Thursday, January 13, 2011

Bí quyết sống hạnh phúc

Sau khi nghe băng giảng của  Sư Ông  Thích Nhất Hạnh  thì CN rút ra được cách làm mình sống hạnh phúc,phương pháp quán chiếu mà Sư Ông đã dạy :
-Khi gặp những việc trái ý hằng ngày mình phải tự xoay về mình quán chiếu thì sẽ xóa được phiền não ,vô minh che lấp .Quán chiếu bằng cách nào ? Thí dụ mình xảy ra những chuyện gì với ai đó,mình trước hết phải xoay ngược về thời điểm đó ? Tự hỏi mình tại sao người ấy lại đối xử  với mình  như vậy ? Mình đã làm lỗi gì mà người ta đã đối xử với mình như vậy ? Chuyện xảy ra giữa 2 bên chắc chắn là có 1 lý do gì trục trặc khúc đầu tiên,cái gì cũng có nhân mới sinh ra qủa ? Còn quán chiếu mà thấy mình ngây thơ (vô số tội ...hihi...) ,vô lý người đó kiếm chuyện mình thì phải phăng ra chắc là "oan gia" của mình kiếp trước,kiếp này vô tình đụng phải nên mới ghét nhau đến vậy ? Và nhận lỗi về mình hết thì sẽ thấy rất thoải mái trong lòng(còn mình cứ nghỉ rằng mình khg có lỗi gì cả ,chỉ là lỗi của người kia thì thôi mình sẽ khổ chết luôn). Có 1 lần CN đi shopping ,tự nhiên gặp bà Mỹ kia ,bà nhìn CN với cặp mắt kỳ thị lắm(Mỹ trắng mà,chỉ 1 số nhỏ nào kỳ thị thôi) và lúc ra tính tiền  bả tới sau CN nhưng lại chen vào đứng trước ,(cũng tại CN gấp qúa nhào vô express lane,thật ra chỉ lố 2,3 món thôi...vì lúc đó con còn nhỏ,bỏ nhà cho má giữ lâu qúa cũng ngại )nhờ    CN có  nghe  băng giảng của HT  Thanh Từ và   tâm đang  rất an lạc ,HT dạy thân này và cảnh vật đều giả huyễn ,khg thật ,nhờ vậy nên thôi nhường bả(cũng may cho bà,gặp hồi  tui  chưa biết tu là cho bà dính vô vách tường rồi...hihi...) ,nhưng bả chưa chịu buông tha tui nữa ,đi mét với cashier,nhưng bà cashier thì nice với tui lắm,vì CN nói hoàn cảnh mình có con nhỏ,nên bà cashier nháy mắt với CN và OK liền hà..... và khi đi khỏi rồi  còn quay lại  háy tui 1 cái nữa chứ ,CN vội dạy cho bả 1 bài học "thank you very much for everything you did  to me" . Trời,mình khg tức mà bả tức tái măt  luôn,đó đó là địa ngục của  bà đó,chứ chờ đâu tới chết mới thấy địa ngục(nhưng mà khg phải khg có địa ngục đâu nha),đó oan gia của tui tới đòi món nợ xưa đó....sau này có dịp kể cho sư phụ nghe bị sư phụ quở liền ,đã nhịn thì nhịn cho trót còn nói câu chót làm gì...?..hihi ..tại con còn phàm phu mà Thầy ...đạo lực còn yếu lắm....CN khg tức vì mình bậy trước mà, nên nếu họ khg thông cảm thì đành chịu thôi....

- Phải biết sống trong hiện tại,đừng nhớ tới qúa khứ và cũng khg lo tới tương lai(cái gì lo thì ghi vào giấy những việc mình cần làm ,xong rồi buông liền),mỗi sáng thức dậy,mình thấy hạnh phúc vì mình đã còn sống và khoẻ mạnh,mình có 1 gia đình hạnh phúc,chồng tốt,con ngoan,dễ thương,nhìn chúng nó đùa giỡn ,giỡn chung với nó đó là hạnh phúc đó,nhìn ra ngoài thấy cảnh tuyết trắng xóa,những bông tuyết đang lìa cành bay bay,cảnh vật ôi đẹp làm sao,đó là hạnh phúc đó,thiên đàng đó....nhìn lên thì mình khg bằng ai(chưa bằng ông Bill Gate..hihi...) ,nhìn xuống thì mình khg bị đói,mình khg phải là homeless...đó,đó là hạnh phúc đó,chứ cần tìm đâu xa...phải biết trân qúi những gì mình đang có,chứ khi đánh mất rồi thì hối hận lắm....và 1 hạnh phúc cuối cùng là tôi đã có Thầy lành ,bạn tốt...hướng cho mình đến 1 lối sống tâm linh thăng hoa hơn ,để khi mất thân này sẽ khg bị đoạ vào 3 đường dữ là địa ngục,ngạ qủy và súc sanh.........
- Và 1 hạnh phúc nữa là sau khi quán chiếu thì có những bồ tát nghịch duyên  lại nói này nọ mình nhưng thấy tâm không dao động,cứ bình thản an nhiên tự tại,a mừng qúa!! .... tiến bộ chút rồi,vui qúa ! Con cám ơn Sư Ông Nhất Hạnh rất nhiều...
-Như các Thầy đã từng dạy nếu nhẫn nhịn được thì công đức mình sẽ tăng vọt lên  rất nhiều ,và phải thường xuyên quán chiếu thân vô thường tạm bợ,cảnh vật vô thường,tâm con người cũng vô thường,sáng vui,chiều buồn,khi thương khi ghét,lời nói như gió thoảng mây bay ,nếu tâm rộng rãi ,khg bó chặt,chấp trước vào cảnh vật  thì sẽ khg bị khổ...

Wednesday, January 12, 2011

Dâu Tây dạy con, mẹ chồng đại khai nhãn giới (Cách dạy con ở Mỹ)

Con trai tôi du học, sau khi tốt nghiệp thì định cư tại Mỹ, và đã kiếm cho tôi cô con dâu người Mỹ tên Susan. Hiện giờ, cháu trai Peter đã 3 tuổi. Mùa hè năm nay, con trai đăng ký visa "thăm người thân". Thời gian 3 tháng tôi lưu lại Mỹ, con dâu Susan có cách giáo dục con cái làm tôi đây - người mẹ chồng - phải đại khai nhãn giới.
 

Phần 1: Không ăn thì cứ nhịn đói
Mỗi buổi sáng, sau khi Peter thức dậy, Susan để phần ăn sang lên bàn và bận rộn làm việc khác. Peter sẽ tự mình leo lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, sau khi ăn no, nó sẽ tự về phòng của mình, tự tìm quần áo trên tủ, rồi tự lấy giày, tự mình mặc lên. Bất kể chỉ mới 3 tuổi thôi, vẫn chưa phân biệt rõ ràng mặt trái hay mặt phải của bít tất, giày trái hay giày phải.
Có một lần, Peter lại mặc ngược chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói, nếu cảm thấy không thoải mái tự cháu sẽ cởi ra, và mặc lại; nếu nó không cảm thấy không có gì là không thoải mái, vậy thì tùy. Và nguyên ngày đó, Peter mặc cái quần ngược đó chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết.
Một lần nữa, Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì nó chạy thở hổn hển về đến nhà, nói với Susan: “Mẹ ơi, Lusi nói cái quần của con mặc ngược rồi, đúng không? Lusi là con nhà hàng xóm, năm nay 5 tuổi. Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi, bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.
Tôi đã không kiềm được mà nhớ lại, cháu gái ngoại của tôi lúc 5 - 6 tuổi chưa biết dùng đũa, lúc học tiểu học còn chưa biết cột dây giày, và bây giờ đang theo trung học dạng ký túc xá, mỗi cuối tuần là đem một đống quần áo dơ về nhà.
Có một buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận hờn đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất. Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc: “Xem ra con đúng là không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!” Và tôi chợt cười thầm, hai mẹ con này cứng đầu như nhau!
Buổi chiều, Susan bàn với tôi, nhờ tôi nấu món ăn Việt Nam cho bữa tối . Tôi lại thầm nghĩ, Peter đặc biệt thích món ăn Việt Nam, nhất định Susan thấy sáng nay cháu không ăn gì hết, nên muốn buổi tối cháu ăn ngon và nhiều hơn. Tôi bèn trổ tài nấu ăn, làm món sườn chua ngọt mà Peter thích nhất, món tôm, và còn dùng mì Ý để làm món mì kiểu Việt Nam mà Peter rất thích, người nhỏ nhỏ như thế mà có thể ăn được một tô lớn.
Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta giao ước rồi phải không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó.” Peter nhìn nét mặt nghiêm túc của người mẹ, “òa” lên khóc, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm.” “Không được, nói rồi là phải giữ lời.” Susan không một chút động lòng. Tôi thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời dùm, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi. Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai có nói với tôi: “Ớ nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ.” Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi. Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp chỉ ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt trưng trừng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn như hổ đói. Đến đó tôi mới biết dụng ý của Susan khi nhờ tôi nấu món Việt. Tôi tin rằng, lần sau, trong lúc Peter muốn giận hờn quăng liệng thức ăn, nhất định sẽ nghĩ đến kinh nghiệm bụng đói nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Bụng đói không dễ chịu tí nào, huống chi là đối mặt với món mình thích ăn.
Buổi tối, tôi và Susan cùng đến chúc Peter ngủ ngon. Peter cẩn thận dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Việt không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!” Peter nuốt nước miếng, lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy rồi khi mở mắt con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi”, Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Peter đã cười tươi hẳn ra.
Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm, nó không muốn vì “tuyệt thực” mà lỡ bữa ăn ngon, và chịu cực hình bụng đói. Mỗi lần nhìn thấy Peter ngoạm từng phần lớn thức ăn, lúc miệng và mặt dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến cháu ngoại, hồi bằng tuổi Peter; mấy người cầm tô cơm dí theo sau đuôi nó, dỗ dành, mà nó còn chưa chịu ngoan ngõan ăn, mà còn ra điều kiện: ăn xong chén cơm mua một kiện đồ chơi, ăn thêm một chén thì mua thêm một kiện đồ chơi…
 
Phần 2: Ăn miếng trả miếng
Có một lần, chúng tôi dắt Peter ra công viên chơi. Rất nhanh, Peter đã cùng hai cô bé chơi nấu ăn với nhau. Cái nồi nhỏ bằng mủ, cái xẻng nhỏ, cái thau nhỏ, những cái chén nhỏ xếp đầy trên đường. Bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi oà khóc thật lớn. Cháu gái kia thấy tình hình vậy cũng òa khóc theo. Đại khái, Peter cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra, đứng qua một bên, trợn mắt nhìn. Susan đi tới. Sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, nó không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở. Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?” Peter vừa khóc vừa lắc đầu. Tôi tin rằng, lần sau nó sẽ không làm thế nữa.
Cậu của Peter tặng cho cháu một chiếc xe đạp nhỏ, Peter rất thích, khư khư giữ làm bảo bối không cho ai đụng vào. Lusi cô bé trong xóm, là bạn thân của Peter, đã mấy lần thỉnh cầu Peter cho chạy thử chiếc xe nhỏ này, Peter không đồng ý. Một lần, mấy cháu đang chơi chung với nhau, Lusi thừa lúc Peter không để ý, lén lén nhảy lên chiếc xe và đạp mau đi. Khi biết ra, Peter rất phẫn nộ, đến méc mẹ. Susan đang ngồi nói chuyện và uống café với mẹ của những đứa nhỏ kia, liền mỉm cười trả lời con: “Chuyện của chúng con thì chúng con tự giải quyết, mẹ không xen vào được.” Peter bất lực quay đi. Một lát sau, Lusi chạy chiếc xe về. Vừa thấy Lusi, Peter lập tức chạy tới đẩy bạn té xuống đất, giật lại chiếc xe. Lusi ngồi bệt dưới đất, khóc ré lên. Susan ẵm Lusi dậy và dỗ dành một lát. Rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ lại với những bạn còn lại. Peter tự mình chạy xe tới lui một lát thì cảm thấy hơi nhàm chán, nhìn thấy những bạn kia chơi thật vui vẻ với nhau nên nó muốn tham gia chung. Nó chạy tới chỗ Susan, lầu bầu thưa: “Mẹ, con muốn chơi với Lusi và tụi nó.” Susan không đả động gì và trả lời: “Con tự kiếm mấy bạn ấy vậy!” "Mẹ ơi, mẹ đi với con nhen”, Peter thỉnh cầu. “Chuyện này không được rồi, lúc nãy con đã làm cho Lusi khóc, giờ con lại muốn chơi với mọi người, vậy con phải tự đi giải quyết vấn đề". Peter leo lên chiếc xe và chạy từ từ đến chỗ Lusi, lúc gần đến chỗ, thì nó lại quay ngược đi. Chạy tới lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào mà Peter và Lusi lại vui vẻ với nhau, hợp thành nhóm ồn ào.
 
Dạy dỗ chăm nom con cái là chuyện của cha mẹ
 
Song thân Susan , biết tôi đang ở Mỹ, nên lái xe từ California đến thăm chúng tôi. Nhà có khách tới, Peter rất hào hứng, chạy lên chạy xuống. Nó lấy cái thùng đựng đầy nước, rồi xách đi tới đi lui trong nhà. Susan cảnh cáo nó mấy lần rồi, rằng không được làm nước văng lung tung trong nhà. Peter để ngoài tai. Cuối cùng Peter đã làm nước đổ hết ra nền. Chưa thấy mình làm sai, Peter còn đắc ý dẫm đạp lên vũng nước, làm ướt hết quần áo. Tôi lập tức chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. Susan giật lại cây lau nhà và đem đưa cho Peter, nói với nó: “Lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra và tự mình giặt sạch.” Peter không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo nó đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại của Peter lại cản tôi, nói: “Đó là chuyện của Susan". Một
lát sau, Peter không khóc nữa, nó ở trong phòng trữ đồ hét thật lớn: “Mẹ ơi, con sai rồi!” Susan đứng ở ngoài hỏi: “Thế giờ con biết phải làm gì chưa?” “Con biết.” Susan mở cửa ra, Peter chạy từ phòng trữ đồ ra, nước mắt đầy mặt. Nó cầm cây lau nhà cao gấp đôi nó ra sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó tự cởi quần áo dơ ra, xách trên tay, trần truồng chạy vô nhà tắm, hí hửng giặt đồ. Ông bà ngoại của nó nhìn vào thái độ kinh ngạc của tôi, thích thú mỉm cười. Sự việc này làm tôi cảm động vô cùng.
 
Ở rất nhiều gia đình Trung Quốc, cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh vấn đề “đại thế chiến”. Trẻ luôn luôn được ngoại nuông chiều, nội thì can ngăn, vợ chồng cãi nhau, gà bay chó chạy. Sau này, tôi và ông bà ngoại của Peter trong khi trò chuyện có nhắc đến chuyện này, một câu họ nói đã gây ấn tượng sâu sắc cho tôi : “Con trẻ là con cái của cha mẹ chúng, trước tiên phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ". Đứa bé tuy còn nhỏ, nhưng thường mang tính nghịch ngợm bẩm sinh. Nếu quan sát thấy các thành viên trong gia đình có mâu thuẫn, nó sẽ nhạy bén lợi dụng sơ hở. Việc này không cải thiện hành vi của nó, và chẳng ích lợi gì cho nó. Ngược lại còn làm cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn gây ra những vấn đề khác.
 
Ngoài ra, nếu các thành viên trong gia đình xung đột, không khí gia đình không hòa thuận, trẻ sẽ có cảm giác bất an, sự phát triển tâm lý của nó sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Cho nên, dù ông bà cha mẹ bất đồng về cách giáo dục con cháu, hay là vợ chồng có quan niệm giáo dục khác nhau, cũng không nên để lộ sự mâu thuẫn trước mặt con cái. Ông bà ngoại của Peter ở lại một tuần và chuẩn bị về Cali. Hai ngày trước khi đi, ông ngoại của Peter rất nghiêm túc hỏi con gái mình: “Peter muốn chiếc xe đào đất, ba có thể mua cho nó chứ?”. Susan suy nghĩ rồi nói: “Ba mẹ lần này đã mua cho nó đôi giày trượt băng làm qùa rồi. Đợi đến Noel ba hãy mua chiếc xe đó cho nó!”
Tôi không biết ông ngoại của Peter nói như thế nào với thằng nhóc này, mà sau đó tôi dắt cháu đi siêu thị, nó chỉ tay vào món đồ chơi, khoe “Ông ngoại nói, đến Noel sẽ mua tặng cháu cái này” với giọng thích thú và mong đợi.
Susan nghiêm khắc với con như vậy nhưng Peter lại yêu thương mẹ hết mực. Khi chơi ở ngoài, cháu hay thu thập một số hoa lá mà cháu cho là đẹp rồi trịnh trọng tặng mẹ. Người ngoài tặng quà cho cháu, cháu luôn gọi mẹ cùng mở quà; có thức ăn ngon, cháu luôn để phần một nửa cho mẹ.
Nghĩ đến nhiều đứa trẻ Việt Nam coi thường và lạnh nhạt đối xử đối với cha mẹ, tôi không thể không kính phục cô con dâu Tây này của tôi. Theo tôi, cách giáo dục con cái của bà mẹ Phương Tây này rất xứng đáng để các bà mẹ Phương Đông như tôi học theo... (Nguyễn Xuân Bích Huyên chuyển tới)

Bài thuốc dân gian trị cảm cúm đơn giản mà hiệu quả

Cảm cúm gây nhức đầu, khó chịu cho những ai mắc phải nó. Tuy nhiên có rất nhiều cách hiệu quả giúp bạn nhanh chóng đẩy lùi căn bệnh khó chịu này.
Cảm cúm là một bệnh thường gặp ở cả người  lớn lẫn trẻ nhỏ mỗi khi thời tiết thay đổi hay cơ thể bị nhiễm lạnh. Qua đúc kết kinh nghiệm chữa bệnh, rất nhiều nước trên thế giới đã tìm ra các bài thuốc trị cảm cúm hiệu quả mà đơn giản.

Phần Lan và bài thuốc từ “nước quả lí gai”
Ở Phần Lan, các bà các mẹ vẫn thường dùng nước quả lí gai để chữa cảm mạo. Người Phần Lan còn gọi quả lí gai là “A-mi-dan”, đơn giản bởi vì quả lí gai khô có khả năng chữa viêm A-mi-dan rất hiệu quả.  Hàm lượng vitamin C trong quả lí gai gấp 3 đến 4 lần hàm lượng vitamin trong cam, bưởi.
Ấn Độ và bài thuốc từ “nước gừng”
Ấn Độ và Trung Quốc có cùng quan niệm trong việc sử dụng gừng để trị cảm cúm. Thái 4 đến 5 lát gừng mỏng cho vào nước đun sôi 5-10 phút sau đó đổ ra cốc, cho 1 thìa cà phê đường trắng vào khuấy đều và uống nóng. Một ngày uống 3 lần và tốt nhất là uống trước khi ngủ sẽ mang lại hiệu quả tức thì.

New Zealand và bài thuốc từ “chanh và mật ong”
Ở New Zealand, người ta thường hòa 1-2 thìa cà phê mật ong với nước chanh là bài thuốc dân gian trị cảm cúm nổi tiếng. Người dân ở đây cho rằng mật ong có khả năng giải độc cơ thể, chữa ho. Chanh có tác dụng tăng cường miễn dịch giúp cơ thể cân bằng trở lại.
Nam Phi và bài thuốc từ “bia gừng”
Gừng được coi là thần dược trong việc trị cảm cúm, chỉ với 2 thìa cà phê mật ong, nước cốt chanh, dầu khuynh diệp, 4 lát gừng cho vào đun sôi với bia sau đó bỏ ra uống khi còn ấm. Bạn sẽ thấy cơ thể chuyển biến rõ rệt, cảm gác mệt mỏi không còn nữa, những cơn hắt hơi cũng chấm dứt.
Theo Afamily

Bỏ ăn thịt để cứu lấy hành tinh( HT Thich Nhat Hanh gửi các con của Thầy, khắp nơi

Thiền viện Bích Nham ngày 12 tháng 10 năm 2007

Thân gửi các con của Thầy, khắp nơi,

Bích Nham vào mùa Thu rất đẹp. Rừng núi điểm tô bằng lá thu đủ cả mọi sắc màu. Ngày hôm nay, bắt đầu vào 11giờ sáng, thiền sinh khắp nơi sẽ bắt đầu có mặt cho một khóa tu với chủ đề là Ngồi Giữa Gió Thu. Số người muốn ghi tên rất đông nhưng tu viện không thể tiếp nhận được hết, phải từ chối hàng trăm người. Các thầy, các sư cô và các Phật tử cư sĩ trong ban tổ chức cảm thấy lòng áy náy, nhưng không biết làm sao. Đây là khóa tu lớn đầu tiên của Bích Nham. Ai cũng muốn đến tu tập với tăng thân, đồng thời “coi mặt” tu viện mới.

Trưa hôm 9 tháng 10 năm 2007, tạp chí Time Magazine có đến phỏng vấn Thầy về những biến cố ở Miến Điện và về vấn đề hâm nóng trái đất. Buổi phỏng vấn truyền hình sẽ được đưa lên trực tuyến. Về Miến Điện, Thầy có nói là các vị xuất gia bên ấy đã can đảm đứng dậy đưa đường chỉ lối cho toàn dân về vấn đề nhân quyền và dân chủ. Các vị đã tỏ ra xứng đáng là những người lãnh đạo tâm linh của đất nước. Đất nước và dân tộc không thể không có một chiều hướng tâm linh (spiritual dimension). Đời người cũng không thể thiếu vắng một chiều hướng tâm linh. Thiếu một con đường tâm linh, ta sẽ không có khả năng đối diện với khổ đau, chuyển hóa khổ đau và hiến tặng được gì cho cuộc đời. Người không có đường đi là người đi trong bóng tối. Có đường đi rồi, ta sẽ không còn lo sợ. Các thầy ở Miến Điện đã đưa đường chỉ lối cho đất nước, cho dân tộc của họ. Tuy họ đang bị đàn áp, tù đày hoặc giết chóc, nhưng tâm của họ rất an, vì họ đã làm được việc họ phải làm: cung cấp cho đất nước và dân tộc họ vai trò lãnh đạo tâm linh (spiritual leadership). Các vị đã làm xong nhiệm vụ của họ. Các tầng lớp dân chúng trong nước mỗi khi nghĩ đến các vị ấy là thấy lòng mình xúc động: chính năng lượng của tình thương và của niềm tin ấy sẽ là động lực nuôi dưỡng hành động của họ để mang lại nhân quyền và dân chủ cho đất nước họ. Thế giới đang yểm trợ Miến Điện, như thế giới đã từng yểm trợ cuộc tranh đấu của Phật tử và đồng bào Việt Nam trong những năm sáu mươi trong cuộc vận động tranh đấu cho dân quyền và tự do dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Không phải chỉ một Phật tử đứng lên mà toàn thể các Phật tử cùng đứng lên một lượt. Bây giờ ở Miến Điện cũng thế. Không phải chỉ một thầy đứng lên mà tất cả các thầy đều đứng lên. Đây mới thực sự là lãnh đạo tâm linh.

Thầy cũng đã nói thêm với tuần báo Time: Chúng tôi ở trên thế giới cũng đang trông chờ các nhà lãnh đạo tâm linh ở đất nước Hoa Kỳ đứng dậy để cung cấp cho dân chúng Hoa Kỳ sự lãnh đạo tâm linh ấy để tang tóc và đau thương có thể được chấm dứt sớm tại đất nước Iraq. Các vị nên cùng đứng lên một lượt với một tiếng nói rất rõ ràng để giúp cho dân chúng tỉnh thức và thấy được con đường đi. Cái thấy của dân đã tỏ, tâm ý của dân đã quyết thì chính quyền không thể không làm theo. Cuộc chiến ở Việt Nam đã được chấm dứt cũng nhờ sự thức tỉnh của toàn dân Hoa Kỳ lúc ấy.

Ngày 6 tháng 10 năm 2007 vừa qua, trong khi hướng dẫn một ngày quán niệm cho 1.800 nhà tâm lý trị liệu tại trường Đại Học California (UCLA) ở Los Angeles, các thầy và các sư cô Lộc Uyển và Làng Mai đã đắp y sau giờ pháp thoại, trì tụng bài "May The Day Be Well" và xướng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm (Namovalokitesvaraya) để gửi năng lượng cho các thầy và các Phật tử Miến Điện. Ông Thống đốc tiểu bang California cùng phu nhân cũng đã tới nghe Thầy giảng thuyết và tham dự trọn ngày chánh niệm hôm ấy. Các thầy và các sư cô trước khi tụng kinh đã nói rằng tăng thân Làng Mai và Lộc Uyển muốn tỏ tình liên đới với các đồng đạo xuất gia và tại gia của họ tại Miến Điện. Sau đó, một bản nghị quyết hai điểm đã được đọc lên. Điểm thứ nhất là đề nghị Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cấp tốc gửi một phái đoàn điều tra (U.N. Fact Finding Delegation) sang Miến Điện, một phái đoàn đại diện nhiều nước, như phái đoàn mà Liên Hiệp Quốc đã gửi về Việt Nam vào tháng 9 năm 1963. Điểm thứ hai là xin Hội Đồng Quốc Tế Thế Vận Hội vận động với Trung Quốc để Trung Quốc có thể làm áp lực trên các tướng lĩnh ở Miến Điện trong chiều hướng dân chủ hóa đất nước. Tất cả mọi thành phần tham dự trong ba ngày hội nghị Tâm lý Trị liệu tại trường UCLA trong giờ phút ấy đã đứng dậy để đồng lòng yểm trợ bản nghị quyết này, trong đó có ngài Thống Đốc Tiểu Bang California. Giới báo chí đã có mặt trong ngày sinh hoạt hôm ấy. Hội trường đã im lặng tuyệt đối trong giờ phút ấy, làm cho năng lượng tập thể của đại chúng trở nên rất hùng hậu.

Về vấn đề hâm nóng trái đất, Thầy đã kể cho tạp chí Times câu chuyện cặp vợ chồng trẻ ăn thịt đứa con trai còn bé của họ, câu chuyện mà đức Thế Tôn đã kể lại trong Kinh Tử Nhục. Cặp vợ chồng trẻ này trên đường vượt biên tỵ nạn với đứa bé trai nhỏ tuổi đã phải đi ngang qua một sa mạc. Do thiếu kiến thức địa lý, họ đã lâm vào trường hợp hết lương thực khi mới vượt được nửa đường qua sa mạc. Họ biết là cả ba sẽ chết trong sa mạc, không còn hy vọng gì qua tới nước xin tỵ nạn. Cuối cùng họ quyết giết đứa con trai, mỗi ngày mỗi người ăn một miếng thịt của đứa con để có sức tiếp tục đi. Phần còn lại họ vác trên vai để phơi khô. Mỗi lần ăn xong một miếng thịt con, hai người nhìn nhau và hỏi nhau: đứa con thân yêu của chúng ta bây giờ ở đâu? Họ chảy nước mắt, đấm ngực và than khóc. Nhưng rồi cuối cùng họ ra khỏi sa mạc và được chấp nhận làm dân tỵ nạn ở đất nước mới. Sau khi kể câu chuyện thương tâm này, đức Thế Tôn nhìn các thầy và hỏi: Quí vị có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia cảm thấy hạnh phúc khi ăn thịt đứa con mình hay không? Các thầy đáp: Bạch đức Thế Tôn, họ cảm thấy rất khổ đau khi ăn thịt con. Bụt dạy: Này liệt vị, chúng ta phải tập ăn như thế nào để có thể gìn giữ được chất liệu từ bi trong trái tim chúng ta. Ta phải ăn trong chánh niệm. Nếu không, ta có thể đang ăn thịt của đứa con của chính mình.

Tổ chức UNESCO đã từng báo cáo rằng mỗi ngày có khoảng 40.000 trẻ em chết vì thiếu ăn hoặc thiếu dinh dưỡng. Trong khi đó thì bắp và lúa trồng ra ở Tây phương phần lớn là để nuôi bò nuôi lợn nuôi gà hoặc để làm rượu. Trên 80% số bắp và trên 95% số lúa mạch được sản xuất tại Hoa Kỳ là để nuôi súc vật để làm thịt. Súc vật ta nuôi để ăn thịt trên thế giới tiêu thụ số lượng thực phẩm tương đương với số thực phẩm để dành nuôi gần chín tỷ người (8.7 billion), nghĩa là nhiều hơn dân số thế giới.
Ăn thịt và uống rượu với ý thức ấy, ta sẽ thấy ta đang ăn thịt đứa con ruột của chúng ta. Để nuôi súc vật làm thịt ăn, loài người chúng ta đang sử dụng tới 70% diện tích đất nông nghiệp và 30% tổng diện tích của trái đất. Ngay ở Châu Mỹ La Tinh, 70% diện tích của các khu rừng đã phá là để làm đồng cỏ cho bò ăn. Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 29 tháng 11 năm 2006 cho biết rằng nuôi súc vật để ăn thịt tạo ra nhiều chất khí gây nên hiệu ứng nhà kính nhiều hơn những chất khí do tất cả xe cộ trên trái đất nhả ra( ). Ông Henning Steinfeld, một viên chức cao cấp của Tổ Chức Nông Lương Quốc Tế (FAO) cho biết là kỹ nghệ nuôi súc vật để bán thịt là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa tới cuộc khủng hoảng sinh môi hiện đại (“the meat industry is one of the most significant contributors to today’s most serious enviromental problems”). Gà, lợn và bò ở các trại chăn nuôi lớn nhả ra những khối lượng khí mê-tan (methane – CH4) vĩ đại, từ sự tiêu hóa và từ phân chúng thải ra. Các nhà khoa học cho biết là khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính hai mươi ba lần nhiều hơn khí CO2 (khí các-bon-níc). Cơ quan Bảo Hộ Môi Trường ( ) cho biết là chăn nuôi làm tiết ra khí mê-tan nhiều nhất ở Hoa Kỳ ( ). Ngoài khí mê-tan, lại còn khí đinitơ-oxít (Nitrous Oxide – N2O) mà tiềm năng gây ra hiệu ứng nhà kính còn lớn hơn chất khí CO2 tới 300 lần. Mà khí N2O, cũng theo bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, là do kỹ nghệ chăn nuôi gây ra. Nuôi bò, nuôi lợn, nuôi gà, chế biến thực phẩm từ sữa và trứng chịu trách nhiệm chế tác ra khoảng 65% tổng số khối lượng chất khí N2O trên toàn thế giới. Ngành chăn nuôi ở Mỹ thải ra một khối lượng khổng lồ phân thú vật, nhiều gấp 130 lần số lượng phân người trên thế giới, nghĩa là mỗi giây thú vật thải ra tới 97.000 pound phân. Các thứ phân này chảy ra sông hồ làm ô nhiễm nước uống tạo ra không biết bao nhiêu bệnh tật cho mọi loài. Như ta đã biết phần lớn khí N2O do phân chăn nuôi mà phát xuất. Ngành chăn nuôi đã tàn phá hàng trăm triệu mẫu rừng ở khắp nơi trên thế giới. Phá rừng là để trồng bắp, trồng lúa nuôi súc vật và để có đồng cỏ cho bò gặm. Khi rừng bị phá, những khối lượng khí CO2 khổng lồ chứa trong cây cối được nhả ra không trung. Nuôi súc vật để bán thịt cũng làm hao hụt nước của thế giới. Chỉ cần 25 gallon nước là đủ tưới và sản xuất 1kg lúa. Trong khi đó muốn chế tác 1kg thịt thì phải dùng tới 2.500 gallon nước. Đúng như lời đức Thế Tôn dạy, chúng ta đang ăn thịt con cháu chúng ta, ăn thịt cha mẹ ta, ăn thịt cả hành tinh của chúng ta. Kinh Tử Nhục cần được đem ra cho cả loài người học hỏi và thực tập!
Tổ chức Nông Lương Quốc Tế (FAO) khuyên ta nên hành động gấp (Urgent action is required to remedy the situation), ở cả mức độ cá nhân và cộng đồng. Nghĩa là phải giảm thiểu ít nhất là 50% công nghiệp sản xuất thịt. Và như vậy nhân loại phải bỏ ăn thịt bớt 50%.  Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 29 tháng 11 năm 2006 cho biết rằng dù có giảm bớt 50% kỹ nghệ chăn nuôi thì ta cũng vẫn phải sử dụng những kỹ thuật mới để giúp cho phần kỹ nghệ còn lại ít gây ô nhiễm môi trường hơn, như chọn lựa thức ăn cho súc vật như thế nào để các thức ăn ấy không bị lên men nhiều trong đường tiêu hóa của súc vật. Chính sự lên men này tạo ra nhiều chất khí mê-tan nhất.
Phật tử chúng ta từ trên 2000 năm nay đã biết ăn chay. Chúng ta biết ăn chay là để nuôi dưỡng từ bi, từ bi đối với các loài động vật. Bây giờ ta biết thêm: ăn chay cũng là để bảo vệ trái đất, ngăn ngừa không cho hiệu ứng nhà kính gây nên thiệt hại nặng nề; trong tương lai không xa, khi hiệu ứng nhà kính trở nên trầm trọng, mọi loài sẽ chịu thiệt hại; hàng trăm triệu người sẽ chết, nước biển sẽ dâng lên tràn ngập hàng ngàn thành phố và đất đai canh tác. Nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo sẽ phát sinh và tất cả mọi loài đều sẽ phải gánh chịu.
Cả hai giới xuất gia và tại gia chúng ta đã thực tập ăn chay. Tuy số lượng các vị Phật tử cư sĩ ăn chay trường như giới xuất gia chưa nhiều bằng giới xuất gia nhưng ai cũng đã từng thực tập ăn chay hoặc 4 ngày/tháng (tứ trai) hoặc 10 ngày/tháng (thập trai). Thầy nghĩ rằng để cứu được hành tinh, bỏ ăn thịt là một hành động không khó khăn gì mấy. Giới tại gia nên dũng mãnh phát tâm ăn chay trường, ít nhất cũng ăn được 15 ngày trong mỗi tháng, đó là thập ngũ trai, theo lời khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc. Làm được như thế, ta sẽ thấy khoẻ trong người, ta sẽ có an vui và hạnh phúc ngay từ giờ phút phát nguyện. Trong các khóa tu năm nay tổ chức tại Hoa Kỳ, rất nhiều Phật tử Hoa Kỳ đã phát nguyện ngưng ăn thịt hoặc bớt ăn thịt 50%, đó là nhờ họ tỉnh thức được sau khi nghe được bài giảng về hiệu ứng nhà kính. Chúng ta hãy thương lấy đất Mẹ, thương lấy muôn loài, trong đó có con cháu chúng ta. Ta chỉ cần ăn chay là cứu được trái đất. Ăn chay ở đây cũng có nghĩa là không tiêu thụ những thực phẩm chế biến từ trứng và sữa bởi vì hai loại ấy là sản phẩm của chăn nuôi. Nếu ta ngừng tiêu thụ thì họ sẽ ngừng sản xuất. Chỉ có một sự tỉnh thức tập thể (collective awakening) mới tạo ra đủ ý chí hành động.
Tháng chạp 2007 này, tu viện Lộc Uyển sẽ có đủ 100% điện lực chế tác từ ánh sáng mặt trời sử dụng cho tu viện. Các chùa thuộc Làng Mai ở Châu Âu và Châu Mỹ của chúng ta cũng đã thực tập mỗi tuần 1 ngày không sử dụng xe hơi và hàng ngàn thân hữu của chúng ta cũng đang thực tập theo. Chúng ta cũng đã bắt đầu sử dụng xe hơi bớt lại, sử dụng xe điện (electric car) và xe chạy bằng dầu thực vật. Những loại này có thể giúp ta giảm bớt 50% số lượng khí CO2 . Mua một chiếc xe nửa xăng nửa điện Prius Toyota, ta giảm bớt được một tấn khí CO2 mỗi năm, nhưng ta vẫn còn phải thải ra 50% khí ấy. Viện Đại Học Chicago cho biết: mỗi người ăn chay có thể ngăn ngừa khoảng 1.5 tấn khí CO2 không cho bốc lên khí quyển nhiều hơn một người ăn thịt. Các con thấy không? Chỉ cần ăn chay thôi là đủ cứu được trái đất. Mà ai trong chúng ta lại không có kinh nghiệm rằng ăn chay cũng rất ngon. Chỉ có những người chỉ quen ăn thịt mới không thấy được sự thực ấy.
Chiều nay khi khóa tu khai mạc, mọi người sẽ được báo tin là trong suốt khóa tu chúng ta sẽ không dùng các thực phẩm làm bằng sữa và trứng. Và tất cả các khóa tu sau này do chúng ta tổ chức đều sẽ như thế. Cố nhiên là các trung tâm tu học của chúng ta ở Á Châu, Âu Châu và Mỹ Châu cũng đều thực tập như thế. Thầy tin chắc thiền sinh sẽ hiểu và sẽ yểm trợ hết lòng. Để cứu đất Mẹ và muôn loài, sự thực tập của chúng ta hiện nay là giúp cho mọi người ý thức về hiểm họa trái đất hâm nóng. Ta biết nếu không có một sự bừng tỉnh tập thể thì trái đất và mọi loài không có cơ hội được giải cứu và cách sống hàng ngày của chúng ta phải chứng minh rằng chúng ta đã tỉnh thức.
Hôm 2 tháng 10 năm 2007, tại trường Đại Học San Diego (USD), Thầy có nói về đề tài lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng liên hệ tới hiểm họa trái đất bị hâm nóng. Số người vì lo sợ và tuyệt vọng mà sinh bệnh càng ngày càng nhiều. Họ thấy nếu con người cứ tiếp tục sống trong tham vọng, hận thù và mê ngủ như hiện nay thì trái đất và muôn loài không thể nào có được một cơ hội thóat khỏi hiểm nguy. Và sẽ có những người trong chúng ta chết vì tâm bệnh trước khi những hiểm họa kia đi tới. Trong buổi giảng, Thầy đã đưa ra phương pháp thực tập mà đức Thế Tôn chỉ dạy: nhìn nhận và chấp nhận sự thật mà đừng trốn tránh nó.
Các con biết là đức Thế Tôn từng dạy ta thực tập nhìn thẳng vào những hạt giống sợ hãi trong ta mà đừng tìm cách che phủ hoặc chạy trốn chúng: Tôi thế nào cũng phải già, phải chết, phải bệnh, tôi không thể nào tránh được cái già, cái chết, cái bệnh. Những gì tôi trân quý hôm nay, những người tôi trân quý hôm nay một ngày mai tôi sẽ phải buông bỏ khi thân thể này tàn hoại, tôi không mang theo được gì hết, ngoài thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp của tôi. Đó là gia tài duy nhất mà tôi có thể mang theo. Thực tập chấp nhận được như thế, mình sẽ có bình an, mình sẽ có khả năng sống lành mạnh và từ bi, không còn gây đau khổ cho mình và cho người khác. Những người từng bị ung thư hay sida khi được bác sỹ cho biết là mình có các bệnh ấy và chỉ còn có 3 tháng hay nửa năm để sống, thường bắt đầu bằng thái độ phản kháng, phẫn nộ, phủ nhận, tuyệt vọng, không muốn chấp nhận sự thật. Nhưng một khi họ đã chấp nhận được sự thật rồi thì họ bắt đầu có bình an. Có được bình an, họ sẽ có cơ hội tập sống ‘sâu sắc’ từng phút giây của đời sống hàng ngày. Do đó họ có cơ hội sống lâu, có người sống thêm cả 15 năm. Như sư thầy Đàm Nguyện ở Hà Nội. Năm ấy, sư thầy qua Làng Mai với ý muốn được sống với Thầy và tăng thân vài tháng rồi sau đó sẽ về Hà Nội để chết. Vì bác sĩ bảo sư thầy chỉ sống được chừng 3-4 tháng nữa. Khi qua tới Làng Mai, các sư cô đề nghị sư thầy đi bác sĩ, sư thầy không chịu đi. Sư thầy nói không cần. Sư thầy đã chấp nhận cái chết của mình và đã hết lòng sống với tăng thân trong ba tháng từng giây, từng phút. Khi thị thực gần hết hạn, sư thầy chào tăng thân ra về. Một sư chị đề nghị sư thầy đi bác sỹ “khám chơi” cho biết. Sư thầy chiều lòng. Bác sỹ nói những di căn ung thư của sư thầy trong toàn thân đã rút về một nơi và sư thầy hiện đang rất khỏe. Và sư thầy đã về Hà Nội trong niềm vui. Hiện sư thầy vẫn còn sống ở Hà Nội và từ ấy đến nay đã là 14 năm.
Đức Thế Tôn dạy vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Nền văn minh hiện tại của chúng ta cũng thế. Trong lịch sử của Trái Đất, nhiều nền văn minh đã từng bị tiêu diệt. Nền văn minh hiện tại của chúng ta nếu có bị tiêu diệt thì đó cũng là theo luật vô thường. Nếu loài người cứ tiếp tục sống u mê và với lòng tham vô đáy như hiện nay thì sự tiêu diệt của nền văn minh này không còn xa nữa. Ta phải chấp nhận sự thật ấy, như là chấp nhận cái chết của chính chúng ta. Chấp nhận được rồi ta sẽ không còn bị đối kháng, phẫn nộ, phủ nhận và tuyệt vọng nữa. Ta sẽ có bình an. Có bình an rồi ta mới biết cách sống như thế nào để cho trái đất có một tương lai, ta mới tới được với nhau trong tình huynh đệ và sử dụng được kỹ thuật khoa học hiện đại mà ta đang có để cứu được hành tinh xanh yêu dấu. Còn nếu không thì ta sẽ bị tâm bệnh mà chết trước khi nền văn minh chấm dứt.
Mẹ ta, Trái Đất, hành tinh xanh, đã từng bị khốn khổ nhiều lần, đã từng khổ đau vì thấy đàn con dại dột. Chúng ta tàn phá đất Mẹ như một loại vi trùng tàn phá một cơ thể con người, vì đất Mẹ cũng là một cơ thể. Nhưng có những loài vi khuẩn rất thân hữu và có ích cho cơ thể con người. Hàng tỷ con như thế đang có mặt trong ta, nhất là trong hệ thống tiêu hóa; chúng giúp bảo vệ cơ thể và chế tác những sinh tố mà ta cần đến. Loài người có thể là những sinh vật có khả năng bảo vệ cơ thể đất Mẹ như thế, nếu loài người tỉnh thức, biết sống có trách nhiệm và từ bi. Đạo Phật ra đời là để ta học sống có trách nhiệm và từ bi. Ta phải thấy được tính cách tương tức, đồng sinh cộng tử giữa ta với đất Mẹ.
Nhưng đất Mẹ đã từng được tái sinh nhiều lần. Sau trận hồng thủy do hiện tượng hâm nóng trái đất gây ra, có thể chỉ còn một phần rất nhỏ nhân loại sống sót. Trái đất sẽ cần trên 1 triệu năm để tái sinh và khoác lên một chiếc áo màu xanh lành lặn tươi đẹp khác, và một nền văn minh mới của loài người sẽ được bắt đầu. Nền văn minh ấy là hậu thân của nền văn minh chúng ta. Đối với con người, 1 triệu năm là lâu lắm, nhưng đối với trái đất, đối với thời gian địa chất (geological time), 1 triệu năm không có nghĩa gì; đó chỉ là một thời gian rất ngắn. Tất cả sinh diệt chỉ là bề mặt. Bất sinh bất diệt mới thật là bản chất của vạn pháp. Đây là giáo lý Trung Đạo của Bụt. Nhưng thơ đã dài, Thầy không muốn nói thêm về giáo lý này ở đây. Khóa tu sắp bắt đầu. Trong nửa giờ nữa. Thầy sẽ ra hướng dẫn với tăng thân. Thầy chúc các con an lành và thực tập giỏi. Hẹn sẽ viết tiếp cho các con trong thư sau.
Thương và tin cậy

Thầy