Mặt đẹp có tốt số?
Theo nhân tướng học thì không có một khuôn mặt với tỷ lệ vàng mà được xem xét dựa theo từng nét, từng bộ phận. Hình hài của mỗi bộ phận có tiếng nói riêng, khi xem xét số phận con người phải dựa trên tổng thể các nét để bù trừ. Vì vậy, đôi khi một khuôn mặt đẹp về tự nhiên chưa chắc đã tốt theo nhân tướng học.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Bộ môn năng lượng sinh học, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Phụ nữ có khuôn mặt đẹp trước hết ba tầng mặt phải đều nhau, cân đối, không bị khuyết lõm. Trong đó, đôi mắt phải to sáng, sống mũi cao, thẳng, gò má và đôi môi đầy đặn, nhân trung rõ ràng, ấn đường đầy đặn, hai bên lông mày cân đối, dài bằng mắt, tai có thành quách rõ ràng… Vẻ đẹp trên khuôn mặt thể hiện được nội tâm, thần sắc trong sáng thì đó là một người tốt số. Tuy nhiên, trên thực tế không thể có một khuôn mặt đạt đến độ hoàn mỹ với tất cả các bộ phận như nói ở trên. Mỗi khuôn mặt chỉ cần có được từ 2 nét đạt tiêu chuẩn như trên đã được coi là may mắn rồi”.
Chuyên gia nhân tướng Nguyễn Văn Ngọc, Bộ môn Dự báo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cũng cho rằng: “Đôi mắt đẹp là đôi mắt luôn mở to, thể hiện tính cách hào phóng, ngay thẳng, trong sáng. Hình mũi dài, thẳng, cánh mũi đầy đặn thì được chồng yêu, con kính vì với phụ nữ, mũi thể hiện đường chồng con. Sống mũi cao, thẳng với đầu mũi tròn, hai cánh mũi đầy đặn báo trước một cuộc sống thịnh vượng. Hai bên gò má đầy đặn và đều nhau là người rất tự tin và có chí tiến thủ. Nhân trung phải có đường chảy tốt vì nó là biểu tượng cho dòng sông. Với nam giới nhân trung rộng, rõ ràng, biểu hiện của người có lòng bao dung, cởi mở. Ấn đường (vị trí giữa hai bên lông mày) đầy đặn sẽ được nhiều người giúp đỡ và bản thân cũng có khả năng thích nghi với hoàn cảnh và sự vật mới rất tốt. Hai bên lông mày đều nhau, độ dài che kín mắt là người sống thọ, coi trọng tình cảm, dễ được đề bạt, cất nhắc”.
Về tướng môi, các nhà nhân tướng đều có chung quan điểm phải đều đặn nhưng lại chia ra làm 3 kiểu môi đẹp với ý nghĩa khác nhau. Thứ nhất là môi đầy đặn, luôn khép với nhau một cách hài hòa là người tự nhiên và thoải mái, luôn thích có những cơ hội để thử thách và nắm bắt, nhưng điểm yếu là thiếu kiên nhẫn, dễ nản khi gặp trở ngại. Thứ hai là người có đôi môi chúm chím như bông hoa mới hé nở. Nếu là phụ nữ, họ có thể làm nhiều chàng trai theo đuổi sập bẫy bởi vẻ bên ngoài duyên dáng, nhưng thực chất không đơn giản vì đó là những cô gái khá “chảnh” tính. Thứ ba là môi lúc nào cũng tươi rói như muốn cười là người lạc quan. Phụ nữ có môi như vậy thường có vẻ đẹp cổ điển: dịu dàng, chăm chỉ, cần mẫn và không muốn làm mếch lòng ai.
Tướng diện và số phận
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trưởng Bộ môn Dự báo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho rằng: “Về nguyên tắc mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, cấu trúc và chức năng bao giờ cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ. Ở con người, chương trình di truyền này thì có tích cách này mà chỉ những người có chuyên môn về nhân tướng học mới nhìn ra. Tục ngữ có câu: “Trông mặt mà bắt hình dong” ý là hình thức có khả năng thể hiện nội dung, tính cách con người. Thậm chí, hình thức liên quan đến cả số phận.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, trong tướng pháp có hàng loạt vấn đề như tướng diện, tướng thanh, tướng cốt... Tướng diện bao gồm toàn bộ con người từ hình dáng, cách đi đứng, sự cân đối, ưu điểm hoặc khuyết được thể hiện qua diện mạo bên ngoài. Tuy nhiên, xem nhân tướng không chỉ dựa vào diện mạo, khuôn mặt bên ngoài mà phải căn cứ vào giọng nói, cốt xương của mỗi người.
Chuyên gia nhân tướng Nguyễn Văn Ngọc cũng cho rằng, khi một người trong lòng vui tất nhiên mặt sẽ hiện lên nét vui tươi, rạng ngời. Còn trong lòng buồn, nét mặt trở thành lo âu sầu khổ. Cái lý của tướng diện cũng tương tự như tâm lý để lộ qua hình hài, thái độ. Qua tướng diện biết được tâm, thì chắc chắn tâm ảnh hưởng diện. Thế nên, muốn đổi tướng trước hết cần chuyển tâm, điều này không nghịch lý mà lại thuận theo nghĩa tương đồng.
Trong sách tướng nào cũng có câu: “Hữu tướng vô tâm tướng tùng tâm diệt. Hữu tâm vô tướng tướng tự tâm sanh”, nghĩa là: “Có tướng mà không có lòng tốt thì tướng cũng mất. Có lòng tốt mà không có tướng thì tướng quí cũng sẽ sinh ra”. Cho nên thấy tướng xấu chưa chắc gặp xấu, thấy tướng tốt chưa chắc người gặp tốt vì còn do tâm tốt hay tâm xấu mà có sự biến đổi nhất định.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du tả Thuý Vân: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” là con người có cuộc đời rất êm ả. Nhưng khi tả Thuý Kiều lại là cái đẹp liên quan mật thiết đến số phận: “Làn thu thuỷ nét xuân sơn/ Mây ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Một nét đẹp phát tiết ra ngoài nên “Nghìn thu bạc mệnh một đời hồng nhan”...
Nguyễn Phúc Giác Hải
|
Hạnh Mai
Báo Gia đình & Xã hội cuối tuần Xuân Canh dần