Saturday, December 17, 2011

Giết con để cầu con

giet-con-cau-conCâu chuyện thứ 21 trong kinh Bách Dụ kể rằng có một người phụ nữ góa chồng, tuổi đã trung niên dù đã có một đứa con, nhưng vẫn cầu mong có thêm đứa nữa.Biết được tâm nguyện của người phụ nữ này, một bà đồng tìm đến bảo chị ta phải cúng tế thần linh một cách trọng hậu; mà lễ vật thì không gì khác ngoài việc hiến dâng sinh mạng của đứa bé đang sống kia! Khi người phụ nữ ấy nghe lời bà đồng toan giết con mình thì có người bạn biết được liền quở trách “Sao chị lại ngu ngốc hàm hồ thế! Đứa con chưa sinh không biết có sinh được không mà lại đi giết đứa con còn sống!”.

Bao nhiêu đứa con đang dâng hiến chư Thiên?

Ngẫm lại chuyện hôm nay,chúng ta đang chứng kiến nhiều sự kiện không khác câu chuyện ngụ ngôn nói trên là mấy. Hãy thử nghĩ đếnnhững công trình thử điện. Ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vừa phải thừa nhận rằng đã đến lúc phải xem lại nếu không muốn nói là tạm dừng ngay các công trình thuỷ điện nhỏ:Có tới 90 nhà máy thuỷ điện huỷ hoại hàng nghìn hecta rừng nhưng chỉ mang lại một nguồn điện nhỏ nhoi bằng 2/3 một nhà máy nhiệt điện cỡ vừa. Theo số liệu do chính ông Bộ trưởng cho biết, riêng ở miền Trung và Tây Nguyên đã có đến 230 dự án thuỷ điện nhỏ và vừa (công xuất dưới 30mW), trong đó có 90 dự án đã triển khai, và 38 dự án sẽ phải thu hồi.

Chỉ mới có 90 nhà máy thuỷ điện mà miền Trung đã và đang phải hứng chịu lũ lụt điêu đứng trong suốt một năm qua; vậy nếu triển khai nốt 102 dự án còn lại chưa có lệnh thu hồi để đưa vào hoạt động thì tình trạng lũ lụt sẽ ra sao? Phải chăng đó là việc giết những “đứa con” đang có ở hình thức con sông , con suối để cầu cho được đứa con” điện”, thì cũng làm chết luôn cả những đứa con “ruộng đồng” đang canh tác? Đâu là cái giá phải trả cho 500mW thuỷ điện, trong khi chỉ riêng một nhà máy nhiệt điện ở Cà Mau, công suất đã là 750mW?Chưa kể là cứ tạo ra 1mW thuỷ điện thì phải hy sinh 10ha rừng và để có được 1.000 hecta đất làm thuỷ điện, phải san bằng từ 1.000ha đến 2.000ha đất ở thượng nguồn làm đường vận chuyển. Chúng ta không cần tranh luận có phải vì thế mà miền Trung đang phải đối đầu với đại hồng thuỷ nhiều hơn bao giờ, chỉ cần biết rằng hễ mất rừng thì việc giữ nước giảm lũ sẽ không còn hiệu quả nữa.

Có người lý luận rằng sẽ trồng rừng bù lại những gì đã mất. Chúng ta hãy nghe ông Lương Vĩnh Linh, Gíam đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin phát biểu khi trả lời đội tư vấn nước ngoài về việc trồng rừng trở lại:

Chỉ tay lên ngọn núi xanh mờ, ông nói,” Anh nhìn kia, từ dưới mặt đất trở lên đến hơn 30m là cả một hệ sinh thái vô cùng hoàn chỉnh, từ rêu địa y cho đến hàng chục, hàng trăm từng lớp giống loài động thực vật. Cả núi tiền cũng chả làm ra được dù chỉ vài mét vuông rừng nguyên sinh hay một thân cổ thụ nghìn năm tuổi, chứ đừng nói tới tiền tấn!”.

Người ta không thể lý giải tại sao chỉ vì công suất 12mW của nhà máy thuỷ điện “chẳng có gì quy mô “gì đáng kể như nhà máy Krông K’mar, lại đi phá cả 110ha rừng Chư Yang Sin.

Phát triển bằng mọi giá

Chúng ta đang trả giá cho sự phát triển , nhất là khi phát triển bằng mọi giá.Hiện chỉ số nitrogen và ammonia trong nguồn nước ở tất cả cửa sông thuộc lưu vực sông Đồng Nai đều vượt xa chỉ tiêu quốc gia cho phép về chất lượng nước loại A1, trong đó chỉ số COD ( che mical oxygen demand) đo được ở nhiều nơi có xu hướng tăng mạnh trên khắp cả nước, cụ thể là ở lưu vực sông Đồng Nai,tại những nơi như phà Bình Khánh, thôn Tam Hiệp, sông Soài Rạp. Theo Trung tâm Công nghệ Môi trương (ENTEC) thì lưu lượng nước thải công nghiệp tống ra lưu vực sông Đồng Nai là 2triệu m3/ngày đêm; đó là chưa kể hơn 2,7 triệu m3  nước thải sinh hoạt, trong đó có nước thải của hang loạt khu đô thị không qua xử lý được vô tư xả thẳng ra sông suối…

Hãy đọc một đoạn báo cáo:

“…Tổng lượng nước thải ô nhiễm xả thẳng ra các dòng sông thuộc lưu vực sông Đồng Nai đang ở mức báo động. Báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh Bình Dương cho thấy chỉ có 20% cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra còn có trển 38% khu công nghiệp xả nước thải trực tiếp ra các dòng sông vượt quy chuẩn cho phép.

Theo Tổng cục Môi trường, năm 2010 kết quả quan trắc cho thấy hiện trạng mặt nước sông Sài Gònvề chất N-NH4 có chỉ số luôn vượt ngưỡng tiêu chuẩn QCVN ở mức B1 nhiều lần; còn chỉ số BOD5 (nhóm chỉ tiêu đánh giá về mức độ ô nhiễm chất hữucơ của bề mặt nước ) nhiều khu vực tăng mạnh…”

Cần một câu trả lời thẳng thắn

Công luận đặt ravấn đề tại sao lại phải tổ chức những cuộc hội thảo bằng công quỹ để trấn an dư luận thay vì buộc các công ty thuỷ điện phải trả lời trước công luận vì “có ăn chịu”. Không thể chỉ biết hưởng lợi riêng mình mà bất chấp lợi ích cộng đồng! Tình hình lũ lụt, do đó, phải được phân tích, mổ xẻ vì nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân chúng mà còn tác động xấu đến cả những cơ sở hạ tầng tốn kém khác như cầu đường; nghiêm trong hơn, lũ lụt luôn luôn đe dọa sinh mạng con người. Đây không chỉ là bài học hôm nay mà còn cho tương nai; vì thực tế cho thấy lụt bão sạt lở đã vượt qua khả năng dự báo và phòng ngừa nên rất cần một cuộc tổng rà soát mọi hiểm họa và kể cả những nguy cơ tiềm tàng. Hãy nhớ rằng’ Chúng ta không thể hữu ích với chính mình nếu chúng ta không hữu ích với mọi người. Chúng ta không thể chỉ hạnh phúc riêng mình mà không phụ thuộc vào mối quan hệ với những người quanh mình. Bất kỳ ai quan tâm đến lợi ích riêng thì cuối cùng cũng sẽ phải chịu đau khổ”. (Đạt- lai Lạt- ma). Đấy cũng là tình cảnh người phụ nữ cầu con mà lại giết con mình!

Nguyên Cẩn

(theo chanhdat)

Friday, December 16, 2011

MẸ sáng tác và trình bài ca si RANDY

mautu_QH

thietlapthaucam

ĐEM PHẬT PHÁP ĐẾN CHO GIỚI TRẺ

375281_196138463793981_100001934868628_419354_566189217_n

ĐEM PHẬT PHÁP ĐẾN CHO GIỚI TRẺ
Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

            Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

            Kính thưa chư liệt vị,

            Như chủ đề của cuộc hội thảo mà Ban Tổ Chức đã đề ra, mỗi chúng ta dù có mặt hay không có mặt trong hội trường này, nhưng với tư cách là người cư sĩ, là một Phật tử, thì đều quan tâm, thao thức và tự hỏi rằng mình có thể đóng góp được gì để đem giáo pháp mầu nhiệm của đức Phật đến với những người có duyên. Trong số những người có duyên đó, có lẽ thế hệ con cháu của chúng ta là đối tượng cần được chú ý đến nhất.

            Vì sao? Trước hết, đó là trách nhiệm làm ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì trong gia đình đối với con cháu. Khi chúng ta là người thừa hưởng những lợi lạc vô giá của Phật Pháp trong đời sống hàng ngày thì điều tự nhiên là chúng ta có trách nhiệm phải chia xẻ gia tài qúy báu đó cho thế hệ con cháu chúng ta để chúng cũng có cơ duyên đem Phật Pháp làm đẹp, làm hạnh phúc và an lạc cho cuộc sống. Thứ nữa, với vai trò là người con Phật, đi theo dấu chân và hạnh nguyện tự giác, giác tha của đức Phật, chúng ta không thể bỏ qua việc đem Phật Pháp đến cho những ai có duyên trong đời mình mà con cháu là đối tượng gần gũi nhất. Sau cùng, khi chính bản thân chúng ta nhận thức rõ rằng Phật Pháp không những là diệu dược chữa lành bệnh khổ cho từng cá nhân con người mà còn là giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội, thì chúng ta không thể không góp phần vào việc đem Phật Pháp đến cho thế hệ con cháu chúng ta, vì thế hệ trẻ là tương lai của cộng đồng xã hội.

            Nhưng, vấn đề được đặt ra là, làm thế nào để đem Phật Pháp đến cho giới trẻ tại hải ngoại? Từ vấn đề tổng quát trên dẫn chúng ta đến mấy vấn đề có tính chi tiết và thực tế cụ thể khác. Đó là, tâm thức và hoàn cảnh của giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại, những thuận nghịch duyên trong việc đem Phật Pháp đến cho giới trẻ, và phương cách đem Phật Pháp đến cho giới trẻ. Vì lẽ đó, có 3 vấn đề mà chúng tôi xin được trình bày chi tiết sau đây.

1- Tâm thức và hoàn cảnh của giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại:

            Giới trẻ Việt Nam là thế hệ thứ 2 hay một rưỡi của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, có nghĩa là thế hệ được sinh ra, hay được dưỡng dục để trưởng thành tại hải ngoại. Thế hệ không được sinh ra nhưng được nuôi dưỡng và lớn lên tại hải ngoại dù có một khoảng thời gian ngắn ngủi sống trong truyền thống văn hóa tại Việt Nam nhưng chất liệu của truyền thống văn hóa dân tộc ấy không đủ mạnh để thấm sâu trong huyết quản mà thay vào đó là một truyền thống văn hóa khác có sức mạnh chiếm ngự cuộc đời của tuổi trẻ. Thế hệ được sinh ra tại hải ngoại thì hoàn toàn sống trong truyền thống văn hóa khác với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam cho nên, nếp suy nghĩ, cách sống và lý tưởng của thế hệ này hầu như hoàn toàn xa lìa nguồn cội văn hóa dân tộc.

            Tất nhiên, trong cái chung vẫn có cái riêng. Cái riêng chính là thế hệ trẻ vẫn còn được sống trong các gia đình mà ông bà, cha mẹ là những người còn giữ nguyên được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, từ ngôn ngữ, ăn uống đến các sinh hoạt văn hóa khác, nhờ vậy, đã có thể quân bình được phần nào tình trạng xa lìa nguồn cội của thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại. Nhưng, đó chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, còn tùy thuộc vào ý thức, trách nhiệm, vai trò và nỗ lực tới đâu của thế hệ ông cha đối với con cháu của mình nữa.

            Văn hóa khác mà thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại được nuôi dưỡng và trưởng thành là văn hóa Tây Phương. Đó là nền văn hóa cởi mở, khai phóng với những giá trị dựa trên nền tảng của nền văn minh khoa học kỹ thuật, thực dụng và kinh tế tài chánh lấy sự thành đạt qua bằng cấp học vị, qua công ăn việc làm, qua mức thu nhập tài chánh cá nhân và gia đình, qua đời sống hướng ngoại và hưởng thụ vật chất, qua tinh thần tự do, dân chủ và độc lập cá nhân, v.v… làm thước đo. Sống trong nền văn hóa như thế, thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại dễ dàng thoát ra khỏi nề nếp kỷ cương truyền thống của gia đình Việt Nam vốn lấy tinh thần gia trưởng, vâng lời, hiếu thuận, phục tùng làm thước đo. Đó chính là bối cảnh làm nền cho những dị biệt, xa cách, xung đột và bất an trong các gia đình người Việt nói riêng và các cộng đồng di dân tại hải ngoại nói chung.

            Với tâm thức và hoàn cảnh của tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại như vậy, việc đem Phật Pháp đến cho giới trẻ gặp những nghịch và thuận duyên nào?

2- Thuận, nghịch duyên trong việc đem Phật Pháp đến giới trẻ:

Có thể nói, nghịch duyên trong việc đem Phật Pháp đến cho giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại nhiều hơn thuận duyên. Vì sao?

            Như đã trình bày ở trên, giới trẻ Việt Nam được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh văn hóa khác với nền văn hóa truyền thống dân tộc cho nên, nếp suy nghĩ, cách sống cũng khác với thế hệ ông cha. Khoảng cách giữa hai thế hệ là một nan đề khó tránh khỏi, đặc biệt trong các gia đình của các cộng đồng di dân. Cộng thêm vào đó là yếu tố khác biệt về ngôn ngữ làm cho khoảng cách giữa hai thế hệ càng thêm rộng lớn. Thế hệ ông cha thường sử dụng ngôn ngữ truyền thống dân tộc mang theo trong sinh hoạt gia đình, trong khi thế hệ tuổi trẻ chỉ thông thạo thứ tiếng của đất nước mà chúng được giáo dục và trưởng thành. Học đường mà thế hệ trẻ được đào tạo đa phần chủ trương tách rời ảnh hưởng của tôn giáo và chỉ chú trọng vào việc truyền trao kiến thức chuyên môn thuộc các lãnh vực thế gian mà không đề cập đến nền giáo dục đạo đức, luân lý và tôn giáo truyền thống. Hơn nữa, tuổi trẻ là thành phần hiếu động, là giai kỳ xung lực cao độ của đời người, cho nên, đối với họ, việc đi tìm một chỗ nương tựa cho đời sống tâm linh trong các tôn giáo nói chung và Phật Giáo nói riêng vẫn chưa phải là nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, đối với giới trẻ, chùa chiền là nơi dành riêng cho thế hệ ông cha lớn tuổi, cho những ông bà già gần đầt xa trời. Họ thật sự chưa thấy hấp lực nào để lôi cuốn vào các sinh hoạt của Phật Giáo.

            Thuận duyên quý giá mà tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại có cơ hội bắt gặp là càng ngày Phật Giáo càng ảnh hưởng sâu rộng vào xã hội Tây Phương trong giới trí thức, học giả, giáo sư, khoa học gia, v.v… Nhưng đó không là thuận duyên phổ biến trong đại đa số giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại. 

            Đến đây, vấn nạn được đặt ra là, trong hoàn cảnh như thế, làm sao để mang Phật Pháp đến với trẻ?

3- Vài đề nghị đem Phật Pháp đến với giới trẻ:

Có điều xin thưa ngay rằng, đây chỉ là một vài đề nghị để góp phần vào công tác hoằng pháp trong giới trẻ. Và sau đây là một số đề nghị.

a- Nắm bắt cơ hội ngay tức khắc, không chờ đợi:

            Câu hỏi được nêu ra là: cơ hội là lúc nào? Có thể trả lời một cách không đắn đo rằng đó là ngay bây giờ. Thời điểm “ngay bây giờ” được nói đến ở đây không phải là hạn kỳ thời gian mà là động thái khởi sự. Do đó, thời điểm “ngay bây giờ” có thể không giống nhau giữa người này với người nọ. Với đôi vợ chồng mới lấy nhau, đó là những suy nghĩ và dự tính về việc sinh con và cách giáo dục con ngay từ khi mới bắt đầu mang thai, để làm sao đem niềm tin Phật Pháp truyền từ người mẹ sang bào thai trong thời gian 9 tháng 10 ngày. Đối với các bậc cha mẹ có con còn non dại, đó là thực hiện ngay tức thì việc đem Phật Pháp dạy dỗ con bằng trái tim, bằng tấm lòng, bằng trí tuệ, bằng lời nói, và bằng hành động cụ thể.

b- Thân giáo:

            Khi chúng ta muốn giới thiệu loại thuốc trị bệnh nào cho người khác thì điều trước tiên là bản thân mình phải là con bệnh từng được chữa lành bởi loại thuốc đó. Cũng tương tự như vậy, khi chúng ta muốn đem Phật Pháp đến cho con cháu của mình thì trước hết mình phải là người thực hành Phật Pháp có hiệu quả, có lợi lạc mà con cháu chúng ta có thể trông thấy. Chẳng hạn, chúng ta không thể khuyên con cháu đi chùa, học Phật, thực hành Phật Pháp, trong khi chính bản thân mình không đi chùa, không học Phật, không hành trì Phật Pháp trong đời sống hàng ngày. Thêm một thí dụ khác, con cháu chúng ta sẽ không có niềm tin vào Phật Pháp qua sự giới thiệu của chúng ta nếu bản thân chúng ta vẫn còn đầy dẫy tham, sân, si trong đời sống hàng ngày sau bao nhiêu năm đi chùa tụng kinh, nghe pháp, làm công quả, v.v…

c- Tạo cơ duyên:

            Ngay từ lúc con cháu còn nhỏ, các bậc cha mẹ nên cố gắng tranh thủ từng cơ hội để dẫn con em đến chùa lễ Phật, dự các buổi lễ tại các chùa, hay các buổi lễ Phật Giáo được tổ chức nơi công cộng để cho con em có ấn tượng hay có thể ươm mầm hạt giống Phật Pháp trong tâm ngay từ lúc còn tấm bé. Đừng nghĩ rằng những cơ hội đó, những hình ảnh đó rồi sẽ tiêu mất đi. Không đâu! Chúng sẽ còn mãi trong tâm thức, trong tiềm thức của các em đến trọn cả đời. Ở nhà, nếu có bàn thờ Phật thì nên dạy con cháu thường xuyên thắp hương lễ Phật để hình ảnh đức Phật in sâu vào tâm thức của chúng. Khi con em đến tuổi đi học, các bậc cha mẹ nên dành thì giờ đưa con em tham gia sinh hoạt trong các tổ chức tuổi trẻ Phật Giáo như Gia Đình Phật Tử, thanh thiếu niên Phật tử, hay các đoàn thể Phật tử sinh hoạt tại các chùa. Cha mẹ thường xuyên khuyến khích và khen thưởng cho con em trong việc đọc sách Phật Pháp bằng tiếng Việt hay tiếng Anh vào những lúc chúng rãnh rỗi, hay vào mùa nghỉ hè, v.v… Trong đời sống sinh hoạt gia đình hằng ngày, các bậc ông bà, cha mẹ nên tranh thủ từng công việc để có thể dạy con một vài điều hữu ích từ trong những lời dạy của đức Phật.

d- Thực hành mở tâm và lắng nghe:

            Hố ngăn cách giữa hai thế hệ già trẻ có thể được nối kết lại gần nhau nếu chúng ta biết khéo léo bắt nhịp cầu cảm thông và hiểu biết. Nhịp cầu đó chính là thái độ cởi mở tâm thức và bình thản lắng nghe. Mở tâm để nhìn nhận thực tế là chúng ta đang sống trong xã hội cởi mở, văn minh, tự do, dân chủ, và bình đẳng, cho nên, chúng ta phải mở rộng lòng ra để tiếp nhận nền văn hóa mới, học hỏi những gì mình chưa biết từ xã hội và từ con người, ngay cả với con cháu chúng ta nữa. Bình thản lắng nghe để có thể hiểu biết một cách tường tận từng sự kiện xảy ra chung quanh mình, và những suy nghĩ, cảm nghĩ và ước muốn của thế hệ con cháu chúng ta, mà không áp đặt định kiến của chúng ta lên đó. Điều này thực ra là chuyện mà người cư sĩ Phật tử phải thực hành hàng ngày trong đời sống qua lời dạy của đức Phật, chứ không phải là chuyện xa lạ hay cần phải cố gắng quá sức của mình.

e- Hoằng pháp từ những người thân:

            Hoằng pháp là hạnh nguyện lớn không phải làm một đời là xong. Cho nên, chư Phật và Bồ Tát phát đại nguyện thệ độ chúng sinh trong vô lượng vô số kiếp. Chẳng hạn như ngài Địa Tạng đã phát nguyện: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận, phương chứng bồ đề,” (Khi nào địa ngục trống rỗng thì mới thành Phật. Nguyện độ hết chúng sinh mới chứng đạo quả giác ngộ viên mãn). Với người cư sĩ Phật từ bình thường, chúng ta hãy bắt đầu hạnh nguyện góp phần hoằng pháp từ những người thân trong gia đình, trong thân tộc, vì đấy là những người chúng ta có thiện duyên gần gũi nhất, và có nhiều cơ hội nhất để đem Phật Pháp đến với họ, đặc biệt là thế hệ con cháu chúng ta. Chỉ cần mỗi cư sĩ Phật tử phát nguyện và làm được như thế thì đã góp phần không nhỏ trong công cuộc hoằng pháp tại hải ngoại. Chúng ta hãy hình dung rằng, nếu mỗi bậc cha mẹ mà nỗ lực đem Phật Pháp đến được cho con em của mình thực sự thì số lượng trẻ em trong các gia đình Phật Giáo sẽ nhiều biết bao nhiêu, và tương lai của Phật Giáo tại hải ngoại sẽ tươi sáng biết chứng nào. Vì thế, xin hãy bắt đầu từ khởi điểm gần và dễ nhất, nhưng thật ra cũng không dễ chút nào cả đâu, với những người thân, với con cháu của chúng ta.

            Kính thưa chư liệt vị,

            Những gì trình bày trên đây chì là gợi ý. Mong rằng từ những gợi ý nhỏ nhất này sẽ góp phần gợi hứng thêm cho nhiều suy tư, sáng kiến, và hành động cụ thể và hữu ích đối với cuộc hội thảo mang chủ đề “Sự Đóng Góp của Người Cư Sĩ Trong Công Cuộc Hoằng Pháp Tại Hải Ngoại” hôm nay.

            Cầu nguyện hội thảo được thành tựu viên mãn và hồi hướng công đức đến pháp giới chúng sinh đồng thành Phật đạo.

            Trân trọng kính cám ơn và kính chào chư liệt vị.

(Bài Tham Luận tại cuộc hội thảo chủ đề “Sự Đóng Góp Của Người Cư Sĩ Trong Công Cuộc Hoằng Pháp Tại Hải Ngoại” do Hội Phật Học Đuốc Tuệ tổ chức tại Trung Tâm Sangha, Thành Phố Huntington Beach, California, Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 12 năm 2011)

(theo: thuvienhoasen)

Quyết Định Nguyện Vãng Sanh

1198520450835112676
Quyết Định Nguyện Vãng Sanh
Nhạc: La Tuấn Dzũng
Thơ: HT Thích Thiền Tâm
Trình bày: Quang Minh/Hương Giang

Sân lan trời ngã bóng chiều
Cảm thân phù thế ít nhiều ngẩn ngơ
Tranh đời dệt mộng vẩn vơ
Say đua danh lợi mê mờ sắc thanh
Cánh bèo sóng vỗ lênh đênh
Tại ai hay cũng gây nên bởi mình
Bể trần là mấy phù sinh
Thị phi thương ghét trong tình quẩn quanh
Mà trông chiếc lá lìa cành
Dinh hư cõi tạm trong vành đó thôi
Mà trông ngọn nước chảy trôi
Mênh mang sáu nẻo biết rồi về đâu
Kiếp người nào có bao lâu
Nắng mưa thôi cũng dãi dầu cỏ hoa
Lầu sương nhạt ánh trăng tà
Hoàng lương một giấc tỉnh ra ngỡ ngàng
Chi bằng về cõi Liên Bang
Sen khoe sắc ngọc, gió đàn pháp âm
Trời giải thoát, cảnh thậm thâm
An vui muôn kiếp tuyệt lầm lỗi xưa
Chỉ câu niệm Phật đừng thưa
Chỉ bền tính nguyện tam thừa bước lên
Đài vàng sẵn đã ghi tên
Cơ duyên sẵn đợi một nền đạo tâm.
Hôm nay TG lang thang thấy bài nhạc này hay quá, đi tìm chẳng có trang web nhạc nào có bài này, mình phải download rồi từ một file nhạc nền upload lên nhaccuatui.com post lên đây chia sẻ quý vị một bài nhạc cực hay_()_nghe hay thì phát biểu cảm nhận nhé!!!