Friday, November 1, 2013

Năng lực cầu nguyện - Thầy Thích Trí Siêu


Trong một cuộc thử nghiệm, giáo sư Masaru Emoto đã nhờ 500 người dân sống ở các vùng khác nhau trên nước Nhật tham gia. Vào một thời điểm nhất định được thông báo trước, giáo sư Emoto đặt một ly nước lên bàn rồi yêu cầu mọi người nghĩ đến tình thương và cầu nguyện cho ly nước đó trở nên trong sạch.
Nếu mẫu nước lấy từ vòi nước công cộng bị ô nhiễm ở quận Shinagawa, Tokyo, sau khi được làm đông đặc và chụp hình thì cho thấy tinh thể có dạng "Méo mó, kỳ quái". Cũng từ mẩu nước trên, sau khi được 500 người ở những nơi khác nhau cùng chú nguyện bằng tình thương thì ảnh chụp tinh thể nước đá cho ra hình bông hoa sáu cánh rất tươi đẹp. Điều này chứng minh rằng tư tưởng của nhiều người, dù ở cách xa nhau, vẫn có thể được tập trung và ảnh hưởng trên một đối tượng.  
Lần nọ, sau khi được biết vị Sư trưởng Houki Kato của tu viện Mật tông thường hành lễ cầu nguyện trên đập Fujiwara, quận Gunma, giáo sư Emoto liền đến làm cuộc thử nghiệm, ông lấy một mẩu nước trong đập trước buổi cầu nguyện. Vị sư trưởng tụng kinh cầu nguyện hết sức trang nghiêm trong vòng một tiếng, và chưa đầy mười lăm phút sau đó, mọi người tham dự, kể cả ông Emoto, cùng ồ lên ngạc nhiên vì nước trong đập đã hoàn toàn thay đổi. Trước khi cầu nguyện, nước trong đập đục ngầu, không soi thấy hình. Giờ đây nước trở nên trong sạch và người ta nhìn thấy được hình cây cối soi trên mặt nước. Đương nhiên ông Emoto đã lấy mẩu nước sau buổi cầu nguyện đem về chụp hình tinh thể. Kết quả như ông đoán trước, nước trong đập trước khi cầu nguyện cho ra hình dạng xấu xí giống như mặt người đau khổ sắp chết, còn nước sau khi cầu nguyện cho ra tinh thể hình bông hoa sáu cánh tuyệt đẹp, với một đốm hào quang bên trong.
Chúng ta thường nghĩ nước chỉ là một chất lỏng vô tri, vô giác, nhưng thực tế nó rất nhạy cảm và phản ứng với những gì chúng ta suy nghĩ, nói năng. Để chứng minh điều này, giáo sư Emoto đã thử nghiệm cho người nói lời "Cảm ơn" vào một mẩu nước lọc. Sau đó ông chụp ảnh tinh thể và thấy nó cho ra hình bông hoa sáu cánh tươi đẹp, bày tỏ sự trang nhã, lịch sự như cảm nhận được lời cảm ơn của chúng ta. Ngược lại, khi cho người mắng câu "Đồ ngu" vào cùng mẩu nước lọc thì nó không còn cho ra hình bông hoa nào hết mà chỉ còn lại những đốm lăn tăn như mảnh vỡ. 
Trên đây chỉ là vài thí dụ khoa học cho thấy năng lực của sự cầu nguyện có ảnh hưởng với nước. Và nước là chất cấu tạo 70% cơ thể con người. Do đó nếu biết cầu nguyện, nói cách khác là khởi lên những tư tưởng và lời nói tốt lành thì chúng ta có thể thay đổi được hóa chất của nước trong cơ thể, có thể từ bệnh hoạn trở nên khỏe mạnh.  Và ngược lại, nếu chúng ta khởi lên những tư tưởng và lời nói xấu ác thì có thể đi từ khỏe mạnh đến bệnh hoạn.
Đương nhiên không phải sự cầu nguyện nào cũng cho ra kết quả như ý, vì nếu cầu gì được nấy thì trên thế gian này đã có hàng tỷ người triệu phú và không còn ai bị già, bệnh, chết, đau khổ nữa. Đạo Phật Nguyên thủy không chủ trương cầu nguyện mà chú trọng vào sự tu tập diệt trừ tham, sân, si. Tuy nhiên không phải vì thế mà cầu nguyện không có ảnh hưởng. Phật giáo Đại thừa và Mật tông biết được năng lực của sự cầu nguyện nên đã khai triển và áp dụng vào sự tu tập.
Theo vật lý lượng tử (quantum physics) thì tất cả sự vật đều là những lượng tử rung động với tần số (frequency) khác nhau. Nếu biết thay đổi tần số rung động của lượng tử thì thay đổi được vật chất. Một ly thủy tinh có thể tan vỡ khi gặp một âm thanh cộng hưởng (resonance). Cũng thế, người ta biết dùng máy siêu âm (ultrasound) để bắn tan những viên sạn thận mà không cần phải mổ. 
Tâm là một thứ đặc biệt nhất trên thế gian, bởi vì nó có khả năng thay đổi sự rung động. Không ai có thể thấy được tâm, nhưng người ta có thể đo được điện sóng não tượng trưng cho sự hoạt động của tâm. Khi tâm suy nghĩ quá nhiều thì người ta đo được sóng não ở dạng beta. Khi suy nghĩ bớt dần thì sóng não ở dạng alpha, khi lắng hơn nữa thì sóng ở dạng theta, và khi tâm hoàn toàn yên lặng nghỉ ngơi thì sóng ở dạng delta. 
Những người cầu nguyện hay quán tưởng, khi chú tâm hết mức vào một đề mục nào đó thì sẽ phát ra những làn sóng cực mạnh, và nếu có nhiều người cùng cầu nguyện với sự thành tâm hướng về một đối tượng thì những làn sóng này sẽ hòa vào nhau tạo ra một sự rung động cộng hưởng (resonance) và năng lực của nó mạnh vô song, có thể thay đổi sự rung động của vật chất, và từ đó làm thay đổi sự vật mà danh từ bình dân gọi là "Phép lạ".
Cầu nguyện đơn giản chỉ là một sự hướng tâm về một đề mục. Nhưng đa số sự hướng tâm của chúng ta rất yếu ớt thiếu tập trung nên không đủ tạo ra sức mạnh thay đổi sự vật. Người tu thiền định hay thiền chỉ trên hình thức ngồi yên lặng không nói năng ồn ào nhưng so ra họ cũng làm tương tự như người cầu nguyện là hướng tâm về một đề mục. Khi sự hướng tâm hay định tâm tới mức cùng cực thì họ cũng có thể làm được "Phép lạ". Vì sao? Vì "Phép lạ" là khả năng thay đổi sự vật tùy theo "tâm" muốn.  Các vị A-la-hán không cầu nguyện nhưng chỉ cần chú nguyện hay khởi ý thì phép lạ xuất hiện. Thí dụ như trường hợp của Nguyệt Quang đồng tử Bồ tát trong kinh Lăng Nghiêm, chuyên tu quán tưởng về nước. Khi ngài nhập định thì nước hiện ra lai láng xung quanh và đệ tử đi qua cũng trông thấy. Do định tâm mãnh liệt về nước, ngài đã thay đổi sự rung động của các nguyên tử hiện diện trong căn phòng và khiến chúng rung động (vibrate) theo tần số của nguyên tử nước (H2O), và từ đó nước xuất hiện xung quanh ngài. Loại nước này không phải tự nó sẵn có mà do tâm định của ngài ảnh hưởng tạo nên, trong kinh gọi là "Định quả sắc", tức là một hình sắc vật chất xuất hiện do tâm định áp chế. Đến khi ngài xả định, tâm không còn tập trung về nước nữa thì các nguyên tử nước này tan rã trở về trạng thái không khí trước đó. 
"Tâm sinh các pháp sinh, tâm diệt các pháp diệt", nếu chúng ta không tu thiền hay nhập định được thì có thể cầu nguyện, và nếu cầu nguyện hết sức thành tâm thì phép lạ có thể xảy ra. Tuy nhiên theo luật của vũ trụ pháp giới, nếu sự cầu nguyện mang tính chất vị ngã, ích kỷ, tham lam, sân hận thì dù có thành tâm cách mấy đi nữa cũng không thành.

(1) Sóng beta có tần số từ 14 đến 30 Hz (Hertz) trong một giây.
 (2) Sóng alpha có tần số từ 9 đến 13 Hz.
 (3) Sóng theta có tần số từ 4 đến 8 Hz.
 (4)Sóng delta có tần số từ 1 đến 3 Hz.

HẠNH PHÚC NHỜ BUÔNG XẢ - Thầy Thích Trí Siêu



Có người nọ nghe nói về một đạo sư nổi tiếng nên tìm đến hỏi đạo. Đến nơi, anh thấy trong nhà của vị đạo sư trống trơn, chỉ có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cuốn sách. 
Anh ngạc nhiên hỏi: "Sao nhà đạo sư trống trơn, không có đồ đạc gì cả?"
Đạo sư hỏi lại: "Thế anh có hành lý gì không?"
Anh đáp: "Dạ có một va li".
Đạo sư hỏi: "Sao anh có ít đồ vậy?"
Anh đáp: "Vì đi du lịch nên đem ít đồ".
Đạo sư nói: "Tôi cũng là một người du lịch qua cuộc đời này nên không mang theo đồ đạc gì nhiều".
Chúng ta thường quên mất mình chỉ là khách du lịch qua cuộc đời này, lầm tưởng mình sẽ ở mãi nơi đây, nên tham lam, ôm đồm, tích trữ quá nhiều đồ vật, tài sản. Đàn bà thì chất chứa quần áo, vòng vàng, nữ trang. Đàn ông thì máy móc, xe hơi, ti vi, máy điện tử.
Tranh Chấp
Mỗi khi có sự tranh chấp, buồn phiền, chúng ta thường có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác. Sau đây là ba trường hợp:
a. Người chưa biết đạo thì luôn cho mình đúng và người kia lỗi 100%.
b. Người bắt đầu học đạo, biết tu thì thấy cả hai bên đều có lỗi 50%.
c. Người hiểu đạo thì thấy mình lỗi 100%.
1/ Người chưa biết đạo thì luôn cho mình đúng 100%. Do vô minh và chấp ngã quá lớn, cho mình là người quan trọng nhất, nghĩ cái gì cũng phải, cũng đúng, nên xảy ra chuyện gì trái ý cái ngã (cái ta) thì tức giận bắt lỗi người khác. Thí dụ một chuyện thật xảy ra ở Hoa Kỳ, có một bà già vào mua cà phê tại tiệm Starbucks, không biết vì lý do gì, bà uống ly cà phê bị phỏng miệng. Thế là bà nổi giận làm đơn kiện tiệm này đã bán cho bà ly cà phê quá nóng khiến bà bị phỏng miệng và đòi bồi thường hai triệu đô la. Bà ta không thấy lỗi mình là khi cầm ly cà phê lên, nếu thấy nóng thì phải biết thổi cho nó nguội rồi mới uống, đàng này có thể vì tham ăn, tham uống, thấy ly cà phê bốc mùi thơm phức, mờ mắt húp cái ực nên bị phỏng miệng. Trong khi đó biết bao nhiêu người khác uống đâu có bị phỏng? Không những không biết lỗi mình mà còn đi kiện người ta!
Một chuyện khác có thật cũng xảy ra tại Hoa Kỳ. Một ông nọ đưa bộ đồ vét (veste, suit) đến một tiệm giặt ủi. Khi lấy bộ đồ về thì nhận ra cái quần không phải của mình. Ông đem trả lại tiệm và khiếu nại. Khoảng một tuần sau, chủ tiệm đưa cho ông một quần khác, nhưng ông vẫn không công nhận là quần của ông. Thế rồi ông làm đơn kiện tiệm giặt ủi. Chủ tiệm đề nghị bồi thường ông 12.000 đô la nhưng ông không chịu mà đòi 54 triệu. Đương nhiên là quan tòa đã bác đơn của ông ta.
2/ Người bắt đầu học đạo và biết tu thì thấy cả hai bên đều có lỗi 50%. Ở đây nói 50% là nói tượng trưng, vì có thể là 40% và 60%, hoặc 30% và 70%, hoặc 20% và 80%, v.v... Khi xảy ra một sự tranh chấp, cãi nhau thì đương nhiên phải có một người bắt đầu. Thí dụ như ông A và bà B cãi nhau. Ông A là người bắt đầu, nhưng nếu bà B im lặng bỏ đi, không chửi lại thì ông A không thể đứng đó chửi mãi. Nhưng nếu ông A nói một câu và bà B nói lại hai câu thì ông A sẽ tức lên nói ba câu hoặc năm, sáu câu liên tiếp. Và nếu bà B không biết ngừng thì cuộc cãi nhau sẽ leo thang. Nếu bà B biết ngừng thì cuộc khẩu chiến sẽ chấm dứt. Nhưng sau đó cả hai bên đều mang vết thương lòng và hận nhau. Về nhà, nếu bà B là người hiểu đạo thì sẽ nhận ra mình cũng có lỗi trong chuyện cãi nhau, và nếu nhận ra mình có lỗi 40% thì cơn giận của bà sẽ giảm xuống 40%. Nếu bà B nhận ra mình có lỗi 60% thì cơn giận của bà sẽ hạ xuống 60%.
3/ Người hiểu đạo thì thấy mình lỗi 100%. Trong một cuộc tranh chấp mà thấy mình lỗi 100% thì coi bộ lỗ quá. Nhưng nếu hiểu đạo, đạo ở đây là luật nhân quả và nhân duyên thì biết là không thể nào tự nhiên vô cớ mà người kia lại gây sự với mình. Có thể mình đã nói hoặc đã làm điều gì tổn thương người ta mà mình không nhớ. Và nếu xét cho kỹ mà vẫn không thấy mình làm gì sai quấy thì có thể đời trước, hay nhiều kiếp trước mình đã não hại người ta, nên bây giờ họ gặp lại mình thì gây sự, kiếm chuyện trả thù.
Thấy mình lỗi đã là quý, nhưng nếu biết xin lỗi thì càng quý hơn vì có thể giải tỏa ân oán và oan gia.
Hạnh phúc xả ly
Ở đời người ta thường cho hạnh phúc là có được cái này, cái kia: Có nhà lầu, xe hơi, có vợ đẹp, con ngoan, có tài sản, quyền thế, v.v... Khi chưa có thì muốn có, làm đủ mọi cách để cho có. Có rồi thì sợ mất hoặc xem thường rồi lại muốn có cái khác. Nếu không được thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.
Người biết tu thì thấy "không có" là một hạnh phúc. Không có ở đây là do trí tuệ quán chiếu thấy mọi sự phiền toái đều do ham muốn mà ra. Bởi thế người tu không muốn có, nếu đã có rồi thì tập xả ly. Vì những thứ "có" trên thế gian này đều là ràng buộc.
Tuy nhiên đối với những người chưa có, chưa thỏa mãn được những mong ước, thèm khát, còn mải mê chạy theo vật chất thì xả ly là một việc thật khó làm, vì họ chưa có thì lấy gì mà xả bỏ.
Ðức Phật khi còn là thái tử đã có vợ con, vàng bạc, của cải, cung phi mỹ nữ, đầy đủ vật chất mà trong lòng vẫn nặng trĩu âu lo, không cảm thấy hạnh phúc. Do đó Ngài mới xả bỏ ra đi tìm chân lý, tìm hạnh phúc chân thật. Trong khi đó có những người tu lại chạy theo vật chất, của cải, tài sản, danh lợi bởi vì trong đời họ chưa được thỏa mãn, chưa cảm thấy có đầy đủ. Chỉ khi nào có được rồi và trải qua kinh nghiệm thấy những thứ mà họ đã nhọc công tìm kiếm chỉ đem lại phiền toái và khổ đau thì lúc đó ý nghĩ xả ly mới xuất hiện.
Trước hết có thân thì phải lo cho thân ăn, mặc, ở, sống. Phải đi làm kiếm ăn, phải mua quần áo mặc, phải thuê nhà ở tránh mưa nắng. Khi thân đau ốm phải lo thuốc men, chạy chữa. Nếu có gia đình thì phải lo làm ăn buôn bán kiếm tiền nuôi vợ con. Suốt ngày chỉ lo suy nghĩ và làm đủ mọi chuyện cho cái ta và những thứ của ta.
Hạnh phúc xả ly tương đương với thiểu dục tri túc, có nghĩa là tâm không ham muốn, và luôn cảm thấy đầy đủ dù trong tay không có gì hết. Với người tu, không có sở hữu gì thật là một hạnh phúc. Nói như vậy có vẻ ngược đời, nhưng người tu là kẻ đi ngược dòng đời kia mà!
Xả ly giống như người đang mang gánh nặng trên vai mà đi, nay bỏ được gánh nặng xuống thì cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng vô cùng. Người tu cần tập xả ly, vì xả nhiều chừng nào thì nhẹ chừng nấy. Xả ly không có nghĩa là phải vứt bỏ hết tài sản, của cải đang có.
Xả ly trước hết là xả bỏ sự ham muốn và buồn giận trong tâm, kế đến là xả bỏ sự bám víu vật chất bên ngoài. Tuy sống giữa tài sản, vật chất, nhưng tâm không còn nhớ nghĩ những thứ đó là của ta, nếu có ai xin hoặc mất thì xem như nhẹ gánh nặng.
Tập xả ly tới mức cùng cực thì khi chết, ta xem như trút hết gánh nặng, nhất là cái thân tứ đại già yếu, bệnh hoạn. Ta đã phải mang nó trên vai suốt cả cuộc đời, nay bỏ được nó, há không phải là sung sướng lắm sao? Vì thế các thiền sư đắc đạo, khi chết đều vui vẻ an nhiên tự tại ra đi.
Khi đói thì ta thèm ăn, nhưng khi ăn thì đòi thứ này thứ kia rồi ăn cho cố, đau bụng, nặng bụng, khó thở. Khi khát thì thèm uống, nhưng khi uống thì thích những thứ độc hại như rượu bia, rồi say mèm, ói mửa. Nhiều khi sinh ra ung thư hay sưng gan.
Người tu là người đi tìm hạnh phúc chân thật, hạnh phúc này chỉ có khi tâm không còn bám víu, dính mắc, thèm khát mọi sự vật trên đời này. Như vậy hạnh phúc chính là sự giải thoát của tâm ý. Và muốn có giải thoát thì phải tập xả ly. Hãy nhìn vào tự tâm, xem mình còn bám víu, dính mắc, ưa ghét cái gì không? Có người xả bỏ được vợ con nhưng lại dính mắc vào chùa chiền, xả bỏ được tài sản nhưng lại dính mắc vào danh lợi, địa vị. Xả bỏ được cái này nhưng rồi lại dính mắc vào cái khác!

Tâm & sự dính mắc - TT. Thích Trí Siêu

Khi tâm được bình an, vắng lặng, nhìn lại bà con thân thuộc thì thấy mọi người đều mải mê lặn hụp trong đau khổ, trong vòng lẩn quẩn của thương ghét, từ đó khởi lên tình thương mà đạo Phật gọi là từ bi...
Thương ghét
Ða số người thường, suốt ngày sống trong sự thương ghét. Người nào vừa ý, hợp ý mình thì thương, kẻ nào trái ý mình thì ghét.  Thương thì chăm lo, chiều chuộng, ôm giữ. Ghét thì hất hủi, xa lánh, đẩy ra.  Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo.  Thương thì thương cả đường đi, ghét thì ghét cả tông ti họ hàng. Tất cả những nghiệp ân oán, oan gia đều do thương ghét mà ra, bởi vì thương là biểu lộ của tâm tham, ghét là sự biểu lộ của tâm sân. Do đó thương ghét càng nhiều thì tham, sân càng tăng và đương nhiên dẫn đến đau khổ và bất an.
Khi chúng ta bắt đầu biết đạo thì tập diệt trừ tánh tham và sân vì đó là nguyên nhân của đau khổ.  Nhờ từ bỏ tánh tham, sân nên tâm trở nên bình đẳng, không thương người này, ghét người kia.  Nhờ tâm bình đẳng nên bớt luyến ái gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ và bớt thù ghét người dưng nước lã, kẻ thù.  Nếu tiếp tục tu hành như vậy, từ bỏ tham, sân thì tâm càng trở nên bình an, vắng lặng. Đến đây, nếu không khéo thì sẽ trở nên gỗ đá, cây khô, không còn tình người. Do đó cần phải bước qua giai đoạn kế tiếp là quay lại nhìn chúng sinh.
Khi tâm được bình an, vắng lặng, nhìn lại bà con thân thuộc thì thấy mọi người đều mải mê lặn hụp trong đau khổ, trong vòng lẩn quẩn của thương ghét, từ đó khởi lên tình thương mà đạo Phật gọi là từ bi. Tình thương này không còn bóng dáng của tâm tham nên không có ái luyến, dính mắc.  Tính chất của nó hoàn toàn khác hẳn với cái thương (có tham) của phàm phu.  Đây là loại tình thương của Bồ-tát, người đã hiểu đạo và tu tập để thoát ra ngoài vòng thương ghét thường tình thế gian. Vì thế sau khi hiểu đạo thì chỉ còn tình thương. Thấy ai cũng là bà con thân thuộc của mình từ nhiều kiếp, và thấy ai cũng đáng thương hết. 
Ghim trong lòng
Khi bị người nào đó nói hay làm gì trái ý, tổn thương thì chúng ta thường nhớ dai và nhớ hoài. Khi ngồi yên hoặc có dịp thì trong tâm lại đem những lời nói, hành động, cử chỉ của người đó chiếu lại và ta ngoan ngoãn ngồi xem chăm chú. Tệ hơn nữa, sau mỗi lần như vậy, sự buồn giận của ta càng tăng và tiếp tục oán hận người đó. Nhiều khi sự việc đó đã xảy ra cả chục năm trước, bây giờ người kia đã thay đổi tính tình hoặc đã chết rồi, nhưng cuốn phim cũ trong tâm ta mỗi lần chiếu lại, nó vẫn mới tinh như các phim đĩa DVD hiện nay. Nực cười thay, chúng ta không nhận ra điều làm mình khổ không phải người kia mà là chính mình. Chính mình cho phép cái tâm lôi phim cũ ra chiếu, chính mình suy nghĩ, nhớ hoài chuyện cũ. 
Dù người khác có mắng chửi, hạ nhục, đối xử tệ bạc với mình hôm qua hay hôm kia, nhưng nếu bạn lỡ uống nhằm "thuốc lú" quên hết thì hôm nay đâu có khổ.  Không biết bạn có đồng ý chăng? Nếu đồng ý thì nên quay trở về điều chỉnh, dạy dỗ cái tâm của mình đừng cho nó tự tung tự tác muốn nhớ nghĩ cái gì thì nghĩ, nhất là hay nhớ nghĩ những điều sai quấy của người khác. Bởi vì mỗi khi tâm nhớ nghĩ điều sai quấy của người khác thì ai khổ trước?  Mình khổ trước hay người kia? 
Ngày hôm qua, ông A, bà B đã mắng chửi, hay đánh ta một roi.  Ngày hôm nay, nếu ta nhớ nghĩ lại hành động của họ và đau khổ tiếp, đó tức là ta tự mắng chửi và lấy roi đánh mình thêm lần nữa. Và nếu ta cứ tiếp tục nhớ nghĩ và buồn khổ hoài thì có phải là tự mình mắng chửi, hành hạ mình không? Cái này ngoài đời gọi là "thú đau thương". Khi thích cái gì thì muốn có hoài, như thích hút thuốc thì tìm thuốc hút và khi được hút thì sung sướng nên gọi là thú.  Thích uống rượu mà được đi nhậu là một cái thú. Nhưng khi có được những cái "thú" đó, thay vì sung sướng thì lại đau khổ, nên gọi là "thú đau thương".
Quá khứ đã qua rồi, bây giờ chỉ còn là ký ức.  Chúng ta không thể nào quên hoàn toàn quá khứ, dù muốn dù không nó đã in vào tâm thức, nhưng đừng để cho nó làm mình đau khổ. 
Khi lái xe hơi bạn nhìn về phía trước hay nhìn kính chiếu hậu? Đương nhiên không ai nhìn vào kính chiếu hậu hoài vì sẽ gây ra tai nạn mà chỉ liếc nhìn một chút trước khi muốn lách hoặc vượt qua an toàn. Cũng thế bạn hãy nên nhìn về phía trước, nhìn tới tương lai. Chỉ khi nào cần tìm kiếm điều gì trong quá khứ thì có thể quay lại liếc nhìn, và nhớ nhìn trong giây lát thôi.
Giả dụ trong quá khứ người kia đã làm khổ bạn thật, và khi nhớ lại dù trong giây lát thôi cũng đủ làm cho bạn khổ sở, khó chịu, vậy sao bạn không uống thuốc "Hỷ Xả"?  Chỉ cần đứng trước bàn Phật nói to lên rằng: "Ông A, bà B, đã làm con đau khổ trong quá khứ, nhưng hôm nay đây con phát nguyện tha thứ và hỷ xả cho họ, bởi vì làm người ai mà chẳng lầm lẫn".  Làm một lần chưa hết thì làm nhiều lần cho tới khi nào nhớ lại chuyện cũ mà tâm bình thản như nhớ chuyện của ai khác chứ không phải chuyện của mình thì xem như thuốc "Hỷ Xả" đã có công hiệu. Nên nhớ ngay cả bệnh nhẹ như nhức đầu sổ mũi cũng phải uống thuốc nhiều lần mới hết, đâu phải chỉ uống một viên là hết bệnh, huống chi bệnh "ghim trong lòng" là một bệnh phiền não thâm căn cố đế của con người, đâu thể phát nguyện suông vài lần là hết được.
Tâm thích nếm mùi
Tâm tuy vô hình chất, nhưng nó lại hay thích nếm mùi kinh nghiệm vật chất, nó thích nhìn ngắm các màu sắc xinh đẹp qua cửa con mắt, thích nghe những âm thanh êm dịu qua lỗ tai, thích ngửi mùi thơm qua lỗ mũi, thích nếm các vị ngon qua cái lưỡi, và thích xúc chạm khoái lạc qua thân thể. Nói cách khác là tâm rất thích đi tìm cảm thọ qua năm giác quan. Từ sự đi tìm cảm thọ mà tâm bị mắc kẹt, trói buộc vào vật chất.
Theo kinh Khởi Thế Nhân Bổn, tổ tiên của loài người là chư thiên ở Quang Âm Thiên (Abhassara) tái sinh.  Ban đầu họ có thân bằng ánh sáng, phi hành trong không gian, tự nuôi sống bằng hỷ lạc, không cần ăn uống. Lúc đó mặt đất có màu sắc giống như đề hồ và hương vị ngon ngọt như mật ong.  Trong số các chúng sinh này, có người tò mò lấy ngón tay quẹt miếng đất và nếm thử. Liền khi ấy, mùi vị của đất thấm vào thân và tham ái khởi lên. Rồi các chúng sinh khác thấy vậy cũng bắt chước làm theo, lấy tay quẹt đất và nếm mùi vị. Dần dần, vì tham ăn vỏ đất ngọt bùi, thân thể của họ trở nên trọng trược, và mất đi ánh sáng. Ban đầu không cần ăn mà vẫn sống bằng ý hỷ, nhưng từ khi thưởng thức mùi vị của đất, khởi lòng tham ái, thân bị mất ánh sáng, họ bắt đầu lấy vỏ đất làm thức ăn trong một thời gian khá lâu, thân thể của họ trở thành cứng rắn và sinh ra hình dáng sai biệt. Những người có sắc đẹp thì khởi tâm kiêu ngạo về sắc đẹp của mình và khinh chê kẻ khác. Do sự kiêu ngạo của họ mà vỏ đất ngọt bùi biến mất, thay vào là một loại nấm đất hiện ra khắp nơi. Loại nấm này có màu sắc như đề hồ và hương vị như mật ong. Các chúng sinh trên mặt đất khi ấy phải tự nuôi sống bằng thứ nấm đất này. Càng ăn nấm đất thì thân thể của họ trở nên cứng rắn hơn và hình sắc lại càng sai biệt nhiều hơn. Những người có sắc đẹp khinh chê người không có sắc đẹp: "Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta". Do kiêu ngạo và kiêu mạn về sắc đẹp của họ nên nấm đất biến mất.  Khi nấm đất biến mất thì có cỏ và cây leo hiện ra. Loại cây leo này cũng có màu sắc, mùi vị như đề hồ, và chúng sinh khi ấy phải tự nuôi sống bằng cây leo trong một thời gian dài. 
Cứ như thế, càng ăn đồ từ mặt đất thì thân thể của họ càng trở nên cứng rắn và hình dáng lại càng sai biệt. Có sai biệt thì tâm phân biệt khởi lên so sánh đẹp xấu rồi sinh kiêu mạn, khinh chê kẻ khác nên cộng nghiệp xấu làm thức ăn ngon ngọt ban đầu biến mất và hiện ra các thức ăn sau nhỏ dần. Sau một thời gian dài ăn cây leo và tạo nghiệp kiêu mạn thì cây leo biến mất và lúa mọc ra khắp nơi. Lúa ban đầu không có vỏ cám, chỉ toàn mùi thơm và trơn láng. Chúng sinh chỉ việc nhổ lúa chín và ăn liền, không cần phải nấu nướng. Nơi nào lúa được nhổ ăn ban sáng thì đến chiều đã mọc lại ngay, không cần phải cày bừa hay trồng trọt.  Càng ăn lúa thì thân thể càng trở nên cứng rắn hơn trước và hình dáng lại càng sai biệt. Tới thời kỳ này thì hình sắc và tánh tình nam nữ thành hình sai biệt rõ ràng. Do hình sắc nam nữ sai biệt như vậy, nên họ nhìn nhau lâu thì tình dục khởi lên, ái luyến đối với thân thể bắt đầu.  
Bản kinh còn dài, ở đây tôi không muốn lập lại, nếu cần biết thêm thì bạn có thể tìm chánh kinh tra cứu. Điều chính yếu muốn nói lên ở đây là tiến trình biến đổi từ thân ánh sáng, cấu tạo bởi các nguyên tử thanh nhẹ, đến thân xác thịt thô kệch, cấu tạo bởi những nguyên tử nặng trọc, được khởi đầu chỉ vì tâm tham ái.
Khi tâm thích nếm mùi, đi tìm cảm thọ vật chất (thỏa mãn các giác quan) thì đi theo chiều xuống (hướng hạ), từ nhẹ tới nặng, từ ánh sáng trở thành vật chất. Khi tâm từ bỏ chạy theo cảm thọ vật chất thì sẽ đi ngược trở lên (hướng thượng), từ nặng tới nhẹ, từ vật chất trở về ánh sáng. 
Có những người tu Tịnh Độ, thường niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà mà không biết từ bỏ dục lạc thế gian, ưa thích tài sản, vật chất, luyến ái gia đình vợ con thì khó hy vọng được Ngài tiếp dẫn.  Bởi vì đức Phật A-di-đà (Amitabha) có nghĩa là Vô Lượng Quang, nói cách khác Ngài chính là Ánh Sáng Vô Lượng.  Người còn nhiều tham dục, tâm u ám, đen tối, nặng trược làm sao tương ưng với ánh sáng trong nhẹ mà đi về cõi ánh sáng?

NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI !


Tuyển chọn hình ảnh những con đường đẹp nhất thế giới. Đây là những con đường minh luôn muốn được đặt chân tới, có thể bạn cũng vậy. Cùng chiêm ngưỡng bộ ảnh đẹp ấn tượng này.
  
Anh con duong dep nhat the gioi 1
Con đường đẹp dẫn đến vùng đất Tuscany, Italy
anh-con-duong-dep24
Con đường mua thu
anh-con-duong-dep23 anh-con-duong-dep22
Con đường nhỏ xinh có hàng hoa dại bên đường
anh-con-duong-dep21
Con đường đẹp ánh sáng lung linh
anh-con-duong-dep20
Con đường tuyết trắng
anh-con-duong-dep19
Đi trên con đường này và nghịch lá sẽ thú vị lắm đây
anh-con-duong-dep18 anh-con-duong-dep17
Con đường tuyết
 
anh-con-duong-dep16
Sơn thủy hữu tình
anh-con-duong-dep15 Anh con duong dep nhat the gioi
Con đường trải dài đến vô tận
Anh con duong dep nhat the gioi
Bạn đoán được ảnh này được chụp ở đâu không? Ở Việt Nam đó :X
Anh con duong dep nhat the gioi
Con đường bên những cối xay gió
Anh con duong dep nhat the gioiAnh con duong dep nhat the gioi 10
Con đường hình trái tim tuyệt đẹp
Anh  con duong dep nhat the gioi 9
Con đường có hàng cây tuyệt đẹp
Anh con duong dep nhat the gioi 8Anh con duong dep nhat the gioi 7
Con đường ấn tượng ở Bồ Đào Nha
Anh con duong dep nhat the gioi
Đường hoa Tử Đan ở Nhật Bản
Anh con duong dep  nhat the gioi 5  Anh con duong dep nhat the gioi 3 Anh con duong dep nhat the gioi 2
Con đường đặc trưng của xứ Tuscany, Italy
Anh con duong dep nhat the gioi 4
Con đường phượng tím ở Nam Phi