Từ thế kỉ XVII, bánh pía đã xuất
hiện ở Sóc Trăng khi theo chân những người Hán di cư đến phương Nam.
Theo thời gian, bánh pía được chế biến dần phù hợp với khẩu vị của người
Việt bởi tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, thơm thảo trên vùng đất
Nam Bộ và trở thành một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng như hiện nay.
Trước
đây, bánh pía được làm hoàn toàn thủ công và chỉ phục vụ cho nhu cầu
của từng gia đình. Đến đầu thế kỉ XIX, người đầu tiên kinh doanh bánh
pía và truyền nghề cho con cháu sau này là ông Đặng Thuận, sinh sống ở
làng Vũng Thơm (nay là xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).
Tân Huê Viên là một trong những cơ sở sản xuất bánh pía nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Sản phẩm bánh pía nổi tiếng mang nhãn hiệu Tân Huê Viên. |
Bánh pía Sóc Trăng có hương vị rất đặc trưng, đó là mùi thơm của sầu riêng, vị béo ngậy của hột vịt muối (trứng vịt muối), vị bùi của đậu xanh, khoai môn, và thơm mùi bột mì của vỏ bánh nướng vàng.
Muốn có được mùi vị, màu sắc hấp dẫn, bánh pía Sóc Trăng phải qua rất nhiều công đoạn. Riêng phần nhân được làm từ khoai môn, đậu xanh, hột vịt muối xào với đường và cho thêm sầu riêng theo tỉ lệ vừa phải. Hỗn hợp trên để nguội đem bọc với lòng đỏ hột vịt muối. Nếu muốn tăng vị béo có thể thêm thịt heo (lợn). Riêng vỏ bánh được làm bằng bột mì bằng cách cán, cuộn bột mì, gấp lại nhiều lần để tạo nên vỏ bọc với những lớp “bột nước” và “bột dầu” chồng lên nhau. Cuối cùng, bánh được đưa vào lò nướng ở nhiệt độ trung bình khoảng 2700C. Sau 5-7 phút, thợ đứng lò sẽ lấy bánh ra, lật ngược mặt bánh rồi thoa lên một lớp lòng đỏ trứng và đưa vào lò trở lại. 15 phút sau, khi chiếc bánh chuyển sang màu vàng ươm chính là lúc chiếc bánh đã thành phẩm và dùng được ngay.
Những chiếc bánh có hình dáng nhỏ, tròn, không quá bở, mềm và có một độ dẻo vừa phải để có thể ngậm vào miệng mà không tan ngay. Nhưng điều đặc biệt là vị ngọt thơm nguyên chất hương sầu riêng mà bất cứ một loại hương liệu nhân tạo nào cũng không thể thay thế được. Đó cũng là nét thuần Việt mà chiếc bánh pía có được như một hương vị gắn liền với cuộc sống người Nam Bộ hàng trăm năm qua.
Bột đậu xanh tán nhuyễn để làm nhân bánh pía. Máy trộn bột. Làm vỏ bánh là một trong những công đoạn phức tạp nhất. Công đoạn nhồi trứng và làm nhân bánh. Bánh pía làm xong được đưa vào nướng ở nhiệt độ trung bình khoảng 270oC Bánh pía nướng chín có màu vàng ươm sẽ được đóng gói và in hạn sử dụng (khoảng 1 tháng). Kiểm tra chất lượng bánh thành phẩm trước khi đưa ra thị trường. |
Sóc Trăng hiện có gần 50 lò chuyên sản xuất bánh pía. Bánh pía Sóc Trăng hầu như được sản xuất quanh năm với giá cả hợp lí khoảng từ 30.000 đến 60.000đ cho một hộp 4 cái.
Hiện nay, không ít công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ ngoại nhập làm bánh pía khép kín, trị giá hàng chục tỉ đồng. Do vậy, các công đoạn chế biến, bảo quản cũng chuyên nghiệp hơn, và thời gian bảo quản bánh cũng có thể giữ được lâu hơn (khoảng một tháng). Kiểu dáng bao bì cũng được thiết kế đẹp hơn, sang trọng hơn. Bánh pía được đặt trong từng ngăn của vỉ nhựa, có túi chống ẩm, mốc; bên ngoài là hộp giấy carton cứng trang trí khá đẹp, có quai xách và ghi rõ thời hạn sử dụng.
Hiện nay, nhờ biết cách quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh pía ở Sóc Trăng không chỉ mở rộng thị trường ra phạm vi cả nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Điển hình như trường hợp Công ty chế biến thực phẩm bánh pía - lạp xưởng Tân Huê Viên, doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lí chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ năm 2009, đã mở đại lí tại Phnom Penh (Campuchia) và đang xúc tiến mở thêm một đại lí ở CHLB Đức. Mới đây, Tân Huê Viên xuất khẩu sang Mỹ 40 tấn bánh pía và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thị trường sang châu Âu, sau khi đầu tư trên 20 tỉ đồng nâng cấp hệ thống nhà xưởng và công nghệ sản xuất.
Bánh pía là đặc sản được bày bán nhiều ở các điểm du lịch của Sóc Trăng. Du khách chọn lựa đặc sản bánh pía nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. |
Người Sóc Trăng lâu nay có thói quen biếu tặng bánh pía cho nhau trong mỗi dịp Cúng Trăng (rằm tháng 10 âm lịch) hoặc lễ tết như một cách để bày tỏ tình thân ái. Tất cả đều thấm đẫm trong hương vị ngọt ngào đậm đà, chân chất của một vùng quê Nam Bộ, nơi giao thoa bản sắc văn hoá của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Kh’mer. Không chỉ vậy, giờ đây, bánh pía Sóc Trăng còn là một sản phẩm đặc trưng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, quảng bá văn hóa và du lịch của địa phương./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân
http://vietnam.vnanet.vn/vnp/vi-vn/13/117/117/35293/default.aspx