Niềm an lạc hạnh phúc đích thực chỉ có mặt khi trong tâm bạn hoàn toàn vắng bóng cái ta tham ái, chấp thủ. Khi bạn bị nó ràng buộc và sai sử thì đời sống trở nên lẻ loi, khô cứng và mất hết quyền tự chủ. Cái ta ảo tưởng là ý niệm không thuận theo sự vận hành tất yếu của nhân duyên nghiệp quả. Nó đối kháng và loại trừ những gì không phù hợp, hoặc tham đắm chiếm hữu các đối tượng ưa thích, khiến cho bạn không có khả năng làm chủ được chính mình, nên phiền não khổ đau cũng từ đây mà hiện hữu. Bạn muốn thoát ra khỏi sự khống chế của cái ta ảo tưởng tà kiến, tạo nên một cuộc sống an lạc và giải thoát, bạn cần phải thấy rõ ý đồ tạo tác của cái ta trong từng giây từng phút.
Cái ta ảo tưởng (attavipallāsa) là trạng thái mê mờ không thấy rõ những gì đang xảy ra trong hiện thực. Đây chính là đầu mối sinh ra các chủ thuyết tranh chấp gay gắt mà các giáo chủ, các triết gia, các nhà thần học đua nhau tưởng tượng, sáng chế. Đức Thế Tôn gọi những quan niệm này là ngã kiến, ngã thủ. Bạn có thể tạo dựng ra một cái ta cho riêng bạn rồi mặc sức gán cho nó một số mỹ từ theo thị hiếu của mình và lý tưởng với chủ trương ấy. Nhưng, dù thế nào đi nữa ảo tưởng muôn đời vẫn là ảo tưởng, hoàn toàn không có thật. Tuy vậy, dù là nỗi ám ảnh hay sự chấp thủ thì ảo tưởng này đã bám sâu vào tiềm thức và ngự trị tâm hồn bạn, đến nỗi dù bạn chủ trương “vô ngã” thì nó vẫn cứ âm thầm sai khiến bạn trong mọi hoàn cảnh.
Cái ta ảo tưởng có mặt thì cái “của ta” cũng theo đó mà phát sinh và chúng tạo thành quy trình “ái - thủ - hữu” của vòng luân hồi sinh tử khổ đau, đây chính là cấu trúc kiên cố của nó. Thí dụ, khi bạn đem lòng thương yêu một ai đó và muốn người ấy thuộc về sở hữu của mình mãi mãi, nhưng ban đầu người ấy đồng ý sau đó lại tránh né, phũ phàng và chia lìa, lúc bấy giờ cái ta trói buộc, giam hãm bạn và dĩ nhiên bao nhiêu thống khổ đồng thời hiện hữu. Mặt khác, nếu như người vợ hay chồng của bạn rất xinh đẹp và dễ thương quá thì bạn lại lo lắng, cố thủ vì sợ mất! Như thế, thái độ tham ái, chấp thủ và muốn trở thành là sản phẩm do cái ta ảo tưởng tạo ra để trói buộc bạn.
Do đó, nếu trong mỗi giây phút bạn không rõ biết những dòng tư tưởng đang khởi lên trong tâm ý mình thì cái ta được hình thành. Và từ đó, mọi hành động, nói năng và suy nghĩ đều tùy thuộc vào sự điều động của chính nó. Những gì tốt đẹp dễ mến thì cái ta thu thập, tích lũy, chiếm hữu, duy trì. Cái gì không ưa thích cái ta loại bỏ, khử trừ, xa lánh, hủy diệt. Ví dụ, khi bạn viết ra một tác phẩm khá hay được nhiều độc giả ngưỡng mộ, ca ngợi và quý mến, lúc này cái ta trong bạn xuất hiện sự thỏa mãn, tự hào và niềm hãnh diện. Còn, khi bạn bị ai đó xem thường, sỉ nhục thì cái ta biểu hiện mạnh mẽ để kháng cự, phẫn nộ và muốn loại trừ đối tượng. Cái ta rất tinh tế và thiện xảo, nếu bạn không bình thản, sáng suốt và nhạy bén để nhận diện thì khó mà thấy rõ được mọi hành tung của nó.
Thực ra, nếu bạn biết quan sát cho sâu sắc vào thân tâm và hoàn cảnh hiện tại thì chẳng có cái gì gọi là ta và của ta cả. Bởi các pháp vốn vô thường, nó luôn luôn trôi chảy như một dòng nước, bạn không thể nắm bắt, đo lường hay ước hẹn. Mọi sự vật hiện tượng (pháp) đều phải nương vào nhau để biểu hiện và không có tự thể riêng biệt. “Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Chẳng có cái gì tồn tại độc lập để sinh ra vạn vật cả, bởi vì bản chất của chúng vốn duyên sinh vô ngã. Ví dụ, sự có mặt của một bông hoa được kết hợp bằng nhiều yếu tố không phải là hoa như nước, đất, phân, không khí, ánh sáng mặt trời, v.v… Nếu hội đủ nhân duyên thích hợp thì nó hiện hữu, đến khi hết duyên bông hoa ẩn tàng. Do đó, bông hoa không có cái ta riêng biệt và không thuộc về sở hữu của ai cả. Cùng với ý nghĩa này đức Thế Tôn dạy rằng: “Này các Tỷ kheo, cái gì không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các vị. Này các Tỷ kheo, cái gì không phải của quý vị? Sắc, thọ, tưởng, hành và thức, không phải của quý vị, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc.
Ví như, này các Tỷ kheo, có người gom cành, lá của Jetavana này đem đốt hay tùy duyên sử dụng. Quý vị có nghĩ rằng đem đốt hay tùy duyên sử dụng chúng tôi? Thưa không. Vì sao vậy? Vì những cái ấy không phải chúng con. Bạch Thế Tôn, những cái ấy không thuộc tự ngã chúng con. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, sắc, thọ, tưởng, hành và thức, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, các ông sẽ được hạnh phúc, an lạc”. (Tương Ưng Bộ III, chương 1).
Chính bản thân mình còn không thể gìn giữ được, vẫn phải tuân thủ theo tiến trình tự nhiên tất yếu của sự sinh, già, bệnh, chết huống gì những tiện nghi vật chất bên ngoài làm sao ta có thể nắm giữ được? Cấu trúc của con người gồm có sắc thân, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Tự thân của năm yếu tố này luôn luôn thay đổi trong từng giây từng phút, không thực sự tồn tại lâu dài và chẳng có cái gì nắm giữ được cái gì cả, chỉ có cái ta ảo tưởng mê lầm mới muốn nắm bắt và cố thủ. Vì lẽ đó, cho nên đức Thế Tôn dạy rằng: “Vì có ý niệm về ta cho nên có ý niệm về của ta, nếu không có ý niệm về ta thì sẽ không có ý niệm về của ta. Ta và của ta đều là những ý niệm không thể nắm bắt được, không thể thiết lập được. Những nhận thức sai lầm ấy nếu phát sinh trong tâm ta sẽ kết thành những triền sử. Những triền sử ấy được phát sinh từ những khái niệm không nắm bắt được mà cũng không thành lập được. Phải chăng cái đó hoàn toàn chỉ là những nhận thức sai lầm và những hậu quả nối dài của những nhận thức sai lầm ấy. Nếu qua sáu đối tượng (sắc, thọ, tưởng, hành, thức và thế giới) ấy mà không thấy có cái ta và cái của ta, vị khất sĩ sẽ không bị vướng vào những ràng buộc của cuộc đời. Vì không bị vướng cho nên không hoảng sợ, không hoảng sợ cho nên đạt được Niết Bàn. Vị ấy biết luân hồi khổ đau đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã hoàn tất, điều cần làm đã làm, không còn bị sinh tử nữa, và nhận thức được chân lý thực tại”. (Kinh Nhật tụng Thiền Môn năm 2000, Kinh người bắt Rắn, HT Thích Nhất Hạnh dịch).
Rõ ràng, nếu cái ta nhận thức sai lầm thì cái của ta tức thời hiện hữu. Và như thế, bạn dễ dàng bị nó đánh lừa, sai khiến phải nắm bắt cái này hoặc loại trừ cái kia. Trong khi đó, nguyên lý của các pháp xưa nay vận hành một cách tự nhiên và hoàn chỉnh. Bất cứ người trẻ nào rồi cũng phải già, bệnh và chết; đói bụng thì phải ăn, khát nước cần phải uống; trời hết mưa lại nắng. Rừng cây bị đốn phá, chất thải từ các nhà máy xí nghiệp đến mức báo động khiến cho bầu khí quyển bị ô nhiễm, trái đất ngày càng nóng dần lên thì sẽ tạo ra động đất, sống thần, lũ lụt, hạn hán… Các pháp vốn vận hành đúng theo tiến trình nhân duyên nghiệp quả tương ứng, chúng ta muốn như thế nào thì pháp vẫn tùy thuận theo như thế đó. Nhưng trếu trơ thay, pháp thì luôn luôn tự do và hoàn hảo còn bản thân con người thì lại khổ đau. Thực ra, mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống này đều có nhân quả của nó, dù bạn có mặt trên cõi đời này hay không thì mọi thứ vẫn diễn biến thuận theo quy luật tự nhiên. Hơn hết, bạn chỉ cần buông cái ta ảo tưởng ra để cho pháp tự vận hành thì ngay giây phút ấy là an lạc và giải thoát.
Từ bỏ cái ta ảo tưởng bạn không thể dùng lý trí hay ý chí để đoạn trừ nhằm đạt được như ý. Bởi những cố gắng để trở thành ấy vẫn rơi vào ý đồ vi tế của cái ta tham vọng. Đơn giản, bạn chỉ cần lặng lẽ quan sát sự sinh diệt, đến đi của các pháp mà không cần phải làm gì cả, nghĩa là trạng thái tâm ý đang diễn biến như thế nào, bạn nhận biết y như thế đó thì cái ta ảo tưởng tự động rơi rụng. Khi tâm hồn yên tịnh và sáng suốt, bạn sẽ thấy rõ mọi vấn đề tương giao của cuộc sống, để từ đó bạn ung dung tự tại sống tùy duyên thuận pháp, tạo ra niềm an vui hạnh phúc cho tự thân và cho cuộc đời này.
Viên Ngộ