Thursday, October 14, 2010

Thiền và Tịnh độ

Thiền Tứ Niệm Xứ
Thích Trí Siêu 
Pháp quốc, 1987 (hiệu đính 2001)

Người ta thường có khuynh hướng cho rằng Thiền cao hơn Tịnh Ðộ. Thật ra vấn đề không phải ở cao thấp mà ở chỗ bịnh nào thuốc nấy mà thôi.
Ðức Phật xưa kia đã tận tụy suốt 45 năm nói Pháp, từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, tùy căn cơ của chúng sanh mà chỉ bệnh cho thuốc. Ngài không quảng cáo một pháp môn nào cả. Sự phân biệt cao thấp, Ðại Tiểu là do người sau này, căn cơ không được như đức Phật, không có nhất thiết chủng trí, không biết nhiều pháp môn, chuyên tu pháp môn nào thì chỉ đề xướng pháp môn đó thôi. Người thích tu Thiền không nên tưởng mình là thượng căn, người tu Tịnh Ðộ không nên có mặc cảm là hạ căn. Người tu khi lựa chọn pháp môn phải dùng trí huệ sáng suốt, biết bệnh của mình hợp với phương thuốc nào. Thượng căn hay hạ trí thực ra không có nghĩa gì cả, đó chỉ là những khái niệm đối đãi nhị biên do chúng ta phân biệt đặt ra mà thôi. Một ông bác sĩ giỏi chữa hết bệnh đau mắt, không thể nói với một người đau tim rằng: "thuốc của tôi hay lắm, vì đã chữa khỏi nhiều người, ông nên uống vào sẽ hết bệnh". Cũng vậy, ta không thể nói Kinh nào hay Pháp môn nào hay hơn cả.
Tịnh Ðộ có thể được xem là một phần của Mật Tông. Theo Mật Tông hay đúng hơn là Mật thừa (Mantrayanà) còn gọi tên khác là Kim Cang thừa (Vajrayanà), mỗi một vị Phật hay Bồ Tát đều có một câu thần chú tượng trưng cho bản nguyện của vị đó. Ðức Phật Thích Ca có câu thần chú "Om muni muni maha muniye svahà", Phật A Di Ðà có "Om Amitabhà Hrih ", Quan Thế Ấm Bồ Tát có " Om mani padmé hùm ", v.v... Phật A Di Ðà ở phương Tây là một trong năm vị Thiền Phật (Dhyàni Bouddha), và cõi Cực lạc của Ngài là một trong muôn ngàn cõi tịnh độ trong pháp giới. 
Nhân tiện đây xin nhắc nhở những ai tu Mật tông theo truyền thống Tây Tạng tức quán tưởng các hình tướng (déités, Yidams, Dakinis...) hoặc mandala, cần phải có bậc thầy truyền cho trực tiếp lễ quán đảnh (Initiation, dbang). Nếu chỉ tu theo sách vở, hoặc học lóm tu luyện với tâm mong cầu, sở đắc thần thông này nọ thì sẽ dễ lạc đường đi vào tà đạo lúc nào không hay.
Tịnh Ðộ thuộc Ðại thừa, hành giả tu niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc, chứng được quả vị Bất thối chuyển rồi từ đó dần dần tiến đến quả vị Phật là cứu cánh. Tuy nhiên trên phương diện thực hành và truyền bá thì Tịnh Ðộ nhấn mạnh về việc vãng sanh Cực Lạc và quên đi mục đích chính của đạo Phật là tu tâm sửa tánh, giải trừ phiền não ngay trong kiếp sống hiện tại.
Người tu theo Tịnh Ðộ thường cho mục đích chính của sự niệm Phật là cầu sanh Cực Lạc, không nghĩ đến chuyện thành Phật để cứu độ chúng sinh. Niệm Phật là để cầu thành Phật và muốn thành Phật thì phải học làm Phật, đến khi xả bỏ báo thân này thì sẽ về Cực Lạc để tiếp tục con đường thành Phật. Vì thế người tu Tịnh Ðộ vẫn cần phải học tất cả pháp môn, phát bồ đề tâm, trau dồi Giới, Ðịnh, Huệ ngay khi còn ở Ta Bà này.
Tu Tịnh Ðộ muốn được vãng sanh cần phải có đầy đủ Tín, Hạnh, Nguyện. Tín là lòng tin chắc chắn có đức Phật A Di Ðà ở Cực Lạc Phương Tây, và những ai chí tâm niệm danh hiệu Ngài thì sẽ được vãng sanh. Hạnh là một khi tin chắc rồi thì hành giả phải gia công ngày đêm niệm Phật không gián đoạn, tâm tâm niệm niệm luôn nhớ đến Phật A Di Ðà. Nguyện là hành giả đem hồi hướng tất cả công đức tu hành và niệm phật nguyện sanh về Cực Lạc.
Ðại khái pháp môn tu Tịnh Ðộ là như vậy. Vì có rất nhiều sách giảng về Tịnh Ðộ, đọc giả có thể tìm nghiên cứu thêm, ở đây chỉ nhằm mục đích dung hòa hai lối tu Thiền và Tịnh.
Tu Tịnh Ðộ nếu không hiểu lý thì Tín sẽ biến thành ỷ lại, không chánh niệm thì Hạnh không tròn. Không hiểu lý, không chánh niệm thì sẽ bê trễ lơ là, do đó Nguyện sẽ không thành. Vì thế những người trẻ khi tu theo Tịnh Ðộ cần phải trau dồi, học hỏi để thông hiểu lý, tập thiền định để không cho phiền não chi phối, và phải phát nguyện cứu khổ chúng sinh, lập đi lập lại những lời nguyện ấy. 
Giáo lý nhà Phật gồm có Chân Không và Diệu Hữu. Thiền tông dựa trên Không, còn Tịnh Ðộ nương vào Hữu.
Tu Thiền mà bác Tịnh Ðộ cho rằng không có thế giới Cực Lạc ở phương tây thì đó là chưa hiểu tự tánh (vốn chơn không mà diệu hữu). Tu Tịnh Ðộ mà bỏ Thiền, thì chưa hiểu tự Tâm (vốn diệu hữu nhưng không lìa chơn không).
Thiền và Tịnh đều là những pháp môn của Phật để lại, tùy căn cơ mà chúng ta lựa chọn cho thích hợp. 
Người tu Thiền có thể hồi hướng công phu cầu sanh Tịnh Ðộ nếu chưa hoàn toàn tự chủ và sợ căn cơ còn yếu.
Người tu Tịnh Ðộ nên tập học giữ chánh niệm làm chủ tâm ý để đạt được an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại và sau khi chết thì về Cực Lạc
Ta có thể tu tập cả hai gọi là Thiền Tịnh song tu. Là hành giả Ðại Thừa theo Bồ Tát Hạnh, ta cần thực hành Lục Ba La Mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Tu Tịnh Ðộ cũng cần thiền định để cho tâm an trụ không bị phiền não sai sử, nhờ vậy niệm Phật mới dễ nhất tâm, và khi lâm chung không sợ tán loạn. Tu Thiền thời nay không phải dễ giác ngộ mà cốt làm chủ tâm ý, thanh lọc thân tâm, sống an vui hạnh phúc, và sau khi chết cầu về Cực Lạc để được gần Phật nghe Pháp, được như thế có lợi hơn không?
Dù theo Thiền hay Tịnh Ðộ, người tu vẫn cần phải giữ gìn tâm ý, trau dồi đạo hạnh, tích tụ công đức, bớt dính mắc vào chuyện thế gian, không để cho cuộc đời lôi cuốn. Xưa kia các Thiền Sư sau khi ngộ đạo, đều tìm nơi ở ẩn tu luyện cho đến khi hoàn toàn làm chủ được tâm ý mới ra độ đời. Chư Tổ Tịnh Ðộ như ngài Huệ Viễn, Thiện Ðạo, Vĩnh Minh, không những xiển dương dạy chúng niệm Phật, mà chính mình cũng nhập thất niệm Phật làm gương. 
-ooOoo- 
Trang kế | Mục lục | Ðầu trang
 
http://cusi.free.fr/thi/trisie01/thien4nx-03.htm

Ngày nay trong Phật giáo còn lại ba tông phái chính là Thiền tông, Mật tông và Tịnh Ðộ tông. Riêng ở Việt Nam thì chỉ có Thiền Tông và Tịnh Ðộ tông là thịnh hành hơn cả. Ðại khái thì Thiền chủ trương tự lực, Tịnh Ðộ nương vào tha lực của Phật A Di Ðà. Mới xem qua dường như hai pháp môn này chống trái nhau, nhưng xét cho kỹ Thiền là trở về với bổn tánh thanh tịnh, đó không phải là tịnh sao? Còn Niệm Phật mà không có chánh niệm thì Tín, Hạnh, Nguyện không tròn làm sao vãng sanh, mà chánh niệm há chẳng phải là Thiền?

Cách chữa bệnh ho lâu năm

Câu hỏi:
Tôi tên Thời Trần đã nhờ ông chỉ dẫn cách chữa bệnh ho. Ông đã cho tôi rất nhiều tài liệu nhưng vì tôi không có kiến thức về Đông y nên tôi không hiểu và không áp dụng được. Tôi rất cảm ơn Ông. Tôi xin Ông chỉ dạy giùm việc sau đây:
Tôi bị bệnh ho rất lâu, ho rất nhiều, tôi bị bệnh này từ lúc tôi bị đi cải tạo ở trong rừng sâu nước độc. Tối họ có nhiều đàm nhớt màu trắng, lúc nào cũng khạc ra đảm được sau cơn ho. Trong thời gian dài cải tạo trong rừng, không thể đi khám bệnh được, tôi xin người nhà gởi thuốc trụ sinh để chích nhưng chỉ đỡ ho nhưng không hết được bệnh. Hầu như là tôi ho suốt năm, trong 12 tháng hầu như không có tháng nào được khỏi bị họ. Những người đồng cảnh ngộ đặt tên tôi là “người ho dai dẳng”. Đến khi mãn cải tạo, tôi về nhà mà cũng không hết bệnh. Khi tôi sang đây cũng tiếp tục bị ho, trong 1 năm họa hoằn lắm mới được 3, 4 tháng là khỏi ho. Cứ ngửa cổ ho hoài và có đàm nhớt, khạc nhổ dính tòn ten. Bác sĩ ở đây cũng không trị được, chụp hình phổi thì nói là không có gì, không bị viêm hoặc bệnh nào của phổi. Rất khó chịu về bệnh này. Tôi thường xuyên sám hối trước Tam Bảo và nguyện xin gặp thầy, gặp thuốc hay để trị bệnh. Có lần khó chịu quá, ho lộn ruột và muốn ngất xỉu, tôi đi khám bệnh đột xuất thì gặp 1 bác sĩ mới thực tập tìm ra nguyên nhân là tôi bị Allergy nên cho tôi uống thuốc Allergy. Tôi khỏi bệnh được một thời gian, nhưng đến đầu mùa đông năm nay tôi cũng bị ho trở lại và ho đàm như những thời gian trước. Ai chỉ gì tôi cũng chữa theo mà không hết bệnh. Thời gian trước, có những Đạo hữu đã cho tôi đĩa của Ông dạy trị bịnh bằng những loại thuốc rẻ tiền và đĩa Ông dạy về khí công. Tôi nhờ người chủ chợ sang tận Chicago mới mua được giùm tôi 3 loại thuốc là Bát Vị Quế Phụ, Lý Trung Hoàn, Bách Hợp Cố Kim Hoàn, mỗi thứ 12 lọ, mỗi lo 200 viên. Xin Ông vui lòng chị dẫn giùm tôi cách uống như thế nào để tôi xử dụng cho đúng. Tôi có thể uống mỗi ngày cả 3 thứ được không? Tôi cũng bị tay chân lạnh vào mùa đông. Ngoài ra còn bệnh ăn uống khó tiêu, bụng hay bị sôi, thường bị xả hơi dưới (đánh giắm.)
Từ lúc tôi ăn gạo lứt muối mè thì bệnh sôi ruột và xả hơi dưới có bớt nhưng không hết hẳn. Riêng bệnh ho thì không hết dù tôi vẫn ăn gạo lứt muối mè. Tôi ăn kiêng và đơn giản không có nhiều món và ăn ít không ăn nhiều, lúc nào bao tử cũng trống một khoảng, không tham ăn nhiều và món ngon có huyết nhục để cho nhẹ bụng. Xin Ông vì lòng từ bi chỉ dạy tôi cách uống 3 loại thuốc trên. Tôi định tập cách vỗ tay 4 nhịp để hỗ trợ cho việc uống thuốc. Tôi không có phương tiện học khóa khí công. Tôi đã già và rất ít đi xa, ngay cả việc xử dụng máy vi tính cũng không biết. May nhờ đứa con gái chỉ cho tôi cách email nên tôi mới liên lạc được với Ông. Xin Ông thông cảm và hỷ xả cho tôi nếu có gì lầm lỗi cũng như đã làm phiền và mất thì giờ của Ông. Tôi xem trên đĩa DVD của Ông, tôi rất thán phục tinh thần sống đạo đức của Ông do đó tôi mới dám gọi email này đến Ông. NẾU THẾ GIỚI NÀY CÓ NHIỀU NGƯỜI CÓ TINH THẦN VỊ THA NHƯ ÔNG thì sẽ được an lành và hạnh phúc rất nhiều.
Trận trong kinh chào Ông và cảm ơn Ông nhiều.
Trần An Thới
Thầy Đỗ Đức Ngọc trả lời :
Thưa ông,
Ông bị phong hàn nên phối yếu, ăn uống không đầy đủ nên áp huyết thấp, sức đề kháng yếu nên bị ho lâu. Bệnh mãn tính cần chữa thời gian lâu.
Để tăng sức đề kháng, cần phải đo áp huyết hai cánh tay, nếu dưới 110/80mmHg mạch dưới 65 chân tay lạnh, phổi lạnh, thì phải uống thêm thuốc bổ máu sirop Đương Quy Tửu mua ở tiệm thuốc Bắc (Tankwe – Gin hay Tankwe – Gao) , dùng 2 muỗng canh pha với 1 ly nước nóng, uống trong bữa ăn, ngày 2 lần. Uống mỗi ngày 2 lần, đến bao giờ áp huyết lên 130/90mmHg mạch 70 – 80 thì ngưng.
Sáng ngậm trong miệng 30 viên Bách Hợp Cố Kim Hoàn, để bổ phổi, ngừa ung thư phổi. Uống đều trong 6 tháng.
Sau khi ăn cơm trưa, ngậm trong miệng 20 viên Lý Trung Hoàn, giúp tiêu hóa thu nạp chất bổ của thức ăn và tán đàm. Uống trong 6 tháng
Tối đi ngủ ngậm trong miệng 30 viên Bát Vị Quế Phụ để điều chỉnh áp huyết, tăng thân nhiệt, ấm chân tay, khi áp huyết lên 130/90mmHg mạch 70 – 80 thì ngưng.
Kiêng ăn thức ăn hàn, lạnh, như khổ qua (mướp đắng), cam chanh làm mất máu. Nên ăn chất gừng làm ấm bao tử, nếu bao tử lạnh, thức ăn biến thành đàm.
Chúc ông mau khỏi bệnh Có gì thắc mắc xin cứ email cho tôi. Ngày thứ năm tôi nghỉ vacances đến ngày 11/1/2010 mới liên lạc với ông tiếp tục.
Thân
doducngoc
o O o
Kính Ống,
Xin cám ơn sự chỉ dẫn của ông
Tôi tên Trần An Thới, năm nay tôi được 68 tưới, hiện cư ngụ tại thành phố Grand Rapids, tiểu bang Michigan USA. Tôi đã nhận được email của Ông chỉ dạy về tình trạng bệnh của tôi và cách xử dụng thuốc để trị bệnh. Những lời chỉ dẫn của Ông thật là rất quý báu cho chúng tôi. Ông đã nói trúng hết những bệnh của tôi do nguyên nhân nào đã gây ra. Khi đã biết được nguyên nhân thì việc chữa bệnh hầu như dễ dảng rất nhiều. Những lời chỉ dẫn của Ông rất tận tình và đến nơi đến chốn. Thật rất hiếm người có tấm lòng vị tha bác ai như Ông. Tấm lòng của Ông giống như những bậc tu hành chân chính hoặc giống như những vị Bồ Tát. Tôi đã áp dụng triệt để cách ngậm trong miệng 3 loại thuốc mà tôi đã có sẵn, còn loại thuốc ĐƯƠNG QUY TỬU [TANKWE - GÌN HAY TANKWE - GAO] tôi chưa gởi mua được vì phải nhờ chủ chợ Việt đi bỏ hàng ở Chicago mua giùm. Lần trước từ lúc gởi đến lúc có thuốc phải mất thời gian 3 tuần lễ. Xin Ông vui lòng cho biết loại thuốc bổ này những người ăn chay trường xử dụng cơ trở ngại gì không? . Nếu thứ thuốc này bào chế bằng các loại thảo mộc mà không pha lẫn với sinh mạng của loài vật thì thật quý vô cùng. Chúng tôi sẽ phổ biến để giúp những Tăng, Nỉ và cả những người tu tại gia đã phát tâm ăn chay dài hạn để trưởng dưỡng lòng từ bi. Khi thân thể được khỏe mạnh thì mặt tính thần cũng được sáng suốt và dễ tu hành hơn
Kính thưa Ông, hiện nay áp suất máu và tim mạch của tôi có chiều hướng tăng lên khi đã xử dụng 3 loại thuốc mà Ông đã chỉ dẫn, không còn quá thấp như lúc trước. Chứng bệnh ho của tôi cũng giảm dần. Tôi xin vâng lời Ông triệt để kiêng cứ những món ăn có tính cách quá âm hàn, khiến lạnh bụng và những trái cây thuộc loại chua khiến bị mất máu. Đồng thời trong những bữa ăn tối thường ăn thêm những lát gừng mỏng để ấm bao tử. Thức uống của tôi thường là trà già 3 năm [trà Bancha] hoặc nước gạo lứt rang.
Trước khi dứt lời, tôi xin chân thành cảm ơn Ông đã chỉ dạy cho tôi để chữa trị bệnh khổ về thân. Tôi thành kính dâng lên lời cầu chức thân tâm của Ông được thưởng an lạc, cuộc sống an lành và phúc hạnh, công hạnh giúp đời được sâu dầy, phước thọ của Ông được tăng trưởng như ý muốn.
Thầy Đỗ Đức Ngọc trả lời :
Xin cám ơn ông đã báo tin bệnh của ông đã thuyên giảm, đó là một khích lệ lớn cho thầy thuốc. Xin chúc ông mau khỏi bệnh. Dưới đây là thành phần và cách dùng thuốc cây cỏ đông y dược. Sirop Đương Quy Tửu, không có pha lẫn sinh mạng của loài vật, chư tăng ni có thể dùng được.
Những bệnh có thể uống được thuốc bổ máu Đương Quy Tửu (Tankwe gin)
Những bệnh thuộc hư chứng, tây xét xét nghiệm tìm không ra bệnh, nguyên nhân do thiếu khí huyết trầm trọng, áp huyết rất thấp dưới 90/65mmHg, mạch có thể nhanh hay chậm, dễ bị tây y chẩn đoán lầm thành bệnh thần kinh, bệnh si khờ, điên, mất trí nhớ, tê bại liệt, ung thư tử cung, ung thư bao tử, ung thư não, không đủ sức làm việc, hay mệt mỏi, chóng mặt hoa mắt, mắt tối xầm tự nhiên té ngã, chân tay yếu đi hay bị té ngã .Những triệu chứng đó tây y chữa ngọn dưới nhiều tên bệnh khác nhau, nhưng đông y chữa vào gốc bệnh thiếu khí huyết, cần phải bổ khí huyết, khi áp huyết lên được 120-130/75-85mmHg, mạch tim trở lại bình thường 70-80 là khỏi bệnh.
Ngoài phương pháp tập động công, tĩnh công thiền, đông y cho dùng thuốc bổ khí huyết gọi là Đương Quy Tửu những triệu chứng bệnh thuộc ngọn kể trên đều dứt hẳn
Thành phần :
Đương Quy (Angelicae sinensis)
Xuyên Khung (Rhizoma Chuanxiong)
Thục địa (Rehmanea)
Bạch Thược (Paeoniae Alba)
Đảng Sâm (Codonopsis Pilosulae)
Hoàng Kỳ (Astragali)
Phục Linh (Poria)
Cam Thảo (Glycyrrrhizae(Pyro)
Mật Ong (Honey)
Thân
doducngoc
o O o
Kinh
Ông, Tôi  đã nhận được những phương cách đây trị bệnh của Ông đã gởi tặng cho chúng tôi. Cách trị nào giống với bệnh chúng tôi thì chúng tôi sẽ áp dụng trị. Tôi xin lỗi Ông về email kỳ rồi tôi kể lể quá nhiều thành ra dư thừa và làm mất thì giờ của Ông.
Xin Ông vui lòng cho tôi hỏi thêm:
1/ – Áp huyết của tôi hiện nay đã lên sau thời gian 3 tháng dùng thuốc nên tôi ngừng uống Đương Quy Tửu và ngậm Bát Vị Quế Phụ vì sợ sẽ tăng áp huyết lên cao quá mức trung bình. Hiện tại tôi chỉ còn ngậm 2 loài Bách Hợp Cố Kim Hoàn (buổi sáng 30 viên) và Lý Trung Hoàn sau khi ăn cơm trưa [20 viên] , như vậy cần phải thêm số lần ngậm trong ngày?Xin Ông chỉ dạy.
2/ – Tôi đọc trong những cách trị mà Ông đã cho chúng tôi có đề cập đến “Bổ Trung Ích Khí Hoàn” là loại thuốc làm mạnh chức năng tỷ, vị, để chuyển hóa thức ăn thành chất bổ mà không biến thành đàm. Như vậy giữa 2 loại thuốc “Lý Trung Hoàn” và “Bổ Ích Khi Trung Hoàn” thứ nào tốt hơn, để tôi gởi mua trong kỳ mua thuốc sắp tới?
3/ – Tôi bị bệnh ho đàm của người lớn tuổi do phế thận hư hàn, đàm trắng lỏng ít, thường vướng cổ họng rất ngứa và khó chịu do thời tiết mùa đông ở đây quá lạnh và do đi làm trong hãng lạnh hơn 7 năm (nhiệt độ thường từ 0 độ đến 4 độ C). Tôi sẽ tập luyện như những lời Ông đã chỉ dẫn cho Thầy giáo Phương hỏi về cách trị bệnh ho kinh niên, chắc chắn là tốt cho tôi? .
Thỉnh thoảng có những đề tài trị bệnh mới, xin Ông vui lòng tiếp tục giúp chúng tôi để làm tài liệu phòng bệnh, trị bệnh và phổ biến. Chúng tôi cảm ơn Ông rất nhiều.
Trận trọng kinh chào Ông.
Thầy Đỗ Đức Ngọc trả lời :
1-Áp huyết ở cả hai tay của ông lên đến 130/80mmHg mạch 70-80 là tốt. Ngưng không dùng sirop bổ máu Đương Quy Tửu nữa. Còn tập bài động công Vỗ Tay 4 Nhịp 200 lần khi bàn tay ngón tay nóng ấm thì cũng không cần dùng đến Bát Vị Quế Phụ nữa.
2-Công dụng của Bổ Trung Ích Khí Hoàn là trị suy nhược co thể, huyết trắng, sa tử cung, tỳ vị suy yếu. Còn Lý Trung Hoàn : trị các chứng thương hàn, ỉa chảy, nhưng không khát nước, ói mửa, bụng đau, tay chân lạnh, cảm hàn. Như vậy Lý Trung Hoàn ngừa cảm lạnh chân tay lạnh nhiều hơn. Bổ Trung Ích Khí giúp mạnh tỳ vị.
3-Muốn vừa chữa ho hàn, bổ phổi, mạnh tỳ vị, tiêu đàm, chữa bằng hai cách :
a-Chữa ngọn bằng Nhị Trần Thang, công dụng chữa tỳ vị có đờm do thấp hàn, ra tiệm thuốc bắc hốt thuốc thang những thành phần sau :
Bán Hạ chế, Phục Linh, Trần Bì, mỗi thứ 8g. Chích Thảo 4g. Ô Mai nhục 1 trái. Gừng 7 lát.
Sắc 3 chén nước còn 0.8 phân, uống lúc đói. Uống 6 thang.
b-Ngừa bệnh và biến chứng bằng thuốc viên Lý Trung Hóa Đờm Hoàn : Trị Tỳ Vị hư hàn, đờm dãi ở trong dâng lên, ói mửa, ăn ít, đại tiện không bình thường, ho nhiều đờm, ăn không tiêu. Trước mỗi bữa ăn ngậm 20 viên.
c-Chữa gốc : Bổ phổi bằng Bách Hợp Cố Kim Hoàn. Sáng và tối mỗi lần ngậm 30 viên.
4-Khi người lạnh, áp huyết xuống, tập bài Đứng Hát Kéo Gối Lên Ngực 200 lần, sau đó ngậm miệng để giữ khí và nhiệt độ trong người, sẽ cảm thấy khỏe, người ấm nóng, áp huyết tăng.
Thân
doducngoc

Wednesday, October 13, 2010

Cuộc đời và đạo nghiệp của HT Tuyên Hóa -- MP3 rất hay và vui .

Tuesday, October 12, 2010

Mười Phương Pháp Tu Hành --- HT Tuyên Hóa

Đây là mười phương-pháp dạy trong kinh Hoa-Nghiêm, nơi phần Trị-Địa-Trụ ở phẩm Thập Trụ. Thật sự ra phương-pháp này không hạn cuộc nơi chư Tăng Ni, mà dành cho mọi người tu Bồ-Tát Hạnh, tại gia và xuất gia. Song nói rằng dành cho chư Tăng Ni là bởi chư Tăng Ni có điều kiện, nhân duyên thù thắng để thực hiện phương-pháp này. Đồng thời, sinh-hoạt của tăng chúng là sinh-hoạt hướng về sự giác-ngộ, phù-hợp hoàn-toàn với mười phương-pháp của kinh nêu ra. Phương-pháp ấy như sau:
1. Tụng tập đa văn
Tức là học hỏi sâu rộng Phật-Pháp. Học để biết rõ Phật-lý, chân lý. Học để tài bồi đức-hạnh. Do đó đối tượng của việc học là chân lý, đưa tới sự giải-thoát phiền-não, phá tan sự mê hoặc của bản ngã.
2. Hư nhàn tịch tịnh
Đây là thái-độ tự tại với đời. Nếu "đa văn" có nghĩa là chất chứa những tri-kiến, chuyện thị-phi của thế-gian, thì mình chắc chắn chiêu-cảm lấy đủ chuyện thị-phi, phiền-não ở đời; do đó mình sẽ kẹt trong vòng luẩn quẩn của "việc đời". Nếu "đa văn" có nghĩa là huân-tập chân lý trong kinh-điển, tiêu-hóa (internalize) đạo lý giải-thoát, thì mình sẽ trở nên tự tại. Bởi thế, hư nhàn tịch-tịnh là thái-độ vứt bỏ chuyện đời, chuyện hơn thua, tranh chấp, chuyện lợi lộc cho mình. Mọi thứ tính toán cho mình đều không phải là nhàn, là tịch.
3. Cận thiện tri thức
Nghĩa là gần gũi những bậc thầy có kiến-địa, giác-ngộ hay giải-thoát. Hoặc gần gũi những bậc thầy có trí-huệ và đạo-đức để dắt dẫn mình tu hành. Bậc thiện-tri-thức phải là bậc đi trước mình nhiều bước trên đường tu, do đó có thể khiến mình phát bồ-đề tâm, dạy mình trương dưỡng và thành-thục bồ-đề tâm; cứu giúp lúc mình gặp bế-tắc; chỉ bảo lúc mình còn đầy khuyết điểm. Do gần gũi thiện-tri-thức mình mới thành-tựu được đa văn, tức là nghe nhiều những lời chỉ dạy của bậc thầy.
4. Pháp ngôn hòa duyệt
Nghĩa là nói năng ôn-hoà vui-vẻ. Lời nói chỉ có thể ôn-hoà, duyệt-lạc khi mà tâm mình thật sự ôn-hoà. Do đó mình phải tập thái-độ không tranh: không tranh-chấp với ai; bất kỳ việc gì, hãy sẵn sàng nhận lỗi, chịu thua. Không đấu lý, không tự bào chửa. Khi tâm mình không thấy ai là kẻ thù, không có thành-kiến về ai cả, cũng không cho rằng mình hay mình giỏi, cách mình làm việc là độc nhất đúng đắn thì mình rất dễ tự tại, ôn-hoà. Nếu chú ý kỹ mình sẽ thấy có những lúc nhất định nào đó, mình hay thích lên giọng, cộc cằn. Những lúc ấy, trí-huệ hay tâm mình không còn khống-chế làm chủ lời nói nữa, bấy giờ thói quen hư xấu khống chế cái lưỡi mình. Bởi vậy, phải tập lắng nghe lời mình nói, quán-sát và chú ý từng lời, khiến lời không ngược lại với tinh-thần "Bất tranh".
5. Ngữ tất tri thời
Tức là nói cho đúng lúc. Cổ-nhân dạy rằng khi nói chuyện, hãy xem mặt đối phương. Nếu người ta tỏ thái-độ khó chịu, không muốn nghe, buồn-bực thì chớ nói nữa. Gặp lúc đối phương không chú ý, đang bận rộn, đang nói, thì chớ ngắt lời, chớ nói. Biết đối phương không thích, không muốn nghe một đề tài gì đó thì chớ đem nó ra nói, bàn luận. Biết đối phương không có thì giờ đàm luận, thì chớ giông dài. Việc vô-ích, vô nghiã, việc thế-tục thì người tu không nên nói. Người xuất gia nếu thích đàm luận chuyện thế-tục, chuyện tranh-chấp, lợi lộc riêng tư thì chỉ khiến người tại gia khinh thường và chỉ-trích. Chỉ nên nói những việc khiến người nghe phát khởi lòng tin, phát bồ-đề-tâm, hoặc giải-trừ được bế-tắc và phiền-não trong đời sống. Nên tập quán-sát thời-cơ, nhân-duyên rồi hãy phát biểu.
6. Tâm vô khiếp bố
Tức là tâm không sợ hãi , bố-úy. Không sợ hãi rằng pháp quá thâm sâu, mình không thể thọ nhận. Không bố-úy rằng pháp quá khó tu, mình không thể thực-hành. Khi tâm có hy-vọng, có mong cầu thì tâm ấy lúc nào cũng có bố-úy sợ hãi. Bởi vậy tập luyện tâm thái không khiếp-bố là tập luyện tính không cầu. Hễ được dạy pháp nào thì tu pháp ấy, không mong cầu quả báo, không nghĩ tới mình sẽ được lợi-ích gì.
7. Liễu đạt ư nghĩa
Tức là dùng trí-huệ tư-duy, giải đạt thâm nghiã. Đây không phải là hiểu bề ngoài, hay học thuộc làu. Liễu đạt nghiã-lý tức là thấy được sự thể hiện của nghiã-lý ấy trong cuộc sống. Ví như khi nghiên-cứu đoạn: "Thế-gian vô-thường, quốc độ nguy thuý..." mình cần phải thấy sự vô-thường ấy, không phải chỉ qua mặt chữ, lời văn, mà là qua trực-giác và sự cảm nhận thực tại cảnh vô-thường ở trần-gian.
8. Như pháp tu hành
Trong quá trình liễu đạt thâm nghiã, sẽ có những lúc mình không dùng suy nghĩ để hiểu rõ, cũng không thể dùng cảnh-giới bên ngoài để minh chứng, những lúc ấy, đòi hỏi mình phải dùng cảnh-giới thiền-định để giải đáp. Bởi vậy người tu cần phải "Như pháp tu hành" để phát triển năng-lực thấu hiểu chân-lý bén nhạy hơn khả-năng của đầu óc suy tư này. Như pháp có nghiã là làm đúng theo sự chỉ dẫn, đúng với chân-lý, đúng với giới-luật, hợp với đạo đức nhân nghiã. Khi tu không như pháp thì tức là tu không đúng theo lời thiện-tri-thức chỉ dạy, hoặc giả không phù hợp với tinh thần của kinh Phật, hoặc là tự mình sáng tác ra phương-pháp cách thức hoàn-toàn không theo một tiền-đề, hệ-thống hay quy củ, giới-luật nào cả. Có kẻ ở trong chúng nhưng tự mình làm ra vẽ khác biệt, lập dị; Khi không cùng tu, không hoà-đồng với đại-chúng, mình phải quan-sát, xem mình có tu như pháp hay chăng. Hễ như pháp tu hành thì không bao giờ có "cái mình", "cái tôi" đặc biệt "nổi" hơn kẻ khác cả.
9. Viễn ly ngu mê
Gốc ngu mê là ở lòng dục-vọng, phiền-não, chấp-trước. Khi tu mình hãy nhớ mục tiêu là dứt trừ những thứ ấy. Càng tu phải càng bớt phiền-não, bớt nóng giận, bớt cống cao, bớt dục-vọng. Do đó sẽ thêm sáng-suốt, nên Phật dạy phải "siêng tu giới, định, huệ để dứt trừ tham, sân. si". Phải để ý năm thứ mà dục-vọng thèm khát nhất: 1/ Tiền tài, vật chất, tivi, video. 2/ Sắc đẹp trai gái: cửa sắc dục mà không thoát được thì tu pháp môn cao siêu tới đâu cũng vô-ích, không thể giải-thoát. Kinh Lăng-Nghiêm dạy: "Dâm tâm không trừ, không thể thoát trần". 3/ Danh vọng, địa vị, tên tuổi: Mong được kẻ khác cung kính, trọng vọng cũng là hình-thức mê-muội vô cùng. 4/ Ăn uống: Thích ăn ngon, ăn sang cũng là một dục vọng đáng sợ; bởi vì thực dục chỉ là biến hoá từ sắc dục mà ra. 5/ Ngủ nghỉ: Hay nói đúng hơn là lòng ưa thích hưởng thụ, sung-sướng, làm biếng, ngồi không cho qua ngày. Khi lòng ưa thích này biến thành nghiện thì càng nguy hại hơn nữa, ví dụ như ngày nay nhiều người nghiền thuốc, rượu, bài bạc, chơi computer hay xem phim bộ, v.v.. Năm thứ trên đều cần phải lánh xa.
Nói về duyên của sự ngu mê thì có lẻ nên nói thêm về những thứ khiến mình nẩy sinh tà-kiến: 1/ Tivi, video với những chương-trình đầy dẫy bạo lực, dâm-dục, ô-nhiễm. 3/ Bạn xấu hay kẻ thiếu tri-kiến về chân-lý; Nếu người bạn có quá nhiều thói hư tật xấu thì khó thể giúp đở, gây ảnh hưởng tốt cho mình, mà mình nếu không đủ trí huệ và phương tiện, cũng không giúp đở gì y được.
10. An trụ bất động
Tâm chỉ bất động khi nào tâm an-trụ hay thấy được sự thật, chân-lý bất biến. Bởi vậy trong mọi chuyện, mọi việc, mình phải phát-triển con mắt biết thẩm-thấu sự thật hay chân-lý, gọi là Trạch-Pháp-Nhãn. Phải biết nhìn xuyên thủng hiện-tượng hay hình-tướng để biết đặng chân-lý. Khi ấy tâm mình lúc nào cũng an-định, dù ở bất cứ hoàn-cảnh trắc-trở, xáo-động nào đi chăng nữa. Khi tâm không còn bị tình-dục, phiền-não, vọng tưởng quấy nhiểu, thì lúc ấy tâm mới thật sự an-trụ bất động. Mười phương-pháp trên, đa số đều dùng trí-huệ để dẫn dắt, từ đó khởi thêm lòng đại bi thì mới tới được chỗ viên mãn. Song những phương-pháp trên, có thể nói, vô cùng thực tiển cho những ai sống trong tùng lâm: cứ tu tập theo chúng thì đường đạo ắt phải tiến-bộ.