Tuesday, December 14, 2010

9 lỗi thường gặp khi ăn chay

TVĐĐ - 10/24/2010 Do thực phẩm trong ăn chay không có sự phong phú như ăn mặn nên sự lựa chọn, chế biến và phối hợp thực phẩm chay sao cho đảm bảo đủ chất rất quan trọng.


1. Xào rau nhỏ lửa

Vitamin C và B1 đều bị mất đi khi ở nhiệt độ cao.

Vì vậy khi xào rau nên để lửa to, xào nhanh tay. Cho thêm chút dấm ăn khi xào sẽ rất có lợi trong việc giữ vitamin trong rau.

2. Giữ rau xanh lâu ngày

Việc tích trữ thức ăn trong cả tuần, đặc biệt là rau xanh sẽ khiến lượng dinh dưỡng trong rau xanh hao hụt nhanh chóng. Bởi chỉ sau 1 ngày, rau cải xanh sẽ hao hụt đến 84% lượng vitamin C trong điều kiện nhiệt độ 20oC.

Nên mua rau mới mỗi ngày.

3. Loại bỏ phần chứa nhiều vitamin nhất

Thói quen nhặt bỏ một số bộ phận trong rau xanh như rễ, gốc cũng ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng có trong rau củ. Bạn có biết rằng, hạt đỗ trong giá đậu có chứa lượng vitamin C cao hơn tép giá từ 2-3 lần.

4. Để thức ăn trong thời gian dài

Nhiều người có thói quen, thức ăn sau khi nấu chín thường hâm nóng trong nồi hoặc để trong cặp lồng, qua thời gian mới ăn. Làm như vậy, phần lớn lượng dinh dưỡng trong thức ăn sẽ bị mất đi.

5. Không ăn canh

Khi xào rau, lượng lớn chất dinh dưỡng trong rau đều bị hòa tan trong nước canh, nếu loại bỏ nước canh tức là bạn đã bỏ đi lượng dinh dưỡng trong rau.

6. Thái rau trước khi rửa

Nhiều đầu bếp vì muốn tiết kiệm thời gian thường lựa chọn thái rau sẵn rồi mới rửa. Thực tế, làm như vậy bạn sẽ mất đi lượng lớn vitamin có trong rau củ.

7. Hay ăn rau xào

Vì là rau nên có xào lên cũng không thể gây béo nhưng thực tế rau xanh rất dễ ngấm dầu mỡ khi xào.

8. Ăn rau sống không được rửa sạch

Sự ô nhiễm và sử dụng thuốc trong sản xuất rau xanh đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng trong xã hội, Vì vậy bạn cần hết sức cẩn trọng khi lựa chọn và sử dụng rau quả. Rửa sạch, ngâm nước muối loãng và bỏ vỏ khi ăn.

9. Ăn chay không ăn thịt

Ăn chay đã trở nên rất phổ biến bởi có lợi cho sự phòng ngừa xơ vữa động mạch, nhưng nếu chỉ ăn chay thì cũng không có lợi:

- Mỗi ngày cơ thể cần một lượng cholesterol thích hợp từ thịt rất có lợi cho phòng ngừa ưng thư.

- Nếu chỉ ăn chay dẫn đến lượng protein không được cung cấp đầy đủ gây ra hiện tượng u bướu đường tiêu hóa.

- Lượng vitamin B2 hấp thụ không đầy đủ.

- Ngoài ra, hàm lượng can-xi trong rau xanh thường rất ít vì vậy những người ăn chay dễ bị thiếu can-xi.

Một phương pháp hiệu quả là bạn hãy dựa vào đặc điểm của cơ thể để bổ sung và phối hợp thức ăn cho hợp lý. Để vừa đạt được hiệu quả khi ăn chay đồng thời tránh được những tổn hại do ăn chay với cơ thể.


Theo XHN

Ngồi thiền nửa tiếng mỗi ngày giúp giảm đau đầu

TVĐĐ - 11/23/2010

 Một nghiên cứu được công bố ngày 16/11 ở San Diego, California, tại Hội nghị thường niên Cộng đồng Thần kinh học cho thấy luyện tập thiền định nửa tiếng mỗi ngày trong vòng bốn ngày sẽ giúp giảm những cơn đau lên não.


Các nhà nghiên cứu tiến hành quét não bộ của các tình nguyện viên đã tham gia thiền định và phát hiện thấy hoạt động của não bộ giảm ở những khu vực cơ thể bị đau và những vùng chịu trách nhiệm truyền tải thông tin về cảm giác đau, ngay cả khi người ta không thể tập trung.

Trong nghiên cứu này, các tình nguyện viên đã giảm được 40% cơn đau trong vòng bốn ngày sau khi bắt đầu một khóa thiền định.

Một tác giả của công trình nghiên cứu, Fadel Zeidan, cho biết thiền định có thể cũng làm giảm cơn đau bằng cách khiến tâm trí bớt lo âu hơn. Dưới đây là một số lời khuyên căn bản trong thiền định mà nhóm nghiên cứu muốn chia sẻ với người đọc:

Thứ nhất, thiền định trong vòng một phút (rồi tăng từ 2 đến 3,4 phút trở lên).

Thứ hai, dùng đồng hồ hẹn giờ kết thúc một công đoạn thiền định.

Thứ ba, thay vì cố chặn đứng cơn đau thì hãy nhẹ nhàng đón nhận chúng đến một cách tự nhiên.

Thứ tư, nếu bạn không thể tập trung vào thiền định thì hãy tập trung tư tưởng vào một ý nghĩ hay câu chuyện nảy sinh trong tâm trí.

Thứ năm, nếu bạn không thể thiền định trong lúc ngồi thì có thể vô niệm trong khi ăn, nói chuyện hay chạy bộ...

Thứ sáu, thảo luận những vấn đề của bạn với giáo viên, bạn tập hoặc những người có kinh nghiệm trong thiền định.

Thứ bảy, tập thiền định theo nhóm và tham gia tập ở nơi vắng bóng người.


Theo Vietnamnet

Khổ đau

TVĐĐ - 11/10/2010

Đoạn trường ai cũng qua

Không cần một nền triết học cao siêu hay trí tuệ của một tôn giáo uy tín, ai cũng có thể tự cảm nhận về khổ đau như một sự thật luôn hiện hữu trong thế gian này. Đến nỗi người ta còn thốt lên rằng đời người có khác gì một bản trường ca thống khổ đầy nước mắt.

Nhớ những lần nằm liệt trên giường bệnh, ăn uống hay ngủ nghỉ đều khó khăn, cộng với sự đau nhức ở bộ phận nào đó trên cơ thể làm ta rã rời và vô cùng mệt mỏi. Với những chứng bệnh không quá nặng và có cách điều trị tốt thì cơ hội bình phục sẽ xảy ra nhanh, trong khi những kẻ xấu số phải đón nhận chứng bệnh nan y nguy kịch, hay những người già phải sống chung với những căn bệnh dai dẳng đến cuối đời thì mới thật chua xót.

Ngay cái già nua cũng đã đem tới nhiều khổ lụy. Mỗi ngày nhìn thấy tuổi thanh xuân của mình phóng đi vội vã, nhường chỗ cho những gì thuộc về úa tàn, lụn bại, ai mà chẳng nao lòng luyến tiếc. Càng cố gắng làm thêm nhiều việc để người trẻ đừng coi thường thì ta càng bộc lộ sự xuống cấp của mình. Tuổi già rất dễ quên trước quên sau, có khi muốn gọi ngay tên một người để chứng tỏ mình vẫn chưa quên người ấy, nhưng lục lọi cả giờ trong ký ức mà ta chẳng tài nào nhớ nỗi. Những lúc ấy thật đáng giận.


Và rồi sự thật là ai cũng phải già, ai cũng phải bệnh và ai cũng phải chết. Có thể nói tử biệt là nỗi đau thống thiết nhất của nhân sinh. Cái khổ phải độc hành với con đường mịt mờ phía trước cũng chưa bằng cái khổ phải bỏ lại những người thương yêu. Có nhiều cuộc phân kỳ không dự báo trước do biến cố bất ngờ xảy ra, khiến không ai kịp nhìn thấy mặt nhau để nói lời từ biệt mới thật sự là đoạn trường thương đau.

Đoạn trường có nghĩa là đứt ruột. Cái đau của sự chia lìa giữa hai con người thương yêu nhau có khác gì cái đau của khúc ruột bị cắt đứt làm đôi. Có lẽ vì thế mà người ta sắp sau nỗi khổ tử biệt chính là niềm sầu sinh ly. Thương nhau mà không được sống bên nhau, kẻ chân trời người góc bể, cũng là một khối sầu quá lớn.

Người ta đã viết không biết bao nhiêu bài thơ hay những bản tình ca đẫm lệ để ta thán cho cái niềm đau này. Thậm chí có người chỉ cần được sống bên người mình thương thêm một lần, một ngày hay vài phút giây ngắn ngủi để rồi xa nhau mãi mãi thì cũng mãn nguyện, vì với họ sự sống biệt ly đã là một sự chết rồi.

Nếu biệt ly đem tới cái đau day dứt cho những người thương yêu nhau thì hội ngộ chung thuyền sẽ là nỗi khổ triền miên cho những tâm hồn lạc lõng không hòa chung nhịp. Mỗi ngày phải đối diện, phải tiếp xúc với người mà mình có biết bao điều ngăn cách và chán ghét thì có khác gì sống trong hỏa ngục. Đôi khi vì lý do gì đó mà ta phải phục tùng mệnh lệnh, phải im lặng lắng nghe những lời quở trách vô cớ, hoặc phải có trách nhiệm chăm sóc hay yêu thương những kẻ ấy thì còn kinh khủng hơn cả sự đọa đày.

Chưa nói tới những biến động lớn lao về đời sống vật chất như sự suy sụp đột ngột của kinh tế thị trường, sự lừa đảo trong hợp tác làm ăn, hoặc bị chèn ép hoặc tước đoạt quyền lực, hoặc những tổn thất về danh dự như sự xúc phạm, hủy nhục hay phản bội cũng có thể tạo nên những cân não nặng nề. Ta đã từng chứng kiến không ít kẻ kẹt vào danh lợi và ái tình mà đã trở thành nạn nhân của những chứng bệnh tâm thần hay trầm cảm, thậm chí họ chọn luôn giải pháp kết liễu cuộc đời mình để mong chấm dứt cơn khổ não.

Xem ra không có cái khổ nào nhỏ hơn cái khổ nào, vì cái khổ nào cũng làm cho ta nhọc nhằn và cạn kiệt năng lượng. Và cũng không cần chứng minh gì thêm nữa, tự thân ai cũng công nhận khổ đau là một sự thật luôn hiện hữu và đeo bám thân phận mỗi con người. Dù cố gắng không nhìn bằng con mắt bi quan thì ta cũng không thể nào phủ nhận, bởi không ít lần trong thinh vắng ta đã kêu lên những tiếng thở dài: Đời quả là bể khổ!

Có lẽ vì sự thật đó quá rõ ràng và đáng sợ nên người đời đã tìm cách quên đi, thậm chí không dám nhắc tới như một điều cấm kỵ, hoặc cố gắng tìm kiếm những niềm vui thú để lấp vào. Nhưng rồi sự thật cũng vẫn là sự thật, không thể nào che đậy mãi được. Một khi niềm đau nỗi khổ trào lên tới đỉnh điểm, nó sẽ cuốn phăng tất cả những lớp vui thú mong manh tạm bợ để nắm trọn quyền thống trị.

Như một sự an bài của tạo hóa, khổ đau từ bao đời nay đã trở thành bản án vô hình mà bất kỳ ai đi ngang qua cõi đời này cũng không tài nào thoát khỏi.

Khổ đau hay bất như ý?


Có người rất thích ngắm tuyết rơi, họ có thể đi hằng giờ dưới tuyết để lấy cảm hứng cho những ý thơ thầm kín, hay để tâm hồn lắng đọng cho những suy nghiệm về bí ẩn của cuộc đời. Trong khi tuyết lại là mối khổ tâm của rất nhiều người nơi bản xứ, vì nó gây trở ngại không ít cho những người làm nông trại hay trong việc giao thông.

Người làm doanh nghiệp lớn thường tất bật suốt ngày với công việc, nên lúc nào họ cũng ước ao có được những ngày nghỉ ngơi trọn vẹn, không phải trả lời điện thoại, không phải đối đầu với khách hàng. Đối với họ được ngủ một giấc yên lành hay ngồi thật lâu để thưởng thức chén trà thơm với những người bạn đã là một thiên đường rồi. Trong khi những người trẻ mới ra trường lại mong muốn kiếm được thật nhiều việc, làm càng nhiều càng tốt, với họ ở không là một sự nhàm chán và vô nghĩa.

Những kẻ đã nắm được nghĩa đẹp của tình yêu, không để tình yêu giới hạn lại trong sự ưa thích mới lạ ở hình thức và trong sự hưởng thụ đổi chác, biết cách xây dựng và bảo vệ cho nhau nên nhìn đâu cũng thấy đáng yêu và tràn đầy sức sống. Trong khi lắm kẻ bước vào địa đàng tình ái bằng đôi chân lóng ngóng, ngập tràn những khát khao nông nổi nên chẳng bao lâu họ đã gục ngã rồi trở nên oán hận tình yêu, và kết luận yêu là khổ.

Đúng thực yêu là khổ, nhưng phần lớn những cái khổ kia đều do chính ta tạo ra chứ chúng không phải là cái khổ bắt buộc phải có trong bất cứ tình yêu nào. Mọi thứ khác trong cuộc sống cũng vậy, nhìn trong chiều sâu của bản chất ta sẽ thấy chúng không hề được ghi chép sẵn tính chất khổ đau, mà hầu hết nguyên do của mọi khổ đau chỉ tại vì chúng không làm thỏa đáng hay trái nghịch với những mong đợi của ta mà thôi.

Ta ít khi nhìn vào những gì mình đang có như những điều kiện hạnh phúc mà rất nhiều người mơ tưởng, vì khao khát được hoàn hảo nên ta tự đặt cho mình những cái muốn rất kỳ lạ mà chính ta biết rõ là không thể nào thực hiện được như: Ước gì ta cao 1 mét 7 thay vì chỉ có 1 mét 6. Ước gì giọng nói của ta được thanh thoát và truyền cảm. Ước gì ta có trí não tốt để học đâu là nhớ đó. Ước gì gia đình ta thuộc tầng lớp trí thức hay quý tộc. Ước gì ta được sinh ra ở một thành phố xinh đẹp hay một đất nước văn minh giàu có.

Ta luôn cho đó là những nguyện vọng rất chính đáng vì người khác có được mà tại sao ta lại không. Ta cứ so sánh, cứ đòi hỏi mình phải có đầy đủ những điều kiện tối ưu của kẻ khác. Càng kẹt vào những ước muốn thì ta càng đánh mất những giá trị cao đẹp khác của chính mình rồi dần dần rơi vào mặc cảm, tuyệt vọng và bế tắc. Chung quanh ta có rất đông người như vậy, họ không thể hạnh phúc chỉ vì họ đang có một vài điều bất như ý.

Buồn cười hơn là ta thường có những phản ứng khó chịu hoặc bức xúc vì những điều hết sức phi lý như: Tại sao trời lại mưa vào ngày mình đi picnic vậy? Tại sao đường phố cứ kẹt xe vào những lúc mình gấp gáp như thế này? Tại sao bây giờ cái gì cũng tăng giá hết thì làm sao mà sống? Tại sao mình phấn đấu không ngừng mà vẫn không giàu như người ta? Tại sao số mình không được may mắn như hắn? Tại sao người ấy không chịu làm theo ý mình? Tại sao mình nói dối chỉ có đôi lần mà người ấy lại không tin mình?

Những cái muốn hay không muốn của ta xuất phát từ ý niệm thích hay không thích. Bởi trong ta có sẵn những tập tin do di truyền hay học hỏi từ môi trường về những điều kiện đảm bảo an toàn và lợi ích cho bản ngã. Cho nên tùy vào nhận thức nông cạn hay sâu sắc của mỗi cá thể mà bản năng sinh tồn sẽ khác nhau và mức độ khổ đau cũng khác nhau.

Tại vì những cái thích sẽ thúc đẩy ta cố gắng tìm cầu rồi bám víu, những cái ta không thích sẽ thúc đẩy ta cố gắng tránh né rồi đuổi xua. Trong khi đời sống của bất cứ cá thể nào cũng phải chịu tác động qua lại bởi một hay nhiều cá thể khác và cả sự vận hành của vũ trụ bao la kỳ bí này nữa, thì làm sao ta có thể muốn mọi thứ theo ý của mình kia chứ?

Ngay chính tâm thức của ta, cái nhận xét, cái quyết định và cái ước muốn của ta cũng có lúc vầy lúc khác. Có những cái ta đã từng ước muốn sở hữu cho bằng được nhưng bây giờ ta lại mong cho nó biến đi càng sớm càng tốt. Có những cái ngày xưa ta ghét cay ghét đắng nhưng bây giờ ta lại yêu thích. Có những điều ta chưa từng nghĩ ra nhưng bây giờ mới ý thức được. Giả sử tất cả những ước muốn của ta từ thái quá, phi lý đến bất thường đều thành tựu hết thì ta sẽ thành ra cái gì và xã hội này sẽ ra sao?

Cho dù những ước muốn được gọi là xứng đáng nhất, căn bản nhất để tạo nên một đời sống hạnh phúc bình thường cũng đã là sai rồi, nói chi đến những ước muốn chỉ để phục vụ cho lòng tham của mình. Vậy nên chỉ có những điều bất như ý (discontent) của con người đã tạo ra những ngang trái cho con người, chứ không hề có cái số phận hay định mệnh khổ đau, vì khổ đau không phải là một sự thật tuyệt đối trên cõi đời này.

Gốc rễ của khổ đau

Thử lấy một ví dụ về hoàn cảnh bất như ý như bệnh tật mà phần lớn ai cũng công nhận là khổ, để ta xét nghiệm xem thật ra trong đó có chứa đựng những nguyên nhân sâu xa nào.

Bệnh tật là điều không ai muốn vì nó luôn đem tới sự đau nhức, khó chịu. Nhưng với một người có thái độ hợp tác với cơn bệnh, chấp nhận nó là hệ quả tất yếu từ lối sống thiếu quan tâm hay thiếu phòng hộ sức khỏe đúng mức, hoặc chấp nhận nó là sự thật hiển nhiên của quá trình lão hóa cơ thể, thì ta sẽ không còn thái độ kháng cự nữa.

Nhưng bản năng của ta thường hay chống đối lại điều gì mình không ưa thích. Ta không chấp nhận mình phải bệnh vì có bệnh là xấu, là yếu đuối, là phải sống chung với những cảm giác khó chịu, là phải phiền người chăm sóc, là phải nằm bệnh viện, là phải mất cảm hứng làm việc, là phải đình trệ nhiều dự án, là phải tốn kém nhiều tiền bạc…

Như vậy nguyên nhân đầu tiên là do ý niệm sai lầm rằng mình sẽ không bao giờ có bệnh hay chưa tới lúc phải bệnh, nên khi nó xuất hiện đột ngột đã làm cho ta giật mình hoảng hốt. Trong đó có thái độ lo sợ vì không biết chứng bệnh này có nguy hiểm không? Có phải là ung thư không? Có phải do truyền nhiễm từ những người sống chung không? Có ảnh hưởng gì tới trí nhớ hay khả năng sáng tạo nếu phải phẫu thuật không?

Cũng như có một kẻ xấu nào đó bắn vào ta một mũi tên thì ta đau nhức lắm, liền ngay sau đó lại có một mũi tên khác bay tới và cắm vào đúng vị trí của mũi tên thứ nhất thì cái đau nhức kia không phải tăng lên gấp đôi, mà là gấp nhiều lần. Mũi tên thứ hai mới đem tới khổ lụy thật sự. Mũi tên thứ hai chính là trí tưởng tượng phong phú của ta. Do nội lực yếu kém nên ta thường dựng lên trong tâm tưởng những hình ảnh rất sai lệch với sự thật như để phòng thủ an toàn. Thực tế cho thấy người ta không dễ chết vì hoàn cảnh mà lại chết vì vọng tưởng của chính mình. Đó là một loại tâm bệnh khá nặng.

Nguyên nhân thứ hai là thái độ phản ứng của ta. Ta không chấp nhận mình phải mắc chứng bệnh quái quỷ đó và không chấp nhận sự hành hạ của nó khiến ta mất hết năng lực để sinh hoạt như một người bình thường. Cho nên ta tất tả tìm mọi cách để loại trừ nó càng sớm càng tốt. Nếu gặp phải những chứng bệnh nặng hay loại mãn tính thì ta càng khó chấp nhận và thái độ kháng cự sẽ càng quyết liệt hơn. Chính thái độ của ta đã làm phát sinh ra tâm bệnh, mà tâm có liên quan mật thiết với thân, nên bệnh tình của ta càng trở nên trầm trọng.

Thực ra bệnh chỉ là một cảm giác đau đớn, khó chịu (unpleasant) chứ chưa hẳn là một cái khổ (suffering), vì không phải ai mắc bệnh cũng khổ. Ta thường hay lầm lẫn giữa cái cực, cái đau với cái khổ. Dĩ nhiên sự xáo trộn trong cơ thể hay của hoàn cảnh dễ tạo nên áp lực và làm cho ta đau nhức, nhưng nếu ta là một con người có luyện tập, am hiểu và điều phục được cảm xúc của mình thì ta sẽ mau chóng bớt khổ, hoặc ít khổ, hoặc có thể đạt tới mức không thấy khổ nữa mà chỉ thấy đơn thuần là một hoàn cảnh bất như ý thôi.

Nghĩa là tùy vào nhận thức của mỗi người mà cái khổ ấy có thể nhỏ hay lớn, và tùy vào khả năng hứng chịu của mỗi người mà cái khổ ấy trở nên nhẹ hay nặng. Cái khổ của người này không nhất thiết giống hệt với cái khổ của người kia. Cho nên hoàn cảnh bất như ý chưa hẳn là nguyên nhân gây ra khổ đau, mà chính cách nhìn nhận và khả năng tiếp nhận hoàn cảnh mới quyết định cho khổ đau có mặt hay có mặt ở cung bậc nào.

Ta thường hay hỏi tại sao mình phải hứng chịu quá nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi đón nhận những điều kiện thuận lợi thì lại sung sướng mỉm cười mà không hề truy cứu nguyên nhân từ đâu. Con người là vậy, chỉ biết đòi hỏi sự hưởng thụ chứ không thấy được nguyên tắc sâu xa tạo nên sự cân đối trong vũ trụ này là: có thăng phải có trầm, có được phải có mất, có thành phải có bại, có hợp phải có tan. Vậy muốn thăng, muốn được, muốn hợp hay muốn thành lâu hơn thì ta phải học tập cách chuyển hóa mặt trái của nó và học tập kỹ năng giữ gìn nó. Hơn nữa, ta là tác nhân chính gây ra mọi nghiệp lực của mình thông qua tư duy, lời nói và hành động từ trong quá khứ. Đó là quy luật nhân quả rất công bằng, có làm có chịu, mà ta không thể nào cầu nguyện hay ước muốn được.

Vậy nên thay vì ta tìm cách thay đổi hoàn cảnh hay mong cầu một hoàn cảnh như ý thì ta hãy quay về điều chỉnh lại nhận thức của mình về chính bản thân mình và về cuộc sống, cũng như nuôi dưỡng lại khả năng chấp nhận những nghịch cảnh. Bởi nhìn cho thấu đáo ta sẽ thấy thái độ yêu thích có gốc rễ từ tâm tham, và thái độ không thích có gốc rễ từ tâm sân. Tâm tham và tâm sân có gốc rễ từ tâm si mê, tâm chỉ muốn được thỏa mãn cảm xúc bản ngã, mà không biết làm sao để tạo nên một đời sống bình an và hạnh phúc chân thật.

Lẽ dĩ nhiên là con người thì ai mà không có tâm tham và tâm sân, nghĩa là vẫn phải gửi tâm mong cầu đến những gì mình thích và khước từ những gì mình không thích. Tuy nhiên, nếu ta bớt đi những danh mục thích hay không thích mà mình đã từng lưu trữ, nghĩa là ta tập chấp nhận và tùy thuận vào cuộc sống nhiều hơn thì chắc chắn ta sẽ nhẹ nhàng lướt tới phía trước như con thuyền vừa trút xuống những kiện hàng to tát. Con người càng bớt đi những đòi hỏi từ bên ngoài là con người có sức mạnh bên trong. Cuộc đời vẫn luôn mở rộng lối đi cho những ai biết lùi lại một bước để nhường cho kẻ khác.

Như hạt bụi để khuyết nơi này thì nó sẽ làm thừa chỗ khác, và rồi một cách tự nhiên hạt bụi khác sẽ đến lấp đầy chỗ này và chỗ thừa kia sẽ tìm cách đẩy hạt khác đi. Vũ trụ tuy không ngừng biến dịch, nhưng mãi mãi vẫn giữ thế quân bình trong bản thể. Chỉ khi nào ta thấy mình cũng là hạt bụi nhưng cũng là một bãi cát, hạt bụi nào cũng là ta và không hạt bụi nào mà không phải là ta cả; thấy được dòng sinh mệnh bất tuyệt của mình luôn gắn liền với mọi đối tượng, thì ta mới có thể rong chơi tự tại giữa cõi đời này theo tinh thần nhân quả và nguyên tắc duyên sinh mà không còn vướng kẹt bãi cát đầy hay bãi cát lở.

Đối tác của hạnh phúc

Khi dầm mình giữa giá rét trời đông, ta luôn mong ước sớm được về với căn nhà ấm áp, nhưng vừa ngồi xuống bên lò sưởi chưa được bao lâu thì ta bỗng quên mất giây phút mầu nhiệm ấy, cứ loay hoay tìm việc để làm, hoặc tranh thủ nghĩ tới những dự án.

Con người là vậy, rất mau chóng bình thường hóa mọi thứ. Lúc chưa có thì khao khát, khi có rồi lại khinh lờn và muốn đi tìm những thứ khác. Sau những lần "chuộng mới nới cũ", tâm hồn luôn rơi vào trạng thái trống rỗng thì ta mới biết mình đã dùng cảm xúc hời hợt để đón nhận và giữ gìn hạnh phúc. Cho nên để giúp ta có ý thức và trân quý sâu sắc những gì mình đang có thì chỉ còn cách đẩy ta ra ngoài giá rét một lần nữa cho đủ thấm.

Cũng như đã từng bị đói mới biết quý cái ăn ngon, đã từng sống qua mùa tuyết lạnh mới quý chuộng ngày nắng ấm, đã từng bị bỏ rơi mới quý trọng những ân tình nho nhỏ, đã từng bị chia lìa mới yêu quý những giây phút đoàn viên, đã từng trải qua những mất mát tang thương mới thấy sự sống mà mình đang có thật vô cùng quý giá.

Thế nên những điều kiện thuận lợi thường chỉ làm lớn mạnh thêm bản năng hưởng thụ, còn những hoàn cảnh khắc nghiệt mới giúp con người phát tiết hết tinh anh, bởi khả năng con người vốn rất vĩ đại, có thể bước qua bất cứ hoàn cảnh trái ngang nào và có thể đạt tới tự do tuyệt đối. Cũng như hoa mai và hoa đào phải trải qua một trận mùa đông giá rét thì mới có thể tung cánh và tỏa hương thơm ngát trong những ngày nắng ấm đầu xuân.

Vì vậy ta đừng oán trách hay chống đối hoàn cảnh vô thường, bởi nó sẽ vừa giúp ta luôn cảnh giác để đừng sống trong lãng quên, vừa giúp ta không kẹt vào tham đắm mà mất nhiều năng lượng sống, và cũng vừa giúp ta rèn luyện tính chịu đựng để ứng phó mọi hoàn cảnh. Huống chi vô thường đâu chỉ làm cho được rồi mất, thành rồi bại, hợp rồi tan; mà chính nó đã giúp cho mất rồi được, bại rồi thành và tan rồi hợp.

Hạnh phúc thiết lập trên những cái được, cái thành, cái hợp thì chỉ có tính tạm thời, nghĩa là nó vẫn còn nằm trong mối đe dọa của lưỡi gươm vô thường. Trải nghiệm từ cuộc sống ta sẽ tìm thấy được thứ hạnh phúc khác vượt ra khỏi sự khống chế đó. Nó vẫn chấp nhận thăng trầm biến đổi theo lẽ tự nhiên nhưng lại rất tự tại mà không hề thấy mất mát khổ đau. Nó chỉ đơn giản được xây dựng bằng chất liệu của một nhận thức đúng đắn: không mong cầu, không chống đối và một trái tim đủ lớn mạnh để chứa đựng. 

Vì vậy cầu nguyện cho mình luôn được may mắn không phải là một thái độ khôn ngoan, nên ta hãy cố gắng tập nở nụ cười thật tỉnh táo để đón nhận bất kỳ nghịch cảnh nào đi tới. Sự thật ta cũng không thể nào đủ sức để thay đổi mọi hoàn cảnh. Tốt nhất hãy cho phép khổ đau bước vào cuộc đời ta một cách tự nhiên, nếu đến trong khi ta còn rất trẻ thì càng tốt, vì chính khổ đau sẽ trao cho ta một khả năng sống và chỉ cho ta bí mật của cuộc sống.

Vậy nên khổ đau là cần thiết, không có khổ đau thì con người sẽ khó nhận biết cái gì là hạnh phúc. Nói một cách sâu sắc là nếu không có khổ đau thì sẽ không có hạnh phúc, hay khổ đau chính là mặt khác của hạnh phúc, hay khổ đau cũng chính là hạnh phúc.

Nói thì nói cho tận cùng như thế, chứ nhìn vào thực tế bản thân thì ta phải đi từ nấc thang ban đầu, phải tập quan sát, thấu hiểu và chấp nhận những phản ứng khó chịu hay khổ đau nhỏ bé nhất. Bởi lâu lâu ta vẫn vùng vẫy, vẫn than trời trách đất, vẫn muốn buông xuôi tất cả và xách gói ra đi để tìm một miền đất hứa, vì trái tim ta đã không thể ôm nổi những nghịch cảnh quá lớn.

Dù vẫn còn lận đận trên con đường hạnh phúc, nhưng ít ra ta đã tìm cho mình một hướng đi đúng đắn. Con đường ta đang đi là con đường trở về chính trái tim ta để tìm hiểu, khám phá và chinh phục. Vì chính nơi trái tim ta có đầy đủ phẩm chất để tạo nên một đời sống hạnh phúc, và cũng nơi ấy cũng luôn chứa đựng bóng dáng âm u của những phiền não. Biết cách xua tan những đám mây u ám thì vầng trăng sáng trong sẽ hiện ra toàn vẹn, bởi dù năm tháng có trôi mau nhưng vầng trăng xưa ấy vẫn chưa bao giờ lặn khuất.

Khổ đi em vạn lần

Mới thấy đời đáng sống

Như đóa hoa chân thường

Nở ngay giờ tuyệt vọng.

MINH NIỆM - GNO

Monday, December 13, 2010

Chính kiến và thiện tri thức

TVĐĐ - 11/15/2010

“Chính kiến” là cơ sở vững chắc, làm điểm tựa cho quá trình tu học, như tòa lâu đài dù nguy nga tráng lệ bao nhiêu, cũng không thể tách rời với tầng móng kiên cố.

Vì thế trong hành trình trên con đường xuất thế, đó là điều kiện tiên quyết chỉ hướng cho chúng ta đến thành tựu Phật đạo. Có được “chính kiến”, mới không bị trở thành kẻ tùy tùng theo tà thuyết hoặc thân trong Phật giáo mà tâm chứa đựng lý thuyết ngoại đạo, cho dù tinh tấn tu hành bao nhiêu thì càng xa dần thánh đạo bấy nhiêu, thậm chí trở thành “trùng sư tử” làm bại hoại Phật giáo.

Vì vậy làm sao kiến lập được chính kiến, để tránh khỏi các hậu hoạn đó? Căn cứ định nghĩa trong luận Du Già Sư Địa, Bồ-tát Di Lặc dạy.


Nghe âm thanh và như lý tác ý, chính kiến phát sinh.[1]

“Nghe âm thanh”, có hai trường hợp: một là do sự học tập Kinh Luận; hai là do thân cận thiện tri thức, lắng nghe học hỏi chính pháp, như chân lý mà tư duy, chính kiến lúc này sinh khởi. Vì thế trong “kinh Tạp A-hàm kinh số 780”, Thế Tôn chỉ dạy:

“Này các Tỳ kheo! Thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tuỳ tùng có thể khiến cho tà kiến chưa sinh chẳng sinh, tà kiến đã sinh rồi khiến cho tiêu diệt, chính kiến chưa sinh khiến sinh, chính kiến đã sinh rồi khiến cho thêm tăng trưởng.[2]”

“Thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tuỳ tùng”, là những vị như giáo thọ thiện tri thức, đồng hành thiện tri thức hoặc nội hộ thiện tri thức, ngoại hộ thiện tri thức v.v…

Các vị thiện tri thức như đây có thể làm tăng thêm đạo hạnh của chính mình. Thân cận thiện tri thức, nghe được chính pháp, sau khi nghe chính pháp rồi, thì sinh tâm tìm cầu, lựa chọn, quan sát, tư duy cùng với thiện tri thức thảo luận thực tập, hỗ tương giúp đỡ trao đổi truyền đạt kinh nghiệm lẫn nhau, thì chính kiến phát triển nâng cao, tà kiến không còn cơ hội sinh trưởng.

Thiện tri thức đối với chúng ta có tầm quan trọng như vậy, nhưng làm sao lựa chọn được thiện tri thức, điều đó không phải đơn giản, là một vấn đề rất nan giải, nên trong “kinh A-hàm” đức Thế Tôn đã từ bi giảng dạy cho vua Ba-tư-nặc và cũng là bài học căn bản đáng quý cho chúng ta trên lĩnh vực này. Ngài dạy:

“Nếu không có tha tâm trí để biết, thì phải nên gần gũi, xem xét giới hạnh của họ, một thời gian lâu, mới có thể biết được, chớ tự quyết vội vàng, hãy xem xét kỹ, chớ hấp tấp, hãy dùng trí tuệ, chớ không phải vô trí để xem xét, người kia khi gặp khổ nạn mà có thể tự mình giải quyết. Khi tiếp xúc tính toán thật giả có thể phân biệt được. Khi thấy sự nói năng hiểu biết phân minh, những điều ấy cần phải lâu ngày mới biết chứ không thể phân biệt vội, phải đem trí tuệ tư duy quán sát.”[3]

Điều đó cũng chính là, việc không thể tùy tiện chọn lựa thiện tri thức, phải nên thân cận họ, lấy chính pháp và giới luật làm tiêu chuẩn, nhìn nhận ngôn ngữ, hành động và tư tưởng của đối phương, có đúng pháp hợp luật hay không. Thông qua sự thẩm xét, tư duy một cách thận trọng, mới có thể xác nhận được đó chính là thiện tri thức hay không. Trong quá trình này, “chính tư duy” phát huy sự quyết định đúng đắn của mình.

Nhưng làm sao bồi dưỡng được chính tư duy? Thông qua lời dạy trong “kinh Tạp A-hàm kinh số 281”[4] và “Trung A-hàm kinh Tàm Quý”[5] thì: do bản thân hội đủ tính thiện, nên có thể thân cận thiện tri thức; thân cận thiện tri thức nên nghe được thiện pháp, sản sinh chính tín; có được chính tín, nên tin nhận và thực hành được lời dạy của giáo thọ, từ ý nghĩa của các pháp môn học hỏi được sinh khởi chính tư duy; có chính tư duy nên khéo thông hiểu và đạt được mục đích.

“Hội đủ tính thiện”, là do thiện căn từ kiếp trước, và kết hợp với sự giáo dục bồi dưỡng của hiện tại mà trở thành, qua quá trình dạy dỗ của cha mẹ thầy cô, ảnh hưởng của nền văn hóa xã hội, cùng với kinh nghiệm sống bản thân v.v…

Trong đó điều kiện cơ bản nhất là đầy đủ “tàm và quý”[6].

Tâm tỉnh giác quán sát được hành vi tội xấu của bản thân mà sinh lòng hổ thẹn với mình là tàm. “Tàm” ngoài ra còn có ý nghĩa tôn sùng cái thiện, đối với cá nhân mình, do tôn trọng tự thân, đi đến tôn kính Hiền giả, Thánh giả và tôn trọng chính pháp.

“Quý” là với tội lỗi của mình làm ra, khi đối diện với người khác thì sinh lòng hổ thẹn. Quý còn có một cách giải thích khác là có ý nghĩa cự tuyệt tội lỗi, vì đối với người khác, do năng lực trắc ẩn trong thân tâm, hay lo lắng sợ người khác huỷ báng chê bai, hoặc vì sự trừng phạt của pháp luật, mà không giám gây nên tội lỗi.[7]

Hành giả nếu có tàm quý, tức thường ái hộ, cung kính tha nhân, thân cận thiện tri thức và do được nghe chính pháp nên chính tín sinh khởi. Nên khẳng định, có tàm có quý các pháp thiện trên thế gian này được sinh khởi.

Vì thế trong “Trường A-hàm kinh Chúng Tập”, đức Thế Tôn nói có bảy loại chính pháp có công năng hỗ trợ làm cho tu đạo được sớm thành tựu, có tàm có quý là hai pháp thuộc bảy loại này.[8]

Trong khi tu học, hành giả đầy đủ phẩm đức tàm quý, có thể làm cho các thiện pháp khác sinh khởi, hơn thế nữa, thân cận được thiện tri thức, nghe học chính pháp, sẽ phát sinh chính tín, do chính tín với chính tư duy ở trong nội tâm, chính kiến vì thế sinh khởi[9].

Tuy nhiên đó chỉ mới là thế gian chính kiến, nhưng đã có khả năng khiến hành giả đời này qua đời sau luôn luôn tăng trưởng, cuối cùng không bị đọa vào đường xấu. Do đó “kinh Tạp A-hàm”, Thế Tôn tuyên thuyết: “người chính kiến tăng thượng, tuy trải trăm ngàn kiếp, trọn chẳng đọa đường ác”.[10]

Thế gian chính kiến làm cho hành giả hiểu rõ tà chính, thị phi, liễu tri nhân quả, và do thân cận thiện tri thức, nghe được chính pháp, như lý tác ý, như lý tư duy, vì vậy đối với Phật, Pháp, Tăng và thánh giới phát sinh tín tâm không dao động. Do vậy, tu hành tiến thêm bước nữa, thì dự vào hàng Thánh giả, đời này đời sau luôn an lạc, không bị rơi vào các đường xấu.[11]

Phần trên thảo luận về tầm quan trọng và mối quan hệ giữa chính kiến và thiện tri thức, nhưng chưa đề cập đến đối tượng cụ thể và điều kiện căn bản của thiện tri thức.

Vì thế trong “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã” quyển 27 “Phẩm Thường Đế”, đức Phật dạy: “Thiện tri thức là người có khả năng thuyết giảng pháp không vô tướng vô tác, vô sinh, vô diệt và nhất thiết chủng trí, khiến cho người khác sinh khởi hoan hỷ tín lạc.”[12]

Và trong “Kinh Hoa Nghiêm” phẩm “Nhập Pháp Giới” ghi chép, xuyên suốt quá trình tìm cầu đạo pháp của Thiện Tài đồng tử, tham học 55 vị thiện tri thức, trên thì đức Phật, Bồ-tát, dưới cho đến thiên nhân v.v…, không luận sự xuất hiện đó với hình thức nào, phàm là có thể chỉ dẫn cho chúng sinh xả ác tu thiện, đi vào Phật đạo, đều gọi là thiện tri thức.

Thiện tri thức theo quan niệm của Phật giáo không giới hạn, nếu như trong thuận và nghịch duyên đó, làm hành giả phát khởi chính tri chính kiến, phát tâm xuất thế gian, chứng ngộ Niết-bàn, thì họ là thiện tri thức của chúng ta.

Vì thế hòa thượng Ấn Thuận trong tác phẩm “con đường thành Phật” (成佛之道) kết luận: “chính pháp tuy có thể từ quá trình duyệt đọc kinh điển mà hiểu được, nhưng chủ yếu vẫn là do nghe từ quý thầy cô thuyết giảng. Do đó, vì muốn thâm nhập chính pháp, tiến cầu Phật đạo, nên phải thân cận thiện tri thức.”[13]

Đức Phật đã từng dạy: “thân cận thiện sỹ, thinh văn chính pháp, như lý tư duy, pháp tùy pháp hành”[14]là bốn điều kiện tất yếu cần phải đủ để đi trên đường giải thoát. Như thế càng thấy được tầm quan trọng của việc thân cận thiện tri thức.

Tóm lại trong quá trình tu học, bước thứ nhất, chúng ta cần phải thân cận thiện tri thức, nên có chính tri chính kiến, sau đó học hỏi rồi phát sinh niềm tin thanh tịnh, gìn giữ giới luật, vì các nhân tố trên, khiến chúng ta thành tựu trí tuệ, đạt đến giải thoát giác ngộ.

Đây là nguyên tắc chung, nếu hành giả kết hợp với tu hạnh thiểu dục tri túc, và bố thí quảng kết thiện duyên đến với mọi người thì càng trang nghiêm y báo chính báo, viên mãn đại hạnh, thành tựu đại nguyện.

Thích Quán Như - phattuvietnam