Mỗi người đang sống ở đây đều mang một cái ta trong đầu, cái này không phải một đời hay hai đời mà là từ vô thủy, không biết chỗ nào là chỗ bắt đầu. Vô thủy là tìm không ra lúc ban đầu vì quá xa rồi, từ lúc một niệm bất giác khởi lên nên thấy có ta liền đi trong luân hồi sanh tử, và đi dài dài mãi đến bây giờ! Nếu hôm nay không có duyên lành gặp gỡ chánh pháp của Phật thì chắc mình cũng chưa biết được cái lầm này.
Nhưng đây là có duyên gặp gỡ được chánh pháp, được quý thầy giảng pháp cho nghe thì mình cũng biết cũng giác được chút chút. Xét kỹ lại, mình sống đây là sống trong cái ngã tưởng tức là sống quanh một cái ta khái niệm nên làm cái gì thì cũng vì cái ta này. Hàng ngày quý vị ăn là vì ai? Vì ta. Rồi uống, rồi vui, rồi buồn cũng vì ta, rồi ta yêu ta ghét, ta đòi hỏi cái này cái kia, cho đến ta giận ta hờn v.v… có gì thoát khỏi cái ta này không? Nếu ngoài cái ta này thì cũng không còn gì để nói. Bảo rằng anh kia hay chị kia đáng ghét lắm là vì sao? Là vì không thuận cái ta thôi, anh đó không thuận ta nên ta ghét. Rồi tôi ở đây không thích hợp là tại sao? Tại tôi không được nuông chìu, nên tôi bỏ đi. Còn ở chỗ kia được thoải mái hơn vì sao? Là vì tôi được thỏa ý. Vậy là mê hay tỉnh? Rõ ràng là mê. Do vậy, trong kinh Viên Giác, Phật định nghĩa vô minh:
"Người chấp thân bốn đại giả hợp này làm ta, chấp cái tâm suy nghĩ theo bóng dáng sáu trần bên ngoài là ta, đó là vô minh".
Vô minh là không sáng suốt, là mê lầm. Mà đúng là như vậy, nhận cái giả làm thật, không phải mình mà nghĩ là mình, ôm giữ, chấp vào nó rồi tạo thành bao nhiêu nghiệp, tội lỗi tày trời, gây đau khổ cho mình và cả cho người nữa. Có khi giết con này, giết con kia để làm những món thật ngon mà ăn, để nuôi cho béo bổ cái tôi này. Có khi tranh cãi nhau, giết nhau nữa để bảo vệ cái tôi hiểu biết, cái tôi thấy, tôi nghĩ. Do vậy, cứ chấp chặt vào cái thân, cái tâm này, không dám buông nên đời này, kiếp khác cứ lao theo con đường luân hồi. Đó là cái mê truyền kiếp, đời này kéo đến đời kia, kiếp này kéo đến kiếp nọ không bao giờ hết, vừa mất cái ta này thì tìm cái ta khác thay vào. Có khi gặp phải cái ta đui mù, ghẻ lác cũng bám, cái ta có sừng có lông lá v.v… cũng bám vào. Ví dụ như con chó, nó bám vào cái ta lông lá nên khi giết nó thì nó cũng la chứ đâu có chịu buông. Mình cũng vậy, bám vào cái ta này rồi có dám buông nó không? Gắn vào đâu thì bám chặt vào đó, không phải vô minh thì là gì? Có câu chuyện của ông tăng Vô Căn, ông ngồi thiền nhập định luôn mấy ngày, chúng Tăng thấy vậy tưởng ông chết nên mới đem thiêu. Tới khi xuất định, không thấy thân đâu nữa nên ông tối tối hiện hồn về tìm thân, cứ gọi: "Tôi đâu rồi?". Nghe chuyện như vậy, Thiền sư Diệu Không dùng phương tiện để ông đi vào trong nước, vào trong đất, vào trong lửa. Vì không còn mang thân này nữa nên ông vào được hết, vào lửa lửa không cháy, vào nước nước không nhận chìm, vào đất đất cũng không ngăn ngại được, thấy có tự tại không? Vậy mà ông không nhận ra, cứ đi tìm, cố bám vào cái tôi mấy chục kí lô này rồi oán, rồi mê lầm. Ngay đó, Thiền sư Diệu Không mới cảnh tỉnh:
- Ông được tự tại vậy mà không chịu, còn đi tìm cái thân hôi thối này làm gì?!
Rõ ràng đó là mê lầm, cứ bám chặt cái tôi này là mình nên khi mất nó thì lo tìm. Trong khi đó, nếu quán: "Mình đã mất thì còn ai đi tìm đây?". Cứ hỏi: "Tôi đâu rồi?" mà quên "ai" hỏi đây? Cũng vậy, Thiền sư Đặng Ẩn Phong một lần thiêu chết một vị tăng, ông này tối tối hiện về đòi thân thì Ngài gạn lại: "Ông đã chết chăng mà đòi thân?". Đáp: "Đã chết". Hỏi: "Đã chết sao còn biết trả lời đây?". Biết đến đây đòi thì đâu có chết! Ông liền tỉnh, từ đó hết đến đòi nữa. Do vậy, đây là cái mê truyền kiếp. Danh từ chuyên môn nhà Phật gọi là câu sinh vô minh, tức vô minh cùng sinh với mình, mình ở đâu thì nó có theo, ai cũng có hết.