Saturday, August 14, 2010

10 điều tâm niệm - MP3 ( Thầy Thích Trí Siêu giảng )

http://www.blip.tv/file/3521977


-Thọ bát quan trai là gieo duyên xuất gia.
-Nghe Pháp ,đi Chùa là gieo nhân giải thoát,giúp cho bớt phiền não.
-Đời này là luôn luôn gặp những điều trái ý,buồn phiền ,thất vọng ,chán đời.Chư Phật và Bồ Tát thấy đó là 1 thử thách.
-Phật Thích Ca gặp rất nhiều chướng ngại nên tu mau thành,Ngài Di Lặc Bồ Tát thì ít gặp chướng ngại hơn vì Ngài chọn con đường dễ đi nên tu lâu hơn.
-Tu mà ngồi 1 mình chong ngóc ,tu 1 hồi nghỉ mình sắp chứng rồi.Nhưng mà đến Chùa thì đụng độ ,có 100 người mà đối chọi được hết thì tu rất nhanh.Còn những người ngồi tu 1 mình ở nhà thì phải tu 100 đời mói thành.Tu ở cõi Ta Bà rất khó nhưng vượt qua được thì tu rất nhanh.

10 điều tâm niệm là 10 điều phải nhớ.

Friday, August 13, 2010

Tha thứ

Tha thứ là chất liệu quan trọng của bản chất thương yêu. Khi thiết lập bất cứ một liên hệ tình cảm nào nếu ta ngây ngô nghĩ rằng người kia chắc chưa từng lầm lỗi hay sẽ không bao giờ gây ra lầm lỗi thì ta sẽ khổ và sẽ làm người thương của ta khổ.

Đời sống còn chìm trong vô minh thì không thể tránh khỏi hành vi không tự chủ. Vấn đề là ta có khả năng chấp nhận và tha thứ rồi tìm cách giúp họ vượt thoát tình trạng hay không, chứ không phải mong muốn người kia toàn hảo thì ta mới có thể yêu thương.

Tất nhiên là tùy vào mức độ phạm sai lầm của người kia mà ta nên thể hiện cách tha thứ nào hiệu quả nhất, tại vì điều đó cũng có tính chất quyết định cho sự chuyển hóa hay sự khinh lờn của đối phương.

Cho dù cách thức nào đi chăng nữa, thậm chí cả sự lựa chọn không tha thứ ngay thì ta cũng đừng quên tự hỏi mình một câu hỏi quan trọng: Ta làm như vậy là vì người kia hay vì chính ta? Coi chừng ta đang bị thúc đẩy bởi sự tự ái hay tổn thương của bản ngã ích kỷ mà cứ ngỡ là vì người kia.

Nếu thật sự vì tương lai của người kia thì ta phải đủ sáng suốt và can đảm để thu gọn cảm xúc buồn giận trách móc của mình, tìm cách ứng xử với người kia như thế nào để họ sớm hồi phục. Chỉ cần kiểm tra lại tâm ý, lời nói và hành động của mình có xuất phát từ tình thương hay không, là ta đủ yên tâm để làm quyết định.

Cho dù người kia có đứng ra bày tỏ sự ăn năn hối cải một cách thành khẩn hay không thì ta cũng nên nhớ rằng đó chỉ là hình thức để ta thấy rõ thái độ muốn sửa chữa những sai lầm, và cũng có thể xem đó là một biên bản ngầm ký kết cho sự hơp tác giúp đỡ nhau. Ta đừng để kẹt vào những hình thức hay ở đó mà không thấy được trái tim của người kia.

Ta đã từng chứng kiến có rất nhiều người sẵn sàng buông xuôi tất cả nếu kẻ phạm lỗi chịu quỳ xuống cầu khẩn thiết tha, nhưng họ lại sẵn sàng đóng chặt trái tim khi người kia không biết đem sự hối cải trong tâm ra trình diễn cho đẹp lòng họ.

Một giai thoại kể rằng, chú tiểu nọ có tật xấu hay ăn cắp vặt và lúc nào cũng cãi chối. Nhiều lần các huynh đệ trình báo cho sư phụ biết, nhưng không thấy sư phụ nói năng gì cả. Một hôm bắt gặp quả tang, các huynh đệ liền áp giải chú tới trước sư phụ và cùng quỳ xuống kiến nghị: “Nếu sư phụ không đuổi sư em này đi thì tất cả chúng con sẽ bỏ đi hết”.

Nhìn qua một lượt thấy nét mặt người nào cũng rất căng thẳng vì ấm ức, còn riêng sư em thì rơm rớm nước mắt vì lo sợ, vị sư phụ liền ôn tồn nói: “Ta thấy các con đã đủ khôn lớn để chọn lựa việc phải trái nên các con muốn đi đâu thì đi, ta không ngăn cản vì không phải bận tâm nữa. Riêng sư em này còn nhỏ dại quá, chưa biết tội phước là gì nên phải cần ở lại với ta”.

Khi ấy chú tiểu bật khóc nức nở và các huynh đệ kia ai nấy cũng đồng cảm kích trước tấm lòng vị tha cao cả của sư phụ. Các huynh đệ đó đã hiểu ra rằng nếu có người phạm lỗi là đón nhận bản án bị đuổi đi ngay lập tức thì chắc chắn trong tương lai sẽ khó có ai được ở lại tu tập bền lâu với sư phụ cả, vì ai mà không có những giây phút lỗi lầm.

Về sau, chú tiểu kia trở thành một trong những thiền sư lỗi lạc và danh tiếng nhất thời bấy giờ.

Sống mà chỉ biết dựa vào những nguyên tắc cứng nhắc thì làm sao điều phục được con người, vì nguyên tắc vốn cố định còn bản tính con người thì muôn hình vạn trạng và hên tục đổi thay.

Phải có một nhận thức thấu đáo và nội lực vững vàng thì ta mới làm được cái quyết định sấm sét như vị sư phụ đó. Ông đã không ngại người ngoài hiểu lầm chê trách, cũng không lo sợ các môn đồ bất mãn bỏ đi ông thà chịu mất lòng người khác chứ không thể làm trái ngược với đạo lý từ bi mà ông đang sống và giảng dạy cho môn đồ.

Mà cũng không phải vì đạo lý hay nguyên tắc nữa, đó chính là tình thương vô điều kiện của một người đã vượt thoát ra ngoài sự khống chế và trói buộc của phiền não.

Ta có làm được như vị sư phụ đó không? Chỉ cần một nhận thức đúng đắn về nguyên nhân sâu xa của kẻ gây ra lầm lỗi, có một trái tim đủ lớn để sẵn sàng chứa đựng thì tha thứ sẽ không còn là sự thực tập khó khăn nữa, vì bản chất của nó vốn tùy thuộc rất ít vào đối tượng.

Biết đâu nhờ vào lòng vị tha của ta mà kẻ kia tỉnh ngộ và thay đổi cuộc đời, đó chẳng phải là việc làm cao cả của một bậc trượng phu sao?

Ta có nên đặt cho mình câu hỏi tại sao ta khó có thể tha thứ cho người kia? Ta thường chỉ nghĩ một chiều là do mức vi phạm của họ quá lớn, nhưng tại sao cũng trường hợp như vậy mà có người lại hành xử khác ta?

Có khi ta chịu nhiều áp lực từ những khó khăn trong cuộc sống, hoặc đang bế tắc khổ đau vì những phiền não trong lòng, nên ta không còn đủ năng lượng để ngồi xuống lắng nghe hay không còn đủ thiện chí để tìm hiểu về lỗi lầm của người kia, nên ta đã có những phán xét rất vội vàng. Trường hợp này do ta sa sút về nội lực.

Có khi người kia đã cố gắng hết sức nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm và chưa đủ cứng rắn nên để cho điều đáng tiếc phải xảy ra, trong khi đó ta lại tưởng là người kia đã không nhiệt tình: hoặc do họ vụng về nhất thời mà buông ra những hành vi thất lễ, nhưng ta lại cho rằng người kia đang rất khinh thường và có ý muốn loại trừ ta. Trường hợp này ta bị vướng vào trí tưởng tượng sai lầm.

Có khi người kia vì u mê dại dột hay vì yếu đuối nên không thoát khỏi vũng lầy đam mê, để cho lỗi lầm cứ lặp lại nhiều lần như một điệp khúc; hoặc ta chưa bao giờ chứng kiến một người có thể gây ra lầm lỗi tày trời như vậy;

hoặc ta chưa có thói quen tha thứ cho kẻ có quá nhiều ân tình với ta mà lại đang tâm phản bội. Trường hợp này khả năng chứa đựng trái tim của ta còn khá nhỏ, chưa có cơ hội mở rộng ra.

Có khi người kia vi phạm những lỗi lầm không đáng kể, nhưng vì tính ta vốn quá chỉnh chu, đòi hỏi hoàn hảo, nên lúc nào cũng canh chừng lỗi lầm người khác để kết tội; hoặc do ta không hề quan tâm đến hoàn cảnh hay trình độ nhận thức của người khác, chỉ biết nhồi sọ và áp đặt theo cách thức cứng nhắc của riêng mình.

Trường hợp này ta bị kẹt vào sự cố chấp và định kiến, đó là một loại bản năng tự vệ rất cổ hủ.

Có khi sự cố xảy ra ta liền bực tức và vội vàng tuyên bố đoạn tuyệt, sau khi điềm tĩnh nghĩ lại thấy mình cũng hơi quá đáng, nhưng kẻ phạm lỗi kia phải biểu lộ sự thành khẩn ăn năn thì ta mới chịu bỏ qua. Lỡ như người kia thiếu ý tứ hoặc cứng đầu thì lỗi lầm ấy sẽ biến thành bản án treo không rõ ngày kết thúc. Trường hợp này ta là kẻ yếu đuối, hành xử theo cảm tính.

Có khi người kia phạm những điều với ta là rất quan trọng, hay có ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của ta; hoặc ta đã muốn tha thứ rồi nhưng lại sợ người khác cười chê ta thiếu kỷ cương nề nếp hay dung túng cho kẻ làm điều xấu;

Ta e ngại nếu tha thứ quá dễ dàng thì người kia sẽ ỷ lại, chẳng coi ta ra gì. Trường hợp này ta kẹt vào danh dự, thực chất cũng là một loại nghiện cảm xúc, một loại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân kín đáo.

Tất cả những trường hợp không thể tha thứ vừa nêu đều có chung một nguyên do chính là sự vướng kẹt vào bản ngã. Vì quá nâng niu bản ngã, nên ta chỉ nghĩ đến những điều có thể đem lại lợi ích thiết thực cho chính ta thôi.

Đó chính là căn bệnh vị kỷ truyền kiếp, hành tung của nó hết sức tinh vi và phức tạp, nếu thiếu quan sát tinh tế thì ta rất dễ bị nó đánh lừa là ta đang vì kẻ khác.

Càng vị kỷ thì càng không thể vị tha. Trong khi tình thương phải bắt nguồn từ trái tim biết buông bỏ bớt những cái riêng mình để chia sẻ đến tha nhân, vì tha nhân cũng chính là một phần đời sống của ta. Không có tha nhân thì không có tình thương, ta làm sao sống khi đời sống không có tình thương?

Thà ta cứ tha lầm thì mức độ hối tiếc sẽ thấp hơn nhiều so với chấp lỡ. Bởi khi nhận ra chính thái độ cố chấp của ta ngày ấy đã đẩy người kia rớt xuống vực thẳm khổ đau thì ta sẽ gánh chịu mặc cảm ăn năn suốt đời. Còn khi phát hiện ra quyết định tha thứ của ta đã không mang lại hiệu quả thì ta vẫn còn nhiều cơ hội để cứu được, vì trái tim ta đang trong chiều hướng nở ra và mạnh mẽ chứ không phải co rút lại.

Điều đáng sợ nhất là trong quá trình thương yêu, ta đã để cho trái tim mình trở nên bé nhỏ và không còn là vật rung cảm linh thiêng nữa.

Này bạn! Tôi không có ý khuyên bạn hãy trở thành bậc Thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lầm lỡ của con người, những nếu trái tim bạn còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì nữa, hãy tha thứ cho nhau đi. Tha thứ luôn là linh dược mầu nhiệm có thể trị liệu mọi nỗi khổ niềm đau cho người được tha thứ và cho cả người tha thu.