Không giống như con người, chư thiên không cần phải trải qua 9 hay 10 tháng thai nghén trong dạ con của mẹ. Vào thời điểm xuất hiện trong cõi trời, họ được sinh ra với vóc dáng đầy đủ, với thân thể trưởng thành.
Trong Kinh Māgandiya (Māgandiya Sutta) của Trung Bộ Kinh. Đức Phật giảng:
“Ví như, này Māgandiya, một gia chủ hay con trai một người gia chủ, giàu sang, tài vật nhiều, sở hữu nhiều, sống thọ hưởng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Vị ấy, sau khi làm thiện thân hành, sau khi làm thiện khẩu hành, sau khi làm thiện ý hành, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, đời này, cọng trú với chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Vị ấy ở đây, trong rừng Nandana, được chúng Thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn.
Vị ấy thấy người gia chủ hay con người gia chủ đang thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Này Māgandiya, Ông nghĩ thế nào? Thiên tử ấy, được chúng Thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, vị ấy có ước vọng được như người gia chủ ấy, hay con người gia chủ ấy; hay năm dục trưởng dưỡng thuộc loài Người, hay trở lui về với các dục thuộc loài Người?”
“Không có vậy, thưa Tôn giả Gotama! Vì sao vậy? Vì thiên dục, thưa Tôn giả Gotama, là thù diệu hơn, vi diệu hơn nhân dục.”
Chúng ta bây giờ có thể hiểu rằng ngay cả dục lạc thù diệu nhất của loài người không thoát ngoài sự trần tục và tầm thường khi so sánh với các thiên dục mà chư thiên ham thích thọ hưởng.
Hơn nữa, tuổi thọ của con người là ngắn khi so với tuổi thọ của chư thiên.
Theo như kinh tạng ghi lại , chúng ta có 6 cõi trời dục giới.
1 Cõi Tứ đại vương(catummahārājā) Một ngày đêm ở cõi Tứ đại vương bằng 50 năm cõi nhân loại, tuổi thọ 500 năm tuổi trời, tính theo nhân loại là 9 triệu năm,
2 Cõi Tam thập tam thiên (tāvatiṃsa) Một ngày đêm cõi Ba mươi ba bằng 100 năm cõi nhân loại, tuổi thọ chư thiên cõi Ba mươi ba là 1.000 năm, tính theo nhân loại là 36 triệu năm .
3 Cõi Dạma (yāmā) một ngày đêm trên cõi này tương đương với 200 năm cõi nhân loại, tuổi thọ chư thiên cõi Dạma là 2.000 năm tuổi trời, tương đương với 144 triệu năm cõi nhân loại ,
4 Cõi Đẩu-suất (Tusitabhūmi): Cõi này dành cho những người tạo phước thiện balamật (pāramī). Bồtát Chánh đẳng giác, Bồtát Bích chi (paccekabodhisatta) Bồtát Thượng thủ thinh văn, kiếp áp chót thường tái sinh về cõi này.
Một ngày đêm cõi này bằng 400 năm cõi người; tuổi thọ chư thiên cõi này là 4.000 tuổi, tương đương với 516 triệu năm cõi nhân loại
5 Cõi Hóa lạc thiên (nimmānarati) Một ngày đêm ở cõi này bằng 800 năm cõi người, tuổi thọ chư thiên ở cõi này là 8.000 tuổi, tương đương với 2064 triệu năm cõi nhân loại .Đây là quả của sự tu tập thiền định còn non kém, nhưng cũng đạt đến chi hỷ của thiền.
6 Cõi Tha hóa tự tại (paranimmitavasavattī).Một ngày đêm ở cõi này bằng 1.600 năm cõi nhân loại; tuổi thọ chư thiên ở cõi này là 1600 năm, tương đương với 8256 triệu năm cõi nhân loại .Đây là quả phước của sự tu tập thiền chỉ đạt đến cận định.
Sự tái sanh vào các cõi thiện dục giới này chủ yếu do các thiện nghiệp từ bố thí ,trì giới và tham thiền…
Tuy nhiên nhân tái sanh trong 16 cõi sắc giới và 4 cõi Vô sắc giới chỉ do quả phước của bậc thiền tạo ra. Do vậy ở cõi sắc giới được phân chia thành 4 cõi tùy theo tầng thiền mà người đó đắc được vào giờ phút lâm chung.
1 Tầng sơ thiền : gồm 3 cõi: Cõi Phạm chúng thiên (Brahmapārisajjabhūmi),tuổi thọ bằng 1/3 kiếp trái đất , cõi Phạm phụ thiên (Brahmapurohitabhūmi) tuổi thọ ½ kiếp trái đất và cõi Đại phạm thiên (Mahābrahmābhūmi) tuổi thọ bằng 1 kiếp trái đất.
2 Tầng Nhị thiền có 3 cõi là: Cõi Thiểu quang thiên (Parittābhābhūmi) tuổi thọ 2 kiếp trái đất, cõi Vô lượng quang thiên (Appamāṇābhābhūmi) tuổi thọ 4 kiếp trái đất ,và cõi Quang âm thiên (Ābhassarābhūmi)tuổi thọ 8 kiếp trái đất.
3 Tầng Tam thiền có 3 cõi là: Cõi Thiểu tịnh thiên (Parittasubhābhūmi) tuổi thọ 16 kiếp trái đất, cõi Vô lượng tịnh thiên (Appamāṇasubhābhūmi) tuổi thọ 32 kiếp trái đất ,và cõi Biến tịnh thiên (Subhākiṇṇābhūmi) tuổi thọ 64 kiếp trái đất.
4 Tầng Tứ thiền có 7 cõi là: Cõi Quảng quả (Vehappalābhūmi) tuổi thọ 500 kiếp trái đất, cõi Vô tưởng (Asaññasattabhūmi)tuổi thọ 500 kiếp trái đất và 5 cõi Tịnh cư (Suddhāvāsa) .Tuy nhiên , ở cõi Tịnh Cư Năm cõi Tịnh cư là nơi dành cho thiền chứng của bậc Thánh Anahàm và bậc thánh Alahán .Phàm nhân hay bậc Thánh Sơ quả, Nhị quả không thể tái sinh về nơi này, nên 5 cõi này còn được gọi là Thánh cư (ariyavāsa).
5 cõi Tịnh cư gồm cõi vô phiền (avihābhūmi) tuổi thọ 1000 kiếp trái đất, Cõi Vô nhiệt (atappābhūmi)tuổi thọ 2000 kiếp trái đất.Cõi Thiện kiến (sudassābhūmi)tuổi thọ 4000 kiếp trái đất.Cõi Thiện hiện (sudassībhūmi)tuổi thọ 8000 kiếp trái đất, Cõi Sắc cứu cánh (akaniṭṭhābhūmi)tuổi thọ 16000 kiếp trái đất.
Nơi cõi Sắc Cứu cánh có Bảo tháp Cūḷamanī tôn trí bộ vương phục cùng tóc của Bồtát Siddhattha (Sĩ-đạt-ta).
Khi Bồtát xuất gia, Đại Phạm thiên Ghaṭikāra từ cõi Sắc Cứu cánh xuống, dâng cho Bồtát 8 món y cụ của bậc xuất gia và mang bộ vương phục cùng tóc cắt bỏ của Bồtát mang về tôn trí trong Bảo tháp Cūḷamanī.
Cõi Vô sắc có 4 là: cõi Không-vô-biên-xứ (ākāsānañcāyatanabhūmi) tuổi thọ 20 ngàn kiếp trái đất, cõi Thức-vô-biên-xứ (viññāṇañcāyatanabhūmi)tuổi thọ 40 ngàn kiếp trái đất, cõi Vô-sở-hữu-xứ (ākiñcāyatanabhūmi)tuổi thọ 60 ngàn kiếp trái đất.và cõi Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ (nevasaññānāsaññāyatana bhūmi)tuổi thọ 84 ngàn kiếp trái đất.
Tuổi thọ con người thật là quá ngắn! So với tuổi thọ của chư thiên, tuổi thọ của chúng ta thật không hơn một phần nhỏ. Tuy nhiên, mặc dù tuổi thọ của họ thì vô cùng dài, nhưng họ cũng vẫn phải chết vào một ngày nào đó.
1. Thọ mạng chấm dứt.
2. Phước thiện trước kia chấm dứt.
3. Vì họ quên thọ thực. Và,
4. Khởi sanh ý thức có nguồn gốc từ sân hận.
Mặc dù hai nguyên nhân chết đầu tiên thì dễ hiểu nhưng hai nguyên nhân cuối thì không. Hãy để tôi giải thích thêm: Bởi vì thiên dục là rất vi diệu, chư thiên say mê vui thú đến nỗi quên giờ thọ thực. Khi họ làm như vậy, thân họ trở nên bị tiêu hoại và kiệt sức. Không có vật thực, ngay cả chư thiên cũng chết. Đây là nguyên nhân chết thứ ba – cái chết được quy kết đơn giản là do quên ăn.
Nguyên nhân chết thứ tư được gây ra bởi sự sanh khởi ý thức bắt nguồn từ sân hận. Đôi khi sự bất mãn sanh khởi khi thấy người khác thành công. Sự bất mãn này có thể có các đặc tính ganh ghét, bực bội, căm ghét, đố kỵ – không hoan hỷ với sự thịnh vượng của người khác. Chức năng của nó là không ham thích vận may hay hạnh phúc của người khác.
Ganh ghét, đố kỵ có thể sanh khởi chỉ với tâm có nhân là sân. Sân hận, ganh ghét và đố kỵ khiến tâm nóng nảy, mệt mỏi và kiệt sức. Nếu không kìm hãm, thái độ này có thể đem lại cái chết của một vị thiên.
Bởi vì ganh ghét, bất mãn và không vui thích với sự thịnh vượng và thành công của người khác, một vài thiên nhân chết.
Bây giờ chúng ta biết bốn nguyên nhân có kết quả là cái chết của chư thiên. Nhưng điều gì xảy ra khi thiên nam hay thiên nữ đó
sắp sửa chết?
Chúng ta hãy xem lại bài pháp của Đức Phật. Bài pháp này lấy trong chương ba của Itivuttaka. Trong đó Đức Phật giảng:
“Này các Tỷ-kheo, khi nào một Thiên nhân sắp sửa mệnh chung từ bỏ thân chư Thiên, có năm tướng xuất hiện ra trước: "Các vòng hoa héo úa, áo quần bị uế nhiễm, mồ hôi chảy ra từ nách, thân sắc trở thành xấu xí, Thiên nhân không hoan hỷ tại chỗ ngồi chư Thiên”
Vòng hoa xinh đẹp mà một vị thiên nhân đeo từ lúc sanh ra thì rất thơm. Những thiên hoa này luôn tươi tắn và tiếp tục nở hoa suốt cuộc đời lâu dài của thiên nhân. Chỉ gần lúc thiên nhân đó sắp sửa chết thì vòng hoa ấy héo úa.
Cũng vậy, áo quần của thiên nhân thì luôn luôn đẹp đẽ và sạch sẽ. Không bao giờ cần phải giặt chúng. Tuy nhiên, khi một thiên nhân sắp sửa chết, áo quần của vị ấy trở nên uế nhiễm.
Loài người chúng ta phải chịu nóng và lạnh, nhưng chư thiên thì không. Loài người chúng ta cần phải làm việc nhưng chư thiên thì không cần làm việc. Loài người ra mồ hôi, chư thiên thì không bao giờ ra mồ hôi. Chỉ khi một thiên nhân sắp sửa chết thì mồ hôi mới chảy ra từ cơ thể.
Những thiện nghiệp quá khứ của một thiên nhân tạo ra các nhân quyết định các điều kiện sống của kiếp hiện tại nơi cõi trời. Càng nhiều thiện nghiệp mà họ đã làm trong quá khứ, thì tuổi thọ của họ càng cao, sắc đẹp càng lộng lẫy, hạnh phúc càng nhiều, và danh tiếng và uy quyền càng lan rộng và thù thắng. Duy chỉ vì thiện nghiệp quá khứ mà các chúng sanh được sanh ra trong cõi trời cùng với đoàn tùy tùng lớn
Khi một thiên nhân muốn ăn thì đơn giản là các vật thực ngon lành xuất hiện. Giống con người,
chư thiên cũng ăn thức ăn, nhưng không giống loài người là hệ thống tiêu hóa của họ không sinh ra chất thải. Không có nhà vệ sinh ở cõi trời. Thế giới của họ thật là tuyệt biết bao! Nó phải thật là xinh đẹp và sạch sẽ biết bao! Cũng vậy, thân thể của họ thì sáng ngời, phát sáng và ánh sáng rực rỡ. Tuy nhiên, khi họ sắp sửa chết, hào quang của họ cũng dần trở nên yếu ớt hơn và mờ dần.
Mặc dù thế giới chư thiên là cõi hạnh phúc mà thiên nhân vui thích thọ hưởng. Khi một thiên nhân sắp sửa chết, không tìm thấy có sự thích thú nhiều nữa. Năm dấu hiệu báo trước này có luôn luôn xuất hiện với tất cả thiên nhân khi họ sắp sửa chết không?
Điều này được giải thích trong Chú giải Trung Bộ Kinh:
“Trong các thiên nhân, một số có nhiều phước báu, một số thì không. Khi các thiên nhân có nhiều phước báu sắp sửa chết, năm dấu hiệu báo trước xuất hiện. Nhưng với thiên nhân có ít phước báu, năm dấu hiệu báo trước không xuất hiện. Đây là sự khác nhau giữa họ.”
Khi một thiên nhân có ít phước báu chết, thân thể họ biến mất như ngọn lửa của một ngọn đèn và vị ấy tái sanh ở bất kỳ ở một trong các cõi dục.
Vào thời điểm khi chư thiên nhận biết các dấu hiệu báo trước của việc đến gần cái chết, họ nói ba lời để cổ vũ vị ấy:
“Từ đây, Hiền giả hãy đi đến cõi lành! Sau khi đi đến cõi lành, hãy nhận được những gì khéo nhận được. Sau khi nhận được những gì khéo nhận, hãy khéo an trú”
Khi điều này được giảng, một vị Tỷ-kheo bạch Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của chư Thiên? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là khéo an trú của chư Thiên?”
“Này các Tỷ-kheo, được địa vị làm người được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên.”
Con người chúng ta luôn hướng đến sự an vui và thiên lạc như cảnh giới của của thiên, nhưng ở đây Đức Phật lại nói rằng sự đi đến cõi lành của chư Thiên lại là địa vị làm người. Vì sao vậy?
Bởi vì, ở cõi người, có rất nhiều cơ hội để làm các thiện nghiệp như cúng dường (dāna), trì giới (sīla) và thực hành thiền Định (samatha) và thiền Vipassanā. Với minh sát trí , người đó có thể thoát ra khỏi sự thiêu đốt của các phiền não trong tam giới và đạt được sự an lạc bất tử của Niết Bàn.Vì các lý do này mà cõi người được gọi là cõi lành.
Do vậy , tất cả chúng ta hãy trân trọng cơ hội mình đang có .