Friday, December 3, 2010

Vì Sao Trước Khi Nhập Niết Bàn, Phật Không Nhận Cúng Dường?

Khi Phật sắp nhập Niết Bàn, vì sao Ngài không nhận cúng dường? Bởi Phật đã đạt thành thân kim cang bất hoại, cho nên Ngài không ăn uống. Việc ăn hay không ăn đối với Ngài chẳng có quan hệ chi, tức là ăn cũng được, không ăn cũng được. Ðâu có giống như chúng ta, hễ thiếu ăn một bữa thì khổ sở như là thiếu hụt dữ lắm vậy. Thậm chí nếu không ăn no, mình cảm thấy như bị lỗ vốn một cách nặng nề. 
Thiền tông có câu danh ngôn: 
“Trọn ngày ăn cơm, nhưng chưa ăn một hạt gạo. Cả ngày mặc áo, mà chưa mặc một sợi tơ.”
Câu nói nầy có phải là vọng ngữ không? Nếu phân tách kỹ càng, chúng ta sẽ thấy rất có đạo lý. Vị đó tuy có ăn cơm, mặc áo, nhưng tâm ông ấy không có ở đấy. Thế thì tâm ông ấy ở đâu? Tâm ông ấy đang niệm niệm, nhất tâm nhất ý tham cứu thiền thoại đầu. Chưa đến lúc “nước cạn đá lộ” thì ông chưa buông lỏng. Như thế mà ông khắc ghi kỳ hạn thủ chứng để làm mục tiêu.
Ðức Phật Thích Ca nói: “Sau khi ta nhận dùng bát cháo sữa của nữ mục đồng, ta bèn đến gốc cây Bồ-đề tu hành và thành Chánh Giác.” Uống xong bát cháo sữa, thân thể Ngài được khôi phục, mạnh khỏe trở lại. Nhưng nếu Ngài không ăn thời cũng được thôi. Khi Phật ở Tuyết Sơn tu khổ hạnh sáu năm, nơi đó không phải tại Hy Mã Lạp Sơn, mà là vùng phía nam sông Hằng. Mỗi ngày Phật chỉ ăn một hạt mè, một hạt lúa mạch mà cũng không chết đói. Tuy ốm như que củi, nhưng tinh thần Ngài vẫn rất khỏe mạnh. Bởi thế mới nói là đức Phật ăn cũng được, không ăn cũng được, không có vấn đề gì.
Do bởi Phật có ăn hay không thì cũng được, cho nên trước khi nhập diệt, Ngài mới thọ nhận sự cúng dường cuối cùng của ông Thuần Ðà. Mục đích của Ngài là vì nghĩ đến đại chúng. Thế nào là vì đại chúng? Làm sao mà Ngài có thể thay mặt đại chúng để ăn? Như có câu: “Tự mình ăn thì tự mình no, tự mình sanh tử thì tự mình dứt.” Nói cách khác, Phật vì đại chúng trong pháp hội nên đã nhận lần cúng dường sau cùng của ông Thuần Ðà. Ngài nhận cúng dường cũng vì chúng tôi, vì quý vị và tất cả chúng sanh hiện nay.
Vì sao lại nói như thế? Bởi vì Phật từ bi giúp duyên cho chúng sanh gieo trồng chút ít phước căn. Nếu Phật không ăn uống, chúng sanh chúng ta sẽ không có nơi để gieo phước báu. Phật vì cho chúng sanh trồng phước điền, cho nên Ngài không ăn mà ăn, ăn mà không ăn. Nếu như Phật không ăn thì chúng sanh sẽ không có nơi để trồng phước điền, mà đệ tử Phật cũng chẳng có cơm để ăn.
Phật hoàn toàn vì đệ tử mà nhận của cúng dường, gọi là: “Nê long tuy bất năng giáng vũ, kỳ vũ tất giả long; Phàm tăng tuy bất năng chủng phước, cầu phước tất giả tăng,” nghĩa là rồng đất tuy không thể làm mưa, nhưng muốn cầu mưa tất phải dùng rồng giả. Phàm tăng tuy không thể trồng phước, nhưng muốn cầu phước tất phải nhờ phàm tăng. Ðấy là có sự hỗ tương lẫn nhau chứ không phải mê tín. Vì ứng theo cơ duyên của chúng sanh mà Phật miễn cưỡng tiếp nhận sự cúng dường, chứ không phải cho rằng Phật sao mâu thuẫn, ăn rồi lại nói không ăn. Chúng ta phải hiểu rõ điều nầy, vì đây cũng là để phá tan sự chấp trước của con người.
Cư sĩ Thuần Ðà tuy là người làm công, nhưng ông đã cúng dường với tấm lòng thành khẩn, thiết tha, không có chút ý đồ gì. Vì thế Phật mới nhận sự cúng dường của ông. Ông tự bảo rằng mình có căn gốc nghèo cùng (không có Tam Bảo), cho nên ông hy vọng đức Phật sẽ bạt trừ cái cùng căn đó đi. Bởi vì mục đích duy nhất của ông là muốn gieo căn lành cho chúng sanh, chứ không phải cho chính mình. Ðó là tinh thần của Bồ Tát vậy.
Con người chúng ta không nên sợ cái căn nghèo cùng. Vì căn nghèo không thể chướng ngại được con đường đạo, mà chỉ sợ có căn ma thôi. Căn ma tức là tà tri tà kiến. Nếu người có tà tri tà kiến, bất luận tu pháp môn nào, họ tuyệt đối sẽ không bao giờ có được sự tương ứng. Dù cho họ có bản lãnh gì đi nữa thì cũng như là nói về thức ăn mà không được ăn, là đếm tiền dùm cho người, bận rộn vì người khác mà tự mình không được sự lợi ích gì cả. 
Cư sĩ Thuần Ðà làm những việc mà người khác không thể làm, nhường được cái mà người ta không thể nhường, cho nên ông đã không tranh giành với một ai. Khi mọi người đã cúng dường xong hết, ông mới cúng dường. Tuyệt đối là ông không có giành trước với ai. Tôi tin rằng thời gian ông ta chờ đợi rất là lâu. Hơn nữa ông ăn những thứ người khác không thể ăn, chịu đựng những gì người khác không thể chịu đựng. Do đó ông mới là bậc long tượng trong giữa muôn người. Bởi vì ông Thuần Ðà có đầy đủ hai chữ “chân thành,” cho nên đức Phật mới tiếp nhận sự cúng dường của ông. Vì sao ông Thuần Ðà có được cái nhân duyên đó? Bởi kiếp xa xưa kia ông đã tu phước, tu huệ, tu đạo và tu đức. Do nhiều công đức tu hành đó, cho nên đời nầy ông mới có thể làm được một vị bố thí viên mãn.
Giảng ngày 8 tháng 11 năm 1985
 

Sao Gọi Là Ðịnh Kiên Cố?

Sao gọi là định kiên cố? Thì là tâm hằng thường không thay đổi, cũng tức là tâm Bồ Ðề không thối chuyển. Ai có thể thường tinh tấn thì là người ở trong định. Sao gọi là Kim Cang Ðịnh? Tức là cái khả năng không bị cảnh giới xoay chuyển và có thể chuyển được cảnh giới. Khả năng nầy cũng có thể tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, đó là Kim Cang Ðịnh. Kim Cang Ðịnh không có một hình tướng nào cả, nó chỉ là tâm Bồ Ðề bất hoại thôi.
Chúng ta là người tu đạo, khi đạt đến trình độ tương đương, phù hợp thì chúng ta sẽ không còn vọng tưởng, không còn dục niệm, cũng không bị thất tình lục dục sai khiến, cũng sẽ không tùy tiện khóc, tùy tiện cười. Vì sao? Bởi vì chúng ta đã có Kim Cang Ðịnh. Hơn nữa, chúng ta sẽ không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Vì sao thế? Vì chúng ta đã có định kiên cố rồi.
Cho nên nói: “Na Già thường trong định, không lúc nào là không định,” (Na Già là Rồng, nhưng đây ý chỉ cho tánh định kiên cố của đức Phật.) lúc nào nơi đâu cũng đều ở trong Ðịnh. Về Ðịnh nầy, nếu mức thượng thì thông suốt vạn cổ, còn mức hạ thì đạt đến vạn kiếp, không sau không trước, thời thời đều nhập định. Người tu đạo mà đạt được tâm định như thế, đó tức là họ đang đi đến con đường Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Họ cần phải tiếp tục bước tới, đã tinh thông còn muốn tinh thông hơn nữa và dũng mãnh tinh tấn cho đến khi thành Phật.
Quý vị đừng tưởng rằng Kim Cang Ðịnh là có hình tướng. Thật ra, nó chính là tâm kiên cố bất động. Quý vị nghĩ thử xem! Nếu không phải là như thế, vậy rốt cuộc đến trình độ nào mới là Kim Cang Ðịnh đây? Có người nói: “Tổ sư Ca Diếp nhập Kim Cang Ðịnh và không xuất định. Ngay cả khi Phật nhập Niết Bàn, Tổ cũng không hay biết.” Tổ sư Ca Diếp không phải là nhập Kim Cang Ðịnh mà là nhập lão định. Bởi Ngài già rồi, thành thử Ngài ngồi mà không động đậy. Mãi cho đến nay, tổ sư Ca Diếp vẫn còn nhập định tại núi Kê Túc ở Vân Nam, chứ Ngài không có nhập Niết Bàn. Tổ chờ Phật Di Lặc giáng thế đấy. Rồi phụng mạng lời di chúc của đức Phật Thích Ca, Tổ sẽ đem y cà sa truyền trao lại cho đức Phật Di Lặc, là vị Phật thứ năm của thời Hiền Kiếp. Khi hoàn thành
sứ mạng, Tổ mới nhập Niết Bàn. 
Giảng ngày 5 tháng 11 năm 1985

Chúng ta vì sao chưa thành Phật? Bởi vì chúng ta vẫn còn "lậu hoặc"!

HT Tuyên Hóa

(Trích Kinh Địa Tạng Lược Giảng - Phẩm thứ nhất)

 

 

"Thần Thông". Thế nào gọi là "thần"? Thế nào gọi là "thông"? "Thần" là "thiên tâm", là tâm của trời; "thông" là "huệ tánh", tức là có trí huệ. "Thông" còn là "thông đạt vô ngại" - chẳng có gì không thông suốt; và "thần" cũng hàm ý thần kỳ bí ẩn.

Thần thông có sáu loại - sáu loại cũng là một loại, một loại mà phân làm sáu loại. Cho nên, tách riêng ra thì có tới sáu loại, song hợp lại thì chỉ là một. Thật ra, một loại cũng chẳng có nữa, bởi xưa nay vốn không có thần thông mà vốn cũng có thần thông!

Vì sao nói "vốn không có thần thông"? Vì sao lại nói "vốn cũng có thần thông"? Ðiều này rất kỳ diệu, lý thú. Bây giờ, chúng ta hãy nói về sáu loại thần thông trước, rồi sau đó sẽ bàn đến "vốn là thần thông, vốn không phải là thần thông; vốn là một loại thần thông, vốn là một loại thần thông cũng chẳng có."

Sáu loại thần thông chính là Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông, Lậu Tận Thông, và Thần Túc Thông.

1) Thiên Nhãn Thông. Người chứng được Thiên Nhãn Thông có thể nhìn thấy khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới rõ ràng như nhìn quả am-ma-la trong lòng bàn tay vậy. Trong hàng đệ tử của Phật, Tôn Giả A Na Luật là bậc đứng đầu về Thiên Nhãn Thông.

2) Thiên Nhĩ Thông. Chứng được Thiên Nhĩ Thông thì có thể nghe được mọi âm thanh từ cõi nhân gian cho đến tận ba ngàn đại thiên thế giới, luôn cả các âm thanh của cõi trời.

3) Tha Tâm Thông. Ðây là khả năng đọc được ý nghĩ của người khác. Tất cả những việc mà quý vị dự tính trong đầu, định sẽ thực hiện, thì cho dù quý vị chưa hề thổ lộ với ai cả, nhưng người đã chứng đắc Tha Tâm Thông vẫn có thể biết rõ.

4) Túc Mạng Thông. Người chứng đắc Túc Mạng Thông có khả năng biết được tất cả những việc - thiện cũng như ác - mà quý vị đã tạo tác trong các đời trước.

5) Thần Cảnh Thông (cũng gọi là Thần Túc Thông hoặc Như Ý Thông). Chữ "thần" này đồng nghĩa với chữ "thần" vừa giảng ở trên, và cũng chỉ cho một cảnh giới kỳ diệu, không thể nghĩ bàn. Ý nghĩa của chữ "thần" và chữ "diệu" có đôi chút tương đồng; cho nên có lúc nói "thần diệu khôn lường", chính là ám chỉ một thứ cảnh giới không thể nghĩ bàn.

"Cảnh" là cảnh giới; còn "thông" là thông đạt vô ngại, vốn không thông mà lại thông. Thí dụ, bức tường chắn ngang tuy có gây trở ngại, nhưng nếu quý vị khoét một lỗ hổng thì sẽ được thông lưu. Tương tự như thế, "bức tường" vô minh gây chướng ngại, ngăn che ánh sáng quang minh của tự tánh trong chúng ta; song, nếu quý vị có thể dùng "gươm" trí huệ của mình để phá vỡ bức tường đó, thì sẽ được thông suốt ngay.

6) Lậu Tận Thông. Chúng ta vì sao chưa thành Phật? Bởi vì chúng ta vẫn còn "lậu hoặc"! Chúng ta vì sao chưa thể làm Bồ Tát? Bởi vì "lậu hoặc" vẫn tồn tại trong chúng ta! Chính vì lậu hoặc mà chúng ta phải trầm luân trong Tam Giới - Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Chẳng những thế, các lậu hoặc này còn khiến cho chúng ta bị lưu lạc, nổi trôi trong chín Pháp Giới. Chín Pháp Giới là gì? Ðó là chín cõi giới của Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Thiên (Trời), Nhân (Người), A Tu La, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh. Chúng sanh trong chín Pháp Giới này chưa thể thành Phật được là vì họ còn có lậu hoặc; nếu không còn lậu hoặc nữa thì nhất định sẽ thành Phật.

Lậu hoặc này do đâu mà có? Chính là do vô minh! Cho nên, hễ diệt trừ được vô minh thì lậu hoặc sẽ không còn nữa; nếu vô minh chưa bị phá hủy thì lậu hoặc vẫn còn tồn tại. Do vậy, người chứng được Lậu Tận Thông chẳng có bao nhiêu. Một khi không còn lậu hoặc thì quý vị sẽ không còn phải trôi lăn trong vòng sanh tử nữa. Tại sao chúng ta vẫn còn luẩn quẩn trong vòng sanh tử? Ðó là vì chúng ta có lậu hoặc! Người có lậu hoặc ví như cái bình bị lủng vậy - quý vị muốn đổ nước cho đầy bình, nhưng nước cứ rỉ ra ngoài theo chỗ lủng, bình không thể giữ được nước. Cho nên, dứt sạch mọi mối lậu tức là được "lậu tận thông" vậy.

Nói rằng con người "vốn không có thần thông", là ám chỉ lúc chúng ta còn là phàm phu, chưa hiện thần thông. Lại nói rằng con người "xưa nay vốn có thần thông", bởi y cứ vào quả vị của bậc Thánh nhân mà nói thì thần thông vốn đã có sẵn. Hạng phàm phu thì không có thần thông, bậc Thánh nhân mới có thần thông. Thần thông của Thánh nhân phải chăng là đến từ bên ngoài? Không, đó là có sẵn! Thế thì phàm phu không có thần thông, phải chăng là vì họ đã đánh mất? Cũng không phải, bởi thần thông ấy vẫn tiềm tàng trong tự tánh của phàm phu; chẳng qua là họ chưa phát hiện ra, chưa nhận thức được, nên tưởng rằng mình không có mà thôi! Cho nên, tôi nói "vốn không có thần thông" là vì lẽ ấy.

Có thần thông hay không có thần thông đều chẳng quan trọng. Quý vị chớ lầm tưởng rằng có thần thông tức là đắc Ðạo hoặc chứng được quả vị. Phải biết rằng có được thần thông rồi vẫn còn ở cách sự chứng quả và đắc Ðạo rất xa! Chúng ta không nên mới đạt được đôi chút thành tựu liền tự mãn: " - , phen này tôi phát tài rồi!" Mới có được một lượng vàng mà đã reo mừng rối rít, cho là mình phát tài; trong khi người ta có tới hàng ngàn hàng vạn lượng vàng thì lại không hề khoe khoang, vẫn bình thản như không có gì cả vậy! So với người ta thì việc mình có được một lượng vàng có gì là to tát đâu? Có câu:

Được ít cho là đủ, nửa đường tự ngừng

(Đắc thiểu vi túc, trung đạo tự hoạch)

Những kẻ chỉ mới gặt hái được một vài thành quả nhỏ nhoi mà ngỡ là nhiều lắm, thì chẳng khác nào tự vẽ sẵn mức đường giới hạn cho mình ở nửa đường, đến mức đó thì ngừng lại, không lướt tới nữa. Ðó là cảnh giới của hàng Nhị Thừa, chứ không phải là căn tánh Bồ Tát của Ðại Thừa. Cho nên, đừng nghĩ rằng có thần thông là tài giỏi. Nếu quý vị có thần thông rồi tự phụ, cho rằng mình tài giỏi hơn người, thì quý vị còn quá nông nỗi - bởi như thế là quý vị vẫn còn tâm chấp trước, còn lòng tự mãn.


Chữ Ký__________________________________________
Con xin cung kính đảnh lễ tất cả chúng sanh trong Pháp Giới cũng như các Chư Phật Vị Lai .
http://chuavanphat.org

Thursday, December 2, 2010

HÃY BUÔNG RA

Tôi nghe buổi Thuyết Pháp tại chùa Thiên Môn.  Xin thuật lại để quý vị cùng nghe.  Sau phần thuyết giảng, đến phần Pháp đàm.  Thầy mời quý Phật tử đặt câu hỏi để cùng thảo luận.  
Tận cuối hội trường, có một ông già, đứng dậy chắp tay cung kính xin hỏi:
-  Kính bạch thầy.  Con hiện đang bị bệnh.  Hết đau đầu đến đau khớp, đau thận, tiểu đường, cao huyết áp.  Bây giờ lại bị bại một chân nữa ạ! 
Suốt đêm qua con trằn trọc mãi không sao ngủ được do bệnh nó hành hạ xác thân…  Cúi xin thầy từ bi thương xót chỉ bảo cho con làm sao cho hết đau bệnh?  Xin thầy cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho con được hết bệnh, khỏe mạnh như xưa …
Thầy lên tiếng nhỏ nhẹ, thong thả nói:
-  Thưa bác, thưa đạo hữu.  Đức Phật đã dạy:  Cõi thế gian tràn đầy đau khổ!  Trong đó có định luật:  SINH, LÃO, BỆNH, TỬ thì đau khổ vô cùng mà bác thì đang đi vào giai đoạn “Bệnh tật”, tức giai đoạn “Hư hoại”
Vạn vật là thế; tất cả đều bị luật “Vô Thường” chi phối.  Chẳng hạn như cái áo bác đang mặc, khi mới mua về, trông thật đẹp đẽ, mềm mại, óng mướt, tươi thắm… Nhưng nay bác mặc đã lâu rồi; màu đã bạc, gấu đã sờn, vai đã rách và vải đã mục. 
Nó đang ở tiến trình “Hư Hoại”
Không có gì có thể còn mãi được, vì bản chất tự nhiên là như vậy, mà thân xác bác cũng đang như vậy.  Ngay khi bác mới sanh ra thì bác trẻ trung, khỏe mạnh, xinh đẹp, rồi bác lớn lên trông rất đẹp trai, kháng kiện. 
Giờ đây bác đang già yếu và đang ở thời kỳ bệnh hoạn (Sanh, Trụ, Hoại, Diệt).  Vậy bác phải chấp nhận điều đó, bác hãy thấu hiểu bản chất của nó, để bác phải chấp nhận nó mà sống An-Lạc với nó, dù nó ở bất cứ giai đoạn nào.
Bây giờ thân thể của bác đang bắt đầu suy yếu, hư hoại theo tuổi đời chồng chất.  Thì bác đừng cưỡng lại điều đó, vì đó là quy luật tự nhiên của thân xác.  Chân lý không bao giờ thay đổi đó là: 
Sinh ra > Già cỗi > Bệnh hoạn > Rồi chết đi!  
Không cách chi làm khác đi được.  Thời gian vận hành của định luật đã chín mùi rồi đấy bác ạ!
Ông già đó nói tiếp:
-  Bẩm thầy, nhưng con chưa muốn chết vội, vì con và cháu của con chưa khôn lớn.  Nhất là còn nhiều công việc con đang làm dở dang chưa hoàn tất, con cần giải quyết cho xong trước đã.
-  Ồ!  Tất cả chỉ là vậy, bác chẳng làm gì khác hơn khiến bác phải lo lắng.  Công việc của thế gian, bác hãy để mặc thế gian cho họ tự giải quyết lấy. 
Bác nên hiểu rằng:  Giầu hay nghèo, già hay trẻ, đẹp hay xấu, người hay vật.  Bất cứ ai, bất cứ vật gì, bất cứ ở đâu cũng không thể giữ mãi tình trạng nguyên thủy như lúc ban đầu được. 
Mọi người, mọi vật đều phải thay đổi khác đi theo một định luật:  Sinh, Trụ, Hoại, Diệt mà không cách chi sửa đổi được.  
Điều mà bác có thể làm được là bác tự quán chiếu, soi rọi về thân xác và tâm thức của bác, để bác thấy tính:  “Vô ngã” của vạn vật.  Để không thấy có cái gì là “Tôi” hoặc là “Của tôi”, mà tất cả chỉ là Giả có, Tạm có mà thôi.
(Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng = Cái gì có hình có tướng, đều là giả có, chứ không thật có).
Ngay như nhà cửa, sự nghiệp, danh vọng, vợ, chồng, con cái của bác cũng chỉ là:  “Của bác trên danh nghĩa, chúng không thực sự thuộc về bác. Chúng thuộc về tự nhiên !!!  Như lời bác vừa cầu mong, chẳng những không đạt được.  Thân bác vẫn đau đớn như thường và cách suy nghĩ sai lầm của bác còn đau khổ hơn nhiều nữa.  
Vì cầu mong mà không được như ý là khổ
(Cầu bất đắc khổ).  
Bởi vậy, bác phải nhìn mọi thứ đúng theo bản chất của nó và đừng níu kéo nó, đừng tiếc thương nó:  “HÃY BUÔNG NÓ RA”.  Bác hãy rũ sạch mọi thứ bên ngoài.  “Bác hãy “Buông ra !”.  Bác đừng bám víu cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, quyến thuộc, tài sản, công danh, sự nghiệp v…v… 
Vì những thứ đó bác không thể mang theo được, hoặc bác không “buông”, thì nó cũng phải “buông” bác mà thôi.  Cho nên bác “Hãy Buông Ra!”, bởi vì mọi thứ đều là “Không” là “Huyễn” là “Vô Ngã”:  “Không tôi và Không của tôi”.  
Tất cả rồi sẽ biến mất; chẳng còn gì.  Bác phải nhận biết cho bằng được điều này, và sau khi biết rồi thì bác hãy “Buông tất cả”
Đừng bận tâm về con cái, bây giờ chúng còn trẻ.  Rồi mai này chúng cũng sẽ già y như bác ngày hôm nay.  Không một ai trên thế gian này có thể trốn thoát được định luật:  “Sinh, Trụ, Hoại, Diệt”.  
Nếu bác “Buông ra” được mọi thứ thì bác mới thấy được “Chân Lý”.  Vậy bác đừng buồn phiền, lo lắng và đừng ôm giữ bất cứ điều gì thì bác sẽ thấy tinh thần thanh thản trong mọi tình huống bác ạ!
Ông già hỏi nữa:
-  Bạch thầy, nghe thầy dạy dễ quá, nhưng làm sao con “Buông ra” cho được?
-  Nếu bác “Buông ra” không được thì bác sẽ vô cùng đau khổ.  Và không chịu “Buông ra” cũng chẳng được.  Bởi vì mọi thứ nó không thuộc về của bác, kể cả chính xác thân của bác nữa. 
Lúc này bác hãy tập trung tâm tưởng, để cho nó được an nhiên tự tại, còn mọi việc đã có người khác lo.
Bác hãy tự nhủ lòng rằng:  “Chung sự” (Tôi hết việc rồi )
Tư tưởng ham sống lâu sẽ làm bác đau khổ.  Cho dù bác mong muốn thiết tha tới đâu cũng chẳng được.
Muôn sự đều vô thường và luôn luôn không cố định…  “Sau khi sanh ra > Nó biến hoại > Sau khi sanh ra > Nó diệt đi !”  Đức Phật cũng thế, bác và cả bàn dân thiên hạ cũng đều như thế.  Vậy mà bác muốn xác thân bác còn tồn tại mãi sao được?
Bác hãy nhìn vào hơi thở thì biết.  Nó đi vô rồi lại đi ra, bản chất của nó là vậy.  Bác chẳng thể ngăn cản sự đi ra và đi vô của nó được.  
Bác thử nghĩ coi:  “Có thể nào bác thở ra mà không thở vào được chăng?”  Tức là hơi thở nó đi vào, rồi nó lại đi ra.  Khi nó ra rồi thì nó lại phải đi vào.  Tự nhiên là như vậy, không cách chi làm khác được. 
Y chang sự quá trình bác Sanh Ra > Rồi Già Nua > Rồi Bệnh Tật > Rồi Chết Đi!
Đó là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường … Nếu bác không sanh ra, thì bây giờ bác đâu có bị đau vì bệnh!  Và lấy gì để mai mốt bác chết!   Bác có hiểu điều đó không ???
-  Bạch thầy, con ngộ được những gì thầy vừa dạy, nhưng con vẫn lo sợ quá chừng!
    Thầy cầm ly nước uống nhấp giọng, đoạn thày nói thêm:
-  Bác nên hiểu rằng:  Vạn sự ở đời đều là như vậy, khi bác nhận thức được đúng đắn thì bác đừng do dự: 
“Hãy Buông Ra Tất Cả, Hãy Dẹp Bỏ Tất Cả”.  Dù bác không buông nó ra thì mọi thứ nó cũng bắt đầu buông bác ra đó.
Này nhé!  Như những bộ phận trong cơ thể của bác nó cũng đang muốn rời xa bác đấy.  Vì những bộ phận ấy nó đã sống đủ thời hạn với bác rồi, nên nó sắp ra đi đó.
Bản chất của nó là: “Đã đến, thì phải ra đi”.  Bởi thế gian là không có sự bình thường hay mãi mãi, dù bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào, bất cứ thành phần giai cấp nào; người giầu có, kẻ nghèo khó, người lớn cũng như trẻ nhỏ, người có học cũng như người thất học v...v... 
Cũng không thể có sự bình thường được.  Ai ai cũng phải xoay vần theo luật “Vô Thường” chi phối.  Quán triệt được điều đó, bác sẽ chả còn quyến luyến bất cứ sự gì.  
Bác hãy "Buông ra" chứ không còn nắm giữ được nữa, vì có giữ cũng chẳng đặng.  Bác buông ra, thì tâm bác sẽ thảnh thơi, An-Lạc; không buồn mà cũng chẳng vui, không khiếp sợ và cũng chẳng lo lắng.  Lúc bấy giờ lòng bác sẽ an ổn với trí tuệ hiểu biết:  
“Vạn vật không bao giờ có thể thường còn mãi mãi được”.

“ĐẶC TÍNH PHẢI ĐỔI THAY CỦA VẠN VẬT, KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI”.

Nếu bác có nhiều thứ, bác sẽ phải bỏ lại nhiều thứ.  Nếu bác có ít thứ, bác sẽ bỏ lại ít thứ; giầu có là giầu có, nổi danh là nổi danh, sống lâu là sống lâu… chẳng có gì khác biệt, mọi sự cũng thế thôi!  
Vậy bác hãy Buông nó ra, Buông cho đến khi nào tâm trí bác hoàn toàn An-Lạc!  Mọi sự bác không còn cảm thấy khổ đau hay sung sướng.  Mọi thứ bác không còn thấy là của bác nữa.  
Sung sướng và khổ đau cũng đều Hoại, Diệt và Mất tiêu như nhau…  Duy chỉ có một thứ là còn và còn vĩnh viễn là của bác.  Đó là “Phật tánh” là vĩnh cửu của bác mà thôi.
-  Bạch thầy, con đã ngộ !!!
-  Vậy sao!  Bác giải thích xem nào?
-  Thưa thầy, chỉ có định luật:  “Vô Thường” là bất biến, là vĩnh cửu, là thường còn.  Ngoài ra, tất cả các Pháp; muôn vàn vạn sự ở đời này đều luôn luôn biến đổi không bao giờ ngừng. Chẳng hạn như:
*  THÂN VÔ THƯỜNG:  Nay khỏe mạnh, mai ốm đau.  Nay đang sống, mai đã chết…
*  TÂM VÔ THƯỜNG:  Nay đang mến thương nhau, mai chuyển sang hận thù, ân oán nhau…
*  TÀI SẢN VÔ THƯỜNG:  Của cải nay còn, mai hết.  Tức là tiện nghi vật chất không thể tồn tại mãi được… Vật thể này biến đổi chất liệu thành ra vật thể khác.  Sự vật không bao giờ cố định cả.
Thầy cười hoan hỷ, đoạn thầy hỏi:
-  Đúng, bác hiểu khá đấy, như vậy bác sẽ làm gì khi bác hiểu như vậy?
-  Bạch thầy, con sẽ buông ra tất cả mà không bám víu vào bất cứ điều gì trên thế gian này.  Để mọi sự chảy xuôi như dòng nước.  Tính của nước luôn chảy xuống chỗ trũng (Thủy lưu tại hạ), dù chỗ đó là đất hay cát, hoặc ruộng vườn. 
Bản chất của nước là như vậy, con cũng phải giữ tâm như vậy.  Tại sao?  Bạch thầy, bởi vì nước luôn chảy một cách tự nhiên xuống chỗ thấp mà không có cách nào cho nó chảy ngược một cách tự nhiên lên trên cao được.  Đó là định luật của càn khôn vũ trụ mà thầy vừa chỉ dậy cho con.
-  Vâng!  Bác hiểu được như thế, tức là bác đã thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của bác rồi đấy.  Bây giờ chỉ còn một điều là bác đưa vào thực hành những gì bác vừa chứng ngộ là đạt được “quả Phật” rồi đó.
Ông già ngạc nhiên thưa:
-  Bạch thầy, con ngỡ là thành Phật khó lắm chứ!  Đâu đơn giản như thầy vừa nói? 
-  Phật đã có sẵn ngay trong bác rồi.  Nguời đời thường mang ông Phật thật, đi tìm kiếm ông Phật ở ngoài, ở chốn xa xôi không sao thấy được, để cầu xin van vái …
Trong lúc ông Phật ở ngay trong mình thì lại bỏ quên.
-  Bạch thầy, con vốn ngu tối xin thầy khai thị cho con được rõ ràng hơn, chứ thầy nói như thế làm sao con hiểu được.
-  Có khó gì đâu:  “Phật Tức Tâm”.  Mọi người trong chúng ta đã có sẵn một ông Phật ở trong ta rồi.
 Nhưng vì u mê tăm tối, nên tham lam:  Sắc, Tài, Danh một cách vô độ mà không hiểu rằng những thứ đó do nhân duyên giả hợp mà tạm có.  
Hợp rồi tan, sanh rồi diệt!  Ngay như xác thân bác cũng tạm có đó.  Rồi trở thành không đó có bao lâu!  Tựa hồ như bóng phù du, như ào ảnh, như khói sương … Nhưng vì si mê chạy theo níu kéo nó.  Nên thành chúng sanh mà thôi. 
Bây giờ bác đã giác ngộ và bác buông ra những thứ mà trước đây bác bám víu vì ngỡ là thật…  Vậy là bác đã thành Phật rồi.  Bởi Phật và Chúng sanh vốn chỉ khác nhau có một bước:

MÊ LÀ CHÚNG SANH, GIÁC NGỘ LÀ PHẬT

Phật và chúng sanh, chỉ khác nhau có vậy.  Thí dụ:  Ông Bà thân sinh ra bác, cho bác ăn học tới nơi tới chốn; là con người trí thức đàng hoàng...  Nhưng vì u mê!  Bác ham chơi, đàn đúm với chúng bạn, sa đà say sưa trác táng, hưởng thụ thú vui vật chất, dẫn đến sa đọa hư hỏng.  Khi ấy, bác là kẻ tồi tệ xấu xa…  Nay gặp duyên may bác giác ngộ.  Thấy được lẽ thật.  Bác bỏ con đường hư thân mất nết, trở lại con người thật của mình…  Với bằng cấp và kiến thức có sẵn của mình.  
Bác tận tụy làm ăn, liêm chánh, giữ uy tín đạo đức… Là bác trở thành người cao sang, quý phái… Như vậy, một con người của bác có hai giai đọan:
(a)  Giai đoạn 1:  Bác là kẻ xấu xa, cho dù bác có bằng cấp là người học thức.
(b)  Giai đoạn 2:  Bác là người cao quý.  Do bác “Giác Ngộ” được chân lý đạo Pháp…
Tức là trước thì bác là kẻ xấu xa do vì u mê!  Sau bác thành người cao quý do bác giác ngộ.  Nghĩa là xấu xa hay cao quý cũng chỉ khác nhau có u mê hay giác ngộ mà thôi.  Và Phật hay chúng sanh cũng chỉ khác nhau có thế …
Đoạn thầy đọc bài kệ:

Chiều nay lộng gió thu về
Lá vàng tơi tả tràn trề khắp nơi.
Đời người như hạt sương rơi
Lung linh một thoáng mặt trời chiếu tan.
Thân em như đóa hoa Lan
Người đời yêu thích muôn vàn đắm say
Nhưng rồi chẳng được bao ngày
Cánh hoa tàn úa đổi thay hoàn toàn ...
Bài này CN  cũng nhận được từ người bạn...