Sunday, December 18, 2011

Làm thế nào để tiêu diệt phiền não

228223_228300860518866_100000168622994_1131028_4590390_n
Phật dạy:
Nhân thân nan đắc
Phật pháp nan văn
Nhất thất nhân thân
Vạn kiếp nan phục
Dịch:
Thân người khó được
Phật pháp khó nghe
Một khi mất thân người
Vạn kiếp khó tìm lại được
Khi nghe hai bài kệ này như là một tiếng chuông cảnh tỉnh mình hãy dừng lại tất cả sự ham muốn của ngũ dục thế gian, cố gắng tinh tấn tu hành để về với Phật, chứ ở đây có gì là vui đâu? nếu có vui thì cũng chỉ là cái vui của tạm thời vui đó rồi buồn đó, cười xong là khóc, đi chơi rất vui về lại buồn, cuộc chơi nào cũng tàn….như cái thân của mình có đó rồi không, mình nhớ lại hai câu này thật là hay:
Chớ để tuổi gia rồi học Đạo,
Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh.”
Vì vậy, mỗi từng phút, từng giây phải biết quý trọng để niệm Phật, hành thiền thúc liễm thân tâm an lạc. Nhưng dạo này Chơn Ngọc không biết mình bị ai "ám" nữa, chắc là bọn ma vương quấy nhiễu rồi
Hôm nào mà lo chơi không có niệm Phật nhiều là bị phiền não muốn chết đi được, có nhiều việc cứ đi ngược ý của mình nên cứ vậy mà phát sinh phiền não, mà khi mình mở cửa cho giặc phiền não vào là chúng quậy mình "tưng bừng hoa lá "
Hồi xưa thì tâm của Chơn Ngọc vọng động tối ngày như con khỉ chuyền cành cây, như con ngựa hoang rông đồng nội. Vì vậy, Chơn Ngọc không nhận ra được tâm nào giả, tâm nào thật. Bây giờ nhận ra được tâm giả rồi, nhưng để tiêu diệt nó cũng muốn đứt hơi, mệt muốn xỉu luôn chứ không phải chuyện chơi.
Muốn tiêu diệt nó thật là khó quá, loay hoay suy nghĩ tìm tòi, cuối cùng chỉ có tuyệt chiêu là Chơn Ngọc coppy file nhạc niệm Phật vào máy MP3 nhỏ, nhét vào lỗ tai và bắt nó nghe hoài ....nghe tới chừng nào hư cái lổ tai này  thì  sẽ  chứng được niệm Phật tam muội. Hôm bữa Chơn Ngọc lên chùa kể cho quý Sư Cô nghe cái vụ này, quý Sư Cô cười quá chừng chừng luôn....
Chơn Ngọc thấy rằng trên thân có sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) sáu cái này hay chạy theo ngoại cảnh hoài. Nếu mình không giữ chánh niệm thì sáu căn chính là tác nhân, động cơ đưa Chơn Ngọc tạo nghiệp bất thiện sinh tử luân hồi. Một khi vào Địa Ngục rồi thì khó mà ra, chúng sinh ở địa ngục nhiều như số cát sông Hằng. Đọa làm thân súc sanh thì chịu thống khổ, không có trí tuệ để tu tìm lại thân người, rơi vào loài Ngã quỷ thì hỡi ôi!!! đói khát hằng ngày, thấy thức ăn, ăn không được, thức ăn hóa thành bát máu, khổ chưa? cố gắng tu có phước sinh về cõi Trời thì thật sung sướng tha hồ mà hưởng phước chư Thiên. Nhưng cảnh giới chư Thiên còn nằm trong cõi dục hưởng thọ dục lạc lại quên tu đọa lạc tiếp chịu khổ đau dài dài….
Vì vậy, muốn cho tâm thanh tịnh thì phải ngăn chặn lục căn đừng cho chạy theo ngoại cảnh sinh ra tham, sân, si. Cho nên mình dùng chiêu này là tuyệt để trị lục căn cho thanh tịnh.
-Cái thân thì ngoài giờ đi làm bắt nó ngồi thiền, ngồi tụng Kinh, lạy Phật, sám hối…không thì nó thích đi chơi và ngồi lơ, (ngồi dai phai nát cuộc đời) cái thân thường sinh ra 3 nghiệp sát, đạo, dâm tập cho nó thanh tịnh để nó khỏi tạo nghiệp bất thiện.
-Mắt thì bắt nó xem tượng Phật, bởi vì mắt thích nhìn sắc đẹp là ưu thích, chi bằng nhìn Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp không tốt hơn sao? có ai đẹp bằng Phật đâu nè?
-Tai thì thường xuyên đeo headphone nghe mp3 thuyết Pháp, niệm Phật. Bởi vì cái lỗ tai này thích nghe ngóng chuyện thị phi, nghe chuyện tào lao của thiên hạ thì thích lắm, do vậy sinh ra tranh chấp ẩu đả, đôi chối….sinh ra sức mẻ, xung đột nhưng lại thích nghe đó là bản tính của chúng sinh là vậy cho nên phải hàng phục nó bằng cách này, bắt nó nghe nhạc niệm Phật hoài (nghe đến khi nào lỗ tai hết thích nghe chuyện thị phi, nhạc những thứ lời ngon tiếng ngọt nịnh hót, tiếng khen, chê của mọi người) bấy giờ thành công. Chơn Ngọc bỏ earphone vào lỗ tai bắt nó nghe hoài, tự nhiên khoảng nửa tiếng là bao nhiêu phiền não đều rơi rụng hết, khỏi kiềm kẹp nó, khỏi chống cự với nó, tự nhiên vậy mà tâm nó thuần lại và mát mẻ an lạc lạ thường .....ngộ quá! lạ quá! ....
-Miệng này ham ăn đồ ngon hoài, bắt nó ăn gạo lức muối mè hoài cho hết cà chớn, và miệng thường sinh ra những lời nói dối, nói ác khẩu, nói lưỡi hai chiều, (đến người này khen chửi bới người kia, đến người kia khen chửi bới người nọ) và nói thêu dệt (ít nói nhiều) cho nên cái miệng này rất là nguy hiểm phải thu phục nó, bắt nó lâm râm niệm Phật..(Nam Mô A Di Đà Phật)
-Còn lỗ mũi thì thích ngửi mùi thơm là thích, vì vậy một năm tốn không biết bao nhiêu tiền nước hoa, cái này mình chưa có cách trị được vì lỗ mũi không biết dùng phương pháp để đối trị nó, bịt nó lại thì nín thở chết “mạng người sống trong hơi thở” cái lỗ mũi thì không hại ai, không nguy hiểm lắm, tạm thời để đó, khi nào tìm ra cách sẽ trị nó luôn.
-Ý thì phải có trách nhiệm kiểm tra lại năm căn kia (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) trong ngày hôm nay có làm việc gì sai không? có gây tổn hại ai không? có còn tham đắm cái gì không? nếu có phạm sai lầm thì viết lên trên giấy để lên bàn Phật, con nguyện xin sám hối ngày mai con không tái phạm nữa, việc gì mình hành đúng có lợi ích cho mình và cho người cũng viết ra để trên bàn Phật con nguyện ngày mai con phát triển tu hành thêm đều này để lợi lạc cho con và mọi người. Mỗi ngày cứ như thế chắc chắn việc tu hành của chúng ta đạt kết quả cao.
Mình phải bắt cái thân giả tạm này mà tu hành, giữ lục căn thanh tịnh làm nhiều việc tốt...sống có ý nghĩa với chính bản thân mình, rủi vô thường đến bất kỳ lúc nào thì mình xả bỏ thân giả này ôm hết phước chạy về Cực Lạc.
Phải tính như vậy không thôi lo ôm ba cái vàng trên người nguy hiểm tính mạng, trộm cướp giết người lấy của. Hoặc hỏa hoạn cháy hết tiền tài, đôi khi mình thành homeless. Phật Pháp nói tiền bạc là sở hữu chung của năm nhà :
1. Nhà vua quan: Bọn tham quan ô lại có thể dựa vào quyền thế để tước đoạt của cải chúng ta.
2. Nhà lửa nước: Tai nạn lũ lụt, hỏa hoạn có thể cuốn trôi, đốt sạch của cải chúng ta trong một buổi.
3. Nhà trộm cướp: Trộm cướp lén lấy trộm hay ngang nhiên cướp đoạt của cải chúng ta.
4. Nhà chiến tranh: Gặp lúc chiến tranh khói lửa, nhà cửa ly tán, của cải càng nhiều càng lo sợ, nguy hiểm.
5. Nhà con cái: Gặp con cái bất hiếu, phá tán gia tài, khiến tan nhà nát cửa.
Tiền của chính thuộc về năm nhà này. Người tri túc vì biết : Người ta ăn thì còn, còn mình ăn thì hết, nên không chỉ cất chứa, hưởng thụ riêng cho mình, mà còn biết bố thí cúng dường để vun trồng cội phước và làm những việc lợi ích. Của cải đó mới là chân thật của mình.
Hồi xưa Chơn Ngọc nghe băng giảng rất nhiều, tìm cách này rồi cách kia, loay hoay lụi đụi mãi đến bây giờ mới biết mình hạp với cách tu này .....Sư Phụ của Chơn Ngọc quở hoài hà, Sư Phụ nói:
“Con tu pháp môn nào thì bám theo một pháp tu, Sư Phụ thấy con tu gì mà Thiền, Tịnh, Mật làm tuốt hết, thay đổi như chong chóng, ai mà thấy Chơn Ngọc tu chắc cũng chóng mặt chết .....
Sư Phụ la thì la mình phải loay hoay tìm đúng tần số chứ, đúng trình độ căn cơ của mình tu mới có kết quả, không được thì phải làm cho được, mất cũng mấy năm đó nha, thật tình sao tôi tu bị lận đận đến thế này khg biết nữa ..... mới biết sao cái tâm giả này nó phiền toái đến thế này .....
Ai mà thấy hợp với cách của Chơn Ngọc thì làm thử nha, mở máy niệm Phật nào mà mình thích nhất và cứ để nó nghe hoài bên lỗ tai, nhiều lúc nó không thích cũng mặc kệ nó, cứ nghe hoài vậy đó. Lúc đầu chán gần chết đi được nhưng từ từ thấy tâm định lại, bao nhiêu phiền não, bao nhiêu việc của thế gian này mình thấy không có gì là quan trọng hết, chỉ thích niệm Phật thôi. Chúng ta càng niệm Phật thì càng vui, tâm sẽ an lạc lạ thường, trí tuệ mở sẽ phát sinh.
Mình mà làm biếng niệm Phật, ôi thôi vọng tưởng, suy nghỉ cả ngày, tâm mình nó rối reng, tối bưng như đêm 30 vậy ....
Bây giờ mới biết được thế nào là hoa thật thơm, cảnh thật đẹp, con đường thật nên thơ vào buổi sáng .....chứ hồi xưa cứ đi trong phiền não, đi trong lo toan của kiếp người, không biết được quang cảnh chung quanh mình nó thật đẹp đến dường nào. Đúng là tâm Chơn Ngọc vô thường thật, buổi sáng thì buồn muốn chết, chiều lại niệm Phật khoảng 2 giờ thì vui không thể tả .....
Vì Chơn Ngọc mới biết tập tành xin chia sẻ chút chút với quý vị. Phật pháp thì vô lượng vô biên, nghe quý Thầy giảng thì hay lắm nhưng buông ra không biết đường tu, giờ tìm được phương pháp tu mừng quá lên chia sẻ cho ai ngang trình độ với Chơn Ngọc thì tu theo,
Chơn Ngọc chia sẻ chút nhé, viết theo dòng cảm xúc nên có nhiều sơ sót, các bạn đừng cười nha!!! Cười hở 10 cái răng lạnh ráng chịu đó .         
Cái máy MP3 hiệu Eclipse 4GB 1.8-inch LCD MP3/ MP4 Player. Hôm bữa ở Sears đang on sale  bán có $20  / 1 cái.
Chúc các bạn vô lượng an lạc thành công pháp môn niệm Phật
Chơn Ngọc

Vần thơ mô tả những hình tượng chú Tiểu trong vườn hoa nghệ thuật Phật giáo

A Di Đà Phật_()_

Qúy Phật tử, bạn đọc thân mến!

Hôm nay Trí Giải dạo vườn hoa nghệ thuật Phật giáo nhìn thấy những hình ảnh chú tiểu thật đẹp và dễ thương, Trí Giải mạo muội, họa vần thơ mô tả những hình ảnh chú tiểu trong vườn hoa nghệ thuật Phật giáo để chia sẻ đến quý Phật tử cùng bạn đọc gần xa. Kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc, vạn sự kiết tường.

Oai nghi chánh niệm mỗi ngày

Diệt trừ phiền não hiển bày Phật tâm.

Huynh đệ thủ túc tình thâm

Kiến hòa đồng giải điều cần khắc ghi

Hằng ngày quét sạch sân, si

Nuôi dưỡng hạt giống từ bi tu hành

Ngồi thiền tâm được tịnh thanh

Tâm viên ý mã lanh chanh mỗi giờ

Ngủ nhiều sẽ khiến tâm mê

Giải đãi niệm Phật khó về Tây Phương

Nghĩ về kiếp sống vô thường

Đời người có khác giọt sương lìa cành

Chắp tay cầu nguyện chúng sanh

Được vui, lìa khổ, an lành cõi Nhơn

Thiền, Mật, Tịnh độ pháp môn

Cùng làm phương tiện viên (tròn) Phật tâm

Học Kinh noi bậc Thánh nhân

Tu hành sửa đổi lỗi lầm tạo ra

Thiện, ác đều ở tâm ta

Giác ngộ làm Phật, niệm tà chúng sinh.

Minh châu, ngọc sáng lung linh

Biểu trưng Phật tánh, “tâm minh” mỗi người

Từ bi hoan hỷ mỉm cười

Tình thương trang trải khắp nơi, muôn loài

Thiền trà độc ẩm chẳng ai

Tâm như một đóa liên đài ngát hương

Huynh đệ trà Đạo tỏ tường

Cùng tìm lối thoát vượt đường tử sanh

Ta-bà cõi tạm Hóa-thành

Nguyện về Bảo-sở niệm danh Di Đà

Oai nghi chánh niệm mỗi ngày

Diệt trừ phiền não hiển bày Phật tâm.

Huynh đệ thủ túc tình thâm

Kiến hòa đồng giải điều cần khắc ghi

Hằng ngày quét sạch sân, si

Nuôi dưỡng hạt giống từ bi tu hành

Ngồi thiền tâm được tịnh thanh

Tâm viên ý mã lanh chanh mỗi giờ

Ngủ nhiều sẽ khiến tâm mê

Giải đãi niệm Phật khó về Tây Phương

Nghĩ về kiếp sống vô thường

Đời người có khác giọt sương lìa cành

Chắp tay cầu nguyện chúng sanh

Được vui, lìa khổ, an lành cõi nhơn

Thiền, Mật, Tịnh độ pháp môn

Cùng làm phương tiện viên tròn Phật tâm

Học Kinh noi bậc Thánh nhân

Tu hành sửa đổi lỗi lầm tạo ra

Thiện, ác đều ở tâm ta

Giác ngộ làm Phật, niệm tà chúng sinh.

Minh châu, ngọc sáng lung linh

Biểu trưng Phật tánh, “tâm minh” mỗi người

Từ bi hoan hỷ mỉm cười

Tình thương trang trải khắp nơi, muôn loài

Thiền trà độc ẩm chẳng ai

Tâm như một đóa liên đài ngát hương

Huynh đệ trà Đạo tỏ tường

Cùng tìm lối thoát vượt đường tử sanh

Ta-bà cõi tạm Hóa-thành

Nguyện về Bảo-sở niệm danh Di Đà

Thơ: T. Trí Giải

Thơ: T. Trí Giải

Hình ảnh: theo nghethuatphatgiao

Làm thế nào chuyển hóa phiền não thành Bồ đề (buồn thành vui)?

Tu-tanh-di-da (2) Hàng ngày trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều cảnh  bất như ý  và từ đó thường xuyên khởi tâm phiền não (tham, sân, si) nhất là tâm tham và sân....làm cách nào để chuyển hóa nó.....mỗi người có một cách riêng.
Hồi xưa lúc 18 tuổi Chơn Ngọc chưa biết tu hành, khi gặp chuyện nghịch cảnh không vui thì rủ bạn đi chơi cho khuây khỏa. Nhưng khi tâm trạng đã không vui thì đi đâu cho dù vui tới phương trời nào ngoài miệng thì cười, trong lòng thì héo hắt.....và cảm giác rất cô độc mặc dù chung quanh có rất nhiều người.
Cho nên khi buồn ở nhà trùm mền khóc cho đã rồi ngủ một giấc thức dậy  khỏe re.....Nhưng đến giờ thì nhiều lúc ngủ không được mới khổ chứ ..... và đừng bao giờ cho mình lệ thuộc vào việc gì....khi không thực hiện, thành công được cũng sinh ra khổ (cầu bất đắc khổ) hay  bị mất cái gì thì khổ lắm...(tham ái nguyên nhân của khổ) Và cũng không được ghét ai, nếu ghét rủi sống gần cũng khó chịu lắm (oán tắng hội khổ) mà cũng đừng có thương ai đắm đuối lỡ chia tay cũng sinh ra khổ (ái biệt ly khổ)…bắt đầu mình thực hành theo phương châm này của Đức Phật.
Hồi xưa có thằng bé Mỹ con, sống kế bên nhà Chơn Ngọc. Tối ngày cứ đi kiếm bạn chơi, bạn bè rất nhiều...Rồi có một hôm các bạn bận rộn hết, tội nghiệp thằng bé Mỹ con làm sao, cứ đi từng nhà gỏ cửa dụ bạn ra chơi.....xui cái là không bạn nào rảnh để chơi hết ....
Lúc đó con trai của Chơn Ngọc cũng đang ngủ nên không ra chơi được.....thế là thằng bé chơi một mình mà cái mặt buồn hiu....Một hồi rồi chờ Mommy (mẹ) về là bắt đầu nhỏng nhẻo.....nhìn thấy hình ảnh của thằng bé đó đã cho Chơn Ngọc một bài pháp trong cuộc sống,  là đừng bao giờ tập cho mình một thói quen gì mà lệ thuộc ngoại cảnh.....hãy nương tựa vào chính mình và tâm Phật của mình là hay nhất.....hãy thực hành sống trong an lạc của tự tâm mới là điều quan trọng.....
May phước là mình biết được Đạo Phật, nên luôn tìm mọi cách để chuyển hóa phiền não, Chơn Ngọc nghe HT Nhất Hạnh giảng là trong nhà mỗi người nên có một phòng thờ Phật riêng đó là chổ escape (trốn) tốt nhất, trốn tu để chuyển hóa những phiền não thành Bồ Đề....mà tu thế nào đây ?
Chơn Ngọc đã làm qua rồi và thấy có hiệu quả lắm, hôm nay chia sẻ cho mọi người nè....nếu không work thì nhớ  đổi cách nhé vì không ai giống ai hết nha....
Khi bạn có chuyện buồn bực trong người, gặp chướng duyên phiền não thử thực hành như sau:
1- Trước nhất là tụng bài sám hối 6 căn của HT Thanh Từ......khoảng 15 phút là xong....
2- Lấy kinh Lương Hoàng Sám ra tụng và lạy khoảng 1 giờ (cho mệt lả luôn) sau đó ngôì xếp bằng niệm Phật, nhìn vào tượng Phật và niệm lớn cho đến khi mệt thì niệm thầm khoảng nửa giờ..... 
3- Xong nhớ hồi hướng công đức lạy Phật và tụng kinh hôm nay cho tất cả pháp giới chúng sanh.....hạnh phúc, trường thọ gì gì đó tuỳ mình muốn  .... 
4- Ra khỏi phòng Phật, tâm còn trong trạng thái an lạc thì mở nhạc niệm Phật tiếp tục niệm theo cho đến khi chán thì mở nghe băng giảng của Thầy nào mình thích nghe.... nghe Pháp xong miệng liên tục niệm Phật đừng để cho tâm nghĩ đến chuyện buồn, chuyện phiền não của quá khứ.
Cứ tu như vậy hoài, lúc thì niệm Phật theo nhạc niệm Phật, khi thì nghe băng thuyết Pháp của quý Thầy, đừng để tâm mình ở không thì nó sẽ suy nghỉ lung tung cả ngày, cứ bắt nó busy niệm Phật và nghe giảng Pháp .....Bảo đảm đến tối là vui lắm, gom tâm về một chỗ thì trí tuệ sẽ phát sinh, tâm sẽ rất an lạc, vui tươi....cái vui an lạc chứ khg phải vui ngoài đời...chuyện phiền muồn chắc chắn sẽ đánh theo mây khói.
Hồi xưa Chơn Ngọc và đám  bạn  đi  party, lúc trong tiệc  thì vui lắm nhưng khi về đến nhà thì mỗi đứa ngồi một góc, buồn rủ rượi như con ve sầu, vì khi vui quá đến khi buồn thì lại chịu không nổi....hoặc nhiều lúc buồn quá thì nghe nhạc hay xem phim cho đỡ buồn, nhưng không ngờ lại buồn dữ dội hơn lúc chưa xem.....
Thôi niệm Phật cho chắc ăn, tâm luôn an trú trong câu niệm Phật thì từ từ phiền não sẽ tan biến và bồ đề sẽ xuất hiện.....
Giờ mà bắt Chơn Ngọc bỏ câu niệm Phật là Chơn Ngọc chết liền.....hihi (bắt chước Thầy Chân Hiếu ).......
Chơn Ngọc

Ðức Phật Là Bậc Vô Thượng Y Vương

050-Phat-Thich-Ca Chúng ta tu Phật, ai cũng biết mình đang mang chiếc thân vô thường, tạm bợ. Nhưng nếu biết nương nó, khéo tu thì chúng ta sẽ đi đến chỗ giải thoá sanh tử. Mà giải thoát sanh tử thì sống chừng bao lâu? Sống mãi không có ngày cùng, sống hoài không chết. Như vậy Phật pháp là những phương thuốc trị tâm bệnh. Khi lành rồi, chúng ta không còn bị vô thường chi phối, vì vậy sống mãi không cùng tận .

Bậc đem phương thuốc đó chỉ dạy cho người, không phải vua thầy thuốc thì là gì? Gọi vua thầy thuốc được rồi, tại sao nói không ai hơn? Không ai hơn nghĩa là có người bằng. Tại sao có người bằng? Vì nếu chúng sanh chịu khó tu hành đến khi công đức viên mãn thì sẽ thành Phật. Như vậy Phật là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành. Khi thành Phật rồi thì có thua Phật bậc nào đâu. Nếu thành Phật thì Phật hồi xưa đến đâu chúng ta đến đó, ngang bằng Phật mới gọi là Phật, nếu thấp hơn Phật thì không gọi là Phật được, mà cốt thành Phật thì sau này sẽ bằng Phật. Ðó là ý nghĩa của Vô thượng Y vương .

Hiểu rõ được ý nghĩa đó, chúng ta biết có quả vị ngang bằng Phật, chứ không có người hơn Phật nên gọi Vô thượng. Vì đến đó là giác ngộ viên mãn rồi. Ðức Phật là bậc Vô thượng Y vương nên Ngài dạy chúng ta trị bệnh để hết sinh tử khổ đau. Vậy bệnh đó là bệnh gì? Ở đây tôi sẽ lần lượt nêu ra .

Như trong kinh thường nói, chúng sanh có bệnh gì thì Phật có pháp ấy để đối trị. Nên từ chữ Hán gọi "Tuỳ bệnh dữ dược" nghĩa là theo bệnh cho thuốc, người ta bị bệnh gì thì mình cho thuốc ấy để trị lành bệnh. Thầy thuốc ở thế gian khi chẩn mạch biết bệnh rồi thì phải tìm, phải chọn thuốc đúng với bệnh đó. Trị đúng thì bệnh mới lành .

Ở đây Phật cũng xét kỹ chúng sanh có bệnh gì, Phật cho thuốc ấy. Nhưng bệnh của chúng sanh là tâm bệnh. Thầy thuốc thế gian thì trị thân bệnh, còn Phật thì trị tâm bệnh. Trong kinh Phật thường nói chúng sanh có tám muôn bốn ngàn phiền não thì Phật có tám muôn bốn ngàn pháp môn .

Hiện giờ trong chúng ta có ai không bệnh không? Tâm chúng ta hoàn toàn tốt, hoàn toàn tỉnh giác hay vẫn đầy đủ tham sân si. Như vậy mỗi khi chúng ta sanh một niệm xấu, một niệm ác, là đã có một bệnh. Có bệnh thì phải lấy thuốc Phật uống vô cho lành bệnh .

Quý Phật tử tu theo Phật phải biết thuốc gì để trị bệnh mình? có nhiều vị tu cũng đã lâu mà hỏi dùng thuốc gì trị bệnh thì lắc đầu không biết. Chỉ tụng kinh niệm Phật vậy thôi. đó là vì chưa hiểu chính xác đường lối tu của Phật dạy. Tu theo Phật năm mười năm mà phiền não vẫn còn nguyên, bệnh nào tật ấy không thay đổi, rồi nói thuốc của Phật không giá trị, không hết bệnh. Thế là bỏ thuốc luôn .

Như vậy Phật tử mới thấy rằng, chúng ta tu mà chưa nắm vững được đường lối, thì không biết mình tu cái gì, không biết mình bị bệnh gì, không biết dùng thuốc gì để trị... lỗi tại không rành, không hiểu. Ðó là một điểm yếu mà chúng ta cần phải biết. Nói pháp Phật là thuốc trị bệnh mà người ta hỏi bệnh gì và dùng pháp gì để trị thì không biết, như vậy làm sao hết bệnh được .

Thường thường chúng ta có bệnh về thân, thì bác sĩ chẩn mạch xong cho thuốc trị. Nếu cho thuốc mà chúng ta không uống thì có lành không? Chắc chắn là không rồi. Vậy mà vẫn có người đến xin bác sĩ cho tôi khỏi bệnh, chớ không cần chẩn mạch. Quý vị nghĩ người đó có thể trị lành bệnh không? Bởi vì bác sĩ chẩn bệnh để cho thuốc trị bệnh mà bệnh nhân chỉ cầu xin bác sĩ cho hết bệnh, chớ không cần cho thuốc, không chịu uống thuốc thì bệnh làm sao lành được .

Phật tử chúng ta cũng giống như những bệnh nhân đó vậy, Phật dạy tu, nghĩa là mình có bệnh gì thì dùng pháp đó để trị. Thế nhưng Phật tử chỉ chắp tay cầu Phật gia hộ cho con được bình yên, Phật gia hộ cho con mạnh khỏe, chứ không chịu tu. Nghĩa là không chịu uống thuốc, không chịu trị bệnh mà xin Phật cho khỏe mạnh, bình yên thôi. Phật đã từng tuyên bố rằng: "Ta không có quyền ban phước giáng họa cho ai". Nếu Phật ban phước giáng họa được thì Phật không dạy chúng ta tu nhân quả. Tạo nhân lành thì hưởng quả lành, tạo nhân ác thì hưởng quả ác. Chúng ta tạo chúng ta hưởng, Phật không có can thiệp chút nào hết. Phật chỉ dạy chúng ta biết đường lối tu để dẹp phiền não, hết khổ đau. Nhưng chúng ta không chịu tu, cứ xin Phật cho hết phiền não, hết khổ đau thì xin chừng nào mới được?

Thêm một hạng người nữa, như bác sĩ chẩn mạch cho toa xong, bảo mua thuốc đó sẽ lành bệnh. Nhưng người ấy đem toa về nhà đọa hoài, đọc thuộc lòng mà không chịu mua thuốc uống. Người này có hết bệnh không? Phật tử có giống như vậy không? Chắc cũng như vậy .

Phật dạy những bài pháp cho mình tu, nhưng chúng ta cứ lấy kinh ra đọc tới, đọc lui cho Phật nghe, như vậy là tu rồi đó. Ðêm nào cũng đem đọc cho Phật nghe, mà bệnh vẫn còn nguyên, mới thấy chúng ta từ lầm lẫn này sang lầm lẫn khác, nên tu không có kết quả. Chúng ta phải tu cách nào cho đúng lời Phật dạy? Ðó là điều mà tôi nói ở đây .

Phật là vua thầy thuốc, có những toa thuốc hay trị tất cả bệnh của chúng sanh. Chúng ta bệnh phải dùng những toa thuốc đó thì bệnh mới lành. Muốn lành bệnh chúng ta phải chịu uống thuốc, chớ không thể đọc toa thuốc hoặc chấp tay xin thầy thuốc cho lành bệnh. Ðó là hai điểm tôi nhắc cho quý vị nhớ rõ .

Quý vị có biết mình bao nhiêu bệnh đã lành hết chưa? Về thân thì nay yếu mai đau, về tâm thì sao vẫn cứ phiền não hoài. Chừng nào trong chúng, trong gia đình mà cả tháng chúng ta cứ cười vui, không buồn không giận ai hết, không một chút than thở gì, đó mới là ít bệnh. Nếu lại có người chỉ mang một ít bệnh, nhưng bệnh đó lại quan trọng thì thế nào? Trong kinh Phật có kể lại: Một hôm Phật hỏi các vị Tỳ kheo:

- Nếu các ông nhốt bốn con rắn độc chung một nhà thì thế nào?

Các thầy Tỳ kheo bạch rằng:

- Chúng con ngủ không yên .

Phật hỏi:

- Làm thế nào các ông ngủ mới yên?

Các thầy Tỳ kheo bạch rằng:

- Chúng con phải đuổi mấy con rắn độc ra khỏi nhà thì ngủ mới yên .

Phật nói:

- Cũng vậy, nếu các ông còn tham sân si trong tâm thì các ông ngủ không yên. Vì tham sân si còn hại hơn rắn độc nữa. Rắn độc cắn chỉ chết một thân này, tham sân si tạo nghiệp chịu khổ không biết khi nào mới hết .

Như vậy hiện giờ nội tâm của chúng ta đã hết tham sân si hay chưa hay còn đủ? Nếu còn đủ chúng ta có yên lòng ngủ không? Nó độc hơn rắn độc mà chứa nó, thì làm sao chúng ta yên được? Vậy mà Phật tử không biết đuổi rắn độc ra, lại đi xin Phật cho con bình yên. Thử hỏi làm sao bình yên được?

Chúng ta tu là mong hết khổ, để đi tới an lạc giải thoát. Nếu còn tham sân si là còn đau khổ. Cho nên dù tu năm mười năm, mà tham sân si không hết thì việc tu đó vô hiệu rồi. Hiện nay, chẳng những người tại gia cư sĩ mà cả hàng xuất gia, có ai hết tham sân si chưa? Chưa ai hết. Như vậy thì chúng ta chưa có bình an, phải không? Bởi vì trong nhà còn rắn độc thì làm sao bình an được. Ðó là một lẽ thật .

Thế nên, muốn được bình an phải đuổi ba con rắn độc ấy đi. Phật dạy phương pháp đuổi nó, chúng ta phải khéo nghe và khéo tu thì sẽ đuổi được bọn chúng ra khỏi nhà.

Trước tiên, tôi nói về con rắn tham. Muốn đuổi rắn tham ra khỏi nhà thì phải dùng thuốc gì? Trước khi nói cách đuổi, tôi giải thích rõ tham có nhiều loại. Thông thường có năm thứ: tham tài, tham sắc, tham danh, tham thực, tham thùy. Ðó là năm thứ tham. Năm thứ tham này phải trị bằng thuốc gì?

1. Bệnh tham tiền. Người tham tiền của nhiều thì dùng thuốc bố thí để trị. Tại sao bố thí lại trị được bệnh tham tiền của? Bởi vì tham nên được ít muốn nhiều, được nhiều muốn nhiều hơn nữa. Như gia đình mình mỗi tháng có một triệu bạc thì sống thoải mái, nếu tháng đó có được triệu rưỡi thì sao? Dư năm trăm phải không? Người tham khi dư năm trăm liền muốn kiếm thêm năm trăm nữa cho được hai triệu .

Do đó trị bệnh tham, Phật dạy phải bố thí. Khi dư năm trăm, chúng ta xem ai nghèo thiếu, ai khổ hơn mình thì giúp cho họ. Bố thí như vậy vừa được việc lợi ích cho người, vừa hết lòng tham cho mình. Có dư liền cho thì đâu còn tham, dư mà tích lũy hoài thì đó là tham. Nên trong kinh Phật thường dạy, lòng tham như túi không đáy, bỏ bao nhiêu nó cũng tuột hết, không biết tới đâu là đầy, tới đâu là đủ. Vì vậy chúng ta có dư nên giúp người nghèo thiếu, đó là biết trị bệnh tham tài .

2. Bệnh tham sắc. Tham sắc dùng thuốc gì để trị? Nếu người tham sắc phải dùng thuốc quán bất tịnh để trị. Quán bất tịnh có hai cách: Một là quán nơi thân mình có 36 vật nhơ nhớp. Hai là quán thân người chết, từ khi mới tắt thở lần lần tới sình thối v.v... quán như vậy sẽ hết tham sắc. Tại sao?

Vì thấy thân này nhơ nhớp, bẩn thỉu đáng gớm thì thân người khác cũng nhơ nhớp, bẩn thỉu như thế, có gì để yêu thích. Nói tóm lại thân mình, thân người chỉ là một cái bô đậy kỹ vậy thôi. Quý vị nghĩ trong nhà có một cái bô đã khó chịu rồi, huống hồ thêm hai, ba cái nữa thì đáng gớm không?

Khi Ðức Phật gần thành đạo dưới cội bồ đề. Ma vương đến phá Ngài bằng cách hiện hình những thiếu nữ kiều diễm ca múa, để Ngài nhớ trở về hoàng cung, Ngài liền quở:"Ði, các người là đãy da hôi thối. Ta không có dùng", chúng hổ thẹn rút lui hết. Sau đó chúng hiện ra một đám đầu trâu mặt ngựa hung dữ, cầm gươm giáo bao vây muốn khiến cho Ngài run sợ. Nhưng Ðức Phật chỉ an ở trong chánh điện, không thèm nghĩ, không thèm thấy nó. Lát sau bọn chúng cũng bỏ đi, nên trong kinh nói rằng, Ðức Phật dùng cung thiền định, kiếm trí tuệ mà diệt ma quân .

Chúng ta tu là dùng thiền định, trí tuệ để dẹp sạch ma quân. Nhưng bây giờ có nhiều người ngồi thiền hoặc niệm Phật để bắt ấn, đọc chú hoặc vẽ bùa để trấn ma. Ðó là đã đi lệch hướng rồi. Chúng ta phải dùng thiền định, dùng trí tuệ để dẹp ma chứ không phải dùng bùa, dùng chú, bùa chú như vậy là lạc vào ngoại đạo rồi. Quý vị phải nhớ thật kỹ.

Nói thân này là nhơ nhớp, có người không bằng lòng, vì họ cho rằng mình vệ sinh sạch sẽ thì làm sao nhơ nhớp được? Tôi nói một thí dụ rất đơn giản để minh chứng điều này. Nếu thân này sạch thì nó luôn toát ra mùi thơm như hoa sen rồi, chúng ta đâu cần phải dùng xà bông thơm. Nhưng vì nó hôi quá nên phải dùng xà bông thơm, dùng nước hoa cho bớt hôi. Vì biết mình nhơ nhưng muốn giấu, không cho người ta biết nên dùng cái này cái kia để khỏa lấp đi. Ðó là chúng ta chưa thấy lẽ thật.

Thêm một điều nữa, biết rõ thân mình nhớp nhúa nhưng nghe ai nói "Chị này hôi quá" thì buồn liền. Sự thật mình nhớp nhưng nghe người ta chê lại buồn. Như vậy rõ ràng chúng ta không dám nhìn nhận sự thật. Chúng ta chỉ tưởng tượng chứ không thấy đúng lẽ thật.

Người biết tu rồi phải nhìn thấu đáo sự thật. Thân này nhớp nhúa, chúng ta nhận là nhớp nhúa nên khi ai chê, mình chấp nhận đúng như vậy. Chúng ta kiểm lại từ đầu đến chân có cái gì không nhớp đâu. Như quý nhất là con mắt, nhưng khi ghèn cháo đổ ra có gớm không? Rồi đến lỗ mũi, nước mũi chảy ra có gớm không? Kế đến là miệng, miệng khi khạc nhổ ra rồi, có can đảm liếm lại không? Như vậy tất cả từ đầu đến chân toàn là nhơ nhớp, mà chúng ta cứ tưởng nó sạch. Tưởng tượng thì không phải lẽ thật. Ðó là cái thấy sai lầm, không có trí tuệ. Chúng ta biết rõ thân này nhớp nhúa, mà đã nhớp nhúa thì tại sao lại mê đuổi theo nó? Ðó là điểm thứ nhất.

Thứ hai, nếu người bệnh tham ái trần trọng, thấy ai cũng dễ thương hết. Thì Phật dạy quán thây chết. Từ lúc mới tắt thở cho đến một giờ, hai giờ, tới bầm xanh rồi sinh lên v.v... Bây giờ nói gần nhất như người thân của mình, hoặc anh em cha mẹ, khi tắt thở chừng vài chục tiếng đồng hồ, mình dám lại gần không? Ðó, lúc sống là cha, là mẹ, là anh là em, mà chết liền thành thây ma, gớm sợ đủ thứ hết. Như vậy mới thấy rằng thân đó không thật quý. Nếu thật quý thì chúng ta đâu có sợ.

Phật bảo ai bệnh nặng về sắc, thì phải luôn luôn quán thân là nhớp nhúa. Từ tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, ba mươi sáu vật xét cho thật kỹ, vật nào cũng nhớp hết. Quán như vậy mà không hết bệnh thì phải quán thây chết. Ðó là cách trị bệnh tham sắc.

Lâu nay quý vị có trị bệnh đó chưa? Tu mà không chịu trị bệnh, nên bệnh còn hoài. Rồi than sao tôi tu lâu quá mà những thói xấu không chịu hết. Vì có chịu quán đâu, không chịu uống thuốc mà cứ đọc toa thuốc của Phật suốt ngày thì làm sao hết bệnh được. Ðó là bệnh thứ hai.

3. Bệnh tham danh. Tham danh tức là muốn được chức phận cao, muốn được người ta khen ngợi v.v... Phật dạy bệnh tham danh lấy thuốc vô thường để trị. Giả sử người ra ứng cử Tổng thống được đắc cử, người đó hưởng địa vị ấy bao lâu? Bốn năm, tám năm rồi cũng hết. Sau đó cũng thành thường dân trở lại, đâu có bền, đâu có lâu dài mà phải chịu bao nhiêu thứ khổ sở. Ðó là dùng thuốc vô thường để trị bệnh tham danh. Song muốn uống cho hết gốc thì phải thêm thang thuốc quán "khổ" nữa.

Bởi vì người cầu danh trước khi được cũng khổ, sau khi được cũng khổ. Như trước khi được làm Tổng thống phải vận động, chạy ngược chạy xuôi cầu mong người ta bỏ phiếu cho mình, vận động là khổ rồi. Ðến khi đắc cử Tổng thống có vui không? Phải lo đủ thứ việc, rồi lại sợ người ta đoạt mất ghế nữa. Ðó, được và giữ gìn cho đừng mất cũng khổ. Ðến khi lỡ rớt xuống có khổ không? Khổ. Như vậy, quán ba thời đều là khổ: trước khổ, giữa khổ, sau cũng khổ. Một cái vô thường mà muốn được, phải khổ như vậy thì muốn làm gì? Muốn được khen ngợi làm gì, muốn chức tước cao làm gì? Nhờ quán như thế, tự nhiên mình hết tham danh vọng chức tước cao. Ðó là phương thuốc trị bệnh tham danh.

4. Bệnh tham ăn. Bệnh tham ăn này ai cũng có hết. Ăn thì muốn ăn thật ngon, cho vừa với cái lưỡi tham vị ngon. Bệnh tham ăn này phải dùng thuốc gì để trị? Phải dùng hai thứ thuốc trị mới lành.

Thuốc thứ nhất là quán thức ăn nhơ nhớp, không sạch. Khi còn ở trên mâm, nó thơm tho hấp dẫn nhưng nhai nuốt rồi nó mất. Sau khi mất, tới hồi trả ra rất ghê gớm. Như vậy nó có thật ngon không? Nếu thật ngon thì trước sau đều ngon. Khi đem vô ngon, lúc trả ra cũng phải ngon. Nhưng đằng này đem vô thì ưa, mà đem ra thì gớm. Như vậy đâu phải thật ngon. Ðó là nói tiêu hóa được, còn như không tiêu hóa, ăn vô khỏi cổ mà bao tử không chịu chứa, bắt ụa ra thì có gớm không? Như vậy ngon chỗ nào? Chúng ta xét thức ăn nhơ nhớp không có gì quan trọng, ăn để sống chở không phải ăn để tìm vị ngon. Mà không tìm vị ngon thì bớt tham ăn.

Thuốc thứ hai, chúng ta xét thức ăn ngon chỉ có mấy phút ở lưỡi thôi, khi nuốt vô rồi liền hết ngon. Cái ngon đó là cảm giác tạm bợ, vô thường, không lâu bền. Vì vô thường nên không quan trọng. Lại thêm nữa, nếu người có của tiền dư dả, muốn ăn gì đều được nấy. Ăn đủ thức ăn ngon sẽ dẫn đến kết quả mập phì, bị bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh tin mạch, đủ thứ bệnh v.v... Như vậy ăn càng ngon thì càng khổ, càng bệnh chớ có lợi gì đâu.

Tóm lại, cái mà chúng ta nói ngon đó không phải là lẽ thực, không phải là kế lâu dài, chỉ là tạm bợ. Nếu chúng ta lệ thuộc nó thì phải khổ thôi. Quán cái ngon là vô thường, là nhơ nhớp thì lần lần hết tham muốn ăn ngon. Như vậy dùng thuốc quán vô thường, quán bất tịnh để trị bệnh tham ăn.

5. Bệnh tham ngủ. Bệnh này trong chùa dễ mắc lắm. Vì phải thức khuya dậy sớm nên người nào tham ngủ nhiều sẽ khó thức lắm. Hồi tôi còn ở trường, có mấy huynh đệ thường dặn: "Khuya nhớ kêu tôi dậy đi công phu nghe". Tới khuya đánh kẻng tôi kêu, lắc qua lắc lại một hồi, huynh ấy nói đau đầu quá, rồi ngủ ót không thèm dậy công phu luôn. Ðó là bệnh tham ngủ. Bởi tham ngủ nên mất hết thì giờ tu hành của mình.

Làm sao trị bệnh tham ngủ? Muốn trị bệnh này, cũng có hai thứ thuốc. Một là thuốc vô thường. Hồi xưa, mỗi khi tụng kinh thường nghe câu: "Thị nhựt dĩ quá, mạng diệt tùy giảm, như thiểu thủy ngư" nghĩa là ngày nay đã qua, mạng cũng theo đó mà giảm, như cá cạn nước. Như vậy cuộc sống thật ngắn ngủi, thật tạm bợ mà mình cứ lo ngủ, tức là giết hết thì giờ quý báu rồi. Cho nên phải siêng năng thức dậy tu.

Hai là lấy roi tinh tấn để đánh ma ngủ. Nghe tiếng kẻng, chưa chịu dậy thì phải rầy cho nó trỗi dạy liền. Tu hành mà lười biếng là cái nhân đọa vào đường ác. Nên phải mạnh mẽ, phải tinh tấn, nhắc như vậy cho mình cố gắng lên. Ðó là dùng thuốc tinh tấn và thuốc quán vô thường để trị bệnh lười biếng, Nhờ thế ma ngủ lui mất.

Tóm lại, để trị năm thứ bệnh tham đó, chúng ta phải biết và dùng các toa thuốc sau:

- Tham tài dùng thuốc bố thí.
- Tham sắc dùng thuốc quán bất tịnh.
- Tham danh dùng thuốc quán vô thường hay quán khổ.
- Tham ăn dùng thuốc quán bất tịnh và quán vô thường.
- Tham ngủ dùng thuốc quán vô thường và roi tinh tấn.

Trong năm thứ tham này không ai giống ai, kẻ tham thứ này, người tham thứ kia, không giống nhau. Cho nên mỗi thứ đều có thuốc để trị. Như vậy là trị được bệnh tham Trị được bệnh tham là đuổi con rắn tham ra rồi.

Ðến con rắn sân: Người bị bệnh sân lấy thuốc gì để trị? Phật dạy đúng hai thứ thuốc để trị. Một là nhẫn nhục, hai là từ bi. Khi người ta nói trái ý hoặc làm tổn thương đến danh dự của mình, lúc cơn giận bừng bừng nổi lên, chúng ta liền dùng thuốc nhẫn nhục. Nhẫn làm sao, uống bằng cách nào?

Khi nóng giận phừng phừng nổi lên thì nó sẽ phát ra lời nói, phát ra hành động. Vì vậy lửa sân vừa dấy lên thì chuùng ta liền phải trị bằng thang thuốc nhẫn nhục. Song nhẫn bằng cách nào, làm sao nhẫn? Nói nhịn là được, nhưng thực sự nói nhịn không thì chưa đủ sức để nhịn. Chúng ta phải nói rõ rằng "Nhịn là khôn, nói là dại", nhắc tới nhắc lui câu đó chừng hàng chục lần thì hết giận.

Bởi khi giận nói ra liền nói bậy. Có khi nào mình nổi nóng mà nói đàng hoàng đâu. Nổi nóng thì toàn là nói bậy, nói lời không hay, nói lời thô tục v.v... Vì vậy mà phải tự nhắc "nhịn là khôn, nói là dại". Chúng ta muốn khôn, không muốn dại thì nhịn, làm thinh bỏ qua. Nhưng bỏ qua một lát thì dễ, đến chừng nhớ lại, cũng nổi nóng nữa. Bây giờ phải làm sao trị cho dứt tận gốc mới được? Nên phải dùng thuốc quán từ bi để trừ căn.

Quán từ bi là quán thế nào? Như khi ta nổi giận lên, lúc đó thấy người làm cho mình giận dễ thương hay dễ ghét? Rất dễ ghét, chẳng những ghét mà còn muốn chửi, muốn đánh cho đã giận. Nên phải dùng thuốc quán từ bi. Nhưng quán từ bi bằng cách nào? Họ chửi mình làm sao quán từ bi được? Tôi sẽ chỉ cho quý vị cách quán từ bi không khó.

Ví dụ chúng ta vào bệnh viện tâm thần, thăm một người quen. Vừa bước vào cửa rào, gặp một người điên chỉ vô mặt mình chửi, lúc đó chúng ta xử trí ra sao? Họ chửi mình không có duyên cớ gì hết, không động phạm gì hết, như vậy đáng giận không. Nếu giận, mình chửi mình đánh lại, thì người ngoài cuộc sẽ nói mình như thế nào? Kẻ đánh lộn với người điên là kẻ điên luôn rồi, chứ còn gì nữa.

Như vậy để phân biệt ai là kẻ điên, ai là người tỉnh, thì khi gặp kẻ điên loạn làm bậy, nói bậy, mình phải tỉnh không cự lại họ. Người ta điên nên người ta bậy, người ta sai. Còn mình bình tĩnh thì phải sáng suốt mới đúng chứ. Nên khi người vô cớ chửi mình, làm nhục mình, chúng ta phải nghĩ người đó không được minh mẫn nên họ mới nói bậy, làm bậy. Người đó đáng thương chứ không đáng giận. Xét như vậy chúng ta thương họ, tội nghiệp họ nên không giận. Nhờ thế trị hết gốc giận luôn. Quý Phật tử phải khéo tu mới hết nóng giận. Nhiều vị nói tánh tôi nóng quá, nên mỗi bữa đốt hương nguyện Phật cho con hết nóng, Phật cho được không? Phật không thể cho mình hết nóng mà Phật chỉ dạy pháp tu, chúng ta ứng dụng theo đó tu tập thì sẽ hết nóng giận. Phương pháp trị nóng giận là hành hạnh nhẫn nhục, và quán từ bi.

Trong kinh Phật có kể lại một câu chuyện: Hôm đó Ngài khất thực tại một khu làng của các vị Bà la môn. Bổn đạo Bà la môn thấy Phật oai nghiêm trang tề chỉnh tướng mạo rất đẹp nên họ vây quanh chiêm ngưỡng Phật. Sau khi thọ trai xong, Phật nói pháp cho họ nghe. Nghe xong họ phát tâm quy y Phật. Ðôi ba lần như vậy nên xóm Bà la môn đó theo Phật hết .

Bấy giờ, vị thầy của họ tức quá, ông đợi Ðức Phật đến, rồi lẽo đẽo theo sau kêu tên của Phật chửi. Chửi một hồi ông vẫn thấy Phật cứ ung dung đi, không để ý gì cả, ông bèn chận đường Phật hỏi:

- Cù Ðàm, thua tôi chưa?

Phật trải tọa cụ ngồi xuống, đọc bài kệ:

Kẻ hơn thì thêm oán
Người thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ

Phật im lặng, ngoại đạo tưởng Phật thua. Nhưng sự thực ai còn chê người, còn giành phần hơn, thì người đó là kẻ bất an. Như vậy mới thấy nhịn là khôn, chửi là dại.

Chúng ta thấy ngay cả Ðức Phật ngày xưa, đâu phải ai cũng cung kính hết, vẫn có người chửi như thường. Nếu gặp người chửi, Ngài cũng chửi lại thì bây giờ chúng ta có lạy Phật không? Cũng vậy, giới tu sĩ chúng ta nếu bị người mắng chửi, liền nổi tức cự lộn với người ta, rốt cuộc lỗi hết về mình. Vì sao? Vì đã là tu sĩ mà còn nóng giận sân si như vậy, thì đâu thể gọi được là kẻ tu hành được. Làm sao dạy dỗ hàng Phật tử? Chửi càng hơn, càng thắng thì càng bị người ta coi thường .

Nên người tu hành phải lấy hạnh nhẫn nhục làm đầu. Lúc nào, hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch, mình cũng phải hoan hỷ, cũng phải bỏ qua hết. Như vậy mới gọi là tu, tu thì mới trị hết các bệnh. Nên nhớ chúng ta muốn tu thì phải cố gắng trị bệnh của mình cho lành. Ðó là thuốc trị bệnh sân .

Ðến bệnh si. Si mê là điều rất nguy hiểm. Bởi si mê nên chúng ta chấp những cái không thật cho là thật, tưởng tượng những điều không đúng chân lý, không đúng với lẽ thật .

Vì si mê nên sanh ra tham, vì si mê nên sanh ra nóng giận. Nên nói si mê là nguy hiểm nhất. Vậy dùng thuốc gì để trị bệnh si mê?

Phật dạy dùng trí tuệ để trị bệnh si mê. Si mê là bóng tối mà trí tuệ là ngọn đèn, là ánh sáng. Có đèn thì không tối, còn tối là không có đèn. Kẻ si mê thì không có trí tuệ, người có trí tuệ thì hết si mê. Do si mê nên có những bệnh như ngã ái, ngã mạn ẨNgã ái là gì? Là thương là quý thân này. Ngã mạn là gì? Là cho mình hơn thiên hạ, mình trên hết. Bởi thấy hơn nên khinh người này, chê người kia. Như vậy từ si mê thấy thân này là quý, là thiệt nên thương nó, đó là ngã ái. Thấy thân mình là quan trọng là cao hơn người nên sanh ngã mạn .

Người si mê sanh ngã ái, ngã mạn phải dùng thuốc gì để trị? Mỗi tối chúng ta từ cư sĩ cho đến xuất gia đều tụng Bát nhã hết phải không?

Bây giờ tôi chỉ nhắc lại một câu thôi: "Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách". Chiếu kiến ngũ uẩn giải không là sao? Làsoi thấy thân năm uẩn này không thiệt, nhờ soi thấy thân năm uẩn này không thiệt nên qua hết khổ nạn .

Chúng ta tụng bài kinh Bát nhã bao nhiêu năm rồi, có chiếu kiến ngũ uẩn hay là đọc trả bài cho Phật? Phật dạy phải soi thấy năm uẩn này không thiệt. Ðã không thiệt thì còn gì yêu mến nó, còn gì quý trọng nó. Nhưng vì chúng ta tụng mà không chịu chiếu, không chịu soi nên tụng hoài mà cái ngã vẫn y nguyên, không mất chút nào hết. Năm uẩn có chia ra làm hai: một là vật chất hai là tinh thần .

- Vật chất: Sắc uẩn do đất, nước, gió, lửa bốn chất hợp lại thành nên không thiệt, nó là giả dối .

- Tinh thần: Thọ uẩn là những cảm giác khổ, vui hoặc không khổ không vui. Những cảm giác ấy có một chút rồi qua, đâu còn hoài nên nói không thiệt. Tưởng uẩn là những bóng dáng tưởng tượng, không có thiệt. Hành uẩn là những suy tư, suy tư là một dòng sinh diệt. Thức uẩn là ý thức phân biệt sinh diệt liên tục, nên cũng không thiệt .

Xét kỹ ngũ uẩn về 2 mặt tinh thần và vật chất đều là duyên hợp, hư giả không thiệt. Biết rõ nó không thiệt, tánh nó không thì khổ nạn nào cũng qua. Phật dạy kỹ quá, bắt đọc mỗi đêm mà khổ nạn nào chúng ta cũng cứ chịu chứ qua không nổi. Nếu thấy thân này không thiệt, năm uẩn không thiệt thì giả sử có ai chửi, mình có quan trọng không? Thân đã không thiệt thì lời chửi có thiệt đâu, có nghĩa gì đâu mà buồn. Thấy rõ như vậy thì ngã ái, ngã mạn theo đó nó hết. Ðó là tu Bát nhã, là trí tuệ .

Bát nhã có chia ra 3 phần: một là văn tự Bát nhã, hai là quán chiếu Bát nhã, ba là thật tướng Bát nhã. Ngài Thái Hư (Trung quốc) dùng một thí dụ rất hay về 3 thứ Bát nhã này. Ngài nói như có người cần qua sông, họ bước xuống thuyền, được ngồi trên thuyền, đó là văn tự Bát nhã. Xuống thuyền rồi thì quay chèo cầm dầm bơi, đó là quán chiếu Bát nhã. Bơi cho thuyền cập bến sang sông rồi mình lên bờ, đó là thật tướng Bát nhã .

Như vậy chúng ta đang tu là tu Bát nhã nào? Văn tự Bát nhã. Nhưng xuống thuyền rồi, cứ ngồi yên đó không chịu bơi chèo gì hết, thì chừng nào mới qua tới bên kia sông? Nên biết chúng ta tu chưa đúng với những gì Phật dạy. Chiếu kiến là quán, quán rồi mới đi tới thật tướng. Nếu chúng ta không chịu quán, chẳng khác nào xuống thuyền muốn qua sông, mà không chịu bơi chèo, cứ ngồi ỳ đó hoài thì bao lâu mới qua được bờ bên kia? Chắc tới thuyền mục cũng không qua được. Cứ dùng văn tự cho đó là đủ, không chịu quán chiếu. Bởi không quán chiếu nên không thể tiến lên, không dẹp được phiền não. Vì vậy tu 10 năm, 20 năm mà phiền não vẫn y nguyên. Ðó là lỗi lầm lâu nay chúng ta mắc phải .

Do quán chiếu, soi rọi thấy thân này tạm bợ, hư giả nên chúng ta không ái nó. Không ái nó thì không ngã mạn. Như vậy tu là để diệt trừ bệnh cho mình. Muốn trừ bệnh thì phải dùng thuốc. Nếu được toa thuốc mà mình không mua thuốc uống thì cái toa cũng trở thành vô nghĩa. Phật dạy phải quán chiếu để thấy rõ năm uẩn không thiệt mà mình cứ đọc cho Phật nghe hoài thì chừng nào hết bệnh? Tu như vậy thì chừng nào mới thành Phật .

Ở đây tôi chỉ nói những bệnh căn bản là tham sân si, để quý vị biết từng thứ thuốc mà trị bệnh. Bây giờ có thứ thuốc nào trị bá bệnh không? Cũng có thuốc trị bá bệnh nhưng trị bá bệnh thì chậm lành hơn. Thuốc nào bệnh nấy thì mau lành, còn thuốc trị bá bệnh chỉ có tác dụng nhè nhẹ thôi. Thuốc trị bá bệnh là gì?

Nếu người tu Tịnh độ thì dùng "Lục tự Di Ðà" làm thuốc trị bá bệnh. Khi vừa nổi sân, chúng ta nhớ niệm "Nam mô A Di Ðà Phật", niệm một hồi quên sân phải không? Vừa có việc gì buồn, niệm Phật một hồi quên buồn, đó là thuốc trị bá bệnh. Thuốc bá bệnh thì yếu hơn một chút, phải siêng năng cần mẫn trị mới lành, nếu không thì không lành. Ðó là thuốc trị bá bệnh của người tu Tịnh độ .

Nếu người tu Thiền thì thuốc trị bá bệnh là gì? Khi nào vừa dấy niệm chạy theo cảnh, chúng ta liền buông, vì sao phải dùng thuốc đó? Vì tất cả buồn, thương, giận, ghét đều từ ý niệm dấy lên. Do khởi niệm nên mới tới buồn, thương, giận, ghét. Nếu vừa khởi niệm liền buông bỏ không theo, như vậy vừa trị, vừa ngừa bệnh. Khi nó mới dấy chưa thành bệnh thì không gọi là trị. Vừa dấy lên mình liền buông tức là ngừa bệnh. Buông hết đến một lúc nào đó tâm không còn buồn giận, tức hết khổ đau. Ðó là thuốc trị bá bệnh trong nhà Thiền .

Nhưng có người mới tập tu thiền 1 năm 2 năm, niệm cứ khởi hoài nên than sao tu mà niệm không lặng. Vậy phải làm sao cho có kết quả. Chỗ này, tôi dẫn lời của Lục Tổ Huệ Năng dạy trong kinh Pháp Bảo Ðàn: "Bất phạ niệm khởi, duy chủng giác trì"nghĩa là "Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm". Dấy niệm là mê, biết nó hư dối không theo, đó là giác. Giả sử một ngày dấy lên một trăm lần niệm, tức một trăm lần mê thì sẽ có một trăm lần giác. Như vậy đâu có thiệt thòi gì, chỉ sợ mê mà mình không giác, đó mới là thiệt thòi .

Như vậy người tu Tịnh độ thì niệm danh hiệu Phật để tiêu mòn các bệnh. Còn người tu Thiền nhìn lại mình, tức là phản chiếu bằng trí tuệ. Vừa thấy niệm liền buông đi, lần lần niệm dứt sạch, bệnh được lành. Ðó là dùng trí tuệ phá tan các mầm bệnh. Như vậy tu Tịnh độ cũng có thuốc trị bá bệnh, tu Thiền cũng có thuốc trị bá bệnh. Song pháp nào cũng phải thực hành đến nơi đến chốn mới có kết quả, chớ còn thực hành nửa chừng hay chút ít thì không bao giờ có kết quả .

Người học Phật mà không biết pháp, không biết bệnh thì khó trị lành. Hôm nay tôi hướng dẫn quý vị 3 căn bệnh ngặt nghèo là tham sân si. Quý vị cố gắng dùng thuốc, chớ không nên học thuộc lòng toa thuốc, cũng không nên chắp tay xin thầy thuốc cho con hết bệnh. Ðược vậy, chúng ta tu sẽ có kết quả, không nghi .

Hòa thượng Thích Thanh Từ

(Tuần báo Giác ngộ số 36 / 2000)