Saturday, July 17, 2010

Chăm Sóc - Quan Tâm

“Thường nhân trọng của cải
Kẻ sĩ liêm khiết trọng danh
Hiền tài trọng khí tiết
Thánh nhân trọng tinh thần”


Con người cũng như mọi vật khi đã vô tình hay hữu tình hiện diện cái sắc tướng trong đời thì ai, vật nào cũng cần điểm tựa. Điểm tựa của thai nhi là bụng mẹ, điểm tựa của đứa bé là cha mẹ, điểm tựa của người lớn là vị trí, chỗ ngồi, chỗ đứng, chỗ nằm. Điểm tựa của người già là con cháu , điểm tựa của người chết là huyệt mộ. Điểm tựa của huyệt mộ là đất….Vậy dùng thứ gì để cho bất cứ thời gian nào, không gian nào, thời điểm nào điểm tựa cũng an toàn vững chãi?

Xin thưa đó là “Đức”. Dùng đức trước sau mọi thứ đương nhiên điều hòa.
Thánh nhân dạy khi dùng được đức thì tính bao dung xuất hiện mọi nơi, mọi chỗ ta người đều dung thông, tự tại. Thường ta nghe nói lời thiện, nghe đọc chuyện thiện, nghe làm việc thiện, lập tức hai chữ “nhân đức” xuất hiện.
Ở đâu nhân đức xuất hiện (nhân đức tức là người có đức độ, hay gọi là đức độ của con người) thì ở đó có Đạo. Vậy khi con người đối xử với nhau hài hòa, trước sau, mạnh yếu, suy thịnh đều giữ một mực tin kính thủy chung thì gọi là “Nghĩa”. Khi đã có được Đạo - Đức làm nền tảng thì hồn nhiên hiển bày Nhân – Nghĩa .

Gió thổi vi vu , suối reo chim hót …đều là nhạc. Con người vui buồn, sướng khổ, sầu thương đều bày tỏ bằng nhạc. Âm thanh mang hình tướng và hình tướng tự nơi tâm mà sanh. Nên gọi là Âm nhạc – âm nhạc giúp con người cũng như mọi sinh vật trở nên thuần khiết, trở về với bản tính tự nhiên của mình. Khiêm cung, chân thành, nghiêm chỉnh, bao dung, trí tuệ trong hành vi, trong ý nghĩ , trong lời nói, cử chỉ khoan thai, đoan trang sáng rỡ dung mạo. Từ đó chúng ta nhận ra lời hoa mỹ dùng che đậy nội dung trống rỗng luôn làm hại cái chất phát và sự học rộng mà không đi được cùng chánh pháp sẽ làm chìm đắm tâm linh. Con người biết bảo toàn thân mình thì sẽ không dùng lời lẽ phù hoa để tô điểm cho trí tuệ. Khi được trao danh phận nên nhìn cho kỹ, suy cho cạn cùng xem có hợp với thực tế hay không! Trước khi nhận làm tròn một bổn phận nào cần phải nhìn trước ngó sau xem mình có khả năng, có thích nghi ! Bởi vì nói cho cùng thì khi thuận với bản tính thì Đức đương nhiên phát sinh mà dùng Trí không thôi thì trước sau cũng đi đến sát sinh , tàn hại.

Tóm lại, ai trong chúng ta cũng cần học để biết cách dùng cái “kho báu” của mỗi người. Đừng ém cái tự nhiên, đừng bao giờ vô tình hay cố ý diệt thiên tính ở con người ! Công dụng của chữ nghĩa nhằm mục đích chuyển tải phần nội dung trọng yếu hàm chứa ý sâu bên trong, học cái hay cái đúng là học được sự thật mà chữ nghĩa dùng diễn tả. Phân tích từng câu, từng chữ có thể coi như là công việc vô ích dành để thỏa mãn tri thức thế gian. Phát huy sự thấy đúng như thật khác với vọng thức, bởi vọng thức không hề giúp giải quyết tốt đẹp mọi sự mà còn là rào cản, chướng ngăn con đường đến với Đạo – Đức làm vật – làm người.


Khánh An
(Góp nhặt cát đá)

05/02/2010



Cẩm nang Tu Đạo – Sửa mình

“ Hoà Thượng Quảng Khâm“


1 / Pháp môn Tu :

Tu là để tìm lại cái khuôn mặt thật của mình, nhà Phật gọi là “Bản lai diện mục”. Pháp môn vô thượng, không có hình tướng gì hết bởi vì đó là pháp từ trong tâm đến , từ trong tâm đi, từ nơi tâm về. Khi chưa được sáng tỏ thì trì huệ chưa khai mở, giống như mặt trăng bị mây đen che kín, không thể nào thấy được, không thể hiển xuất quang minh được.

2 / Những trở ngại cột chân người Tu :

Trước hết cần trừ THAM – SÂN – SI . Siêng năng thực hành liên tục không lười biếng hầu đạt đến chỗ thân , miệng , ý đều trong sạch.

Những thứ bệnh “ độc “ mang trong người từ muôn kiếp cần phải tự mình phát hiện, tiêu diệt là :
a / - Thấy ai hơn mình thì chê bai , dèm xiểm, thêu dệt, bịa đặt những điều xấu xa để thoả mản cái Ta “ bẩn thỉu “ , để nhằn đánh đổ uy tín, vị trí, sự nghiệp của người đó
b / - Thấy kẻ khác bao giờ cũng xấu xa đáng ghét, phản bội, đê tiện, hèn hạ, dốt nát ..vv…vv Còn mình thì lúc nào cũng đúng , lúc nào cũng tốt, lúc nào cũng thủy chung, cũng nghĩ khí anh hùng , thông minh xuất chúng…vv…vv…
c / - Nghe người ta ngợi khen là vui bất kể lời thật hay dối , nghe người phê bình chê trách, không cần nghĩ suy phải trái , lập tức xụ mặt, ghét bỏ, oán giận để bụng , hằn học để rồi sau đó tìm cách trả thù .
d / - Lúc nào cũng cho rằng chỉ có chuyện của mình, tài của mình, những vấn đề cũa mình đặt ra mới quan trọng còn hết thảy là rác rưởi, là tầm thường, đồ bỏ không đáng để mắt, hay giả vờ chăm chút bề ngoài sau đó lờ đi.

Người như thế thì tâm lúc nào cũng vọng động, dễ rơi vào những sự phân biệt, so sánh chủ quan. Đây là Ta, còn kia là Họ , cái nầy của Ông bà, cái kia cũa Tụi nó ..vv…vv. Thương, ghét bất thường, oán, ân rối rắm, buồn, vui bất chợt. Làm như vậy là họ tự lấy dây nhợ quấn xiết, buộc chặt, ràng buộc mình vào cái gọi là địa ngục của cuộc sống. Đem cái màu đen ảm đạm tưới lên đời mình, và văng cùng vấy bẩn những người chung quanh mà không ngờ

3 / Những việc cụ thể Người cần làm khi bước chân vào đường Tu :

a / - : Người gồm có Mắt,Tai , Mũi, Lưỡi , Thân , Ý ( năm thứ hiện diện, sờ đụng, nhìn thấy, xử dụng. Cài còn lại là Ý, chỉ xuất hiện khi có năm cái cụ thể kia có mặt.)
b / - Mắt : Nhìn thôi chưa thể thấy hết mọi bề mà còn phải dùng ý để suy gẫm, một cách toàn diện , sau đó mới đi đến quyết định thì ít sai sót . Mắt thì lúc nào cũng thích nhìn cái đẹp cái sang, tưởng tượng cái tuyệt vời nên thường bị đánh lừa.
c / - Tai : Nghe thôi chưa đủ mà còn phải lắng nghe bằng cái đầu, bằng sự quan sát của mắt, sau đó tổng hợp các sự kiện rồi mới cho giải pháp, làm được như vậy thì ai ai cũng yêu quí, tin tưởng, nể nang kính trọng. Tai thì lúc nào cũng rình xem có ai nói xấu mình không.
d / - Mũi : Cái gì thơm tho mấy , hay thối tha mấy khi đã thoáng qua thì cần phải để mắt nhìn ngó, cân phân rồi hãy quyết định xem cần phải xử lý như thế nào, tối gần hơn để ngửi cho rõ hay phải lánh xa để không bị thối lây. Bởi vì có những thứ thoáng qua rất hôi thối nhưng lại rất hữu ích cho con người, ngược lại, có những loại cực kỳ thơm, nhưng ngửi qua rồi sẽ mang bệnh tật triền miên khó chữa lành.
e / - Lưỡi : Thấy món ngon vật lạ hay bất cứ thức ăn uống nào bày trước mắt , cần phải quan sát coi ai mang đến, mang đến để cho mình hay dành cho ai, sao mình được ưu tiên nhiều thứ đặc biệt , đắt tiền , tươi ngon hiếm quí , trong khi người kế bên mình không được như vậy ... Nếu chịu khó ngừng lại suy nghiệm một chút , chắc chắn khi nếm qua sẽ không phải nhận vào mình bệnh trạng , tai hoạ và hối hận đau đớn.
f / - Thân : Là cái duy nhứt con người có sẵn từ khi lọt lòng mẹ, và được quyền xử dụng chính thức cho tới ngày rời chốn thế gian nầy. Thân được đặt tên là “ cóc, ổi, mận, đào, dung , liễu ..vv…vvv. “. Và Thân phải chịu trách nhiệm toàn bộ những đúng đắn lẫn sai sót của Mắt , Tai , Mũi , Lưỡi, và Ý . Là cái không rờ trúng, không nắm trúng, không thấy, không bắt được…Vậy mà chính Ý , sai sữ cái Thân đi làm hết mọi thứ cái Ý muốn. Sự tức giận cũng là một trong những yếu tố quan trọng hình thành, nảy sinh, chất chứa bao nhiêu thứ bệnh tật nguy hiểm cho thân.
g / - Ý : Khởi Ý hay , Ý đẹp , Ý nhân từ, rộng rãi thì lời lẽ thông minh,
khoan hòa , độ lượng. Lời lẽ hay ho êm đệp hữu dụng thì hành xữ phân minh biết đâu là phải , trái. Hành xữ đúng thì Tâm phơi phới, an nhàn , tự tại , hồn nhiên, nhẹ nhàng. Không chất chứa những thứ xấu xa , rác rến, trong đầu thì Tâm, Ý nhẹ nhàng, phơi phới Không có oan nghiệt nào buộc ràng làm cho Thân khổ , Thân mệt, Thân hèn , Thân khốn cùng , bi thiết đến đỗi bị người khinh khi than oán ! Thường thì Ý hay cứng rắn, cố chấp, ngã mạn, kiêu căng, tích lăng xăng , tính toán hơn thiệt. Hãy nên nghiêm khắc với chính mình, nghĩ tốt , nói đúng , làm tận tâm, khoan hòa, thương người. Đó là phương pháp tốt nhất để dần dần tiêu trừ tham , sân , si luôn tìm mọi cách ẩn trú trong mình bao đời kiếp .

Khánh An góp nhặt

Wednesday, July 14, 2010

Nhất giả lễ kính chư Phật.


Một là lạy kính chư Phật. Là Phật tử tại gia hay xuất gia, một khi lễ lạy chư Phật, lòng thành kính trong ta phát khởi. Đó là lẽ thường tình. Nhưng chư Phật đâu chẳng thấy chỉ thấy mấy ông Phật giả, làm bằng ciment, bằng gỗ, bằng giấy lộng khuôn v.v... để rồi đặt tên đặt tuổi, giả danh giả tướng, rồi ốp nhau mà lạy. Lạy dữ lắm, với tất cả lòng thành. Đó có phải là lễ kính chư Phật không ? Đứng về sự mà nói thì không ai cho là sai cả, nhưng lễ kính như thế vẫn chưa đúng nghĩa, chưa hoàn toàn, vẫn còn một ông Phật thiệt đâu đó mà ta chưa lễ kính. Làm thế nào để được lễ kính ông Phật thiệt ? Ông Phật đó ở đâu ?

Ông Phật thiệt không ở đâu xa cả, mà ở trong chính con người chúng ta. Chữ "kính" là tôn kính ông Phật của mình. Chữ "chư Phật" trong câu "Nhất giả lễ kính chư Phật" hàm ý nói lên sự lễ kính Phật tánh của tất cả chúng sanh, không chỉ riêng của mình. Khi ta lập hạnh kính lễ chư Phật (Phật tánh của tất cả chúng sanh) thì có bao giờ ta làm trái lời thệ nguyện ấy không. Trái ngược nghĩa là gì ? Là không cung kính, bất cẩn, bất cập. Khi ta lễ kính cái Phật tánh của ta, là ta sống rất cẩn thận, nói ra những lời không ngược lại với tánh giác của chính mình và của mọi người. Chính vì vậy, mà trong Đại Thừa Phật giáo, các thầy khi gặp nhau, chắp tay xá chào. Có nhiều vùng ở bên Trung Hoa, các sư chào nhau bằng cách quỳ lạy lẫn nhau. Đó là lễ kính chư Phật. Bên Phật giáo Nguyên Thỉ thì không vậy, người ta cho rằng tăng là bậc đức hạnh cao trọng có đâu lại xá hạng phàm phu. Bên Đại Thừa, lễ kính lẫn nhau vì kính cái chánh nhơn Phật tánh của nhau. Điều này hay vô cùng, khi kính Phật tánh của nhau thì không thể nói nặng, buồn giận nhau, và điều quan trọng hơn hết là kính cả chính mình. Đi, đứng, nằm, ngồi đều phải tôn kính ông Phật của mình, đó là hạnh tu. Thường Bất Khinh Bồ Tát gặp ai cũng "nguyện nhữ tương lai tác Phật", nghĩa là tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài tương lai sẽ làm Phật. Có nhiều người giận tức, lấy đá lấy gậy đánh Ngài, Ngài vẫn tự nhiên. Ta kính lạy luôn luôn vị Phật trong ta, ông Phật thiệt trong ta. Tất cả các hình tượng Phật ta thờ ở ngoài đều là giả cả. Nói thế ta đừng móng tâm khinh thường, một khi các hình tượng Phật được làm lễ khai quang, an vị để thỉnh các điển quang nhập vào, thì hình tượng trở nên linh thiêng, vì đã tượng trưng cho Phật tánh của mỗi người chúng ta.

Khi ta giữ được "Nhất giả lễ kính chư Phật", ta không dám khinh thường ai, không dám nói nặng ai, bởi vì nói nặng người là tự nói nặng mình, vì ai cũng có Phật tánh cả. Làm được vậy, hạnh tu mới tiến. Tu mà không thấy Phật tánh nên cứ xài xể người cho đã miệng, cho đã tức v.v... thì đâu còn hạnh tu nữa. Lý đạo là vậy. Trong chúng đồng tu học, dù ta có bận rộn thế nào, gặp nhau cũng nên xá với câu niệm Phật A-Di-Đà, rồi nói chào cô, hay chào sư huynh, hay nói theo phương tây là "How are you ?" hay "Comment allez vous ?". Khi Ngài Phổ Hiền "nhất giả lễ kính chư Phật", Ngài không riêng chỉ lễ kính các đức Phật trong mười phương thế giới, mà là tất cả muôn loài chúng sanh. Hạnh của Ngài chỉ có ở hàng Bồ Tát, Bồ Tát tánh phải kính trọng Bồ Tát tánh, thế nên Ngài được gọi là đại hạnh Phổ Hiền vương Bồ Tát.


http://linhsonphapquoc.org/article.php3?id_article=449

Ba Nghiệp Lắng Thanh Tịnh

Hôm nay có một ít thời giờ thầy muốn nhắc lại chuyện tu tiến trong đại chúng. Muốn tiến tu đạo nghiệp, dầu quí vị tu theo pháp môn nào, Tịnh Độ, Thiền hay Mật, đều phải giữ ba nghiệp thân, khẩu và ý luôn thanh tịnh.

Trong luật có câu :
Tam nghiệp hằng thanh tịnh
Đồng Phật vãng Tây phương.

Một khi ta giữ được ba nghiệp thanh tịnh, thì cùng với chư Phật về cảnh Tây phương. Người biết phòng hộ thân tâm là người biết sống, biết biến đổi xác thân thành pháp thân, biết chuyển hóa uế độ thành Tịnh Độ, không cần phải về tận Tây Phương Cực Lạc nào khác.

Chúng ta thường nghe pháp tu này, nhưng thật sự hiểu thì thầy thấy còn yếu lắm. Chúng ta thường tưởng giữ ba nghiệp thanh tịnh là giữ cho nó yên lặng, hay đừng nghĩ đừng nói gì cả. Hiểu như thế là sai. Giữ ba nghiệp thanh tịnh không đồng với cây đá vô tri. Như vậy, ba nghiệp thanh tịnh là sao ?

Về ý nghiệp, đừng nghĩ đến việc thế gian, tâm đừng tạp loạn. Ngược lại, phải luôn chánh niệm, luôn nhớ nghĩ những gì chơn chánh. Những gì là chơn chánh ? Khi ta mới tu, những điều suy tưởng cao xa ta không thể đạt được, thì nên suy nghĩ về Tứ Đế, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, hay lời hay ý đẹp trong Quy Sơn Cảnh Sách. Tâm ta luôn suy nghĩ về giáo pháp, về chơn lý. Khi đó tâm trở nên thanh tịnh, thật sự thanh tịnh. Ta khó nhận thức chơn giá trị của pháp tu này qua ngôn ngữ, chỉ có thực hành rồi mới thấu suốt tường tận sự thanh tịnh mầu nhiệm mà pháp tu đem đến. Đương nhiên, một khi tâm thanh tịnh thì đâu còn khoảng trống để phiền não, rắc rối, khổ sở, oán hờn chen vào. Đây không phải là sự đổi chác. Ví dụ như có sự xích mích trong huynh đệ với nhau, buồn phiền nổi lên, rồi ta dùng chánh niệm tống khứ hay thay thế niệm buồn phiền kia. Làm thế không được, như thế chẳng khác nào lấy đá đè cỏ, cái gốc nó vẫn còn. Do đó, trước hết ta phải buông bỏ những phiền não, rắc rối vì chúng không thật, chúng chỉ là những kết quả của vô minh, ngã chấp, mà vô minh ngã chấp không thể hiện hữu trong ta, phải bỏ chúng đi. Bỏ, phải bỏ cho trót, còn một tí vấn vương là còn trần lụy, khó định được tâm để tư duy về những đạo lý của Phật tổ. Tư duy như thế gọi là ý thanh tịnh.

Ta tạo khẩu nghiệp vì ta chưa sáng, chưa định, chưa thanh tịnh. Vậy phải như thế nào ? Phải giữ câu niệm Phật hay câu thoại đầu. Khi ta niệm Phật thì ta không niệm chúng sanh, không nói chuyện này nọ, thị phi v.v... Tánh con người hay quên, nên có chuỗi tay, chuỗi trường để mà niệm Phật. Niệm Phật là niệm tâm để giữ cho khẩu nghiệp thanh tịnh. Khi miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, thì ý phải nghĩ Nam Mô là trở về, Phật là tánh giác, trở về tánh giác của mình. A Di Đà là vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức. Bất luận đi đứng nằm ngồi đều giữ câu niệm Phật trên môi, trong ý nghĩ. Nhất tâm nhất đức giữ câu niệm Phật, kêu là khẩu nghiệp thanh tịnh. Có lắm người cho đó là tịnh khẩu. Tịnh khẩu mà ý chưa tịnh, chưa nghĩ chuyện siêu thoát, không nghĩ đến giáo pháp, như thế không thể gọi là tịnh khẩu, đó chỉ là cấm khẩu. Tịnh khẩu là nói những gì đáng nói, và những lời thốt ra như hoa thơm, như trái ngọt làm cho người nghe như được tắm trong dòng suối cam-lồ.

Rồi tới thân nghiệp, đi đứng nằm ngồi phải đúng với thể thức của sự đi đứng nằm ngồi. Đó gọi là thân thanh tịnh. Còn như ngồi mà nhịp đùi, chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười, như vậy thân nghiệp có thanh tịnh không ? Vì vậy mà ngày xưa chư tổ chế ra tam thiên oai nghi, bát vạn tế hạnh để giúp giữ thân thanh tịnh. Bằng nhớ không hết những oai nghi tế hạnh đó thì phải thực tập chánh niệm. Thực tập chánh niệm thì quá dễ, mà cũng quá khó. Khó vì ta hay quên, dễ là vì không cần thông hiểu tam tạng kinh điển, cốt chỉ nhớ biết mình đang làm gì ? Đi thì biết đi đâu, ăn thì biết ăn cái gì v.v... Chánh niệm là vậy đó. Có chánh niệm không những thân được thanh tịnh mà cả khẩu và ý đều được thanh tịnh. Cho nên chánh niệm còn gọi là niệm chơn như.

Ba nghiệp một khi thanh tịnh thì vấn đề tu tiến rất dễ dàng. Thực tập ba nghiệp thanh tịnh trong một thời gian, ta sẽ thấy có kết quả. Lúc bấy giờ, nếu có nghĩ chuyện thế gian thì chuyện thế gian cũng trở thành chuyện Phật pháp, có nói lời thế gian thì lời thế gian đó cũng chuyển thành lời hay ý đẹp, có hành động thế gian thì hành động thế gian cũng trở thành hành động Phật pháp. Khi ba nghiệp thanh tịnh thì căn bản trí, hậu đắc trí hiển bày.

Phần trên diễn nói ý nghĩa của ba nghiệp thanh tịnh, phần dưới đây sơ lược các pháp môn thực hành. Tụng kinh là cách thức hay nhất giữ cho ba nghiệp được thanh tịnh. Người dù căn cơ có đần độn đến đâu cũng vẫn thực tập được pháp môn này. Khi ta tụng kinh, ý luôn luôn theo lý kinh, những lý đạo giải thoát, khuyên răn ta làm hiền lánh dữ v.v... Còn miệng thì đọc theo lời vàng ngọc của Phật, thân thì quỳ trang nghiêm hướng về Phật đài. Ba nghiệp lắng thanh tịnh. Bởi vậy, tụng kinh là một pháp môn thù thắng nhất.

Thiền là tọa thiền để ba nghiệp thanh tịnh. Trong khi tọa thiền, miệng không nói là khẩu thanh tịnh. Ý luôn giữ cho vọng đừng khởi, còn thân thì phải kiết già phu tọa.

Còn về Mật tông, khẩu hiệu của Mật tông là Tam Mật tương ưng. Lý giống như ba nghiệp thanh tịnh. Tam Mật tương ưng là thân mật, khẩu mật và ý mật rất tế nhị, mà tế nhị đi với tổng trì Đà La Ni.

Dù tu những pháp môn nào đều phải thực tập cho ba nghiệp thanh tịnh, phiền não sẽ không nổi lên. Nhứt tâm tu sẽ chuyển nghiệp dễ lắm, bằng ngược lại cũng sẽ dễ tạo nghiệp. Thầy nhắc như vậy để quý vị thực hành, thông kinh quán luận mà không thực hành ba nghiệp thanh tịnh thì không đi tới đâu.


HT Thích Huyền Vi giảng