Sao gọi là ngã chấp? Tức là chấp cái “Tôi” đó. Như
nói: đây là thân thể “của tôi,” kia là vật sở hữu “của tôi”
đấy. Nói tóm lại, tất cả cũng đều vì cái ngã, mà chúng
ta phô bày cái tôi ra phía trước. Bởi vì có tôi, không có
người, không hết “ba tâm” quá khứ, hiện tại và vị lai và
chưa không “bốn tướng” ngã, nhân, chúng sanh và thọ
giả.
Làm sao để biết chúng ta đã phá được “ngã chấp” hay
chưa? Tức là phải xem xét mỗi ngày, từ lúc chúng ta thức
dậy, ăn uống, cũng như các sinh hoạt thường ngày, đi đứng
nằm ngồi thì sẽ biết. Trong tất cả mọi thứ cử động đó, có
phải chúng ta nghĩ đến mình hay là nghĩ đến người khác?
Hoặc chúng ta nghĩ đến đạo tràng? Nếu quả là chỉ nghĩ
cho chính mình, lo cho mình, thì đó là người có tư tưởng
Tiểu thừa - lợi cho mình mà không lợi cho người. Phật đã
từng nói rằng, có loại tư tưởng như thế là “mầm khô giống
héo.” Tại sao vậy? Bởi người có tư tưởng như thế thì lòng
dạ rất nhỏ hẹp, ngã chấp quá nặng nề. Họ chỉ nghĩ, miễn
sao cái của mình tốt là được, chứ chẳng màng gì đến cái
xấu tốt của kẻ khác.
Cho nên nói: “Ma Ha Tát chẳng màng đến người, Di
Đà Phật tự ai nấy lo.” Đó là tông chỉ của kẻ Tiểu thừa. Và
họ xem tam giới như nhà lửa, sanh tử như oan gia nên tự
lo cho mình thoát sanh tử, chứ không hề quan tâm đến sự
sanh tử của chúng sanh.
Nếu chúng ta lo nghĩ đến người khác, vậy là tư tưởng
lợi ích cho kẻ khác. Tự mình muốn được giải thoát và cũng
muốn làm cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát. Đó là
tư tưởng của Bồ Tát. Nói theo cách khác, là quên mình mà
làm lợi cho kẻ khác, tức là hành đạo Bồ Tát. Cho nên nói:
“Phật quang phổ chiếu, Pháp vũ quân triêm.” Thực hành
đạo Bồ Tát là nên dựa theo tinh thần
“Vô duyên đại từ,
đồng thể đại bi.”
Nếu chúng ta thật lòng nghĩ đến đạo tràng thì nên ủng
hộ đạo tràng về mọi phương diện. Chúng ta không nên vì
danh, vì lợi hay có bất kỳ một ý đồ nào. Như thế mới đúng
thật là ủng hộ đạo tràng.
Mỗi ngày chúng ta nên phản tỉnh, tự xem xét lại đi, thời
gian mà mình tính toán cho chính mình nhiều hay tính toán
cho người khác nhiều, hoặc lo tính cho đạo tràng nhiều. Qua
sự hồi quang phản chiếu như thế, chúng ta sẽ biết là mình
đã phá được ngã chấp hay chưa. Đây chỉ là một cách nói
đơn giản. Nếu nói một cách sâu sắc hơn, tức là hỏi: Có phải
ngày nào chúng ta cũng sợ mình bị thiệt thòi? Phải chăng
ngày nào cũng lo sợ là mình không được lợi ích gì? Nếu
có những ý nghĩ đó thì nên sửa đổi, nếu không thì ráng mà
tránh.
Chúng ta cũng nên phản tỉnh và tự xét xem mình có công
phu nhẫn nhục hay không. Ví như có người vô duyên, vô cớ
mắng mình, hoặc đánh mình, vậy mình có nhẫn nhịn được
không? Mình có nổi giận không? Trong lòng mình có ý báo
thù không? Nếu có tức là chưa phá được ngã chấp. Nếu
không tức là đã phá được ngã chấp rồi. Quý vị hãy nghĩ cho
thật kỹ đi: Tất cả các vấn đề và phiền não là từ đâu đến?
Thì cũng đều do ngã chấp tác quái đấy thôi. Nếu chúng ta
không phá ngã chấp, vậy thì pháp chấp lại sẽ càng không
phá nổi. Bậc Tiểu thừa phá được ngã chấp, nhưng chưa
phá được pháp chấp. Chỉ có Bồ Tát mới có thể phá trừ cả
hai ngã chấp và pháp chấp.
Sau khi phá được ngã chấp rồi, chúng ta phải phá pháp
chấp. Sao gọi là pháp chấp? Tức là chúng ta không hiểu rõ
pháp ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) do nhân duyên
sanh, thành thử chúng ta chấp đó là thật có. Nếu dứt được
hết các pháp chấp, tức chúng ta sẽ được viên dung vô ngại
và đến cảnh giới nào cũng được tự tại. Khi cả hai ngã chấp
và pháp chấp không còn nữa, như thế mới thật là người tu
hành chân chánh. Người tu hành chân chánh, bất luận lúc
nào, hoàn cảnh nào, tuyệt đối cũng không tính toán cho
chính mình. Ngược lại, bao giờ cũng xả mình vì người và
hăng hái làm việc nghĩa. Những hành vi của họ đều mang
tính chất đại công vô tư, chánh trực và không thiên lệch.
Phật thuyết Tam Tạng và Mười Hai Bộ kinh điển,
không đâu là không dạy người phá chấp. Nhưng chúng ta
vẫn không nghe theo lời Phật giáo huấn, mà lại muốn làm
kẻ phản đồ trong Phật giáo, là vẫn cứ chấp vào cái “Ngã”
của mình. Tướng ngã chưa không, tướng nhân chưa không,
tướng chúng sanh cũng chưa không, tướng thọ giả lại càng
chưa không luôn, mà cứ chấp chặt vào bốn tướng nầy, cho
nên chúng ta không thể bỏ được.
Đối với đạo lý của ba tâm, chúng ta không thể hiểu,
cũng không biết được rõ ràng. Tâm quá khứ vốn không
thể có được, tâm hiện tại không thể có được, tâm tương lai
cũng không có được luôn. Vì sao? Bởi tâm “quá khứ” đã
qua rồi, quý vị đi đâu tìm lại cái tâm ấy đây? Hiện tại vốn
không bao giờ dừng, quý vị nói đây là “hiện tại” nhưng
“hiện tại” nầy lại đã qua rồi. Hiện tại đã không tồn tại, cho
nên nói tâm hiện tại không thể có được. Tâm vị lai cũng
không có được, bởi “vị lai” tức là chưa đến, mà chưa đến
thì nói đến nó làm gì?
Như Kinh Kim Cang nói:
“Vô ngã tướng, vô nhân tướng,
Vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng.”
Lại nói:
“Quá khứ tâm bất khả đắc,
Hiện tại tâm bất khả đắc,
Vị lai tâm bất khả đắc.”
Mấy câu kinh văn nầy, ai ai cũng đều đọc được, nhưng
cũng không ai nhớ làm. Tôi hy vọng quý vị sẽ dựa vào mấy
câu kinh trên mà dụng công. Một khi “bốn tướng” không
còn, “ba tâm” dứt sạch, đó tức là người tu đạo chân chánh.
Giảng ngày 15 tháng hai năm 1984