Wednesday, April 13, 2011

Đố kỵ

Bài Viết - Tùy Bút - Bài viết


Written by Nguyễn Tam Hà

Gần nhà tôi có ngôi chùa cổ. Chùa nhỏ, dân nghèo nên chỉ có một sư trụ trì mà thôi. Nghe nói trước đây sư tu ở một ngôi chùa to nhất, nhì nước, tiếng tăm, đức độ của sư lan tỏa thập phương, nhưng rồi không rõ nguyên do gì mà sư được điều về trụ trì ngôi chùa hẻo lánh ở làng tôi.





Tôi không ăn chay niệm Phật, nhưng thỉnh thoảng có chuyện vui, chuyện buồn tôi vẫn thường ra hưởng ly nước vối nhà chùa và đàm đạo chuyện đời với sư…







Có lần tôi hỏi sư: “Đang ở chùa lớn, ở nơi đô hội nườm nượp người vào ra, giờ về trụ trì chùa vắng này, sư có buồn không?”. “Có! - giọng sư vẫn đều đều - nhưng mọi sự ở đời, đừng ngồi mà nhâm nhi nỗi buồn, vì càng buồn thì nỗi buồn lại càng lớn hơn, vạn vật đều thay đổi từng giây, từng sát-na một. Điều quan trọng là mình làm được điều gì có ích nhất trong điều kiện hiện tại”. Buồn thế sao sư lại về đây? Đáp: Vì sự đố kỵ, nhưng không phải để tránh sự đố kỵ! Chẳng lẽ nhà chùa cũng có sự đố kỵ sao? Giọng sư vẫn điềm nhiên: Không ở đâu là không có sự đố kỵ. Nhiều người đi tu nhưng Phật có cho gọi hết họ đến bên mình đâu!



Hôm đó, câu chuyện của chúng tôi miên man về sự đố kỵ. Và nhà sư như là người đã dẫn dắt cho tôi vượt thoát được khỏi sự đố kỵ của chính mình và của người khác dành cho mình…



Chẳng ai thích mình bị người khác đố kỵ, nói xấu cả. Vì vậy, khi bị người khác đố kỵ, nói xấu thì phản ứng đầu tiên là trách cứ, giận dữ. Người nhuần tính thì không thèm nhìn “cái mặt không chơi được” của kẻ đố kỵ. Người nóng tính, nông nổi có khi còn vác nắm đấm đi, làm cho ra ngô ra khoai. Cả người nhuần tính và nóng tính sau đó thường đi than thở, thanh minh với người này người khác. Lời xấu đã nói ra như vệt dầu loang trên biển, càng cố vớt, sóng càng đánh tản ra, càng loang. Kết cục là tự mình làm mình hao tâm tổn lực, mua thêm sự bực bội vào lòng, vò đầu bứt tai ấm ức, suốt ngày chỉ đi than thở và có thể nói xấu lại người đã nói xấu mình. Nếu sự việc cứ tiến triển như thế, thường xuyên sống mà phải để ý như thế thì khổ lắm, chẳng còn làm được việc gì mà nhan sắc ngày càng héo hon ủ dột, tài năng ngày càng sa sút vì không còn bụng dạ nào để mà chú tâm sáng tạo và chú tâm chăm bản thân.



Trong đời người chắc ít có ai không một vài lần bị người khác đố kỵ, ganh ghét, nói xấu nhưng không phải ai khi bị đố kỵ, ganh ghét… cũng đều mặt ủ, mày chau, sa sút tài năng, nhan sắc tàn tạ. Có người càng bị đố kỵ họ càng thăng tiến, càng chứng tỏ bản lĩnh và tài năng của mình. Những người như thế thường là người có bản lĩnh, hiểu đời, hiểu người và nhất là hiểu mình. Người đó biết mình đang ở một tư thế mà người khác phải ghen tỵ, đố kỵ. Điều đó có thể làm cho họ buồn, nhưng cũng có nghĩa là họ càng vững vàng tin vào vị thế của mình. Chỉ có những người có vị thế mới hay bị đố kỵ. Khi bị đố kỵ, họ có dịp để xem lại mình và để phấn đấu. Họ như không để ý đến những điều tiếng xung quanh mà miệt mài sáng tạo, miệt mài đi đến cái đích mà họ đã chọn. Càng bị đố kỵ, họ càng phấn đấu để chứng tỏ tài năng và vị thế của mình. Khi đã chứng minh được cho một lớp người biết thực tài của mình, tất yếu sẽ sinh ra một lớp người đố kỵ mới, lớp người đố kỵ tầm cao hơn và họ lại tiếp tục phấn đấu và chứng minh. Họ là người được lợi từ những lời đố kỵ.



Còn người đi đố kỵ là những người luôn có tâm địa hẹp hòi, thiển cận, không tự biết mình biết người, không chịu phấn đấu, suốt ngày đâm bị thóc, chọc bị gạo, bới móc những chuyện đâu đâu, chính lại là những người luôn luôn tụt hậu. Khi đi đố kỵ với người khác là chứng tỏ mình bắt đầu, hay đã cảm thấy thua người khác. Mà càng tụt hậu, càng thấp kém lại càng hay đố kỵ.



Nguyễn Tam Hà (QĐND)



Nguồn: giacngo.vn



Tuesday, April 12, 2011

Lý nhân duyên sanh

Trung Thiện


Lý nhân duyên sanh

I. Định nghĩa:



Nhân : Những gì có năng lực phát sanh. Yếu tố chính của sự phát sanh.

Duyên: Những sự giúp đỡ phụ thuộc cho nhân phát sanh.







II. Định lý Nhân Duyên:



Mọi vật hình thành do kết quả của sự tác dụng giữa nhân và duyên. Ví dụ: Cái bàn thì đưọc tạo thành do gỗ là yếu tố chính (Nhân) và công làm là yếu tố phụ (Duyên).



Ngôi chùa được tạo thành do gạch, xi-măng, gỗ, đinh v.v. là yếu tố chính (Nhân) và công xây cất là yếu tố phụ (Duyên).







III. Những đặc điểm của Lý Nhân Duyên:



Tất cả sự hiện hữu trong vũ trụ đều có thể giải thích trong Lý Nhân Duyên .



Lý Nhân Duyên chi phối tất cả: Tất cả các sự vật khác nhau (hình tướng, tánh tướng, thể tính, khí tính, v.v...) đều do nhiều Nhân-Duyên khác nhau mà hình thành. Không một vật gì hình thành ngoài sự hội hợp của Nhân Duyên.



Lý Nhân Duyên là một sự thật. Đức Phật chỉ là người nêu ra sự thật ấy.







IV. Áp dụng Lý Nhân Duyên vào đời sống hàng ngày:



Lý Nhân Duyên cho chúng ta rõ mọi sự vật đều do nhân duyên tụ hội mà thành. Khi nhân duyên thay đổi thì sự vật ấy cũng thay đổi; cho nên chúng ta đừng quá nâng chiều sự vật ấy vì một ngày nào đó nó cũng sẽ thay đổi khi nhân duyên tan rã. Không nên quá vui khi có nó và cũng đừng buồn khi mất nó. Đừng để sự vui buồn của chúng ta lệ thuộc vào những thứ tạm có đó.



Lý Nhân Duyên cho chúng ta rõ mọi vật khác nhau đều do nhiều nhân duyên khác nhau tạo thành. Không nên buồn khi gặp những gì mình không thích và cũng đừng quá vui khi gặp những gì vừa ý. Vì làm như thế, dù trước hay sau mình cũng phải có một lần buồn vì được nó hoặc mất nó.



Lý Nhân Duyên cho chúng ta hiểu rằng mình hãy bình thản sống với những gì mình có. Đừng vì đua đòi những thứ tạm có ấy để rồi làm khổ cuộc đời mình.



Lý Nhân Duyên cho chúng ta thấy rằng: Không có một vật gì tự nhiên mà có, và không một nhân nào có thể phát sanh khi không có những duyên phụ. Vì thế, con người và các sự vật có đều do nhiều nhân duyên tạo thành chứ không phải do một vị Thượng Đế nào sáng tạo ra.



Lý Nhân Duyên cũng cho chúng ta thấy rằng tương lai của chúng ta nằm trong tay chúng ta. Chúng ta muốn đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, vui hay buồn đều do những nhân duyên tự bản thân ta tạo ra.







V. Kết Luận



Mọi sự vật hình thành khác nhau đều do nhiều nhân duyên khác nhau tụ hợp mà sanh ra.



Chính vì nhân duyên biến đổi không ngừng nên không có vật gì có thể tồn tại mãi mãi được. Hiểu được như vậy, chúng ta không nên quá vui hoặc quá buồn khi được nó cũng như khi mất nó. Trái lại, hiểu được như vậy sẽ giúp bản thân chúng ta sống an vui, hạnh phúc.


http://gdptvnac.net/tai-lieu/thieu-nien/trung-thien-03.html

Lý nhân duyên

Phúc Trung




I.- Định nghĩa : Nhân là phần chính có năng lực phát sanh, Duyên là phần phụ để hổ trợ cho nhân phát sanh ra sự vật. Nhân duyên là một định lý, theo đó mọi sự vật trong vũ trụ đều có nhân duyên phối hợp với nhau mà thành, khi nhân duyên đã hết sự vật ấy sẽ không còn.



II.- Thí dụ : Hạt đậu là nhân, phải có người gieo trồng, có đất, nước, không khí, tia nắng mặt trời là những phần phụ, chúng hòa hợp lại, làm cho hạt đậu nẩy mầm, ra lá, lớn lên rồi đơm bông, kết trái. Như cái chén ta dùng để ăn cơm, đất là nhân, người thợ, khuôn, nước, lửa nung là phần phụ phối hợp với nhau làm thành cái chén.



III.- Những đặc điểm của lý nhân duyên : Nhân duyên là một định lý hiện thực, nêu rõ mọi sự vật được hình thành đều do nhân duyên phối hợp mà sanh ra, cho nên Lý nhân duyên chi phối tất cả sự vật.



IV.- Sự ứng dụng của lý nhân duyên : Chúng ta cần phải hiểu rõ lý Nhân duyên để thấy được sự thật của cuộc đời, nhờ đó nó giúp cho chúng ta tu học ngày càng tinh tấn hơn, nhất là trong các trường hợp :



1) Lý nhân duyên cho chúng ta biết, mọi sự vật ( pháp ) do nhân duyên phối hợp chớ không phải sự vật có thật mà nhân duyên cũng chỉ là sự vật, chúng cũng do sự hòa hợp mà thành chớ không có thật.



2) Lý nhân duyên nêu rõ sự tương quan của các sự vật, sự vật hình thành nhờ sự tương hợp giữa các pháp. Trong các nhân duyên hoà hợp thành sự vật, nếu nhân hay một duyên trong sự vật thay đổi thì sự vật ấy thay đổi, ví dụ nếu ta lấy gỗ làm bàn, ta có cái bàn gỗ, nếu ta lấy sắt làm bàn ta có bàn sắt, còn cũng thời bàn gỗ, nếu gỗ ta lớn, ta đóng thành bàn lớn, nếy gỗ ta nhỏ, ta đóng thành bàn nhỏ mà thôi.



3) Lý nhân duyên cho chúng ta thấy sự vật do nhân duyên phối hợp tạo thành nhất thời chớ không phải tự nhiên có mà cũng không do một đấng quyền lực nào tạo ra.



4) Lý nhân duyên cũng cho chúng ta biết rằng khi nhân đã có mà không có đủ duyên thì sự vật cũng không thể hình thành được. Ví dụ chúng ta có gạo, có nước, có củi, có nồi chúng ta muốn có cơm ăn mà không có lửa thì chúng ta cũng không thể nấu cơm, lại nữa, chúng ta có gạo, có nước, có củi, có lửa mà không có nồi cũng không thể nấu cơm mà ăn. Lý nhân duyên nầy cũng để chúng ta tự chủ đời của mình, nó tốt, xấu, giàu, nghèo đều là những nhân duyên do chúng ta tạo tác nên.



5) Lý nhân duyên giải thích cho chúng ta biết vì sao người làm việc nầy thành tựu nhanh, ta cũng làm việc ấy mà thành tựu chậm, chẳng hạn như hai người cùng tu pháp môn như nhau mà người thành tựu kẻ lại chưa kết quả ! Có người tu sao suông sẻ, mình tu lại có lắm trở duyên ! Tất cả do nhân duyên, đầy đủ thì thành mà chưa đủ nên còn chậm đó thôi. Tại sao anh B thích tu với Thiền sư Nhất Hạnh, chị B thích tu với Thiền sư Thanh Từ, cô A thích tu với Ni sư Huệ Giác theo pháp môn Niệm Phật, đó cũng do nhân duyên thầy trò. Xưa Tế Công Hòa Thượng muốn cứu độ cho một người mà không thể độ được, vì người đó không chịu làm theo, ngài buộc miệng than : " Vô duyên bất năng độ " .



V.- Kết Luận : Lý nhân duyên cho chúng ta thấy mọi sự vật hòa hợp với nhau mà thành, khi nhân duyên không còn đủ chúng tự nhiên thay đổi hay tan rã, sự vật đều không tự nhiên có nên không có thật, hiểu được như thế chúng ta sẽ dễ dàng tu học, dễ dàng thực hành hạnh bố thí, nhìn đời là một tuồng huyễn hóa, tan hợp đều do nhân duyên. Nhờ đó tích cực tạo cho mình một đời sống an lạc, tự tại và giải thoát.



Ghi chú : Pháp Dharma ( Phạn ngữ ) : Bất cứ việc chi dầu nhỏ, dầu lớn, hữu hình hay vô hình, tốt hoặc xấu, hữu vi hay vô vi, chơn thật hay hư vọng đều có thể gọi là PHÁP.



Sách tham khảo :



Minh-châu Thiên-Ân Chơn-Trí Đức-Tâm Phật Pháp Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Sàigòn, 1951.