Năm 1951 Ngài từ Thái Lan trở về Hương Cảng, và được tín đồ Phật giáo nơi đây rất sùng kính nên thỉnh Ngài đến Đàn Thông Thiện giảng Kinh Địa Tạng. Ngài đã giảng thuyết suốt hơn bốn mươi ngày. Mỗi ngày đều không dưới một trăm người đến tham dự. Thượng tuần tháng chạp, khi khóa giảng kinh Địa Tạng kết thúc, có nhiều vị cư sĩ bàn thảo với nhau về việc tìm mua một khoảng đất cúng dường để Ngài cất Tịnh xá.
Chẳng bao lâu họ đã mua được một mảnh đất hoang trên vùng đất cao, thuộc làng Mã Sơn, Tây Loan Hà, Hương Cảng. Tuy vùng đồi núi khá cao đường xá lại quá xa xôi. Nhưng mỗi tấc đất ở Hương Cảng như một tấc vàng, vì vậy việc tìm được mảnh đất này không phải là chuyện dễ. Duy chỉ có một việc không may là trên triền núi này lại không có mạch nước nào, nên việc dùng nước ở đây là cả một vấn đề nan giải.
Dân cư vùng phụ cận phải dùng đường mòn xuống núi, rồi tiếp đi trên đường lộ đến khu phố chợ để lấy nước, nguồn nước này do thành phố Hương Cảng tiếp tế. Lấy nước xong họ phải gánh trở lên núi và phải leo lên cả ba trăm bậc tam cấp mới đến nơi. Nhiều người dùng nước mà chỉ có một nơi cung cấp, nên họ phải sắp thành những hàng rất dài để chờ đến phiên. Thảo nào dân chúng ở đó khi nghe bàn về vấn đề “nước” là họ sợ thất sắc.
Lúc khởi công xây cất Chùa, các vị cư sĩ đã trình lên Ngài vấn đề hiếm nước nhưng Ngài chẳng chút màng lo mà chỉ để tâm vào việc kiến dựng tu viện. Ngài đã không loan tin quảng cáo xin cúng dường, không phan duyên với các cư sĩ giàu có, và cũng không đến từng nhà để quyên góp; vì làm như vậy coi như lợi dụng sự hưng thịnh của dân Hương Cảng là đi ngược lại với những Tông chỉ mà Ngài đã từng dạy cho các đệ tử:
Dù chết vì rét, không phan duyên
Dù chết vì đói, không xin xỏ
Dù chết vì nghèo, không cầu cạnh
Tùy duyên nhưng không đổi lòng
Không đổi lòng nhưng vẫn tùy duyên
Ba tông chỉ ấy, ta phải giữ gìn
Xả thân vì Phật sự
Tạo mạng vì bổn sự
Chánh mạng vì Tăng sự
Gặp sự, rõ lý
Rõ lý, hiển sự
Rõ lý, hiển sự
Lưu hành mạch phái Tổ sư đã truyền.
Tất cả công trình xây cất đều do lòng tự nguyện phát tâm của tín chúng, chủ yếu là nhờ đạo lực quyết tâm dõng mãnh của Ngài, luôn muốn cho Đạo-tràng này sớm được đơm hoa kết trái. Ngài đã trang trí khung viên Chùa với những cây thông non nho nhỏ, những hàng đu đủ sai trái và những rặng trúc xinh xinh. Một đạo tràng thanh tịnh đã được hoàn thành vào cuối năm 1951, Ngài đặt tên là “Tây Lạc Viên”. Năm sau đó, lễ khánh thành Chùa Tây Lạc Viên cùng Lễ An vị Tây Phương Tam Thánh đã được tổ chức đúng vào ngày Phật Đản mồng 8 tháng 4.
Sau khi dọn về Chùa mới, Ngài phát giác ra một tảng đá có khe nứt ở phía sau Chùa. Ngài bèn cắm vào đó một nhành dương rồi cầu nguyện chư Phật, Bồ Tát gia hộ ban cho một mạch nước nơi khe đá này. Thế rồi mỗi ngày ở bên tảng đá bể, Ngài chân thành khẩn thiết trì chú Đại-bi. Chẳng bao lâu mặt đất nơi ấy trở nên ẩm ướt và sau đó một mạch nước từ khe nứt của tảng đá phun ra, nước chảy ra vừa ngọt vừa sạch thành ao nước đầy. Ngài liền nhờ người xây hồ chứa nước ngay nơi đó. Từ đó nạn khan hiếm nước đã được chư Phật, Bồ Tát từ bi giải quyết.
Khi nghe nói ở Chùa có một hồ nước nhiệm mầu, mọi người trong vùng thảy đều kinh ngạc. Họ đã không tưởng tượng ra được là làm sao mà nước lại có thể chảy ra từ trong một tảng đá khô cằn tại một hòn núi hoang dã này? Họ vốn không tin Phật pháp, nhưng khi thấy rõ sự việc này, họ mới bắt đầu thâm tín ngôi Tam Bảo.
Vào dịp Lễ Quán Thế Âm thành đạo ngày 19 tháng 6 năm 1959, Ngài tổ chức Pháp hội trong bảy ngày tại chùa Tây Lạc Viên, có đến vài trăm người đến tham gia. Khi ấy trời hè nóng bức, chánh phủ Hương Cảng ra lệnh tiết kiệm việc dùng nước. Mỗi ngày chỉ mở nước công cộng ba giờ nên nhân dân Hương Cảng đều than van khổ. Vậy mà hồ nước tại Chùa Tây Lạc Viên vẫn đầy tràn với mạch nước chảy ra không dứt, đủ sức cung cấp nước cho cả trăm người dùng. Đây là một kỳ tích thật không thể nghĩ bàn.