Friday, December 9, 2011

Sự Tích Đức Phật A Di Đà

1198520450835112676Đức Phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi Lạc Bang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sanh ra khỏi Ta Bà đem về tịnh độ.

Trong Kinh Bi Hoa nói rằng: Về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện Trì.  Khi ấy tại cõi Tản Đề Lam thế giới có vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm, thống lãnh cả bốn xứ thiên hạ: một là Đông Thắng Thần Châu, hai là Nam Thiện Bộ Châu, ba là Tây Ngưu Hoá Châu, và bốn là Bắc Cu Lô Châu.  Tiếng nhân hiền đồn dậy bốn phương, đức từ thiện đượm nhuần khắp xứ, nên hết thảy nhân dân ai nấy cũng sẵn lòng ái kính.

Vua ấy có nhiều người con và có một vị đại thần tên là Bảo Hải.  Con dòng Phạm Chí, rất tinh thông về nghề xem thiên văn.

Ông Bảo Hải lại có một người con trai tướng tốt lạ thường, từ dưới chân lên đến trên đầu đều có ba mươi hai dấu tốt.

Khi con ông mới sanh ra, thì có các hàng khách tôn quý đem nhiều đồ lễ vật đến dâng cho, nhân vậy mà đặt tên là Bảo Tạng.

Lúc khôn lớn, thì Bảo Tạng xem biết việc đời là thống khổ, thân mạng lại vô thường, tự nhiên sanh lòng chán ngán, bỏ cuộc vinh hoa, liền xuất gia tu hành, chẳng đặng bao lâu mà đã thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai, đủ các đạo pháp nhiệm mầu, thần thông rộng lớn.  Khi thành Phật rồi, thì Ngài dạo khắp các nơi mà hóa độ chúng sanh, có nhiều hàng đệ tử đã chứng đặng quả Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát, nên nhân dân ai nấy cũng sẵn lòng hoan nghinh.

Có một bữa ăn, vua Vô Tránh Niệm nghe Phật Bảo Tạng cùng đại chúng đến giảng đạo tại vườn Diêm Phù, gần bên thành, thì tự nghĩ rằng:

"Nay ta muốn đến chỗ Phật, đặng xem coi giảng đạo lý gì mà thiên hạ tín ngưỡng đông như thế!"

Nghĩ như vậy rồi, vua cùng các vị vương tử, đại thần và quyến thuộc bèn đến vườn Diêm Phù lễ Phật vừa xong, liền đi chung quanh ba vòng, rồi ngồi bên ngài mà nghe pháp.

Vua Vô Tránh Niệm xem thấy đức Bảo Tạng Như Lai khoanh chân ngồi trên bảo tọa có hình con sư tử, rất bực trang nghiêm, đủ tướng tốt đẹp, chung quanh thân ngài có ánh sáng nhiều sắc chói lòa.

Còn trong pháp hội thì thấy: nào là những người đã xuất gia làm đệ tử của Phật, cạo tóc, đắp y; nào là những hàng vương tử, đại thần mặc đồ anh lạc; nào là cung nga mỹ nữ dung mạo tốt xinh; nào là sĩ, nông, công, thương, áo xiêm chỉnh đốn, kẻ thì chấp tay ngồi im lặng, người thì quỳ gối thưa hỏi, xem bộ ai nấy cũng chăm ngó Phật mà nghe pháp cả.

Vua Vô Tránh Niệm quan sát khắp đủ mọi lẽ, bèn ngắm nhìn thân mình, rồi trở lại ngó Phật, mắt sửng không nháy, lòng thiệt hoan nghênh, cái tâm niệm tín ngưỡng tự nhiên phát lộ, liền đảnh lễ ngài và đi xung quanh ba vòng, rồi cũng ngồi xuống một bên ngài mà chăm nghe lời giảng dạy.

Vua nghe đức Bảo Tạng Như Lai diễn đủ các pháp, thì lòng đã mở thông, căn thân thanh tịnh, rõ đường giải khổ, biết sự làm lành, liền quỳ xuống chấp tay mà thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn!  Nay tôi muốn sắm đủ những đồ ăn uống, áo chăn, mền nệm, và thuốc men, đặng dâng cúng cho ngài và đại chúng luôn trọng ba tháng ở đây mà giảng đạo, xin ngài từ bi ái nạp."

Vua Vô Tránh Niệm thấy Phật nhận lời, liền trở về truyền lịnh sắm sửa đủ mọi lễ, cứ đúng buổi mà dâng cúng không hề trễ nãi.

Vua lại khuyên bảo các vị vương tử, đại thần, quyến thuộc và nhân dân rằng: "Các ngươi có biết hay không?  Nay trẫm đã mở lòng  bố thí, kính thỉnh đức Bảo Tạng Như Lai và đại chúng đến mà cúng dường trọn ba tháng.  Những đồ báu trọng ngon đẹp của trẫm thọ dụng bấy lâu nay đều đem dâng cúng tất cả.  Các ngươi cũng thể theo ý trẫm xả bớt huyễn tài mà cúng Phật, Tăng, đặng cầu phước báu."

Cả thảy đều vâng lời vua khuyên, hết lòng sắm sửa lễ vật mà dâng cúng Phật.

Có một hôm, quan đại thần Bảo Hải, là phụ thân của đức Bảo Tạng Như Lai, nằm chiêm bao thấy vua Vô Tránh Niệm làm sự bố thí lớn, mà việc cầu phước báu thì nhỏ.  Sự ao ước của vua còn thuộc về phước hữu lậu trong cõi nhân thiên, chưa thoát ra khỏi luân hồi sanh tử.

Vậy nên quan đại thần chẳng đặng vui lòng, vì ý của ông muốn làm sao cho vua phát tâm cầu quả Bồ Đề, tu thành Phật đạo mà cứu vớt mọi loài chúng sanh, chớ không muốn cho vua cầu phước báu nhỏ nhen như hàng tiểu dân vậy.

Quan đại thần suy nghĩ như vậy, bèn đến chỗ Phật Bảo Tạng Như Lai tỏ điềm chiêm bao ấy, và tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng: "Muôn tâu Đại Vương!  Xin suy nghĩ đến việc này.  Về sự sanh tử luân hồi phải bỏ thân này mang lốt khác, nên khó đặng thân người.  Nay Đại Vương đã cảm lấy phước báu làm đặng vương thân, thiệt là quí báu biết dường nào!  Các đức Phật tùy cơ duyên của chúng sanh cảm triệu mà ứng hiện ra đời, cũng như bông hoa ưu đàm ứng thời mà nở, thiệt là ít có!  Nay Đại Vương gặp Phật xuất thế, thì phần hân hạnh biết bao!  Dứt trừ lòng dục vọng, làm mọi sự phước duyên, cũng là việc khó mà Đại Vương làm đặng như vậy, thiệt là ít ai bì đặng!

Xin Đại Vương thứ lỗi cho ngu thần hỏi lời này: Ngày nay Đại Vương cúng dường Phật, Tăng, dùng phước duyên đó mà cầu nguyện những việc chi, xin cho ngu thần rõ.

Nếu Đại Vương muốn cầu sanh về cõi trời mà làm một vị thiên tử hưởng sự phước thọ hay là muốn cầu sanh về cõi nhân gian làm vua Chuyển Luân, thống lãnh bốn châu thiên hạ như ngày nay vậy, thì cũng còn ở trong khổ ải, chớ chưa ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Thưa Đại Vương!  Hai sự phước báu tôi đã trần tấu đó đều là tướng vô định, đều là sự vô thường, thí như cơn gió thổi, dường tợ đám mây tan, có chắc chắn lâu dài chi đâu mà phải cầu nguyện!

Nếu sanh về cõi trời, khi hưởng sự khoái lạc mà có tạo ác nghiệp, thì cũng phải đoạ vào địa ngục, đặng chịu khổ.  Còn như sanh về cõi nhân gian, thì lại chiu mọi sự khổ não phần thì oán cừu gặp gỡ, phần thì ân ái chia lìa, cái khổ trạng ấy không thể kể xiết.

Vì Đại Vương nhờ nhân duyên tu phước đời trước, nên mới hưởng đặng sự tôn vinh như vầy.  Nếu nay Đại Vương giữ gìn giới luật, thì sẽ đặng phước báu lớn hơn nữa, còn như tu học chánh pháp, thì sẽ thành chủng trí.

Vậy xin Đại Vương nên phát tâm cầu đạo vô thượng bồ đề, chớ đừng cầu nguyện những việc phước nhỏ nhen như hạng người thường kia vậy."

Vua Vô Tránh Niệm nghe quan đại thần Bảo Hải khuyến thỉnh như thế, thì tâm lượng tự nhiên mở rộng, liền đáp rằng: "Trẫm chẳng cầu những việc như khanh nói đó đâu!  Trẫm muốn trãi khắp trong đường sanh tử, làm sự bố thí, trì giới, hầu nghe những pháp mầu nhiệm, tu hạnh bồ tát và cứu vớt chúng sanh, do nhân duyên ấy mà phát tâm bồ đề."

Đại thần Bảo Hải lại nói rằng: "Bồ Đề là một đạo rất trong sạch sáng suốt, rất ngay thẳng chính đáng, rất trang nghiêm tốt đẹp, rất rộng lớn cao sâu, khắp cả hư không, trùm cả sa giới, rất có oai thần mảnh lực.

Vả lại đạo Bồ Đề là hạnh bố thí, sẽ đặng giàu sang, là hạnh trì giới, sẽ đặng thanh tịnh, là hạnh nhẫn nhục, sẽ đặng vô ngã, là hạnh tinh tấn, sẽ đặng bất thối, là hạnh thiền định, sẽ đặng vắng lặng, là hạnh bát nhã, sẽ đặng sáng suốt.

Tu được như vậy mới đến chỗ an lạc và mới chứng đặng quả niết bàn.  Vậy xin Đại Vương nên phát tâm mà cầu đạo ấy."

Vua Vô Tránh Niệm đáp rằng: "Này khanh!  Đương thời trung kiếp, mỗi người sống lâu chỉ có tám vạn tuổi mà thôi!  Nay đức Bảo Tạng Như Lai ứng hiện ra đời mà giáo hóa chúng sanh, hoặc có kẻ chứng pháp tam muội, hoặc có người đặng bậc bồ tát, hoặc đặng thọ ký làm Phật, hoặc đặng quả báo nơi cõi nhân thiên.  Trong hàng chúng sanh có một người nào không trồng căn lành mà đức Như Lai chẳng nói pháp đoạn khổ.

Tuy ngài là phước điền của chúng sanh, song những người không có căn lành thì ngài không có thể hóa độ cho dứt đặng mọi sự khổ não.

Nay Trẫm phát bồ đề tâm, tu bồ tát hạnh, học đạo đại thừa, chứng pháp môn rất mầu nhiệm, chuyên làm Phật sự mà giáo hóa chúng sanh.  Trẫm muốn cầu làm sao cho khi thành đạo bồ đề, thì thế giới đặng trang nghiêm thanh tịnh, chúng sanh không còn có một chút khổ gì.  Nếu đặng như vậy thì Trẫm sẽ chứng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác."

Vua Vô Tránh Niệm nói như vậy rồi, bèn đi với quan đại thần Bảo Hải đến chỗ đức Bảo Tạng Như Lai, thấy ngài đương nhập định, lại dùng phép thần thông biến hóa và phóng hòa quang sáng suốt, hiện cả mười phương thế giới của chư Phật ra trước mặt cho chúng hội xem: hoặc có cõi Phật đã niết bàn rồi, hoặc có cõi Phật đương niết bàn, hoặc có các cõi vị bồ tát mới ngồi nơi đạo trang dưới cây bồ đề, đương hàng phục chúng ma, hoặc có cõi Phật mới thành đạo và mới nói pháp, hoặc có cõi Phật thành đạo đã lâu, đương còn nói pháp, hoặc có thế giới toàn là các bậc bồ tát, hoặc có thế giới toàn là những hàng thanh văn và duyên giác, hoặc có thế giới không có Phật,bBồ tát, thanh văn và duyên giác chi hết, hoặc có thế giới đủ năm món ác trược, hoặc có thế giới đủ các thứ trang nghiêm, hoặc có thế giới bèn dơ nhớp, hoặc có thế giới tốt đẹp lạ thường, hoặc có thế giới mà nhân dân sống lâu vô cùng, hoặc có thế giới mà nhân dân thọ mạng ngắn ngủi, hoặc có thế giới thường bị tai nạn thủy hoả, hoặc có thế giới hằng bị tai nạn gió bão, hoặc có thế giới gần thành tựu, hoặc có thế giới đã thành tựu rồi.

Đại thần Bảo Hải thấy vậy, bèn tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng: "Nay Đại Vương nhờ sức oai thần của đức Như Lai mà đặng thấy các thế giới, vậy Đại Vương phát bồ đề tâm muốn cầu lấy thế giới nào."

Vua chấp tay mà thưa với đức Bảo Tạng Như Lai rằng: "Bạch đức Thế Tôn!  Chẳng biết các vị bồ tát tu hạnh gì mà chiếm đặng cõi Phật tốt đẹp trang nghiêm, tu nghiệp gì mà chiếm đặng thế giới xấu xa ác trược.

Do nghiệp gì mà đặng thọ mạng lâu dài, tạo nghiệp gì mà thọ số ngắn ngủi?  Xin ngài chỉ dạy hco tôi biết mà tu học."

Đức Bảo Tạng Như Lai nói rằng: "Vì bởi các vị Bồ Tát có sức thệ nguyện, muốn ở cõi thế giới thanh tịnh, không có các điều ác trược, nên sau khi thành đạo được về ở cõi ấy rất trang nghiêm.

Còn các vị Bồ Tát nào do sức thệ nguyện, muốn ở cõi thế giới ngũ trược đủ sự phiền não, nên sau khi thành đạo về ở cõi ấy."

Vua Vô Tránh Niệm lễ Phật rồi lui trở về trong cung, một mình ngồi im lìm mà suy nghĩ đến sự thệ nguyện của mình, mong cầu cho đặng cõi cực kỳ tốt đẹp, đặng tiếp dẫn chúng sanh.

Suy nghĩ rồi vua bèn trở lại lễ Phật mà thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn!  Vì tôi muốn chứng đạo bồ đề, nên đem công đức cúng dường ngài và đại chúng trong ba tháng mà cầu đặng cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm.

Bạch đức Thế Tôn!

1.  Nay tôi nguyện trong khi tôi thành Phật, làm sao đặng một thế giới đủ sự vui đẹp, hình dạng nhân dân trong cõi ấy toàn là sức vàng và không có những đường địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh xen ở chung lộn.  Hết thảy chúng sanh nơi cõi ấy chẳng khi nào còn phải thối chuyển mà đọa vào trong ba đường dữ đó nữa, và người nào cũng đủ sáu phép thần thông và căn thân tốt đẹp.

2.  Tôi nguyện tất cả chúng sanh được về cõi ấy, đều thành đàn ông tươi tốt vô cùng, không còn thọ báo sắc thân đàn bà và cũng chẳng cần có danh hiệu của người đàn bà nữa.  Hết thảy chúng sanh khi được về đó, thần thức đầu thai trong bông sen, lúc bông nở ra thì căn thân xinh tốt, thọ mạng lâu dài, không kể xiết đặng.

3.  Tôi nguyện cõi ấy đặng trang nghiêm, cảnh vật thiệt xinh đẹp, không có mọi sự nhiễm trược, hằng có hoa tốt hương thơm mùi bay các hướng.

4.  Tôi nguyện cho chúng sanh trong cõi ấy, ai nấy cũng đều đặng bao mươi hai tướng tốt, sáu phép thần thông, trong giây phút dạo khắp các cõi Phật trong mười phương, đặng cúng dường và nghe pháp, rồi trở về cũng chưa trễ buổi ăn.

5.  Tôi nguyện nhân dân trong cõi ấy đều đặng mọi sự thọ dụng tự nhiên, đúng giờ ăn thì có đủ các món ngon vật lạ hiện ra trước mắt, còn muốn bận đồ gì thì có áo xiêm tốt đẹp hiện ra bên mình, không cần phải sắm sửa như trong cõi nhân gian nầy.

6.  Tôi phát nguyện cầu đặng cõi Phật như vậy, đặng từ rày về sau, đời đời kiếp kiếp, thường tu hạnh bồ tát, làm sự hi hữu mà tạo thành cõi Tịnh Độ, đến thời kỳ chứng đạo thì ngồi dưới cây bồ đề mà thành quả chánh giác, phóng hào quang soi các thế giới cho các đức Phật đều xem thấy, đặng khen ngợi danh hiệu của tôi.

7.  Tôi nguyện khi thành Phật rồi, những loài chúng sanh ở trong thế giới khác, đã có tu tập thiện căn, hể nghe danh hiệu tôi mà muốn sanh về cõi tôi, đến khi lâm chung đặng vãng sanh, chỉ trừ những người phạm tội ngũ nghịch, tội chê bai các pháp đại thừa và phá hư chánh pháp mà thôi.

8.  Tôi nguyện khi tôi thành Phật rồi, mà có chúng sanh ở các thế giới đã phát bồ đề tâm, tu bồ tát đạo, muốn sanh về cõi tôi, thì đến khi mạng chung, tôi và đệ tử tôi đều hiện thân đến trước mặt người ấy đặng tiếp dẫn.

9.  Tôi nguyện khi tôi nhập diệt, trải vô số kiếp về sau những người nữ nhân ở trong các thế giới nghe danh hiệu tôi mà chăm lòng vui mến và phát bồ đề tâm, cho đến lúc thành Phật, cứ cảm báo đặng làm thân đàn ông hoài, chớ không khi nào còn mang lấy thân đàn bà nữa.

Bạch đức Thế Tôn!  Tôi nguyện đặng cõi Phật như vậy, chúng sanh như vậy, mọi sự thanh tịnh trang nghiêm như vậy, thì tôi mới chịu thành Phật."

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe vua Vô Tránh Niệm nguyện mấy lời ấy rồi khen rằng; "Hay thay!  Hay thay!  Đại Vương phát nguyện sâu lớn, muốn cõi thanh tịnh.  Kìa Đại Vương hãy xem qua hướng Tây, cách trăm ngàn muôn ức cõi Phật có một thế giới gọi là Tôn Thiện Vô Cấu, giáo chủ cõi ấy hiệu là Tôn Âm Vương Như Lai, hiện nay đương vì các bậc bồ tát mà giảng dạy pháp đại thừa, giáo hóa các người thượng căn, chứ không diễn thuyết mấy pháp quyền tiểu.

Trong cõi ấy cũng không có chúng sanh căn trí tiểu thừa và cũng không có một người nữ nhân.  Nhưng y báo (cảnh vật) và chánh báo (căn thân) của Phật Tôn Âm Vương Như Lai thiệt thanh tịnh trang nghiêm, rất xứng hiệp với chỗ cầu nguyện của Đại Vương đó!  Vì Đại Vương có thệ nguyện muốn cõi thanh tịnh, nên nay ta đổi hiệu Đại Vương là Vô Lượng Thanh Tịnh.

Khi Vô Lượng Thanh Tịnh mãn một trung kiếp, thì đức Phật Tôn Âm Vương Như Lai nhập niết bàn, chánh pháp truyền bá đặng mười trung kiếp.  Đến khi diệt độ, trải qua sáu mươi trung kiếp, thì cõi Tôn Thiện Vô Cấu đổi tên lại là Di Lâu Quang Minh, có đức Phật hiệu là Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương  Như Lai, ứng hiện ra đời mà hóa đạo chúng sanh.  Sau khi đức Phật ấy nhập Niết Bàn rồi, trải vô số hằng sa kiếp và vô lượng Phật diệt độ, thì cõi Di Lâu Quang Minh đổi tên lại là An Lạc, đến thời kỳ Vô Lượng Thanh Tịnh chứng quả về cõi đó mà thành Phật thì hiệu là A Di Đà Như Lai (Vô Lượng Thọ), sống lâu vô cùng, tiếp dẫn vô lượng chúng sanh trong các thế giới về đó, rồi giáo hóa cho thành Phật đạo tất cả."

Vua Vô Tránh Niệm nghe Phật Bảo Tạng Như Lai thọ ký như vậy liền thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn!  Nếu lòng thệ nguyện của tôi quả đặng y như lời thọ ký của ngài, thì tôi kính lễ xin nhờ ngài dùng phép thần thông làm cho các đức Phật ở trong hằng sa thế giới cũng thọ ký cho tôi như ngài nữa."

Vua Vô Tránh Niệm thưa rồi, đương cúi đầu lễ, tức thì mười phương thế giới thảy đều vang động.

Vua ở trong pháp hội nghe chư Phật đều thọ ký cũng như lời đức Phật Bảo Tạng đã nói trên đó, thì rất đỗi vui mừng, liền chấp tay đảnh lễ, rồi ngồi nghe Phật Bảo Tạng thọ ký cho các vị bồ tát khác.

Từ đó về sau, vua Vô Tránh Niệm mạng chung thọ sanh ra các đời khác, kiếp nào cũng giữ lời bổn nguyện, tu hạnh bồ tát cứu độ chúng sanh, trải vô lượng kiếp quả mãn công viên hiện thành chánh giác, đến nay đã mười đại kiếp rồi, ngài ở cõi Cực Lạc thế giới bên Tây phương, đương giảng dạy các pháp đại thừa và hằng tiếp dẫn chúng sanh đem về cõi ấy.

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát

Nam mô Địa Tạng Bồ Tát

Nam mô Di Lặc Bồ Tát

Nam mô Đức Chuẩn Đề Bồ Tát

(trích Sự tích Đức Phật A Di Đà và bảy vị Bồ Tát)

Những yếu tố xây dựng cuộc sống hạnh phúc

1224a16431d73c08

Sống trong cuộc đời này, bất cứ ai cũng đều muốn có được một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc sống an lành vững bền. dĩ nhiên, đó là ước muốn thì bất cứ ai cũng đều có thể muốn, nhưng để đạt được một cuộc sống an lành, hạnh phúc thì điều đó không phải là dễ, mà đạt được hạnh phúc rồi, muốn cho nó được bền vững lâu dài thì lại càng khó hơn nữa. Nếu như chúng ta là những người con Phật thì chúng ta hãy tự hoan hỷ với chính mình, bởi vì cách đây hơn 25 thế kỷ, Đấng Từ Phụ của chúng ta đã giảng dạy về tám yếu tố căn bản để thiết lập một cuộc sống hạnh phúc và duy trì niềm hạnh phúc đó cho được bền vững lâu dài đến cho hàng đệ tử của Ngài.

Theo kinh điển ghi lại, Đức Thế Tôn đã giảng dạy về tám yếu tố hay còn gọi là tám đức tính căn bản mà người tại gia cư sĩ cần phải có để thiết lập cho mình một cuộc sống hạnh phúc, tức là người nào có được những đức tính này thì người ấy sẽ có được một cuộc sống an lạc, thoải mái cả về vật chất lẫn tinh thần, không chỉ ở đời hiện tại này mà còn luôn cho cả đời tương lai về sau nữa.

Tương truyền rằng: khi Đức Thế Tôn đang ngự tại Kakkarapatta, một thị trấn của dân chúng Koliya, lúc bấy giờ, thiện nam tử Dīghajānu đã đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và trình bạch với Thế Tôn như sau:

- Bạch Thế Tôn, chúng con là những người gia chủ thọ hưởng những dục vọng, sống hệ phược với vợ con, dùng các hương chiên-đàn ở Kāsi, đeo và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, thọ lãnh vàng và bạc; bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy thuyết pháp cho những người như chúng con, thuyết như thế nào để những pháp ấy đem đến cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại, và hạnh phúc an lạc trong tương lai.

Với lời thỉnh cầu tha thiết của thiện nam tử Dīghajānu, Đức Thế Tôn đã giảng dạy về bốn yếu tố để đạt đến hạnh phúc trong hiện tại và bốn yếu tố để đưa đến hạnh phúc trong tương lai. Như vậy, với tám yếu tố này, là tám đức tính mà người tại gia cư sĩ cần phải có để xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc ngay trong hiện tại và cả tương lai. Tám đức tính đó là gì? Đó là:

1. Đầy đủ sự tháo vát (uṭṭhānasampadā).

2. Đầy đủ phòng hộ (ārakkhasampadā).

3. Làm bạn với thiện (kalyāmittatā).

4. Sống thăng bằng điều hòa (samajīvitā).

5. Đầy đủ lòng tin (saddhāsampadā).

6. Đầy đủ giới đức (sīlasampadā).

7. Đầy đủ bố thí (cāgasampadā).

8. Đầy đủ trí tuệ (paññāsampadā).

Đây được gọi là tám yếu tố căn bản cần thiết của người tại gia để tạo dựng nên một cuộc sống hạnh phúc ngay hiện tại và cả trong tương lai.

1. Đầy đủ sự tháo vát (uṭṭhānasampadā) – tức là có sự siêng năng, tháo vát trong công việc, trong nghề nghiệp của mình để tạo nên sự thành thạo, sự điêu luyện trong phong cách làm việc, ngoài ra, còn phải khôn khéo trong việc tìm ra những giải pháp, những cách giải quyết trong công việc và còn phải biết cách sử dụng nguồn nhân lực, sử dụng sức lao động một cách hợp lý và đúng chỗ, làm được như vậy thì công việc của mình mới đem đến hiệu quả năng suất cao.

Này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ sự tháo vát? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử làm nghề gì để sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong các nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm; này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự tháo vát.

2. Đầy đủ phòng hộ (ārakkhasampadā) – tức là đủ sức và biết cách bảo vệ những tài sản của mình đã tạo dựng ra, biết cách gìn giữ những gì mình đã thu hoạch được, không cho nó bị mất đi, không để nó bị mất mát hoặc hư hỏng như là không để cho trộm cướp lấy mất, không để cho hỏa hoạn hay lũ lụt cuốn trôi, không để cho chính quyền hay nhà cầm quyền tịch biên, không để cho con cháu phá hoại, đó mới gọi là tự mình phòng hộ tài sản của chính mình.

Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ phòng hộ? Ở đây, này Byagghapajja, những tài sản của thiện nam tử do tháo vát tinh tấn thâu hoạch được, do sức mạnh bàn tay cất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch được đúng pháp, vị ấy giữ gìn chúng, phòng hộ và bảo vệ: "Làm thế nào các tài sản này của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con thừa tự không khả ái cướp đoạt". Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ sự phòng hộ.

3. Làm bạn với thiện (kalyāmittatā) – tức là thường giao du, thân cận với những người bạn lành, hiền thiện, có đạo đức và hạnh kiểm tốt để được học hỏi những đức tính tốt từ những người bạn này.

Và này Byagghapajja, thế nào là làm bạn với thiện? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có gia chủ hay con người gia chủ, những trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, vị ấy làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập với đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, vị ấy học tập với đầy đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, vị ấy học tập với đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ, vị ấy học tập với đầy đủ trí tuệ. Này Byagghapajja, đây gọi là làm bạn với thiện.

4. Sống thăng bằng điều hòa (samajīvitā) – tức là biết sống có chừng mực, thích ứng với tài sản mà mình có được, không sống tiêu pha, phung phí mà cũng không nên quá keo kiết, bủn xỉn, phải biết sử dụng tài sản sao cho cân đối, thích hợp trong việc thu chi để cuộc sống không trở nên quá hoang phí mà cũng không bị thiếu thốn.

Và này Byagghapajja, thế nào là sống thăng bằng, điều hòa? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Vị ấy suy nghĩ: "Ðây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy". Ví như, này Byagghapajja, người cầm cân hay đệ tử người cầm cân, sau khi cầm cân biết rằng: "Với chừng ấy, cân nặng xuống, hay với chừng ấy, cân bổng lên". Cũng vậy, này Byagghapajja, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Vị ấy suy nghĩ: "Ðây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy". Này Byagghapajja, nếu thiện nam tử này tiền nhập vào ít, nhưng sống nếp sống rộng rãi, hoang phí, thời người ta nói về người ấy như sau: "Người thiện nam tử này ăn tài sản của vị ấy như ăn trái cây sung". Này Byagghapajja, nếu người thiện nam tử này có tiền nhập lớn, nhưng sống nếp sống cơ cực, thời người ta sẽ nói về vị ấy như sau: "Người thiện nam tử này sẽ chết như người chết đói". Khi nào, này Byagghapajja, thiện nam tử này, sau khi biết tài sản nhập, và sau khi biết tài sản xuất, sống nếp sống thăng bằng đìều hoà, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Vị ấy suy nghĩ: "Ðây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải đây là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy". Này Byagghapajja, đây gọi là nếp sống thăng bằng điều hòa.

5. Đầy đủ lòng tin (saddhāsampadā) – tức là thành tựu được niềm tin, đức tin chân chánh nơi Tam Bảo, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.

Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ lòng tin? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có lòng in, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ lòng tin.

6. Đầy đủ giới đức (sīlasampadā) – tức là trở thành người có đầy đủ giới đức, hạnh kiểm, trở thành người có nếp sống đạo đức dựa trên tinh thần giới luật của bậc thiện trí, như là không sát hại chúng sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không rượu chè...

Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ giới đức? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ giới đức.

7. Đầy đủ bố thí (cāgasampadā) – tức là phải biết mở rộng tấm lòng bố thí, dứt bỏ của cải, tài sản, có tấm lòng chia sẻ với những người còn thiếu thốn, khó khăn, ngoài ra cũng phải biết bỏ tài sản ra để bố thí cúng dường đến các bậc sa-môn, bậc trì giới.

Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ bố thí? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế, xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay mở rộng, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia sẻ vật bố thí. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ bố thí.

8. Đầy đủ trí tuệ (paññāsampadā) – tức là phải có lý trí, có sự hiểu biết chân chánh, có trí tuệ nhận rõ thiện ác, nhậc thức rõ điều lợi ích hay nguy hại, nhận thức rõ việc nên làm hay không nên làm và nhất là dùng trí tuệ để tu tập diệt trừ phiền não, hướng đến sự chấm dứt khổ đau của sanh tử luân hồi.

Và này Byagghapajja, thế nào là đầy đủ trí tuệ? Ở đây, này Byagghapajja, thiện nam tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với thánh thể nhập (quyết trạch), chơn chánh chấm dứt khổ đau. Này Byagghapajja, đây gọi là đầy đủ trí tuệ.

Đó là tám yếu tố, đức tính giúp đem đến cho những người cư sĩ tại gia xây dựng cuộc sống hạnh phúc theo tinh thần rốt ráo của Phật Giáo. Tám đức tính này giúp cho những người con Phật có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc, thoải mái về vật chất lẫn tinh thần, về đời sống kinh tế cũng như là nếp sống đạo đức của những con người đang hướng đến chân-thiện-mỹ.

Tháo vát trong công việc

Không phóng dật, nhanh nhẹn

Sống đời sống thăng bằng

Giữ tài sản thâu được

Có tin, đầy đủ giới

Bố thí, không xan tham

Rửa sạch đường thượng đạo

An toàn trong tương lai

Ðây chính là tám pháp

Bậc tín chủ tìm cầu

Bậc chân thật tuyên bố

Ðưa đến lạc hai đời

Hạnh phúc cho hiện tại

Và an lạc tương lai

Ðây trú xứ gia chủ

Bố thí, tăng công đức.

TK. ĐỊNH PHÚC

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tăng Chi Bộ Kinh 4, Chương Tám Pháp, Phẩm Gotamī, Kinh Dīghajānu – Người Koliya. (A.IV.281)

Thursday, December 8, 2011

Xúi Người Khác Làm Ác, Tội Mình Tăng Gấp Ba

284280_1850240781131_1394075323_31590837_7263995_n

Bất luận trước mặt người nào cầu xin sám hối, chúng ta đều phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, bóng gió.
Hôm qua tôi giảng một cách đơn sơ cho quý-vị nghe về ý nghĩa của sự sám hối, chỉ giảng tới đoạn "Thân cận ác hữu, hủy bối lương sư." Bây giờ tôi sẽ giảng tiếp đoạn sau:
"Tự tác giáo tha" nghĩa là tự mình làm, xúi người khác làm hoặc thấy hay nghe người khác làm, mà thuận lòng theo. Chúng ta phải biết rằng sát sanh, ăn cắp, tà dâm, nói dối hay rượu chè đều là những hành vi không chính đáng, đó là những thứ tạo tội nghiệp. Những tội nầy được phân làm bốn loại: Nhân, duyên, pháp, nghiệp (nguyên nhân, điều kiện tiếp trợ, phương thức và việc làm). Sự sát sinh gồm có sát nhân, sát duyên, sát pháp, sát nghiệp; bất luận giới nào trong đó cũng có "tự tác" hay "giáo tha tác," nghĩa là tự mình làm hoặc xúi kẻ khác làm.
"Tự mình làm" nghĩa là không dùng tay kẻ khác, mà chính mình đi làm chuyện bất chính. "Xúi kẻ khác làm" tức là cổ vỏ hoặc bảo người đó làm chuyện không đúng. Ðó là phạm tội một cách gián tiếp. So sánh với tội trực tiếp thì tội gián tiếp nầy nặng hơn một phần, bởi vì tự mình đã có tội rồi mà mình còn mang thêm tội nữa là xảo trá. Cho nên tự làm đương nhiên có tội rồi, mà xúi kẻ khác làm thì tội càng nặng hơn.
Thế nào là "kiến văn tùy hỷ"? (thấy, nghe rồi tùy hỷ), nghĩa là mình biết kẻ khác phạm tội mà còn giúp kẻ đó nữa, cũng giống như người xưa nói: "Trợ trụ vi xuyết" nghĩa là giúp vua Trụ làm việc bạo ngược. Hãy thử nhắm mắt lại tưởng tượng rằng từ vô thỉ đến nay, mình đã phạm lỗi lầm nầy bao nhiêu lần rồi? Cũng không cần hồi tưởng lâu xa như vậy. Chỉ xét trong cuộc đời ngắn ngủi này, tội mình phạm đã không thể kể xiết rồi.
Cho nên trong bài Sám-hối tiếp theo là câu: "Như thị đẳng tội, vô lượng vô biên." Nghĩa là những tội như vậy không bờ bến, không hạn lượng được. Không những tội mình không thể kể hết được mà nó còn nhiều không biên tế. Nếu như đã biết tội sâu dầy như vậy thì mình phải làm sao bây giờ? Không nói cũng biết rằng mình cần đối trước Phật mà khẩn thiết sám hối.
Do vậy cho nên bài Sám-hối lại tiếp: "Cố ư kim nhật, sinh đại tàm quý. Khắc thành bì lộ, cầu ai sám hối." "Khắc thành" hai chữ này có nghĩa là thành tâm. Khi sám hối điều cần nhất là phải thành tâm. Có những người tuy sám hối với sư phụ nhưng họ hết sức dối trá. Nhưng thường thì giấu đầu lòi đuôi. Ðem tội lỗi của họ mà ngụy trang che giấu đi. Ðó cũng là biểu thị họ không có thành ý sám hối tội lỗi của mình. Với cách sám hối lếu láo như vậy thì dù họ có trải qua trăm ngàn vạn ức, hằng hà sa số kiếp cũng không thể nào làm cho tội nghiệp họ tiêu trừ tường tận được.
Cho nên nói "Trực tâm là đạo tràng" tức là tâm ngay thẳng là đạo tràng. Khi sám hối với ai, mình phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, nghĩa hai đằng. Ví dụ như khi hỏi rằng có phạm tội chi không? Thì trả lời rằng "tôi không nhớ" hoặc là "có lẽ có" v.v... Sám hối không triệt để như vậy không những không tiêu trừ được tội nghiệp mà còn trồng thêm nhân xấu nữa. Trong Phật-pháp, dù cho việc nhỏ như sợi tóc cũng không được lếu láo, coi thường. Nhưng có người lại nói lên ví dụ như sau: "Có ông nọ luôn luôn tạo ra những tội nghiệp, toàn làm những chuyện ác nhưng không hiểu sao hiện giờ ông nầy vẫn làm ăn giàu có, như vậy là không có nhân quả, không có công lý phải không?" Có một bài kệ như sau:
Túng sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong;
Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ.
Nghĩa là:
Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu;
Nhân duyên đầy đủ thời, quả báo mình lại thọ.
Bởi thế cho nên phải biết nghiệp mình tạo ra thì thế nào cũng có báo ứng; chỉ là vấn đề thời gian, mau hay chậm, nhân duyên đã hội hợp đầy đủ chưa mà thôi.
Lại có người nói nếu như "Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu, vậy mình không có cách gì để làm tiêu trừ được tội chướng của mình sao?" Cũng không phải là không có biện pháp. Biện pháp để trừ tội nghiệp là "Duy nguyện Tam-bảo, từ bi nhiếp thọ, phóng tịnh quang minh, chiếu xúc ngã thân." Nghĩa là nguyện xin Tam-bảo, từ bi dẫn dắt, phóng ánh sáng lành, chiếu rọi thân con. Hy vọng Phật, Pháp, Tăng, Tam-bảo có thể theo chí nguyện từ bi của các Ngài mà dùng ánh quang minh thanh tịnh vô ngại chiếu sáng nơi thân của mình. Khi ánh quang minh chiếu đến thân mình, tam chướng (phiền não chướng, báo chướng, và nghiệp chướng) được tiêu trừ, giống như mây trôi trăng hiện, bản lai thanh tịnh của tâm mình lại bừng hiện vậy. Cho nên nói "Chư ác tiêu diệt, tam chướng nguyện trừ. Phục bổn tâm nguyên, cứu cánh thanh tịnh." Nghĩa là chư ác tiêu diệt rồi thì tam chướng đều quét sách. Khôi phục lại nguồn tâm cứu cánh luôn thanh tịnh.
Sau khi giảng xong bài văn Sám-hối nầy, tôi hy vọng rằng quý-vị hiểu sự tai hại của chuyện không sám hối và lợi ích của việc sám hối. Ngoài ra còn có một bài sám hối như sau:
Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thủy tham sân si,
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết ngã kim giai sám hối.
Dịch là:
Mọi thứ ác nghiệp tạo từ xưa,
Ðều do vô thỉ tham, sân, si,
Ở nơi thân, miệng, ý mà sinh,
Con nay sám hối hết tất thảy.
Bài sám hối nầy không những có thể làm mình sám hối được tội chướng mà còn chỉ cho thấy nguyên nhân của việc tạo tội. Do đó tôi hy vọng rằng quý-vị mỗi ngày ở trước bàn Phật niệm bài văn nầy tối thiểu ba lần. Bây giờ tôi sẽ giải thích sơ qua ý nghĩa của bài này cho quý-vị nghe.
"Vãng tích" nghĩa là hồi xưa; gần là nói trong đời nầy mà xa nữa là nói vô lượng kiếp về trước. Trong thời gian đó, chẳng những là có lúc mình vào bụng trâu hay ra thai ngựa, cũng có khi sinh vào nhà họ Trương, lại có lần làm con họ Lý. Luân chuyển trong lục đạo, và trong giai đoạn nầy, không biết mình đã tạo ra bao nhiêu là tội nghiệp nữa.
Vì sao mà mình tạo tội nghiệp? Bài sám hối giải thích rất rõ ràng, "Tất cả đều do vô thỉ tham, sân, si" nghĩa rằng do tam độc tham, sân, si làm phát sinh vô số tội nghiệp. Cũng lại vì ba thứ độc nầy làm chủ nên thân thể mình mới phạm vào những tội như sát sinh, trộm cắp, và dâm dục. Miệng thì phát sinh ra những tội vọng ngữ, nói thêu dệt, nói lời ác ôn, nói lưỡi hai đằng. Cho nên trong bài văn có nói "Tùng thân ngữ ý chi sở sanh" nghĩa là do nơi thân, ngữ, ý mà phát sinh ra.
Bất luận là tội do thân tạo ra như là sát sinh, trộm cắp, dâm dục hoặc là nơi miệng tạo ra như là nói láo, nói lời ác ôn, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai đằng hoặc là tội phát sinh nơi ý niệm như tham, sân, si, mình đều phải khẩn thiết sám hối. Nếu không thì mình giống như người rớt vào bùn lầy, càng lúc càng lún sâu. Khi tội nghiệp càng lúc càng thâm trọng thì chính mình cũng không còn chỗ nào ngoi lên được, không còn cách gì mà cứu vớt được nữa.
Tôi hy vọng rằng quý-vị hiện ngồi đây đều có đầy đủ thiện căn, không quên chuyện sám hối, nhất định quý-vị có thể phát nguyện sám hối nghiệp chướng và tiêu trừ tất cả tội lỗi.

theo Dharmasite

THỨC ĂN THẦN DƯỢC

Chế độ ăn uống tốt, là cung cấp đủ năng lượng kiến tạo tế bào và đào thải độc tố, cân bằng axít và kiềm trong máu (là cân bằng âm dương). Nếu ăn uống sai, không tiêu hóa hết, dư thừa axít thì rêu lưỡi trắng, táo bón và bệnh nặng thêm. Ăn uống đúng có thể phục hồi tuyến yên, làm vượng kinh mạch huyệt đạo, nhờ vậy nhiều bệnh tự khỏi, hoặc kéo dài tuổi thọ có thêm cơ hội chữa bệnh nan y. Nên việc ăn uống sạch đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, góp phần đắc lực trong điều trị bệnh, phòng bệnh. Nhiều người đã chết vì suy dinh dưỡng, vì nghèo đói, vì thiếu hiểu biết, vì quan niệm cực đoan hành xác. Hiện nay chế độ ăn của bệnh nhân phần lớn chưa đủ năng lượng vì thức ăn khó tiêu hóa kém hấp thụ, vừa thừa vừa thiếu. Nếu cung cấp đầy đủ năng lượng bệnh nhanh khỏi. Tiến sĩ lương y Nguyễn Hữu Khai khẳng định: “Nguyên nhân căn bản của hơn 90% căn bệnh hành hạ con người chính là sự táo bón, sự tích tụ các chất sỉ, lẽ ra phải được đẩy ra ngoài cơ thể”.

Thế nào là thức ăn sạch ? Đây là một tiêu chí chưa rõ ràng, giữa dinh dưỡng và tôn giáo, nên có người ăn chay, ăn mặn không đúng đã bị suy nhược, bệnh nặng thêm. Khái niệm sát sinh cần phân loại cụ thể hơn. Sát sinh động vật có não bộ phát triển, sự đau đớn giận dữ trước khi chết, sẽ phát sinh độc tố phóng vào máu toàn thân nhiễm trược cực đại. Con người ăn thức ăn này lãnh nhận trược khí, nuôi mầm bệnh, tính nóng nảy hay tức giận. Động vật cấp thấp, não bộ không phát triển, ít phát sinh trược khí, được coi là thức ăn sạch cung cấp nguồn đạm quý báu cho con người. Người bình thường cần chất đạm, và nhiều thành phần dinh dưỡng khác. Thức ăn không hóa chất được coi là thức ăn sạch. Như vậy thức ăn sạch là thức ăn không hóa chất, không nhiễm trược. Ăn chay cũng chưa sạch khi rau quả nhiễm độc. Người bình thường cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Chỉ một số người tu luyện đặc biệt thành công hấp thụ năng lượng vũ trụ dồi dào, thì không còn lệ thuộc ăn uống. Người có bệnh bắt chước ăn như vậy không đủ dinh dưỡng thì suy nhược. Cho nên việc ăn phải tùy duyên mỗi người. Ăn đúng , luyện tập đúng sẽ chữa được bệnh.

Biết chọn thức ăn làm khỏe tuyến yên đã khỏi bệnh 60%. Thức ăn ngay trong tủ chạn nhà mình có thể biến thành món thuốc “Thần dược” . Cách ăn cũng quan trọng, là giải pháp chữa bệnh bằng nước bọt : Nhai kỹ để tiết nhiều nước bọt, ngậm Sữa ong chúa tiết ra nước bọt rất quý , làm giảm đau, khỏi bệnh nhanh. Ngậm nhiều lần, từng miếng nhỏ bằng hạt đỗ đen, nước bọt tiết dịch có các loại men, enzyme, và hooc môn quý giá nhất chỉ có trong nước bọt.

Bác sĩ Tomozaburo Ogata, giáo sư trường Đại học Y khoa Nhật bản cùng các cộng sự đã phát hiện vai trò trẻ hoá trong nước bọt. Loại hooc môn đặc biệt ở tuyến nước bọt mang tai, chảy qua miệng khi nhai, là một loại hooc môn duy nhất kích thích sự trao đổi chất của tế bào và làm mới cho toàn bộ cơ thể. Tuyến nước bọt mang tai còn kích tuyến yên tạo ra nhiều tế bào T, tăng cường hệ miễn dịch. Thường xuyên nhai kỹ chúng ta đã tiếp nhận loại hooc môn quý giá nhất chỉ có trong nước bọt.

Người đau dạ dày, thận, hoặc cơ địa mẫn cảm có phản ứng khó chịu với loại thức ăn nào, thì phải ngừng dùng loại đó. Thính thoảng uống bột sắn, uống nước mơ, táo… là thức ăn kiềm trung hòa axít dư thừa.

Đối với người khỏe mạnh thì ăn uống hợp vệ sinh là đủ. Với người bệnh ăn uống là vấn đề chữa trị bệnh, cần dinh dưỡng cao và dễ tiêu hóa, hấp thụ tốt, làm khỏe thành mạch, tạo dòng máu lưu thông tốt, không quánh kết, không mỡ máu. Với người ốm nặng tiêu hóa kém thì rất khó tìm được loại thức ăn đáp ứng tiêu chí này. Qua sử dụng rất nhiều loại dinh dưỡng cao cấp nhất, như Yến sào, cao, sâm,  Đông trùng hạ thảo, sừng tê giác, thực phẩm chức năng của các hãng nổi tiếng, chúng tôi đã xác định được loại thức ăn tốt nhất là Địa long .

- 1. Bột địa long: Là thần dược tốt nhất cho người ốm mau hồi phục, luyện trường thọ. Giúp phục hồi chức năng tuyến yên, gan, thận, não, thần kinh, tim, tai biến não, co giật, đau đầu, bệnh tim mạch, làm dai thành mạch, tiểu đường, ung thư, mất ngủ, thiếu máu, thiếu năng lượng, là thức ăn tốt nhất với hầu hết loại bệnh. Nếu mỏi mệt, sắp ngất, hôn mê, cho ăn ngay bột Địa long sẽ tỉnh trở lại. Bột Địa long lành tính sử dụng với hầu hết các bệnh, có hiệu quả phục hồi sức khỏe rõ rệt gấp nhiều lần sữa bột Ensuare

Cách làm Bột Địa long: Địa long khô hấp chín kỹ, cắt theo chiều dọc, làm sạch đất, rửa sạch phơi khô, sấy khô. Đậu xanh, đậu đen rang vàng. Rau ngót cả cành chặt nhỏ, phơi khô sấy khô ròn. 4 vị tán thành bột, trộn  tỷ lệ: 1 địa long, 1 rau ngót, 1 đậu xanh , 1đậu đen . Mỗi ngày dùng 60-150 g bột, ăn từ 2- 4 lần.  Mỗi lần  2-3 thìa to bột (30g ) hòa 1 bát nước, đun bột sôi kỹ. Nếu khó ăn pha thêm bột vừng đen rang thơm. Chú ý khi mua lựa chọn địa long loại tốt, tươi mới , ít mùi hôi. Khi hấp chín cho vào nước vài củ nghệ giã nhỏ, hoặc bột quế để khử  mùi tanh.

- Nhóm thức ăn làm tăng khả năng tiêu hóa, giảm mỡ máu, chống xơ vữa, chống lão hóa, điều hòa huyết áp, ngừa ung thư: Trà Giảo cổ lam, Bột Curcumin (tinh nghệ ), Bột vừng đen. Đậu nành. Dầu cá omega 3-6-9. Dấm táo mèo ( táo chát Sapa). Linh chi. Tảo Spiluna. Sữa ong chúa. Quả chanh. Gừng. Tỏi. Hoàng cung trinh nữ. Phần lớn là thức ăn tạo kiềm, cân bằng âm dương. Rau và hoa quả tươi sạch là thức ăn cân bằng axit và kiềm trong máu, , không thế thiếu với người ốm yếu.

- 2.Giảo cổ lam (cây Trường sinh ): kích thích tiêu hóa, hạ mỡ máu, chống huyết khối, ngừa xơ vữa động mạch, tăng cường hệ miễn dịch, kìm hãm khối u, giảm béo, giảm tiểu đường, huyết áp tim mạch, tiêu viêm, khỏe gan, thận, tim mạch, thần kinh, chống lão hóa, làm đẹp da. Không dùng cho người bệnh huyết áp thấp.

- 3. Bột Curcumin (tinh nghệ): Curcumin làm khỏe tiêu hóa,  hạ mỡ máu, tan huyết khối, tăng hồng cầu, tái tạo tế bào mới, chống lão hóa, phòng chữa bệnh ung thư, bồi bổ gan, dạ dày, bệnh viêm, hỗ trợ tim mạch, làm mịn hồng da, xóa thâm nám, chống béo phì, tăng sắc đẹp. …

Một cốc trà Giảo cổ lam đậm đặc pha Curcumin, là cốc nước dưỡng sinh rất tốt.

– 4. Bột vừng đen : Chống lão hóa, mỡ máu, Vừng đen rang sơ, xay nhuyễn ( máy sinh tố ) hoặc giã nhỏ, không muối.

- 5. Rau ngải cứu : Thái nhỏ trộn đều với trứng gà tươi, đem rán, hoặc nấu canh . Tác dụng: Thông kinh mạch, giải trược khí. Ăn xong thiền 10 phút để trược khí thoát hết.

- 6.Dấm táo mèo (táo chát Sapa) : Thức uống tạo kiềm. Táo rửa sạch, cắt núm, cho vào máy xay nhỏ với nước, tỷ lệ 1kg táo với 2,5 lít nước đun sôi để nguội. Cho bình thủy tinh đậy kín 1 tháng đem ra dùng. Hớt váng trắng như váng dưa muối không độc. Nước dấm táo là lại nước trái cây tốt nhất. Có thể dùng táo tây.

- 7. Chanh phòng bệnh ung thư: Cây chanh và trái chanh cho thấy có hiệu quả 10.000 lần hơn sản phẩm Adriamycin, một loại thuốc hóa học thường được dùng trên thế giới để làm chậm lại sự nẩy nở của tế bào ung thư. (Viện Khoa Học và Sức Khỏe, L.L.C. 819 N. Causez Strêt, Baltimore.USA)

- 8.Bột sắn dây : Thức uống tạo kiềm, làm mát cơ thể, giải nhiệt, giải độc, giảm đau, cân bằng âm dương, là vị thuốc Cát căn trong hầu hết bài thuốc. Mỗi buổi sáng dậy, hoặc tối  uống 1 ly bột sắn dây rất tốt.

.- 9. Rượu tỏi : Năm 1980, WHO thông báo: Rượu tỏi chữa được 4 nhóm bệnh: 1. Thấp khớp: sưng khớp, vôi hóa các khớp xương, mỏi xương cốt. 2. Tim mạch: hở van tim, ngoại tâm thu, huyết áp cao, huyết áp thấp. 3. Phế quản: viêm phế quản, viêm họng, hen. 4. Tiêu hóa: ăn khó tiêu, ợ chua, viêm tá tràng, loét dạ dày. Trĩ nội và trĩ ngoại. Đái tháo đường.

Cách làm : Tỏi khô đã bóc vỏ (không sử dụng tỏi tươi) 40gr, thái nhỏ, cho vào một lọ sạch. Rượu nếp (50 độ), lấy 100ml . Ngâm tỏi trong rượu nếp khoảng 10 ngày, thỉnh thoảng lắc lọ để tỏi có thể ngấm đều rượu. Những ngày đầu rượu vẫn nguyên màu trắng, sau dần chuyển sang màu vàng và đến ngày thứ 10 thì chuyển sang màu vàng nghệ, rượu tỏi đã sẵn sàng để sử dụng. Mỗi ngày uống 2 lần, vào buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi lần 40 giọt, tương đương với một thìa cà phê nhỏ, có thể pha nước sôi để nguội dễ uống.

-10.Tỏi, dấm và mật ong: Các bác sĩ hàng đầu đã phát hiện là sự kết hợp tỏi (garlic), dấm (vinegar) và mật ong(honey) cho ta một liều thuốc kỳ diệu có thể chữa được mọi bệnh tật từ ung thư tới viêm khớp. Những bệnh đã được chữa thành công gồm có bệnh Alzheimer, viêm khớp, cao huyết áp, vài loại ung thư, cholesterol cao, cảm lạnh, cúm, đầy hơi, chậm tiêu, nhức đầu, tim mạch, trĩ, vô sinh và bất lực, đau răng, mập phì, loét và nhiều bệnh khác nữa.

Cách pha chế: Một cup dấm, một cup mật ong và tám củ tỏi đã xắt nhỏ. Cho tất cả vào trong máy xay rồi xay với vận tốc cao trong 60 giây . Đổ hỗn hợp vào trong môt hũ, đậy kín và để trong tủ lạnh ít nhất 5 ngày.
Liều lượng bình thuờng là 2 muỗng nhỏ hỗn hợp trên đây trong một cốc nước hay nước trái cây (nước nho hay cam là tốt nhất), uống trước bữa ăn sáng. Có thể uống thêm buổi chiều tối.

- 11. Chanh gừng mật ong : Thức ăn tạo kiềm tốt nhất, thông khí, tăng sinh lực, trung hòa axit dư thừa, tăng đề kháng, phòng chữa ung thư và các bệnh cảm mạo, ho, giảm đau nhức.

Cách làm: Loại chanh đào là tốt nhất, rửa sạch ngâm nước muối sát khuẩn vỏ chanh, xong để khô ráo. Cắt đôi xếp vào lọ thủy tinh, đổ ngập mật ong, cao hơn chanh 2cm. 1kg chanh cho thêm 1thìa cơm muối hạt.
Nước gừng tươi ép sạch, ngâm cùng mật ong, tỷ lệ 1:1
Sau 1-2 tuần, hòa trộn 2 thứ trên, tỷ lệ 1:1. Bắt đầu dùng, lúc sáng sớm, buổi tối trước khi ngủ, mỗi lần 1 thìa cơm. Nếu người nóng, uống thêm bột sắn dây, hoặc giảm, ngưng dùng. Mỗi miếng chanh ngâm vào cốc nước làm nước giải khát rất ngon, ngâm được vài lần.

- 12.Cây trinh nữ Hoàng cung: Chữa trị tiêu các khối u, ung thư. Dùng cao khô Trinh nữ hoàng cung : Viên nén CRILA

- 13. Gạo lứt : Cách nấu cháo gạo lứt tiện ích : 1 tô cháo 30g- 50g, nếu gạo rang sẵn càng thơm ngon. Cho gạo vào bình giữ nhiệt 0,5 lít, đổ đầy nước sôi 100 độ, chút muối, đảo đều. Có thể cho thêm vài lát sâm, thục địa, kỷ tử, hoặc cao xương… xoay nắp kín, đặt bình nằm ngang để gạo nở hết. Sau 3h lấy cháo ra ăn thêm 2 thìa bột vừng xay nhuyễn. Tiện dùng cho người ốm, ăn sáng, hoặc đi dã ngoại, có thức ăn nóng mà không phải đun nấu. Gạo lứt ngâm nảy mầm có dinh dưỡng cao hơn gạo lứt.
Chú ý nồi, ấm nước, bình giữ nhiệt làm từ nhôm, inox rẻ tiền kém chất lượng dùng rất hại sức khỏe.

Nhóm thức ăn thần dược trên đây có sẵn mọi nơi, người nào cũng tự chế biến thức ăn tốt, phòng chữa bệnh. Người bệnh nan y phải chú ý sử dụng các loại thức ăn siêu dinh dưỡng trên, nhưng cần theo dõi sự thích hợp với từng người

ĐOÀN THANH HƯƠNG

Tư liệu minh họa :

KHÁM PHÁ VỀ GẠO LỨC
Bộ Nông Nghiệp Hoa K ỳ USDA thường nhấn mạnh đến nhóm hạt nguyên chất (whole grains), như gạo lức, là thành phần chủ yếu trong chế độ dinh dưỡng. Gạo lức cung cấp nhiều complex carbohydrate. Chất xơ (fiber), chất dầu, vitamins và chất khoáng cũng được tìm thấy nơi phần bọc ngoài của hạt gạo lức. 
Gạo lức là một loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng khi so sánh với gạo trắng.  Tuy nhiên, nó còn gia tăng nhiều dinh dưỡng hơn nữa khi được đem ngâm trong nước ấm, lâu khoảng 22 giờ.

Đây là một khám phá mới nhất của khoa học.
Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy gạo lức ngâm lâu 22 tiếng đồng hồ chứa rất nhiều chất bổ dưỡng vì gạo lức ở trạng thái nẩy mầm.  “Các enzyme ngủ trong hạt gạo ở trạng thái này được kích thích hoạt động và cung cấp tối đa các chất dinh dưỡng.”
Dr. Hiroshi Kayahara, giáo sư  khoa sinh học và kỹ thuật sinh học tại viện đại học Shinshu University ở Nagano, đã nói như vậy trong bài tường trình kết quả nghiên cứu của nhóm ông tại hội nghị hóa học quốc tế   “The 2000 International Chemical Congress of Pacific Basin Societies” ở Hawaii vào cuối năm 2000 vừa qua.
“Mầm gạo lức chứa nhiều chất xơ, vitamins và chất khoáng hơn là gạo lức chưa ngâm nước” Kayahara viết trong tờ trình.  Gạo lức đã ngâm nước chứa gấp ba lần chất lysine, một loại amino acid cần thiết cho sự tăng trưởng và bảo trì các mô tế bào cơ thể con người, và chứa mười lần nhiều hơn chất gamma-aminobutyric acid, một chất acid tốt bảo vệ bộ phận thận (kidneys).

Các khoa học gia cũng tìm thấy trong mầm gạo lức có chứa một loại enzyme, có tác dụng ngăn chặn prolylendopeptidase và điều hòa các hoạt động ở trung ương não bộ.

Gạo lức nẩy mầm không những chỉ đem lại nhiều chất dinh dưỡng mà còn nấu rất dễ dàng và cung ứng cho chúng ta một khẩu vị hơi ngọt vì các enzymes đã tác động vào các chất đường và chất đạm trong hạt gạo, tiến sĩ Kayahara nói thêm. Gạo trắng không nẩy mầm khi ngâm như vậy.

Bộ Nông Nghiệp Hoa K ỳ USDA thường nhấn mạnh đến nhóm hạt nguyên chất (whole grains), như gạo lức, là thành phần chủ yếu trong chế độ dinh dưỡng.  Gạo lức cung cấp nhiều complex carbohydrate.  Chất xơ (fiber), chất dầu, vitamins và chất khoáng cũng được tìm thấy nơi  phần bọc ngoài của hạt gạo lức.

Một cup gạo lức nấu chín cung cấp khoảng 230 calories, 3,5 gram chất xơ, 5 gram chất đạm, 50 gram carbohydrate và các chất sinh tố Vitamin B 6, Thiamin B 1, Riboflavin B 2, Niacin B 3, Folacin,   Vìtamin E, cùng các chất khoáng khác.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học cho biết chất xơ trong gạo lức giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và bệnh tim mạch.

Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa K ỳ khuyến cáo nên dùng 25 grams chất xơ mỗi ngày.  Với một cup cơm gạo lức cung cấp 3.5 g , trong khi đó một cup cơm gạo trắng chỉ cho có 1 g .
Một thành phần quan trọng khác là chất dầu trong vỏ bọc ngoài của gạo lức có tác dụng giảm cholesterol trong máu, một yếu tố quan trọng gây nên bệnh tim mạch..

Các nhà khoa học đã tìm thấy ở trong chất cám bọc ngoài hạt gạo lức có chất dầu tên là tocotrienol factor (TRF) có tác dụng khử trừ những chất hóa học gây nên hiện tượng đông máu và đồng thời giảm cholesterol.

Bác sĩ Asaf Qureshi thuộc viện đại học Wisconsin, Hoa K ỳ đã thử nghiệm TRF trên một số người và cho kết quả giảm cholesterol từ 12 đến 16%.  Ngoài ra, trong chất cám bọc ngoài gạo lức còn có thêm một chất khác có khả năng chống lại chất xúc tác enzyme HMG-CoA, một chất có khuynh hướng giúp gia tăng lượng cholesterol xấu LDL.

Được biết, hội nghị Hóa Học Quốc Tế International Chemical Congress được bảo trợ bởi: the American Chemical Society, the Chemical Society of Japan, the Canadian Society of Chemistry, the Royal Australian Chemical Institute, and the New Zealand Institute of Chemistry.
Tham Chiếu:
- Reuters Health Information Date Published: Dec 18 2000 16:11:14
- Date Reviewed: Dec 18 2000
- ABC Science Online, Australia 19 December  2000

GIỚI THIỆU VỀ GẠO LỨC

Gạo Lức (brown rice) là một loại gạo chỉ xay bỏ trấu tức vỏ lúa chứ không bỏ mầm và cám của hạt gạo bên trong.  Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho biết những thực phẩm có nhiều chất xơ, như gạo lứt và các loại đậu khác có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư ruột không phải vì chất xơ mà chính là chất phytate chứa trong chất xơ.  Các nhà khoa học cũng tìm thấy ở trong chất cám gạo lứt có một thứ dầu đặc biệt mang tên là tocotrienol factor TRF có khả năng chống cholesterol xấu LDL và khử trừ những chất hóa học gây ra hiện tượng đông máu.  Bác sĩ Asaf Qureshi thuộc University of Wisconsin Hoa kỳ đã thử nghiệm trên một số người thì thấy rằng chất TRF trong cám gạo lứt đã làm giảm 12 đến 16% cholesterol trong máu.  Ngoài ra, trong gạo lứt cũng có một chất dầu khác có khả năng chống lại chất xúc tác enzym HMG-CoA, một chất có khuynh hướng giúp tăng lượng cholesterol tốt HDL.

NẾP CẨM SIÊU THỰC PHẨM CHỐNG UNG THƯ MỚI

- “Nếp cẩm (nếp than) rất được ưa chuộng ở châu Á và nay sẽ là siêu thực phẩm hàng đầu tại châu Âu, hơn hẳn quả nam việt quất”, các nhà khoa học Mỹ cho biết.

Ngũ cốc này có hàm lượng đường thấp nhưng lại rất giàu chất xơ tốt cho sức khỏe và có các hoạt chất mà có thể giúp chống lại bệnh tim và ung thư, các chuyên gia cho biết.

Các nhà khoa học ở ĐH Bang Louisiana đã phân tích mẫu cám của nếp cẩm trồng tại miền Nam nước Mỹ. Họ phát hiện thấy sự tăng cường của chất chống ô-xy hóa anthocyanin.

Chất chống ôxy hóa này chính là nguyên nhân tạo ra màu nâu đen của nhiều loại rau quả, chẳng hạn như quả nam việt quất và hạt tiêu đỏ. Chúng cũng tạo màu sậm cho nếp cẩm.

Nghiên cứu cho thấy chất chống ô-xy hóa tạo màu sậm này sẽ “quét” sạch các phân tử gây hại, giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa tổn thương AND mà có thể dẫn tới ung thư.

Nhà khoa học thực phẩm, BS Zhimin Xu cho biết: “Hàm lượng chất chống ôxy hóa anthocyanin trong 1 thìa cám nếp cẩm nhiều hơn 1 thìa nam việt quất mà lại ít đường, giàu chất xơ và vitamin E hơn.

“Nếu nam việt quất giúp tăng cường sức khỏe thì tại sao nếp cẩm hay cám nếp cẩm lại không làm được việc này? Đặc biệt, cám nếp cẩm là loại nguyên liệu kinh tế và giúp tăng cường khả năng hấp thụ các chất chống ô-xy hóa nhất”.

Cách đây cả thế kỷ, nếp cẩm được coi là thức ăn cao quý mà chỉ có vua chúa mới được ăn. Ngày nay, nếp cẩm là nguồn thực phẩm quan trọng trong bữa ăn của nhiều người dân châu Á, trong các món mỳ, sushi và tráng miệng.

Nhưng các nhà kinh doanh cũng có thể dùng cám nếp cẩm hay các loại cám của ngũ cốc khác để làm ngũ cốc ăn sáng, nước uống, bánh và các thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Gạo lức giàu dinh dưỡng hơn gạo trắng bởi vì có hàm lượng vitamin E và các chất chống ô-xy hóa cao hơn. Nhưng theo BS Xu, các loại gạo có màu tím hay đen là tốt cho sức khỏe hơn.

Các nhà khoa học cũng khuyên nên dùng nếp cẩm để làm chất tạo màu thực phẩm, vừa tự nhiên vừa tốt cho sức khỏe. Bởi nhiều nghiên cứu cho thấy 1 số chất tạo màu có thể góp phần gây ra ung thư và các vấn đề liên quan đến hành vi của trẻ.

http://sucmanhvothuc.org/?p=671