Friday, March 11, 2011

Hòa Thượng Tịnh Không Sắp Vãng Sanh


Kính Thỉnh Đạo Sư Đại Lão Hoà Thượng Tịnh Không thường trụ thế gian, chuyển đại Pháp Luân:



Ðạo sư giảng kinh nói pháp gần 60 năm, vì để mọi người bỏ mê về chánh, vì chánh pháp trường tồn; vì muốn thế giới hài hoà, mà không từ lao nhọc; vì muốn pháp môn rộng khắp, mà mở lớp dạy học, bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Trải qua bao gian khó, không nề hà gian khổ, lấy tinh thần vô ngã, hoằng truyền đại Kinh, kỳ vọng tất cả người nghe, đều có thể chân thật phát tâm, tu trì tịnh nghiệp, vượt thoát ba cõi.



Kính vâng giáo huấn của Phật Ðà: “Lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy”; y theo mười nguyện của Phổ Hiền “Thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế”; cần [cù] tu “Ba Phước, Sáu Phép Hoà”; thực tiễn “Ðệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Mười Ðiều Thiện” và “Sa Di Luật Nghi”, trừ bỏ Tham-Sân-Si, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Ðộ, dùng công đức chân thật này, khẩn thỉnh Lão Hoà Thượng Tịnh Không, thường trụ thế gian, chuyển đại pháp luân, lợi ích quần sanh.



Sư phụ Thượng nhân từ giám:



Ngày 25, trong lúc giảng dạy, Ngài đã nói: “Năm tới sẽ đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc đợi mọi người”. Bốn chúng đồng tu nghe tin này, thảy đều kinh ngạc, vội vàng gọi điện hỏi thăm. Sư phụ vẫn chưa có người truyền thừa giảng kinh, mọi người đồng lòng khẩn thỉnh, sư phụ từ bi trụ thế, giảng kinh nói pháp, giáo hoá chúng sanh.



Ðồng thỉnh!



Thường trụ thế gian, chuyển đại pháp luân

Ðệ tử Ngộ Ðạo cùng đại chúng đảnh lễ khẩn thỉnh!

Ngày 28 tháng 12 năm 2010







Hãy biết ơn những người khiển trách ta, vì họ giúp ta tăng trưởng Định Tuệ.

Hãy biết ơn những người làm ta vấp ngã, vì họ khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn.

Hãy biết ơn những người bỏ rơi ta, vì họ đã dạy cho ta biết tự lập.

Hãy biết ơn những người đánh đập ta, vì họ đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta.

Hãy biết ơn những người lường gạt ta, vì họ tăng tiến kiến thức cho ta.

Hãy biết ơn những người làm hại ta, vì họ đã tôi luyện tâm trí của ta.

Hãy biết ơn tất cả những người khiến ta được Kiên Định Thành Tựu.



Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc Của Hòa thượng Tịnh Không



Xin xem: Một Người Một Đời Không Thể Không Biết Đến

http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2011/02/hoa-thuong-tinh-khong-sap-vang-sanh/

Tuesday, March 8, 2011

Hãy tỏ ra mình là Phật tử

Trí quang
 
 
     Đây là những lời tha thiết chúng tôi muốn được đến tận tai, vào tận lòng toàn thể các vị Phật tử tại gia. Chúng tôi mong được tiếng vang dội của quý vị đáp lại lòng chân thành của nó.
 
     Trước hết, chúng tôi xin quý vị hãy thẳng thắn tỏ ra mình là Phật tử trong bất cứ trường hợp nào.
 
     Chúng tôi cũng biết rằng tiếp xúc với người mà tỏ ra mình là Phật tử, thì có lắm khi thế là một bức màn đã hạ xuống giữa mình với họ. Nhưng tỏ ra một cách ngoan cố, hơn nữa, một cách kiêu căng, mới thành bức màn ngăn cách. Chúng ta chỉ tránh sự ngoan cố và sự kiêu căng ấy là đủ. Còn trong mọi trường hợp, bất cứ tiếp xúc với ai, ta phải thành thật tỏ ra “mình là người Phật tử”. Điều ấy cần lắm. Vì chúng ta phải như thế để tỏ sự trung thành của mình đối với Đạo pháp, để tỏ sự hợp lý của đạo pháp mình tín ngưỡng, hơn nữa, để dắt dẫn người vào đạo pháp.
 
     Chúng tôi thấy có người nghĩ rằng mình không phải là Phật tử xứng đáng nên không dám, không muốn tỏ ra “mình là Phật tử” trước mặt mọi người. Nhưng các vị có biết cho rằng chính thế, chính điều “không muốn tỏ ra mình là Phật tử” là không xứng đáng một người Phật tử rồi không? Huống chi Phật pháp vô thượng và vô cùng, được làm con Phật là hơn người lắm rồi, còn thật hành cho xứng đáng được bao nhiêu thì được. Ngay cái việc “tỏ ra mình là Phật tử” là một sự thực hành xứng đáng, một Phật tử khá xứng đáng rồi đó.
 
     Có lắm người nghĩ “tự xưng hay tỏ ra mình là Phật tử” thì sợ bị người công kích. Nhưng người công kích ấy nếu là người ngoài, đối lập với tín ngưỡng chúng ta, thì họ càng công kích càng tỏ cái phải của đạo pháp ta tín ngưỡng. Ta hãy liên tưởng sự khinh chê của con chim sâu đối với con đại bàng. Còn người công kích ta nếu là người ngoài mà công kích một cách vũ phu, công kích vì những sự xích mích hay những lý do khác, thì thế là họ đã phạm đến tín ngưỡng của người: họ là người không lịch sự, nhân cách họ không xứng đáng, ta để ý làm chi. Còn nếu là Phật tử mà công kích nhau như thế thì thật là một tội lỗi lớn. Sao ta lại công kích sự “tự xưng”, sự “tỏ ra” là Phật tử?
 
     Dầu người Phật tử khác không xứng đáng đến đâu, sự “tự xưng hoặc tỏ ra mình là Phật tử” vẫn là sự thực hành cần thiết, thành thật và đáng kính. Nay ta công kích việc ấy là ta công kích sự tu hành (đó là sự tu hành rồi vậy), sự cần thiết, sự thành thật, sự đáng kính và như vậy là công kích đức Phật, là tự công kích mình. Tội lỗi không thể dung được. Chúng ta đừng vì tập quán “chỉ trích người, công kích người” mà phạm vào tội lỗi ấy.
 
     Có những vị nghĩ rằng tự xưng hoặc tỏ ra “mình là Phật tử” thì ngại cho nghề nghiệp bất chánh của mình, thiệt thòi cho sự cạnh tranh quá đáng của mình, có lắm khi lại làm một sự mỉa mai cho cử chỉ và lời tiếng “không nhịn thua” của mình. Nhưng nếu thế thì sự “tự xưng là Phật tử”, sự “tỏ ra mình là Phật tử” quả là một điều vô thượng, một sự cần thiết vô cùng rồi. Sao ta không thực hành một việc giản dị mà lợi ích ấy?
 
     Hiện nay có những người tự xưng là Phật tử mà mê tín, quấy quá. Những người này càng tự xưng là Phật tử lại càng làm cho người hiểu lầm đạo Phật. Phần đông người ta hiểu một đạo bằng cách theo thói quen nhìn vào người tự xưng là tín đồ đạo ấy. Cho nên những người mê tín, quấy quá, đã làm cho phần đông hiểu lầm đạo pháp vì sự tự xưng là Phật tử của họ. Thế rồi có các người Phật tử khác muốn đừng lẫn lộn với những người ấy, nên không muốn tỏ ra “mình là Phật tử” mà có khi lại công kích những người ấy nữa. Ấy là một cử chỉ không đúng tí nào. Những người tự xưng là Phật tử mà làm cho người hiểu lầm đạo Phật của ta, thì giờ chính chúng ta phải tự xưng, phải tỏ ra “mình là Phật tử” để cải chính lại.
 
     Muốn người ta không hiểu lầm Phật pháp, những người Phật tử phải tự tỏ rõ mình ra. Huống chi so với những người kia, ta còn kém nhiều: họ thành thật và can đảm hơn một cách rõ rệt. Nói rằng họ tự xưng như thế làm cho đạo pháp bị hiểu lầm, bị ẩn khuất, thì ta cũng chẳng khác gì; ta làm cho đạo pháp bị hiểu lầm, bị ẩn khuất vì sự làm thinh, sự che giấu, sự kém thành thật, sự kém can đảm của mình. Lắm khi cử chỉ làm thinh, không tỏ ra “mình là Phật tử” trước mọi người còn tai hại hơn: mọi người sẽ nghĩ rằng đạo Phật có hay gì vì chính những người tín đồ cũng không muốn tỏ ra mình là Phật tử. Hại biết ngần nào?
 
     Riêng đối với các vị Phật tử mê tín và quấy quá, ta phải tìm cách chuyển họ, chứ không được công kích. Là Phật tử mà ta công kích họ thì môi hở răng lạnh, ta công kích họ là ta gián tiếp tự công kích mình, tự gạt bỏ người đồng tín ngưỡng của mình. Họ quấy quá còn hơn những người ngoại đạo. Họ quấy quá nhưng đối với Tam bảo, mỉa mai thay, lắm khi còn trung thành và duy nhất hơn. Vả, xin quý vị nhớ, công kích chỉ trích không thể sửa đổi người mà chỉ gạt người ra khỏi đạo pháp. Huống chi họ không phải là người đáng công kích. Nếu các vị chân chánh mà so sánh với họ thì hoàn cảnh chẳng khác gì những người thành phố sánh với người nhà quê: nhà quê không học thức nhưng tiền và sức của họ xây dựng lên thành phố, người thành phố hưởng của họ lại kiêu hãnh với họ một cách lố bịch.
 
     Chúng ta cũng vậy: xây dựng và duy trì đạo pháp là lực lượng chung mà ta là người phước duyên được hưởng đạo pháp khá, thế thì ta phải cám ơn người kém hơn ta mới phải, sao lại công kích? Cho nên việc ta làm là phải khuyến dẫn họ, một trong những khuyến dẫn ấy là làm sao cho họ “tỏ ra mình là Phật tử” trước mọi người và trong mọi trường hợp. Và cách khuyến dẫn hay nhất là chính ta phải làm như thế trước.
 
    Có những người không “tỏ ra mình là Phật tử” đến nỗi không tụng kinh, ăn chay một cách bộc lộ công nhiên. Có khi họ đến đạo Phật với một thái độ tán thành, thiện cảm. Rồi dừng lại ở đó. Họ không muốn “tỏ ra mình là Phật tử” để cá nhân được rộng rãi hơn: đến với ai cũng được mà không có một tín ngưỡng, một lý tưởng dứt khoát. Điều ấy là điều mà chúng ta, nhất là người trí thức, rất không nên làm, bởi như thế là chúng ta không thành thật với chính mình, thái độ là muốn bắt cá nhiều tay.
 
     Lại có những người Phật tử vin vào giáo lý không phân biệt nên lắm khi không những không “tỏ ra mình là Phật tử” trước những người đối lập với tín ngưỡng mình mà còn nói theo họ, làm với họ nữa. Nhưng tinh thần rộng lớn vô phân biệt là thấy ai khổ cũng cứu, mà cứu bằng cách dùng mọi phương tiện đem Phật pháp đến cho họ. Nói khác đi, là làm sao cho họ cũng thành Phật tử. Trong những trường hợp hợp tác với người đối lập Phật pháp, chúng ta phải xét có thể đi đến mục đích trên, hoặc ít ra có lợi cho Phật pháp, mới được làm.
 
     Còn khi ta là Phật tử mà hợp tác với người đối lập tín ngưỡng mình không vì chuyển hóa họ, không vì lợi ích đạo pháp, mà vì bất cứ một lý do nào, dù là lý do của cá nhân mình đi nữa, cũng hại cả. Cái hại thứ nhất là phạm giới tam quy: không theo thiên thần quỷ vật (ai chủ trương không có Phật pháp cũng là quỷ vật cả), không theo ngoại đạo tà giáo (thỏa mãn cách gì cho loài người mà không làm cho người tín ngưỡng Phật pháp cũng là tà giáo) và không theo tổn hữu ác đảng (ai chủ trương công kích Phật pháp cũng là tổn hữu ác đảng cả). Cái hại thứ hai là làm theo, nói theo những người đối lập tín ngưỡng Phật pháp tức là mình tự khinh thị và làm cho họ khinh thị tín ngưỡng của mình.
 
     Người tự trọng không bao giờ chịu nhục khi tín ngưỡng của mình bị khinh thị. Huống chi mình tự khinh thị tín ngưỡng của mình. Có người nghĩ rằng mình làm với người như thế, người sẽ khen mình quảng đại, không cố chấp, hẹp hòi, mình dũng cảm trước điều dẫu không hợp với Phật pháp. Nhưng khen thế tức là chê đấy: người ta chê sự tín ngưỡng hời hợt của mình, người ta thấy mình dễ lung lạc, tai hại hơn nữa, người ta sẽ thấy mình có thể làm trái tín ngưỡng của mình, làm trái quyền lợi của đạo mình, tức là tín ngưỡng của mình và đạo của mình không đáng gì. Nhưng quả có phải không đáng gì hay không? Chỉ mình không “tỏ ra mình là Phật tử” thì mới không đáng gì mà thôi.
 
     Tôi từng thấy một đạo hữu hòa nhã đưa tượng Phật đeo nơi ngực ra cho một người đối lập với tín ngưỡng mình:
-       Xin lỗi ngài, tôi đã là một Phật tử.
Thế là người kia tỏ ra cử chỉ hiểu biết ngay. Một thanh niên Phật tử khác từ chối hiền hòa một sự nài ép:
-       Tôi là Phật tử, hoạt động không hết những điều lợi người của đạo Phật rồi.
Một người khác không cúng tiền cho một tổ chức từ thiện ngoài tổ chức của đạo Phật:
-       Xin lỗi ngài, chúng tôi đang làm từ thiện trong phạm vi Phật giáo của chúng tôi; chúng tôi là Phật tử.
 
     Chắc các vị sẽ hiềm rằng thế nó hẹp hòi quá. Nhưng không đâu. Trong đạo pháp ta không thiếu một địa hạt nào cho ta hoạt động những điều ích lợi quần chúng. Chỉ e chúng ta không đủ sức làm cho vừa sự đòi hỏi của đạo pháp. Các vị bị người ta công kích là “người Phật tử kém hoạt động những điều có ích”, bị công kích như thế, các vị khó chịu, nhiều vị lại hỏi sao đạo pháp ta kém hoạt động, trong khi đó, các vị đi hoạt động theo người, cho người! Mình không làm cho mình, để bị công kích, trong khi đó đem việc làm của mình đi làm cho người để người công kích. Không những họ công kích, họ còn khinh thị mình theo đuôi họ nữa. Thật là điên đảo!
 
     Thường thấy có nhiều người phàn nàn Phật giáo chúng ta kém tổ chức, kém thế lực, kém rầm rộ. Có lẽ nghĩ thế nên có người không “tỏ ra mình là Phật tử”. Nhưng cái kém trong Phật pháp, cái kém đáng gọi là kém, là không tu hành, không thực hành theo Phật pháp, không thành thật tỏ ra mình là Phật tử. Còn nếu tất cả đều tỏ ra mình là Phật tử, dầu chỉ tỏ ra một cách tương đối thì tự nhiên Phật pháp ích lợi mình người. Tôi chỉ nói sự ích lợi, ích lợi chân thật theo Phật pháp mà thôi. Còn sự thế lực, sự rầm rộ thì có khi không hợp với Phật pháp. Ta hãy tìm nơi Phật pháp những lực lượng lẽ phải, sự rầm rộ ích lợi, còn thế lực và rầm rộ vô ích thì chắc chắn không bao giờ có.
 
     Nói thế là tôi muốn các vị để ý hai thứ lực lượng rầm rộ. Tôi muốn nhắc lời đạo hữu Malalasekera, Hội trưởng TỔNG HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI chúng ta đã nói với chúng ta: “con rắn hổ mang (Cobra) dương oai mà người chết, con rắn hổ đất (Serpent à sonnette) dương oai mà người không hại gì”. Chúng ta chỉ tỏ lực lượng rầm rộ và cần phải tỏ lực lượng rầm rộ, để mà làm việc phải làm của chúng ta, thực hành giáo lý của Phật. Mà muốn vậy thì “tỏ ra mình là Phật tử” cần lắm, cần thiết một cách trực tiếp trong việc ấy.
 
     Trên đây là chúng tôi muốn nói với các vị Phật tử không “tỏ ra mình là Phật tử” vì lý do này hay vì lý do khác. Nhưng ngoài ra, có những người tự coi mình là đạo dòng của đạo Phật, ông bà cha mẹ và thân quyến mình đều là Phật tử, vì vậy mà tự nhiên quá hóa ra vô lý, không “tỏ ra mình là Phật tử” trước mọi người, mọi trường hợp. Những người ấy quả như một người Phật tử Mỹ nói “Phật tử Á đông sống nhờ Phật pháp nhưng lâu ngày họ quên đi, ví như nhờ không khí mà loài người được sống, nhưng ít ai nhớ đến không khí”. Sự nhận xét ấy quả là đúng. Nhưng tại sao ta lại hời hợt với chính sự tín ngưỡng của chúng ta đến nỗi ấy?
 
     Lại có người đáng khen là thường đeo tượng Phật, tượng Bồ tát nơi ngực, nhưng không chào hỏi nhau. Phật tử chúng ta đáng lý phải giúp nhau, đồng vui đồng khổ với nhau, nhưng không được thế thì ít ra là cũng chào hỏi vui vẻ với nhau. Khi gặp nhau giữa đường, trong chợ hay nơi hội họp, chỗ công cộng, bất cứ ở đâu, chúng ta củng phải chào nhau, hỏi nhau, tỏ tình thân ái với nhau. Và chính điều ấy là “tỏ ra mình là Phật tử” và tỏ ra, hơn nữa, gây ra “lực lượng của Phật tử” chúng ta vậy.
 
                                      *
 
Biết sự “tỏ ra mình là Phật tử” là cần thiết rồi, vậy mong toàn thể các vị Phật tử tại gia hãy chú ý mấy điều tối thiểu sau đây:
 
-       Thường đeo tượng Phật.
-       Thường chào hỏi các thầy và chào hỏi nhau.
-       Thẳng thắn tỏ ra mình là Phật tử trong mọi trường hợp.
-       Không nói và làm theo người đối lập với đạo pháp của mình khi thấy sự nói và việc làm ấy không chuyển hóa được họ, không lợi cho danh dự và quyền lợi của đạo pháp mình tôn thờ.
-       Tự mình và khuyên cả nhà ăn chay mỗi tháng hai ngày rằm và mồng một.
-       Tự mình và toàn gia hãy niệm Phật to tiếng (niệm to) mỗi tối trước khi đi ngủ. Đọc được bài Sám hối càng tốt. Hãy ngồi trên giường ngủ mà niệm và đọc.
-       Mỗi tháng đến chùa hay Niệm Phật đường ít nhất một lần.
 
Không cần nói người xưa, hiện bây giờ đây vẫn có những người Phật tử uống thuốc độc để “tỏ ra mình là Phật tử”, có những em Phật tử quyết liệt “tỏ ra mình là Phật tử” trước sự thù ghét, dọa nạt. Có những đạo hữu và những em Phật tử tin tưởng ở Phật, tin lý nhân quả, thản nhiên thờ Phật, tụng kinh, ăn chay như thường ở những nơi thôn dã bây giờ, bao bọc chung quanh họ đầy sự đe dọa trực tiếp đến tánh mạng.
 
Đức Phật vô thượng, Phật pháp vô thượng, được vinh dự làm Phật tử, ta hãy “tỏ ra mình là Phật tử” để xứng đáng với vinh dự ấy.
 
 
Trí quang
8.5.2495 (1951)
(Trích Tâm ảnh lục, tập 2, in lại trong Tâm ảnh lục  2009, trang 400-415)

Cây rau tía tô trị cảm cúm

 Mấy năm trước có lần CN bị  cảm nặng sau đó chuyển qua  ho  liên tục mấy tháng khg hết ,uống thuốc ho 2 ,3 chai bự luôn cũng khg hết ,đi bác sĩ cũng khg hết .....sau đó vì ăn chay nên CN rất thích ăn rau ,cải rất nhiều.....rồi khg biết ai khiến ???? ra ngoài vườn cắt cả đống rau vô ăn ,ăn 2 ngày  sau đó tự nhiên hết ho...và lúc đó cũng khg biết mình ăn trúng rau gì mà hết ho......đến hôm nay mới biết là rau tía tô....loại rau này có thể mọc theo kẻ xi măng ,mọc như cỏ dại vậy.....khg ngờ lại là cây thuốc trị bệnh rất hay nhưng CN khg thích  ăn rau này chút nào....
mỗi lần thấy rau này mọc trong vườn là CN nhổ bỏ hết vì nó sẽ lấn  qua mấy rau khác ...nhưng năm nay phaỉ xin về trồng mới được,có nhiều thì bẻ làm thuốc để dành cho mùa Đông.....





TVĐĐ - 09/08/2010


Tía tô là loại cây rau gia vị rất thông dụng ở nước ta, lá dùng để nấu canh hoặc ăn sống, hạt thì nghiền ra nấu cháo ăn cũng rất tốt...



Tác dụng của tía tô



Tía tô là loại cây rau gia vị rất thông dụng ở nước ta, lá dùng để nấu canh hoặc ăn sống, hạt thì nghiền ra nấu cháo ăn cũng rất tốt. Ngoài việc dùng để ăn, lá và hạt tía tô đều là những vị thuốc phổ biến trong Đông y. Lá tía tô vị cay, tính ấm có tác dụng hạ khí, tiêu đờm dùng chữa cảm cúm không ra mồ hôi và ho tức ngực, nôn đầy bụng. Hạt tía tô dùng chữa các bệnh ho, suyễn, táo bón và mộng tinh.









Các bài thuốc từ tía tô



Trị cảm cúm, ho nặng:



- Nếu bị chứng cảm cúm nhưng mồ hôi không ra, lại ho đến tức ngực thì nấu cháo múc ra 1 bát còn nóng nguyên rồi trộn đều vào 10 - 12g lá tía tô đã rửa sạch thái nhỏ cho người bệnh ăn, sau đó trùm kín chăn cho toát mồ hôi ra thì khỏi.



- Lấy 20g lá tía tô tươi rửa sạch, giã thật nát cho thêm nước sôi vào rồi chắt gạn lấy khoảng 100ml nước trong, uống rất công hiệu.



Trị chứng đầy bụng bí tiểu:



- Nếu như bị chứng tiểu tiện không thông, bụng dưới đầy trướng thì lấy khoảng 2kg cả cây (cành, lá, hoa, hạt) cho vào nấu sôi, xông vào phần bụng dưới thấy nguội thì đổ thêm nước sôi, sau đó dùng vải bọc muối rang nóng chườm vào những chỗ trướng cứng và rốn thì sẽ thông tiểu ngay, đầy trướng cũng xẹp dần xuống.



- Nếu thấy tự nhiên bụng đầy trướng rất đau (đau quặng) thì lấy khoảng 1 nắm lá tía tô giã nát, rồi gạn lấy nước hòa thêm vào một ít muối uống hết 1 lần. Nếu thấy bị nôn và đi tiêu chảy là hết đau trướng.



Trị chứng táo bón:



Người cao tuổi và người suy yếu mà bị chứng táo bón thì lấy hạt tía tô và hạt hẹ, mỗi thứ khoảng 15g, cho cả hai thứ vào giã nhỏ, chế thêm vào 1 bát nước, khuấy đều lên rồi chắt lọc lấy nước cốt nấu cháo ăn rất công hiệu.



Trị các chứng thổ huyết: Nếu bị các chứng ho ra máu, nôn ra máu… thì dùng lá tía tô và hạt hẹ, mỗi thứ khoảng 15g, cho cả hai thứ vào giã nhỏ chế vào thêm 1 bát nước khuấy đều lên rồi chắt lọc lấy nước cô thành cao. Lấy đậu đỏ sao chín lên, tán thành bột mịn rồi trộn thật đều với cao, viên lại thành viên cỡ bằng hạt ngô. Uống thường xuyên mỗi ngày từ 20 - 40 viên, rất công hiệu.



Trị chứng hen suyễn: Người bị hen suyễn do bị yếu phổi (chủ yếu thấy ở người cao tuổi) thì lấy khoảng 50g hạt tía tô, sao qua, tán thành bột mịn rồi đổ nước vào gạn lấy nước cốt (1 bát nước) đem nấu cháo với gạo tẻ, ăn vào lúc đói rất công hiệu.



Trị chứng dương vật bị lở: Nếu trẻ nhỏ bị chứng lở dương vật nước mủ chảy ra thì phải lập tức lấy 1 nắm lá tía tô rửa bằng nước muối rồi giã nát đắp rịt vào chỗ đau, rất hiệu nghiệm.



Lưu ý: không ăn cá chép chung với tía tô, dễ bị sinh độc thành mụn nhọt.







Theo SK&ĐS



http://thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=2902

Thiền và tình yêu

TVĐĐ - 03/06/2011


"Khi bạn là bạn, Thiền là Thiền, toàn thế giới này đều đang yêu." - Eshin



Đã bao giờ bạn chú ý và nghĩ về… cách cởi giày của mình chưa? Và bạn chỉ quăng nó sang một bên sau khi đã giải phóng đôi chân? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn để ý đến việc làm hằng ngày này?



Theo những nguyên tắc của Thiền, bài tập đơn giản về việc chú ý đến cách xử sự - chẳng hạn như việc cởi giày ở trên - có thể dạy cho bạn những điều quan trọng về chính bản thân bạn, và lần lượt đem lại cho bạn đời sống phong phú hơn, trọn vẹn hơn. Đó là do Thiền giúp khơi mở trái tim của bạn, xóa đi những vụn vặt trong tâm trí, đưa bạn trở về với thực tại và với chính bạn. Đấy cũng là những bí ẩn của tình yêu.



Hãy tìm kiếm ở ngay người bên cạnh/ gần gũi với bạn



Hoàn toàn bình thường khi những người còn độc thân dành nhiều thời gian để tìm kiếm, tìm kiếm “đúng người” trong mộng của họ. Thiền đề nghị rằng chúng ta nên ngưng việc chạy quanh ấy đi, thay bằng việc nhận ra những gì ở ngay trước mắt chúng ta.



Hãy biết tìm kiếm và nhận thức những gì tốt đẹp ở người bên cạnh hoặc gần gũi với bạn. Đó có thể là một người bạn, một người có thể trở thành bạn trong tương lai hay hơn thế, và lưu ý đến cách bạn đã phớt lờ họ trước đây. Ngừng những hành động đó lại. Hãy cho phép hai bạn đến với nhau bất kể hình thức nào miễn đó thật sự là bạn. Chấp nhận mọi điều thuộc về mối quan hệ như bản thân nó phải thế.









Hãy làm điều tương tự này với bất cứ ai. Song không có nghĩa rằng bạn phải tính đến chuyện trăm năm với tất cả những ai bước vào cuộc đời của bạn. Nó chỉ là bài tập nhằm đánh giá xem bạn thường "bỏ quên" những người “đã có mặt” như thế nào chỉ vì bạn quá bận rộn chờ đợi “người trong mộng” xuất hiện. Nhưng khả năng “đúng mẫu” của bạn với mọi người càng nhiều, bạn càng có thể khai mở ra những khả năng rất thực trong hiện tại.



Ngưng đùa nghịch với tình yêu



Có nhiều người than phiền rằng họ không được yêu. Lý giải cho vấn đề này khá giản đơn. Đó là do họ bận bịu quá thể trong các vai diễn của mình khiến những ai có khả năng là bạn đời tương lai không thể nào biết được thực sự thì họ là ai.



Bạn đóng vai trò nào hay chọn trò chơi nào trong mối quan hệ của mình? Và đâu là những vai mà bạn mong đợi người khác thừa nhận? Bạn có thể đóng tròn vai đó, nhưng một câu hỏi đặt ra là: Bạn yêu một người chỉ vì họ là họ, hay vì những vai họ đang vào? Nếu bạn không chắc lắm về câu trả lời, hãy thử đổi vai xem. Hãy thử nghiệm với người nào đó đóng một vai mà bạn không quen và chú ý đến cảm nhận của bạn về điều này.



Mục đích là cảm nhận sự khác biệt giữa việc là con người thực và con người khi đã khoác lên một hoặc nhiều vai diễn. Sau cùng, câu trả lời bạn tìm thấy là có thể cởi bỏ những mặt nạ hay lớp áo khoác bên ngoài để trở về với con người thực đơn giản của mình - một trạng thái của Thiền. Đừng quên rằng con người thực của bạn luôn luôn đáng yêu và xinh đẹp nhất. Và đó là vai mà bạn cần diễn trọn.



Hãy thôi níu kéo



Một trở ngại lớn cho đời sống tình yêu là xu hướng bám chặt. Chúng ta ghì lấy, đeo chặt lấy người chúng ta gọi là yêu khiến ngăn cản sự thăng hoa tự do của bản chất tình yêu. Thiền khuyên chúng ta nên thôi hành động níu kéo ấy.



Khi một ai đó bước vào cuộc đời bạn, hãy chào đón bất kể họ là ai. Sống trọn vẹn với những gì họ mang đến, dù cho nó có ngắn ngủi.



Và đến lúc họ phải ra đi, hãy để họ được tự nhiên với lựa chọn đó. Đừng biến việc ra đi của ai đó thành tự ti, cay đắng về việc bị ruồng bỏ, mất mát hay ngăn cản. Hãy học cách nhận thức rằng đó chỉ là đã đến lúc họ phải ra đi, thế thôi. Hãy cùng áp dụng điều này với bản thân bạn. Hãy đến và đi thoải mái, đừng để bị trì níu bởi những xiềng xích không cần thiết. Bạn càng an nhiên tự tại bao nhiêu với bản thân và người khác, tình yêu càng dễ tìm đến với bạn bấy nhiêu.



Đặt hành lý của bạn xuống



Không ít người cho rằng tình yêu là không thể cho đến khi nào mọi mong muốn đều được thỏa mãn. Tuy vậy, cũng chính những người này không thôi sửng sốt khi nhận thấy rằng mọi mong muốn đó không hề đảm bảo sự hạnh phúc. Mà trái lại, chúng còn là trở ngại cho tình yêu trong trắng tinh khôi.



Những "phải có" đối với mối quan hệ của bạn là gì? Nếu bạn không chắc, hãy viết xuống thành một danh sách và để ý kỹ nó. Bạn sẽ thấy rằng những hành lý kiểu này chỉ khiến các cơ hội trôi tuột khỏi tầm tay mà thôi. Chúng cũng khiến bạn cảm thấy sợ hãi, cứng nhắc và sập cửa lại với những gì lẽ ra bạn đã có.



Hãy thử cố gắng rút bớt một trong những yêu sách hay mong muốn ấy trong một ngày. Và ghi nhận cảm giác của bạn như thế nào khi không có nó. Tiếp đó lặp lại một ngày khác. Cho đến khi bạn đã "kiêng khem" nhiều lần, bạn sẽ thấy rằng điều bạn từng nghĩ hết sức quan trọng trong đời hóa ra cũng đâu có gì ghê gớm lắm, bằng chứng là bạn vẫn sống khỏe đấy thôi. Bạn càng lặp đi lặp lại hành động xén bớt này nhiều bao nhiêu, hạnh phúc và sự sáng suốt nhận được càng nhiều bấy nhiêu.



Cho đi



Cho đi và nhận về là cốt lõi của mọi mối quan hệ. Khi bạn đang yêu, điều này chẳng bao giờ gợn lên thắc mắc nào. Chúng ta dành tặng nhau một cách tự nhiên và hạnh phúc với bất cứ gì nhận lại. Nếu bạn muốn mở ra cánh cửa tình yêu, hãy bắt đầu bằng việc cho đi một cách tự nguyện.



Vậy bạn cần phải cho đi những món quà nào? Và mong đợi nhận lại được những gì? Hãy suy nghĩ về những gì bạn có thể cho đi, và bắt tay vào hành động. Hãy làm điều này mỗi ngày. Nó không bắt buộc phải cực kỳ đắt tiền hay bắt mắt, hay thuộc về vật chất, chỉ cần những gì có thể dành tặng cho cuộc sống thường nhật của người bạn yêu. Bạn cũng có thể thực hành bài tập này với những người khác. Thiền khuyên rằng chúng ta không nên gióng trống thổi kèn hay mong đợi sẽ được đền đáp trong hành động cho đi cao quý này; chỉ nên thầm lặng.



Hãy làm điều này với bạn luôn nhé! Dành ra thời gian tìm hiểu xem bạn thích nhận được món quà nào. Một vài ví dụ đơn giản như đi dạo trong công viên, dành thời gian chăm sóc người bạn yêu thương.



Làm bạn với bản thân



Nhiều người than rằng họ cảm thấy cô đơn ngay có khi đã có người bạn đời bên cạnh. Đơn giản chỉ vì họ chưa thật sự làm bạn với chính họ. Theo Thiền, một khi bạn đã sống hòa hợp với chính mình và trân trọng con người thực của bạn, không lý gì bạn có thể thấy cô đơn được nữa.



Hãy học cách làm bạn với chính mình. Dành ra thời gian để nhận thức con người thực của bạn. Chấp nhận mọi phần thuộc về bạn. Ngừng việc phán xét và chối bỏ những gì đang diễn ra bên trong. Kiên định và hướng cái nhìn vào nội tâm.



Hãy bắt đầu bằng bài tập này. Chú ý đến hơi thở của bạn và để ý những gì đang diễn ra. Hãy để nó diễn ra. Chấp nhận nó và quay lại với việc thở. Nên hiểu rằng, hơi thở tiếp nối hơi thở, bên dưới những la hét ồn ào, bạn trở nên hoàn thiện khi là chính mình.



Hãy khiến những thay đổi tích cực trong cuộc đời của bạn và trong các mối quan hệ của bạn có thể bắt đầu với một việc hết sức đơn giản là cởi giày.





Bùi Nguyễn Quí Anh - TTO

Theo Dr.Brenda Shoshanna