Thursday, December 8, 2016

Lòng thành thông Thánh - HT Tuyên Hóa


   Lúc Ngài từ Chùa Nam Hoa đến Hương Cảng không bao lâu thì có một nữ Phật tử thuần thành là La Quả Minh đã dẫn ba đứa con đến quy y Ngài. Mùa Thu năm 1952, Bà La vì quá phiền muộn nên lâm bệnh nặng. Con gái bà là Hoàng Quả Tùng kể lại câu chuyện như sau:
Mùa Thu năm Nhâm Dần, mẹ tôi không may gặp phải bao chuyện không như ý, nên mắc trọng bệnh, muôn phần thống khổ. Bà trở nên gầy yếu xanh xao đến nổi không thể bước xuống giường. Chúng tôi mời nhiều bác sĩ tới khám nhưng vẫn không chữa trị được. Sau một thời gian, các bác sĩ bảo rằng mạng sống của mẹ tôi chỉ còn kéo dài thêm vài đêm nữa thôi.
Nghe tin này mọi người trong nhà ai nấy đều lo âu, buồn khổ, riêng tôi càng thấy xót xa. Khi ấy tôi chỉ biết lạy cầu chư Phật, Bồ Tát gia hộ. Một hôm tôi đang lạy xuống, bỗng có luồng ánh sáng chiếu trước mắt, rồi tôi thấy có một vị Pháp sư mặc áo cà sa, ngồi kiết già, nhìn kỹ ra thì chính là Sư Phụ tôi. Vừa kinh ngác vừa mừng rở tôi vội vàng niệm Phật. Sau đó chẳng bao lâu sau mẹ tôi thoát khỏi cơn hôn mê, nhưng thần sắc bà vẫn chưa hẳn phục hồi. Sau đó tôi tôi chợt nhớ đến Sư phụ nên tìm người cùng tôi đến diện kiến Ngài. Khi thấy Ngài tôi vụt khóc và thỉnh cầu Ngài cứu cho mẹ tôi. Ngài bảo tôi: Bệnh của mẹ con Ta đã biết trước rồi, con hãy mau trở về nhà chí tâm niệm Phật, Phật và Bồ Tát nhất định sẽ gia hộ cho mẹ con.
Sau khi bái tạ Sư Phụ, tôi trở về nhà và suốt đêm đó tôi đã không ngủ; y lời Ngài dạy mà chuyên tâm niệm Phật, cầu xin chư Phật cứu độ. Sáng hôm sau, mẹ tôi cảm thấy khỏe ra rất nhiều, tinh thần cũng dần dần khôi phục. Qua sự việc này khiến tôi suy nghiệm được Phật pháp linh cảm thật không thể nghĩ bàn.”

Vịt đến nghe Kinh - của HT Tuyên Hóa giảng


  Mùa Hè năm 1952 tại chùa Tây Lạc Viên, Ngài( là HT Tuyên Hóa )  giảng Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn. Thính chúng tham dự lãnh hội được nhiều điều lợi lạc. Một hôm khi Ngài giảng đến đoạn cuối của phẩm Phổ Môn, chợt có một con vịt nhỏ từ bờ giậu phía ngoài cửa chùa lẻn qua hàng rào, đủng đa, đủng đỉnh băng qua sân vườn và bước vào nằm trước cửa chánh điện. Nó im lặng và chăm chú giống y như là một người đang nghe pháp vậy. Có người thấy vịt nằm chấn lối đi nên dùng quạt đuổi nó, vịt đi không lâu rồi trở vào, họ lại xua nó ra. Vịt ta ỏng ảnh bỏ đi, một lát rồi lại trở vào, cứ vài lần như thế. Cuối cùng vịt ta trở vô ngừng ngay ở cửa chánh điện, kỳ này nhất định không chịu đi.
Khi biết nguyên nhân của tiếng ồn náo phía trước cửa, Ngài bảo đại chúng đừng đuổi vịt nữa rồi truyền Tam Quy cho nó trước sự ngạc nhiên của mọi người. Khi Ngài thuyết Tam Quy xong, vịt bỗng đứng dậy lạch bạch đi thẳng vào chánh điện nhiễu vòng quanh bồ đoàn về phía phải, rồi cúi đầu nằm xuống ra dáng như đảnh lễ. Đợi mãn khóa giảng vịt ta mới rời khỏi pháp hội.
Như lời Phật thuyết, “Chúng sanh đều có Phật tánh,” câu chuyện này là một chứng minh cụ thể vậy.

Đá tuôn nước cam lồ - HT Tuyên Hóa cầu nguyện cho có nước tại Chùa ở trên núi


Năm 1951 Ngài từ Thái Lan trở về Hương Cảng, và được tín đồ Phật giáo nơi đây rất sùng kính nên thỉnh Ngài đến Đàn Thông Thiện giảng Kinh Địa Tạng. Ngài đã giảng thuyết suốt hơn bốn mươi ngày. Mỗi ngày đều không dưới một trăm người đến tham dự. Thượng tuần tháng chạp, khi khóa giảng kinh Địa Tạng kết thúc, có nhiều vị cư sĩ bàn thảo với nhau về việc tìm mua một khoảng đất cúng dường để Ngài cất Tịnh xá. 
   Chẳng bao lâu họ đã mua được một mảnh đất hoang trên vùng đất cao, thuộc làng Mã Sơn, Tây Loan Hà, Hương Cảng. Tuy vùng đồi núi khá cao đường xá lại quá xa xôi. Nhưng mỗi tấc đất ở Hương Cảng như một tấc vàng, vì vậy việc tìm được mảnh đất này không phải là chuyện dễ. Duy chỉ có một việc không may là trên triền núi này lại không có mạch nước nào, nên việc dùng nước ở đây là cả một vấn đề nan giải.
Dân cư vùng phụ cận phải dùng đường mòn xuống núi, rồi tiếp đi trên đường lộ đến khu phố chợ để lấy nước, nguồn nước này do thành phố Hương Cảng tiếp tế. Lấy nước xong họ phải gánh trở lên núi và phải leo lên cả ba trăm bậc tam cấp mới đến nơi. Nhiều người dùng nước mà chỉ có một nơi cung cấp, nên họ phải sắp thành những hàng rất dài để chờ đến phiên. Thảo nào dân chúng ở đó khi nghe bàn về vấn đề “nước”  là họ sợ thất sắc.
Lúc khởi công xây cất Chùa, các vị cư sĩ đã trình lên Ngài vấn đề hiếm nước nhưng Ngài chẳng chút màng lo mà chỉ để tâm vào việc kiến dựng tu viện. Ngài đã không loan tin quảng cáo xin cúng dường, không phan duyên với các cư sĩ giàu có, và cũng không đến từng nhà để quyên góp; vì làm như vậy coi như lợi dụng sự hưng thịnh của dân Hương Cảng là đi ngược lại với những Tông chỉ mà Ngài đã từng dạy cho các đệ tử:
            Dù chết vì rét, không phan duyên
            Dù chết vì đói, không xin xỏ
            Dù chết vì nghèo, không cầu cạnh
            Tùy duyên nhưng không đổi lòng
            Không đổi lòng nhưng vẫn tùy duyên
            Ba tông chỉ ấy, ta phải giữ gìn

            Xả thân vì Phật sự
            Tạo mạng vì bổn sự
            Chánh mạng vì Tăng sự
            Gặp sự, rõ lý
            Rõ lý, hiển sự
            Lưu hành mạch phái Tổ sư đã truyền. 

Tất cả công trình xây cất đều do lòng tự nguyện phát tâm của tín chúng, chủ yếu là nhờ đạo lực quyết tâm dõng mãnh của Ngài, luôn muốn cho Đạo-tràng này sớm được đơm hoa kết trái. Ngài đã trang trí khung viên Chùa với những cây thông non nho nhỏ, những hàng đu đủ sai trái và những rặng trúc xinh xinh. Một đạo tràng thanh tịnh đã được hoàn thành vào cuối năm 1951, Ngài đặt tên là “Tây Lạc Viên”. Năm sau đó, lễ khánh thành Chùa Tây Lạc Viên cùng Lễ An vị Tây Phương Tam Thánh đã được tổ chức đúng vào ngày Phật Đản mồng 8 tháng 4.
   Sau khi dọn về Chùa mới, Ngài phát giác ra một tảng đá có khe nứt ở phía sau Chùa. Ngài bèn cắm vào đó một nhành dương rồi cầu nguyện chư Phật, Bồ Tát gia hộ ban cho một mạch nước nơi khe đá này. Thế rồi mỗi ngày ở bên tảng đá bể, Ngài chân thành khẩn thiết trì chú Đại-bi. Chẳng bao lâu mặt đất nơi ấy trở nên ẩm ướt và sau đó một mạch nước từ khe nứt của tảng đá phun ra, nước chảy ra vừa ngọt vừa sạch thành ao nước đầy. Ngài liền nhờ người xây hồ chứa nước ngay nơi đó. Từ đó nạn khan hiếm nước đã được chư Phật, Bồ Tát từ bi giải quyết.
Khi nghe nói ở Chùa có một hồ nước nhiệm mầu, mọi người trong vùng thảy đều kinh ngạc. Họ đã không tưởng tượng ra được là làm sao mà nước lại có thể chảy ra từ trong một tảng đá khô cằn tại một hòn núi hoang dã này? Họ vốn không tin Phật pháp, nhưng khi thấy rõ sự việc này, họ mới bắt đầu thâm tín ngôi Tam Bảo. 
Vào dịp Lễ Quán Thế Âm thành đạo ngày 19 tháng 6 năm 1959, Ngài tổ chức Pháp hội trong bảy ngày tại chùa Tây Lạc Viên, có đến vài trăm người đến tham gia. Khi ấy trời hè nóng bức, chánh phủ Hương Cảng ra lệnh tiết kiệm việc dùng nước. Mỗi ngày chỉ mở nước công cộng ba giờ nên nhân dân Hương Cảng đều than van khổ. Vậy mà hồ nước tại Chùa Tây Lạc Viên vẫn đầy tràn với mạch nước chảy ra không dứt, đủ sức cung cấp nước cho cả trăm người dùng. Đây là một kỳ tích thật không thể nghĩ bàn.

Đức độ hàng phục tà ma.


   Ông Trần Thụy Xương, chủ công ty Đại Xương nổi danh ở Hương Cảng có cô cháu tên Trần Kiến Khai, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Ông bà Trần nuôi dưỡng thương cô như con ruột. Khi Trần Kiến Khai đến tuổi lập gia đình, ông bà lo lắng tìm người tương xứng cho cô. Sau cùng họ gả cô cho một gia đình họ Phan ở Cửu Long. Kết hôn chẳng bao lâu cô khóc tang chồng. Do thương tâm thái quá nên tinh thần bấn loạn. Cả ngày cô nói lảm nhảm nhí và có những cử chỉ như điên dại.
Ông bà Trần thấy cháu gái lâm bệnh như vậy, ruột đau như cắt, hoài nghi là do tà ma nhập vào, cho nên đã thỉnh nhiều Thầy đến nhà để tụng kinh, niệm chú cho Cô. Họ hy vọng sẽ đuổi con ma ra khỏi cô cháu, và tiêu trừ oan khiên đời quá khứ, giúp cô chấm dứt tình trạng điên cuồng. Nhưng trải qua năm, sáu ngày vẫn không có kết quả. Trong các Sư đó có một vị sớm đã biết rõ về Ngài nên nói với ông bà Trần nên tìm đến Pháp sư Độ Luân cầu cứu.
Ngày nọ đúng lúc Ngài vừa rời động Quán Âm đến Tánh Viên có việc cần. Ông Trần nghe biết vội đến tìm Ngài.
Ngài nghĩ rằng đối với loài ma này một mình Ngài không đủ năng lực để nhiếp phục nên từ chối. Ông Trần đã không nản chí, kiên quyết khẩn cầu Ngài một lần nữa vì cháu ông mà giải nạn. Thấy ông kiền thành nên Ngài nhận lời đến nhà quán sát bệnh tình cô cháu.
Khác biệt với các Sư đang ở trong phòng khách, y áo chỉnh tề với nhiều ảnh tượng, pháp khí, hương đèn, hoa quả... Ngài đã không chú trọng đến các hình tướng bên ngoài đó. Ngài vẫn mặc chiếc áo rách cố hữu ngồi lặng yên trên ghế trong phòng bệnh nhân. Ngài không tụng kinh cũng không lớn tiếng trì Chú. Khoảng nửa giờ sau bệnh nhân đứng dậy chạy đến Ngài, quỳ xuống cầu sám hối và xin Ngài tha tội. Ngài liền bảo ma rằng: Ngươi không được nhập vào bất cứ người nào để tác quái nữa nghe chưa? Ma kia chấp nhận và bỏ đi. Từ đó thần trí cô Trần được khôi phục, ngày một mạnh khỏe, dung mạo đoan nghiêm. Ông bà Trần thấy thế mới biết rằng duy chỉ có bậc tu hành chân chánh mới đủ oai đức để hàng phục tà ma. Vì vậy toàn gia đình họ xin Quy y Tam Bảo và tôn Ngài làm Thầy.
http://www.dharmasite.net/SoLuocTSHTTH.htm#36