Thursday, October 4, 2012

Khởi Công Xây Dựng Chánh Điện TVTL Chánh Giác


hinh00Sáng ngày 18/08/2012( nhằm ngày mùng 02 tháng 7 năm Nhâm Thìn), tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đã diễn ra Lễ Khởi công xây dựng Chánh Điện đây là hạng mục đầu tiên và chủ yếu trong số 26 hạng mục công trình của Thiền viện. Buổi lễ đơn sơ diễn ra dưới sự chủ trì của Thượng toạ Thích Thông Phương, Trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, trưởng Ban Hưng công xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác.
 Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ:

LỄ TỰ TỨ TẠI THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH GIÁC


hinh00Chiều ngày 16/7 năm Nhâm Thìn (nhằm 01/9/2012) - PL 2556, tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác -Tân Phước - Tiền Giang, đã tổ chức lễ tự tứ cho chư tăng. Do là đơn vị mới được thành lập, nên theo lịch trình giải hạ an cư trong hệ thống tông môn Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là đơn vị sau cùng tổ chức lễ Tự Tứ.
Măc dù đang trong thời gian xây dựng, thế nhưng việc tu học của chư tăng tại đây vẫn luôn được duy trì theo như thời khoá tại Trúc Lâm Đà Lạt (tất cả chư tăng ở đây đều từ thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt xuống). Một tuần vẫn gồm đủ 3 buổi học Kinh (thứ Hai, Luận (thứ Tư) và Luật (thứ Sáu). Bên cạnh đó, các thời khoá theo thanh quy của thiền phái Trúc Lâm vẫn được duy trì gồm hai buổi toạ thiền tối và khuya - tụng kinh sám hối vào buổi chiều.

Thượng toạ thượng Thông hạ Phương, phó Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Yên Tử Quảng Ninh, trưởng Ban Hưng công xây dựng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đã quang lâm tác pháp Tự tứ và làm lễ giải hạ cho chư tăng. Trong lời chỉ dạy cho chư tăng, thượng toạ đã ân cần nhắc nhở: “Song song với công tác xây dựng, phải luôn nhớ bổn phận chính của mình là việc tu tập. Phải nhớ mục đích của mỗi chúng ta là tu để giác ngộ và giải thoát sanh tử. Làm Phật sự để có thêm phước đức hầu trợ duyên cho mình tu. Có thêm phước thì sẽ bớt đi chướng ngại, nhờ đó việc tu tập sẽ được nhẹ nhàng, tấn tới…”. Toàn thể chúng tăng đã nhất tâm cung kính tiếp thọ lời chỉ dậy của thầy và đồng phát nguyện y giáo phụng hành.


Một số hình ảnh Lễ Tự Tứ TVTL Chánh Giác

TRUNG THU TRÊN ĐỒNG THÁP MƯỜI

Ngày 14 tháng 8 Nhâm Thìn (29/9/2012), thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức một đêm Trung Thu cho các em thiếu nhi địa phương trong khuôn viên thiền viện.
Vào đầu tháng 8 năm nay, quí Phật tử gần xa đã ngỏ ý muốn thông qua quí thầy, trao tặng quà bánh Trung thu cho các em thiếu nhi tại đây, một nơi còn nhiều khó khăn thiếu thốn, để các em cũng có được một trung thu vui vẻ, an lành.
Vì vậy, dù đang đa đoan trong công việc xây dựng, chư tăng cũng rất hoan hỉ tiếp nhận sự hỗ trợ của quí Phật tử và cố gắng tổ chức một đêm Trung thu đơn sơ nhưng ấm áp và cho các em với một sân khấu ngoài trời giản dị, phía sau là biểu tượng tháp Đại Giác với 500 lồng giấy đủ màu, đủ kiểu thật xinh xắn. Đặc biệt trong dịp này, GĐPT Quảng Thiện Cà Mau, cũng đã không quản ngại đường xá xa xôi, vượt gần 300km để mang đến cho các em thiếu nhi địa phương một chương trình văn nghệ ngắn gọn nhưng “chất lượng”, kèm theo các tiết mục giao lưu sinh hoạt sôi nổi, hào hứng, để làm quà! Một món quà hết sức ý nghĩa và bổ ích cho các em. Trước đó vào chiều ngày 13 và 14 tháng 8, đại diện Thiền viện cũng đã đến thăm và tặng hơn 300 phần quà bánh cho các em học sinh tại 2 trường Tiểu học xã Thạnh Tân và trường THCS xã Thạnh Mỹ.
Hình như chư thiên cũng cảm động với công đức lành này nên đêm Trung thu trời thật đẹp, bởi liên tiếp mấy ngày trước, trời mưa tầm tã suốt ngày, cho đến tận trưa ngày 14 mưa vẫn còn lác đác rơi. Ai nấy đều lo không biết có tổ chức được đêm văn nghệ cho các em không. Thế nhưng vào xế chiều mưa tạnh hẳn và khi các em thiếu nhi theo cha mẹ, thầy cô đến chùa thì trời tạnh hẳn.
Trên nền trời tuy chưa thật trong sáng bởi vẫn còn vương vấn nhiều áng mây, dư âm của cơn mưa ban trưa, chị Hằng cũng như muốn vén mây để cùng góp mặt chia vui cùng với hơn 500 em thiếu nhi.
Nhìn những gương mặt trẻ thơ rạng rỡ trong không gian tràn ngập tiếng cười vui, bên ánh sáng rực rỡ của hơn 500 lồng đèn xung quanh tháp Đại Giác, mọi người ai cũng hoan hỉ vì đêm Trung thu giản dị nơi mênh mông bao la đồng nước này đã mang lại một niềm an lạc cho tất cả mọi người có mặt.

Dưới đây là hình ảnh về đêm Trung thu:

Wednesday, October 3, 2012

Bánh canh bột há cảo

SGTT.VN - Làm sao tìm lại được hương vị đậm đà chân quê nơi phố thị? Cũng bởi trăn trở điều này nên bà Nguyệt, dân xứ Bạc Liêu hiện đang ở Bình Thạnh đã dùng bột há cảo để tái hiện lại món bánh canh năm xưa má nấu ở quê.
Nhớ ngày xưa ấy, mỗi lần các con thèm bánh canh, tối hôm trước má đong ít gạo đem ngâm để sáng hôm sau mang đi xay. Bột xay xong rồi đem bồng cho bớt nước. Cho bột lên bếp quậy “lấy trùng” (bột nửa sống, nửa chín – PV) rồi đem nhồi với bột sống cho thành khối mịn, cán thành miếng mỏng rồi cắt sợi. Bà Nguyệt kể: “Cực nhất là công đoạn “lấy trùng” nhồi bột. Phải canh sao cho khéo, nhồi khi bột còn đang nóng hôi hổi”.
Nhưng má lại thích se bột thành từng sợi trông đẹp hơn. Mà cũng bởi các con thích mút sợi bánh tròn tròn, dai dai, trôi tuột vào miệng. Bánh canh của má đúng chất miền Tây, có nước lèo hơi sệt, vị beo béo của nước cốt dừa quyện với vị ngọt của hải sản thật không thể nào quên. Bánh canh nấu cá thì tanh, nấu thịt không ra cái hồn của quê, nấu tôm là ngon nhất. Nhưng dân dã hơn cả vẫn là bánh canh nấu với dăm ba mớ tép mới xúc còn tươi.
Vì nhớ tô bánh canh thuở còn thơ ở quê má nấu, mà ở Sài Gòn biết tìm đâu ra chỗ xay bột để làm ra sợi bánh canh đúng gốc. Mua bột gạo xay sẵn về làm cũng chẳng ra được sợi bánh dai như xưa. Thêm vài lần thử nữa, với chút bột mì, bột gạo, bột năng..., bà Nguyệt tái hiện thành công sợi bánh canh năm xưa. Các loại bột đó chính là thành phần tạo ra bột há cảo. Tỷ lệ bột tùy theo công thức của nhà sản xuất – như một bí quyết riêng. Chỉ cần pha bột với nước và ít dầu ăn rồi cho lên bếp quấy đều đến khi bột thành khối thì tắt bếp. Lấy khối bột ra nhồi với bột năng cho khỏi dính tay rồi cán mỏng, cắt sợi.
Bà Nguyệt chia sẻ: “Khi cho bột vào nồi nhớ quấy đều để bột không dính đáy nồi. Nấu gần xong mới cho nước cốt dừa vô để nước lèo không bị hôi dầu”.
Tô bánh canh nấu bằng bột há cảo của bà Nguyệt có sợi bánh dai vừa phải, hơi sệt, nước dừa béo nhưng không ngậy quyện với vị ngọt của tôm thật hấp dẫn. Bà Nguyệt chặc lưỡi: “Chiều chiều trời mưa, húp tô bánh canh như vầy ngon phải biết”.
Có người nói, nhìn trời mưa ngay cả cánh đàn ông xa xứ cũng phải bùi ngùi vì nhớ quê nhà. Trời mưa, húp tô bánh canh như tô bánh canh má nấu hồi xưa giống như một giấc mơ, mà trong đó người ta gặp lại những cảm xúc tưởng chừng như không bao giờ tìm thấy nữa...
 http://www.baomoi.com/Banh-canh-bot-ha-cao/84/9192790.epi