Tuesday, December 20, 2011

Địa ngục ở đâu?

 271071_1850247581301_1394075323_31590849_7716246_n
Trong sách Quy nguyên trực chỉ, một tác phẩm bằng Hán văn ra đời vào khoảng thế kỷ 11, có ghi lại một cuộc vấn đáp giữa thiền sư Nhất Nguyên Tông Bổn với một người vốn không tin là có địa ngục.
Ngài Tông Bổn hỏi: “Ông có bao giờ nằm mộng chăng?”
Người kia đáp: “Có.”
Lại hỏi: “Trong mộng có khi nào gặp những việc buồn, vui, sướng, khổ... chăng?”
Đáp: “Có.”
Ngài Tông Bổn liền hỏi: “Những lúc buồn, vui, sướng, khổ đó, có phải là thân thể nhận lãnh sự buồn, vui, sướng, khổ hay chăng?”
Đáp: “Hẳn là không phải, vì thân thể lúc ấy mê muội, nằm yên bất động trên giường ngủ, làm sao có thể nhận lãnh sự buồn, vui, sướng, khổ?”
Ngài Tông Bổn nói: “Vậy tức là phần tinh thần nhận lãnh. Cảnh giới địa ngục cũng tương tự như thế, do tinh thần nhận lãnh, chẳng có hình tướng nên không thể nhìn thấy. Tuy nhiên, chỉ trong một giấc mộng mà còn có sự buồn, vui, sướng, khổ không nhìn thấy được, huống chi là cảnh giới tinh thần sau khi chết?”
Tất nhiên là lập luận như trên chưa đủ để thuyết phục những kẻ hoài nghi trong thời hiện đại này. Bởi lẽ phần tinh thần trong giấc mơ là điều có thể hiểu được, nhưng phần tinh thần tồn tại sau khi chết lại là chuyện mà nhiều người vẫn chưa tin nhận được.
Tuy nhiên, lập luận trên đã nêu lên được ý nghĩa vật thể và phi vật thể trong cách hiểu về địa ngục. Hơn thế nữa, sự cảm nhận những buồn, vui, sướng, khổ trong một giấc mơ có thể gợi nhớ đến những buồn, vui, sướng, khổ mà mỗi chúng ta đang nhận chịu trong suốt một kiếp người.
Và thật ra thì không chỉ những buồn, vui, sướng, khổ trong một giấc mơ mới là những điều mà chúng ta không nắm bắt được một cách cụ thể, mà ngay cả những cảm nhận buồn, vui, sướng, khổ trong cuộc sống này cũng rất mơ hồ đối với nhiều người trong chúng ta, bởi rất ít khi chúng ta dành thời gian để quan sát, phân tích những cảm nhận đó trong nội tâm của chính mình, cho dù sự thật là chúng vẫn luôn luôn hiện hữu.
Vì thế, ngay trong cuộc sống này của chúng ta vốn dĩ đã song song tồn tại hai yếu tố vật thể và phi vật thể, hay nói khác đi là hai cảnh giới thể xác và tinh thần. Trong khi những nỗi đau thể xác là rất dễ nhận ra, thì những nỗi đau tinh thần lại là điều gì đó rất riêng tư, chỉ thuộc về sự cảm nhận của mỗi người, và bao giờ cũng rất mơ hồ, khó có thể nhận biết hay mô tả được một cách thật cụ thể.
Nhưng cho dù là mơ hồ, khó nhận biết hay mô tả, những nỗi đau tinh thần vẫn là hoàn toàn có thật. Và chỉ cần tự xét lại mình, mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra ở từng mức độ khác nhau những nỗi đau đang tồn tại trong nội tâm của chính mình.
Danh từ địa ngục được người Trung Hoa sử dụng để dịch nghĩa từ naraka trong tiếng Phạn. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các trường hợp phiên dịch khác, vẫn có những khác biệt nhất định về ý nghĩa của hai danh từ trong hai ngôn ngữ khác nhau này.
Đối với người Trung Hoa, địa ngục là nơi các tội nhân bị giam giữ và phải chịu đựng những hình phạt đau đớn, khổ sở. Trong danh từ của họ bao hàm hai nghĩa: ngục, đồng nghĩa như lao ngục, tù ngục, là nơi giam giữ những người phạm tội, và địa nghĩa là đất, hàm nghĩa chỉ cho vị trí của ngục này là nằm sâu trong lòng đất. Và cũng không chỉ riêng cách hiểu về địa ngục, mà hầu hết các khái niệm của người Trung Hoa xưa kia liên quan đến “âm giới” – cảnh giới sau khi chết – đều được hình dung là nằm sâu trong lòng đất. Chẳng hạn như cách hiểu về suối vàng (hoàng tuyền) hay nơi chín suối (cửu tuyền) đều là nằm sâu trong lòng đất. Vì thế mới có câu chuyện Khảo Thúc khuyên Trang công đào đất thật sâu giả lập cảnh “suối vàng” để giải lời thề “không đến suối vàng không gặp mẹ”. Hơn thế nữa, trong nhiều câu chuyện của người Trung Hoa, địa ngục còn được mô tả với những dụng cụ để hành hình tội nhân rất cụ thể như vạc dầu, cối giã, cưa xẻ...
Trong Phạn ngữ, danh từ naraka chỉ đến nơi mà người ta phải chịu đựng sự không vui (bất lạc), đáng chán ghét (khả yểm) và đủ mọi sự trừng phạt, hành hạ rất khổ sở, đau đớn bằng nhiều cách khác nhau (khổ cụ), nhưng mở rộng không gian thành một cảnh giới riêng biệt chứ không chỉ hàm nghĩa là một “nơi giam giữ”, và cũng không có ý cho rằng cảnh giới ấy là nằm sâu trong lòng đất.
Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng danh từ naraka có vẻ như là một cách hiểu rộng hơn và gần gũi hơn với ý niệm về một cảnh giới phi vật thể, cảnh giới của những nỗi đau tinh thần mà chúng ta vừa đề cập đến trên đây.
Và theo cách hiểu này thì có thể thấy là địa ngục hiện hữu ngay trong cuộc sống của chúng ta, vào những khi mà chúng ta phải chịu đựng sự đau đớn, khổ sở nặng nề về mặt tinh thần do một số nguyên nhân nhất định. Đó chính là những lúc mà chúng ta không có niềm vui, chán ghét và đau khổ.
Có một địa ngục dành cho những kẻ ác sau khi chết hay không, điều đó xin hãy tạm gác lại không bàn đến. Nhưng nếu hiểu địa ngục như là một cảnh giới của những nỗi đau đớn tinh thần mà chúng ta thực sự cảm nhận trong cuộc sống, thì có lẽ không ai có thể phủ nhận được một địa ngục như thế. Tương tự như các hình phạt cụ thể trong thế giới vật chất, có thể xếp từ nhẹ đến nặng như cảnh cáo, tù treo cho đến tù giam, tạp dịch, khổ sai... cảnh giới địa ngục theo cách hiểu này cũng bắt đầu hiện hữu từ những nỗi ray rứt, dằn vặt, hối tiếc cho đến những đau đớn khổ sở kéo dài nhiều năm hay thậm chí là suốt đời...

Nguyên Minh
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh

(trích từ: Ai Vào Địa Ngục)

Monday, December 19, 2011

ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT CỦA NGƯỜI XUẤT GIA - Thích Thông Huệ


Thích Thông Huệ

Một người xuất gia chân chính, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ sự quan trọng của một cuộc sống có kỷ cương, phép tắc, giới luật. Nếu không có kỷ luật trong đời sống tu hành, chúng ta khó khắc phục được dục vọng phiền não. Bởi vì, vọng tưởng ý dục như con trâu điên, có thể dụ dỗ, lôi kéo ta vào đường ma lối quỷ.
Nhiều người muốn thực hiện sự chuyển hóa bản thân, nhưng tập khí nhiều đời cứ đưa đẩy họ vào con đường luân lạc, vì không khéo tổ chức một cuộc sống khuôn khổ, nề nếp.Vì thế, lúc sắp nhập niết bàn, Đức Phật đã dạy các đệ tử phải lấy giới luật làm Thầy. Trong tranh chăn trâu của nhà Thiền, giới luật được tượng trưng bằng sợi dây buộc mũi.
Một số người hiểu Thiền một cách sai lạc, cho rằng lời dạy “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm”, hoặc “đói ăn mệt ngủ”của các thiền sư có nghĩa là Thiền chủ trương tự do thoải mái, không cần theo phép tắc lễ nghi. Thật ra, tự do không phải là buông lung phóng dật, muốn làm gì thì làm. Tự do không thể tách rời kỷ cương, đạo lý dù trong đời sống thường nhật hay trong nhà đạo. Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Nếu không giữ gìn giới luật, dù đạt được thiền định, cũng rơi vào lưới ma”.Đối với các vị thiền sư, do đã nhận ra và hằng sống với Phật tánh của chính mình, nên cái hồn nhiêntùy duyên ấy phát xuất từ tự tánh và biểu hiện ra hành động. Các ngài sống một cách tự do tự tại, ngược xuôi, thuận nghịch gì cũng đều hợp đạo lý. Còn chúng ta, khi chưa hoàn toàn sống được với bản tâm thanh tịnh thì không bao giờ quên những giới luật phải gìn giữ, không bao giờ được đồng hóa sự phóng khoáng tự tại của những bậc đã chứng ngộ với sự phóng túng tự do của kẻ phàm phu tục tử.
Đạo Phật là một tôn giáo không nặng về thần quyền, mà trả lại cho con người những giá trị vốn có; con người là chủ nhân vũ trụ và của chính mình. Vì vậy, đạo Phật là đạo tự lực, đặt nền tảng trên đạo lý nhân quả và có tinh thần nhân bản rất cao. Thông thường, gặp chuyện đau khổ hay bất như ý, chúng ta hay đổ lỗi cho người khác mà quên nhìn lại xem mình có lỗi hay không. Phật dạy, từ vô lượng kiếp, do thân miệng ý của chúng ta đã tạo biết bao nhiêu nghiệp thiện ác, rồi theo nghiệp thọ sanh, lẩn quẩn mãi trong vòng sanh tử. Những điều này gọi là may mắn hay rủi ro, những người gọi là ân hay oán đến với mình, đều chiêu cảm từ nhân mình đã gieo từ thuở trước. Có nhân, cộng thêm những duyên hỗ trợ, nhất định phải có quả. Lý nhân quả là một chân lý muôn đời, nên người hiểu đạo luôn có tinh thần trách nhiệm và tự lực, không hướng ngoại tìm cầu, cũng không bao giờ đổ lỗi cho ai.
Lúc Đức Phật gần nhập niết bàn, ngài A-nan hỏi Phật bốn vấn đề như sau:
            1. Nương vào pháp nào để trụ?
              - Nương vào Tứ Niệm Xứ.
            2. Sau khi Phật diệt độ, lấy ai làm Thầy?
              - Lấy giới luật làm Thầy.
            3. Khởi đầu mỗi kinh ghi chữ gì?
              - Như thị ngã văn.
            4. Tỳ kheo ác tánh trị bằng cách nào?
              - Trị bằng cách mặc tẩn.
Ở đây chúng ta chỉ bàn vấn đề giới luật. Quả thực giới luật là bậc Thầy cao cả của hàng tứ chúng con Phật. Dù chúng ta đang tu theo pháp môn nào, cũng phải theo lộ trình Tam vô lậu học là giới - định - tuệ. Giữ giới là dừng mọi việc ác, làm mọi hạnh lành, tạo dựng cho mình một đời sống căn bản đạo đức. Người xuất gia muốn xây dựng lầu cao trí tuệ, phải xây đắp nền móng giới luật vững vàng.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, mỗi năm từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, chư Tăng phải thực hiện chế độ an cư, nghĩa là yên ở nơi một trú xứ thu nhiếp các căn, nỗ lực tu tập giới - định - tuệ. Nguyên nhân đầu tiên Đức Phật đặt ra chế độ này, là vì trong ba tháng hạ, ở Ấn Độ mưa nhiều, nước ngập cả lối đi, sau đó côn trùng sinh sôi nảy nở, nên trở ngại cho việc đi hoằng pháp và vô tình giẫm chết côn trùng. Sau ba tháng cấm túc, Phật nhận thấy nhiều vị tỳ kheo đắc Thánh quả, nhờ ít đi lại, tránh bớt các duyên và quyết liệt tu hành. Do kết quả đó nên sau này, chế độ cấm túc an cư trong ba tháng hạ được duy trì mãi trong Tăng chúng.
An cư phải đi đôi với kiết giới. Sinh hoạt của chư Tăng trong thời gian này khác với ngày thường. Những ngày bình thường, do duyên sự bề bộn, các vị có thể du phương làm phật sự, kỷ luật trong Tăng đoàn có khi lơi lỏng. Nhưng trong ba tháng hạ, mọi việc đều thu xếp gọn lại, chư Tăng chỉ đi lại giới hạn trong khuôn viên của tự viện; chỉ có những vị có duyên sự đặc biệt, phải xin phóng giới mới được ra ngoài. Mới nhìn, chư Tăng có vẻ rãnh rỗi, không bận tâm về sinh kế vì nhờ phật tử hỗ trợ cúng dường; nhưng thật ra nội tâm của các vị quả là một trường chiến đấu! Một mặt phải khép mình vào một kỷ luật hết sức nghiêm khắc, mặt khác phải chiến đấu không ngơi nghỉ với bao tập khí phiền não. Nhờ vậy, sau thời gian kiết hạ, nếu vị nào giữ giới tinh nghiêm, nỗ lực tu học, có sự tỉnh lực thì sẽ có tiến bộ đáng kể. Nơi nào tổ chức tu hành nghiêm túc sẽ có thể sản sinh những người xuất cách, còn nếu tổ chức lơi lỏng sẽ khó đào tạo được Tăng tài. Như vậy, người xuất gia nào nếu sắp xếp được công việc, tránh bớt các duyên, hàng năm có thể tổ chức cho mình một thời gian nhất định nào đó để tĩnh tu.
Như đã nêu ở trên, việc tu hành không có nghĩa chỉ chú trọng trong ba tháng hạ, bởi vì đó là một tiến trình liên tục và trường viễn. Tuy nhiên, vào những ngày bình thường, do làm nhiều phật sự phải tiếp duyên xúc cảnh, nên sự thúc liễm thân tâm không mạnh mẽ bằng thời gian ở yên trong một môi trường thanh tịnh, cùng đại chúng tập trung. Đặc biệt với các vị tăng ni trẻ, trường hạ còn là nơi thuận lợi để được gần gũi, học hỏi về giới hạnh và sở tu của các vị tôn túc giáo phẩm, những bậc đạo cao đức trọng đã có  quá trình tu chứng.
Trở lại vấn đề giới luật, ngoài việc áp dụng cho từng cá nhân người tu, còn có những nguyên tắc sống chung trong tập thể Tăng đoàn. Tinh thần lục hòa cộng trụ là động lực thúc đẩy Tăng đoàn phát triển và hoàn thiện, trong đó có sự bình đẳng là trọng tâm: bình đẳng về vật chất (thân hòa đồng trụ, lợi hòa đồng quân), bình đẳng trong luật chế (giới hòa đồng tu), hòa hợp trong tư tưởng và lời nói (kiến hòa đồng giải, ý hòa đồng duyệt, khẩu hòa vô tránh). Nhờ sống theo tinh thần này nên đại chúng có sự hòa hợp từ hình thức đến nội dung, như lời Phật dạy: “Để Tăng già được ổn thuận, để kềm giữ các tỳ kheo khó kềm giữ, để các thiện tỳ kheo được ổn cố tự thân”. Thanh tịnh thân tâm từng cá thể và hòa hợp trong đời sống tập thể là ý nghĩa sâu xa và cao quý của hai chữ Tăng già (Sangha).
Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Giới là cội gốc của Bồ đề, là cửa ngõ của Niết bàn, là chiếc thuyền đưa chúng sanh qua biển sinh tử”. Giới luật nhà Phật không phải là những giáo điều, những quy định pháp lý cứng nhắc, mà là những nguyên tắc sinh hoạt tu hành có tính tự nguyện. Mỗi người có quyền giữ gìn tôn trọng hay không, và tự mình được hưởng kết quả tốt hay gánh chịu hậu quả xấu tùy hành động của mình. Tịnh hóa đời sống tu hành bằng con đường giới luật không những có tầm quan trọng đặc biệt đối với cộng đồng tăng lữ và cá nhân từng tu sĩ xuất gia, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường xung quanh và toàn thể xã hội. Bởi vì mỗi người đều có quan hệ hữu cơ với mọi người mọi vật, nên người tu sĩ với ba nghiệp thanh tịnh sẽ có sức cảm hóa lớn đối với cộng đồng, không những bằng khẩu giáo mà còn bằng thân giáo. Do vậy, Tăng đoàn hòa hợp thanh tịnh sẽ giúp tịnh hóa nhân sinh, từ đó góp phần an định xã hội.
Tích cực gìn giữ cấm giới là nội dung đầu tiên và căn bản, luôn được đề cao và nhắc nhở trong suốt cuộc đời hành đạo của người xuất gia. Từ bước căn bản đầu tiên ấy, người xuất gia mới xứng đáng là Trưởng tử Như Lai, là bậc pháp khí trong hàng Tăng bảo, đem Phật pháp xây dựng thế gian, làm cho Phật pháp xương minh, tất cả chúng sanh đều nhuần ơn pháp vũ./.

Bánh bao ca dé ( nhưn màu vàng ) ,bánh quai vạt ,hủ qua hấp ,dồi chay


Da bánh bao làm kiểu này trắng rất ngon  và khg bị mằn mặn như bột mì của Mỹ ,cho nên làm nhưn này ăn rất ngon .

Bánh quai vạt ,nhưn đậu xanh sầu riêng .

Hủ qua này muốn có màu xanh đẹp thì hấp khoảng 10 phút ,hấp lâu chút là sẽ ngả màu vàng ...


Dồi chay

Mấy ngày nay nấu nướng điên cuồng cả ngày  luôn để đem cúng dường Phật sống(mẹ là Phật ) và Thánh Tăng , hy vọng khi xả bỏ thân mạng này được làm công chúa xấu xí ở cực lạc  kiếp sau ,khỏi làm bạn với ông Táo nữa , ....hehe... Các bạn biết làm hết rồi há ,khỏi ghi công thức nhé .