Thursday, November 11, 2010

Bức tranh và những lời phê bình

Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi. Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp.
Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.
Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:
- "Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi."
Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:
- "Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó."
Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.
Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X.
Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút vẽ ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.
Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:
- "Con đã thành công vào ngày hôm nay. Bởi vì nếu chỉ thành thạo về mỹ thuật thôi thì chưa đủ, mà con còn phải biết rằng con người bao giờ cũng đánh giá bừa bãi ngay khi có cơ hội đầu tiên, cho dù họ chẳng biết gì về điều đó cả.
Nếu con luôn để cả thế giới đánh giá mình, con sẽ luôn thất vọng. Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não.
Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết - những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn.
Cho nên, những thứ mà con phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình.
Và tất nhiên, con cũng nên nhớ đừng bao giờ đánh giá người khác một cách cẩu thả."

Ốm yếu dễ trở thành... thiên tài

Ông John Saringer (phải) thành công sớm nhờ sức khỏe kém khiến ông đầu tư cho nhiều ý tưởng phát minh
-  Con người hiện đại suy tôn một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng. Nhưng nghiên cứu của Trường đại học California (Mỹ) mới đăng trên Psychological Science cho biết một số thiên tài xuất chúng trong lịch sử loài người đều có một đặc điểm là... thể trạng ốm yếu khi còn nhỏ.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích số liệu có từ hơn 70 năm trước của 282 thiên tài trên nhiều lĩnh vực. Họ phát hiện chỉ số thông minh (IQ) không tỉ lệ thuận với thể chất khi còn trẻ của các thiên tài.
 Dean Keith Simonton, giáo sư tâm lý học, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định: “Chúng ta không thể kết luận mọi mặt tốt đẹp đều chung về một mối. Chúng ta không nhất thiết phải luôn có những con người vừa thông minh, vừa mạnh khỏe, vừa có tâm lý vững vàng hoặc bên kia phải là những người ngốc nghếch, ốm yếu”. Trí tuệ thông minh xuất chúng của các thiên tài có liên quan tới thể trạng sức khỏe yếu của họ từ lúc còn bé. Những người có thể trạng yếu khi còn nhỏ thường hay ở trong nhà chứ không thích tham gia các hoạt động ngoài trời và sẽ đọc sách nhiều hơn. Việc đọc nhiều là một trong những nhân tố giúp làm tăng sự phát triển trí tuệ, chứ không phải người có thể trạng sức khỏe tốt sẽ có chỉ số IQ phát triển tốt.
Trước kia, nhà triết học Descartes vốn có sức khỏe yếu khi còn là một cậu bé và do đó ông đã được các giáo viên cho phép ngủ tới trưa. Sau đó, ông cho biết tất cả ý tưởng tốt nhất của mình hình thành trong thời gian buổi sáng.
 Tương tự, nhà văn lừng danh người Anh Charles Dickens vốn cũng là một cậu bé yếu đuối, ngại va chạm. Chính hai nguyên nhân này đã khiến ông không tham gia các môn thể thao và chỉ chúi đầu vào các cuốn sách.
Kỹ sư John Saringer người Canada đã tạo ra các thiết bị y tế giúp giảm bớt các tác hại của bệnh bại liệt cho hàng triệu người. Khi còn niên thiếu, ông liên tục phải ra vào bệnh viện vì các vấn đề sức khỏe. Điều đó khiến ông bị các bạn cùng trang lứa “ruồng bỏ”. Ông tin rằng khoảng thời gian cô đơn đã đưa ông tới con đường thành công. Ông nhanh chóng trở thành một người đàn ông đầy quyền lực và là triệu phú khi mới 20 tuổi.
Nghiên cứu của ĐH California còn là một bằng chứng ủng hộ kết luận mới đây của nhà xã hội học Malcolm Gladwell rằng 10.000 giờ rèn luyện trí tuệ là ngưỡng cửa quan trọng tạo cho con người có vốn kiến thức cần thiết để vượt trội hơn so với người khác trong một lĩnh vực nào đó.

Theo Tuổi trẻ

Nỗi đợi chờ -2

Nỗi đợi chờ -1