Thursday, December 17, 2015
Khảo về Duy thức học và tâm lý học hiện đại
Duy thức học này mình đã tìm hiểu rất lâu rồi , khi nghe trên băng giảng khg biết sao mình khg thể nào hiểu nổi ( nghĩa là chỉ hiểu chút chút thôi ) , thật ra nếu nghiên cứu sâu về cái này mình thấy củng rất có lợi trong cuộc sống đời thường này , cái này là phân tích về tâm thức của mình rất rõ , nhất là cái thức thứ 8 gọi là A Lại Da Thức , thức này như là 1 chổ chứa tất cả những kiếp đi tái sanh luân hồi gặp ai và gặp những cảnh vật nào , khi hiểu cái này xong thì nếu đi ra ngoài đường lỡ có ai tự nhiên chạy lại wính mình phù mỏ thì tự biết là A Lại Da Thức của người đó nhớ lại kiếp trước là mình đã từng wính người ta :) Just why I really like nghiên cứu về môn duy thức học này .
Tổng quan về Tâm lý học
Tâm lý học là khoa học khảo cứu về tâm hồn con người. Tâm hồn, trước hết là những sự kiện tâm lý như đam mê, cảm xúc, ký ức v.v… những sự kiện này không phải là những sự kiện cô lập mà là những sự kiện diễn tiến trong một cơ thể, trong sự tương quan với thân xác của một con người, và con người ấy đang sinh hoạt trong một tập thể, một xã hội.
Do tâm hồn con người vốn phức tạp nên trong quá trình tìm hiểu, Tâm lý học đã để lại nhiều trường phái có những quan điểm khác nhau về đối tượng và về phương pháp tâm lý học.
1/ Tâm lý học cổ điển, còn gọi là Tâm lý học ngôi thứ nhất, quan niệm rằng tâm lý con người chỉ gồm những sự kiện tâm linh ở bên trong. Để tìm hiểu những sự kiện “hoàn toàn ở bên trong”, ngành Tâm lý học này vận dụng phương pháp Tâm lý học ngôi thứ nhất, tức nội quan. Ở đây chủ thể quan sát chính nó, chủ thể quan sát và người được quan sát là một, nên gọi là ngôi thứ nhất.
2/ Tâm lý học ngôi thứ ba, như trường hợp Tâm cử thuyết của Watson, chủ trương rằng bên trong không có gì cả, không có sự kiện tâm lý nào ở bên trong cả. Tất cả tâm lý con người chỉ là những phản ứng, những cử chỉ tức là những yếu tố sinh lý hiện ra bên ngoài. Với quan điểm như thế, ngành Tâm lý học này vận dụng một phương pháp riêng biệt, gọi là phương pháp Tâm lý học ngôi thứ ba. Ở đây đối tượng được quan sát là “nó”, một người nào đó.
3/ Tâm lý học ngôi thứ hai, lại quan tâm đặc biệt đến mối tương quan giữa tâm lý của con người với tha nhân, tương quan giữa tâm lý cá nhân cụ thể trong hiện tại với dĩ vãng và ước vọng tương lai của chính nó. Theo các nhà tâm lý học của phái này, phương pháp tâm lý học phải là phương pháp Tâm lý học ngôi thứ hai. Ở đây, đối tượng được quan sát là “anh”. Tìm hiểu tâm lý của đối tượng bằng sự cảm thông.
Rút tỉa từ ba ngành Tâm lý học nói trên, hiện nay phần lớn các nhà tâm lý học cho rằng đối tượng Tâm lý học không chỉ là những sự kiện tâm lý ở bên trong, cũng không chỉ là những sự kiện tâm lý ở bên ngoài. Nhiệm vụ của Tâm lý học là tìm hiểu những đặc tính của sự kiện tâm lý, mối tương quan giữa tâm lý và sinh lý, mối tương quan giữa tâm lý và xã hội.
Thực trạng Tâm lý học hiện đại
Quá trình phát triển của Tâm lý học đã chỉ ra rằng, mỗi ngành trong ba ngành tâm lý học ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Lạ thay, ưu điểm của ngành này thường là khuyết điểm của ngành kia và ngược lại. Điều này đã dẫn đến nhận định sau: Phải chăng để tìm hiểu một cách đầy đủ tâm hồn con người, như một tinh thần nhập thể và nhập thế, cần thiết phải vận dụng một cách hài hòa cả ba phương pháp nói trên. Phải chăng sự bổ túc lẫn nhau của ba ngành Tâm lý học khác nhau sẽ nói lên sự thống nhất sâu xa của tâm lý học. Trên tinh thần ấy, hiện nay trong Tâm lý học, vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, nhiều lý thuyết có chủ trương khác nhau khi nói về sự tương quan giữa tâm lý và sinh lý, sự tương quan giữa tâm lý và xã hội, cũng như khi nói về các đặc tính của những sự kiện tâm lý. Điều này đã dẫn đến việc có nhiều diễn giải khác nhau về ý nghĩa, bản chất, nguồn gốc, vị trí và vai trò của sự kiện tâm lý.
Sự xuất hiện của Tâm phân học Freud đã làm cho Tâm lý học vốn đã phức tạp càng thêm phức tạp. Trước Freud, các nhà tâm lý học thường đồng hóa đời sống tâm linh với đời sống ý thức. Họ nghĩ rằng các hiện tượng tâm linh đều ý thức. Freud đã chứng minh rằng tâm hồn con người không chỉ có phần ý thức mà còn có phần vô thức. Phần vô thức này chi phối ý thức một cách mạnh mẽ sâu sắc. Tâm lý học sẽ không đầy đủ nếu bỏ qua phần vô thức này. Đến đây chúng ta có thể nói về thực trạng của Tâm lý học như sau: Tâm lý học hiện đại đã có sự hiểu biết rộng về tâm hồn con người, những kiến thức này được vận dụng vào trong nhiều lãnh vực như giáo dục, xã hội, điều trị các tâm bệnh… Mặc dù đã có được thành tựu to lớn ấy, nhưng trên mặt lý thuyết mà nói, Tâm lý học vẫn ở trong tình trạng hỗn mang. Tâm lý học vẫn chưa có được một lý thuyết lý giải một cách nhất quán các hiện tượng tâm lý. Vẫn còn nhiều hiện tượng tâm lý chưa giải thích được như nguồn gốc của bản năng, nguồn gốc của các loại tính tình, v.v...
Phật giáo với Tâm lý học hiện đại
Đến đây có một câu hỏi cần được nêu ra: Có hay không có một lý thuyết Tâm lý học có thể lý giải tất cả mọi hiện tượng tâm lý một cách nhất quán? Câu trả là có và đã có. Đó chính là môn Duy thức học trong giáo lý nhà Phật.
Duy thức học là môn học rất rộng, không chỉ gói gọn trong phạm vi của Tâm lý học. Ở góc độ của Tâm lý học, Duy thức học có khả năng cung cấp cho chúng ta một cái nhìn nhất quán về mọi hiện tượng tâm lý. Để vấn đề trở nên đơn giản và dễ hiểu, bài viết này chỉ nêu ra một số điểm cơ bản của Duy thức học, lấy đó làm căn cứ để chỉ ra những khiếm khuyết của Tâm lý học hiện đại, giải thích tại sao Tâm lý học vẫn chưa có được một lý thuyết lý giải mọi hiện tượng tâm lý một cách nhất quán. Việc vận dụng Duy thức học để có được một cái nhìn nhất quán về các hiện tượng tâm lý sẽ được trình bày ở các bài viết sau.
Một số điểm cơ bản của Duy thức học
Tám thức: Duy thức học phân tích tâm thức con người nói riêng, tâm thức chúng sinh hữu tình nói chung, thành tám phần, gọi là tám thức. Đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, thứ thứ bảy, thức thứ tám. Từ nhãn thức đến ý thức, gọi là sáu thức ngoài, vì chúng ta dễ dàng nhận ra chúng. Thức thứ bảy và thức thứ tám hoạt động âm thầm sâu kín khó nhận ra nên gọi là hai thức trong. Như vậy thức thứ bảy và thức thứ tám tương ứng với phần vô thức của Phân tâm học. Sự vận hành của các thức đã làm nên các sự kiện tâm lý. Như vậy, muốn giải thích được các sự kiện tâm lý, chúng ta phải khảo sát cả tám thức.
Trước đây, do đồng hóa đời sống tâm linh với đời sống ý thức, nên Tâm lý học đồng hóa việc tìm hiểu tâm linh với việc tìm hiểu ý thức. Hiện nay, dù đã quan tâm đến phần vô thức, nhưng do những hiểu biết về vô thức còn quá ít, quá đơn giản, nên các nhà tâm lý học vẫn chưa thấy được một cách đầy đủ vai trò của vô thức trong đời sống tâm linh, dẫn đến việc cho rằng vô thức và ý thức là hai mặt khác nhau của tâm thức. Đây là một trong những nhược điểm của Tâm lý học hiện đại. Nếu thấy được đầy đủ vai trò của vô thức mới có thể thấy được sự hoạt động thống nhất của các thức. Sự hoạt động thống nhất này chỉ được nhận biết một cách đầy đủ khi phân tích tâm thức con người thành tám thức, không phải chỉ có hai thức như quan điểm của Tâm lý học hiện đại.
Lý nhân duyên : Theo Duy thức học, sự vận hành của tám thức chịu sự chi phối của lý Nhân duyên, cụ thể là lý Tứ duyên. Như vậy, các sự kiện tâm lý đều chịu sự chi phối của lý Nhân duyên. Các hiện tượng tâm lý là các hiện tượng nhân duyên.
Nhiều nhà tâm lý học muốn xây dựng Tâm lý học thành một lý thuyết khoa học đúng nghĩa. Đó là một lý thuyết vừa được xây dựng trên lý Nhân quả vừa mang tính nhất quán. Nhưng một lý thuyết như vậy khi vận dụng để lý giải những hiện tượng nhân duyên lại chỉ có một phạm vi tác dụng hạn chế. Điều này giải thích tại sao các lý thuyết Tâm lý học hiện có, mỗi lý thuyết đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Ưu điểm là khi được vận dụng trong phạm vi tác dụng của nó, chúng ta có được những lý giải phù hợp với hiện thực. Khuyết điểm là với những hiện tượng nhân duyên nằm ngoài phạm vi tác dụng, lý thuyết ấy không giải thích được. Trên tinh thần của lý Nhân quả, chúng ta chỉ thấy được các lý thuyết tâm lý học sai khác. Với tinh thần của lý Nhân duyên, tất cả các lý thuyết Tâm lý học hiện có sẽ được thu nhiếp trong một cái nhìn nhất quán, phân định được phạm vi tác dụng của từng lý thuyết. Chỉ với lý Nhân duyên, tâm lý học mới có được cái nhìn nhất quán về mọi hiện tượng tâm lý.
Nghiệp : Các hiện tượng tâm lý thì luôn thay đổi, tâm thức của con người cũng luôn chuyển biến, vậy năng lực nào đã làm nên sự vận hành đó của tâm thức? Đối với Duy thức học, năng lực ấy xuất phát từ nghiệp, nên gọi là nghiệp lực. Có nhiều loại nghiệp khác nhau nên cũng có nhiều dạng nghiệp lực. Các nghiệp lực ấy tiềm chứa trong thức thứ tám, chờ khi đủ duyên mới phát động. Việc Freud cho rằng vô thức khi mới sinh chỉ chứa đựng năng lực tính dục (libido) là chưa đủ. Với cái nhìn của Duy thức, trong vô thức, lúc mới sinh còn tiềm chứa nhiều loại năng lực khác nữa. Điều này giải thích tại sao Alfred Adler, Karl Gustav Jung là những học trò xuất sắc của Freud lại không đồng ý với Freud về nguồn gốc của năng lực tinh thần. Từ đó đã mở ra những hướng Tâm lý học khác. Dù vậy cảAdler và Jung đều chưa thấy hết các năng lực tinh thần tiềm ẩn trong vô thức. Chỉ với nghiệp, chúng ta mới thấy được đầy đủ các loại năng lực khác nhau được tiềm chứa trong vô thức. Nghiệp mới thực sự là nguồn gốc của năng lực tinh thần.
Các điều vừa trình bày ở trên lý giải tại sao Tâm lý học hiện đại chưa thể giải thích được mọi hiện tượng tâm lý, chưa thể có được một lý thuyết tâm lý học có tính nhất quán. Về phần bạn đọc, các bạn có thể nêu ra các thắc mắc như tại sao là tám thức mà không chỉ là hai thức? Lý nhân duyên là gì, làm sao có thể kiểm chứng trong thực tế? Nghiệp là gì, do đâu mà có, tại sao nó có năng lực chi phối thân tâm của chúng ta? v.v… Các vấn đề này sẽ được bàn đến trong các bài viết sau.
Chánh Tấn Tuệ
Subscribe to:
Posts (Atom)