Sunday, November 13, 2011

ĐỨC PHẬT HẠNH PHÚC

1_2009091812045816y1NP

Ngài có một nụ cười dễ thương, một cõi lòng thánh thiện. Ngài là hiện thân mùa xuân.

Mỉm cười hay được mỉm cười là hạnh phúc. Vô lo và xả ly triền phược – nét mặt Ngài hiện rõ điều đó. Chiếc túi vải của Ngài mang nhiều sự nhiệm mầu. Chiếc túi vải chứa đựng một niềm hạnh phúc tuyệt vời: xa rời phiền não trong niềm hân hoan vô biên.
Xuân về. Đến một ngôi chùa, ta thường bắt gặp Ngài. Nụ cười đón chào của Ngài khiến lòng ta thanh thản. Ta chợt thấy Ngài hiện diện giữa lòng ta. Nụ cười đã thôi thúc bản tính thiện trong ta trỗi dậy. Nụ cười gột rửa nỗi khổ, niềm đau. Nụ cười thăng hoa tình thương yêu, thăng hoa đức tính buông xả và hun đúc niềm hạnh phúc.
Xoay vòng giữa quỹ đạo cuộc đời, ta chao đảo và đánh mất mình. Ta bỏ quên nụ cười để chạy theo phiền muộn. Giật mình. Ta chạy tìm nụ cười. Không gặp. Ta bật khóc. Từ ngàn năm trước cho đến ngàn năm sau, ta chỉ biết đuổi bắt cuộc đời trên đôi chân vội vã. Ta chưa nhận ra nụ cười còn nằm trên môi mình. Khi nụ cười hé nở thì khởi điểm cho phút giây diệu kỳ của xả ly, buông bỏ triền phược đơm hoa.
Vào chùa chiêm ngưỡng Ngài, ta thấy ta cũng có mặt Ngài. Bấy lâu nay nụ cười ở trong ta. Ta không chạy tìm mà nụ cười vẫn chung thuỷ bên ta. Ta sở hữu nụ cười, hội ngộ với chính nụ cười trong bản thân mình mà chẳng hề hay biết.
Nụ cười mang về biết bao vẻ đẹp của hạnh lành. Nụ cười mang lại niềm hạnh phúc. Và, không niềm hạnh phúc nào vắng mặt nụ cười. Ta đến chùa, ta hoà nhập vào dòng chảy cuộc đời, ta trầm mình trong chốn bụi hồng lăng xăng, ta ý thức hay đang vô thức, ta phân thân trên nhiều nẻo đường ngang dọc như thế mà nụ cười vẫn an vị trên môi, toả ngát hương thanh khiết chói ngời từ trái tim, thì ta chính là Ngài: Đức Phật Hạnh Phúc.
Xuân đến rồi xuân đi, nụ cười luôn ở lại. Hãy tập mỉm cười, bạn nhé! Hãy thắp lên môi nụ cười chân thành và vị tha. Đó sẽ là nụ cười xả ly thắp sáng từ những cánh môi được phát khởi từ trái tim để cuộc đời sáng tươi niềm an lạc.
Trong tâm hồn buông xả, hãy để nụ cười có mặt trên từng sát na, có mặt trên từng nẻo về! Bình dị vậy thôi mà tuyệt đẹp vô cùng!
+ Lưu Ly
2000

nguồn nguoiaolam.net

Saturday, November 12, 2011

Chỉ có Trí Tuệ mới hiểu

300365_297134453636001_100000183474512_1378927_1444273850_n

Bấy lâu nay CN nghe nhiều băng giảng, các Thầy cứ giảng là tu 1 thời gian sẽ phát tuệ , CN khg hiểu phát tuệ là phát như thế nào ? Hôm nay xem bài này mới hiểu rõ thêm ,giờ mới nhận ra thêm 1 điều là khi mình niệm Phật thì chỉ là định tâm lại thôi ,chứ đụng chuyện thì trong tâm cũng còn nổi sóng gió lên ầm ầm (mặc dầu cái miệng đã dán kín),mình phải kèm theo quán chiếu sự việc đó như thế nào  mới nhổ sạch phiền não trong tâm ,khi nhổ sạch thì đó là phát tuệ đó ??? Khg biết CN hiểu vậy có sai khg nhỉ ?

Sayadaw Ashin Tejaniya

Một khi đã hiểu được vấn đề hay một tình huống xung đột,tâm sẽ được giải thoát khỏi đau khổ (do xung đột đó gây ra cho mình). Chỉ khi đó nó mới không còn phản ứng lại mỗi khi gặp những tình huống như vậy nữa. Để có được tầm mức trí tuệ này tất nhiên không phải là chuyện dễ. Thực hành theo cách này có thể sẽ tương đối khó, nhất là trong giai đoạn đầu. Chúng ta cần rất nhiều kiên nhẫn và duy trì thực hành đều đặn.

Thiền sinh: Chúng ta vẫn thường nói đến sự xung đột giữa thói quen và vô thức luôn luôn thúc đẩy mình phải hành động theo một kiểu nhất định nào đó, và tâm thiền luôn cố gắng huân tập những thói quen mới, cố gắng thực hành thiền Vipassanā. Có một cách nào khác hay một công cụ nào khác ngoài Định lực (sự tập trung) để giải quyết những xung đột đó mà không cản trở sự tiến bộ trong thiền hay không?

Thiền sư: Có hai cách để thay đổi thói quen, một là dùng Định, hai là dùng Tuệ. Rắc rối với cách dùng Định là nó chỉ tạm thời trấn áp xung đột mà thôi. Nếu bạn rất giỏi về Định, bạn có thể làm được điều đó cả trong một thời gian dài. Nhưng cách này lại chẳng giải quyết được những căn nguyên, gốc rễ của xung đột. Vì thế xung đột đó sẽ lại nổi lên với sức mạnh nguyên xi như cũ nếu bạn không thực hành thiền định nữa. Chỉ khi chúng ta nhìn vào sự việc một cách phân tích thì mới học hiểu ra được những điều kiện và nguyên nhân đằng sau của nó và mới phát triển được trí tuệ cần thiết nhằm giải phóng tâm mình khỏi những xung đột đó. Định chỉ cố gắng khu trú, cách ly xung đột, còn tuệ mới thấu hiểu nó.

Thiền sinh: Mỗi khi con bị bất cứ một cảm giác đau nào, bất cứ là đau ở thân hay đau đớn về tình cảm, thì ngay lập tức trong con luôn có sự phản ứng lại tức thời. Nó xảy ra rất nhanh và rất là tự động, những phản ứng tâm lý đó nhanh và mạnh đến mức con chẳng thể áp dụng được cách tư duy của thiền Vipassanā vào đó nữa. Con thấy hình như thực hành thiền chỉ (Samatha) có lẽ lại là một cách hay để đối phó với những tình huống như vậy, nó giúp mình tạm thời bình tĩnh trở lại.

Thiền sư: Thiền Vipassanā không phải chỉ mỗi ngồi và quán sát. Trong những tình huống như thế, bạn cần tự nhắc mình có thái độ đúng đắn đối với những gì đang xảy ra. Bạn phải thừa nhận những gì đang diễn ra và chấp nhận nó- như nó đang là. Rồi sau đó xem xét những gì đang diễn ra và cố gắng học hỏi từ nó, cố gắng hiểu bản chất của thể loại tâm đó, cố gắng thấu hiểu hoạt động của nó như thế nào.

Nhưng điều này cần phải có thời gian, cần có rất nhiều lần quán sát như thế nữa thì sự hiểu biết mới thực sự này sinh được. Một khi đã hiểu được vấn đề hay một tình huống xung đột,tâm sẽ được giải thoát khỏi đau khổ (do xung đột đó gây ra cho mình). Chỉ khi đó nó mới không còn phản ứng lại mỗi khi gặp những tình huống như vậy nữa. Để có được tầm mức trí tuệ này tất nhiên không phải là chuyện dễ. Thực hành theo cách này có thể sẽ tương đối khó, nhất là trong giai đoạn đầu. Chúng ta cần rất nhiều kiên nhẫn và duy trì thực hành đều đặn.

Thiền sinh: Bạch Thầy, con có một kinh nghiệm rất hay ngày hôm qua và con không biết đó có phải là tuệ giác hay không. Bỗng nhiên con thấy ra con đang chấp giữ một suy nghĩ là khóa thiền của mình ở đây đã hoàn toàn thất bại, chẳng đạt được tiến bộ nào cả. Điều đó đã giáng cho con một đòn rất đau, con rất đau đớn khi nhận ra rằng mình đã ôm giữ cái tà kiến đó bao lâu nay. Nhưng trong những giờ thiền sau đó, tâm con trở nên rộng mở hơn và nhạy cảm hơn.

Con có thể cảm nhận được làn gió mát trên làn da mình và đi lại chậm rãi hơn, bình thường thì con đi nhanh lắm. Khi tiếp xúc với người khác, con có thể cảm nhận được những phản ứng rất vi tế trong tâm mình và thấy được những thứ ở trong tâm mà bình thường trước kia con không thấy được.Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn trước nhiều. Thực ra con cũng không biết chắc được đó có phải là một tuệ giác không.

Thiền sư: Đúng,đó chính là tuệ giác. Khi một tuệ giác khởi sanh, nó đem lại cho tâm nhiều sức mạnh; nó làm tăng cường những phẩm chất tốt đẹp trong tâm. Cung cách của tâm mình thay đổi một cách mạnh mẽ và nhanh chóng ghê gớm, thay cách một cách đáng kinh ngạc đúng không?

Chỉ có những hiểu biết thực sự mới có những tác động lớn lao như vậy đến tâm mình. Khi chứng nghiệm được một điều gì đó một cách rõ ràng như vậy thì đó chính là tuệ giác đấy. Người ta không thể chắc chắn lắm liệu một kinh nghiệm nào đó có phải là kết quả của một tuệ giác hay không – như trong trường hợp của bạn chẳng hạn – nhưng không thể nghi ngờ gì về sự thực những điều bạn đã nhận ra, đúng không?

Thiền sinh: Dạ, vâng. Đúng như thế ạ.

Thiền sư: Đó chỉ mới là một tuệ giác nhỏ mà thôi. Hãy thử nghĩ xem một tuệ minh sát, một tuệ giác xuyên thấu đến bản chất của các Pháp còn có tác động ghê gớm như thế nào nữa.

Theo: Chỉ mới Chánh niệm thôi thì không đủ

Người dịch: Tỳ kheo Tâm Pháp

http://phatgiaovnn.com/upload1/bz/showthread.php?p=10175

Friday, November 11, 2011

Bên kia cửa tử - phần 2

272437_196973533692401_100001392661846_550695_3904006_o

Chương 2

Một lần nữa, vì sự kiện hết sức quan trọng này mà tôi mong bạn hãy ngưng việc khóc than vô ích, hãy lắng lòng, bình tĩnh cầu nguyện cho người ở thế giới bên kia. Họ có thể nhận được lòng thương yêu chân thành của bạn ngay khi bạn vừa phát tâm vì ở thế giới bên kia, tư tưởng có sức mạnh rất lớn và mầu nhiệm. Này bạn, người thân của bạn không hề đi xa mà vẫn ở gần bên bạn. Người đó không nhìn được thể xác vật chất của bạn như vẫn thấy được thể tinh thần của bạn. Dĩ nhiên họ cũng cố gắng liên lạc với bạn mà nào bạn có biết. Vì bạn không để ý đến họ nữa nên họ tưởng như bạn đã quên họ rồi. Nếu thấy một người còn sống đang ngủ say, bạn biết người đó đang ngũ nhưng người say ngủ đau hề biết gì về bạn. Cũng thế, đối với người đã qua đời thì bạn cũng như người đang ngủ say, họ thấy bạn nhưng không thể nói chuyện với bạn được nữa. Tôi mong bạn hãy suy gẵm cho kỹ về điều này, phải chăng nó hợp lý và không có gì quá đáng? Này bạn, sự thật đâu phải điều gì to tát, phức tạp, vượt ngoài sự hiểu biết của con người. Chính vì thiếu sự hiểu biết nên con người đã vẽ vời ra những cảnh tượng ghê gớm đấy chứ.

Nếu bạn chấp nhận phần nào về cảnh giới bên kia cửa tử như tôi đã trình bày thì chúng ta có thể đi xa hơn.

Trong vũ trụ còn có nhiểu cảnh giới khác nữa chứ không phải chỉ có thế giới này thôi. Tùy theo các rung động của thể tinh thần mà con người thích ứng với một cảnh giới. Khi mọi ham muốn thấp hèn, ích kỷ đã hoàn toàn tan rã thì con người sẽ siêu thoát lên các cảnh giới cao hơn. Khi tư tưởng trở nên thanh khiết, nhẹ nhàng, họ sẽ ý thức được những luồng tư tưởng thanh cao tế nhị hơn. Lúc đó họ sẽ mê man trước các luồng sóng rung động trí thức, các bầu tư tưởng sạch tốt lành. Đây là giai đoạn mà con người thấy rộn ràng một niềm phúc lạc vô biên, không bút nào có thể tả được. Đó là khi họ bắt đầu ý thức được các diễn biến thực sự của vũ trụ, của các định luật bất biến, của ánh sáng chân lý. Đây không phải phần thưởng của ai hết mà chỉ là kết quả tự nhiên của tánh linh đã tiến hóa đến giai đoạn này. Phải chăng bạn tự hỏi cái gia đoạn này có kéo dài mãi không? Câu trả lời là \"không\", vì không có một cái nhân hạn định nào có thể tạo ra một cái quả vô hạn định được. Định luật vũ trụ đã định rằng tia sáng phát xuất từ Đại Thể sẽ phải trở về nguồn gốc. Dĩ nhiên trong cuộc hành trình trở về nguồn gốc, chúng ta còn phải tiến hóa rất nhiều để trở nên trong sạch, toàn diện. Hiện nay chúng ta còn bất toàn và rất xa với Đại Thể toàn thiện, uyên nguyên đó nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ trở về, và đó là một sự thật không thể chối cãi. Vì định luật vũ trụ \"bất cứ một lực gì phát ra cũng đều có một phản lực ngược chiều tương tự\", chúng ta phát xuất từ điểm linh quang toàn thiện, uyên nguyên kia, càng ngày càng đi xa dần, thâm nhập vào các cõi giới vật chất khác nhau rồi bị ô nhiễm, chính sự ô nhiễm này đã khiến chúng ta lạc lối, sa đọa và càng ngày càng đi xa mãi trong cõi vô minh. Tuy nhiên chắc chắn có lúc chúng ta sẽ trở về khi ý thức được mình là ai. Cởi bỏ các ô nhiễm vật chất, thanh lọc bàn thân để phát triển cái \"mầm nhiệm\", cái \"chân như, Phật tánh\", cái \"thánh linh\" sẵn có trong ta thì dĩ nhiên chúng ta có thể \"xoay chiều\" cái lực đẩy chúng ta đi xa mà quay trở về.

Tất cả mọi sự sống đều đang trên đường tiến hoá, có thể nhanh hay chậm tùy hoàn cảnh và định luật cá nhân nhưng chắc chắn đều nổi trội trong chu kỳ tiến hóa chung. Nếu con người mỗi sáng thức vậy, mặc quần áo, làm công việc thường ngày, thì đến tối, cởi bỏ y phục ra để nghỉ ngơi. Cũng như thế, khi xuống trần, người ta khoát lấy bộ áo vật chất. Khi việc học hỏi đã hoàn tất, người ta cởi bỏ bộ áo đó bước vào một trạng thái yên tĩnh để nghỉ ngơi. Sau khhi ngơi nghỉ, ôn lại bài vở đã học thì họ lại khoát chiếc áo khác, khởi sự học một bài học mới (hoặc tiếp tục học bài học mà họ đã không học được khi trước). Điều người ta gọi là \"đời người\" thật ra chỉ là một ngày trong đời sống thật sự, trong một cuộc tiến hoá, một hành trình để trở về nguồn.

Này bạn, điều này có thể mới mẻ đối với bạn, có thể bạn coi nó là kỳ dị, phi lý, hoang đường, không thể tin. Hiển nhiên trong bài viết ngắn, tôi không thể tả hết những điều trọng đại mà tôi đã nghiên cứu trong vòng mấy chục năm qua, những sự kiện mà các danh sư Tây Tạng đã học suốt trong mấy chục thế kỷ qua, những chân lý mà các bậc tổ Mật Tông đã để lại trong tài liệu, trong các cuốn cổ thư hay kinh sách mật truyền. Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng giải thích thêm những gì tôi biết.

Phải chăng bạn đang thắc mắc về số phận của người thân vừa qua đời? Hiển nhiên họ cũng rất quan tâm đến người sống nhưng sự lo lắng này có thể làm cản trở việc siêu thoát và mức tiến hóa của họ. Vấn đề quan trọng cần đặt ra là làm sao tránh cho họ không bị những quyến luyến ám ảnh. Làm sao để người chết hoàn toàn giải thoát ra khỏi nỗi lo lắng ưu tư của cõi giới mà họ vừa từ giả, để có thể sống thoải mái, trọn vẹn trong cuộc sống mới mà họ vừa bước vào. Việc giúp đỡ con trẻ của người chết để lại là một hành vi cao quý đặc biệt. Nhờ thế mà cha mẹ đã từ trần bớt gánh nặng lo âu phần nào và có thể nhẹ bước tiến lên cõi trên. Nếu khi còn sống họ đã làm điều sai quấy thì lúc từ trần dĩ nhiên họ sẽ lo lắng về số mạng sắp tới của họ. May mắn thay trong cõi tinh thần vẫn luôn luôn có những người đi trước, những người giàu long bác ái, sẵn sáng đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn, dìu dắt, giải thích cho họ hiểu những định luật thiên nhiên. Dĩ nhiên đã tạo ra nhân thì chắc chắn sẽ gặt lấy quả, không thể khác được. Nếu hiểu biết, chấp nhận sự thật và vui vẻ thọ lãnh hậu quả vẫn tốt hơn là u mê, không ý thức được gì hết.

Một trong những sự kiện đặc biệt là trường hợp các đứa bé qua đời. Vì đa số các đứa trẻ đều ngây thơ, ít ràng buộc, ham muốn vật chất nên chúng dễ thích hợp với cõi giới bên này hơn. Lúc đầu trẻ con thướng quanh quẩn gần cha mẹ của chúng nhưng họ đâu biết được sự hiện diện của con nên đứa bé có cảm tưởng bị bỏ rơi. Ít lâu sau nó tụ tập với những linh hồn còn trẻ khác mà chơi đ ùa với nhau. Trong cõi tinh thần, tư tưởng thường hiện ra rất rõ rệt. Khi đứa bé tưởng tượng thế giới nào thì nó thấy như vậy. Nếu nó nghĩ rằng nó là một vị anh hùng thì nó liền khoát lấy hình ảnh người hùng đó: Nếu nó muốn cung điện lâu đ ài thì một lâu đ ài được dựng ra lên tức thì. Đối với đứa bé có tâm hồn hướng thượng muốn tìm gặp các thần thánh thì những vị này sẽ xuất hiện ngay vì ở cõi tư tưởng người ta rất dễ tìm gặp nhau theo định luật \"đồng thanh tương ứng\". Có những đứa bé muốn gặp Thượng Đế. Một Thượng Đế trong hình thể vật chất như nó nghĩ và hiển nhiên nó sẽ không thất vọng vì tất cả hình dáng của Thượng Đế, bởi vì ngài ở khắp mọi nơi, kẻ nào muốn phụng sự và giúp đỡ, dù giúp đỡ nhưng sinh linh thấp kém nhất, thì cũng đang phụng sự ngài một cách thực sự vậy.

Dĩ nhiên trong thời gian đầu, trẻ con dễ ham thích được hữu dụng. Chúng ưa giúp đỡ, an ủi người khác nên sau một thời gian chời đ ùa thỏa chí, chúng thường tìm đến những người thiếu hiểu biết, những người còn lo lắng, hoang mang để chuyện trò, an ủi họ. Trong cõi vô hình, những đứa bé như thế di chuyển khắp nơi, làm những việc giúp đỡ đầy vị tha, bác ái. Chính sự giúp đỡ, quen biết này đã tạo ra những sợi dây thân ái giữa chúng và các linh hồn khác. Phải chăng bạn đang thắc mắc về số phận của những đứa trẻ quá nhỏ, chưa biết chơi đ ùa? Trong cõi tinh thần có nhiều bà mẹ nồng nàn chờ đợi để ôm chúng vào lòng, tiếp đón chúng, yêu thương chúng như con ruột của mình. Tuy nhiên thường thường những đứa bé đó chỉ nghĩ ngơi trên cõi tinh thần một thời gian rất ngắn rồi lại trở xuống trần. Nhiều khi chúng tìm đến cha mẹ cũ của chúng vì những liên lạc thân ái hay tùy duyên nghiệp có sẵn từ trước.

Các tu sĩ thời trung cổ thường bịa đặt ra các điều độc ác, gớm ghê như việc trẻ nhỏ chết mà không rửa tội thì sẽ xa cách cha mẹ chúng và bị đ ày xuống địa ngục vĩnh viễn. Đây là một tin tưởng ngu xuẩn, hoàn toàn vô lý, cần phải loại bỏ. Rửa tội là một bí tích thật sự, có những hữu ích đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng chứ không phải một hình thức bên ngoài mà nếu thiếu sót sẽ đem lại hậu quả tai hại, ảnh hưởng cả đến những định luật vũ trụ. Thượng Đế vốn bác ái, nhân từ, đâu chấp nhận những hình thức bên ngoài như một hung thần độc đoán như vậy.

Cho đến nay, tôi chỉ đề cập đến việc tiếp xúc với người chết bằng cách vào thế giới bên kia trong giấc ngủ vì đó là đường lối tự nhiên thông thường. Dĩ nhiên có những đường lối khác thường và không tự nhiên. Dĩ nhiên vẫn có những đường lối khác thường và không tự nhiên. Có người chết tạm thời mượn lấy một hình thể khác trong chốc lát (trường hợp lên đồng, nhập cốt) hoặc sử dụng một hình nộm, một cái bóng, tạo ra bởi các nguyên tử vật chất, để tiếp xúc với người cõi trần. Đây là những điều không đứng đắn, mơ hồ, khó kiểm chứng, dễ bị lợi dụng, có thể đưa đến sự bịp bợm, phỉnh gạt của một số thầy pháp, thực hành tà thuật. Do đó, theo sự nghiên cứu và hiểu biết của tôi, đây là điều nên thận trọng vì việc vong linh cố gắng liên lạc với cõi trần bằng cách này thường bắt nguồn từ những nguyên nhân đặc biệt. Có thể vì họ có điều oan ức cần biện bạch, hoặc các đau khổ lo âu cần được giúp đỡ. Trong trường hợp này, tốt nhất là ráng tìm hiểu xem họ muốn gì rồi giúp họ giải quyết những việc đó sớm chừng nào tốt chừng nấy để tâm hồn họ được an tĩnh.

Này bạn, tôi đã trình bày những hiểu biết của tôi về thế giới bên kia. Tôi mong bạn hãy bớt buồn rầu vì sự chia ly tạm thời này. Có chi phải lo lắng buồn phiền khi người bạn yêu thương đã bước vào một đời sống rộng rãi, thoải mái với những ý nghĩ đặc biệt của nó? Nếu buồn rầu về sự chia ly tưởng tượng đó thì trước nết điều bạn lo âu chỉ là một ảo tưởng, vì người đó đâu hề xa cách bạn. Phải chăng sự thật là bạn suy nghĩ nhiều về sự mất mát của chính bạn hơn là sự thoải mái của người vừa qua đời? Bạn phải bỏ lóng ích kỷ đó đi nếu bạn thật sự yêu thương người đó. Tất cả tình thương chân thật đều phải vị tha. Bạn cần nghĩ đến người bạn thương chứ không phải đến bản thân bạn. Bạn nên biết rằng lòng yêu thương chân thành của bạn với người đã qua đời vẫn còn mãi chứ không thể mất đi được. Tại sao cõi bên kia, nó còn gia tăng thêm mãnh lực vì tại đây nó không còn bị trở ngại hay giới hạn bởi thể xác. Ở cõi tư tưởng, người ta không thể dối trá được, các hình thức nên ngoài như khóc than, bi lụy không xuất phát từ bên trong chỉ là những hình thức giả dối và người ở cõi bên kia biết rõ điều này hơn ai hết, vì họ đọc rõ tư tưởng của bạn. Dù thành thật, nhưng nếu than khóc, buồn rầu thì bạn đã phóng ra những tư tưởng có ý \"kềm chân, núi giữ\" người kia lại thì làm sao họ có thể ung dung tự tại mà siêu thoát được? Bạn nên nhớ mọi tư tưởng, tình cảm của bạn đều ảnh hưởng trực tiếp đến người ở cõi bên kia, do đó bạn cần thận trọng, đừng để một tư tưởng giận hờn, lo lắng nào ảnh hưởng đến sự thoải mái của họ. Nếu biết người đã qua đời vẫn còn lo lắng cho bạn thì bạn cần an đảm, vui vẻ hơn vì như thế họ sẽ an tâm hơn, bớt đi các ưu tư lo lắng về bạn.

Nếu khi còn sống, họ không được chỉ dẫn một cách cẩn thận, đứng đắn về đời sống bên kia cửa tử, thì bạn hãy tìm cách học hỏi những điều này và giải thích cho họ hiểu vào những khi ngủ. Bạn hãy tâm niệm những điều bạn muốn trình bày trước khi ngủ rồi bạn sẽ ý thức được điều tôi muốn nói. Này bạn, khi vừa qua đời, tình cảm quyến luyến giữa hai bên vẫn còn bền chặt, do đó tư tưởng của bạn có thể ảnh hưởng rất nhiều đến người kia. Bạn hãy nhân cơ hội này chuyển trao cho họ những tư tưởng cao thượng tốt lành, khiến tâm thức của họ chóng khai mở, có những rung động tốt đẹp và giúp họ tìm được sự an lạc ở cõi bên kia. Bạn hãy cầu nguyện, âm thanh của lời kinh có oai lực rất lớn, có thể giúp họ chóng tỉnh thức rõ rệt mọi sự đang xảy ra. Bạn hãy tìm hiểu sự duy nhất của vạn vật, của đấng Thiên Liêng. Nếu bạn hiểu được tình thương của ngài đối với bạn cũng như với muôn loài thì làm sao bạn có thể buồn rầu, bi lụy được? Bạn biết rằng tất cả đều là con của ngài, làm sao một đấng Cha Lành như ngài lại không săn sóc chăm lo cho các đứa con của ngài được? Thái độ bi lụy là thái độ thiếu tinh tưởng, thụ động và thiếu hiểu biết. Bạn cần học hỏi thêm các ẩn nghĩa trong lời dạy bảo của ngài xuyên qua đấng cứu thế, vì càng học hỏi hiểu biết nhiều chừng nào thì đức tin của bạn càng mạnh mẽ chừng đó. Bạn sẽ nhận thức rằng tất cả mọi sự đều nằm trong tay đấng Cha Lành, một quyền năng đầy sáng suốt, bác ái, minh triết hoàn toàn. Và chính cái tình thương cao cả này điều khiển tất cả mọi sự.

Charles Leadbeater

Dịch giả : Nguyên Phong

Thursday, November 10, 2011

Chứng cứ khoa học của sự tái sinh

Theo một cuộc điều tra thống kê của Viện Gallup trên toàn nước Mỹ năm 1982 về tỷ lệ người Mỹ tin ở thuyết tái sanh, con số của Viện Gallup đưa ra có thể nói rằng là một con số bất ngờ: 1/4 người Mỹ tin ở thuyết tái sanh, 1/4 trên tổng số dân khoảng 250 triệu là bao nhiêu? Người Mỹ vẫn nổi tiếng trên toàn thế giới là thế tục, thực dụng và tôn trọng vật chất! Như vậy, là có trên 60 triệu người Mỹ tin có thuyết tái sanh, không kém dân số cả nước ta bao nhiêu. Nhà văn hào Pháp Voltaire (thế kỷ XVIII) nói là: "Nếu nói thuyết tái sanh làm người ta kinh ngạc, thì thuyết nói con người chỉ sanh ra con người một lần cũng làm kinh ngạc không kém"

Lý do chủ yếu khiến người ta không tin tái sanh, có một đời sống trước là vì người ta không nhớ những chuyện gì đã xảy ra trong đời sống trước đó. Nhưng hãy hỏi, ngay đối với những chuyện xảy ra hồi nhỏ hay thậm chí mới xảy ra ngày hôm qua, chúng ta còn quên kia mà! Bao nhiêu điều chúng ta không trực tiếp biết hay là không nhớ, nhưng chúng vẫn tồn tại.


Túc mạng minh hay là khả năng nhớ lại các đời sống trước

Trong văn chương Phật giáo, có từ và khái niệm Túc mạng minh, là khả năng của các bậc thánh trong Phật giáo nhớ lại rõ ràng các kiếp sống trước của mình. Phật Thích Ca trong canh đầu đêm ngày thành Phật, đã nói như sau: "Ta nhớ lại nhiều, rất nhiều đời sống trước mà Ta đã trải qua. Một đời, hai đời, ba đời, bốn, năm đời, năm mươi đời, trăm nghìn đời, trong các kiếp vũ trụ khác nhau...”

Các bậc A La Hán đều nói chứng được ba minh, tức là Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh. Thiên nhãn minh là khả năng nhìn xa, nhìn qua vật cản, nhìn tận những cõi sống khác không phải cõi người. Lậu tận minh là sự sáng suốt đã xoá sạch mọi mê lầm và phiền não. Tất nhiên, trình độ Túc mạng minh của A La Hán còn kém nhiều, so với Phật.

Tính logic của thuyết tái sanh đã khiến cho có nhiều trí thức phương Tây, kể cả những tín đồ thiên chúa giáo, chấp nhận thuyết tái sanh. Trong cuốn "Exploration of Reincarnation" (Nghiên cứu thuyết tái sanh), tác giả Hans Tendam đã ghi nhận lời phát biểu của Henry Ford, nhạc công và là nhà từ thiện Mỹ nổi tiếng, về thuyết tái sanh như sau: "Tôi chấp nhận thuyết tái sanh từ năm tôi 16 tuổi. Tôn giáo không cung cấp được cái gì thích hợp; ngay công việc cũng không làm được cho tôi đầy đủ. Công việc làm sẽ là vô ích nếu chúng ta không lợi dụng được kinh nghiệm của đời này để dùng cho đời sau. Khi tôi phát hiện được thuyết tái sanh, thì thời gian không còn bị hạn chế nữa. Tôi không còn là nô lệ của kim đồng hồ nữa. Tôi muốn truyền lại cho những người khác sự bình thản mà một quan điểm lâu dài về cuộc sống đã đem lại cho tôi". (Hans Tendam. "Exploration of reincarnation" - London Adams 1990, tr.877)

Trong lời phát biểu của Henry Ford có câu "...Tôn giáo không cung cấp được cái gì thích hợp". Câu này không phải chỉ cho tôn giáo nói chung mà là cho Thiên Chúa giáo, một tôn giáo thần quyền chủ trương người ta chỉ sống và chết một lần. Còn các tôn giáo phát từ Ấn Độ, dù là Phật giáo hay Ấn giáo đều khẳng định có tái sanh.

Chúng ta thấy rõ bức xúc tâm lý của những người như Henry Ford, cuộc sống con người quá ngắn ngủi, không đủ để hoàn thành sự nghiệp lớn, do đó mà thuyết tái sanh đã mở rộng cho Ford tầm cỡ thời gian của cuộc sống, làm cho ông ta cảm thấy như không còn là nô lệ của kim đồng hồ nữa.

Vài câu chuyện tái sanh có sức thuyết phục

Trong cuốn "The Tibetan book of living and dying"(Sinh thư và tử thư, cuốn sách Tây Tạng của sống và chết), tác giả, Thiền sư Tây Tạng Sogyal Rinpoche ghi câu chuyện của một người Anh sinh trưởng ở Norfolk, tên là Arthur Flowerdew. Từ 12 tuổi trở đi, anh ta thường xuyên thấy hiển hiện rõ nét trong trí nhớ hình ảnh một thành phố lớn, bao quanh bởi sa mạc; một hình ảnh đậm nét nữa là một ngôi đền tạc lõm sâu vào sườn núi. Những hình ảnh đó trở đi trở lại luôn trong đầu óc cậu bé, đặc biệt khi cậu chơi với hòn sỏi màu hồng và màu vàng dọc bờ biển, gần nhà cậu ta. Càng lớn lên, Flowrdew càng thấy hiện rõ những chi tiết của thành phố đó, với mô hình các đường phố, các binh lính đi qua đi lại, và con đường hẻm hẹp từ ngoài dẫn vào thành phố. Về sau, anh ta tình cờ xem được một cuốn phim video về thành phố cổ Petra ở Jorda. Anh ta vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy quảng trường trong thành phố cổ Petra này hoàn toàn giống hệt quảng trường anh thường thấy hiển hiện trong trí nhớ trước đây của anh. Qua trung gian đài BBC, Chính phủ Jordan biết được tin này và sẵn sàng đài thọ một chuyến bay chở Arthu Flowrdew và một đoàn làm phim của đài BBC đến Jordan. Trước chuyến đi, Arthur Flowerdew được giới thiệu với một nhà khảo cổ học, người này rất ngạc nhiên về kiến thức của Arthur về Petra, và tuyên bố kiến thức này chỉ có thể là của một chuyên gia khảo cổ học lâu đời. Arthur nêu ra ba địa điểm đặc biệt của Petra: một tảng đá lớn, có dạng núi lửa, một ngôi đền, nơi Arthur tin là mình đã bị giết vào thế kỷ I sau công nguyên. Cuối cùng là một kiến trúc có dạng kỳ lạ, các nhà khảo cổ đều biết tới cấu trúc này, nhưng lại không rõ chức năng của nó là gì.

Nhà khảo cổ học tới gặp Arthur, và nghi ngờ là cái tảng đá dạng núi lửa ở ngoại ô Petra không tồn tại. Khi nhà khảo cổ đưa cho Arthur xem bức ảnh thành phố Petra, nơi có ngôi đền thì Arthur chỉ rõ khá chính xác vị trí của ngôi đền, và nơi trạm gác. Đó là cái trạm gác, mà hai nghìn năm trước đây anh ta đã từng phục vụ.

Sau khi đoàn đến Jordan, và đi thăm Petra, khi tiến đến gần thành, Arthur từ xa chỉ rõ cái tảng đá dạng núi lửa ở ngoại ô, và khi vào thành, Arthur đả không do dự, không cần tới bản đồ, đã đi thẳng đến vị trí trạm gác cũ, nơi anh ta từng phục vụ. Anh ta còn đi đến nơi, mà anh ta nói đã bị kẻ thù đâm chết bằng một ngọn giáo.

Nhà khảo cổ đi theo Arthur không thể nào hiểu nổi: làm sao một công dân Anh bình thường lại có thể biết rõ thành phố cổ Petra đến như vậy...

Ngoài thuyết tái sanh, thật không có lý lẽ gì có thể giải thích được kiến thức kỳ lạ của Arthur Flowerdew về thành phố cổ Petra. Có thể nghi ngờ là Arthur là một tay bịp hay không? Không thể, vì Arthur đã nói ra nhiều điều mà các nhà khảo cổ học cũng không biết về Petra.

Chuyện một cô bé gái nhớ lại đời sống trước của mình

Bác sĩ Ian Stevenson, thuộc trường Đại học Virginia (Mỹ) đã thu nhập nhiều truyện của trẻ con, nhớ lại đời sống trước của chúng (xem Ian Steveson Twenty cases suggestive of reincarnation Charlottesville, University Press of Virginia, 1974) Stevenson kể chuyện một em gái nhỏ tên là Kamalgit Kour, con một thầy giáo ở Pujab-Ấn Độ thuộc bộ tộc người Sikh. Em dẫn cha mình đến một làng, và nói với cha là em cùng với một người bạn đồng học đã bị xe chẹt chết ở đây, người bạn bị chết ngay lập tức. Em dẫn người cha đến đúng xóm nhà, nơi em từng ở trước đây với gia đình. Hỏi thăm hàng xóm, người cha biết đúng là như vậy - Một gia đình có một người con gái tên là Rishma, bị xe buýt đâm phải khi em 16 tuổi, và đã chết trong khi xe chở đi nhà thương. Khi ông nội và hai người bác của em trở về nhà gặp em thì em nhận ra đó là ông nội và người chú của em. Vào nhà, em không do dự đi thẳng vào phòng, xưa vốn là phòng của em.

Câu chuyện nói trên được kể với Giáo chủ Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma và ông gửi một đặc phái viên đến tận nơi để tìm hiểu rõ mọi đầu đuôi câu chuyện.

Năm phương pháp giúp tin tái sanh

Có năm phương pháp giúp chúng ta chấp nhận có tái sanh.

1. Thứ nhất là suy nghĩ đúng đắn về sự khác biệt nhân cách và năng khiếu giữa những người con cùng một gia đình. Tại sao, người cùng một gia đình, được hưởng một sự giáo dục gần giống nhau lại có thể khác biệt rất nhiều về nhân cách và năng khiếu. Có người con thì tánh tình rất tốt, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, trái lại, có người con thì tánh tình hung dữ, chỉ muốn hại người. Sự khác biệt giữa các người lớn có thể thấy trong thái độ của họ đối với tôn giáo. Có người rất ghét tôn giáo, nhưng cũng có người rất thích nghe giảng kinh sách tôn giáo, dù đó là Thiên Chúa giáo hay Phật giáo; ghét và yêu tôn giáo đối với họ như thành bản năng. Phải chăng đó là do những người đó, trong một đời sống trước cũng đã từng căm ghét và yêu thích tôn giáo như bây giờ. Có người học một ngoại ngữ rất là dễ dàng, nhưng có người khác thấy đó là vô cùng khó khăn.

Người đời này học ngoại ngữ dễ dàng phải chăng trong một đời sống trước đã từng học ngoại ngữ rồi, và đời này nói học ngoại ngữ chỉ là học lại mà thôi. Còn người học ngoại ngữ rất khó khăn là vì anh ta , trong đời sống trước chưa từng học ngoại ngữ bao giờ.

2. Chứng cớ thứ hai giúp chúng ta suy đoán là có tái sanh là tính liên tục của tâm thức. Tâm thức chúng ta là một dòng liên tục của những niệm sanh diệt không ngừng; niệm trước diệt là cái nhân trực tiếp giúp cho niệm sau sanh khởi. Không có niệm trước diệt thì niệm sau không thể sanh khởi. Niệm đầu tiên sanh khởi của thai nhi cũng phải do niệm trước diệt thì mới sanh khởi được. Và niệm trước đó, chỉ có thể là thuộc đời sống trước, hay là thuộc thân trung ấm của một đời sống trước, trong trường hợp có thân trung ấm.

3. Chứng cớ từ mộng: có 3 loại mộng. Một loại mộng có liên quan đến những sự việc ở đời này, thí dụ: nằm mơ thấy lại những sự việc thời thơ ấu. Một loại mộng khác liên quan đến những sự việc sẽ xảy ra cũng trong đời này. Loại mộng thứ ba có liên quan đến những cuộc sống quá khứ, như các giấc mộng đã nói ở trên của Arthur FLowerdew.

Sự việc thuộc loại mộng thứ ba không thể xảy ra ở đời này được; thí dụ, chúng ta nằm mơ thấy mình đang bay. Nếu loại mộng này xảy ra thường xuyên thì rất có thể trong một đời sống trước, chúng ta đã đạt tới một trình độ thiền định khiến chúng ta bay được. Hiện tượng người bay được nhờ thiền định là chuyện có thực, quan sát được. Hiện tượng này tiếng Pháp hay tiếng Anh đều gọi là Levitaio.

Nội dung sự việc có thể không thuộc một đời sống quá khứ mà thuộc một đời sống tương lai. Thí dụ, kẻ sống ác có thể nằm mơ thấy mình bị thiêu cháy trong lửa địa ngục, hay là cảm thấy lạnh giá như trong địa ngục lạnh, đến nổi đắp lên bao nhiêu chăn trên người cũng không chịu được. Trái lại, người sống thiện lành có thể có những giấc mơ đẹp, như là sống trong cảnh bồng lai hay trong cung điện nhà trời. Qua những loại mộng như vậy, có thể suy đoán là phải có các cuộc sống khác với cuộc sống hiện tại, tức là có tái sanh.

4. Chứng cớ thứ tư: là thế giới đã thu thập rất nhiều chuyện của những người hoặc là trẻ con, hoặc là người lớn đã nhớ lại các kiếp sống trước của mình. Ở đầu bài này, tôi đã nhắc lại các chuyện được ghi trong cuốn "Exploration of reincarnation" (Nghiên cứu tái sanh) của Tendam, hay là trong cuốn sách của giáo sư Stevenson (sách đã dẫn).

5. Đối với những Phật tử thuần thành, những lời Phật nói về các cuộc sống trước của Ngài đã đủ để khẳng định có tái sanh. Tất nhiên, đối với những người không phải là Phật tử thì câu chuyện về các kiếp sống trước của Phật không đủ sức thuyết phục.

Để kết luận, có thể nói, có những điều chúng ta tuy không thấy, nhưng có thể suy đoán bằng lập luận lôgích, như tuy không thấy lửa, nhưng vẫn suy đoán là có lửa vì thấy có khói bốc lên. Cũng như vậy, tuy không chứng kiến sự tái sanh, nhưng vẫn có thể dựa vào 4 loại chứng cớ nói trên mà suy đoán có sự tái sanh.
Minh Chi - thuvienhoasen