Sunday, August 26, 2012

Tình bạn trong đời

Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng
phải chia tay thế giới này.

Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chan chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt
đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh.

Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp.

Tiền bạc, danh vọng, quyền lực, … tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành
vô nghĩa, còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này

Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống ?

Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì
bạn đã chân thành đóng góp cho tha nhân.

Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được mà là những gì bạn đã cho
đi.

Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong cuộc đời, mà
là ý nghĩa thanh cao của chúng.

Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã
truyền lại cho người khác.

Quan trọng không còn là năng lực của bạn, mà chính là tính cách - là những
gì mà bạn đã cư xử với mọi người xung quanh.

Quan trọng là những khoảnh khắc cử chỉ, thái độ mà bạn đã vô tình hay cố ý
khắc ghi trong lòng người khác, khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền
muộn, khi bạn an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng nào đó của mình, hay
chỉ đơn giản là một nụ cười hoan hĩ hay một cái nắm tay, đỡ cho một người
khỏi ngã.

Quan trọng không chỉ là những ký ức, mà phải là ký ức về những người đã yêu
thương bạn.

Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ
nhớ gì về bạn (cả tốt lẫn xấu).

Quan trọng không phải là bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu
người sẽ đau xót khi mất bạn trong đời.

Vậy thì, bạn ơi, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương và hiểu biết.
Bởi vì, chỉ có tình yêu thương, sự hiểu biết mới đem lại những điều kỳ diệu
cho cuộc sống, bạn ạ.

Tạm biệt nhé - Lynk Lee ft. Phúc Bằng

Bệnh Đau lưng


 
Sau Nhức đầu thì Đau lưng Lower Back Pain là nguyên nhân thứ nhì gây đau cho mọi người, đặc biệt là với người cao tuổi.. Chăm sóc đau lưng cũng là nguồn phí tổn khá cao, có lẽ chỉ sau các bệnh về tim.

Với nhiều nhà chuyên môn y tế thì Đau Lưng hầu như là một căn bệnh của đời sống gây ra do thói quen bất thường của người bệnh. Vì họ đứng, họ đi, họ nâng nhấc hoặc lôi kéo sự vật nặng không đúng cách, đưa tới nguy cơ tổn thương cho các thành phần của lưng. Khi đã bị một lần thì đau lưng cũng có nguy cơ tái phát.

Các nhà chuyên môn cũng ước lượng là 80% các trường hợp Đau Lưng có thể phòng ngừa được nếu ta để ý một chút hoặc nếu ta có vài kiến thức căn bản về cột sống.
 
 
Lưng là phần dưới của thân mình gồm có 5 đốt xương sống, các gân, dây chằng, cơ bắp để giữ lưng ngay thẳng. Các đốt xương này chịu đựng sức nặng của phần trên của thân mình, cho nên chúng rất dễ tổn thương.

Từ các đốt sống này xuất phát dây thần kinh não tủy. Giữa các đốt sống là đĩa sụn liên hợp giúp cột sống cử động trơn tru.

Đau lưng thường thường gây ra do ba nguyên nhân chính:

-căng cơ bắp-dây chằng trong các hoàn cảnh như mập phì, có thai, người cao tuổi ít vận động, nâng mang vật nặng mà lại dùng sức mạnh của lưng, tư thế không ngay thẳng, nhiều xúc động mạnh…

-thoái hóa đĩa đệm.

-viêm mặt khớp xương.
 

Ngoài ra, bị chấn thương, u bướu, viêm nhiễm cột sống, nằm ngủ trong vị thế bất thường hoặc nệm quá mềm cũng là nguy cơ gây đau lưng. Nhiều trường hợp phụ nữ với nhũ hoa quá khổ cũng gây ra đau lưng vì lưng chịu một sức nặng ngoài khả năng.

Người cao tuổi thường hay bị đau lưng vì sự thoái hóa cột sống, cơ bắp dây chằng lỏng lẻo, đốt cột sống dễ bị nghiêng vẹo, đè vào dây thần kinh não tủy, gây ra đau. Với các bác, chỉ khom khom di chuyển một chậu cây cảnh hoặc cúi xuống bế đứa cháu nội ngoại cũng dễ dàng ôm lưng nhăn nhó.

Theo các nhà chuyên môn, 80% dân chúng đều bị đau lưng một vài lần nào đó trong cuộc đời. Đau lưng là lý do hàng đầu khiến cho người dưới 45 tuổi phải nghỉ việc.

Đau lưng có thể là cấp tính hoặc kinh niên.

Cấp tính thường kéo dài khoảng 4 tuần lễ còn kinh niên thì liên tục đau, có khi cả dăm ba tháng.

Những cơn đau và cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng sớm và xế chiều. Ban đêm cơn đau khiến người bệnh khó ngủ.

Đau cũng thường thấy ở dưới chân khi đi lại hoặc đứng lâu.

Phòng tránh


Phòng ngừa có mục đích tránh các căng dãn không cần thiết cho cơ bắp và cũng để tăng cường sức mạnh cho các bắp thịt hỗ trợ cột sống.

1- Khi mang vật nặng, không nên khom lưng xuống để nhấc vật đó lên, mà ngồi xuống, hai tay ôm cầm vật đó rồi từ từ đứng lên qua sức mạnh của đầu gối, như vậy tránh được sự tổn thương cho lưng.

2- Khi vật nặng nằm ở trên bàn, ta có thể ôm vào bụng hay quay lưng ôm đồ vật vào lưng để mang đi.

3- Đừng đi giầy gót quá cao, làm xương sống xiêu vẹo, yếu.

4-Giữ dáng điệu ngay ngắn.

5-Khi đứng, bụng thót phẳng , hướng xương chậu về phía sau sẽ giúp phần dưới của cột sống vững hơn. Nếu cần đứng lâu thì đặt một chân lên vật cao khoảng hai tấc để ngả xương chậu về phía sau.

6-Ngồi lâu đều gây nhiều khó chịu cho lưng. Vì thế lâu lâu nên đứng dậy, đi qua đi lại, thư dãn xương lưng. Tránh ngồi trên nệm ghế quá mềm.

7-Nệm xe đều gây đau lưng khi ngồi quá lâu. Nên lót lưng với một cái gối nhỏ và để tay trên vật tựa; kéo ghế gần về phía trước để đầu gối cao bằng hông.
 
8-Nên ngủ trên nệm cứng; nằm nghiêng, đầu gối co thước thợ hoặc khi nằm ngửa thì lót gối dưới khuỷu chân. Gối cao vừa phải để đầu và mình ngang bằng;

9- Khi cần coi tivi hoặc đọc sách lâu, nên nằm để tránh căng cho xương sống.

10-Quần áo không nên quá bó sát vào người để cơ bắp, xương khớp không bị gò bó..

11-Tập thể dục với các cử động làm thư giãn khớp xương và bắp thịt, tăng cường sức mạnh cho bắp thịt, dây chằng ở lưng.

12-Buổi sáng ngủ dậy, trước khi bước ra khỏi giường nên tập các cử động vẹo người qua lại để thư giãn lưng. Lý do là sau bẩy giờ nằm ngủ, xương khớp, bắp thịt cứng lại, nếu đứng dậy ngay có thể té ngã, gây tổn thương cho lưng và các phần khác của cơ thể.

13-Không hút thuốc lá vì nicotine làm giảm máu lưu thông tới lưng khiến cơ khớp yếu.

14-Giảm cân nếu quá mập, vì mập phì làm mô mềm ở lưng căng cương. Hai phần ba người bị đau lưng kinh niên đều bị béo phì.
 
Vài cử động để thư dãn cột sống

1-Ðứng thẳng, hai bàn chân xa ngang thân người, úp hai bàn tay lên ngang lưng. Ðầu gối ngay thẳng, ưỡn lưng về phía sau càng xa càng tốt. Giữ nguyên vị trí trong vài ba giây rồi trở lại dáng điệu bình thường. Làm cùng động tác năm lần.

2- Ðứng ngay thẳng, tựa hai tay lên phía sau của thành ghế. Ðầu gối thẳng, dơ một chân về phía sau càng cao càng tốt. Hạ chân xuống từ từ và làm cùng động tác với chân kia. Làm năm động tác liên tiếp cho mỗi chân.

3-Nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, khuỷu tay gấp, hai bàn tay úp xuống sàn. Dùng hai tay đẩy thân mình lên càng cao càng tốt, mông và chân vẫn phẳng dưới sàn. Nhắc lại cùng động tác 10 lần.
 
 
4-Nằm ngửa, đầu gối gập lại, hai bàn chân để dưới đất. Từ từ nhấc đầu và vai khỏi sàn, hướng hai bàn tay về phía đầu gối, giữ vị trí trong mười nhip đếm rồi nằm thẳng mình trở lại. Nhắc lại cùng cử đông năm lần.

5-Nằm sấp, chân tay đụng mặt bằng. Nâng cao một chân, đếm từ 1 đến 10 rồi hạ chân xuống. Nhắc lại cùng cử động với chân kia. Làm 5 lần mỗi chân.

BS Nguyển Ý Đức
 
 http://hoangdieuucchau.blogspot.com.au/2012/08/benh-au-lung.html

Thursday, August 23, 2012

14 cái tâm của đời người

Trong chúng ta ai cũng có một cuộc sống. Có người rất hài lòng, có người rất bất mãn nhưng mọi người đã sống ra sao? Bạn có những cái “tâm” này không?

Tâm báo ân

images962428_14tam

(ảnh minh họa)

Người có ân đối với bạn, không thể quên ân phụ nghĩa, cần phải biết đền đáp. Đối với tất cả chúng sinh, chúng ta đều cần phải có tâm báo ân, có những chúng sinh đời này tuy chưa có ân nghĩa gì, nhưng đời trước chắc chắn có ân nghĩa.

Bởi tất cả chúng sinh đều từng làm cha mẹ của bạn, cho nên tất cả chúng sinh đối với chúng ta đều có ân, dù là người đã từng làm tổn thương chúng ta, vì thế cần phải báo ân.

Tâm cung kính

Đối với cha mẹ, thầy cô, thế hệ trước đều cần phải có tâm hiếu thuận và cung kính. Ngoài ra, những bậc có tuổi tác lớn hơn bạn, học vấn cao hơn bạn, hoặc người có những cống hiến cho nhân loại và xã hội, những người có tâm thiện, đều nên khởi lên tâm cung kính.

Tâm cung kính không có sự phân biệt thân sơ, đối với hết thảy con người đều cần phải cung kính, bạn cung kính người khác, người khác sẽ cung kính bạn, cho nên tâm cung kính là pháp thù thắng tăng thêm phước báo cho mình.

Tâm tôn trọng

Trước tiên cần phải tôn trọng chính mình, tiếp đến tôn trọng những thành viên trong gia đình, và sau cùng tôn trọng tất cả người khác, thường xuyên nở nụ cười trên môi, ăn nói lễ độ, khiêm nhường, có tâm tôn trọng lẫn nhau.

Đối với kẻ thù cũng nên tôn trọng, tôn trọng thiện ý của họ, tôn trọng học vấn, hành vi, chính kiến của họ…

Tâm vô chấp

Cội nguồn của bể khổ ở đời là phiền não, căn nguyên của phiền não là chấp trước, gốc rễ của chấp trước là ngã chấp (chấp có cái tôi), ngọn nguồn của ngã chấp là vô minh.

Có tư tưởng của “ngã” (cái tôi), nhất định sẽ có mặt ngã chấp và tâm tự tư tự lợi (ích kỷ), tâm ích kỷ mang đến sự phân biệt giữa bạn và ta, đã có tâm phân biệt nhất định sẽ có các phiền não tâm tham và tâm sân hận.

Tâm vô cầu

Người không có trí tuệ thì tham tâm và dục vọng tương đối nhiều, cho nên không có niềm vui và hạnh phúc. Bạn càng tham cầu và chấp thủ, thì khổ não từ đó cũng ngày một trở nên nhiều thêm. Người thật sự có trí tuệ là vô dục vô cầu, tâm vô tham sẽ có cuộc sống thoải mái, nhẹ nhõm và an vui.

Tâm tri túc

Phải có tâm hài lòng mới có thể có tâm tri túc (biết đủ). Mỗi một con người chúng ta dù cuộc sống nghèo khó, hoàn cảnh tồi tệ hay giàu có, tốt đẹp, tất cả đều cần có tâm tri túc.

Bởi vì so với một số người tử vong ngoài ý muốn, chúng ta vẫn đang còn sống, chính là nhờ có phước, thì càng phải tỏ ra tri túc, có tâm tri túc mới có thể có được niềm vui, tục ngữ nói rất hay, rằng: “tri túc thường lạc” (biết đủ thường vui), kinh Phật nói: “Tri túc nhân thị thánh hiền” (người biết đủ là thánh hiền).

Tâm khiêm tốn

Tục ngữ: “Hư tâm sử nhân tiến bộ, kiêu ngạo sử nhân lạc hậu” (khiêm tốn làm người ta tiến bộ, kiêu ngạo làm người ta lạc hậu).

Thất bại lớn nhất đời người là kiêu ngạo và tự cao tự đại. Cho nên chúng ta làm bất cứ việc gì đều cần phải khiêm tốn, không nên tự đại, kiêu ngạo.

Tâm nhẫn nhục

Tâm nhẫn nhục chính là tâm thái có thể tiếp nhận sự sỉ nhục và phê bình của người khác, trong cuộc sống chúng ta cần phải có khả năng tiếp nhận sự phê bình và chỉ trích của người khác.

Người có thể tiếp nhận người khác chỉ trích, mới có cơ hội cải chính khuyết điểm, một người có khả năng nhẫn nhục, khó nhẫn có thể nhẫn, khó làm có thể làm được, chính là người có trí tuệ nhất.

Tâm sám hối

Nếu bạn làm việc sai quấy, trước tiên phải biết lỗi lầm, sau đó sám hối (ăn năn hối cải), sám hối sau này không tái phạm những lỗi lầm tương tự.

Mỗi ngày làm thêm chút việc tốt, giảm thiểu chút việc xấu, lúc nào cũng có tâm sám hối, ắt thiện niệm (ý nghĩ tốt) của bạn ngày một tăng thêm, ác niệm (ý nghĩ xấu) ngày một giảm bớt, thì phước báo của bạn sẽ mau chóng trở lại, tai vạ liền rời xa bạn.

Tâm hành thiện

Chúng ta trước tiên nhận biết điểm khác biệt giữa thiện và ác, việc có ích lợi và đem đến niềm vui cho dù là trực tiếp hay gián tiếp đối với chúng sinh thì gọi là “thiện”, việc có tổn hại và đau khổ gián tiếp hay trực tiếp cho chúng sinh thì gọi là “ác”.

Chúng ta bất cứ lúc nào cũng cần phải dùng ái tâm vô điều kiện, từ tâm rộng lớn, thiện niệm vô tư đi giúp đỡ người khác, quan tâm người khác, chăm sóc người khác, hãy nhớ rằng muốn làm việc tốt không thể tồn tại tư tưởng và hành vi ích kỷ “vị ngã”.

Tâm tinh tấn

Nỗi xót xa, buồn đau lớn nhất đời người là tự chà đạp mình, tự khinh thường mình, tự ruồng bỏ bản thân mình.

Chúng ta làm bất kỳ việc gì cũng cần phải có tâm tinh tấn (cần mẫn chăm chỉ), nếu bạn không có tâm tinh tấn, cho dù có cơ hội tốt lần nữa, cũng sẽ tuột khỏi tầm tay, cho nên người có trí tuệ sẽ lấy tâm tinh tấn, khéo nắm bắt gìn giữ nhân duyên, không lười biếng, buông thả.

Tâm bác ái

Cần có tâm bác ái đối với hết thảy chúng sinh, tâm bác ái chính là tâm Bồ-tát, buông bỏ tâm ích kỷ và tự ái, coi trọng người khác, yêu thương người khác, quý mến người khác, vì thương yêu người khác có thể mất đi tính mạng chính là tình yêu bao la cao cả.

Tâm quý mình

Trước khi yêu người khác bạn nên học cách yêu thương bản thân mình trước. Yêu bản thân mình như thế nào? Quý trọng sinh mệnh của mình, tôn trọng đạo đức của mình, giữ gìn sức khỏe của mình, yêu quý cuộc sống của mình, có mục tiêu nhân sinh của mình, có sở thích của mình.

Trên thế giới không có người thập toàn thập mỹ, không nên miễn cưỡng mình, không nên làm tổn thương tâm hồn của mình.

Tâm tự tin

Trong cả cuộc đời, không có nỗi đau thương nào tồn tại mãi mãi, nỗi đau đớn dù sâu đến đâu, vết thương dần dần cũng sẽ khỏi.

Trong đời người không có vận rủi, cảnh khốn cùng nào không thể bước qua được, bạn không thể ngồi bên nó đợi nó tan biến hoặc bỏ mạng, bạn chỉ có thể nghĩ cách vượt qua nó.

Trong đời người không có sự thập toàn thập mỹ nào vĩnh cửu, chung cục sẽ phải có một ngày kết thúc. Bạn đã có lòng tin của bản thân, thì đã có sự kiên cường, tức cũng sẽ có kỳ tích sáng tạo.

Nguyễn Phước Tâm
(Bộ môn Ngoại ngữ, trường Đại học Trà Vinh)
Theo Zgnhzx