Tuesday, October 29, 2013

THI TỤNG 10 BỨC TRANH CHĂN TRÂU


«Hạng người thứ bảy chưa chịu chăn (chưa chịu tu), đó là : Đuổi theo bám víu việc đời, ngày càng tinh chuyên, tâm động mà chẳng chịu chăn. Vì sao? Kinh Pháp Cú Thí Dụ nói: “Như giấy gói hương, dây buộc cá.” Vật vốn trong sạch, đều bởi duyên mà dấy thành tội phước. Bạn hiền minh thì đạo nghĩa ngày thêm đầy. Bạn ngu tối thì ngày càng gom tụ họa ương. Giống như giấy và dây, gần hương thì thơm, gần hôi thì tanh. Nó thấm dần trở thành thói quen, đều chẳng tự hay biết. Nên bậc Tiên đức nói: “Dừng dừng dừng, kíp tu mau. Trời trong chẳng chịu đi, đợi đến mưa ướt đầu.”
Hạng người trên đây, thuận theo bánh xe nghiệp, chính mình bỏ mất gốc đạo nên chẳng chịu chăn»
( trích “ THI TỤNG 10 BỨC TRANH CHĂN TRÂU” - Thiền sư Quảng Trí)

VĂN GIỚI VỌNG NGỮ

Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc. Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai; nói một lời thì bóng theo chẳng lệch. Quân tử trọng lời như biện; cổ nhân ngừa nói như bình. Nói ra thì ngay thẳng công bằng; mở lời thì không cong queo tà vạy. Không nói đây hay kia dở; chẳng bàn mình phải người sai. Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời. Vả nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước. Chẳng những kẻ nói là vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy.
Đời này bị người khinh rẻ, sau khi chết bị nghiệp kéo lôi. Hoặc kềm sắt kéo lưỡi cam chịu chua cay. Hoặc nước đồng sôi rót vào miệng lòng ôm đau đớn.
Kệ rằng:
Kề vai cười nói khua lưỡi môi,
Cứ mãi làm người vọng ngữ thôi.
Riêng ý cầu tài, mong người thích,
Sau cùng khó tránh nghiệp kéo lôi.
***
(theo KHÓA HƯ LỤC - Trần Thái Tông * HT. Thích Thanh Từ dịch và Giảng giải)

Thế nào là chuyển nghiệp?

"Thế nào là chuyển nghiệp? Chuyển nghiệp giống như trả nợ. Vay nợ thì phải trả, nhưng không nhất thiết rằng vay gạo thì phải trả gạo, vay tiền thì phải trả bằng tiền. Người vay tiền có thể không trả nợ bằng tiền mà thay vào đó bằng sức lao động. Như vậy con nợ vừa có thể trả được nợ vừa có thể tự mưu sinh để không phải vì trả nợ mà chết đói. Cũng vậy, hành giả sám hối để chuyển nghiệp; trong khi vừa trả quả vẫn có thể tu tập phát triển định và huệ đầy đủ. Như vậy luật nhân quả nghiệp báo không bao giờ trống rỗng mất ý nghĩa, và lời Phật dạy vẫn là chân lý bất dịch ; Phật nói : Chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp ; nó phải nhận lãnh hậu quả của những điều nó đã làm."
(HT. Tuệ Sỹ - Du Già Bồ Tát Giới - Phần Tổng Luận)

Soup măng cua chay

Soup măng cua chay

Nguyên liệu: 

• 1kg củ sắn 
• 2 củ carrot 
• 1 hộp măng tây 
• 1 miếng tàu hủ ky lớn 
• 1 muỗng súp đầy bột năng 
• Ngò, tiêu, muối, bột ngọt 
• 1 muỗng cà phê nước tương

Cách làm:

1. Củ Sắn: gọt vỏ, rửa sạch thái chỉ , sau đó đem nấu với chút muối để lấy nước dùng (độ 2 lít). Hớt bọt cho nước được dùng trong. 

2. Carrot: Gọt vỏ, rửa sạch, bỏ chung vào nồi luộc sắn, luộc cho mềm. Khi carrot mềm, sắt thành hột lựu nhỏ, dùng làm giả gạch cua. 

3. Tàu Hũ Ky: Ngâm nước lạnh độ 15 phút, rửa sạch, để ráo nước, xắt nhỏ thành cọng như mì, dùng làm da gà. 
4. Măng Tây: cắt nhỏ 

5. Bột Năng: Hòa với 3 muỗng súp nước lạnh. 

6. Bắt nồi nước dùng lên bếp, đổ nước trong hộp măng tây vào, đợi sôi, bỏ tàu hũ ky, măng tây, nước bột năng, cho nước dùng sanh sánh, nêm muối, tiêu, bột ngọt, nước tương, nêm vừa ăn là được. Khi tất cả sôi lên , nhắc xuống. 

7. Múc soup ra tô, xung quanh tô rắc cà rốt , giữa để cọng ngò cho đẹp, rắc thêm tiêu cho thơm. Dùng nóng . 
( nguồn Ni Viện Thiện Hòa)