Wednesday, October 20, 2010

THOÁT RA BA CÕI THEO CHIỀU NGANG ( TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN)


Phần trước, Bồ-tát Đại Thế Chí đã trình bày cách thức tu tập pháp môn niệm Phật. Đó là phương pháp rất thích hợp cho mọi người trong thời đại ngày nay. Phương pháp ấy rất có hiệu quả. Sao vậy? Trong kinh dạy chúng ta rằng vào thời mạt pháp, trong một triệu người tu tập, thậm chí chưa có được một người ngộ đạo. Nhiều người tu tập nhưng ít có người được chứng ngộ. Thế thì chúng ta phải làm sao? Đừng bận tâm. Kinh có dạy rằng, “Chỉ nhờ vào pháp môn niệm Phật, mà mọi chúng sinh đều được độ thóat.” Phương pháp niệm Phật rất dễ thực hành. Bằng cách thực hành niệm Phật, chúng ta sẽ được thóat khỏi ba cõi theo chiều ngang, và đới nghiệp vãng sanh.

Thế nào là nghĩa thóat khỏi ba cõi theo chiều ngang? Cũng giống như loài côn trùng sống trong ống tre, nếu nó đục xuyên theo chiều dọc thân tre, nó phải đi qua các lóng mắt, phải mất thời gian rất lâu. Thay vì vậy, nếu loại côn trùng ấy biết cách gặm một lỗ ở bên thân tre, thì nó sẽ ra khỏi được ống tre một cách rất dễ dàng. Người niệm Phật cũng giống như loài côn trùng thóat ra khỏi ống từ bên thân cây tre; họ thóat ra khỏi ba cõi theo chiều ngang–đúng với tầm mức của họ. “Đới nghiệp vãng sanh,” nghiệp mà mọi người đang mang là nghiệp của đời trước, không phải của đời nầy–đó là nghiệp đã tạo, không phải là nghiệp mới. Điều nầy có nghĩa là trước khi quý vị biết được phương pháp niệm Phật, quý vị đã tạo ra các nghiệp chướng. Quý vị có thể mang các nghiệp ấy theo khi mình vãng sanh sang cõi Tịnh độ. Nhưng quý vị không được tiếp tục tạo nghiệp ác một khi quý vị đã biết niệm Phật, vì quý vị không thể mang nghiệp ác ấy theo được. Một khi quý vị đã biết niệm Phật, thì quý vị nên thay đổi cách sống. Đừng cố tạo nên các nghiệp xấu. Nếu làm như vậy, quý vị sẽ chất chồng ác nghiệp, gia trọng thêm chướng ngại. Đó gọi là “biết rõ mà cố phạm–minh tri cố phạm,” trong trường hợp đó, nghiệp chướng tăng gấp ba. Quý vị có thể mang nghiệp cũ để vãng sanh, nhưng nay quý vị đã hiểu được Phật pháp, quý vị không thể nói rằng, “Ồ! Mình có thể niệm Phật, mặt kia mình có thể tạo nghiệp ác, vì trong tương lai mình có thể mang nghiệp đã tạo sang cõi Cực lạc với mình.”

Thật là sai lầm! Không những quý vị không thể nào mang nghiệp của mình đi, mà còn không thể nào vãng sanh về đó, vì quý vị sẽ bị chướng ngại bởi nghiệp của mình. Chúng ta là những người đã tin vào Đức Phật, phải nên thận trọng, đừng tạo thêm nghiệp chướng một khi chúng ta đã biết niệm Phật. Chương Đại Thế Chí niệm Phật viên thông nầy vô cùng quan trọng. Mọi người nên biết phương pháp niệm Phật chủ yếu là gì.

Tại sao chúng ta phải nên niệm Phật? Vì chúng ta có nhân duyên rất lớn với Đức Phật A-di-đà.

Đức Phật A-di-đà đã thành Phật cách đây 10 kiếp. Trước đó, ngài có pháp danh là Pháp Tạng tỷ-khưu. Lúc ấy, ngài phát 48 lời nguyện. Trong lời nguyện thứ 13 và 14, ngài phát nguyện: “Nếu có chúng sinh nào trong khắp mười phương niệm danh hiệu của tôi mà không thành Phật, tôi nguyện sẽ không thành chánh giác.” Nói cách khác, nếu có chúng sinh nào niệm danh hiệu ngài mà không được thành Phật, thì ngài nguyện sẽ không thành Phật. Và do nguyện lực của Đức Phật A-di-đà, mọi người ai niệm danh hiệu của ngài thì đều được vãng sanh vào thế giới Cực lạc.

Pháp môn Tịnh độ là một trong năm tông phái của đạo Phật Trung Hoa.

1. Thiền tông (dhyāna).
2. Giáo tông.
3. Luật tông.
4. Mật tông.
5. Tịnh độ tông.

Tịnh độ tông sẽ là tông phái còn tồn tại sau cùng. Trong thế giới nầy, vào thời mạt pháp, Kinh Thủ-lăng-nghiêm sẽ bị biến mất trước tiên. Sau đó, các kinh khác cũng sẽ lần lượt bị biến mất, chỉ có kinh A-di-đà còn lại. Khi Kinh A-di-đà còn lưu lại trên thế gian, kinh sẽ độ thóat cho rất nhiều người. Sau hơn 1000 năm nữa, Kinh A-di-đà cũng bị biến mất hẳn.

“Thời mạt pháp” đơn giản có nghĩa là chánh pháp hoàn toàn biến mất hẳn. Một khi Kinh A-di-đà đã biến mất, chỉ còn lưu lại câu “Nam-mô A-di-đà Phật.” Câu nói phi thường này cũng sẽ độ thóat cho rất nhiều người; thế nhưng, sau 1000 năm nữa, nó cũng sẽ biến mất. Những gì còn lại chỉ là danh hiệu “A-di-đà Phật,” danh hiệu nầy cũng sẽ tồn tại trên thế gian một trăm năm nữa rồi cũng biến mất. Đến lúc đó, sẽ không còn Phật pháp lưu hành trên thế gian nữa. Trong khi chúng ta vẫn còn ở trước thời mạt pháp, chúng ta nên tu tập và giữ gìn những sự việc ở trong thời Chánh pháp. Đó gọi là “Thỉnh Phật chuyển pháp luân.” Trong thời mạt pháp, chúng ta không nên sợ một khó khăn gian khổ nào. Tôi không ngại khó khăn khi giảng pháp cho quý vị, và quý vị không nên sợ cực khổ khi đến nghe kinh. Hãy phấn chấn tinh thần lên! Đừng nói rằng mình mệt và phải đi nghỉ. Hãy quên chính mình vì đạo pháp. Hãy suy gẫm xem Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã sống trong núi Tuyết suốt sáu năm để tìm đạo như thế nào. Chúng ta không vào trong núi sống sáu năm, nhưng việc nhỏ nhất chúng ta có thể làm là tìm hiểu về đạo Phật. Hãy xem Phật pháp như là lương thực mà quý vị cần có để ăn vậy. “Nếu ta không đi nghe giảng kinh, cũng giống như vài ngày tới mình không có gì để ăn vậy.” Quý vị nên có suy nghĩ như vậy. “Ta phải đi nghe pháp. Ta chắc chắn phải tìm cách để hiểu đạo một cách chân xác.” Quý vị đi đâu để có được sự hiểu biết chân chính về Phật pháp? Quý vị phải thường nghe giảng kinh. Không nghe giảng kinh, quý vị không thể nào khai mở trí huệ. Đây là điều đặc biệt đúng đối với Kinh Thủ-lăng-nghiêm, vì đây chính là kinh khai mở trí huệ cho chúng sinh.

Tu Ðức - Tạo Nghiệp

Quý-vị thử nghĩ xem: Phật xưa kia, do tu vô lượng vô biên công đức, nên mới thành Phật được.
Chúng ta tại sao chưa thành Phật? Là bởi chúng ta chưa có tu vô lượng vô biên công đức. Công đức của mình so với Ngài thật quá sai lệch. Bởi vì một mặt thì mình tu hành, một mặt thì tạo tội nghiệp; do đó "Công tu không bằng tội nghiệp tạo ra."
Từ sáng đến tối mình tạo thân nghiệp, tạo khẩu nghiệp, tạo ý nghiệp. Thử xét tư tưởng của mình: Hết tưởng người nầy không tốt lại tưởng người kia đối với mình không đẹp; tưởng người nọ đối với mình nghĩ như vầy, nói thế kia, cho nên trong lòng tạo ra đủ thứ nghiệp tham, sân, si. Ở nơi miệng, mình cũng tạo nghiệp, nào là nói thị phi (kẻ đúng người sai), hoặc là nói láo, nói lời thêu dệt, nói điều ác ôn, nói điều đâm chọc hai đầu làm cho người nầy người kia bất hòa. Có những người một ngày không nói những chuyện thị phi thì giống như một ngày họ không sống vậy. Một ngày không nói láo giống như ngày đó họ không có cơm ăn vậy, họ cảm thấy rất là khó chịu, nên từ sáng tới tối phải nói chuyện thị phi, nói chuyện láo lếu thì họ mới sống được. Các vị coi thử mấy người nầy có kỳ quái chăng? Thật làm cho người ta tốn công giải thích!
Những người có tật xấu mà tự mình không nhận lỗi, lại còn che đậy, bao che cho cái tội của mình. Cho rằng mình đâu có nói dối, mình nào có vọng tưởng, mình cũng chẳng có dục niệm, đeo cái mặt nạ giả để đi lừa người khác. Kỳ thật ở đời nầy làm sao mình có thể lừa được ai? Chẳng những mình không lừa được người khác mà tự mình cũng không lừa được chính mình. Tại sao vậy? Tại vì khi mình có vọng tưởng, thì thử hỏi xem mình có biết hay không? Nếu mình biết thì mình không cách gì lừa được mình. Nếu không lừa được chính mình, thì làm thế nào để lừa người khác chứ? Chỉ có người ngu si thì mới đi lừa kẻ khác thôi.
Người không thật sự tu hành thì mang mặt nạ, lòng dạ đen tối, không giữ quy luật, chẳng làm chuyện quang minh chính đại, song không chịu thừa nhận. Do đó trong sự sinh hoạt hằng ngày, y giống như kẻ được sinh ra trong say đắm, chết đi trong mộng mị (túy sinh mộng tử). Không tu một chút công đức nào, thì làm sao thành Phật được? Những người nầy cách xa Phật đến trăm ngàn vạn dặm.
Nói cách khác, công đức mà mình tu được ít hơn tội nghiệp mình tạo ra, tức là "Phần thu hoạch không nhiều bằng phần mất đi." Thử hỏi như vậy thì làm sao thành tựu được?

Talks on the Dharma, Vol. I, p.121

http://www.dharmasite.net/sf/teach/teach3-8.html

Tuesday, October 19, 2010

Khéo hộ trì các căn - MP3 TT Thích Phước Tịnh giảng rất hay

Chửa trị thân tâm _ MP3 Thầy Thích Phước Tịnh giảng