Saturday, October 12, 2013
Ý Nghĩ Của Người Tu
Hôm nay tôi nói chuyện về ý nghĩ của người tu. Nghĩa là người tu chúng ta phải tu ngay từ trong ý nghĩ của mình. Ý nghĩ là một thứ nghiệp quan trọng, chủ yếu trong sinh hoạt của tất cả chúng ta. Vì vậy nói tu, thì chúng ta phải nhắm thẳng vào điểm gốc này mà tu. Như chư Phật và liệt vị Tổ sư đã từng dạy chúng ta rằng: nếu người biết tu, tu đúng, thì một ngày của người đó bằng bao nhiêu năm tháng dài của những người tu mà không nắm rõ chủ trương đường lối.
Nói vậy, không có nghĩa là chúng ta dám tự hào, mình là người biết tu, là người nắm rõ chủ trương đường lối hơn bất cứ người tu nào khác. Nhưng chúng ta được chút duyên lành có thầy có bạn, chúng ta biết cách thức tu hành và chúng ta cũng biết được những nghiệp tập nào là những nghiệp tập cốt lõi, cốt tủy của chính chúng ta. Nó là những cố tật, biết rồi thì chúng ta nhắm thẳng vào những cố tật này đả thông, sửa đổi, hoặc là chỉnh đốn để được tốt đẹp.
Buổi nói chuyện này chúng tôi nhắm thẳng vào những ý nghĩ. Những suy nghĩ hay là tác động về ý của người tu nói chung, không luận là người tu thiền hay tu bất cứ pháp môn nào trong đạo Phật. Đây là điều rất cần thiết đối với người tu. Vì rằng, nhiều lúc chúng ta hiểu biết nhiều quá, chúng ta áp dụng nhiều cách tu hành trong đạo Phật quá, chúng ta thọ nhiều giới quá v.v... thành nhận định của chúng ta chung chung. Chúng ta chưa có được một nhận định chính xác xem cái nào là chính, cái nào cần hành trì trong sinh hoạt của mình.
Trong Kinh có một bài như sau: Một hôm Ngài A Na Luật ngồi thiền ở chỗ vắng vẻ, Ngài suy nghĩ thế này:
Người tu theo đạo pháp của Phật thì phải là người thiểu dục, tri túc. Đây là bước đầu thông thường của người học Phật. Nếu chúng ta học Phật mà chúng ta không thiểu dục thì chúng ta hành trì chưa đúng. Chưa đúng thì không thể có kết quả được. “Thiểu” nghĩa là ít, là gọn gàng, giản dị, tối thiểu. Quả thật người tu thì phải thiểu dục. Nếu không thì bận rộn. Đa dục hoặc sẽ bị những thứ lăng xăng trước mắt cuốn lôi, qua mất một đời không có lợi lạc gì. Sau khi “thiểu dục” rồi thì phải biết “tri túc”, là vừa đủ. Nhưng vừa đủ như thế nào ? Nghĩa là phải giới hạn tùy theo những nhu cầu của bản thân. Không nên buông lung theo những nhu cầu mới mẻ, hiện đại. Chẳng hạn, nói đến việc thông thường như ăn thôi, nếu chúng ta không giới hạn có chừng mực, mà dùng quá nhiều, hoặc thức ăn làm nặng bụng, hoặc quá nóng, quá lạnh, quá sống... vào buổi chiều, thì thời gian công phu đêm của chúng ta xem như bỏ phí. Nặng bụng thì ngồi thiền cũng không được mà tụng kinh lạy Phật cũng không xong. Vì vậy, giới luật là một phần giúp chúng ta biết thiểu dục, tri túc.
Đối với người tu thích ứng ở chỗ lặng lẽ. Có một điều chúng ta dễ sai lầm trong việc tu hành ngày hôm nay là “cứ xông pha”. Nên rồi thời gian tu tập thì dài mà việc ngộ đạo thì ít. Nói là tu mà tam nghiệp vẫn y nguyên, tham sân si vẫn đầy dẫy. Đối duyên xúc cảnh mình vẫn bị động, vẫn bị kéo lôi. Đây là điều cốt lõi chúng ta cần phải kiểm lại.
Người xưa dạy chúng ta phải lựa chỗ tu thích hợp. Chỗ thích hợp của người tu không luận pháp môn nào, cũng là chỗ “tránh duyên, tương đối yên lặng”. Nếu không, sự ồn náo đã làm mất thời gian hiện tại mà còn để lại “dư âm”, làm mất thời gian khi chúng ta thực hành công phu. Hòa thượng Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm từng nói với chúng tôi “Dù cho người tu có trí tuệ, sức mạnh hoặc những điều kiện tu hành đắc lực như thế nào, mà không tránh duyên thì cũng không thể bảo quản công phu của mình cho tốt đẹp, cho viên mãn theo ý mình đã định”.
Vì vậy đọc hành trạng của các vị Tổ sư, Thiền sư, các Ngài sau khi nhận ra “bản tâm”, liền tìm một chỗ thích hợp để nuôi dưỡng bảo quản đến khi hoàn toàn “an ổn” mới ra giáo hóa. Ngày nay chúng ta không được phúc duyên như vậy, nên tự mình phải ý thức mà sắp đặt. Thấy mình yếu ở phương diện nào, còn vướng ở những mặt nào thì nên tránh duyên để trị được bệnh của mình. Đây là chỗ khéo của người tu.
Người tu phải là người siêng năng liên tục. Siêng năng của mình thường là “từng khúc từng đoạn”, luôn luôn bị động bởi những duyên sự. Chúng ta ít giữ thời khóa, những việc “đột xuất” thường thích thú hơn những việc sắp đặt trong chương trình. Người xưa đạt đạo rất nhiều, còn thời đại chúng ta cũng nhiều người tu, nhưng nghe nói sáng đạo thì chưa nhiều. Đây là điều chúng ta nên suy nghĩ. Không thì ngày qua ngày rồi mất. Nếu chúng ta cứ buông xuôi... cho đến phút giây quan trọng cuối đời, không làm chủ được, lỡ mất thân này, theo nghiệp dẫn, trôi dạt đâu đó thì muôn ngàn đời chưa biết ngày trở lại của mình là ngày nào, ở đâu? Vì vậy nói chung, người tu theo Phật phải siêng năng tu trì.
Người tu phải là người chế ngự tâm. Chế ngự tâm tức là chế ngự những dấy niệm của mình. Tâm là cái gì không biết, nó vô hình vô tướng. Chúng ta chỉ biết được cái dụng do nó phát ra. Những vết tích của nó là tác động của căn trần thức. Nó không phải là cái thật chỉ là vọng tưởng. Vọng tưởng không thật, nhưng nếu không buông được, thì không phải nó không có. Chính vọng tưởng là cái dẫn ta đi trong luân hồi. Chính vọng tưởng làm ta bị cột trói trong cuộc đời này.
Chúng ta còn may mắn là được làm người. Chẳng may chúng ta ở địa ngục hay có phúc duyên ở cõi trời, một nơi quá khổ và một nơi chỉ có thụ hưởng... thì quả thật tu hành khó lắm, thưa quí vị! Đây là vấn đề rất quan trọng trong việc tu hành của chúng ta. Vì vậy chúng ta phải chế ngự cho được vọng động của chúng ta. Còn chế ngự như thế nào thì mỗi người có một phương thức riêng, qua sự hướng dẫn của các vị Tổ, vị thầy. Đối với pháp không có gì cố định, nên phương thức chế ngự vọng tâm của từng người, chúng ta tôn trọng. Không dứt khoát phải thế này hay thế kia, mà tùy theo căn nghiệp của từng người, nên nẩy sinh sự tu khác nhau. Vấn đề chủ yếu là, làm sao chúng ta được định tuệ hiện tiền, không bị kéo lôi bởi ngoại cảnh.
Người tu phải là người tâm định. Nói dễ hiểu là đừng nghĩ tưởng nhiều. Nhưng chúng ta thì nghĩ tưởng và suy toán nhiều quá. Sự suy nghĩ và tưởng tượng là sản phẩm hào nhoáng của vọng tâm. Chính sự nghĩ tưởng vọng động làm đời sống của chúng ta trở nên già nua, suy yếu, cằn cỗi và phiền toái. Từng phút giây mình bị ngốn, bị trôi dạt, nhưng lại không biết, rồi lặng lẽ cho qua. Người xưa đã chiêm nghiệm thấy rõ và dặn chúng ta cố gắng đừng suy nghĩ nhiều. Nếu có suy nghĩ thì nên suy nghĩ có giới hạn, trong một phạm vi để tâm còn định. Còn cứ trôi dạt trong sự nghĩ suy tơ tưởng thì không thể tu được. Đây là căn bệnh trầm kha của người tu chúng ta, cần phải khắc phục.
Nếu người tu biết thiểu dục tri túc và siêng năng liên tục, chế ngự được tâm, dừng được những nghĩ tưởng thì người đó sẽ có trí tuệ. Đây là kinh nghiệm để lại của người xưa. Khi nào chúng ta áp dụng và dừng được những điều trên thì chúng ta có trí tuệ. Trí tuệ ở đây không phải là tốt nghiệp bằng cấp cao, hoặc tốt nghiệp ở những trường trên thế giới... mà trí tuệ này là do chúng ta buông bỏ vọng tưởng, làm chủ được mình, không bị kéo lôi bởi những hiện tượng truớc mắt. Nó là cái sẵn có của chúng ta, nhưng chúng ta từ lâu chẳng chịu nhận. Các vị Thiền sư nói “không bị quá khứ, hiện tại, vị lailàm khốn mình, đó là có trí tuệ”. Người có trí tuệ là người bất động, nên nói “tám gió thổi chẳng động”, là những người dám nhận lại “cái của mình”.
Qua những ý nghĩ của A Na Luật, đức Thế Tôn đi đến và khẳng định những điều A Na Luật nghĩ là đúng, đáng khen ngợi! Đó là những điều rất cần thiết đối với bất cứ người tu nào. Kiểm nghiệm lại mà xem thì quả thật, nếu chúng ta chưa làm chủ được các dấy niệm, trong mọi thứ quan hệ tương giao chúng ta chưa dừng được, thì chúng ta không thể có sự định tỉnh. Nếu không định tỉnh làm sao có trí tuệ sáng suốt?
Về công phu tu hành, người xưa nói : “Dù một giọt nước nhỏ mỗi ngày nhỏ vào đá, cũng xuyên thủng khối đá”. Điều này nhắc nhở chúng ta về sự liên tục, kiên trì và quyết tâm. Nhìn lại mình bây giờ, thử hỏi lòng quyết tâm kiên trì của mình có dũng mãnh hay không? Có cương quyết hay không? Sở dĩ công phu tu hành của mình luôn trì trệ, không tiến là do tâm kiên trì mình còn yếu, còn kém, chưa quyết tâm.
Việc này đối với Phật tử tại gia khó đã đành, mà ngay trong đời sống của những người xuất gia cũng thế. Cái khó của chúng ta là thế, nhưng không phải là chúng ta không làm được. Công phu của mình mỗi ngày một ít, nhưng nếu chúng ta bảo quản gìn giữ, đừng để gián đoạn hay mất, cứ tích lũy, chịu khó, thì có ngày cũng viên mãn. Trên đường tu, không luận là dài hay ngắn, nghiệp tập sâu dày hay phước báu nhiều bao nhiêu, không luận là tu thiền hay tịnh độ, nếu công phu không liên tục thì cũng như cọ cây lấy lửa, cây chưa nóng đã ngừng, biết bao giờ mới lấy được lửa?
Người tu tịnh độ, niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu vãng sanh. Nếu niệm liên tục không bị xen tạp từ một ngày cho tới bảy ngày thì được Phật rước. Nhưng vì niệm gián đoạn, thành Phật không thể rước được. Thiền cũng vậy! Thầy dạy “buông hết thì được trí tuệ, sáng được việc của mình”. Mới nghe có vẻ dễ hơn, nhưng chúng ta buông cái này thì dính cái kia, buông cái nhà thì dính cái cốc, biết chừng nào định? Làm sao có trí tuệ? Điểm khuyết của chúng ta là vậy. Cái dễ làm còn không được nói gì cái khóù!
Lúc đầu chỉ là một ý niệm cần thiết cho sự tu hành, nhưng những ý niệm này sẽ quyết định và hình thành nên ý chí của chúng ta. Nó sẽ giúp chúng ta hành trì liên tục, quyết liệt cho đến ngày viên mãn.
Trong một đoạn nhân duyên đời trước của đức Thế Tôn, có một khoảng đức Phật làm chim oanh vũ. Trong một trận cháy rừng, trước cảnh đau thương tan tác của bầy thú, với sức bé bỏng của mình, chim đã phát nguyện dập tắt ngọn lửa. Một khi đã phát nguyện, chim cứ thế mà làm. Chư Thiên nhìn thấy, cho là điều không thể làm được. Chim nói “Lửa này chỉ là lửa thường. Lửa sân hận, si mê, điên đảo nhiều đời nhiều kiếp, tôi còn phát nguyện dập tắt được thay, hà huống là lửa này!” Thân này nếu chưa dập tắt được thì thân sau, thân sau nữa... đến khi nào dập tắt mới thôi.
Lúc đầu chỉ là một ý niệm cần thiết cho sự tu hành, nhưng những ý niệm này sẽ quyết định và hình thành nên ý chí của chúng ta. Nó sẽ giúp chúng ta hành trì liên tục, quyết liệt cho đến ngày viên mãn.
Trong một đoạn nhân duyên đời trước của đức Thế Tôn, có một khoảng đức Phật làm chim oanh vũ. Trong một trận cháy rừng, trước cảnh đau thương tan tác của bầy thú, với sức bé bỏng của mình, chim đã phát nguyện dập tắt ngọn lửa. Một khi đã phát nguyện, chim cứ thế mà làm. Chư Thiên nhìn thấy, cho là điều không thể làm được. Chim nói “Lửa này chỉ là lửa thường. Lửa sân hận, si mê, điên đảo nhiều đời nhiều kiếp, tôi còn phát nguyện dập tắt được thay, hà huống là lửa này!” Thân này nếu chưa dập tắt được thì thân sau, thân sau nữa... đến khi nào dập tắt mới thôi.
Không chỉ một chuyện tiền thân đức Thế Tôn, mà trong hành trạng của các Thiền sư, với những lời phát nguyện như “Nếu do những tập nhân đời trước con phải trả, con nguyện trả hết. Và xin nguyện nương nơi chủng trí Bát-nhã, trả hết nghiệp cũ trở lại tu. Dù có rơi vào ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, vẫn nguyện nương nơi chủng trí Bát-nhã mà tu, cho đến khi nào thành Phật mới thôi”. Tất cả điều ấy nói lên ý chí cần có của người tu Phật. Không có điều này chúng ta không thể tu cho đến viên mãn được.
Đức Phật của chúng ta đã nói, tất cả chỉ là vọng tưởng, dấy niệm là vọng tưởng, những gì chung quanh ta là vọng tưởng, tiền tài danh vọng đều là vọng tưởng... Chúng ta tin thì có tin, cũng có lúc nhận ra như vậy, nhưng buông thì thật chưa dám buông!
Tóm lại, dù chúng ta đang là người ở địa vị nào, là phàm phu, là những người tu hành đắc lực, hoặc là những người đang còn trăm công ngàn việc, là nam hay nữ... một khi thấy được con đường đạo là như vậy, con đường giải trừ tham sân phiền não của mình là như vậy, và quyết tâm hành trì thì dù trải dài bao nhiêu kiếp số, vẫn cố gắng quyết tâm.
Khi đã khẳng định con đường mình chọn rồi, sẽ có sự phò trợ của Tam Bảo, sự hướng dẫn của chư vị Tổ sư. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Khi đã khẳng định con đường mình chọn rồi, sẽ có sự phò trợ của Tam Bảo, sự hướng dẫn của chư vị Tổ sư. Chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Subscribe to:
Posts (Atom)