Monday, June 11, 2012

GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI


Tiến sĩ Alfred Bloom, Giáo sư danh dự ngành Tôn Giáo, Đại học Hawaii
Thích nữ Tịnh Quang chuyển ngữ

Với ngày giác ngộ của Đức Phật và năm mới sắp đến, suy nghĩ của chúng ta được phát khởi từ khái niệm chủ yếu của Phật giáo và sự đóng góp của Phật giáo cho tư tưởng thế giới. Khái niệm chính của Phật giáo thường được gọi chung là Duyên khởi hoặc Duyên sinh. Hầu hết người ta cho rằng Phật giáo như một tôn giáo.Tuy nhiên, Phật giáo có một truyền thống phát triển cao của tư tưởng triết học dựa trên các nguyên tắc của nhân và quả (inga) và được biểu hiện trong nguyên lý Duyên khởi..
Giáo lý này xuất hiện trong đầu khi tôi đọc một cuộc đối thoại giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Vị Viện trưởng của tu viện Nishi Hongwanji-Koshin Ohtani trong một sự kiện gần đây của tạp chí Shunju Bungei (1-2008). Trong cuộc đối thoại này, vấn đề của Tánh Không cũng là một khái niệm rất quan trọng trong Phật giáo Đại thừa đã đưa ra. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng Tánh Không được dựa theo nguyên tắc của Duyên khởi. Koshin Ohtani đã trình bày quan điểm Đông Á về Tánh Không như là một nhận thức kinh nghiệm, đạt được xuyên qua việc thực hành thiền định trong Zen hoặc các truyền thống khác. Đây là kinh nghiệm bản thể Không có đối đãi. Có lẽ chúng ta có thể phân biệt các quan điểm hợp lý trong sự tương phản với thần bí. Trong khi nhiều người có thể không dễ dàng trải nghiệm trong tính không nhị nguyên, họ có thể hiểu được cơ sở hợp lý của Tánh Không và xuyên qua sự phản ánh nhận thức có ý nghĩa và tầm quan trọng hiện thời của nó đối với cuộc sống của chúng ta.
Tánh Không của sự vật được trình bày bởi  Đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến sự nhận thức rằng tất cả mọi thứ trong thế giới của chúng ta là duyên hợp. Muôn sự có thể được phân tích thành nhiều thành phần mà nó làm nên. Xe Ô tô được làm từ các bộ phận khác nhau, bánh xe, động cơ v.v. Ví dụ, động cơ có thể được phân tích tiếp với các bộ phận của nó và các kim loại đã làm ra nó. Các kim loại có thể được chia nhỏ với các yếu tố, nguyên tử, sau đó là neutron và proton hoặc những tiền tố nằm bên dưới thế giới quan sát của chúng ta. Cuối cùng tâm hoạt động với một sự bí ẩn khi chúng ta không thể thâm nhập vào tính nguồn vũ trụ của thế giới kinh nghiệm.

Tuy nhiên, kết luận của Phật giáo là không có gì sở hữu tự bản chất tối thiểu của chính nó, nhưng tất cả mọi thứ phụ thuộc vào những cái khác cho sự tồn tại của nó. Vì vậy, tất cả mọi thứ là trống rỗng, sự trống rỗng của thực thể nội tại và giá trị nội tại; tất cả sự tồn tại là quan hệ. Thực thể cuối cùng của tất cả sự vật đó là không thể diễn đạt và bất tư nghì, do đó trống rỗng. Tất cả sự phát sinh xuyên qua sự hợp tác của nhiều nguyên nhân và điều kiện. Sự hiểu biết về các nguyên tắc Duyên khởi có cả ý nghĩa tôn giáo và triết học. Cho dù người ta quan sát tiến trình từ quan điểm logic hoặc kinh nghiệm, cả hai đều nhắm đến sự chuyển đổi đối với quan điểm của một người về thế giới và cuộc sống.
Ý nghĩa tôn giáo của giáo lý Duyên khởi nhấn mạnh giáo lý về học thuyết của nghiệp (karma)- giải thích căn bản của sự đau khổ trong sự tồn tại của con người và thế giới. Về mặt tích cực của Phật giáo Đại thừa, lý Duyên khởi làm căn bản cho giáo lý thuyên chuyển công đức , theo đây mỗi người chia xẻ lợi ích của hành động tốt với những người khác. Học thuyết về nghiệp có nghĩa là thái độ hoặc hành động và giải thích tình trạng của chúng ta trong cuộc đời này, trong khi lý Duyên sinh thúc đẩy mọi người làm việc tốt để có được công đức để đạt được cuộc sống tốt hơn cho bản thân và những người khác trong tương lai, trong tiến trình luân chuyển. Giáo pháp này được phản ánh trong câu chuyện của Bồ tát Dharmakara (Hozo-PhápTạng) trong truyền thống Tịnh Độ. Những lời nguyện của Ngài nhằm xây dựng một cõi Tịnh Độ nơi mà tất cả chúng sinh có thể đạt được giác ngộ với sự thể hiện các nguyên tắc của sự tương duyên. Mỗi lời nguyện chỉ ra mối quan hệ của tuệ giác Bồ tát (Bodhisattava) với sự đạt được giác ngộ bởi tất cả chúng sinh. Ngài không thể đạt được nó trừ khi chúng sinh đạt được nó cùng với ngài. Tất cả chúng ta đều có sự liên đới lẫn nhau.
Phương pháp triết học với giáo pháp Duyên khởi còn được gọi là 12 mắc xích liên kết nhân quả. Những mắc xích này phân tích sự tồn tại của con người hoặc muôn loài như là kết quả của một quá trình bằng 12 khía cạnh, mô tả sự hình thành của một cuộc sống hoặc có thể quan sát một cuộc sống thông qua ba lần sinh. Quan điểm này rất là quan trọng bởi vì nó cung cấp một sự hiểu biết của tiến trình sống và tái sinh hay luân chuyển, cung cấp nền móng cho các giá trị và sự quyết định bằng sự hiểu biết các điều kiện khác nhau liên quan đến mạch nguồn sự sống.
Những mắc xích làm nhân duyên là: 1) Vô minh-ngu dốt: là sự mù lòa căn bản đối với sự thật của tự thân và tình trạng cuộc sống. Đó là một sự thiếu hiểu biết mà hôm nay chúng ta gọi là “sự từ chối”. 2) Hành: hành động ý chí bao gồm các sự thúc đẩy và động cơ phát sinh của chúng ta từ sự ngu dốt của chúng ta trong các hình thái hận thù, tham lam, thành kiến ​​... 3) Thức: nhận thức, bao gồm cả vô thức hoặc tổng thể của  sự nhận thức về các sự vật. Xuyên qua nhiều sự  ảnh hưởng hay những hạt giống được lưu trữ ở đây mà chúng ta phát triển các xu hướng tốt hoặc xấu. 4) Danh và Sắc: Tên và  hình thể là các khía cạnh tinh thần và thể chất của chúng ta. Đó là, cơ thể vật lý và tính cách hoặc tính đồng nhất. 5) Lục nhập: sáu năng lực của giác quan: tâm và năm giác quan vật lý. 6) Xúc: Sự liên hệ xuyên qua các giác quan với các đối tượng. 7) Thọ: Cảm giác hoặc nhận thức và kinh nghiệm đối với mọi điều. 8) Ái:  là tham muốn, bắt nguồn từ cảm giác của chúng ta, vì kinh nghiệm lặp đi lặp lại chẳng hạn như chúng ta không có thể chỉ ăn một khoanh mỏng của khoai tây. 9) Thủ: bám hoặc nắm bắt và dính chặt. Chúng ta không thể buông bỏ. 10) Hữu:Trở thành là ước muốn sâu xa cho cuộc sống, phản chiếu trong những sự phấn đấu của chúng ta bằng việc tự bảo tồn. 11) Sinh: Sự sinh ra hoặc tái sinh. 12) Lão tử:  Tuổi già (Decay) và cái chết, quá trình bắt đầu lúc mới sinh và trở nên rõ ràng hơn như thời gian-vô thường-sự tiếp tục.
Theo tiến trình này, chúng ta bị ảnh hưởng bởi những ảo giác và sự thiếu hiểu biết cơ bản và do vậy chúng ta mù lòa đối với thực tại đích thực. Đó là chúng ta không thể nhìn thấy sự vật như chúng thực sự là. Chúng ta biết rằng các giác quan của chúng ta có thể bị lừa gạt như trong ảo giác quang học. Kết quả là, chúng ta phát triển những cảm giác sâu sắc của tham lam, hận thù và thành kiến, bản chất ích kỷ căn bản của chúng ta. Xuyên qua ý thức nằm dưới và các hoạt động của tâm chúng ta và các giác quan của chúng ta, chúng ta thể hiện hành động trên thế giới, tạo ra khổ đau hay tốt đẹp. Chúng ta bám vào những điều mà chúng ta nghĩ rằng có lợi ích cho cái tôi của chúng ta hoặc bảo vệ nó. Do đó, chúng ta khởi tưởng một sự tham muốn sâu xa để tiếp tục cuộc sống của chúng ta (trở thành). Nghiệp được tạo ra thông qua quá trình này dẫn đến sự tái sinh kế tiếp và chu kỳ của sinh-lão và tử. Tất cả chúng sinh trải qua tiến trình này cho đến khi họ tìm đường ra khỏi bánh xe luân chuyển hoặc con sông của sinh và tử, được gọi là vòng luân hồi trong giáo lý Phật giáo.
Giáo lý về Mười hai nhân duyên thúc đẩy sự  nỗ lực tìm kiếm cho sự giác ngộ để nhận ra sự giải phóng từ tiến trình này. Việc phân chia thành ba đời sống: quá khứ, hiện tại và tương lai biểu lộ rằng sự nô lệ tinh thần của chúng ta tiếp tục tái sinh trong quan điểm của Phật giáo về luân hồi. Trong sự giảng dạy truyền thống, vòng luân chuyển không kết thúc với ba chu kỳ. Thay vào đó, nếu tình dục và sự thiếu hiểu biết của chúng ta chi phối tính chất của chúng ta trong cuộc sống thì tiến trình đau khổ tiếp tục. Sự đa dạng của các truyền thống Phật giáo đã cung cấp các đạo lộ để giúp chúng ta vượt qua tiến trình này và trở thành giác ngộ, đạt được niết bàn hay Phật tánh.

Nó cũng đưa ra một sự nhận thức thúc đẩy cuộc sống cá nhân của chúng ta. Phật giáo dạy rằng đó là một sự kiện hy hữu khi được sinh ra làm một con người có được khả năng quyết định và thực hành giáo lý và đi đến giải thoát. Phương hướng triết học của giáo lý tập trung sự chú ý rằng không có gì có giá trị trong và của chính nó. Tất cả mọi thứ là ghép hợp và là vô thường. Tất cả mọi thứ đều trải qua một quá trình thay đổi, rõ ràng nhất trong cuộc sống của chính chúng ta. Bởi vì mọi thứ đã không có giá trị thiết yếu, sự mong muốn và bám víu của chúng ta gây cho chúng ta nhiều đau đớn khi chúng ta gặp phải một cái gì đó mà chúng ta không thích hoặc mất một cái gì đó chúng ta quí báu. Sự hiểu biết về bản chất thay đổi sẽ hỗ trợ chúng ta trong việc xây dựng đời sống tinh thần.
Một cách triết lý hơn, học thuyết này biểu hiện Tính không hay bản chất rỗng tuếch của tất cả mọi thứ. Học thuyết này áp dụng đối với lịch sử hoặc tự nhiên, nó chỉ ra rằng tất cả chúng ta là duyên sanh, là những con người thuộc về lịch sử, cũng như các nền văn hóa và văn minh của chúng ta, chúng nó không phải là tuyệt đối có giá trị và được duy trì nếu không có óc phê bình. Trong sự kết nối với thiên nhiên, Phật giáo là tương thích với khoa học, bởi vì nó hiểu được nguyên tắc nhân quả và bản chất phát triển của sự vật. Tất cả sự thực là một dòng chảy có năng lượng cần thiết xuyên qua tiền tố nhỏ nhất, hoặc làn sóng trong sự phân giải của vi mô khoa học, hay sự tiến hóa của sự sống và sự nới rộng của vũ trụ trong thế giới vĩ mô.
Trong đời sống xã hội, nguyên tắc này nhấn mạnh tính chất phụ thuộc lẫn nhau của quan hệ xã hội cũng như sự bổ sung đối với tất cả cuộc sống và sự việc thực tế. Ở Trung Quốc, biểu tượng Âm và Dương của Đạo Lão cũng thể hiện nguyên tắc này. Với sự bổ sung của Âm và Dương, Dương cũng có trong Âm và Âm cũng ở trong Dương, được hiển thị bằng một dấu chấm nhỏ trong các lĩnh vực tương ứng. Các hình thức vòng tròn cho thấy phía này chảy vào phía khác, tạo ra nhiều sự biến chuyển đối với thực tế.
Sự tương duyên cũng  cho thấy sự hỗ tương cần thiết cho quan hệ con người hiệu có quả và tích cực. Tất cả chúng ta được kết nối với nhau. Giáo lý Phật giáo cung cấp một nền tảng cho cuộc sống và cộng đồng xã hội, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Tiến trình này bao hàm sự  tôn kính tổ tiên cũng như sự quan tâm cho các thế hệ tương lai.
Hình tướng và sự hiểu biết về Duyên khởi sẽ đưa đến việc thu nhỏ những sự méo mó của chủ nghĩa cá nhân hung hãn và quan điểm cạnh tranh hống hách của chúng ta trong xã hội phương Tây. Nó cũng sẽ vượt qua hình ảnh xung đột đã định hình xã hội phương Tây, chúng ta phải có một kẻ thù và luôn luôn có chiến thắng. Học thuyết Nhị nguyên của văn hóa phương Tây, thiện và ác, xác thịt và linh hồn là tự chuốc lấy thất bại cuối cùng.
Tựu trung, tầm quan trọng của giáo lý Duyên khởi có thể được nhìn thấy trong các lĩnh vực khác nhau của sự ứng dụng, tôn giáo, hay triết học. Nó là cơ sở của tư tưởng Phật giáo. Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đã viết: "Tất cả các giáo lý của Phật giáo là dựa trên lý Duyên khởi, Nếu một sự giảng dạy không phù hợp với nguyên tắc Duyên khởi, nó không phải là lời dạy của Đức Phật "(Thích Nhat Hanh: "The Heart of the Buddha's Teaching-The Two Truths.")

Sunday, June 10, 2012

KINH NHẬP MẪU THAI ( VÀO THAI MẸ)


Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Nan Ðà:
 - Ta có giáo pháp, đầu giữa cuối đều thiện, văn nghĩa vi diệu, thuần nhất viên mãn, thanh bạch phạm hạnh, đó là kinh Vào Thai Mẹ. Thầy hãy lắng nghe, hết sức chú ý, ghi nhớ thật kỹ, Ta sẽ giảng thuyết.
 Nan Ðà thưa:
 - Xin vâng Thế Tôn! Con xin được nghe!
 Phật dạy:
 - Này Nan Ðà! Tuy có thai mẹ nhưng có khi nhập và không nhập. Thế nào là thọ sinh vào thai mẹ? Nếu cha mẹ có tâm ô nhiễm giao hội nhau, bụng người mẹ ổn định, đến nguyệt kỳ, trung uẩn hiện tiền, nên biết chính là lúc nhập thai mẹ được. Hình trung uẩn này có hai loại: Một: hình sắc xinh đẹp; Hai: dung mạo xấu xa. Trung hữu địa ngục dung mạo xấu xa như khúc cây cháy nám. Trung hữu bàng sinh có sắc như khói. Trung hữu ngạ quỷ có sắc như nước. Trung hữu trời người có hình vàng kim. Trung hữu Sắc giới có sắc tươi trắng. Trời vô sắc giới không có trung hữu vì vốn không có sắc. Trung uẩn của hữu tình có hai tay hai chân, hoặc bốn chân nhiều chân, hoặc không có chân. Tuỳ theo nghiệp đã tạo sẽ sinh vào đâu, trung hữu cảm ứng theo hình trạng ấy. Nếu trung hữu cõi thiên thì đầu hướng lên; Người, bàng sinh, quỷ thì nằm ngang mà đi; Trung hữu địa ngục thì đầu ngược xuống. Các trung hữu đều có thần thông nương hư không mà đi, từ xa thấy chổ sinh, như có thiên nhãn. Nói đến nguyệt kỳ là trong thời gian thọ thai được.
Này Nan Ðà có những người nữ trải qua ba ngày, năm ngày, nữa tháng, một tháng ... có  người chờ  đợi  thời  gian  lâu  thủy kỳ  mới  đến.  Người  nữ  nào không có uy thế, chịu nhiều khổ cực, hình dung xấu xí, ăn uống không ngon, nguyệt kỳ có đến nhưng chấm dứt ngay, như đất khô khan, rảy nước xuống rất mau khô. Người nữ nào có uy thế, thường hưởng thụ an lạc, hình dáng xinh đẹp, được ăn uống ngon, nguyệt kỳ đến không chấm dứt mau, như khi đất ướt rãy nước lâu khô. 
Thế nào là không nhập thai? Khi tinh cha xuất mà tinh mẹ không xuất; Tinh mẹ xuất mà tinh cha không xuất; Hay tinh cả hai đều không xuất thì không nhập thai. Nếu mẹ không ổn định mà cha ổn định, cha không ổn định mà mẹ ổn định, hay cả hai đều không ổn định cũng không thụ thai. Nếu căn môn của mẹ bị bệnh phong, bệnh vàng, bệnh phổi, bệnh tim, hoặc huyết khí kết ở thai,  hoặc  mọc thịt thừa,  hoặc  uống thuốc, bệnh mạch phúc, bệnh eo  quá nhỏ, hoặc sản môn như miệng ngựa, hoặc bên trong như cây nhiều rễ, hoặc như đầu cày, hoặc như càng xe, hoặc như khúc dây leo, hoặc như lá cây, hoặc như đầu hạt lúa mạch, hoặc dưới bụng trên bụng sâu quá, hoặc chẳng có dạ con, hoặc thường chảy máu, hoặc như mỏ quạ thường mở không khép, hoặc trên dưới bốn bên rộng hẹp không bằng nhau, hoặc cao thấp lồi lõm, hoặc bên trong có trùng ăn làm hư hoại bất tịnh. Nếu người mẹ có những bệnh này thì không thể thọ thai. Hoặc cha mẹ tôn quý mà trung hữu ty tiện, hay trung hữu tôn quý cha mẹ ty tiện, như vậy cũng không thành thai. Nếu cha mẹ và trung hữu cùng tôn quý, nhưng không cộng nghiệp cũng không thành  thai.  Nếu  đối  với  cảnh  cha  mẹ  quan  hệ  nhau  mà  trung  hữu  không luyến ái về nam hay nữ, cũng không thọ sinh.
Nan Ðà! Thế nào là trung hữu được vào thai mẹ? Nếu bụng mẹ ổn định, trung hữu thấy đang làm việc dâm dục, không có những bệnh hoạn như nói ở trên, con với cha mẹ có nghiệp lực cảm ứng nhau, mới vào được thai mẹ.
Lại nữa, khi sắp vào thai, tâm trung hữu điên đảo luyến ái với mẹ, oán ghét với cha; Nếu là nam, luyến ái với cha; oán ghét mẹ, nếu là nữ. Nếu đã tạo các nghiệp trong đời quá khứ liền sinh vọng tưởng với tâm hiểu sai lầm, như tưởng lạnh lẽo, gió lớn, mưa lớn, mây mù ... hoặc nghe tiếng nhiều người cãi cọ nhau. Sau khi sinh tưởng này, rồi tùy theo nghiệp mạnh yếu, phát sinh mười tưởng hư vọng. Ðó là: 1- Ta đang vào nhà; 2- Ta sắp lên lầu; 3- Ta lên đài điện; 4- Ta lên giường tòa; 5- Ta vào thảo am; 6- Ta vào nhà lá; 7- Ta vào vùng cỏ rậm; 8- Ta vào trong rừng cây; 9- Ta vào kẻ tường hở; 10- Ta vào giữa rào. 
Nan Ðà! Khi trung hữu có niệm này liền vào thai mẹ. Nên biết, vừa thọ thai gọi là yết la lam, chính là tinh cha huyết mẹ, nhờ nhân duyên tinh huyết cha mẹ hòa hợp để thức dựa vào đó mà tồn tại. Như đổ lạc vào bình dùng nhân công lắc đều sẽ được tô, làm khác vậy thì không có. Nên biết, thân yết la lam cũng như tinh huyết bất tịnh của cha mẹ.
Lại nữa, này Nan Ðà! Có bốn ví dụ, ông hãy lắng nghe. Như trùng sinh ra nhờ vào cỏ xanh; Cỏ không phải trùng, trùng không rời cỏ, nhưng dựa vào nhân duyên hòa hợp với cỏ nên sinh ra thân trùng mang màu sắc xanh. 
Nan Ðà nên biết! Thân yết la lam với tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, do nhân duyên đại chủng hòa hợp nên sinh ra căn. Như dựa vào phân bò nên trùng sinh ra, phẩn không phải là trùng, trùng không rời phẩn, nhưng y vào nhân duyên hòa hợp với phẩn nên sinh ra thân trùng màu vàng.
Nan Ðà nên biết! Thân yết la lam với tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, do nhân duyên đại chủng hòa  hợp  nên sinh ra căn. Như dựa vào  gai sinh ra trùng, gai không phải là trùng, trùng không rời gai, nhưng y vào nhân duyên hòa hợp với gai nên sinh ra thân trùng màu đỏ. 
Nan Ðà nên biết! Thân yết la lam với tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, do nhân duyên hòa hợp nên sinh ra căn. Như y vào lạc sinh ra thân trùng có màu trắng. (Nói rộng cho đến)… nhân duyên đại chủng hòa hợp nên sinh ra căn.
 Lại nữa, Nan Ðà! Y vào thân yết la lam bất tịnh của cha mẹ, địa giới hiện tiền, với tính chất cứng, thủy giới hiện tiền với tính chất ẩm ướt, hỏa giới hiện tiền với tính chất ấm nóng, phong giới hiện tiền với tính chất nhẹ động. 
Nan Ðà! Thân yết la lam bất tịnh của cha mẹ nếu chỉ có địa giới không có thủy giới, thì bị khô khan và phân tán hết, như tay nắm lấy bột tro khô. Nếu chỉ có thủy giới không có địa giới, thì bị phân ly như giọt dầu trên nước. Do thủy giới nên địa gi?i không rã, do địa giới nên thủy giới không trôi đi. Này Nan Ðà! Nếu thân yết la lam có địa thủy giới mà không có hỏa giới, thì bị hư nát, như mùa hạ để cục thịt trong chỗ râm. 
Này Nan Ðà! Nếu thân yết la lam có địa thủy hỏa giới mà không có phong giới thì không thể phát triển to lớn. Chúng đều do nghiệp từ trước làm nhân, lại cùng làm duyên hổ trợ, cùng nhau chiêu cảm, thức mới được sinh. Ðịa giới nâng đỡ, thủy giới kết dính, hỏa  giới làm chín, phong giới làm tăng trưởng.
 Này Nan Ðà! Như có người hay đệ tử người ấy, điều chế đường cát dùng hơi thổi vào làm cho phồng lên nhưng bên trong rỗng như ngó sen. Ðại chủng địa thủy hỏa phong trong thân do nghiệp lực làm tăng trưởng cũng như vậy.
Nan Ðà! Chẳng phải chỉ có chất bất tịnh của cha mẹ mà có yết la lam, cũng chẳng phải riêng bụng mẹ, cũng chẳng phải riêng nghiệp, chẳng phải riêng nhân hay riêng duyên, mà phải do các yếu tố này hòa hợp mới trở thành thai. Như hạt giống mới không bị gió nắng làm hư hoại, chắc không bị lép, được cất giữ đúng cách, đem gieo xuống ruộng tốt đủ độ ẩm ướt, có các yếu tố hòa hợp nhau mới mọc thành mầm, lần lượt phát triển thành cành lá hoa trái. Như vậy, nên biết là không phải chỉ có cha hay mẹ hay riêng các duyên khác mà có thai, phải do tinh cha huyết mẹ hợp cùng các nhân duyên khác mới thành thai.
 Nan Ðà! Như người có mắt sáng tìm lửa, đem ngọc nhật quang đặt vào ánh sáng mặt trời, để trên phân bò khô thì lửa phát sinh. Như vậy nên biết nhờ vào tinh cha huyết mẹ và các duyên hòa hợp mới có thai. Bất tịnh của cha mẹ hợp thành yết la lam gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức là danh, nên gọi là danh sắc. Tụ uẩn các danh sắc đáng chán này phát sinh các hữu, cho đến trong một sát na nhỏ nhất ta cũng không tán thán nó. Vì sao? Ðời sống trong các hữu thật là khổ. Ví như phẩn uế, dù chút ít cũng hôi thối. 
Như vậy nên biết! Ðời sống trong các hữu dù nhỏ nhất cũng khổ. Năm thủ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức này đều có sinh trú tăng trưởng hoại diệt. Sinh là khổ, trú là bệnh, tăng trưởng hoại diệt là già chết. 
Vậy nên, này Nan Ðà! Ðối với biển hữu, ai lại ưa thích mùi vị ái. Nằm trong thai mẹ chịu đau khổ khốc liệt như vậy. 
Lại nữa, này Nan Ðà! Như vậy nên biết rằng, phàm nhập thai, nói theo số lớn thì có ba mươi tám lần bảy ngày. Trong bảy ngày đầu, thai trong bụng mẹ như quặng, như ung nhọt nằm trong phẩn uế, như trong bầu dầu thân căn và thức cùng ở một chổ bị nung nấu nóng bức khổ vô cùng nên gọi là yết la lam, thể trạng như cháo lỏng hoặc như lạc tương. Trong bảy ngày bị nung nấu, tính cứng của địa giới, tánh ướt của thủy giới, tánh nóng của hỏa giới, tánh động của phong giới mới hiện tiền. 
Này Nan Ðà! Bảy ngày thứ hai, thai trong bụng mẹ nằm chung nơi nhơ uế như trong bầu dầu thần căn và thức cùng ở một chổ, bị nung nấu nóng nảy thật là cực khổ. Trong bụng mẹ có gió tự nổi lên gọi là xúc chạm khắp, do nghiệp trước sinh ra khi xúc chạm vào thai gọi là yên bộ đà, dạng như sữa
đặc hay bơ, bị nung nấu, trong bảy ngày này có bốn đại chủng hiện tiền. 
Này Nan Ðà! Bảy ngày thứ ba, nói rộng như trước, trong bụng mẹ có gió tên dao cắt miệng do nghiệp trước kia sinh ra, khi tiếp xúc như cắt vào thai, gọi là bế thi, dạng như đũa sắt hay con giun, trong bảy ngày này, bốn đại chủng hiện tiền.
 Này Nan Ðà! Trong bảy ngày thứ tư, nói rộng như trước, trong bụng mẹ có gió tên là nội khai, do nghiệp trước kia sinh ra, thổi vào thai như tên bắn, gọi là kiện nam, dạng như chiếc hài hay như cục đá ôn (serpentine), trong bảy ngày này bốn đại chủng hiện tiền.
 Này Nan Ðà! Trong bảy ngày thứ năm, nói rộng như trên, trong bụng mẹ có gió tên là nhiếp trì. Gió này tiếp xúc với thai có năm tướng hiện ra, đó là hai chi tay, hai đùi, và đầu. Như mùa xuân, trời mưa nước ngọt, rừng cây phát triển cành nhánh rậm rạp, giống như năm tướng biểu hiện ở đây.Nan Ðà! Trong bảy ngày thứ sáu, trong thai mẹ có gió tên là quảng đại. Khi gió này tiếp xúc vào thai, có bốn tướng hiện ra. Ðó là hai khuỷu tay và hai đầu gối. Vào mùa xuân, mưa rơi cỏ tranh mọc cọng như bốn tướng hiển hiện ở đây. 
Nan Ðà! Trong bảy ngày thứ bảy, trong bụng mẹ có gió tên là toàn chuyển. Khi gió này tiếp xúc với thai có bốn tướng hiện ra, là hai bàn tay và hai bàn chân, bốn tướng này như bọt tụ hoặc như rêu nước. 
Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ tám, trong bụng có gió tên là phiên chuyển. Khi gió này tiếp xúc thai, có 20 tướng hiện ra. Ðó là 20 ngón tay chân mới mọc ra như trời mưa mới, rễ cây mọc ra.
 Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ chín, trong bụng mẹ có gió tên là phân tán. Gió này tiếp xúc vào thai, có chín tướng trạng xuất hiện, đó là: Hai mắt, hai tai, hai mũi, miệng, và hai nơi đại tiểu.
 Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười, trong bụng mẹ có gió tên kiên tiện, làm cho thai cứng lại. Trong bảy ngày này trong thai mẹ lại có gió tên phổ môn, thổi phồng bọc thai lên, như cái phao được thổi đầy khí. 
Này  Nan  Ðà!  Vào  bảy  ngày  thứ  mười  một,  trong  thai  mẹ  có  gió  tên  sơ thông. Tiếp xúc với gió này, làm cho thai thông triệt, chín lỗ xuất hiện hết. Khi  mẹ  đi đứng  nằm  ngồi  làm  việc  ... gió này  xoay chuyển theo  khoảng trống thông ra làm cho các lỗ lớn lên. Nếu gió thổi lên, làm lỗ trên mở ra, nếu thổi xuống, làm thông lỗ dưới. Như người thợ rèn và đệ tử họ, dùng ống bể quạt thổi khí lên xuống, luồng gió thổi qua rồi tự ẩn mất. 
Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười hai, trong thai mẹ có gió tên khúc khẩu. Gió này thổi hai bên thai tạo thành đại tiểu trường quấn quít trong thân, cũng như tơ sen. Ngay trong bảy ngày này, có gió tên xuyên phát, ngay trong thai phát sinh đúng 120 chi tiết, lại do sức của gió làm thành 101 chỗ
giữ lại. 
Này Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười ba, trong thai mẹ do sức gió ở trước nên thai nhi có đói khát. Khi mẹ ăn uống, những chất bổ dưỡng theo cuống rốn dẫn vào để nuôi thân thai nhi.
 Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười bốn, trong bụng mẹ có gió tên tuyến khẩu. Gió này làm cho thai mọc ra một ngàn sợi gân. Trước thân có 250, sau thân có 250, bên phải có 250, bên trái có 250.
Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười lăm, trong bụng mẹ có gió tên liên hoa, làm cho thai nhi hình thành hai mươi loại mạch để hấp thụ chất bổ dưỡng. Trước thân có năm, sau thân có năm, bên phải có năm, bên trái có năm. Các mạch này có nhiều tên và nhiều màu sắc, hoặc tên bạn, hoặc tên lực, hoặc tên thế sắc, các màu sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, đậu tô, dầu lạc ... Lại có những màu xen lẫn nhau. 
Nan Ðà! Hai mươi mạch này,  mỗi mạch lại có  bốn mươi mạch phụ,  hợp thành tám trăm mạch hấp thụ khí, ở trước sau hai bên thân mỗi nơi có hai trăm mạch.
Nan Ðà! Tám trăm mạch này đều có một trăm đường mạch phụ thuộc, hợp lại có tám vạn, trước sau hai bên mỗi nơi có hai vạn.
Nan Ðà, tám vạn mạch này có nhiều lỗ trống, một hai cho đến bảy lỗ. Mỗi lỗ tiếp nối theo lỗ chân lông, như ngó sen có nhiều lỗ trống. 
Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười sáu, trong thai mẹ có gió tên Cam lộ hành. Gió này có khả năng tạo điều kiện hình thành chỗ hai ổ mắt, hai tai, hai mũi, cuống họng ngực và ức của thai nhi, làm cho thức ăn đi vào có chổ chứa lại, làm cho thống suốt hấp thụ hơi thở vào ra. Như người thợ gốm và đệ tử lấy cục đất sét nhuyễn đặt trên bàn quay, tuỳ theo hình dáng của vật mà nắn làm cho không bị sai lạc. Ở đây, do gió nghiệp mà tùy chổ bố trí ổn định vị trí con mắt ... Như vậy, cho đến làm cho hơi thở vào ra thông suốt không sai lạc.
 Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười bảy, trong thai mẹ có gió tên Mao phất khẩu. Gió này làm chỗ cho chất dinh dưỡng đi vào mắt tai mũi miệng yết hầu, ngực ức của thai nhi, làm cho nó trơn láng để hơi thở ra vào tận nơi. Như người thợ giỏi hay đệ tử họ dùng dầu và tro chùi tấm kính bị bụi ố,
hoặc dùng đất mịn chà làm sạch. Ở đây do gió nghiệp làm cho an trí nơi chỗ không có trở ngại.
 Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười tám, trong thai mẹ có gió tên vô cấu, làm cho sáng sạch sáu căn của thai nhi. Như mây lớn che nhật nguyệt, có gió lớn nổi lên thổi mạnh mây tan tứ tản, làm nhật nguyệt sáng lạn. 
Nan Ðà! Sức gió nghiệp này làm cho sáng sạch sáu căn của thai cũng như vậy.
Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ mười chín, thai nhi trong bụng mẹ hình thành bốn căn mắt tai mũi lưỡi. Khi vào thai mẹ, trước tiên được ba căn là thân mạng và ý. Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi, trong bụng mẹ có gió tên kiên cố. Gió này làm cho chân trái sinh ra 20 đốt xương ngón chân, chân
phải cũng sinh 20 xương, bàn chân bốn xương, bắp tay hai xương, đầu gối hai xương, đùi vế có hai xương, bàn tọa có ba xương, xương sống mười tám cái, xương sườn có hai mươi bốn cái, bàn tay trái có hai mươi xương, bàn tay phải có hai mươi xương, cổ tay có hai xương, tay có bốn xương, ngực có bảy xương, vai có bảy xương, cổ sau có bốn xương, cầm có hai xương, răng có ba mươi hai cái, sọ có bốn xương. 
Nan Ðà! Như thợ làm tượng hay đệ tử ông ta, trước tiên dùng gỗ làm sườn, sau đó quấn dây chung quanh, cuối cùng đắp đất lên làm thành hình tượng. Sức gió nghiệp này, xếp đặt các đốt xương cũng như vậy, trừ các xương nhỏ khác.
 Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi mốt, trong bụng mẹ có gió tên sinh khởi, làm sinh ra thịt trên thân thai nhi. Như người thợ hồ trước hết nhồi bùn, sau đó tô lên vách, gió này sinh thịt cũng như vậy. 
Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi hai, trong bụng mẹ có gió tên phù lưu. Gió này làm cho thai nhi sinh máu. 
Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi ba, trong bụng mẹ có gió tên phù trì. Gió này làm cho thai nhi sinh da. 
Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi bốn, trong thai mẹ có gió tên tư mạn. Gió này làm cho da dẻ thai nhi bóng láng. 
Nan Ðà! Vào  bảy  ngày  thứ  hai  mươi  lăm, trong  bụng  mẹ  có  gió tên  Trì thành. Gió này làm cho máu thịt thai nhi càng thêm dồi dào.
Nan  Ðà!  Vào  bảy  ngày  thứ  hai  mươi  sáu,trong  bụng  mẹ  có  gió  tên  sinh thành, làm cho thai nhi sinh ra tóc lông móng tay móng chân chúng đều liên kết với các mạch máu.
 Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi bảy, trong bụng mẹ có gió tên Khúc nghiệp. Gió này làm cho tóc lông móng tay móng chân của thai nhi được hoàn thiện.
 Nan Ðà! Nếu nghiệp trước đây của thai nhi, là keo kiệt biển lận tài sản nên giữ chặt không bố thí, không nghe lời dạy của cha mẹ sư trưởng, vì thân miệng ý tạo nghiệp bất thiện, ngày đêm tăng trưởng thì thọ báo này: 
- Sinh vào loài người thì bị quả báo không vừa ý. Nếu người đời cho dài là đẹp thì họ bị ngắn, nếu cho ngắn là đẹp thì họ bị dài, nếu cho thô là đẹp thì họ bị nhỏ bé, nếu cho nhỏ bé là đẹp thì họ bị thô, nếu cho chi tiết khít nhau là đẹp thì họ bị rời rạc, nếu cho rời rạc là đẹp thì họ bị khít nhau, nếu cho nhiều là đẹp thì họ bị ít, nếu cho ít là đẹp thì họ bị nhiều, nếu thích mập thì họ bị ốm, nếu thích ốm thì họ mập, thích khiếp nhược thì họ dũng mãnh, thích dũng mãnh thì họ khiếp nhược, ưa trắng thì họ đen, ưa đen thì họ trắng. 
Này Nan Ðà! Lại do nghiệp ác đưa đến quả báo điếc mù câm ngọng, ngu si xấu xí, ngôn ngữ nói ra mọi người không thích nghe, tay chân cong vẹo hình dáng  như  ngạ  quỷ,  thân  thuộc  đều  ghét  không  thích  nhìn  đến  huống  chi người khác. Có ba loại nghiệp này nên khi nói với người, họ không tin và không để ý đến. Vì sao vậy? Do đời trước họ tạo nghiệp ác nên bị quả báo này.
 Nan Ðà! Do trước đây thai nhi có tu tập phước nghiệp, thích bố thí thương xót người bần cùng, không có tâm tham lam keo kiệt tài vật. Nghiệp đã làm này ngày đêm tăng trưởng, sẽ nhận ấy quả báo tốt. Nếu sinh vào loài người thì được nhận quả báo vừa ý. Nếu người đời cho dài là đẹp thì họ được dài, cho ngắn là đẹp thì được ngắn, thô hay nhỏ đều đúng cỡ, các chi tiết đều thích nghi, nhiều ít mập ốm dũng mãnh khiếp nhược nhan sắc ai thấy cũng thương mến, sáu căn đầy đủ xinh đẹp tuyệt trần, ngôn ngữ phân minh âm thanh hòa nhã, đầy đủ tướng mạo con người, ai cũng ưa nhìn, có ba nghiệp ấy khi nói với người, họ đều tin nhận và chú ý đến. Vì sao? Do đời trước họ tạo thiện nghiệp nên nay được quả báo này. 
Nan Ðà! Nếu thai ấy là nam thì ngồi xổm bên hông phải mẹ, hai tay ôm mặt hướng vào xương sống của mẹ. Nếu là nữ thì ngồi xổm bên hông trái mẹ, hai tay ôm mặt hướng ra ngoài bụng mẹ, dưới sinh tạng trên thục tạng, bị sinh vật đè xuống thục vật đẩy lên, như trói chặt thân thể để trên cọc nhọn, mẹ ăn nhiều hay ít thai nhi đều bị khổ não. Như vậy, nếu mẹ ăn quá béo hay quá khô cứng, quá lạnh quá nóng, quá mặn nhạt đắng chua ngọt cay, thai nhi đều bị thống khổ. Nếu mẹ hành dục hoặc đi nhanh, khi ngồi chỗ khó khăn, ngồi lâu, nằm lâu, nhảy nhót, thai nhi đều bị khổ.
 Nan Ðà nên biết! Thai nhi ở trong thai mẹ có những đau khổ như vậy, sự chèn ép thân thể không thể nói hết. Loài người còn chịu khổ như vậy huống chi khổ cực trong đường ác địa ngục khó ví dụ được. Thế nên Nan Ðà! Ai là người trí lại thích sống trong sinh tử, nơi biển khổ vô biên chịu ách nạn như vậy.  
Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi tám, thai nhi trong bụng mẹ sinh ra sáu tưởng điên đảo. Ðó là: tưởng về nhà, xe, vườn, lầu gác, rừng cây, giường tòa, sông, ao. Những thứ ấy không thật có chỉ do vọng tưởng phân biệt. 
Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ hai mươi chín, trong thai mẹ có gió tên Hoa điều. Gió này thổi vào thai nhi làm cho màu sắc thân thể trở nên trắng đẹp sáng sạch, hoặc do nghiệp lực làm cho đen đúa, hoặc màu xanh, hoặc trở thành các loại nhan sắc xen lẫn khác, hoặc làm khô khan không có tươi nhuận, ánh sáng trắng hay đen tùy theo màu sắc mà có.
 Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ ba mươi, trong bụng mẹ có gió tên Thiết khẩu. Gió này thổi làm cho tóc lông móng tay móng chân thai nhi tăng trưởng. Các màu sáng trắng đen đều tùy theo nghiệp hiện ra, như nói ở trên.
Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ ba mươi mốt, trong bụng mẹ, thai nhi lớn dần. Theo như vậy đến bảy ngày thứ ba mươi hai, ba mươi ba, ba mươi bốn, thai nhi phát triển to lớn.
 Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ ba mươi lăm, trong thai mẹ, các chi thể của thai nhi đã đầy đủ.
 Nan Ðà! Vào bảy ngày thứ ba mươi sáu, thai nhi không thích ở trong thai mẹ nữa.
 Nan Ðà! Vào ngày thứ ba mươi bảy, trong thai mẹ, thai nhi bỗng sinh ra ba tưởng không điên đảo. Ðó là bất tịnh tưởng, xú uế tưởng, hắc ám tưởng (nói theo như trước một phần)... 
Nan Ðà! Bảy ngày thứ ba mươi tám, trong bụng mẹ có gió tên Lam hoa. Gió này làm cho thai nhi di chuyển thân thể trở xuống, duỗi thẳng hai tay, hướng về sản môn. Lại có gió tên Thú hạ, do nghiệp lực nên gió thổi vào thai nhi làm cho đầu quay xuống dưới, chân hướng lên trên, sắp ra khỏi sản môn. 
Nan Ðà! Nếu đời trước, thai nhi ấy có tạo nghiệp ác và làm đọa thai người, do nhân duyên này khi sắp sinh ra, tay chân ngang ngược không nằm xuôi chiều, và bị chết trong bụng mẹ. Khi ấy, nếu người nữ có trí tuệ hoặc thầy thuốc giỏi, dùng dầu bơ ấm, nước vỏ cây du, và các chất trơn khác bôi lên tay, dùng ngón tay giữa kẹp dao nhỏ thật bén, mũi nhọn sắc bén. Bên trong như hầm phẩn tối đen hôi hám thật gớm. Có vô số vi trùng ở đó, nước hôi thường chảy ra, tinh huyết hư thật đáng nhàm chán, da mỏng che đậy, vết thương của thân ác nghiệp này nhơ bẩn như vậy. Ðưa tay vào đó dùng dao bén cắt thân thai nhi thành từng mảng lấy ra ngoài. Do đó người mẹ chịu đau khổ vô cùng không vừa ý, vì vậy qua đời. Nếu còn sống không khác gì chết.
Nan Ðà! Nếu thai nhi nhờ vào thiện nghiệp đã làm, dù có điên đảo nhưng không gây tổn hại mẹ, an ổn sinh ra không chịu đau khổ.
Này Nan Ðà! Giai đoạn đó chỉ là tầm thường không thể so với ách nạn vào bảy ngày thứ ba mươi tám này. Khi sắp sinh, mẹ chịu khổ lớn, tính mệnh gần như chết mới sinh được thai.
Này Nan Ðà! Ông hãy quán sát kỹ để câu xuất ly. 

Phật lại bảo Nan Ðà:
 - Thai nhi vừa sinh ra rất cực khổ. Nam hay nữ khi mới sinh được đặt vào tay người, dùng tả quấn lại suốt ngày để tại nơi bóng mát, hoặc trên nôi lắc, hoặc trên giường chiếu, bị ôm trong lòng nên phải chịu nhiều khó chịu cực khổ.
 Nan Ðà! Như trâu bị lột da ở gần tường thì bị trùng ở tường rúc rỉa, ở gần cỏ cây thì trùng ở cỏ cây rúc rỉa, gần chỗ trống thì các loại trùng khác rúc rỉa, đều bị đau đớn, khi mới sinh cũng vậy. Dùng nước nóng tắm rửa, em bé phải chịu đau khổ, như người bị hủi da dẻ lở lói máu mủ tuôn ra, lại bị đánh đập bằng gậy, chịu khổ vô cùng. Ðứa bé mới sinh phải uống máu đục của mẹ mới lớn lên được. Này Nan Ðà! Sữa mẹ trong Thánh Pháp Luật gọi là máu đục.
 Này Nan Ðà! Cực khổ như vậy thật vô cùng chẳng có chút nào vui cả, có người  trí  nào  lại  luyến  ái  với  biển  khổ  này  để  bị  lưu  chuyển  mãi  không ngừng nghỉ. Sinh được bảy ngày, trong thân có tám vạn hộ trùng tung hoành ăn rỉa.
 Nan Ðà! Có một loại hộ trùng tên ăn tóc, sống ở chân tóc và ăn tóc. Có hai loại hộ trùng: Một tên Trượng tạng, một tên Thô đầu, sống tên đầu và ăn ở đó. Có một loại hộ trùng tên Nhiễu nhãn, sống trong mắt và ăn ở mắt. Có bốn loại hộ trùng: Một tên Khu trục, hai tên Bôn tẩu, ba tên Ốc trạch, bốn tên Viên mãn sống ở não và ăn não. Có một loại hộ trùng tên Ðạo diệp, sống trong tai và ăn tai. Có một loại hộ trùng tên Tàng khẩu sống trong mũi và ăn mũi. Có hai loại hộ trùng: Một tên Diêu trịch, hai tên Biến trịch sống ở môi và ăn môi. Có một loại hộ trùng tên Mật diệp, sống ở răng và ăn răng. Có một loại trùng tên Mộc khẩu, sống ở chân răng và ăn chân răng. Có một loại trùng tên là Châm khẩu, sống ở lưỡi và ăn lưỡi. Có một loại hộ trùng tên Lợi khẩu sống ở chân lưỡi và ăn chân lưỡi. Có một loại hộ trùng tên là Thủ viên sống trong răng và ăn ở đó. Có hai loại hộ trùng: Một tên Thủ cương, hai tên Bán khuất, sống nơi bàn tay và ăn bàn tay. Có hai loại hộ trùng: Một là Ðoản huyền, hai là Trường huyền, sống ở cổ tay và ăn ở đó. Có hai loại trùng: Một là Viễn tý, hai là Cận tý, sống ở tay và ăn tay. Có hai loại trùng: Một là Dục thôn, hai là Dĩ thôn, sống ở yết hầu, ăn yết hầu. Có hai loại hộ trùng: Một là oán, hai là Ðại oán, sống ở ngực, ăn ở ngực. Có hai loại hộ trùng: Một là Luy bối, hai là Luy khẩu, sống trong thịt ăn thịt. Có hai loại hộ trùng: Một là hữu sắc, hai là Hữu lực, sống trong máu ăn máu. Có hai loại trùng: Một là Dũng kiện, hai là Hương khẩu, sống trong gân ăn gân. Có hai loại hộ trùng: Một là bất cao, hai là hạ khẩu, ở xương sống, ăn xương sống. Có hai loại hộ trùng: đều tên là Chỉ sắc, sống trong mỡ ăn mỡ. Có một loại trùng tên là Màu vàng, sống theo màu vàng ăn màu vàng. Có một loại trùng tên Chân châu, sống ở thận ăn thận. Có một loại trùng tên là Ðại chân châu, sống ở eo và ăn eo. Có một loại hộ trùng tên Vị chí ở bàn tọa ăn bàn tọa. Có bốn loại trùng: Một tên Thủy mạng, hai tên Ðại thủy mạng, ba tên Châm khẩu, bốn tên Lực khẩu, sống trong ruột ăn ruột. Có năm loại hộ trùng: Một tên Nguyệt mãn, hai tên Nguyệt diện, ba tên Huy hoàng, bốn tên Huy diện, năm tên biệt trú, sống bên hông phải và ăn ở đó. Lại có năm loại trùng: Tên giống như trên, sống bên hông trái và ăn ở đó. Có bốn loại trùng: Một tên Xuyên tiền, hai tên Xuyên hậu, ba tên Xuyên kiên, bốn tên Xuyên trú, sống trong xương và ăn xương. Có bốn loại hộ trùng: Một tên Ðại bạch, hai tên Tiểu bạch, ba tên Trùng  vân, bốn tên  Xú khí, sống theo  mạch  và ăn  mạch. Có  bốn  hộ trùng: Một là Sư tử, hai là Bị lực, ba là Cấp tiễn, bốn là Liên hoa, sống trong sinh tạng và ăn sinh tạng. Có hai loại trùng: Một là An chí, hai là Cận chí, sống trong thục tạng và ăn thục tạng. Có bốn hộ trùng: Một là Diêm khẩu, hai là Uẩn khẩu, ba là Võng khẩu, bốn là Tước khẩu, sống nơi đường tiểu, ăn nước tiểu mà sống. Có bốn hộ trùng: Một tên Ưng tác, hai tên Ðại tác, ba tên Tiểu  hình, bốn tên Tiểu kích, sống trong đường  đại tiện, ăn phẩn để sống. Có hai hộ trùng: Một tên Hắc khẩu, hai tên Ðại khẩu, sống ở đùi vế ăn đùi vế. Có hai hộ trùng: Một tên lại, Hai tên tiểu lại, sống ở đầu gối ăn đầu gối. Có một hộ trùng tên Ngu căn, sống ở bắp chân ăn bắp chân. Có một hộ trùng tên Hắc cảnh, sống ở dưới chân, ăn dưới chân. 
Nan Ðà! Thân thể như vậy thật đáng nhàm chán. Thân thể bằng sắc chất này thường có tám vạn hộ trùng ngày đêm ăn nuốt. Do đó, làm cho thân thể bị nóng bức, gầy ốm, mệt mỏi, đói khát. Lại nữa, trong tâm có biết bao khổ não âu sầu buồn phiền ... các bệnh hiện hữu mà không có lương y nào có thể trị liệu được.
Này Nan Ðà! Trong biển hữu lớn sinh tử có khổ não như vậy, tại sao sinh ưa thích sống trong ấy? Lại nữa sinh mạng bị các thần các bệnh nắm giữ, đó là Thiên thần, Long thần, Bát bộ và các quỷ thần cho đến Yết thát bố đơn na, hoặc  bị  các  cầm  thú  quỷ  quái  khác  nắm  giữ,  hoặc  bị  nguy  ách  bởi  nhật nguyệt các sao. Các loại quỷ thần này gây ra bệnh hoạn, hành hạ gây khổ thân không thể nói cho hết được.
Ðức Phật bảo Nan Ðà:
 - Ai đối với sinh tử lại ưa thích vào thai mẹ để chịu khổ cực vô cùng. Sinh thành như vậy, trưởng thành như vậy, uống máu sữa mẹ vọng tưởng là ngon, và  uống các thứ khác dần dần trưởng thành. Giả sử thân thể được an lạc không bệnh, ăn mặc vừa ý, sống hết trăm năm, cũng đã ngủ gần một nữa đời sống. Trước tiên là trẻ sơ sinh, sau đó là đồng tử, dần dần trưởng thành bị ưu buồn khổ nạn áp bức. Vô lượng khổ não quấy nhiễu thân thể, không thể nói hết. Trong thân, khi bị các khổ không chịu nổi thì không muốn sống nữa, ý chỉ muốn chết. Thân như vậy có khổ nhiều vui ít, tuy duy trì tạm thời, nhưng chắc sẽ hoại diệt.
Này Nan Ðà! Sinh đều phải chết, không có trường tồn. Giả sử dùng thuốc, thức ăn để nuôi dưỡng mạng sống kéo dài nhiều năm, cuối cùng cũng không thể thoát khỏi bị thần chết giết hại, bỏ ra đồng trống. Vì vậy, đời sống này thật  không  đáng  thích  thú,  nên  chuyên  cần  tích  tụ  tư  lương  cho  đời  sau, không nên phóng dật, siêng tu tập phạm hạnh chớ nên lười biếng ; Thường nên thích thú tu tập lợi hạnh, pháp hạnh, công đức hạnh, thuần thiện hạnh. Tự thân luôn quán sát hai nghiệp thiện ác, giữ gìn tâm ý, chớ để sau này hối hận lớn. Tất cả những gì đáng ưa thích, đều phải biệt ly, tuỳ theo nghiệp thiện ác đưa đến đời sau. 
Nan Ðà! Ðời sống một trăm năm, có mười giai đoạn. 1- Khi là trẻ sơ sinh nằm trong tả lót. 2- Ðồng tử thích đùa giỡn theo trẻ em. 3- Thiếu niên, cảm thọ các dục lạc. 4- Thiếu tráng mạnh khỏe sung sức. 5- Thịnh niên có trí đàm luận. 6- Ðã trưởng thành có thể suy nghĩ đúng, tính toán giỏi. 7- Tay nghề và trí thức cạn dần. 8- Tuổi già, các việc suy nhược. 9- Quá già không làm gì được. 10- Trăm tuổi là chờ chết. 
Nan Ðà! Nói những giai đoạn lớn, đại khái là như vậy. Nếu tính bốn tháng là một mùa thì một trăm năm có ba trăm mùa. Mỗi mùa Xuân, Hạ, Ðông đều có một trăm lần. Một năm có mười hai tháng, tổng số tháng trong một trăm năm là một ngàn hai trăm tháng. Nếu tính theo nữa tháng thì tổng số có 2400 lần nữa tháng. Trong ba thời đều có 800 lần nữa tháng. Tổng số có ba vạn sáu ngàn ngày đêm. Mỗi ngày ăn hai lần, tổng số có bảy vạn hai ngàn lần ăn, tuy có lúc không ăn nhưng cũng nằm trong số này. Lý do không ăn có: Sân hận nên không ăn, gặp khổ nên không ăn, mong cầu nên không ăn, khi ngủ nghỉ, giữ trai giới, vui đùa cũng không ăn, bận việc nên không ăn. 
Ăn hay không ăn, cộng lại có số lượng như trên, cùng với uống sữa mẹ. Ta đã nói đầy đủ về số lượng năm tháng ngày đêm ăn uống của mạng người trong một trăm năm, ngươi nên sinh tâm nhàm chán. 
Nan Ðà! Như vậy từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, thân có nhiều bệnh. Ðó là: Ðầu, mắt, tai, mũi, lưỡi, răng, yết hầu, ngực, bụng, tay, chân, ghẻ, hủi, điên cuồng, phù thủng, ho hen, phong vàng, tim bị nhiệt, nhiều loại bệnh sốt rét, thân thể đau nhức.
 Này Nan Ðà! Trong thân người có  những bệnh khổ như vậy.  Lại có 101 bệnh về phong, 101 bệnh về hoàng, 101 bệnh về đàm nhiệt, 101 các bệnh tổng hợp, gom lại có 404 bệnh sinh ra từ bên trong. Nan Ðà! Thân như vết thương bị tên bắn do các bệnh gây ra, không ngừng nghỉ trong một niệm nào
cả. Thân thể là vô thường khổ không vô ngã, luôn sống chung với pháp hư hoại tử vong, nên không nên yêu mến gìn giữ. 
Nan Ðà! Các chúng sinh phải bị các đau khổ trong đời sống như chặt tay chân mắt tai mũi lưỡi đầu và các chi thể, lại bị gông cùm xiềng xích đánh đập tra khảo trong ngục, đói khát làm khổ, lạnh nóng mưa tuyết, ruồi muỗi, gió bụi, mãnh thú, bị các loại độc tiếp xúc gây nhiều khổ não vô lượng vô biên, không thể nói hết được. Hữu tình thường yêu thích đắm chìm trong sự khổ đau bền vững này. Các dục làm gốc cho khổ, không biết vứt bỏ lại còn tìm cầu. Ngày đêm nung nấu áp bức làm cho thân tâm khổ não, thiêu đốt không  ngừng từ bên trong. Như  vậy  là khổ  về  sinh,  già, bệnh,  chết,  yêu không được gặp, oán ghét gặp nhau, mong cầu không được, khổ về năm thủ ấm.Trong bốn uy nghi đi đứng nằm ngồi cũng đều là khổ. Nếu thường đi, không đứng ngồi nằm thì có cảm giác khổ khó chịu. Nếu chỉ đứng không đi ngồi  nằm,  hay chỉ  ngồi không đi đứng  nằm,  hay chỉ  nằm không đi đứng ngồi, đều cảm thấy cực khổ không an lạc.
Nan Ðà! Những việc này đều là bỏ khổ lại cầu khổ, chỉ là sự sinh và diệt của khổ.  Do  nhân duyên, các  hành tương tục phát sinh.  Như  Lai  liễu tri  nên giảng thuyết về pháp sinh tử của hữu tình. Các hành vô thường, không phải là cứu cánh chân thật, là pháp biến hoại không thể giữ gìn, nên cầu biết đủ, sinh tâm nhàm chán, siêng cầu giải thoát.
Nan Ðà! Hữu tình trong các nẻo thiện có sinh xứ bất tịnh khổ cực như vậy với biết bao sự dối trá không nói hết được. Huống chi nói đến các hữu tình khác như ngạ quỷ, bàng sinh, địa ngục trong ba nẻo ác, nói không thể hết những khổ sở bệnh hoạn không thể chịu nổi. 
Lại nữa, này Nan Ðà! Có bốn trường hợp vào thai. Ðó là:
    1- Hữu tình chánh niệm vào, chánh niệm ở, chánh niệm xuất thai.
    2- Chánh niệm vào, chánh niệm ở thai, nhưng khi xuất thai không chánh niệm.
    3- Chánh niệm vào thai nhưng không chánh niệm khi ở và xuất thai.
    4- Cả ba giai đoạn đều không chánh niệm.
Hạng nào chánh niệm khi vào, ở và xuất? Như có một loại phàm phu hữu tình tính thích trì giới, thường tu tập thiện pháp, ưa thích thắng sự, làm các việc phước, rất khéo phòng hộ, luôn suy nghĩ chân thật, không sống phóng dật, có trí tuệ lớn, lâm chung không hối hận liền thọ sinh ngay, hoặc là bậc Dự Lưu bảy lần sinh, hoặc là bậc Gia gia, hoặc là Nhất lai, hoặc là Nhất gian. Người này trước đây nhờ tu tập thiện hạnh, khi lâm chung có bị khổ áp bức, chịu nhiều đau đớn, nhưng tâm không tán loạn, chánh niệm qua đời. Họ lại chánh niệm khi vào thai mẹ, liễu tri các pháp do nghiệp mà sinh, đều từ nhân duyên mà sinh khởi, thường cùng các bệnh làm chổ cư trú. 
Nan Ðà, nên biết! Thân này là hầm chứa tất cả bất tịnh, bản chất vô thường, là vật ngu si, dối gạt người mê. Thân này nhờ bộ xương làm phần chính kết nhau, gân mạch thông đến các huyệt, mỡ thịt xương tủy ràng buộc với nhau, với lớp da che đậy ở trên nên không thấy lỗi của chúng. Trong thân thể như cái hầm nóng này, bất tịnh đầy tràn, với những tóc lông móng răng ở vị trí khác nhau, ta chấp cho đó là ngã ngã sở nên thường bị chúng lôi kéo không được tự do. Thân này thường chảy ra mũi dãi, những chất nhơ bẩn, nước vàng, đàm nóng, mỡ mồ hôi hư thối. Thận, mật, gan, phổi, ruột già, ruột non, phẫn,  nước tiểu thật đáng gớm, có các loại trùng sống đầy bên trong. Lỗ trên, lỗ dưới thường chảy ra chất hôi hám. Sinh thục hai tạng được che đậy bằng da mỏng, là nơi nhà xí, ngươi nên quán sát chúng. Khi nhai thức ăn, hàm răng cắn thức ăn, thấm ướt với nước miếng, nuốt vào trong cổ họng, hoà với tủy não trôi vào trong bụng. Với bộ xương khô lớn kết nhau, vọng tưởng cho là đẹp. Thức ăn nuốt xuống dưới rốn, ói lên trên, lại nuốt xuống dưới. 
Này Nan Ðà! Thân này đầu tiên từ yết la lam, át bộ đà, bế thi, kiện nam, bát la xa khư, vật ô uế bất tịnh mà được sinh trưởng. Từ lúc sơ sinh chuyển dần đến già chết, bị trói buộc trong luân hồi, như trong hầm tối đen, giếng hôi thối, thường được nuôi dưỡng bằng thức ăn với các vị mặn nhạt đắng cay chua. Lại nữa, sức nóng trong thai mẹ thiêu đốt thân căn thai nhi, trong nồi bất tịnh thường bị khổ nóng. Khi mẹ đi đứng ngồi nằm, thai nhi như bị năm chỗ trói, như nướng trên lửa, thật khó chịu nổi, không ví dụ được. 
Nan Ðà! Thai nhi tuy ở trong hầm phẩn nhơ như vậy, bị nhiều đau khổ, nếu do lợi căn, thì tâm không tán loạn. Lại có một loại hữu tình bạc phước, nằm ngang hay ngược trong thai mẹ, vì do sức nghiệp đời trước đã tạo, hoặc do mẹ ăn các thúc ăn lạnh nóng mặn chua ngọt cay đắng, không điều hòa, hoặc uống nước quá nhiều, hoặc hành dâm quá nhiều, hoặc nhiều tật bệnh, hoặc nhiều sầu não, hoặc khi bị té ngã, hoặc bị đánh, nên thân thể mẹ bị nóng sốt. Do thân mẹ bị sốt nên thai cũng nóng theo, và chịu nhiều khổ não vì nóng. Thai nhi bị khổ nên chuyển động, nên thân nằm ngang không thể ra ngoài. Như có người phụ nữ giỏi biết cách, dùng bơ dầu thoa vào tay đưa vào lỗ nhơ bẩn kia, nhẹ nhàng xếp thai về vị trí cũ. Khi tiếp xúc với tay người, thai nhi bị rất đau đớn.
 Nan Ðà! Ví như với em bé nam hay nữ, bị người dùng dao bén cắt xẻ da thịt rồi rắc tro lên nên rất khổ não ; Thai nhi khổ sở cũng như vậy. Tuy bị đau khổ này, nhưng do lợi căn nên thai nhi chánh niệm không tán loạn. 
Nan Ðà! Ở trong bụng mẹ, thai nhi này chịu khổ cực như vậy. Khi sắp sinh, thai ra khỏi mẹ rất khổ cực, do gió nghiệp của nó làm cho tay nắm lại, các chi thể cuộn lại rất đau đớn. Khi sắp ra khỏi thai mẹ, thân thai nhi bị sưng tái xanh, như bị ung nhọt sưng lên không thể chạm vào, bị đói khát hành hạ, nóng bức trói tâm. Do nhân duyên của nghiệp, thai nhi bị gió đẩy ra, khi đã ra rồi bị gió bên ngoài chạm vào thân như bôi tro vào vết thương. Tay và áo chạm  nhau,  đều bị đau khổ. Tuy bị khổ  này,  nhưng  là  hạng  lợïi căn bậc thượng nên chánh niệm không tán loạn. Trong bụng mẹ, hữu tình khi vào, trú, xuất thai đều bị khổ. Nan Ðà! Ai lại ưa thích vào trong thai như vậy
Nan Ðà! Hạng nào chánh niệm khi vào, khi trú nhưng không chánh niệm khi xuất thai? Có một loại hữu tình, tính thích trì giới tu tập thiện pháp, thường vì thắng sự làm các việc phước. Tâm họ chất trực, không làm việc phóng dật, có ít trí tuệ, khi lâm chung không hối hận, hoặc là bậc Thất sinh Dự lưu, hoặc là bậc Gia gia, hoặc là Nhất lai, hoặc là Nhất gian. Người này trước đó có tu tập thiện hạnh, khi lâm chung tuy có bị khổ hành hạ, chịu nhiều phiền não, nhưng tâm không tán loạn, khi tái sinh vẫn chánh niệm vào thai mẹ, rõ biết các pháp do nghiệp mà sinh, đều sinh khởi từ nhân duyên ... như trước ... cho đến khi xuất thai tuy chịu nhiều khổ sở nhưng là hạng lợi căn bậc trung nên nhập và trú thai chánh niệm, xuất thai không chánh niệm ... (nói rộng như trên, cho đến) ai lại ưa thích vào trong thai mẹ như vậy ?
Nan Ðà! Hạng nào chánh niệm vào thai nhưng không chánh niệm khi trụ và xuất? 
Nan Ðà! Có một hạng hữu tình phàm phu, tính trì giới tu tập thiện pháp, thường vì thắng sự làm các việc phước ... (như trên ... cho đến) lâm chung không hối hận, hoặc là Thất sinh Dự lưu ... khi lâm chung vẫn bị các khổ hành hạ, tuy bị thống khổ nhưng tâm không tán loạn, chánh niệm tái sinh ngay vào thai mẹ. Do là hạng lợi căn bậc hạ nên khi vào thai mẹ thì biết nhưng khi trụ, xuất thì không biết, (nói rộng như trên ... cho đến) ai muốn vào thai như vậy?
 Nan Ðà! Hạng nào khi vào, trụ, xuất thai đều không chánh niệm? Có một hạng hữu tình phàm phu ưa hủy tịnh giới không tu tập thiện pháp thường vì việc ác làm các pháp ác, tâm không chân thật, thường hành động phóng dật, không có trí tuệ, tham lam tài sản, tay thường nắm của cải lại không thả ra để đem cho người khác, luôn luôn hy vọng, tâm ý rối ren, thấy và làm điên đảo. Khi lâm chung, họ hối hận, các nghiệp không thiện đều hiện ra hết, lúc chết rất đau đớn bị thống khổ hành hạ, tâm ý tán loạn, vì các khổ não nên không tự nhớ biết ta là ai, từ đâu đến đây và đang đi về đâu. Nan Ðà! Ðó là không chánh niệm cả trong ba giai đoạn, (nói rộng như trên). 
Nan Ðà! Những hữu tình này sinh trong loài người, tuy có vô số khổ não như vậy, nhưng đó là chỗ thắng xứ, trong vô lượng trăm ngàn cu đê kiếp khó được làm thân người. Nếu sinh lên trời, thường sợ rơi vào khổ yêu thương phải xa lìa. Khi sắp qua đời, các vị thiên khác bảo: - Cầu cho bạn được sinh vào thiện xứ trong thế gian.
 Thiện xứ trong thế gian là gì? Ðó là cõi trời người. Thân người khó được, xa lìa các nạn xứ lại càng khó hơn. Thế nào là đường ác? Có ba đường ác là:
1-      Ðường  địa  ngục : thường  bị  khổ  khốc  liệt,  không  vừa  ý,  khổ  sở  ghê  gớm không thể ví dụ được.
2-      Ðường ngạ quỷ, tính tình nhiều sân hận, không có tâm nhu hòa, dối trá sát hại nhau tay bôi đầy máu, không có tâm từ. Hình dáng chúng xấu xí, ai thấy cũng sợ hãi. Giả sử gần với người thì bị chướng ngại bởi khổ luôn luôn đói khát.
3-      Loài bàng sinh có nhiều vô lượng vô biên, làm việc vô nghĩa, việc vô phước, việc phi pháp, việc bất thiện, việc dối trá, ăn nuốt lẫn nhau, lớn lấn hiếp bé. Có những loại bàng sinh từ khi sinh ra, lớn lên và chết đi đều sống trong chổ tối tăm bất tịnh phẩn tiểu nhơ bẩn, hoặc có thấy ánh sáng trong thời gian ngắn như các loại ong, bướm, ruồi, muỗi, bọ chét, rận, giòi ... Ngoài ra còn có vô lượng vô biên loại sinh trưởng luôn luôn trong tối tăm, do đời trước họ là kẻ ngu si, không nghe kinh pháp, buông ung thân miệng và ý, tham đắm năm dục gây các việc ác, sinh trong loại này chịu khổ ngu mê. 
Nan Ðà! Lại có vô lượng vô biên hữu tình bàng sinh, sinh và lớn lên trong nước. Ðó là: Cá, ba ba, rùa, trạnh, lươn, đỉa, trai, nghêu, ễnh-ương. Do đời trước, thân miệng ý gây ác ... như nói ở trước. Này Nan Ðà, lại có vô lượng vô biên hữu tình bàng sinh, nghe mùi phân, nước tiểu, vội đến chỗ ấy để ăn uống. Ðó là các loại cầm thú như: heo, dê, gà, chó, cáo, hạc, điêu, kên kên, quạ, ruồi, bọ hung. Chúng đều do nghiệp ác đời trước đã tạo, nay nhận lấy quả báo này.
 Nan Ðà! Lại có vô lượng vô biên các loại bàng sinh thường lấy cỏ cây, các loại bất tịnh làm thức ăn, như voi, ngựa, lạc đà, bò, lừa, la ... cho đến qua đời đều do ác nghiệp trước đây nên chịu quả báo này. Lại nữa, này Nan Ðà! Khổ thay, đau đớn thay sự sinh tử trong biển hữu với lửa cháy rực rỡ rất nóng bức, không một chúng sinh nào chẳng bị thiêu đốt. Ðây đều do lửa ở mắt tai mũi lưỡi thân ý bốc cháy rực rỡ vì tham cầu cảnh sắc thanh hương vị xúc pháp ở trước.
Nan Ðà! Vì sao gọi là lửa bốc cháy rực rỡ? Ðó là lửa tham sân si, lửa sinh lão bệnh tử, lửa ưu bi khổ não độc hại, thường tự thiêu đốt không ai thoát khỏi cả.
Nan Ðà! Người biếng nhác chịu nhiều thống khổ, phiền não trói buộc, làm theo pháp ác, luân hồi không ngừng, sinh tử mãi mãi. Người tinh tấn được nhiều an lạc, phát tâm dũng mãnh, đoạn trừ phiền não, tu tập thiện pháp, không  lúc  nào  rời  bỏ  việc  thiện.  Thế  nên,  ngươi  hãy  quán  sát  thân  này, không bao lâu nữa da thịt gân cốt máu mạch tủy sẽ tan rã, nên thường nhất tâm chớ nên biếng nhác, chưa chứng ngộ cầu chứng ngộ, nên học như vậy. 
Nan Ðà! Ta không tranh luận với thế gian, nhưng thế gian cố tranh luận với Ta. Vì sao? Những người biết pháp không tranh luận với người khác, đã thoát ly ngã và ngã sở vậy tranh luận vì ai? Người không có kiến giải nên sinh ra chấp trước sai lầm. Ta chứng Chánh Giác nên tuyên bố như vậy vì Ta đã liễu tri tất cả các pháp. Nan Ðà! lời Ta nói có sai khác không? 
Nan Ðà thưa:
 - Bạch Thế Tôn! Không! Lời đức Như Lai dạy không sai.
 Phật dạy:
 - Lành thay! Lành thay! Nan Ðà! Lời nói của Như Lai chắc chắn không sai. Lời nói của Như Lai là lời nói đúng, nói thật, nói chính xác, nói không sai khác, nói không dối trá, muốn làm cho thế gian mãi mãi an lạc được thắng lợi lớn. Ta là bậc Tri đạo, bậc Thức đạo, bậc Thuyết đạo, bậc Khai đạo, bậc Ðại đạo sư, là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế  Gian Giải,  Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng  Phu,  Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. 
Người đời không biết, không tin, nên thường làm nô lệ cho các căn, chỉ thấy trong phạm vi bàn tay chứ không xét đến lợi ích lớn, không sửa  việc dễ, thích làm việc khó. 
Nan Ðà! Tạm gác cảnh giới trí tuệ này qua một bên, ngươi hãy dùng cái thấy của mắt thịt mà quán sát, biết rõ sự thấy đều là hư vọng, thì được giải thoát. 
Nan Ðà! Ngươi chớ tin theo cá nhân Ta, chớ tùy theo theo ý muốn của Ta, chớ y theo lời Ta nói, chớ nhớ đến hình tướng của Ta, chớ lệ thuộc theo kiến giải của Sa-môn, chớ sinh cung kính vì là Sa-môn, chẳng cần nói rằng Sa-môn Kiều Ðáp Ma là đại sư của tôi, nhưng chỉ cần đối với pháp mà Ta đã chứng đắc, ở riêng nơi chỗ vắng, tư duy quán sát, thường xuyên tu tập, tùy theo sự dụng tâm đối với pháp cần quán sát, quán tưởng thành tựu pháp ấy, sống trong chánh niệm, tự mình làm hòn đảo cho mình, tự mình làm chỗ quy y cho mình, lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm chỗ quy y, không có dựa vào hòn đảo hay chỗ quy y nào khác. 
Như vậy, này Nan Ðà! Nếu có Bí-sô nào tự quán sát trong thân, tinh cần hệ niệm được chánh giải thoát, đối với các sân não trong thế gian, thường tư duy điều phục. Ðó là quán sát khổ trong nội thân, quán ngoại thân, quán nội ngoại thân cũng như vậy. Thứ đến quán tập pháp trong thân, quán diệt pháp trong thân. Thứ đến quán sát tập diệt hai pháp trong thân, tức luôn chánh niệm ngay trong thân này, hoặc chỉ với trí, hoặc chỉ với kiến, hoặc chỉ với niệm, không trụ vào nơi nào cả, đối với thế gian này biết rõ không thể chấp thủ.
 Như vậy, này Nan Ðà! Ðó là Bí-sô tự mình sống quán trên nội thân, quán trên ngoại thân, trên nội ngoại thân cũng vậy. Thứ đến tự mình sống quán trên nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ. Tự mình sống quán trên nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm. Tự mình sống quán trên nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp, tinh cần hệ niệm đắc chánh giải thoát. Ðối với các sân hận phiền não trong thế gian, thường tư duy điều phục, sống quán sát trên tập pháp, quán sát trên diệt pháp. 
Lại nữa, sống quán pháp trên hai pháp tập và diệt, ngay trên thân này luôn luôn chánh niệm hoặc chỉ có trí, hoặc chỉ có kiến, hoặc chỉ có niệm, đối với những gì ở thế gian biết rõ không thể chấp thủ. 
Như vậy, này Nan Ðà! Ðó là Bí-sô tự mình làm hòn đảo, tự mình làm chỗ quy y cho mình, lấy chánh pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm chỗ quy y cho mình, không có hòn đảo khác, không quy y chỗ khác. Này Nan Ðà! Có bậc trượng phu nào bẩm tánh chất trực, xa lìa dối trá, vào sáng sớm đến gặp Ta, Ta sẽ tùy theo căn cơ, chỉ dạy giáo pháp. Vào buổi chiều, vị ấy tự trình bày sở đắc. Ðược dạy vào buổi chiều, vị ấy trình bày sở đắc vào buổi sáng sau. 
Nan Ðà! Thiện pháp của Ta đưa đến chứng ngộ trong hiện tại, trừ diệt phiền não, khéo thích ứng thời cơ, phương pháp thuận tiện, là pháp tự giác, được che chở hoàn toàn, tự mình đến nghe pháp của Ta thuyết, thuận với tịch tịnh, có thể đưa đến Bồ Ðề, là chỗ hiểu biết của Ta. Thế nên, thấy pháp nào có tự lợi, có tha lợi và có lợi cho cả hai, đối với những pháp ấy ông hãy thường tu học, đối với pháp xuất gia phải cẩn thận hành trì chớ để đời sống trôi qua một cách trống rỗng, phải đạt được thắng quả vô vi an lạc, nhận các vật cúng dường như thức ăn, y phục, đồ nằm, thuốc thang ... của người khác phải làm cho thí chủ được phước lợi lớn, chứng đắc thắng quả tôn quý to lớn.
Này Nan Ðà, cần phải học như vậy.Lại nữa, này Nan Ðà! Có một sắc nào đáng ưa thích mà sau đó không bị tan hoại, việc ấy không có; không sinh ưu buồn phiền não là không có. 
Nan Ðà! Ông nghĩ thế nào? Sắc này là thường hay vô thường?
- Bạch Thế Tôn! Thể của sắc là vô thường. 
- Nan Ðà! Thể đã vô thường vậy có khổ không?
 - Bạch Thế Tôn! Là khổ.
 - Nếu vô thường khổ là pháp biến hoại, các chúng thánh đệ tử đa văn của ta có cho sắc là ngã, ngã có các sắc, sắc thuộc ngã, ngã trong sắc không? 
- Bạch Thế Tôn! Không.
 - Ý ông nghĩ sao! Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
 - Bạch Thế Tôn! Chúng đều là vô thường.
 - Này Nan Ðà! Bản chất là vô thường vậy có khổ không?
 - Bạch Thế Tôn! Là khổ.
 - Nếu vô thường khổ là pháp thay đổi, chúng Thánh đệ tử đa văn của Ta có cho thọ ... là ngã, ngã có thọ ..., thọ ... thuộc ngã, ngã trong thọ ... không? 
- Bạch Thế Tôn! Không.
 - Thế nên biết rằng phàm là các sắc ở quá khứ, vị lai, hiện tại, trong, ngoài, thô, tế, thắng, kém, xa, gần, các sắc ấy đều không phải là ngã, ngã không có sắc, sắc không thuộc ngã, ngã không ở trong sắc. Như vậy, cần phải dùng chánh niệm, chánh tuệ mà quán sát kỹ. Thọ, tưởng, hành, thức ở quá khứ, vị lai, hiện tại, trong, ngoài, thô, tế, thắng, kém, xa, gần, đều không phải là ngã, ngã cũng chẳng phải là chúng, ngã cũng không ở trong chúng. Như vậy nên dùng chánh niệm chánh tuệ mà quán sát kỹ. 
Nếu chúng đa văn Thánh đệ tử của Ta quán sát như vậy thì nhàm chán với sắc, nhàm chán với thọ, tưởng, hành, thức. Nếu đã nhàm chán thì không còn đắm nhiễm, không đắm nhiễm thì giải thoát, đã giải thoát thì tự biết giải thoát, tuyên bố: Ta sinh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không
nhận nghiệp nữa. 
Khi Thế Tôn thuyết pháp này xong, Cụ thọ Nan Ðà viễn ly trần cấu đắc pháp nhãn tịnh. Năm trăm Bí-sô đối với các hữu lậu, tâm được giải thoát.
Thế Tôn lại nói kệ bảo Nan Ðà:


    Người nào tâm không định
    Thì trí không thanh tịnh
    Không thể trừ các lậu
    Vậy ngươi hãy cần tu
    Ngươi thường tu diệu quán
    Biết các uẩn sinh diệt
    Thì thanh tịnh viên mãn
    Chư thiên đều vui mừng
    Thân hữu cùng hoan hỷ
    Qua lại thương mến nhau
    Kẻ tham danh, háo lợi
    Nan Ðà! Hãy tránh xa
    Chớ thân cận tại gia
    Nên gần với xuất gia
    Niệm tạo biển sinh tử
    Cùng tận đến bờ khổ
    Ðầu tiên yết la lam
    Thổi thành miếng thịt phồng
    Thịt phồng sinh bế thi
    Bế thi sinh kiện nam
    Kiện nam chuyển biến dần
    Sinh đầu và bốn chi
    Các xương hợp thành thân
    Hiện hữu đều do nghiệp
     Xương đầu có chín miếng
    Kiên kết hai xương cằm
    Răng có ba mưoi hai
    Các căn cũng như vậy
    Nhãn căn và xương cổ
    Xương răng và sống mũi
    Ngực ức và yết hầu
    Gồm có mười hai xương
    Hố mắt có bốn xương
    Xương vai cũng hai cặp
    Hai tay các ngón tay
    Tổng số năm mươi xương
    Sau cổ có tám xương
    Xương sống ba mươi hai
    Từ gốc này có thêm
    Số phụ bốn mươi tám
    Xương sườn phải liền nhau
    Số lượng có mười ba
    Xương sườn trái liền nhau
    Số lượng cũng mười ba
    Những xương này liền nhau
    Ba liên kết với ba
    Hai cái móc với hai
    Ngoài ra không liên tục
    Hai chân trái và phải
    Hợp lại năm mươi xương
    Cộng ba trăm mười sáu
    Phân bố giữ trong thân
    Xương cốt móc giữ nhau
    Hợp thành thân chúng sinh

    Nói rõ thật như vậy
    Hiểu biết của Chánh giác
    Từ đầu xuống đến chân
    Uế tạp, rất mong manh
    Cộng lại thành thân này
    Nguy hiểm như nhà cỏ
    Chỉ có xương chống đỡ
    Máu thịt phủ bên ngoài
    Như người máy bằng gỗ
    Cũng như tượng huyễn hóa
     Nên quán sát thân này
    Gân mạch quấn lấy nhau
    Che phủ bằng da ướt
    Chín nơi cửa lở lói
    Thường xuyên chảy tuôn ra
    Phẩn tiểu các bất tịnh
    Ví như kho, bồ lúa
    Ðựng đầy những ngũ cốc
    Thân này cũng như vậy
    Ðầy tạp uế bên trong
    Cơ quan xương vận động
    Nguy ách không chắc chắn
    Kẻ ngu thường yêu mến
    Bậc trí không đắm nhiễm
    Ðờm dãi nhớt thường chảy
    Máu mủ luôn tràn đầy
    Mỡ vàng lẫn nhũ trấp
    Não chứa đầy đầu lâu
    Ngực, cách mô mủ nóng
    Trong có sinh, thục tạng
    Cao mỡ và bì mô
    Ruột bao tử, ngũ tạng
    Trong chứa chung những vật
    Hư nát và bất tịnh
    Thân tội này đáng sợ
    Ðây chính là oán gia
    Kẻ không hiểu, tham dục
    Ngu si thường bảo hộ
    Thân xú uế thế này
    Như thành quách hư nát
    Ngày đêm phiền não ép
    Thay đổi mãi không ngừng
    Thành thân, xương là tường
    Tô trát bằng máu thịt
    Tô vẽ tham sân si
    Trang trí theo từng chổ
    Thành thân thật đáng chán
    Xương máu thịt hợp thành
    Thường bị ác tri thức
    Khổ trong ngoài nung nấu
     Nan Ðà! Ngươi nên biết
    Như lời Ta dạy bảo
    Ghi nhớ suốt ngày đêm
    Chớ nghĩ đến cảnh dục
    Ai muốn xa lìa dục
    Thường tác như thị quán
    Siêng cầu cảnh giải thoát
    Mau vượt biển sinh tử.


Khi Thế Tôn thuyết kinh Nhập Thai này xong, Cụ thọ Nan Ðà và năm trăm Bí-sô đều rất hoan hỷ tin thọ phụng hành.