Tu tập là cày bừa và vun bón đất tâm.
Tu học là điều phục tâm.
Trước khi ta tu, tâm ta là mảnh đất hoang vu đầy gai gốc. Nên ta tạo nhiều đau khổ cho chính ta và cho người xung quanh.Bụt đã từng nói:”Này các vị khất sĩ! Không có một sự vật nào khi không được điều phục mà có thể mang lại nhiều đau khổ như tâm ta. Này các vị khất sĩ! Không có vật nào khi ta đã điều phục và chế ngự được có thể mang lại nhiều hạnh phúc như tâm ta”. Vì vậy tu học là điều phục tâm. Làm việc với tâm. Tâm ta cũng như mảnh đất chứa đầy hạt giống. Có những hạt giống gai gốc, tham giận, si mê, ganh tị, kiêu căng... Nhưng cũng có những hạt giống hạnh phúc, tha thứ, thương yêu, giác ngộ , giải thoát... Tu học là phân biệt được. Để chuyển hóa những hạt giống xấu. Tưới tẩm những hạt giống tốt.
Khi ta chưa tu, đất tâm ta rất cứng. Ta không làm gì được với mảnh đất ấy. Trước tiên ta phải cày đất. Lưỡi cày là Chánh Niệm. Cày đất tâm là thực tập Chánh Niệm hằng ngày. Khi nấu cơm, giặt áo, quét nhà, nghe chuông... là những lúc ta cày mảnh đất tâm của chính mình. Ta cày ruộng tâm lên để tất cả gai gốc, rễ cây...trồi lên mặt đất. Ta sẽ nhặt, quăng vào một đống và đốt chúng đi. Tu hành cũng như làm ruộng vậy.
Thời Bụt còn tại thế. Có một hôm, Bụt và các vị khất sĩ đi khất thực. Hôm ấy là vào đầu mùa xuân. Các nhà nông đưa trâu ra cày ruộng. Có một vị trưởng giả Bà La Môn đem 500 lưỡi cày, 500 con trâu và rất nhiều lực điền ra cày ruộng. Khi giáo đoàn của Bụt đi ngang qua khất thực. Ông Bà La Môn ấy đã chỉ trích:
- Chúng tôi làm ruộng, có đất, có hạt giống, có cày , có bò. Chúng tôi cày ruộng, bừa ruộng, gieo hạt, cấy mạ, vun bón. Rồi mới ăn. Các ông không có đất, không cày , không bừa, không tưới. Không làm gì hết mà cũng đòi ăn. Là nghĩa làm sao?
Bụt mỉm cười nói:
- Thưa ông, có chứ! Chúng tôi có đất, có hạt giống, có cày bừa, có trâu bò. Chúng tôi gieo hạt, chăm sóc. Và chúng tôi ăn.
Ông Bà La Môn nói:
- Thầy nói vậy làm sao chúng tôi tin được. Đất của Thầy đâu? Bò, cày của Thầy đâu mà Thầy dám nói mình là người cày ruộng?
Bụt liền đọc một bài kệ như sau:
Đúc Tin là hạt giống.
Công Phu mưa phải thời.
Chánh Niệm là lưỡi cày.
Tinh Tấn là sức kéo.
Cán cày là Trí Tuệ.
Dây cột là Ý Căn.
Rễ ách nạn nhổ lên.
Quả Niết Bàn thu hoạch.
Như vậy tâm ta là đất ruộng. Những hạt giống ta gieo trên đất ấy là Đức Tin. Đức Tin nơi pháp môn của Bụt. Nơi giáo pháp và nơi Tăng Đoàn. Hạt giống và đất tâm là vốn liếng của người làm ruộng tâm. Tu hành cũng giống làm ruộng. Khi tu tập, ta biết tâm mình là ruộng đất. Chánh Pháp là những hạt giống tốt. Chánh Niệm là lưỡi cày để khai phá đất. Chúng ta phải vun bón, chăm sóc thì mới có mà thu hoạch. Thu hoạch trí tuệ là sự hiểu biết. Thu hoạch tình thương là lòng Từ Bi. Có Trí Tuệ, có Từ Bi là có vững chãi, thảnh thơi. Đó là hai đặc tính của Niết Bàn.
Tâm ta được chia làm 2 phần. Phần dưới là Tàng Thức. Phần trên là Ý Thức. Tàng Thức là đất và hạt giống. Những hạt giống ở dưới Tàng Thức có thể cho ra hoa trái ở trên Ý Thức. Người làm ruộng phải làm với đất. Người tu phải làm việc với Tàng Thức. Nếu chỉ làm việc với Ý Thức, ta không thành công. Vì Ý Thức là người làm ruộng. Còn Tàng Thức mới là đất. Tất cả hạt giống đếu nằm trong Tàng Thức. Chính Tàng Thức mới cống hiến được hoa trái của hiểu biết, thương yêu và giác ngộ. Vì thế, nếu chúng ta không tu tập, thì đất tâm sẽ trồi lên những quả khổ đau, giận hờn, vô minh, kỳ thị...
Hạt giống ở Tàng Thức có đủ loại. Tốt và xấu. Hạt giống của Bụt và hạt giống của ma. Hạt giống hạnh phúc có mặt, mà hạt giống khổ đau cũng có mặt. Tâm ta không được điều phục. Không được uốn nắn. Không được bảo hộ. Thì sẽ gây đau khổ,không thể nào tạo hạnh phúc cho mình và cho người. Tâm ta có khi cứng ngắc. Cố chấp đủ thứ. Dù có người muốn giúp. Có nói cho ta một điều gì đó. Nhưng ta vẫn trơ trơ. Không hề lay chuyển. Khi ta giận, ta buồn. Thất bại ê chề. Ta muốn trốn tránh xã hội loài người. Thì ta phải biết tâm ta đang là mảnh đất hoang. Bụt dạy rằng:”Tâm không tu tập sẽ đem lại rất nhiều đau khổ cho mình và cho người. Tâm được tu tập sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và cho người”. Vì vậy, công việc của người tu hành là mỗi ngày cày cấy mảnh đất tâm của mình. Khi ngồi thiền, thiền hành, nghe chuông, thở, nấu cơm , ăn cơm... là ta đang cày xới mảnh đất tâm. Cái tâm của ta phải được tu. Đừng để đất hoang.
Ý Thức là phòng khách. Tàng Thức là kho chứa. Khi kho chứa đầy khổ đau, thì khổ đau sẽ đẩy cửa vào ngồi chễm chệ trong phòng khách của ta. Nếu không tu tập, ta không có khả năng đuổi chúng đi. Không có khả năng chuyển hóa chúng.
Ý Thức là người làm vườn. Người làm vườn phải biết điều phục khu vườn. Phải biết cày bừa, nhổ cỏ dại, chọn hạt giống, tưới tẩm, vun bón. Thì mới có hoa trái của hạnh phúc, thương yêu và giác ngộ.
Trích lược tác phẩm :” HẠNH PHÚC – Mộng và thực”
Tác giả: Thiền Sư THÍCH NHẤT HẠNH