Có câu tục ngữ rằng: “Nói dễ hơn làm”. Chính vì vậy mà chúng ta thường nói nhiều hơn những việc mình làm. Điều này có vẻ như chẳng có gì quan trọng cho lắm. Hơn nữa, nếu ai ai cũng đều có thói quen như thế thì việc gì phải quan tâm kia chứ?
Tuy nhiên, nếu bạn thật sự muốn có một cuộc sống hạnh phúc, bạn rất cần phải quan tâm suy nghĩ về việc này.
Lời nói là một biểu hiện của tinh thần. Trong lòng ta thế nào thì lời nói bộc lộ ra thế ấy. Ngược lại, khi được thể hiện ra rồi, lời nói lại gieo cấy những hạt giống tốt hoặc xấu vào tâm hồn chúng ta. Vì thế, muốn tâm hồn chân thật thì lời nói tất nhiên cũng phải chân thật. Việc nói năng tùy tiện, bừa bãi có những tác hại sâu xa mà chúng ta không thể không quan tâm sửa đổi.
Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý với nhau về tác hại của những lời nói dối. Hiển nhiên là nó đánh mất đi giá trị tự thân của người nói, khiến cho mọi người không còn tin cậy vào anh ta được nữa, ngay cả khi anh ta đã từ bỏ việc nói dối. Vì thế, những gì người nói dối đánh mất đi là nhiều hơn những gì họ đạt được.
Nhưng không phải ai cũng có thể thấy được tác hại của những lời đùa cợt hoặc khoe khoang, khoác lác... Bởi vì chúng có vẻ như chẳng hại gì đến ai cả.
Trong thực tế, những lời đùa cợt không thật hay những lời khoe khoang vượt quá sự thật chính là tiền thân của những lời nói dối.
Rất nhiều người trong chúng ta đã biết qua cảm giác ngượng ngập, lúng túng khi lần đầu tiên nói dối. Người nói đang đứng trước ranh giới giữa sự chân thật và dối trá, và cảm giác này giống như một phản ứng tự nhiên của bản thân để cố ngăn không cho ta rơi vào sự dối trá. Thường thì người nghe rất dễ nhận ra vẻ lúng túng ấy để biết là mình đang bị nói dối. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập lại việc nói dối nhiều lần, chúng ta không còn cảm giác lúng túng, ngượng ngập như lần đầu.
Và chính những lời đùa cợt hay khoe khoang cũng có tác dụng xói mòn làm mất đi cảm giác ngượng ngập, lúng túng đã ngăn cản không cho ta nói dối. Nếu bạn thường xuyên đùa cợt, khoe khoang quá trớn, bạn sẽ rất dễ dàng chuyển sang nói dối mà không có chút gì ngần ngại.
Mặt khác, bản thân người nói không phải bao giờ cũng ý thức rõ được mình đang nói những lời không thật. Nếu ta nhận được sự thán phục hoặc tán đồng từ người khác, dần dần ta sẽ có cảm giác như mình đang nói thật. Nhưng thật ra, ta đang lừa dối chính bản thân mình. Và điều này về lâu dài sẽ khiến cho ta mất khả năng phân biệt rạch ròi giữa sự chân thật và dối trá.
Một khuynh hướng rất thông thường là chúng ta luôn nói nhiều hơn mức cần thiết. Một trong những lý do dẫn đến điều này cũng là vì “nói dễ hơn làm”. Đôi khi chúng ta tập thành thói quen nói rất nhiều mà không quan tâm đúng mức đến những gì mình nói ra. Sự “lạm phát” lời nói này luôn được những người chung quanh ta cảm nhận được và phản ứng lại bằng cách đánh giá thấp lời nói của ta. Điều này cũng có nghĩa là chỉ cần ta bớt nói đi, lời nói của ta sẽ tự nhiên có giá trị cao hơn.
Nhưng vấn đề cũng không đơn giản chỉ có thế. Việc nói năng tùy tiện, bừa bãi còn làm ta đánh mất đi năng lực suy nghĩ chín chắn đối với từng vấn đề. Thay vì tập trung sự chú ý sáng suốt để tìm ra giải pháp tốt nhất, ta dễ dàng hài lòng với bất cứ phát biểu nào vừa chợt nghĩ ra được.
Biết hạn chế lời nói một cách thích hợp, chúng ta còn tiết giảm được một năng lượng đáng kể cần thiết cho cơ thể. Cũng có thể bạn có phần nào hoài nghi về việc nói nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đó là sự thật. Người xưa cũng đã nhận biết được điều này nên có nói: “Khẩu khai thần khí tán.” (Miệng mở ra là thần khí phải hao tổn.) Tất nhiên, nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta phải trở nên lầm lỳ ít nói, có điều là chỉ nên nói những gì ta thấy cần thiết mà thôi.
Khi chúng ta biết quan tâm hạn chế những lời nói không cần thiết, chúng ta sẽ tiến dần đến chỗ làm được tất cả những gì mình nói.
Để cho lời nói đi đôi với việc làm không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng nếu ta chỉ nói ra những điều đã cân nhắc thận trọng thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Khi nói ra với sự ý thức đầy đủ là mình sẽ thực hiện lời nói đó, chính là chúng ta đã biết sống tỉnh thức trong hiện tại mà không buông bỏ những giây phút sống của mình vào sự lơ đễnh, lãng quên.
Việc giữ cho lời nói đi đôi với việc làm sẽ hoàn thiện nhân cách của bạn rất đáng kể. Và điều này có thể dễ dàng nhận ra được qua cung cách mà những người chung quanh sẽ đáp lại đối với bạn. Bạn sẽ không còn mấy khi phải nghe người khác than phiền về chuyện “nói dễ hơn làm”.
Tuy nhiên, nếu bạn thật sự muốn có một cuộc sống hạnh phúc, bạn rất cần phải quan tâm suy nghĩ về việc này.
Lời nói là một biểu hiện của tinh thần. Trong lòng ta thế nào thì lời nói bộc lộ ra thế ấy. Ngược lại, khi được thể hiện ra rồi, lời nói lại gieo cấy những hạt giống tốt hoặc xấu vào tâm hồn chúng ta. Vì thế, muốn tâm hồn chân thật thì lời nói tất nhiên cũng phải chân thật. Việc nói năng tùy tiện, bừa bãi có những tác hại sâu xa mà chúng ta không thể không quan tâm sửa đổi.
Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý với nhau về tác hại của những lời nói dối. Hiển nhiên là nó đánh mất đi giá trị tự thân của người nói, khiến cho mọi người không còn tin cậy vào anh ta được nữa, ngay cả khi anh ta đã từ bỏ việc nói dối. Vì thế, những gì người nói dối đánh mất đi là nhiều hơn những gì họ đạt được.
Nhưng không phải ai cũng có thể thấy được tác hại của những lời đùa cợt hoặc khoe khoang, khoác lác... Bởi vì chúng có vẻ như chẳng hại gì đến ai cả.
Trong thực tế, những lời đùa cợt không thật hay những lời khoe khoang vượt quá sự thật chính là tiền thân của những lời nói dối.
Rất nhiều người trong chúng ta đã biết qua cảm giác ngượng ngập, lúng túng khi lần đầu tiên nói dối. Người nói đang đứng trước ranh giới giữa sự chân thật và dối trá, và cảm giác này giống như một phản ứng tự nhiên của bản thân để cố ngăn không cho ta rơi vào sự dối trá. Thường thì người nghe rất dễ nhận ra vẻ lúng túng ấy để biết là mình đang bị nói dối. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập lại việc nói dối nhiều lần, chúng ta không còn cảm giác lúng túng, ngượng ngập như lần đầu.
Và chính những lời đùa cợt hay khoe khoang cũng có tác dụng xói mòn làm mất đi cảm giác ngượng ngập, lúng túng đã ngăn cản không cho ta nói dối. Nếu bạn thường xuyên đùa cợt, khoe khoang quá trớn, bạn sẽ rất dễ dàng chuyển sang nói dối mà không có chút gì ngần ngại.
Mặt khác, bản thân người nói không phải bao giờ cũng ý thức rõ được mình đang nói những lời không thật. Nếu ta nhận được sự thán phục hoặc tán đồng từ người khác, dần dần ta sẽ có cảm giác như mình đang nói thật. Nhưng thật ra, ta đang lừa dối chính bản thân mình. Và điều này về lâu dài sẽ khiến cho ta mất khả năng phân biệt rạch ròi giữa sự chân thật và dối trá.
Một khuynh hướng rất thông thường là chúng ta luôn nói nhiều hơn mức cần thiết. Một trong những lý do dẫn đến điều này cũng là vì “nói dễ hơn làm”. Đôi khi chúng ta tập thành thói quen nói rất nhiều mà không quan tâm đúng mức đến những gì mình nói ra. Sự “lạm phát” lời nói này luôn được những người chung quanh ta cảm nhận được và phản ứng lại bằng cách đánh giá thấp lời nói của ta. Điều này cũng có nghĩa là chỉ cần ta bớt nói đi, lời nói của ta sẽ tự nhiên có giá trị cao hơn.
Nhưng vấn đề cũng không đơn giản chỉ có thế. Việc nói năng tùy tiện, bừa bãi còn làm ta đánh mất đi năng lực suy nghĩ chín chắn đối với từng vấn đề. Thay vì tập trung sự chú ý sáng suốt để tìm ra giải pháp tốt nhất, ta dễ dàng hài lòng với bất cứ phát biểu nào vừa chợt nghĩ ra được.
Biết hạn chế lời nói một cách thích hợp, chúng ta còn tiết giảm được một năng lượng đáng kể cần thiết cho cơ thể. Cũng có thể bạn có phần nào hoài nghi về việc nói nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đó là sự thật. Người xưa cũng đã nhận biết được điều này nên có nói: “Khẩu khai thần khí tán.” (Miệng mở ra là thần khí phải hao tổn.) Tất nhiên, nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta phải trở nên lầm lỳ ít nói, có điều là chỉ nên nói những gì ta thấy cần thiết mà thôi.
Khi chúng ta biết quan tâm hạn chế những lời nói không cần thiết, chúng ta sẽ tiến dần đến chỗ làm được tất cả những gì mình nói.
Để cho lời nói đi đôi với việc làm không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng nếu ta chỉ nói ra những điều đã cân nhắc thận trọng thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Khi nói ra với sự ý thức đầy đủ là mình sẽ thực hiện lời nói đó, chính là chúng ta đã biết sống tỉnh thức trong hiện tại mà không buông bỏ những giây phút sống của mình vào sự lơ đễnh, lãng quên.
Việc giữ cho lời nói đi đôi với việc làm sẽ hoàn thiện nhân cách của bạn rất đáng kể. Và điều này có thể dễ dàng nhận ra được qua cung cách mà những người chung quanh sẽ đáp lại đối với bạn. Bạn sẽ không còn mấy khi phải nghe người khác than phiền về chuyện “nói dễ hơn làm”.