Wednesday, July 18, 2012

Quả báo nhãn tiền


Quảng Tánh

Xưa nay, việc tu nhân tích đức cho bản thân và con cháu ngày sau bằng cách làm lành, tránh dữ là đạo lý sống căn bản của người Phật tử và người Việt nói chung. Không làm ác hay không dám làm ác vì sợ quả báo hoặc sợ sự trừng phạt của thánh thần là nét văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy để nâng cao phẩm chất đạo đức cá nhân và góp phần duy trì ổn định xã hội. Những câu chuyện kể về người làm ác bị quả báo nhãn tiền hay bị “trời đánh, thánh vật” vẫn luôn xảy ra và lan truyền trong đời sống xã hội từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay. Gieo gió gặt bão hay làm ác bị quả báo chẳng lành là chuyện dễ hiểu. Riêng chuyện “thánh thần trừng phạt” dù chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng về tính hư thực của vấn đề nhưng vẫn có tác dụng khiến cho người ta chùn tay, sợ hãi trước những điều xấu ác.

Theo tuệ giác của Đức Phật, khi một người làm ác thể hiện qua ba phương diện “suy nghĩ, lời nói và hành động” trong hiện tại thì chắc chắn sẽ chiêu cảm quả báo xấu ở ngay trong hiện tại và tương lai. Tiến trình nhân-duyên-quả vận hành rất sâu kín, phức tạp. Có thể sau khi gieo nhân thì trỗ quả liền (hiện báo), dài lắm cũng chỉ trong đời này và có thể thấy được, nên thường gọi là quả báo nhãn tiền. Nhưng có khi gieo nhân trong đời này, phải đợi đến đời sau mới trỗ quả (sanh báo), hoặc có thể phải đợi đến nhiều đời sau nữa mới hình thành quả (hậu báo). Nhân quả của sanh báo và hậu báo thì mắt thường của chúng ta không thấy được. Chỉ có các bậc Thánh có thiên nhãn minh mới thấy biết rõ ràng. Tuy vậy, không thấy quả báo trong đời này không có nghĩa là không có báo ứng. Một số người chưa hiểu hết nguyên lý này nên gây tạo nhiều điều ác và cố ý che dấu, tìm cách “hạ cánh an toàn”. Dẫu không ai phát hiện ra nhưng ác nghiệp và ác báo của người ấy vẫn còn đó, không thể trốn thoát. Cho nên, “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” là vì vậy.

Tích Truyện Pháp Cú kể rằng: “Lúc Thế Tôn cùng các Tỷ-kheo ở tại tinh xá Trúc Lâm, cách đó không xa, có đồ tể Cunda sống bằng nghề mổ heo. Mỗi lần giết heo, ông ta trói heo thật chặt vào cột và nện nó bằng một cây chày vuông. Rồi banh hàm và rót nước sôi vào họng, kế đến đổ nước sôi lên lưng heo, làm tuột lớp da đen và thui lớp lông cứng bằng một bó đuốc. Cuối cùng ông cắt đầu heo bằng một thanh kiếm nhọn rồi xẻ thịt, lột da… Và Cunda đã sinh sống bằng nghề mổ heo và bán thịt như thế gần hai mươi năm.

Dù đức Ðạo Sư ở tinh xá cách đó không xa mà chẳng khi nào Cunda cúng dường Ngài, dù là một cành hoa hay một nắm cơm, cũng không làm một việc công đức nào cả.

Một hôm ông mắc bệnh, và dù ông ta vẫn còn sống nhưng lửa của địa ngục A-tỳ đã bốc cháy trước mặt. Khi cực hình địa ngục giáng xuống đồ tể Cunda, ông ta bắt đầu kêu eng éc và bò bằng tay và đầu gối. Người nhà rất kinh khiếp tìm mọi cách bịt miệng ông ta, chặn các cửa và nhốt ông ở trong nhà. Suốt bảy ngày, chịu sự đau khổ cùng cực của địa ngục, ông luôn mồm rống eng éc như heo.

Vài Tỷ-kheo đi ngang qua cửa nhà ông, nghe tiếng heo kêu eng éc ồn ào, khi về tinh xá, bạch với Đạo Sư:

- Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày qua cửa nhà đồ tể Cunda đóng kín và ông ấy vẫn tiếp tục giết heo. Thế Tôn nghĩ xem, biết bao nhiêu heo bị giết. Thật từ trước tới nay chưa thấy ai độc ác và dã man như thế!

Đức Đạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo! Ông ta không giết heo trong bảy ngày qua. Sự trừng phạt phù hợp với việc làm ác đã xảy đến đối với ông ta. Ngay khi ông ta còn sống, cực hình của địa ngục A-tỳ đã hiển hiện. Vì cực hình này, ông ta bò tới bò lui trong nhà, kêu la eng éc như một con heo suốt bảy ngày. Hôm nay ông ta đã chết và bị đọa vào địa ngục A-tỳ.

Nói xong, Thế Tôn đọc pháp cú:

Nay sầu, đời sau sầu

Kẻ ác hai đời sầu

Nó sầu, nó ưu não

Thấy nghiệp uế mình làm”. 


Chuyện đồ tể Cunda bị trả báo, chịu cực hình suốt bảy ngày lúc cuối đời, được ghi lại trong kinh tạng là một điển hình của quả báo nhãn tiền. Không chỉ chuyện ngày xưa, ngay hiện tại đây, hãy bình tâm nhìn ra xung quanh chúng ta để nhận thấy kết cục thảm hại của những người, những gia đình sống ác, làm các điều bất thiện. Không kể họ là ai, nếu không biết phục thiện, chạy theo cái ác thì chắc chắn sẽ bị quả báo xấu. Và không cần đợi xem những quả báo ở kiếp sau, ngay trong đời kiếp này thì chúng ta cũng có thể thấy quả báo nhãn tiền của nhiều người. Chính những cái thấy về nhân quả một cách chân xác, xảy ra ngay trước mắt ấy sẽ thức tỉnh chúng ta hướng về điều thiện, bỏ ác làm lành để bản thân, gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

(thichquangtanh@yahoo.com)

Sự khác biệt giữa nghiệp và số mệnh?


Huyền Ngu - Quảng Tánh
HỎI: Quan điểm về Nghiệp của Phật giáo có sự khác biệt như thế nào so với quan điểm Số mệnh của Nho giáo ?

ĐÁP: Đời sống của con người vốn rất đa dạng, muôn màu và vô cùng sai biệt. Mỗi cá nhân có một cấu trúc tâm sinh lý và hoàn cảnh, điều kiện sống hoàn toàn khác biệt nhau.

Cùng là con người, nhưng có sự bất đồng rõ rệt giữa giàu nghèo, xấu đẹp, khoẻ mạnh và đau yếu, trường thọ và chết yểu, thành công và thất bại, hạnh phúc và khổ đau… Để trả lời câu hỏi nhân sinh vĩ đại này, các tôn giáo và triết học đều có những kiến giải theo quan niệm của riêng mình. Phật giáo giải thích căn nguyên của sự dị biệt đó bằng thuyết Nghiệp hoàn toàn khác biệt với quan niệm Số mệnh của Nho giáo.

Số mệnh hay số phận là quan niệm của các trường phái triết học như Túc mệnh luận, Định mệnh luận và Thiên mệnh luận của Nho giáo.

Túc mệnh luận cho rằng, mỗi con người đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt. “Nhất động nhất tác giai do tiền định”, mỗi cử chỉ, mỗi động tác đều được quyết định trước ở quá khứ. Mọi cố gắng hay nỗ lực của con người đều vô ích.

Định mệnh luận có cùng quan niệm như Túc mệnh luận nhưng cường điệu hơn tính chất bất khả kháng của số mệnh. Số mệnh là quyết định, không thể thay đổi, phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực cá nhân.

Thiên mệnh luận của Nho giáo quan niệm Thiên mệnh có nhiều nghĩa. Thiên mệnh là Thiên đạo, tức đạo Trời. Ông Trời quy định cho mỗi cá nhân một số mệnh. Con người không thể cãi lại mệnh Trời, “ Trời kêu ai người nấy dạ”. Mọi cố gắng của con người không ngoài ý Trời. Nếu hiểu Thiên mệnh theo cách này thì Thiên mệnh luận gần với Thần ý luận của các tôn giáo sùng kính Thượng đế. Tuy nhiên, Thiên mệnh hay Thiên đạo còn được hiểu là luật tắc của tự nhiên (Khổng Tử ), là nguyên lý vận hành và biến hoá của tự nhiên (Chu Hy), thì quan niệm này không phải Số mệnh luận.

Như vậy, số mệnh hay số phận dù theo Túc mệnh luận, Định mệnh luận hoặc Thiên mệnh luận đều có chung tính chất tiêu cực, thụ động, cứng nhắc và triệt tiêu mọi nỗ lực cải tạo, hướng thiện của con người. Con người đã có một số mệnh, được an bài, định đoạt ở quá khứ hoặc bị quyết định bởi ý chí của một đấng siêu nhiên. Khi đã an phận vào số phận, con người xuôi tay cho số phận đẩy đưa, phó mặc cho số mệnh quyết định.

Phật giáo không chủ trương và không chấp nhận số mệnh. Con người hiện hữu và tồn tại với các đặc tính khác nhau là kết quả của Nghiệp được tạo tác bởi chính họ trong hiện tại và quá khứ. “Con người là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự Nghiệp…” ( Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt – Trung Bộ III ).

Nghiệp là hành động có tác ý, hay hành động phát sinh từ tâm được thể hiện qua hành động (Thân nghiệp), ngôn ngữ (Khẩu nghiệp) và tư duy (Ý nghiệp). Nghiệp lực là sức mạnh của Nghiệp, là động lực thúc đẩy, dẫn dắt để hình thành một thân phận chúng sanh. Nghiệp do mình tạo ra rồi trở lại chi phối chính mình.

Nghiệp có nhiều loại, mỗi loại có một tính chất và công năng khác nhau. Hai loại Nghiệp chính thường được đề cập là Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp. Dẫn nghiệp là Nghiệp do con người tạo ra trong đời sống hiện tại hay quá khứ thông qua thân, khẩu và ý hoặc thiện hoặc ác, để rồi chính Nghiệp này dẫn dắt con người ấy sanh vào một trong sáu nẻo của Lục đạo ( Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục ). Phạm tội Ngũ nghịch thì bị đoạ vào A tỳ địa ngục hoặc tu tập Thập thiện thì sanh vào cõi Trời hay tu tập Ngũ giới sẽ sanh vào cõi Người… Tuy nhiên, cùng là người nhưng có người khỏe mạnh, người lại ốm đau; người đẹp, kẻ xấu; người này sang trọng, người kia lại nghèo hèn vv… tất cả những sai biệt ấy là quả báo của Mãn nghiệp.

Con người tạo ra Nghiệp lại không trốn thoát những Nghiệp do mình tạo ra. Nhưng Nghiệp không phải là Định mệnh hay Số mệnh. Điểm khác nhau cơ bản giữa Nghiệp và Số mệnh ở chỗ, Nghiệp do chính con người tác tạo, có tính chất duyên sinh, bất định tính và vô ngã nên Nghiệp có thể chuyển hoá được. Do đó, con người có thể thay đổi, chuyển hoá Nghiệp báo của chính mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện hoặc ngược lại. Năng lực chuyển hoá Mãn nghiệp trở thành tốt hơn hoặc xấu đi được gọi là Năng tiêu nghiệp. Tác dụng của Năng tiêu nghiệp trong đời sống hiện tại rất lớn. Một người có tư chất thông minh và cơ thể khỏe mạnh là kết quả của Mãn nghiệp. Thế nhưng, người ấy không lo học tập, rèn luyện thân thể lại còn sống buông thả, đắm say tửu sắc, ma tuý. Kết quả từ chỗ khỏe mạnh anh ta trở nên ốm yếu, tiều tụy; từ chỗ thông minh thành ra ngu đần, thác loạn. Năng tiêu nghiệp đã làm tiêu hủy Nghiệp tốt của người này. Ngược lại, một người với quả báo Mãn nghiệp có cơ thể ốm yếu, tật bệnh nhưng nhờ biết giữ gìn sức khỏe, luyện tập dưỡng sinh, ăn uống điều độ, làm việc giờ giấc, người này vẫn khỏe mạnh, chiến thắng bệnh tật, thậm chí còn trường thọ. Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện chỉ có một phần ba lá phổi màvẫn làm việc bình thường, trường thọ (80 tuổi) là một điển hình của Năng tiêu nghiệp theo hướng tích cực.

Đối với Dẫn nghiệp, một loại Nghiệp có cường độ mạnh trong việc quyết định hướng tái sanh nhưng vẫn chuyển hoá được. Trong sách Đồng Mông Chỉ Quán, ngài Trí Giả đại sư có kể chuyện một Sa Di yểu mạng nhưng nhờ cứu sống một đàn kiến nên được chuyển Nghiệp. Đáng lẽ, vị Sa Di này phải chết trong vòng một tuần lễ lại được sống an ổn, trường thọ. Năng lực chi phối Dẫn nghiệp là Năng huỷ nghiệp. Một người thọ mạng vẫn còn, nghiệp lực của Dẫn nghiệp (Tái sanh nghiệp) vẫn còn nhưng vì người này trong đời trước hoặc ngay trong đời này đã tạo ra những Nghiệp cực mạnh, có khả năng tiêu hủy đời sống của họ, khiến họ có thể mất mạng như thường. Đó là những trường hợp đột tử, bất đắc kỳ tử, tai nạn. Đây không phải là số mệnh, định mệnh hay tới số, tận số. Phật giáo gọi là Nghiệp, tác động của Năng hủy nghiệp đã tiêu hủy một Dẫn nghiệp được tạo ra trước đó, chấm dứt một đời sống. Năng hủy nghiệp trong trường hợp này giống như cơn gió thổi tắt đèn trong khi đèn vẫn còn dầu và bấc.

Tóm lại, Nghiệp là một phạm trù triết học lớn trong hệ thống giáo lý Phật giáo không thể phân tích hết trong mục Hỏi – Đáp này. Nghiệp theo Phật giáo là một cơ chế vận hành của đời sống được khám phá bởi tuệ giác của Đức Phật chứ không phải một tín ngưỡng vu vơ, siêu hình và hoàn toàn khác biệt với quan niệm Số mệnh của Nho giáo. Nghiệp do con người tạo ra trong quá khứ và từng phút từng giây trong hiện tại bằng ba con đường thân, miệng và ý rồi trở lại chi phối chính người ấy. Nghiệp tuy có năng lực mạnh mẽ, chi phối và quyết dịnh đời sống của chúng sanh trong hiện tại và tương lai nhưng Nghiệp không có định tính, vô ngã. Nghiệp có thể chuyển hoá và thay đổi được thông qua nỗ lực tu tập của cá nhân, chứ không cứng nhắc, tiêu cực như Số mệnh. Thuyết Nghiệp rất tích cực, khoa học và công bằng. Nó tôn vinh trách nhiệmvà giá trị con người, thúc đẩy con người hướng thiện, sống đạo đức, theo lẽ phải. Thuyết Nghiệp khích lệ con người hành động và tiến bộ, hoàn toàn vắng mặt bóng dáng tiêu cực, yếm thế. Đó là nét đặc sắc của giáo lý Nghiệp và là điểm khác biệt cơ bản nhất của quan niệm Nghiệp và Số mệnh. 
(Theo Phật pháp bách vấn, tập I)

Dùng đồng tiền oan nghiệt bị quả báo


Quảng Tánh
Trong cuộc mưu sinh mỗi người phải tìm cho mình một nghề để kiếm sống. Có vô vàn nghề nghiệp hay việc làm trên đời, trong đó có không ít những công việc kiếm tiền dễ dàng nhưng hàm chứa sự bất chính, lợi mình mà hại người. Người làm ra đồng tiền ấy mang tội thì đã đành, người thọ hưởng đồng tiền tội lỗi kia nếu không biết tu học và chuyển hóa thì nghiệp báo càng nặng nề hơn…

Truyện Sự tích cứu vật phóng sanh kể rằng: “Triệu Dụng là người chuyên bắt cua đem bán làm kế sinh nhai. Tuy vậy, ông lại là một người con hiếu thảo. Mỗi ngày bắt cua đổi được tiền, ông liền đi mua dầu, gạo và các vật dụng khác về cung phụng mẹ già, tiền còn dư trao hết cho mẹ.

Bà mẹ đã không biết dạy con hướng thiện mà còn đem tất cả số tiền do con bắt cua kiếm được tiêu xài phí phạm hết sạch.

Một hôm, vào lúc hoàng hôn, Triệu Dụng về đến nhà đã nghe tiếng mẹ rên hì hì không dứt. Đi thẳng vào phòng, một sự kiện xảy ra không khỏi làm ông kinh hồn. Mẹ ông tựa hồ như đang bị bệnh thần kinh, lấy cái dây cỏ mà hàng ngày dùng để cột cua, nuốt vào bụng. Triệu Dụng thấy thế kinh hoảng, chạy đến ngăn lại thì bà đưa tay ra cự tuyệt. Trong chốc lát, bà nuốt hết sợi dây cỏ vào bụng, rồi lại kéo ra, sau khi kéo ra rồi lại nuốt vào. Sự kiện quái dị ấy làm kinh động những người hàng xóm lân cận, khiến họ kéo đến xem đông như kiến.

Thế rồi, người ta thấy máu từ trong ruột gan của bà theo dây cỏ tuôn ra đầy miệng, từng đợt, từng đợt, tanh tưởi nồng nặc, khiến cho ai nấy đều ghê rợn. "Những đồng tiền oan nghiệt của con ta, ta đã tiêu xài hoang phí, vì thế mà ta phải chịu quả báo này", bà ấy rơi nước mắt mà kêu than như thế.

Triệu Dụng ảo não đau xót không thể kể xiết, hai mắt đẫm lệ, ngồi bên cạnh mẹ. Tình trạng bi thương ấy kéo dài được mấy hôm thì bà ta vĩnh biệt cuộc đời”. 

Người xưa, khi thấy con cái hoặc người thân trở nên giàu có, khá giả một cách bất thường thì phải truy nguyên xem phương cách làm ăn của họ có trong sáng không, sau đó mới thọ nhận. Nếu phát hiện những đồng tiền hay vật phẩm có được không thật sự trong sạch hoặc có vấn đề thì cương quyết chối từ. Cách hành xử như thế có tác dụng giáo dục đến những người xung quanh rất hiệu quả, tích cực.

Hiện nay, có không ít người vui mừng với khả năng kiếm tiền tài tình của người thân mà không một mảy may ưu tư về nó. Trong khi ai cũng thừa biết rằng mức lương hoặc thù lao, thu nhập của người lao động bình thường chỉ vừa đủ cho một đời sống chật vật. Đó là chưa nói đến một số người không những không biết quý trọng mà còn ta thán về sự trung thực, lương thiện, xem đó như là một sự ngờ nghệch, không lanh lợi, không biết tận dụng cơ hội để làm giàu như những người khác.

Thực ra, những người ấy chỉ nhìn thấy trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả ở tương lai. Nếu đồng tiền kiếm được từ những việc làm bất chính thì người thọ hưởng chắc chắn phải bị liên lụy. Đôi khi, người hưởng thụ những đồng tiền oan nghiệt ấy không trực tiếp nhúng tay vào tội lỗi nhưng không vì thế mà không bị ảnh hưởng. Những ai suy xét và thấu hiểu điều này thì sẽ tự vấn lương tâm về nhân quả trong mai hậu. Bởi lẽ, người làm giàu bất chính, không lương thiện thì mang quả báo đã đành. Người thọ hưởng và tiêu pha phung phí những đồng tiền oan nghiệt ấy cũng bị ảnh hưởng theo và chịu quả báo nặng nề.

Câu chuyện về người mẹ của Triệu Dụng là quả báo hiện tiền. Tất nhiên, trong những trường hợp tương tự khác nếu chưa mắc quả báo nhãn tiền thì chắc chắn sẽ chịu quả báo ở vị lai. Vì thế, hãy sống bằng một nghề chân chính, nhà Phật gọi là Chánh nghiệp và Chánh mạng, để được hạnh phúc, an vui hiện đời và về sau. 
 
(thichquangtanh@yahoo.com)


Tàu hủ chiên xả ớt



Đã lâu rồi CN ít khi ăn tàu hủ. Hồi mới tập ăn chay, ngày nào cũng ăn tàu hủ riết rồi ngán qúa chừng. Bữa nọ  lên nhà chị chồng chơi, thấy chị làm món tàu hủ chiên xả ớt ăn ngon qúa chừng. Hôm nay CN mua tàu hủ ăn trở lại. Thông thường CN thích ăn rau cải luộc hay rau cải xào ăn với tương hột hay chấm với chao. Ăn rau cải nhiều rất tốt cho sức khỏe, nhất là rau luộc hay canh cải. Rau cải càng xanh ăn càng tốt, nó hấp thụ ánh nắng mặt trời nhiều, mình ăn vào… trẻ mãi không già :).
CN có quen một người Mỹ, bà ta ăn chay trường mấy chục năm, giờ đã sáu mươi mấy tuổi nhưng nhìn còn khỏe và rất trẻ khoảng 50 tuổi thôi. Đó là tác dụng của việc ăn chay trường, ngồi thiền mỗi ngày. Đặc biệt bà đi bộ còn nhanh hơn CN nữa…
Dông dài vậy rồi giờ ta bắt tay vào việc nấu nướng thôi.
Để nấu món tàu hủ chiên xả ớt ta mua tàu hủ loại ngon, đem về cắt miếng như hình rồi đem ngâm với nước muối mặn chút khoảng 1 đêm cho thấm vào bên trong của tàu hủ. Các bạn nhớ bỏ vào tủ lạnh, đồ ăn nào cũng vậy, mình ướp trước khoảng 1 đêm nó mới thấm vào bên trong. Ướp xong đem chiên liền thì không cách gì gia vị thấm vào trong, vậy sẽ không ngon.
Tàu hủ sau khi ngâm đem ra lăn lên sả bầm. Trong sả nêm muối, bột ngọt và ớt bầm (nếu nêm thêm đường thì tàu hũ sẽ khét nhanh lắm). Nếu muốn ăn hơi giòn chút thì các bạn lăn lên bột năng (topica flour) rồi mới lăn xả bầm.
Bỏ dầu ăn vào chảo và chiên tàu hũ với lửa cao 1 chút, sau đó hạ lửa
Món này ăn với canh nấm rơm rất ngon