnh thế nhân hãy hồi quang tu tỉnh. Này cô, tôi xin phép kể cô nghe cuộc đời của tôi. Tôi là em họ Ðức Tôn Sư, được sinh trưởng trong dòng Thích Ca quí tộc và xuất gia lúc 36 tuổi. Một công tử tuổi đời như vậy thì tránh sao khỏi vướng dây tình ái. Chính nhờ sự từng trải, lịch kinh nên tôi khẳng định được rằng: Yêu là khổ. Tình yêu hành hạ thể xác, đày đọa linh hồn.
Mọi người đều muốn được như ý nguyện trong địa hạt tình yêu, nhưng chính tình yêu thì chưa cho ai được toại nguyện. Nó là độc chất phá hoại toàn bộ cơ cấu nội tâm. Hạnh phúc của tình yêu cũng giống như bệnh nhân muốn mau bình phục rồi uống mã tiền. Cô không nên chạy theo tiếng gọi của tình yêu vì khi tình yêu ngự trị, sai sử thì tâm hồn đâm ra loạn động, càng loạn động càng khổ sở. Tình yêu trông xa đẹp như núi tuyết, nhưng đến gần chỉ có lạnh lẽo, hoang liêu. Cô hãy nhìn thẳng vào cuộc sống, đừng nuối tiếc những gì đã qua, đừng mong cầu những gì chưa đến. Cuộc sống tuy có hiện thành nhưng mau tiêu tán, như lượn hải triều trườn mình lên bãi cát. Cô-ki-là ơi, tình yêu sẽ làm mờ tối lương tri như áng mây trôi che vầng trăng sáng. Bẩm tánh nữ giới hay mắc cở, xấu hổ nhưng khi đã yêu thì không còn biết xấu hổ nữa. Do đó, rất dễ đi sâu vào con đường tối tăm, tội lỗi, như trẻ thơ bị lạc ở trong rừng. Lúc bấy giờ cái cô đơn nguy hiểm của rừng sâu, không còn là vấn đề, mà chính sự cô đơn, hoang mang, lo sợ của đứa trẻ mới đáng ngại. Có những người, trông hình thức bên ngoài thật là ấm êm, hạnh phúc, nhưng nội tâm là trận cuồng phong bão tố. Cái cô đơn của người đâu phải vì thiếu bạn, thiếu tình mà vì thiếu lý tưởng để tôn thờ, thiếu hải đảo chánh pháp để nương tựa. Còn riêng cô thì đã có tất cả. Vậy cô hãy tiếp tục tôn thờ và nương tựa. Hãy chấp nhận dấn thân cho mục đích cao đẹp đó. Còn tình yêu thì như chiếc thuyền lủng đáy, bám vào nó là tự trầm mình.
Chánh pháp là thuyền từ cứu độ, là đuốc tuệ soi đường. Khách trầm luân hãy bám vào thuyền Từ, còn kẻ lạc lối, hãy cầm lấy đuốc Tuệ. Bất cứ hành động nào đưa đến hậu quả đắng cay, ân hận, Ðức Tôn Sư khuyên chúng ta tuyệt đối không nên làm. Do đó, dù thể xác héo hon, dù cuộc đời cay đắng, cô không nên bỏ quên chánh pháp. Nếu phải chết thà chết vì chánh pháp chớ không nên chết vì tình yêu. Làm người ai cũng có lúc quên mình, lầm lỗi, nhưng một khi đã hồi quang phản tỉnh thì đài sen giác ngộ cũng gần. Biển cả bao la nhưng quay đầu sẽ thấy bến. Hơn nữa cô là bậc xuất gia, một phẩm hạnh thanh cao, một tâm hồn ly tục, một ý chí kiên cường, thì cô hãy tích cực và xứng đáng.
Các loài trầm, kỳ dù khô vẫn giữ được mùi vị; tượng chiến lâm trận dù chết không lùi, mía dù bị ép, bị nấu vẫn ngọt; bậc trí tuệ dù gặp khổ đau thà chết vẫn không bỏ đạo. Cô đã từ bỏ cuộc sống của một thiếu nữ tầm thường, đã từ bỏ hình thức thế nhân, đã đem thân nương nhờ cửa Phật thì cô hãy cố gắng từ bỏ những liên hệ về tư tưởng khác phái, vì nó là kẻ thù nguy hiểm của phạm hạnh. Chắc cô cũng biết: trong năm người mới có một người anh dũng, ngàn người mới có một người nói thật, nhưng trong loài người khó tìm được một kẻ thoát ly.
Ðức Tôn Sư có dạy, nhờ ái dục để dứt ái dục, nhờ kiêu mạng để lìa kiêu mạng, nhờ vật thực để ngăn vật thực, nhưng vấn đề tình dục thì không thể như vậy được.
Câu nói: “Nhờ ái dục để dứt ái dục” , nghĩa là khi ta được nghe có vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, u-bà-tắc, u-bà-di đắc đạo chứng quả, rồi ta cố gắng tu hành để được thành đạt như những người đó, gọi là nhờ ái dục để dứt ái dục.
Câu nói: “Nhờ kiêu mạng để lìa kiêu mạng “, nghĩa là khi nghe có người đắc đạo chứng quả thì tự ái nổi lên, nghĩ rằng người ta làm được tại sao mình không làm được rồi cố gắng tu hành để thành đạt đạo quả. Ấy gọi là nhờ kiêu mạng để lìa kiêu mạng.
Câu nói: “Nhờ vật thực để ngăn vật thực “, nghĩa là các bậc chân tu thường quán tưởng: vật thực chỉ để nuôi mạng sống như người lạc giữa sa mạc bắt buộc phải ăn xác chết để tự cứu. Nhờ đó các Ngài không bị dính trong vị ngon và cố gắng công phu hành đạo. Gọi là nhờ vật thực để ngăn vật thực.
Này Cô-ki-là, riêng tình dục thì không thể nhờ chính nó để dứt được, trừ phi tích cực hành đạo để đoạn lìa. Ðức Phật dạy: ngũ dục là vô thường, vui ít khổ nhiều, dẫy đầy tội lỗi, cực nhọc là nhân, khổ sở là quả. Tình dục là mẹ đẻ của luân hồi.
Giảng xong, Ðại đức chờ xem phản ứng. Quả thật, thời giảng có kết quả. Nàng ngồi dậy, đắp y chỉnh tề, quì đãnh lễ gần chân Ðại đức, tức tửi, nói chẳng nên lời.
Trên thế gian này, nếu sự đau khổ và sự nhục nhã không tác động song hành thì hậu quả không đáng kể. Nhưng nếu cả hai cùng lúc phát khởi thì tác hại của nó sẽ vô cùng khủng khiếp nhất là đối với phái nữ.
Nàng tủi thẹn và hờn tức vì tình yêu không được đáp ứng. Lời nói của Ðại đức Ananđa như mũi lao nhọn đâm vào tim nàng. Càng xấu hổ hơn nữa, khi nàng nhận thấy Ðại đức không tin thái độ và tư cách của mình. Nàng cảm thấy như bị tạt nước vào mặt. Nàng quì im lặng, nghẹn ngào. Giây phút trôi qua, Ðại đức Ananđa lên tiếng:
- Cô-ki-là hãy nín đi, đừng khóc nữa. Vì khóc lóc không giải quyết được gì và cũng không làm vơi cạn sự khổ đau ngập lòng. Tội nghiệp cho nàng, vì Ðại đức Ananđa chỉ nói toàn những lời của bậc thánh nhân thoát tục.
Vị tỳ kheo phải quay mặt nơi khác vì không đủ can đảm nhìn cảnh đoạn trường của người khác phái.
- Bạch Ðại đức – nàng nói qua tiếng nấc – tôi sẽ quyết tâm phụng hành lời dạy của Ðại đức dù phải đắng cay cùng cực. Tôi không tự trọng nên phải khổ lụy đến mức này. Thân phận tôi chỉ là một kẻ nô tỳ hèn hạ. Tình yêu đã làm tôi mù quáng, quên giai cấp, dòng dõi, đi yêu một người thượng lưu quí tộc. Bạch Ðại đức, thân nghiệp và khẩu nghiệp của tôi hoàn toàn vô tội, nhưng ý nghiệp chắc chắn là đã bợn nhơ. Tôi yêu Ðại đức, một tình yêu chân thành tuyệt đối, nếu hành động ấy có lỗi, xin Ðại đức từ bi hỉ xả.
Nói xong nàng cúi xuống, nước mắt dầm dề làm ướt một phần chiếc áo cà-sa.
Nhìn gương mặt bơ phờ ủ dột của nàng, Ðại đức an ủi:
- Này Cô-ki-là, cô không nên đề cập đến vấn đề giai cấp, vì tôi đã quên nghĩ đến lâu rồi. Sở dĩ tôi không yêu cô không phải vì sự dị biệt giai cấp, mà vì tôi nhận chân được cái tội lỗi và hậu quả đắng cay của tình yêu. Hiện tại, tôi có bổn phận phục dịch Ðức Bổn Sư và cố gắng thành đạt đạo quả để đoạn trừ phiền não. Bao giờ phiền não còn, là bấy giờ luân hồi còn. Ðức Bổn Sư dạy rằng: hiện hữu là nguyên nhân của thống khổ. Nếu dễ duôi để bị đọa vào khổ cảnh thì con đường giải thoát sẽ bị trì trệ lâu dài. Cô đừng bận tâm về việc bất đồng giai cấp. Mọi người sinh ra để rồi chịu chung định luật già, đau, chết. Tất cả đều bất lực và cô đơn. Vả lại, con người máu đều đỏ, nước mắt đều mặn, biết tham sống, sợ chết, ghét khổ ưa vui cũng như các loài cây khi bị đốt cháy thì màu than vẫn đen, màu tro vẫn xám và màu lửa vẫn hồng. Hòa mình chung lo hạnh phúc an bình cho chúng sanh là một hành động thức thời, hữu ích. Còn giai cấp cao thấp không thành vấn đề. Vì bất cứ giai cấp nào một khi đã hành động bất thiện thì tội ác như nhau, còn nếu hành động thánh thiện thì phước đức cũng như nhau.
Tôi ước mong cô đừng nghĩ tới vấn đề giai cấp làm chi cho thêm tủi phiền, mà hãy cố gắng, tích cực hành đạo cho mau giải thoát.
Cô-ki-là ơi! Bản chất tình yêu vốn đau khổ, lại càng đau khổ hơn nếu yêu không đúng chổ. Chẳng hạn như cô yêu tôi, hay tôi yêu cô, gọi là yêu không đúng chổ. Vậy xin cô hãy tự dứt khoát, đừng vương vấn mà chuốc lấy lụy phiền. Nếu làm được như vậy, là cô sẽ đạt đến một hạnh phúc tuyệt vời, vừa an lạc, vừa thanh tịnh.
Trên đường về Ðại đức Ananđa đi thẳng đến ao sen và ngồi nghỉ trên một băng đá. Ðại đức thở dài, nặng nhọc như muốn trút bỏ những nổi u hoài. Ðại đức bảo vị tỳ kheo đi chung về trước và dặn:
- Khi nào Ðức Bổn Sư gọi, hãy ra đây tìm tôi.
Hồi tưởng những chuyện đã qua, Ðại đức cảm nhận có một thứ tình cảm nhẹ nhàng đối với Cô-ki-là. Nhưng nhờ đại duyên, đại hạnh trong tiền kiếp yểm trợ, nên Ðại đức tự ngăn được sóng lòng. Ðại đức tự giáo hóa: này Ananđa, ngươi mới đắc Tu đà hườn, tham ái, sân hận, si mê vẫn còn. Ngươi không nên dễ duôi, gần gủi và gặp gỡ Cô-ki-là, vì ý căn rất khó uốn nắn, chế ngự như voi nổi cơn tà dục.
Ananđa, ngươi hãy huy động chánh niệm để án ngự ý căn, không nên để nó tự do phóng túng mà phải nắm thế chủ động. Người mà Ðức Tôn Sư ban khen là chiến sĩ là người có khả năng chế ngự và tự thắng.
Sau khi tự giáo hóa, Ðại đức vào bái kiến Ðức Phật và tường thuật đầy đủ diễn tiến của sự việc vì Ðại đức không bao giờ dấu diếm Ðức Phật bất cứ điều gì. Ðức Tôn Sư dạy:
- Này Ananđa, ngươi quên rằng bậc tu đà hườn không bao giờ đọa vào hạ cảnh và chắc chắn sẽ đắc Alahán trong một hoàn cảnh thuận duyên. Ngươi chớ khá nghĩ suy, phiền não. Lời dạy vừa chí tình, vừa khích lệ ấy khiến Ðại đức Ananđa vô cùng hoan hỉ.
Chiều hôm sau, tại giảng đường chùa Khô-si-ta, khi Phật tử tập trung đông đảo, Ðức Tôn Sư đăng lâm pháp tòa, uy nghiêm như Ðức Thiên Vương Ðế Thích nơi thiên điện. Ngài phóng hào quang rực rỡ như ánh thái dương. Hội trường im lặng. Ngài nhìn tứ chúng với đôi mắt từ bi. Ðức Tôn Sư nghĩ: đại chúng quả thật nghiêm trang, xứng đáng, chân tay không cử động, không một tiếng ho hen đằng hắng, chứng tỏ một sự tôn kính tuyệt đối. Nếu Như Lai không lên tiếng trước chắc chắn họ sẽ tiếp tục thinh lặng.
Qua huệ nhãn, Ngài thấy rõ thiện duyên thánh quả của tỳ kheo ni Cô-ki-là đã đến thời kỳ liễu chứng. Ðể chuyển hóa và tiếp độ, Ngài đề cập đến bài pháp Chuyển Pháp Luân:
- Này tứ chúng, có hai cực đoan mà các người không nên hành trì. Một là lợi dưỡng hưởng lạc. Hai là khổ hạnh ép xác. Cả hai đều không phải thánh đạo, là con đường hèn hạ, tầm thường, phàm tục, bất thiện và vô bổ. Trái lại, này tứ chúng, có một con đường trung dung cao thượng, thánh thiện, hữu ích, giác ngộ, đó là con đường thánh đạo có tám chi: thấy đúng, nghĩ đúng, nói đúng, nghề nghiệp đúng, nuôi mạng đúng, tinh tiến đúng, niệm tưởng đúng, và định tâm đúng.
- Này tứ chúng, khổ là sự thật. Hiện hữu là sự tập thành của ngũ uẩn và tứ đại. Do đó, hiện hữu khai nguồn cho thống khổ: sanh khổ, già khổ, đau khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ… Tóm lại, những gì liên hệ đến ngũ uẩn là khổ, khổ thường trực, khổ lớn lao.
- Này tứ chúng, khổ là sự thật. Nguyên nhân khổ cũng là sự thật. Nguyên nhân ấy là ái dục, tức sự khao khát, mắc dính trong cảnh giới vừa lòng, trong sự hiện hữu và trong những vật sở hữu. Những sự mắc dính khao khát vừa kể là nguyên nhân của mọi thống khổ.
- Này tứ chúng, cảnh giới an lạc tuyệt đối không còn bị chi phối bởi phiền não và các sự thống khổ, chính là sự đoạn diệt, ly tham, không còn dư tàn khát ái, là sự khai trừ, quăng bỏ, giải thoát, không còn chấp trước là một sự thật.
- Này tứ chúng, con đường hành trình đến cảnh giới Niết bàn cũng là một sự thật. Con đường có 8 chi này Như Lai đã đề cập nơi phần Trung đạo.
- Các ngươi hãy nương nhờ chánh pháp. Như Lai chỉ là người hướng đạo. Phần tinh tiến thiêu hũy phiền não là nhiệm vụ của các ngươi. Con đường giải thoát Như Lai đã chỉ dạy, vậy các ngươi hãy tự hành trình.
Thời pháp hôm ấy, kết quả vô cùng khích lệ. Riêng tỳ kheo ni Cô-ki-là thì như người chết đuối vớ được phao, như lữ hành sa mạc gặp nước. Nổi vui mừng biến thành phỉ lạc. Năng lực định tâm chuyển thành minh sát. Những vi tế phiền não đã bị đoạn lìa. Tâm trạng Cô-ki-là vô ưu, vô nhiễm, và chứng ngộ Thánh đạo Alahán. Từ đây tỳ kheo ni Cô-ki-là được dự phần trong đại gia đình Thánh nhơn vô lậu.
http://www.quangduc.com/