Tuesday, November 10, 2015

Tại sao người thời nay tu hành rất nhiều nhưng đắc đạo rất ít ? - Khai Thị Của Ðại Sư Hám Sơn


   Ðại lược, đời mạt pháp người tu hành rất nhiều, nhưng đắc chân thật thọ dụng lại rất ít. Phí sức lực thì nhiều, mà đắc lực thì ít. Tại sao ? Nhân vì không đi thẳng đến nơi hạ thủ công phu, chỉ lo tu trên ngôn từ thấy nghe tri giải, nắm bíu thức tình, đè ép vọng tưởng, dụng công phu trên bóng hình. Ðầu tiên, lấy những lời huyền ngôn diệu ngữ của cổ nhân chấp chứa trong ngực, mà làm pháp thật, rồi tự cho đó là tri kiến của mình, chẳng hề biết trong đó dùng một điểm nhỏ cũng không thể được. Ðó chính gọi là y theo người mà tác giải, khiến làm bế tắc cửa tự ngộ.
Nay dụng công phu, trước hết phải chẻ dẹp tri giải, chỉ nhắm vào nơi một niệm mà dụng công. Phải tin chắc tự tâm, bản lai thanh tịnh trong sạch, chẳng quảy một tấc dây, tròn tròn sáng sáng, tràn đầy khắp pháp giới, vốn không có thân tâm thế giới, cùng chẳng có vọng tưởng tình lự. Một niệm này, vốn tự vô sanh. Bao loại cảnh giới trước mắt đều là vọng huyễn không thật, chỉ xuất phát từ trong chân tâm mà hiện ra bóng hình. Khám phá như thế, ngay nơi vọng tưởng khởi diệt, nhất định tìm xem nó từ đâu khởi và từ đâu diệt. Dùng lực ép chặt như thế, chẳng màng đến bao vọng niệm, kẹp nát tan thành phấn vụn, thì băng tan ngói bể. Thiết yếu chẳng lưu chuyển theo chúng, cũng không thể khởi tâm tương tục. Ðại sư Vĩnh Gia bảo rằng phải đoạn tâm tương tục là như thế. Tâm thô phù hư vọng, vốn không có căn tựa. Chớ nên cho chúng là thật. Cứ giữ tại ngang ngực, lúc chúng khởi lên liền quát, Vừa quát chúng liền tiêu. Thiết yết không đè ép, hãy để chúng tự nhiên khởi, như nước trên quả hồ lô, chỉ ném phứt thân tâm thế giới qua một bên. Ðơn đơn đích đích đề nơi một niệm này, như vung bảo kiếm trong hư không, dẫu là Phật là ma, một đao nhất tề chặt tuyệt, như chém dây nhợ. Lực lực phải cầm chặt đuổi chúng đi. Ðó gọi là trực tâm chánh niệm chân như. Chánh niệm tức là vô niệm. Quán được vô niệm thì mới gọi là hướng đến tri kiến của Phật.
Vừa mới phát tâm tu hành, cần thiết phải tin chắc pháp môn duy tâm. Phật thuyết ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức. Ða số, giáo lý Phật pháp, thường giải thích tám chữ này rõ ràng để người người tin nhận. Hai đường thánh phàm chỉ nằm trong hai con lộ mê ngộ của tự tâm. Tất cả nhân quả thiện ác, trừ ngoài tâm này, chẳng một mảnh gì có thể đắc được.

Ðại Sư Hám Sơn khai thị cho cư sĩ Vương Hiển Ngung.


 Thế nhân dùng thân tâm cảnh giới huyễn vọng mà sinh hoạt. Từ sanh đến tử, chưa từng có một niệm phản giác tự tâm bản lai diện mục. Vì chưa giác ngộ, nên không biết gốc rễ của bịnh tật. Nơi nước lửa chống chỏi, bốn đại cùng nhau công phá, đó là thân bịnh. Vọng tưởng phan duyên thương ghét thủ xả, đó là tâm bịnh. Thân bịnh thì thuốc có thể trị, mà tâm bịnh thì không có thuốc để trị. Ðức Phật là đấng y vương ở thế gian, có thể điều trị tâm bịnh của chúng sanh, tức dùng bao loại phương tiện, mà rốt ráo chỉ dùng giác để phá vọng tưởng vô tánh; đó gọi là lương dược hoàn sanh vi diệu.
Học nhân muốn cầu pháp môn an lạc, trước tiên phải nhận rõ thân vốn chẳng có ngã. Hãy quán xem trước khi cha mẹ sanh ra, thân máu thịt này từ đâu mà có ! Lúc bốn đại phân ly, thân này an lập tại nơi nào ! Thời thời quán sát như thế lâu ngày đột nhiên sẽ có một niệm tỉnh giác, tức không còn khổ vì thân này nữa, đó là diệu lạc trị thân bịnh. Tất cả bịnh tật đều từ tâm vọng tưởng sanh ra. Thường ngày, dùng niệm quán sát, xem coi nơi khởi của tất cả niệm thiện ác, tức phát hiện cội gốc của bịnh khổ. Dùng niệm lực quán sát nơi khởi, xem coi nó từ đâu mà khởi dậy, rốt ráo diệt về đâu. Lúc vọng tưởng diệt, phải truy cứu nó diệt về đâu. Truy cứu cho đến nơi khởi và chẳng khởi, nơi diệt và chẳng diệt, đó gọi là khởi diệt không từ đâu đến, thì tâm thể tức an nhiên, đắc đại tự tại. Chặt đoạn cửa ải trọng yếu như thế, trước sau không ngừng; trung gian nhất niệm tự cô độc tức nhất niệm này đứng nơi độc lập. Lâu ngày thuần thục, thì căn bịnh vọng tưởng tự nhiên sẽ bị nhổ trừ. Tất cả tâm dơ bẩn cũng không còn có nơi để nương nhờ. Ðó là phương thuốc vi diệu trị tâm bịnh.
Vương Tử Ngung thiết chí hướng thượng, nhưng vẫn còn tầm cầu trên ngôn ngữ văn tự, không biết hướng vào chính mình mà cầu. Tự tâm vọng tưởng đó vốn là căn bịnh. Cứ dùng ngôn ngữ của người, cho là pháp thật. Ðó gọi là tăng thêm một lớp chướng ngại. Từ nay, phải giác biết phá trừ tự tâm vọng tưởng, không để chúng trói buộc xoay chuyển. Phải xem khán nơi khởi của vọng tưởng, quyết không để chúng cứ tiếp tục chạy.
Phật bảo rằng tâm cuồng loạn nếu ngừng, tức là Bồ Ðề. Thắng tịnh minh tâm, vốn không từ ngoài mà đắc được. Ngay nơi tự tâm hiện tiền, tức là pháp môn đại giải thoát.
Lão nhân do ông thỉnh cầu khai thị nên đặt cho pháp danh là Phước Giác, tức dùng giác này làm phước vô lượng bậc nhất. Xin hãy cố gắng.

http://www.dharmasite.net/kthsdsa.htm#9

Người học đạo phải hội đủ những điều kiện sau - Khai Thị Của Ðại Sư Hám Sơn


1. Phải nhìn thông suốt cảnh giới ở thế gian. Không để vọng duyên chuyển biến.
2. Phải chú tâm vì đại sự sanh tử. Tâm tràng sắt đá quả quyết. Chẳng để vọng tưởng phan duyên xâm đoạt ý chí.
3. Phải tẩy rửa sạch tận hết tất cả tập khí xấu xa và ác giác tri kiến thuở xưa, mà không chừa một mãi lông nào.
4. Phải chân thật xả bỏ thân mạng. Không để bị sanh tử, bịnh hoạn ác duyên làm chướng ngại.
5. Phải phát khởi chánh tín, chánh kiến. Không thể nghe theo tà sư khiến mê lầm.
6. Phải nhận rõ chỗ dụng tâm chân thật thiết thực của cổ nhân, rồi dùng tâm đó mà tham cứu thoại đầu
7. Nơi công việc làm hằng ngày, luôn trì giữ chánh niệm, chớ để duyên huyễn hóa làm mê hoặc. Tâm tâm không ngừng tu đạo; động tịnh nhất như.
8. Phải trực niệm hướng phía trước. Không thể đem tâm mong đợi giác ngộ.
9. Phải có tâm lâu dài. Chí chưa đến nơi thành tựu của cổ nhân thì quyết chẳng cam ngừng nghỉ. Không thể được ít cho là đủ.
10. Trong lúc dụng công phu, niệm niệm phải vừa xả vừa nghỉ. Vừa xả mà xả. Vừa nghỉ mà nghỉ. Xả cho đến lúc không thể xả được nữa. Nghỉ cho đến nơi không còn chỗ để nghỉ, thì tự nhiên sẽ được tin tức lành.
Học nhân dụng tâm như thế, thì cùng bổn phận sự có chút phần tương ưng. Phải có chí hướng thượng, và phải tự thúc đẩy tinh tấn tiến bưóc.

Thầy Thích Chơn Hiếu giảng bài này qúa hay !






  Nghe bài này mình mới hiểu tại sao có 1 thời gian mình rất thích nói chuyện với các Thầy và Sư Cô , vì lúc đó mình niệm Phật nhiều nên mình sanh " tế tâm ", mà khi sống trong tế tâm thì mình rất thích nói chuyện với những vị tu hành thanh tịnh ....còn tâm loạn qúa , khg có tu nhiều , gọi là đang sống với "thô tâm" thì cảm thấy rất hạp với những " bà tám " hix , nghe băng này mới hiểu tại sao , chứ hồi đó củng chả biết tại sao mình lại thích nói chuyện với những vị tu lâu năm  :) ......lúc đó mà kêu mình nói chuyện với những bà tám là mình sợ lắm , nói thật là rất sợ cho nên mình đã trốn những bà tám đó rất lâu :)