Wednesday, May 2, 2012

Tuổi trẻ với vấn đề diệt dục _HT. Thích Thanh Từ

Sự thật, vấn đề diệt dục có phải bóp chết hy vọng, đốt khô nhựa sống của thanh niên không? Nhất định là không! Ðó chỉ là một quan niệm sai lầm. Diệt dục không có nghĩa là diệt tất cả ham muốn, mà chỉ là diệt cái đắm mê ngũ dục (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ) mà thôi.
Tuổi thanh niên là tuổi hy vọng ước mơ, bao giờ cũng nuôi sẵn trong lòng những mộng đẹp. Nhờ sự hy vọng ước mơ ấy, thanh niên mới phát triển hết khả năng để đạt được sở nguyện. Thế mà, nghe đạo Phật đề cập đến vấn đề diệt dục, thực là một việc cằn cỗi khô khan, không thích hợp chút nào với tuổi đang tràn trề nhựa sống, theo quan niệm của họ. Do đó, đa số thanh niên chỉ đứng xa nhìn đạo Phật, thấy như mình không có liên hệ gì với cái đạo già cỗi ấỵ
Sự thật, vấn đề diệt dục có phải bóp chết hy vọng, đốt khô nhựa sống của thanh niên không? Nhất định là không! Ðó chỉ là một quan niệm sai lầm. Diệt dục không có nghĩa là diệt tất cả ham muốn, mà chỉ là diệt cái đắm mê ngũ dục (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ) mà thôi. Nếu nói diệt dục là diệt tất cả ham muốn thì tại sao người tu theo đạo Phật còn ham muốn làm điều thiện, ham muốn cứu độ chúng sanh, ham muốn giải thoát, ham muốn giác ngộ ...? Bởi vì người đời đắm mê tiền của, sắc đẹp..., cho đó là cứu kính của kiếp sống, trở thành mù quáng và nô lệ nó, nên không tìm ra lẽ chánh. Phật nói: "Người nặng lòng ái dục thì không thấy được đạo, ví như nước lóng lấy tay quậy lên, người đến không trông thấy bóng" (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Ðể được sáng suốt và tự do, Phật dạy người đời phải diệt cái đắm mê ngũ dục. Diệt cái đắm mê chứ không phải diệt hết các thứ ấy. Chính sự ăn uống, ngủ nghỉ đức Phật còn phải dùng kia mà! Vì thế, cần nói một danh từ đúng hơn, đó là Thiểu dục hay Tiết dục.
Tuổi thanh niên là tuổi mong muốn ước mơ, nếu mong muốn xứng với khả năng, hợp với hoàn cảnh là tiến bộ. Trái lại, khả năng một mà mong muốn mười, ước mơ những điều huyễn hoặc viễn vông, đó là đi quá đà, chỉ chuốc lấy những thất vọng và đau khổ. Như chàng nông dân kia ước mơ bà công chúa đến phải đau tương tư; hoặc người tàn tật ăn xin nọ ước mơ thành triệu phú mà quên mình đang đói lạnh... Những cái mong muốn ước mơ ấy, nếu không diệt trừ thì con người quên cả thực tại, chỉ sống với mộng tưởng không đâu. Như vậy, vấn đề diệt dục đâu không hệ trọng với tuổi thanh niên?
Phần đông thanh niên đều nuôi mộng to, nhưng nếu là mộng Thạch Sùng hay Sở Khanh thì những thanh niên ấy là những con vi trùng độc của xã hội. Chính họ sẽ là những con thiêu thân thui mình trong ngọn lửa sắc, tài ... Bởi vì khi đã say men sắc, tài, danh vọng, con người có thể quên tất cả lẽ phải, mất hết lương tri, nhất là tuổi thanh thiếu niên, tuổi bồng bột nông nổi. Xưa nay biết bao người khi đứng ngoài vòng sắc, tài, danh vọng, họ là bạn tốt, chồng hiền, con hiếu ... Nhưng đến lúc bị sắc, tài, danh vọng làm lòa mắt, họ sẽ trở thành người con bất hiếu, chồng phụ bạc, người phản bạn ... Do đó nếu không hạn chế tâm tham dục, thanh niên rất dễ lao mình xuống hố trụy lạc.
Tuy nhiên, hạn chế tham dục không có nghĩa là ngăn bước tiến của thanh niên, ấy là hướng họ tiến đúng đường, hợp đạo lý. Lòng ham muốn của thanh niên không cùng, không tận, nếu mở khuôn luân lý, đạo đức cho nó mặc tình bay chạy thì thế giới này sẽ trở thành địa ngục, con người không còn nhân phẩm. Nói thế không phải cấm đoán thanh niên không cho ham muốn, ở đây chỉ cần xoay chiều ham muốn ấy trở thành hữu ích và hướng thiện là tốt.
Giáo lý đạo Phật dạy diệt dục, cũng giáo lý đạo Phật dạy tăng trưởng dục. Nếu không nhận định kỹ, người ta thấy mâu thuẫn ở điểm này. Bốn món Như ý túc, trong ba mươi bẩy phẩm trợ đạo của Phật dạy mà Dục như ý túc là đứng đầu, kế mới tinh tấn. Lại câu thường ngôn của Phật tử nói: "Tu hành vô dục, đạo quả nan thành" . Thực vậy, có ham muốn, người ta mới gắng sức chịu khó làm việc hay tu hành. Thế là cái ham muốn phải có và đặt nó đứng đầu khi bước chân vào đạo Phật. Ðạo Phật cấm cái dục ích kỷ, sai lầm và đau khổ, nhưng dạy tăng trưởng cái dục vị tha, sáng suốt, và an lạc.
Cái dục hợp lý hữu ích ấy, thanh niên cần phải có và có thật to. Như ham muốn làm việc xã hội, giúp ích đồng bào ... những cái ham muốn này càng to chừng nào thì danh nghĩa thanh niên càng xứng đáng chừng ấy và xã hội sẽ nhờ đó mà tươi đẹp, vui vẻ biết bao! Lại ham muốn mở mang kiến thức, khai thông trí tuệ, thanh niên không thể thiếu được, mà phải có một cách thiết tha. Vì trí tuệ là cái cần có của con người, nên thanh niên phải gắng công khai thác nó. Nhờ có ham muốn mở mang trí thức, các cậu học sinh mới hăng hái học tập, mới nhẫn nhịn được những cơn quở phạt của giáo sư và mới đạt được bản nguyện. Nếu một học sinh học chỉ vì sự bắt buộc của cha mẹ, đến trường để tránh việc gia đình ... thì học sinh ấy chỉ là những thằng bù nhìn không hơn không kém. Thế là thành công trên việc nhân nghĩa, đạt được trí huệ cho mình đều do ham muốn làm động cơ. Nếu là một thanh niên Phật tử, vấn đề ham muốn lại còn to gấp bội phần hơn. Bởi vì đã xưng mình là con Phật, là đã ám tàng mong muốn làm bậc siêu nhân. Do đó, Phật tử lúc nào cũng một lòng chăm chăm ham muốn ban vui cứu khổ cho mọi loàị Họ say sưa làm việc bố thí, say sưa lo cứu độ chúng sanh. Bởi lòng ham muốn thiết tah ấy, rất nhiều Phật tử coi mạng sống mình nhẹ hơn bông, xem nỗi đau khổ của người nặng hơn đá, họ đã hy sinh làm được những việc khó làm. Nếu đã xưng là Phật tử mà không phát tâm ham muốn ban vui cứu khổ cho người, thì kẻ ấy là cái bia khắc tên không.
Chẳng những chỉ ham muốn ban vui cứu khổ cho mọi loài, mà Phật tử cần phải thiết tha mong muốn được giác ngộ và giải thoát. Bởi sức mong muốn này quá mạnh, nên trên đường đạo, Phật tử tinh tấn không dừng. Họ cố gắng tu tập, bền chí gạn lọc từng cái bợn nhơ phiền não trong nội tâm. Như người gạn lọc từng mảnh quặng trong khối vàng. Nếu thiếu sự mong muốn, ai không thối lui trong khi gặp muôn vàn trở ngại trên đường đạo. Phật đã đào luyện cho đệ tử cái mộng to vô kể, tức là cái mộng chuyển thế giới khổ đau thành Cực lạc, xoay con người phàm tục trở nên Thánh hiền. Như vậy cái dục của Phật tử rất to, mà càng to lại càng quý, vì nó hướng đúng đường.
Tóm lại, đạo Phật chủ trương diệt dục, nhưng chỉ diệt cái đắm mê ngũ dục, chớ không phải diệt cái dục cứu thế độ đời, siêu phàm nhập thánh. Tuổi thanh niên là tuổi còn thiếu kinh nghiệm lại nhiều ham muốn, nếu không biết phương pháp tiết chế những cái ham muốn sai lầm, tăng trưởng những cái ham muốn phải hướng thì rất đáng thương hại thay! Ðem vấn đề diệt dục của đạo Phật áp dụng vào đời sống thanh niên không phải là một việc kém cần thiết. Có thế, thanh niên mới sống một đời sống cao siêu quảng đại, và xã hội mới mong có ngày vinh quang rực rỡ.
Trích từ "Phật Giáo với Dân Tộc" (xuất bản 1995), đề tài "Ðạo Phật và Tuổi Trẻ",
do HT Thích Thanh Từ biên soạn (trước 1975).

Ba điều căn bản của người tu Phật _HT. Thích Thanh Từ

Hôm nay chúng tôi xin nói đề tài Ba điều căn bản của người tu Phật. Vì chúng ta tu Phật phải biết thế nào là cội gốc, thế nào là ngọn ngành. Ba điều này tôi căn cứ theo kinh Pháp Hoa, nhắc lại cho quí vị nhớ và thực hành.
Trong kinh Pháp Hoa Phật dạy: “Người tu Phật phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai.” Chúng ta tu theo Phật thì phải vào nhà Phật, mặc y Phật và ngồi tòa của Phật. Như vậy mới trung thành với đức Phật, mới có thể thành công được sở nguyện tu hành của mình.
Vào nhà Như Lai là gì? Đức Phật dạy vào nhà Như Lai là thực hành lòng từ bi. Chúng ta muốn vào nhà Phật phải mở rộng lòng thương đối với tất cả mọi người. Nếu người tu hành mà không có tâm từ bi thì không phải là đệ tử của Phật. Cho nên tâm từ bi là bước đầu để đem lợi ích cho chúng sanh. Đó là tâm nguyện của người Phật tử tu theo Phật. Thế thì thương chúng sanh bằng cách nào và thương những ai? Tôi sẽ lần lượt dẫn cho quí vị thấy.
Thứ nhất, chúng ta thương mến những người thân cùng sống chung quanh với mình. Giới xuất gia thì những người cùng tu trong một viện, một chùa, huynh đệ phải thương nhau, bảo bọc nhau. Vì sao? Vì tất cả chúng ta cùng một lý tưởng tu hành cầu giải thoát, cầu giác ngộ. Đã đồng một lý tưởng, vô lý chúng ta lại không thương nhau? Thương nhau để mà đùm bọc, thương nhau để mà tha thứ cho nhau, đừng làm phiền lụy, đừng làm khổ đau cho những người chung sống với mình.
Giới cư sĩ tại gia, quí Phật tử phải thương những người trong gia đình, những người thân tộc của mình, những ai chung quanh có công, có nghĩa với mình, chúng ta đều thương, đều mến, đừng bỏ sót người nào, xử sự với tất cả trong tình thương yêu kính trọng.
Thứ hai, nếu là giới xuất gia, các vị phải thương mến các vị thí chủ đã bỏ công, bỏ của giúp đỡ chúng ta có phương tiện tu hành. Chúng ta phải nỗ lực tu sao cho đủ phước, đủ đức để độ những vị đó, không thể thọ nhận của thí chủ rồi ăn chơi vui vẻ qua ngày. Như thế là phụ ân của đàn-na thí chủ.
Trong kinh Phật thường dạy: Phật tử cúng dường Tam Bảo giống như người nông phu làm ruộng vậy. Trước hết chúng ta phải lựa những thửa ruộng phì nhiêu đất tốt để gieo giống. Cũng vậy, Phật tử cúng dường Tăng Ni cũng phải nghĩ chỗ nào tu hành chân chánh, những vị tiến lên theo con đường Phật chỉ dạy… đó là những vị gánh vác Phật sự đáng quí, đáng kính. Gieo giống những thửa ruộng tốt hết rồi mới tiếp theo những thửa ruộng vừa phải, không tốt lắm và cuối cùng là những thửa ruộng khô cằn.
Như vậy người tu là người tạo phước đức cho chúng sanh, nhận của đàn-na thí chủ có nghĩa là chúng ta nhận phần giúp đỡ bằng vật chất để rồi chúng ta tu, chúng ta sẽ giúp đỡ lại, cứu độ lại phần tinh thần cho Phật tử. Nên chúng ta thương những vị thí chủ. Nếu là Phật tử tại gia thì phải thương mến những người có công giúp đỡ cho mình sống, có công đem lại sự tốt đẹp, an lành cho mình. Luôn nhớ ơn và đền ơn cho xứng đáng.
Thứ ba, thương tất cả những người còn mê lầm. Chúng ta được phước duyên lớn nên mới xuất gia, bởi vì xuất gia là đã thức tỉnh, nếu không tỉnh thì mình cứ đi trên đường đời chớ không trở gót vào chùa đi trên đường giải thoát. Còn người đời vì bận bịu thế gian, chuyện gia đình thân quyến nên cứ say mê làm ăn cho có tiền của, không nghĩ tới đạo lý thức tỉnh, nên chúng ta thương xót những người si mê ấy, làm sao đánh thức để họ tỉnh, như vậy mới tròn bổn phận một người tu. Đức Phật thường dạy người tu phải có đủ tự giác và giác tha. Nếu chỉ tự giác đó là xong phần mình nhưng còn phải giác tha nữa, làm sao cho những người chung quanh mình cùng giác ngộ. Như thế mới tròn bổn phận của một tu sĩ tu Phật.
Với người cư sĩ, quí Phật tử cũng phải có trách nhiệm vì mình đã biết đạo, đã nếm được mùi vị thâm trầm của Phật pháp, chúng ta cũng phải đem chia xẻ cho huynh đệ mình cùng hưởng, cùng nếm. Đó là tinh thần tự giác, giác tha. Tinh thần thương yêu này không riêng gì người xuất gia mà kể cả người tại gia cũng mở lòng từ bi thương những người mê lầm hơn chúng ta và cố gắng đánh thức họ cùng tỉnh, cùng tiến tu, cùng hết khổ như mình.
Thứ tư, từ bi là thương tất cả chúng sanh từ loài người cho đến loài vật. Vì vậy mùa Vu Lan Phật tử thường mua chim thả để thể hiện lòng từ bi của mình, nhưng việc làm này nếu không khéo sẽ trở thành ích kỷ. Vì quí vị nhốt chim trong lồng chờ quí thầy tụng kinh cầu nguyện cho mình được an vui hạnh phúc rồi mới thả, trong khi mấy chú chim muốn chết ngộp hết cả. Đó là trái với lòng từ bi, vô tình chúng ta trở thành ích kỷ là vậy.
Khi đã tu hoặc xuất gia, hoặc tại gia chúng ta đều mở lòng thương vì người, vì chúng sanh. Đó mới thật là lòng từ bi. Còn tình thương ích kỷ gọi là lòng thương vị ngã.
Đến phần mặc áo Như Lai. Áo Như Lai là gì? Phật dạy áo Như Lai là lòng nhu hòa nhẫn nhục. Chữ nhẫn nhục này có nhiều người hiểu theo nghĩa tiêu cực, cho rằng nhẫn là nhục. Vì nhẫn nên chịu thua, vì thua nên nhục. Nghĩ như vậy là sai lầm.
Chữ nhẫn trong đạo Phật nghĩa là có sức chịu đựng, có sức an nhẫn. An nhẫn những điều trái tai, gai mắt, chúng ta không tức giận, không bực bội. An nhẫn được những sự đòi hỏi, những nhu cầu thèm khát của thân, chúng ta đều an nhẫn được. An nhẫn được hoàn cảnh khó khăn, thời tiết nóng lạnh bất thường. Nên chữ nhẫn nhục trong nhà Phật nói lên một sức chịu đựng mạnh mẽ phi thường. Như có người chọc giận mình, làm trái ý mình thì chúng ta mạnh mẽ làm chủ, đừng để cơn sân dấy lên, hiện ra ở miệng, ở tay. Do đó phải có sức chịu đựng cứng cỏi, gan dạ, không thể yếu đuối được.
Kinh Pháp Cú có câu: “Thắng một vạn quân không bằng thắng mình. Thắng mình mới là chiến công oanh liệt.” Cơn tức giận dấy lên mà chúng ta thắng được tức là công phu tu hành mạnh mẽ, sức chịu đựng cứng cỏi chớ không phải tầm thường. Như vậy sao gọi là nhục nhã được! Thắng được mình còn hơn một ông tướng thắng cả một vạn quân. Người nhẫn nhục thắng được mình thì đâu phải yếu đuối.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta gặp rất nhiều điều bất như ý. Nếu chúng ta không có sức chịu đựng, không có sức kham nhẫn thì chúng ta sẽ đau khổ liên miên. Ngược lại chúng ta đủ sức kham nhẫn chịu đựng thì chúng ta sẽ được an vui tự tại. Vì vậy Phật dạy người tu phải tập đức nhẫn nhục. Đức nhẫn nhục đã được đầy đủ gọi là mặc áo Như Lai.
Cho nên người tu không nên có thái độ nóng giận, lúc nào cũng e dè sợ sệt một cơn giận nổi lên. Nó là cái họa lớn, thiêu đốt công đức bao nhiêu năm tu hành khổ cực của mình. Đức Phật dạy “chỉ một đốm lửa sân làm cháy cả rừng công đức”. Nếu chúng ta luôn nghĩ tới đạo đức, nghĩ tới công phu của mình thì phải khéo dè dặt, đừng cho những cơn nóng giận khởi lên.
Nhẫn nhục có chia làm ba.
Một là nhẫn với người. Đối với lời nói trái tai, hành động gai mắt hoặc người mắng chửi đánh đập mà chúng ta nhẫn được, bỏ qua hết, không buồn giận, đó là chúng ta nhẫn nhục với người khác. Trong kinh A-hàm có câu chuyện ngài Phú-lâu-na. Khi Ngài xin đức Phật về phương Bắc giáo hóa, đức Phật liền hỏi: Này Phú-lâu-na, người phương Bắc hung hăng lắm, nếu ông về đó giáo hóa họ sẽ chửi mắng ông, ông nghĩ thế nào?
Ngài trả lời: Bạch Thế Tôn, nếu họ chửi mắng con, con nghĩ họ cũng còn lương thiện vì chưa đánh đập con.
Phật nói: Giả dụ họ đánh đập ông thì ông nghĩ thế nào?
Ngài thưa: Bạch Thế Tôn, nếu họ đánh đập con, con nghĩ họ cũng còn lương thiện vì chưa giết con chết.
Phật bảo: Nếu họ giết ông chết thì ông nghĩ thế nào?
Ngài trả lời: Bạch Thế Tôn, nếu họ giết con chết thì họ là người ơn của con vì nhờ họ mà con bỏ được cái thân tứ đại hôi thối này.
Phật nói: Được. Như vậy thì ông nên đến đó giáo hóa.
Quí vị thấy đức nhẫn nhục của Ngài cỡ nào? Trong đại chúng, chúng ta chỉ nhẫn nhục các việc nói nặng, nói nhẹ với nhau thôi, vậy mà có khi chịu không nổi. Còn Ngài bị chửi bới, đánh đập cũng nhẫn được cho đến giết chết cũng nhẫn luôn, không thù hằn mà còn mang ơn nữa.
Đây là tấm gương cho chúng ta học. Tu là phải như vậy. Đừng nghĩ mình cãi giỏi, nói hay là tốt. Càng cãi giỏi nói hay, lấn lướt người thì tội lỗi càng tăng chớ không phải giảm. Đó là phần thứ nhất, nhẫn với người.
Hai là nhẫn với mình. Mình có gì đâu mà nhẫn. Thật ra là nhẫn với mình rất khó. Nhẫn với mình là nhẫn sự đau đớn, bệnh hoạn. Có người nào đau bệnh mà không rên không? Đó là cái bệnh. Nên chúng ta tu phải ẩn nhẫn khi cơ thể bệnh hoạn, đau yếu, phải bình tĩnh cố gắng hạn chế, đau trăm phần chúng ta chỉ nói đau hai mươi phần thôi. Chớ mỗi lần đau khóc lên, khóc xuống rên rỉ om sòm cho mọi người chú ý đến mình. Trong đạo như vậy là kẻ yếu đuối chớ không phải hay.
Kế là nhẫn với sự đòi hỏi của thân, thèm cái này, muốn cái nọ… những sự thụ hưởng. Như người mới tu chừng một hai năm, đi ngang qua chỗ nướng thịt cá thì phát thèm. Đó là nhẫn không được nên khởi niệm bậy. Ẩn nhẫn những thứ thèm muốn, những đòi hỏi của mình gọi đó là nhẫn với mình.
Như vậy nhẫn nhục là có sức chịu đựng rất mạnh mẽ cứng cỏi chớ không phải chuyện thường. Đối với những gì mình ưa thích cũng phải bỏ. Như người xuất gia xem thân này là đãy da hôi thối, vậy mà lâu lâu cũng có người nhìn mình xem đẹp hay không. Rồi sửa sang chút chút cho dễ coi. Thậm chí ngày nay tôi nghe nói cũng có kẻ thoa kem cho da mịn. Việc đó có trái với đạo lý không?
Người tu khi xuất gia, cạo tóc đã tự nguyện hủy hình thủ khí tiết. Hủy hình là làm cho thân xấu đi. Phụ nữ ngoài đời, người ta sửa sang mái tóc cho đẹp, cho duyên dáng. Còn người tu đã cạo bỏ phứt rồi, bây giờ còn muốn thoa môi son hay đánh kem thì coi hết được! Đó là trái với lẽ thật của mình. Những gì mình ưa thích trái với tư cách của người tu, trái với bản nguyện của người xuất gia thì chúng ta phải ẩn nhẫn, dẹp nó qua một bên, đừng để nó lôi kéo mình. Được như vậy mới là người khéo tu. Nếu không chúng ta sẽ quên đi bản nguyện xuất gia cầu giải thoát ban đầu.
Chẳng những người xuất gia mà hàng cư sĩ tại gia cũng vậy, thấy điều gì mình thích mà trái với đạo lý thì phải giảm, phải hạn chế chớ đừng theo nó. Như vậy là biết nhẫn với mình.
Ba là nhẫn với hoàn cảnh, thời tiết. Sống trong đạo cũng có khi gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Trong kinh Phật dạy nơi nào có Phật pháp, dù cho đói rét cũng phải theo thầy tu học. Còn nơi có gạo dư thừa mà thiếu đạo đức, cũng nên bỏ mà đi. Như vậy những nơi nào có Phật pháp chúng ta ở đó gặp hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhiều phiền hà, bực bội cũng phải ráng ẩn nhẫn, vì Phật pháp, vì sự tu chớ không vì sự ăn uống. Người được như vậy là người chiến thắng bản thân mình, chiến thắng được hoàn cảnh. Rồi còn phải nhẫn với thời tiết bức bách, chúng ta chịu đựng không than van, vẫn thản nhiên tự tại. Đó là chúng ta biết nhẫn.
Như vậy người tu muốn mặc áo Như Lai phải nhẫn nhục, tức là nhẫn người, nhẫn mình, nhẫn hoàn cảnh thời tiết v.v… Lúc nào cũng chấp nhận khó khăn, không bao giờ chán nản. Người mạnh như thế mới sống đúng với câu Phật dạy: “Thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình.” Đó gọi là mặc áo Như Lai.
Đến phần ngồi tòa Như Lai là quán tất cả pháp Không. Chúng ta dùng trí tuệ quán chiếu tất cả các pháp trên thế gian này do nhân duyên hợp thành, không có chủ thể cố định. Luôn dùng trí tuệ quán sát thấu triệt như vậy.
Ví như nhìn một ngôi chùa, chúng ta quán xét xem cái gì là chủ ngôi chùa. Trong đó nào là xi măng, cát, đá, ngói, gạch v.v… tụ hội lại. Chúng ta hiện thấy ngôi chùa như vậy nhưng thật ra đó là một hợp thể do nhiều thứ hợp lại, thì cái gì là chủ? Không có chủ, cũng không cố định. Hiểu như vậy thì từ cái nhà, cái bàn cho tới con người của mình cũng thế, do tứ đại hợp thành nên thân này không thật, cũng không có chủ. Hiểu như vậy là hiểu được lý Không.
Chúng ta quán sát bằng trí tuệ, thấu suốt được sự vật bên ngoài đều do nhân duyên hội hợp, không có thật thể cố định. Do không có thật thể, không cố định nên nói nó không thật. Thấy như vậy là quán pháp Không. Nói quán pháp Không là nói lý nhân duyên. Nhà Phật nói tất cả pháp đều từ nhân duyên sanh, nên trong kinh A-hàm có đoạn đức Phật dạy: “Thấy được lý nhân duyên, tức là thấy được pháp, thấy được pháp tức là thấy được chân lý.”
Vì trên thế gian này không có vật gì tự nó thành mà phải do nhiều thứ hợp lại. Tôi thường thí dụ, bàn tay của tôi, nếu co năm ngón lại thì gọi là nắm tay. Nắm tay này thấy dường như có thật mà không phải thật. Vì năm ngón co lại, nếu năm ngón buông ra thì còn gì là nắm tay? Do duyên hợp tạm có, duyên tan trở về không.
Tất cả pháp trên thế gian đều do nhân duyên sanh, không có chủ thể nên không thật, không cố định. Vì vậy nói là hư ảo. Trong Trung Quán Luận ngài Long Thọ nói về lý nhân duyên như sau:
Nhân duyên sở sanh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc danh vi giả danh
Diệc danh trung đạo nghĩa. 
Nghĩa là các pháp do nhân duyên sanh nên Phật nói tức là không. Tại sao? Vì nó không có chủ thể, đâu có gì là cố định, duyên hợp thì có, duyên tan thì mất, không thật, nên nói là không. Không đây là không có chủ thể, không cố định chớ không phải không ngơ, không có gì hết cả.
Khi duyên hợp thì tạm có giả tướng, nên nói “diệc danh vi giả danh”. Như nắm tay chưa có bao giờ, chỉ khi co năm ngón lại mới có nắm tay, như vậy nắm tay là cái giả danh thôi. Nắm tay giả danh thì bàn tay có giả danh không? Nắm tay chúng ta dễ thấy còn bàn tay hơi khó thấy hơn. Vậy chúng ta hãy phân tích xem, bên ngoài bàn tay thì có da, trong năm đốt xương ngón tay có thịt, gân, máu. Phân ra từng món có còn bàn tay không, có còn từng ngón tay nữa không? Như vậy nắm tay không thật, bàn tay hay ngón tay cũng không thật, chỉ là giả danh thôi. Nếu chúng ta chấp giả là thật thì đó là si mê.
Người tu không cho phép mình si mê mà phải luôn luôn có trí tuệ. Vậy mà lâu lâu, quí cô muốn đeo cái gì đó trên tay cho đẹp, thì sao? Hiện tướng gì? Phật tử ngoài thế gian si mê đã đành đi, còn người tu mà si mê như vậy thì không tha thứ được rồi. Đã biết nó không thật, là giả danh thì còn gì phải trang sức cho đẹp. Thấy được tướng bên ngoài là giả danh, không phải thật, nên nói “diệc danh trung đạo nghĩa”. Ai thấy được như vậy, biết được như vậy là hiểu nghĩa trung đạo. Nên chữ Không trong nhà Phật không phải không ngơ mà đó là không có Thật thể, chỉ là giả danh. Biết rõ như vậy chúng ta không chấp thật không, cũng không chấp thật có. Đó là thấy được lý trung đạo. Lý trung đạo là lý thật.             
 Qua bài kệ này quí vị thấy rõ, chúng ta tu phải có trí tuệ, phải thấy rõ tất cả các pháp do nhân duyên sanh. Hiểu như vậy thì hết chấp, mà hết chấp là sáng suốt. Vì vậy người tu Phật phải có trí tuệ. Nhờ trí tuệ nên thấy đúng như thật, không còn mê, không còn lầm lẫn say mê vật chất thế gian, không chạy theo những ảo tưởng giả dối, có thế mới thật là người học đạo.
Vì người học đạo là người đi tìm chân lý, tìm lẽ thật. Nếu hiểu sâu xa cùng tột đạo lý của Phật thì đối với thân này được cũng không mừng, mất cũng không buồn, vì nó tạm bợ giả dối do duyên hợp. Kinh Bát-nhã, Phật dạy: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.” Nghĩa là thấy năm uẩn không thật, duyên hợp hư ảo liền qua hết khổ nạn. Đó là trí tuệ.
Quí vị xét chỉ cần ba điều Phật dạy trong kinh Pháp Hoa, nếu chúng ta biết ứng dụng tu hành thì đã giải thoát sanh tử chưa? Cho nên chúng ta khéo ứng dụng theo lời Phật dạy thì chúng ta sớm được an lành, sớm được giải thoát.
Hiện nay Phật tử chúng ta thích tụng kinh Pháp Hoa lắm, nhưng tụng để hiểu như tôi nói hay tụng để tính quyển? Nếu tụng để tính quyển chớ không ứng dụng theo lời Phật dạy thì đúng là tu Pháp Hoa chưa? Lời Phật dạy như vàng ngọc, nếu chúng ta biết ứng dụng tu hành, ứng dụng vào cuộc đời thì quí vô kể.
Nhưng đáng tiếc Phật tử không biết đúng, chỉ nghĩ tụng kinh cho có phước. Nên lúc nào làm ăn sơ thất liền phát nguyện đi chùa tụng kinh Pháp Hoa để cầu phát tài. Như vậy tụng Pháp Hoa để tìm chân lý hay vì lợi dưỡng. Quí Phật tử tự kiểm lại xem mình ở dạng nào? Thế nên Tăng Ni cũng như tất cả Phật tử chỉ cần chân thành ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống hằng ngày của mình thì chắc chắn sớm được hết khổ đau trong đời này và giải thoát sanh tử ở những đời sau.
 Tóm lại tất cả người tu chúng ta dù xuất gia hay cư sĩ đều phải đủ ba đức tánh này, mới gọi là người chân chánh tu Phật. Đó là vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Phật tử là con cháu của Phật nên mới dám vào nhà Phật, dám mặc áo Phật, dám ngồi tòa Phật. Nếu không dám vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi tòa Phật thì chừng nào thành Phật tử! Con Phật mà không dám vào nhà Phật thì còn gọi là con Phật không? Vì vậy ai là con Phật, ai là người đệ tử trung thành của Phật phải đủ ba điều kiện trên. Được vậy chúng ta mới kế thừa địa vị của Như Lai, không nghi ngờ.
Đó là điều tôi nhắc nhở tất cả Ni chúng cũng như tất cả Phật tử hôm nay ráng học, ráng tu, làm sao chúng ta tu học đúng với ý nghĩa là người con chân chánh của Phật, người xuất gia chân chánh, đừng để lệch lạc sai lầm uổng một đời, sau này hối hận không kịp.

Cuộc đời là những mâu thuẫn _ HT. Thích Thanh Từ

Chúng ta hãy nhìn lại con người của mình. Ai cũng ngỡ rằng có sự mâu thuẫn là do người này đối với người kia, hoặc người kia với người nọ, chớ không nghĩ cái mâu thuẫn đó ở sẵn trong bản thân mình.
"Cuộc đời là những mâu thuẫn”, ở đây tôi không nói những gì cao siêu lắm mà nói về những kinh nghiệm sống của người Phật tử và người tu. Chúng ta sống như thế nào để cho cuộc đời được an lành tự tại, không bị những đau khổ làm ray rứt, đó là chủ yếu. Mới nghe qua rất lạ nhưng xét kỹ thì đó là sự thật. Bởi vì người Phật tử tại gia cũng như người xuất gia luôn luôn có những thứ buồn phiền. Than tại sao ở gia đình mình không có ý chí thống nhất với nhau, hoặc ở trong chùa sao không đồng tâm hiệp lực với nhau. Tập thể nào cũng có những chuyện như vậy hết.
Lý do gì mà có những buồn phiền, những phàn nàn đó? Bây giờ chúng ta thử kiểm tra lại nơi bản thân, từ thể xác cho đến tinh thần; và đi xa hơn là các quan niệm, những tổ chức, và cuối cùng là làm sao thoát ra khỏi những mâu thuẫn ấy.
Chúng ta hãy nhìn lại con người của mình. Ai cũng ngỡ rằng có sự mâu thuẫn là do người này đối với người kia, hoặc người kia với người nọ, chớ không nghĩ cái mâu thuẫn đó ở sẵn trong bản thân mình. Tôi nói theo Phật học, nhưng trong y học quí vị có thể nghiên cứu để ứng dụng. Trong Phật học Phật dạy thân này do tứ đại hòa hợp gồm: đất, nước, gió, lửa. Như vậy đất với gió không thuận, nước với lửa không thuận. Cho nên những gì có sự chống trả nhau người ta thường nói như nước với lửa. Vậy trong thân mình, gió với đất có thuận không? Quí vị thấy nơi nào có giông lớn thì đất bụi bay tứ tung lên. Như vậy, trong thân con người khi nào lạnh phải uống thức nóng cho ấm lại. Khi nào bị nóng phải uống thức mát cho dịu lại. Vì nóng là lửa nhiều nước ít, còn lạnh là nước nhiều lửa ít, cho nên phải dung hòa nó. Cái gì yếu phải nâng lên, cái gì mạnh phải kéo xuống, đây là chuyện làm của bác sĩ.
Như vậy, trong sự sống chúng ta phải làm sao trung hòa các yếu tố có tính chất trái ngược nhau. Nếu quá bên nào cũng đều sanh bệnh hết. Như gió với đất, cụ thể là người nào trúng gió thì phải làm sao? Trúng gió là gió nhập nhiều, triệu chứng nó là đau rêm cả người, nên gió mạnh thì đất rung rinh, vì vậy chúng ta phải đánh gió. Đánh một hồi bớt gió thì người nhẹ, khỏe lại. Còn nếu ở lỗ mũi, cổ họng đất nhiều thì nó mọc nhánh ra; phải đi cắt bỏ, nếu không sẽ bị nghẹt. Rõ ràng đất với gió luôn luôn đối chọi với nhau, cái này trội thì cái kia bị ngăn trở. Vì vậy chúng ta phải tìm cách điều hòa làm sao cho nó được quân bình. Như vậy, mang thân này chúng ta thấy nó đang mâu thuẫn.
Trong nhà Phật dạy rằng, chúng ta điều hòa thân này giống như ông chủ điều hòa bốn con rắn sống chung trong một cái giỏ vậy. Nó luôn luôn thù địch nhau, muốn cho nó yên phải tìm cách điều hòa, đừng để nó cắn mổ nhau. Nhưng điều hòa tới mức nào? Kết quả ra sao? Cố gắng điều hòa, điều hòa tối đa, nhưng đến một lúc nào đó cái giỏ thủng bể, thì mấy con rắn mạnh con nào con ấy chạy. Điều hòa giỏi như bác sĩ nhưng cũng có ngày cái giỏ sẽ thủng, mấy con rắn cũng chạy. Nước chạy theo nước, gió theo gió, lửa theo lửa, đất về đất. Không ai có thể điều hòa được suốt năm này tháng kia cho tới năm bảy trăm năm được. Chỉ một giới hạn nào thôi. Như vậy phần thân do đất, nước, gió, lửa nên có mâu thuẫn với nhau, còn nội tâm có mâu thuẫn không?
Theo Duy thức học của nhà Phật thì nội tâm chia ra các nhóm: nhóm Thiện tâm sở và nhóm Ác tâm sở. Thiện và ác có lẫn trong tâm ta hết. Có khi sự việc gì xảy ra chúng ta bực tức nên nói, làm quá trớn. Lát sau, Thiện tâm sở nó rầy, nói mình làm như vậy không đúng, cho nên chúng ta bị ray rứt, tự mình thấy khó, tự mình thấy khổ, tức là chính mình trừng trị mình rồi. Cái thiện răn cái ác, nhưng cũng có khi cái ác thắng cái thiện. Như lẽ ra chúng ta không nói tiếng nặng với ai, không làm cho người đau khổ, đó là tâm niệm của người tu. Vậy mà khi có điều gì làm mình nổi tức lên thì Ác tâm sở quá mạnh, nó lấn lướt làm cho chú thiện trốn đâu mất. Chú ác la lối một hồi, chú thiện mới trồi đầu ra thì chuyện đã rồi. Nên nói mình có sẵn cái thiện mà cũng có sẵn cái ác. Nội tâm chúng ta lúc nào cũng có hai thứ đó giằng co với nhau khiến cho chúng ta bất an hoài.
Thân chống đối, tâm chống đối đều là mâu thuẫn cả, mà mâu thuẫn là gì? - Thuẫn còn gọi là cái khiên, mâu còn gọi là cây giáo. Cho nên giáo đâm thì khiên đỡ, chỏi lại. Trong tâm chúng ta sẵn sàng mâu thuẫn, thân chúng ta cũng sẵn sàng mâu thuẫn. Tự mình đã mâu thuẫn thì sống với mọi người có mâu thuẫn không? Đó là điều không ai muốn, nhưng làm sao được! Thân đã mâu thuẫn, tâm đã mâu thuẫn thì người khác cũng vậy. Cho nên có hòa hợp là có chống đối, không bao giờ tránh khỏi điều đó. Như vậy trong thể xác và tâm hồn chúng ta hai thứ đó luôn có sự mâu thuẫn.
Nói rộng hơn ở thế gian, thế gian này có mâu thuẫn không? Trong thế gian người ta thường nói có khí âm, khí dương. Âm với dương có chịu nhường nhau đâu! Dương nhiều thì nắng hạn khô, còn âm nhiều thì mưa dầm dề. Âm dương lúc nào cũng chống chọi nhau, và cái nào tăng nhiều cũng nguy hiểm. Như vậy âm dương ở thế gian cũng luôn luôn chống đối, chớ không phải hoàn toàn hòa hết. Có sự bất thường tức là có sự chống đối. Vì khí ở thế gian đối chọi nhau, luôn thay đổi cho nên ảnh hưởng tới con người, ít ngày cảm, sổ mũi nhức đầu v.v… Rõ ràng con người, không gian bên ngoài, sự sống trên mặt đất đều có sự chống đối, mâu thuẫn với nhau, chớ không phải lúc nào cũng hoàn toàn an ổn. Về điện cũng có âm dương, điều hòa và sử dụng được sự đối chọi của điện âm dương, các nhà khoa học ngày nay đã tiến bộ vượt bực. Các công nghệ kỹ thuật phát minh không thể lường trước được là nhờ sử dụng được sự chống đối của điện. Thế nên chúng ta không sợ sự mâu thuẫn của điện, chỉ sợ mình không đủ khả năng điều hòa và sử dụng nó thôi. 
Tới con người với con người. Ở đây tôi nói giữa người nam với người nữ. Thường người ta bảo nam thì cang, nữ thì nhu. Cang là cang cường, nhu là nhu hòa nên cũng là chỏi. Vì vậy khi lập gia đình có chồng, có vợ thì cũng là sự chống chỏi; bên cang, bên nhu làm sao mà giống. Cho nên vợ chồng thường hay cãi vã nhau cũng tại lý do đó. Những gì người nam đề nghị thì người nữ không chịu, người nữ đề nghị thì người nam không chịu. Như vậy mới thấy cuộc sống gia đình giữa nam nữ muốn được hạnh phúc dễ hay khó? Đã là hai tánh chất không giống nhau thì làm sao dễ được. Quí vị mới thấy cuộc sống luôn mâu thuẫn, không có lĩnh vực nào không có mâu thuẫn. Vì vậy muốn cho cuộc sống trong gia đình được điều hòa thì phải hết sức khôn khéo. Đó là tôi nói chuyện cá nhân giữa nam nữ, bây giờ nói tới tập thể.
Tập thể nào cũng có một lập trường riêng, sanh hoạt riêng, chánh kiến riêng không giống nhau. Mà không giống nhau tức là có chống nhau. Nên nhìn chung, tất cả từ bản thân tới con người, gia đình, xã hội tất cả đều mâu thuẫn. Như vậy chúng ta sống làm sao được an vui, làm sao được hạnh phúc mà ta cứ đòi hạnh phúc, đòi giống nhau thôi. Nếu gia đình giống nhau thì phải là nam hết, chớ một bên cang, một bên nhu thì làm sao giống nhau được. Vì vậy đối với cuộc sống này phải khéo léo, khôn ngoan chớ không thể nào tưởng tượng được như ý mình. Ai nghĩ rằng những gì mình đề nghị ra mọi người đều nghe, đều tuân theo hết thì đó là ảo tưởng. Chỉ có mình đề nghị ra người ta phản đối nhiều hay ít vậy thôi, chớ không bao giờ mọi người chấp thuận hết.
Hiểu như vậy rồi, chúng ta phải làm sao cho cuộc sống được ôn hòa, được vui vẻ? Nói điều này tôi nhớ những năm trước có người hỏi tôi: “Thưa Thầy, nếu có hai tập thể thù địch nhau thì theo quan niệm của Thầy, phải làm sao cho hai tập thể đó được hòa hợp?” Tôi trả lời rằng: “Có nước, có lửa thì có cơm ăn.” Câu trả lời đơn giản vậy thôi. Quí Phật tử thử xét, thật ra người ta cứ sợ mâu thuẫn, nhưng không ngờ chính cái mâu thuẫn là điều kiện để cho con người trong vũ trụ này có sự sanh hóa. Nam không cũng không sanh được, nữ không cũng sanh không được. Muốn sự sanh hóa được liên tục tốt đẹp thì người điều hòa phải khéo. Như chúng ta có nước mà không có lửa, hay ngược lại có lửa mà không có nước thì có cơm ăn không? Phải có nước, có lửa và người khéo dùng nước, dùng lửa để nấu thì có cơm ăn. Chớ dùng nước để dập tắt lửa, hay dùng lửa đốt cho cạn nước thì không có cơm ăn. Cho nên cuộc sống phải khéo điều hòa, nếu nặng bên nào cũng thất bại cả. Vợ chồng trái nhau, không giống nhau, nhưng đừng để bên nào thiệt thòi mà phải có cuộc sống vừa phải, không nên vì được phần mình mà mất lòng người thì gia đình tan nát. Do đó chúng ta phải có cuộc sống hết sức khéo léo và đừng bao giờ chủ quan. Nhất là bên nam hay chủ quan ta là phái mạnh, cái gì cũng bắt phái yếu tuân theo, đó là điều không tốt, không khéo điều hòa. Đã không khéo điều hòa thì mầm đau khổ sẽ nảy sanh, nên đừng để bên nào bị thiệt thòi thì cuộc sống mới đi tới chỗ tốt đẹp, an vui, hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc trong cuộc đời chỉ là hạnh phúc tương đối. Vì hạnh phúc ấy được kết hợp bởi hai thứ không giống nhau thì làm sao trường cửu được. Phải gắng điều hòa nên cuộc sống tạm an ổn, tạm vui, chớ không có hạnh phúc nào hoàn toàn như ý hết. Kể cả ông vua cũng không như ý nữa, bởi vì Vua cũng có người chống, người phản lại chớ đâu phải ai cũng nghe theo. Vì vậy chúng ta phải điều hòa để cho cuộc sống được tốt đẹp. Như vì nồi cơm chúng ta phải điều hòa lửa, nước. Nhờ có điều hòa nước, lửa nên chúng ta có cơm ăn ngon. Cũng vậy, trong cuộc sống khéo điều hòa thì gia đình hạnh phúc, vợ chồng vui, con cái tốt. Đừng bao giờ nghĩ tưởng dùng thế mạnh đàn áp người ta phải theo mình. Bởi vì khi người ta bị đàn áp họ phải tuân theo, nhưng trong lòng họ không phục, thế nào có lúc họ cũng phản ứng lại thôi. Cho nên khéo điều hòa quân bình thì mới tốt, mới là người sống khôn ngoan. Còn mình giỏi, mình khôn rồi bắt người ta cũng theo mình thì đó là chưa thật khôn ngoan. Đây là chuyện mâu thuẫn và điều hòa giữa con người, gia đình, xã hội. Tôi nói điều hòa, vậy điều hòa bằng cách nào?
Phật dạy, muốn điều hòa phải tập hai đức tánh: nhẫn nhục và hỉ xả, tức là thế gian nói nhẫn nhịn và tha thứ. Muốn nhẫn nhịn và tha thứ thì trước tiên chúng ta phải có cái nhìn thật đạo lý. Có lần tôi được hỏi rằng: Thầy làm Phật sự có gặp những trở ngại do người khác tạo ra không? Tôi nói: Có! Hỏi: Như vậy Thầy nghĩ sao về người gây trở ngại cho Thầy? Tôi trả lời: Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm thôi.
Nhìn cuộc đời phải như vậy. Những người đã thông cảm thì tốt với mình, còn những người tuy chưa thông cảm nhưng họ cũng là bạn, chớ không có thù. Như vậy trong gia đình, vợ chồng chẳng lẽ coi nhau như kẻ thù? Nếu có việc vui buồn xảy ra thì cũng nghĩ rằng đây là người bạn chưa được thông cảm, rồi sẽ tìm cách thông cảm, chớ đừng bao giờ coi như kẻ thù. Chẳng những trong gia đình mà kể cả mọi người bên ngoài, chúng ta phải có cái nhìn cởi mở, thương yêu. Có thế mới giải quyết được nỗi khổ của con người. Trên thế gian này tràn trề đau khổ bởi vì người mạnh cứ nghĩ mình là hơn, rốt cuộc là gây đau khổ hoài. Hiểu được chúng ta mới thấy rằng sống để đem lại an vui cho mình, cho người. Muốn được như vậy thì mình đừng xem ai là kẻ thù hết. Đó là chúng ta biết sống, chúng ta khéo léo.
Quí Phật tử cũng thấy, bao nhiêu năm rồi, người thì phê bình thế này, kẻ thì mắng nhiếc thế kia mà tôi cũng cười thôi. Ai làm gì làm, vì họ chưa thông cảm, những người bạn chưa thông cảm; nói gì thì nói, lâu rồi họ cũng thông cảm. Chớ nghe liền nổi tức la lối với nhau, rốt cuộc rồi thành một đám cãi lộn, không có đạo đức gì hết.
Làm sao trong cuộc sống ở gia đình chồng vợ biết nhịn nhau như vậy. Vợ chồng là bạn nên cần hòa vui, còn nếu chưa thông cảm thì là người bạn chưa thông cảm, chớ đừng bao giờ nghĩ là kẻ thù. Nếu thấy là kẻ thù thì dễ đi đến đổ vỡ tan nát.
Đó là lẽ thật, cuộc sống từ cá nhân, gia đình cho tới tập thể, không bao giờ hoàn toàn đúng theo ý mình, được chừng sáu mươi đến bảy mươi phần trăm là tốt lắm rồi, chớ đừng đòi hỏi phải như ý hết. Những người đòi hỏi như vậy là hiểu sai lầm, không đúng lẽ thật. Bây giờ làm sao để thấy người xung quanh chúng ta là bạn? - Phải tập nhẫn nhịn. Bởi vì con người ai cũng có sẵn “Ác tâm sở” là nóng giận, đàn ông đàn bà ai cũng biết giận. Khi mình nổi giận nói lời không phải thì người khác cũng nổi giận nói lời không phải. Vậy thì làm sao? Cái phải về mình hết hay mỗi bên nhường một chút. Chúng ta có tật hay cãi lý. Cãi cho ra lý mà lý nó không có thật, thường thường lẽ phải ở kẻ mạnh chớ không thật lý. Cho nên đừng đòi hỏi lẽ thật, chỉ có ai mạnh, ai được nhiều người bênh vực thì người đó phải. Còn ai yếu, ít người bênh vực thì không phải. Ở đời là như vậy thôi.
Thời nay người ta dùng “lá thăm”, dù người không hay lắm nhưng được lòng thiên hạ thì cũng được “thăm”, còn người dù cho hay mà thiên hạ không hiểu cũng không được “thăm” như thường. Đừng cho rằng những gì hay, những gì phải thì sẽ được. Chỉ khéo được nhiều người mến, được nhiều người ủng hộ, hoặc đưa ra những gì đúng với sở nguyện của họ thì họ hưởng ứng, họ theo mình. Ngược lại dù có đưa ý kiến đúng mà họ không muốn thì họ cũng không theo như thường. Như vậy không hẳn nhiều người khen là lẽ phải. Lâu nay chúng ta cứ ngỡ rằng được nhiều người chấp nhận, đó là lẽ phải. Không phải như vậy. Lẽ phải chân thật cần người có nhận định thật sâu, chớ không phải thường. Được phần đông quần chúng theo thì trong đó đa số là những người xu hướng thôi.
Chỉ chúng ta tùy thuận với nhau, nhường nhịn nhau để mà sống. Đừng nói việc này phải, ai làm khác thì sát phạt họ, nghĩ như vậy là không được. Người chồng thấy mình phải, người vợ cũng thấy mình phải rồi đòi sát phạt nhau. Như vậy là có hai quan tài rồi. Trong cuộc sống, chúng ta phải một phần, người kia phải một phần, thôi thì nhường nhịn nhau cho nó tốt đẹp, đó là hạnh nhẫn nhục của đạo Phật.
Nhưng nếu nhịn nhau mà không tha thứ, cứ nhớ lỗi người ta hoài thì điều hòa được chưa? Hôm nay nhịn chớ mai mốt gặp việc cũng bùng nổ nữa. Đó là căn bệnh người ta hay chứa trong lòng. Có ai làm phật lòng lần đầu ráng nhịn, mai mốt gặp nữa thì nói “tôi nhịn lần thứ hai rồi nghe”. Như vậy không phải là điều hòa thật. Chúng ta nhịn thì phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui. Nhịn mà không chịu quên cứ nhắc hoài. Nhắc hoài thì người kia cũng sân lên, rốt cuộc không ai nhịn ai cả.
Vì vậy mong quí Phật tử khéo nhẫn nhịn với nhau. Qua sự nhẫn nhịn đó chúng ta còn phải hỉ xả, nghĩa là vui mà bỏ chớ đừng gượng bỏ. Bởi vì chẳng qua đều do khờ dại nên ta mới cãi vã với nhau. Biết rồi thì bỏ hết đừng thèm giận hờn gì nữa. Chớ còn nghĩ mình phải, kia quấy rồi ôm ấp, mai mốt gặp việc cãi lại nữa, rốt cuộc không hết khổ đau.
Phương pháp nhẫn nhịn sẽ đưa chúng ta tới chỗ an ổn. Nhẫn nhịn là khéo léo điều hòa ngọn lửa, đừng để nước dập tắt lửa, cũng đừng để lửa đốt cạn nước. Ở gia đình, vì con cái nên vợ chồng nhường nhịn nhau. Ngoài xã hội, vì một lý tưởng nào đó mà người ta phải nhịn nhau. Trong đạo thì vì đạo đức cao thượng nên nhường nhịn nhau, tha thứ nhau. Nhờ thế mà gia đình, tập thể mới thật có an ổn, thật có vui tươi. Nếu không như vậy thì chẳng bao giờ có niềm vui được. Chồng với vợ gặp nhau gượng nói chuyện chớ trong bụng không ai ưa ai, thì đó là nỗi khổ lớn nhất trong gia đình. Ngoài xã hội cũng thế.
Do biết cuộc đời là mâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hai hạnh: hạnh nhẫn nhục và hạnh hỉ xả. Muốn được nhẫn nhục, hỉ xả, trước phải có tâm từ bi, thấy tất cả là bạn, không có ai thù. Ba điều đó từ bi là trước, rồi nhịn sau, tha thứ nhau. Không có từ bi thì không thể có nhẫn nhịn và tha thứ được. Cứ cho người làm trái ý mình là kẻ thù thì không bao giờ chúng ta nhường nhịn. Cho nên đừng thấy ai là kẻ thù cả, chỉ có bạn đã thông cảm và chưa thông cảm. Đó là tâm từ bi. Chính do tâm từ bi nên chúng ta mới nhường nhịn, tha thứ nhau được. Chúng ta ứng dụng giáo lý của Phật trong cuộc sống thì mình sống vừa có đạo đức, vừa được an vui trong gia đình.
Đó là ba điều kiện để chúng ta điều hòa sự mâu thuẫn. Tuy khó nhưng chúng ta phải ráng ứng dụng trong cuộc sống, nếu không ắt sẽ chịu khổ thôi. Hiểu được vậy chúng ta mới biết sống và sống có hạnh phúc, chớ đừng tranh phải quấy hơn thua thì không bao giờ hạnh phúc. Đó là lẽ thật.
Tóm lại, muốn cho sự sống tốt đẹp bình yên thì phải đủ ba điều kiện: từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả. Nói theo thế gian là tình thương, nhẫn nhịn và tha thứ. Điều cấm kỵ nhất là đừng bao giờ ôm ấp ảo tưởng rằng ai cũng tùng phục ta, chìu theo ý muốn của ta hết. Đó là lầm to.
Kinh nghiệm trong cuộc sống đã cho thấy, tôi sống chung quanh năm sáu trăm Tăng Ni, không bao giờ tôi dám ảo tưởng rằng ai cũng giống hệt tôi và tôi nói ai cũng nghe. Có những điều họ nói không vừa ý tôi, nhưng rồi tôi cũng bỏ qua, không có buồn. Chớ nếu mỗi chút mỗi buồn thì chắc tôi chết sớm lắm. Thôi thì việc gì cũng bỏ qua, miễn họ tu được là tốt.
Vì vậy quí Phật tử nhớ, vợ chồng có gì trái ý nhau nên bỏ qua, miễn gia đình bình yên, con cái học hành đàng hoàng, khôn lớn nên người là được rồi, những gì riêng tư thì bỏ qua hết. Vì việc chung nên bỏ cái riêng thì sẽ được an ổn. Ở trong gia đình chẳng những vợ chồng không giống nhau mà cha mẹ, con cái cũng không giống nhau. Muốn được bình yên vui vẻ thì trên dưới cũng phải điều hòa. Cái khổ là cha mẹ không bao giờ nhịn con. Con có chịu nhịn hay không chịu nhịn cha mẹ thôi, chớ cha mẹ không bao giờ nhịn con, mà chắc gì cha mẹ đã trúng một trăm phần trăm. Bởi vì người ta cứ cho rằng cha mẹ sanh ra con cái nên cha mẹ là bề trên, con cái không có quyền cãi. Nhưng thật ra cha mẹ sanh là sanh thân thể thôi, chớ đâu có sanh được tâm hồn. Tâm hồn con cũng có cái hay riêng của con nên cha mẹ cũng phải nhịn. Như tôi là thầy, đâu thể nhịn trò, nhưng có khi thầy cũng bỏ qua. Bỏ qua tức là nhịn rồi. Nhờ vậy tôi điều hòa được mấy trăm người, chớ nếu bắt như mình mà người ta không được như mình, rồi đuổi đi hết thì thôi, chắc tôi cũng sống một mình tôi. Hiểu được như vậy mới thấy nhờ chúng ta khéo điều hòa nên mọi việc được tốt đẹp. Đây là phương pháp thứ nhất, phương pháp tương đối.
Bây giờ tới phương pháp thứ hai là phương pháp tuyệt đối, phương pháp này ít người thực hiện được. Bởi vì khi nào chúng ta dẹp được tâm đối đãi của mình; Tâm sở thiện, Tâm sở ác hết thì chừng đó hoàn toàn khỏi nhẫn nhịn, khỏi tha thứ gì cả. Nên nói tuyệt đối là vậy. Cũng như Lục tổ Huệ Năng bảo Thượng tọa Huệ Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay câu nói này Huệ Minh liền nhận ra Bản lai diện mục của mình. Bản lai diện mục đó không có hai bên, mà không có hai bên thì đâu còn mâu thuẫn. Không còn mâu thuẫn mới là vĩnh viễn an lành. Đây chính là mục đích Phật nhắm đến để dạy chúng ta tu đạt được giải thoát viên mãn.
Cũng như trong Tín Tâm Minh, Tổ Tăng Xán nói: “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm.” Tin mình có cái Tâm chân thật thì không còn hai. Không còn hai thì mới tin được Tâm chân thật của mình, còn Thiện tâm sở và Ác tâm sở không phải thật tâm của mình. Một nhóm tham lam và một nhóm hiền lành, hai nhóm đó lặng xuống thì mới hiển bày Tâm chân thật của mình. Được Tâm chân thật rồi thì cười hoài, không cần nhẫn nhịn, không cần tha thứ gì nữa. Nhưng nếu hai thứ đó còn thì phải từ bi, nhẫn nhịn, hỉ xả cuộc sống mới yên. Chừng nào chúng ta thoát qua hai thứ đó mới được an ổn vĩnh viễn. Quí vị thấy Tổ thứ ba, Tổ thứ sáu đều dạy chúng ta bỏ hai thứ đó. Bây giờ gần nhất là Tổ Trúc Lâm, Ngài có bài kệ “Hữu Cú Vô Cú”, tức là “Câu Có Câu Không”. Người còn thấy có, thấy không là còn thấy hai. Tôi tạm dẫn vài câu trong bài kệ ấy:
Hữu cú, vô cú
Tự cổ, tự kim
Chấp chỉ vọng nguyệt
Bình địa lục trầm…

Nghĩa là thấy có thấy không, từ xưa đến nay, như người chấp ngón tay mà quên mặt trăng. Ngón tay chỉ mặt trăng mà cứ cho là mặt trăng chính tại đầu ngón tay. Đó là kẻ ngu xuẩn. Phải bỏ ngón tay mới thấy mặt trăng ở trên kia. “Bình địa lục trầm”, tức là trên đất bằng mà chết chìm, đây là chỉ cho những kẻ quá ngu xuẩn. Còn hai bên là còn đau khổ, còn ngu xuẩn. Chừng nào hết hai bên mới được tự tại, an lành. Nên phải hiểu quí thầy dạy Phật tử tu, ngồi thiền để làm gì? - Để bỏ cái tâm chạy theo hai bên đó. Ngồi thiền thì nghĩ ác, nghĩ lành gì cũng bỏ hết để đi tới chỗ không còn hai, khi đó mới hoàn toàn giải thoát. Còn có hai thì không bao giờ giải thoát được. Do đó chúng ta mới hiểu ý nghĩa tại sao mình phải ngồi thiền, tại sao mình bỏ hết tất cả vọng tưởng thiện, ác. Bởi vì còn thiện tức là còn ác đối đãi, vì vậy phải buông cả hai thì tâm mới yên. Tâm yên đó mới là Tâm chân thật, còn tâm nghĩ thiện nghĩ ác v.v… chưa phải là Tâm thật. Lâu nay chúng ta cứ tưởng nó thật, giống như ngón tay chỉ mặt trăng mà chúng ta cứ cho đầu ngón tay là mặt trăng. Không ngờ bỏ đầu ngón tay, nhìn tận chân trời mới thấy mặt trăng, người tu phải khôn ngoan ở chỗ này. Bởi vì tu là siêu thoát. Siêu thoát nghĩa là không kẹt trong đối đãi. Không đối đãi thì qua được các thứ mâu thuẫn khổ đau, hoàn toàn an lành tự tại, cho nên mục đích cuối cùng của người tu Phật là không còn thấy hai. Được vậy thì tự nhiên hết mâu thuẫn, không còn gì mà chống đối.
Song nếu người chưa qua khỏi hai bên thì phải tập tu từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả thì cuộc sống mới yên lành. Bước đầu quí Phật tử nên tập từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả trước cho cái mâu thuẫn trong mình được điều hòa, cuộc sống được bình an. Lấy đây làm bài học thì có thể nói nghe kêu một chút là có “một triết lý sống”. Vì lâu nay Phật tử sống mà không biết sống làm sao, cho nên ai cũng nuôi cực đoan trong mình rồi mang lấy đau khổ, kêu trời trách đất hoài. Nếu biết được lẽ sống như vậy thì cuộc sống rất bình an. Nếu vượt qua luôn sự đối đãi thì thành Thánh mất rồi, không nói Thánh cũng là Thánh, có việc gì phải buồn. Chúng ta còn thương người làm lành thì ghét người làm ác, cho nên còn có hai tức là còn đối chọi. Chỉ khi nào qua được hai bên mới hết mâu thuẫn. Ý nghĩa của đạo Phật cao siêu là vậy.
Buổi nói chuyện hôm nay nếu Phật tử ứng dụng được trong cuộc sống thì thật là hay, bằng ngược lại thì học Phật bao nhiêu cũng chẳng có ích lợi gì. Quí vị hãy nhớ câu này: “trước mặt không có kẻ thù” thì cuộc sống được an lạc nhiều rồi đó. Đạo lý thật hay, nhưng đôi khi tôi thấy rất buồn vì kể cả người tu cũng không thực hành nổi, cứ thù người này, giận người kia. Người tu mà nói giận người này, thù người kia thì chưa phải người tu. Người hiểu thấu đáo cuộc sống rồi thì chỉ cười thôi, không có gì quan trọng hết. Khi đặt vấn đề quan trọng, có người hưởng ứng với mình thì là bạn, không hưởng ứng trở thành thù. Cứ mãi như vậy thì phải chịu đau khổ thôi.
Có nhiều người hỏi tôi: “Thầy có thuật gì mà điều hòa mấy trăm Tăng Ni và nhất là bên Ni?” Tôi nói: Ai đến thưa kiện người này sai, người kia trái, tôi đâu có xử, tôi bảo: thấy người ta quấy thì mình cũng đã quấy rồi. Nhờ vậy không ai dám đến thưa kiện nữa. Quí Phật tử có thấy thật tình là như vậy không? Vì chưa bao giờ hai người cãi nhau mà có người chịu mình quấy cả, nhưng làm sao cả hai đều phải được! cho nên thấy người quấy là mình đã quấy trước. Không quấy thì không cãi, mà cãi thì đã quấy. Đây là kinh nghiệm, từ kinh nghiệm sống cho đến tu tập Phật dạy rất nhiều, nhưng trọng tâm đều nằm ở những điểm đó. Nhiều vị sau này giảng một bài pháp dài mênh mông mà chỉ toàn lý thuyết suông thì không đi tới đâu hết, phải có thuật sống để cho người biết mà noi theo.
Điểm ưu việt của Phật giáo đời Trần chính là chủ trương Tam giáo đồng nguyên. Thiền tông dung hợp chớ không thấy đây khác kia để rồi đi đến chống chọi nhau. Do đó người trong nước theo đạo Lão, đạo Khổng không chống với đạo Phật. Nhờ ba tôn giáo hòa nhau nên dân mạnh, đó là điểm rất hay.
Tóm lại, mục đích buổi nói chuyện hôm nay hết sức rõ ràng, tôi mong quí Phật tử nghe rồi áp dụng những điều tôi nói vào cuộc sống cho khéo, cho đầy đủ ý nghĩa, mới thấy niềm vui hiện tại - sống là vui.

Tiền Giang: Khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác lớn nhất nước (update )




Sau đây là  địa chỉ và phone của Thiền Viện ,có ai muốn cúng dường thì liên lạc thẳng với Thiền Viện nhé ......


Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác :

Xã Thạnh Tân,huyện Tân Phước ,tỉnh Tiền Giang .

Phone : 07-33-643-266
hinh00Sáng ngày mùng 8 tháng 4 Nhâm Thìn (28/04/2012),  hòa trong không khí tháng 4 đầy ý nghĩa của người con Phật đang nô nức chào mừng Đại Lễ Phật đản sanh PL 2556 , một buổi sáng đẹp trời với vầng hào quang xuất hiện trên bầu trời, duyên lành hội đủ, được sự đồng thuận của HĐTS TƯGHPGVN, BTS tỉnh hội PG tỉnh Tiền Giang và chánh quyền các cấp,  Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tổ chức Lễ đặt đá chính thức xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, ngôi thiền viện đầu tiên của hệ phái Trúc Lâm yên Tử được xây dựng mới tại miền Tây.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, hòa hợp và thanh tịnh dưới sự quang lâm chứng minh của Chư Tôn Đức Tăng Ni, cùng  lãnh đạo chánh quyền các cấp và hơn 8 ngàn Phật tử gần xa không quản ngại đường xá xa xuôi đã hoan hỷ cùng nhau huân tập về TVTL Chánh Giác tham dự Lễ đặt viên đá đầu tiên công trình xây dựng TVTL Chánh Giác, cùng nhau cầu nguyện để công trình xây dựng được thành tựu viên mãn.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác có tổng diện tích là 30ha, được xây dựng theo mô hình truyền thống của các thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, với 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện. Theo quy hoạch tổng mặt bằng, thiền viện có 26 hạng mục, bao gồm các hạng mục thuộc ngoại viện như Chánh Điện, Tổ Đường, Giảng Đường, Nhà Tăng ngoại viện, Trai đường, Thư viện, Nhà Trưng bày, Lầu chuông, Lầu trống, Nhà Khách cư sĩ Nam, Nhà khách cư sĩ Nữ v.v.., với tổng diện tích hơn 47 ngàn m2. Khu vực nội viện được quy hoạch với diện tích gần 16 ngàn m2, bao gồm 4 tăng đường, 1 thiền đường và 10 thất chuyên tu. Khu vực nhà khách nữ được bố trí trên một diện tích gần 19 ngàn m2 với Thiền đường, Trai đường riêng và 10 thất chuyên tu. Tổng diện tích xây dựng của 2 khu vực hơn 8000m2.  Trong định hướng xây dựng được thể hiện trên bản vẽ quy hoạch, một khu vực rộng lớn được bố trí để xây dựng Tứ Động Tâm (Lâm Tì Ni – nơi Phật Thích Ca đản sinh; Bồ Đề Đạo Tràng – nơi Phật thành đạo; Lộc Uyển – nơi Phật chuyển pháp luân và Câu Thi Na – nơi Phật nhập diệt) theo đúng nguyên mẫu với tỉ lệ 6-10. Theo tỉ lệ này thì tháp Đại Giác sẽ có chiều cao khoảng hơn 31m. Đây sẽ là điểm rất riêng của Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác nhằm tạo duyên lành cho những Phật tử gần xa không có đủ duyên đến Ấn Độ để chiêm bái, thì có thể đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác chiêm bái.

Công trình xây dựng TV Trúc Lâm Chánh Giác đáp ứng tâm nguyện của Hòa Thượng Tôn Sư thượng Thanh hạ Từ Tông chủ của Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ 20 và mong mỏi của Phật tử gần xa, xây dựng một Thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử trên mãnh đất miền tây vốn thấm nhuần tinh thần Phật giáo, miền đất tiêu biểu cho truyền thống gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc, đó cũng chính là nét đặc trưng của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Theo thời gian dòng thời gian Thiền Trúc Lâm Yên Tử âm thâm suôi dòng chảy về miền tây, như dòng sông Mekong chỡ nặng phù sa bồi đắp cho đồng bằng nam bộ, ngôi thiền viện mới ra đời sẽ là trung tâm tu học theo tin thần thiền tông đời Trần là "Phản quan tự kỷ" sẽ làm phong phú thêm đời sống tâm linh của người dân tỉnh Tiền Giang và các  tỉnh miền tây nam bộ giàu tình người.

Một số hình ảnh Lễ Đặt Đá Xây Dựng TVTL Chánh Giác

Chư tôn Hòa thượng chứng minh

Niệm Phật cầu gia bị

Chư tôn đức Tăng về tham dự lễ đặt đá

Chư tôn đức Ni về tham dự lễ đặt đá

Đại diện chánh quyền các cấp tham dự lễ đặt đá

Thượng tọa Trụ trì TVTL Dalat đọc diễn văn khai mạc

Hòa thượng chứng minh ban đạo từ

Hòa thượng trưởng ban quản trị Thiền Phái Trúc Lâm ban đạo từ

Đại diện chánh quyền phát biểu

Viên đá đầu tiên xây dựng TVTL Chánh Giác

Nghi thức lễ đặt đá

Cùng nhau đặt viên gạch đầu tiên cho công trình xây dựng TVTL Chánh Giác

Quí Phật tử khắp nơi về tham dự
- Hình ảnh do PT Minh Triết - Đănng Chân cung cấp