Sunday, April 22, 2012

TẬP NÓI LỜI XIN LỖI_ TT Thích Thông Phương


I/ AI CŨNG CÓ LỖI
Sống trên đời này không ai là không có lỗi. Khắp thế gian này không người nào dám tự hào là mình không có lỗi, nên phải biết nói lời xin lỗi.
Người xưa nói “Nhân vô thập toàn”. Nghĩa là làm người không ai hoàn toàn, mà không hoàn toàn tức là còn có lỗi, có sai sót. Hầu hết mọi người còn sống trong mê, trong cái tương đối, cho nên không thể nào tránh khỏi lỗi lầm. Nếu người hoàn toàn không có lỗi chắc là hiền thánh rồi. Còn là phàm nhân thì ai cũng có lỗi, có sai sót, đâu thể tự hào là mình không có lỗi, chính cái tâm tự hào là lỗi rồi.
Có ông Cừ Bá Ngọc năm 20 tuổi ông đã biết kiểm lại mình và biết lỗi để tận sửa sai sót. Khi qua tới năm 21 tuổi, kiểm lại thì ông thấy lỗi cũng chưa hết. Rồi qua năm 22 tuổi nhìn lại năm 21 tuổi thấy cũng vẫn còn có sai sót. Như vậy, cứ mỗi năm ông tự kiểm lại, tự sửa đổi. Đến năm 50 tuổi vẫn còn nhận ra lỗi lầm của năm 49 tuổi. Thế là phải sửa suốt đời chứ không phải sửa một năm hay hai năm là đủ.
Câu chuyện trên là bài học kinh nghiệm giúp chúng ta bắt chước tập nhìn kiểm lại một năm qua để sửa lỗi và chuẩn bị cho năm tới không còn sai sót. Nhờ vậy, chúng ta dẹp bớt tâm tự hào và thường tự kiểm tra lại mình. 
II/ KHÔNG CỐ CHẤP TỰ MÃN, TỰ CAO TỰ ĐẠI.
Nếu không biết tự kiểm tra lại mình thì đó là một thiếu sót lớn, là thiếu tu. Bởi vì phàm nhân thì phải còn có sai sót, mà có sai có lỗi thì phải sửa. Phải thường tự kiểm tra lại mình để thấy được lỗi, để có tâm khiêm tốn vừa là tự sửa, vừa loại bỏ được tâm tự phụ. Tự phụ là luôn cho mình không có lỗi, luôn luôn đúng, lúc nào cũng hay nên không chịu nghe lời khuyên của ai hết. Từ tự phụ dần đưa đến tự cao tự đại, mà khi đã thành tự cao tự đại thì sao? Hòa thượng Tuyên Hóa giải thích theo kiểu chiết tự chữ Hán: Chữ tự “自” đi với chữ đại “大” thành chữ xú “臭 ” nghĩa là hôi thối. Vậy tự đại là hôi thối.
Khi biết được những ý nghĩa này rồi thì mỗi người phải khéo tự kiểm tra lại mình để khiêm tốn trở lại. Một khi đãø quen tự cao tự đại thì cho là mình hay, là cao nên không chịu nhận lỗi, có khi thà chết cũng không nhận lỗi. Đó là nguy hiểm, là lỗi lầm rất lớn.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, có câu chuyện về một chàng trai tính tình cố chấp (cũng là tự phụ). Hôm đó, anh ta ngồi xe ngựa để đi phương Bắc, giữa đường gặp người bạn già lớn tuổi, mới hỏi: “Anh đi đâu vậy?” Anh đáp: “Tôi muốn đi đến nước Sở”. Ông bạn mới hỏi: “Anh đến nước Sở à! Nghe nói nước Sở ở phương Nam sao anh lại đi phương Bắc, chắc là anh đi ngược đường rồi”. Lúc ấy, nếu anh ta là người khéo biết lắng nghe thì kiểm lại, thấy đi sai đường liền chuyển hướng. Đằng này, anh ta không chịu nhận sai mà còn biện bác trở lại. Nói: “Không sao, ngựa của tôi rất giỏi, anh không phải lo”. Ông bạn nghe vậy, nói: “Ngựa dù giỏi mà đi lầm thì càng đi càng xa”. Nhưng anh vẫn khăng khăng không chịu nghe. Anh nói: “Bác chẳng cần phí tâm như vậy, tôi có đủ lộ phí để đi đường”. Ông bạn già mới nói: “Tiền đi đường của anh dù có nhiều, nhưng phương hướng đã không đúng rồi thì anh làm sao đến được nước Sở dù có tiền đầy túi”. Đến như vậy mà anh ta vẫn cố chấp không nghe. Lại nói: “ Cũng không hề gì, tôi có một người xa phu rất giỏi đánh ngựa”. Anh ta cứ cố chấp bảo vệ cái lý của mình, mặc cho ông bạn lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm giải thích tận tình. Đó gọi là chết cũng không nhận lỗi.
Vậy, cuối cùng anh ta sẽ đi đến đâu? Dù cho có nhiều lộ phí, có ngựa giỏi, có xa phu giỏi nhưng mà lạc đường thì làm sao đi tới đích? Cho nên, nếu biết quay lại từ đầu thì đã nhẹ nhàng, còn khi lạc rồi mà quay trở lại thì càng xa nữa, bởi vì ngựa giỏi chạy càng nhanh thì lạc càng xa. Đó gọi là thiếu tinh thần biết lắng nghe, biết nhận lỗi, khiến người nhìn thấy chỉ biết lắc đầu thương xót.
Đó là một bài học kinh nghiệm cho chúng ta, không nên học theo kiểu đó, không tự phụ, phải biết lắng nghe, tự sửa đổi, biết tự kiểm tra lại mình.
Nhà thiền cũng có câu chuyện, một vị tăng đến bạch với Thiền sư Vô Đức: “Bạch thầy, thời gian con tham học dưới tòa của thầy đã đủ, nay xin từ giã thầy đi du phương hành khước”. Thiền sư Vô Đức bảo: “Làm sao biết đã đủ ?”. Vị thiền tăng thưa: “Dạ, bạch thầy, đủ tức là đầy rồi, cho vào không được nữa”. Thiền sư mới bảo: “Trước khi đi ông hãy đem đến đây một cái chậu đựng đầy đá, ta có chuyện nói với ông”. Ông tăng vâng lời làm theo. Thiền sư Vô Đức nhìn chậu đá nói: “Chậu đá này đầy chưa? ”. Vị tăng trả lời là đã đầy. Thiền sư Vô Đức lắc đầu, thuận tay bốc một nắm cát bỏ vào chậu, không có hạt cát nào tràn ra ngoài, vậy là chưa đầy. Ngài mới hỏi lại: “Vậy đã đầy rồi ư ?” Vị học tăng thấy Thiền sư bỏ nắm cát vào chậu đã phả mặt bằng rồi nên trả lời : “Dạ đầy rồi”. Thiền sư Vô Đức mới lấy một nắm vôi bỏ thêm vào, không thấy chút bột vôi nào tràn ra ngoài, cũng chưa đầy. Ngài hỏi lại: “Vậy đã đầy rồi ư?”. Vị học tăng thưa: “Dạ, đầy rồi”. Thiền sư lại đổ vào chậu một chén nước, cũng không có giọt nào tràn ra ngoài. Thiền sư Vô Đức lại hỏi: “Đã đầy rồi ư?”. Lúc này vị học tăng há hốc miệng không thể trả lời, không còn tự hào cho là sự học đã đủ.
Câu chuyện trên đủ cảnh tỉnh người nào còn mang tâm tự hào, tự mãn, cho cái hiểu, cái thấy, cái biết của mình đúng. Sự kiện này khiến thầy tăng phải luôn cảnh giác tâm tự mãn, biết khiêm tốn học tập.
Chúng ta cũng vậy, nhiều khi chỉ thấy biết theo chủ quan của mình, đâu biết bên trong ngầm vẫn còn có những kẻ hở, những sơ sót chưa thấy hết được. Giống như chậu đầy đá tưởng rằng đã đầy rồi, nhưng nếu tìm sâu hơn nữa thì chậu vẫn chưa đầy. Cho nên, khi bỏ cát vào thì vẫn còn có thể chứa được; rồi cát cũng còn có khoảng hở, nên khi bỏ vôi vào thì cũng chưa thấm gì, đổ nước vào cũng vậy.
Để thấy rằng cái nhìn chủ quan tự cho mình là đầy, là đủ rồi thì đó là sai lầm. Phải biết tự tập đức tính khiêm tốn, thường biết kiểm tra lại mình để tránh bớt lỗi lầm, đó là điều quý nhất. Nếu ai tự cho mình là đủ, là đúng là hay thì nên kiểm lại, đó là kinh nghiệm tự cảnh tỉnh bản thân.
Một câu chuyện khác, có vị thiền tăng tên là Tenno, đến tu học với Thiền sư Nan-in 10 năm. Một hôm, thiền tăng Tenno tự cho mình đã đầy đủ công phu tu tập rồi nên đến từ giã thầy để xuống núi. Thiền sư nói: “ Được, thời gian cũng đủ rồi. Nhưng ta muốn hỏi con: Trước khi vào thất, con để cây dù ở bên phải hay bên trái đôi dép của con vậy?”. Bị Thầy hỏi bất ngờ nên vị tăng bối rối suy nghĩ trả lời. Thiền sư bắt vị tăng ở lại thêm một thời gian nữa. Sau đó, lần thứ hai, vị tăng đến từ giã xin đi. Thiền sư cũng hỏi bất ngờ: “Lúc vào đây, con bỏ dép ở chân nào trước?”. Vì không chú ý, nên vị tăng phải suy nghĩ để trả lời. Vừa suy nghĩ thì Thiền sư nói như vậy không được, hỏi thì phải trả lời ngay, nên bắt vị tăng phải ở lại mấy năm nữa. Qua mấy năm, vị tăng thấy mình đã thành tựu thiền đến mức khả quan, nên lại đến từ giã thầy với một niềm tự tin vững chãi. Thiền sư nhìn vị tăng cười bảo: “Thôi được, con đi cũng tốt. Trời đang gió lạnh, con hãy giúp thầy đóng cửa sổ”. Vị tăng mừng quá, nhanh tay đóng cửa phát ra tiếng động lớn. Thiền sư bắt vị tăng ở lại thêm mấy năm nữa. Nhờ vậy, sau này vị tăng đó trở thành một Thiền sư nổi tiếng ở nước Nhật. Đây cũng là bài học để mỗi người chúng ta tập tính khiêm tốn, bớt lòng tự hào cũng vừa tự kiểm tra lại mình.
Vì chủ quan, chúng ta hay cho là mình tốt hoặc được rồi, nhưng người ngoài nhìn vào thấy vẫn còn chưa được. Cho nên phải giảm bớt tính chủ quan, vì chủ quan dễ đưa đến tự phụ, rồi tự cao, tự đại. Đây là những bài học hiện thực trong cuộc sống tu hành của chúng ta, phải luôn luôn tự kiểm tra bản thân để tu tiến. Có tự kiểm tra lại mình mới thấy được những sai sót; có thấy sai sót bản thân và thấy cả sai sót của người, nhờ vậy khởi lòng cảm thông và bớt tâm tự phụ.
III/ THƯỜNG TỰ KIỂM TRA MÌNH.
Có câu chuyện về hai nhà họ Trương họ Lý. Một hôm, người bên nhà họ Lý qua nhà họ Trương hỏi : “Sao mọi người nhà anh sống với nhau vui vẻ, hài hòa rất là hay; còn nhà tôi năm ba bữa là cãi nhau, nhà anh có thuật sống gì hay vậy?”. Anh họ Trương nói: “Đâu có gì lạ! Mọi người trong nhà tôi luôn thấy mình là người xấu, còn nhà anh ai cũng thấy mình tốt nên mới như vậy”. Anh họ Lý ngạc nhiên:“Là người tốt tại sao lại cãi vã”. Họ Trương mới nói: “Ví như có một chén trà để trên bàn, một người đi qua vô ý đụng cái bàn, bàn chao làm rơi vỡ chén trà. Người nhà của anh không nhận lỗi, mà còn lớn tiếng trách: “ Ai để chén trà không ý tứ, phải để vào trong thì đâu có bể ?”. Người để chén trà cũng không chịu thua, cãi lại: “ Tôi để đó đâu có sao, tại anh vô ý làm bể, còn trách”.
Vì ai cũng thấy mình tốt, mình phải nên mới xảy ra cãi nhau. Còn nếu là người nhà của tôi khi gặp sự việc như vậy sẽ nhỏ nhẹ xin lỗi: “Tôi lỡ vụng làm đổ chén trà, thành thật xin lỗi”. Người để chén trà nghe vậy, cũng sẽ nói: “Cũng không thể trách anh, do tôi sơ ý để chén trà ở gần mép bàn nên mới bị đụng đổ. Đây là lỗi của tôi”. Hai người cùng nhận lỗi hết nên không cãi vã, trong nhà luôn an vui và tốt đẹp. Còn nhà anh ai cũng tốt thì lỗi về phần ai ?
Đây cũng là một kinh nghiệm sống, lỡ gặp chuyện như vậy thì chúng ta cứ nhận lỗi không trách ai. Phật tử hiểu và sống được thì sẽ thấy an vui. Nếu khi có lỗi mà không nhận lỗi thì đó là nguy hiểm, khiến người kia tức giận thành ra cãi vã, tranh chấp nhau cũng từ chỗ đó.
Nếu hai người đều đúng mà hai cái đúng chạm nhau thì tóe lửa, rõ ràng là như vậy. Nên phải nhận lỗi, tập nói lời xin lỗi, đó là yếu chỉ để sống hòa hợp, vui vẻ. Đây là những bài học thực tế, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa đó để tập sống hòa hợp. Muốn được vậy thì phải thường tự kiểm tra mình đừng lo kiểm tra người.
Nhờ thường tự kiểm tra mình mới thấy được chỗ yếu, chỗ sai để mà tự sửa. Có ông bác sĩ Triệu là Phật tử, thường lên tòa diễn giảng. Hôm đó, giảng xong ông lái xe về nhà, vừa lái ra cổng thì bị chiếc xe taxi xông tới đụng vào xe ông. Rõ ràng anh tài xế taxi có lỗi, nhưng mà anh này còn mắng to: “Bộ ông muốn chết sao mà chạy như vậy?”. Bác sĩ Triệu tức vì theo luật đi đường thì anh taxi lỗi, đã vậy lại còn lớn tiếng chửi, bác sĩ đáp trả: “Chính anh mới muốn chết”. Tài xế taxi thách thức: “Ông ra đây!”. Bác sĩ nói: “Ra thì ra chứ sợ gì”. Ngay lúc ông sắp mở cửa bước ra khỏi xe, liền thấy nhóm học viên trong hội trường mà ông vừa diễn giảng ra tới, thấy thầy vừa giảng rất hay mà sao mới đây lại sừng sộ như vậy. Bác sĩ Triệu ngay đó tự kiểm lại mình, thấy hổ thẹn, liền đổi thái độ. Hướng về anh tài xế kia: “Thôi tôi xin lỗi anh, đúng là tôi sai rồi”. Anh tài xế ngạc nhiên, nhưng cũng trở lại khiêm tốn, nắm chặt tay bác sĩ: “Đây đúng là lỗi của tôi, chứ không phải ông”. Hai người vui vẻ bắt tay nhau rồi đi.
Các Phật tử thấy chiến trường sắp nổ nhưng mỗi người sớm biết xoay lại, biết nhận lỗi, chỉ cần chịu hạ mình thấp một chút là có thể xong việc. Còn ai cũng tự cho mình là trên, không chịu nhận lỗi nên mới sinh ra chuyện không vui, không tốt.
Chúng ta khéo tập nói được lời xin lỗi là đã giải quyết được bao nhiêu chuyện rắc rối. Chỉ cần một câu nói thôi. Quý Phật tử nào kinh nghiệm sẽ rõ. Nếu đã lỡ làm chuyện có lỗi mà thực tâm xin lỗi thì người kia họ cũng sẽ bớt giận; cũng như ai lỡ làm mình buồn giận mà họ xin lỗi thì mình cũng sẽ bớt buồn.
Như vậy, chỉ một lời xin lỗi thôi mà có thể chuyển họa thành phúc, chuyển rắc rối thành êm đẹp, vậy tại sao chúng ta không dám nói lời xin lỗi, trong khi không tốn công, tốn tiền tốn bạc gì hết? Xét lại thì chỉ vì lòng tự ái mà ra, do tự ái là hàng rào cản nên mới không dám nói. Người học đạo cần phải vượt qua, đó cũng chính là một cách để tự thắng mình.
Kinh Pháp Cú nói:
                    Dù tại bãi chiến trường,
                    Thắng ngàn ngàn quân địch,
                    Tự thắng mình tốt hơn,
                    Thật chiến thắng tối thượng.
                    Dù thiên thần, thát bà,
                    Dù ma vương, Phạm thiên,
                    Không ai chiến thắng nổi,
                    Người tự thắng như vậy.
Nghĩa là dù cho thiên thần ở cõi trời, dù ma vương hay Phạm thiên cũng không ai có thể bằng người tự chiến thắng mình, đó là một sức mạnh lớn, khó làm mà làm được.
Người biết nhận lỗi là người có sức mạnh lớn, vì người yếu đuối chưa chắc làm được. Nhưng người ta ít dám nhận lỗi mà thường thấy lỗi của người khác. Đó là thói quen ít tự kiểm tra mình mà lại thường kiểm tra người, nên kinh Pháp Cú nói:
                    Dễ thay thấy lỗi người,
                    Lỗi mình thấy mới khó.
                    Lỗi người ta phanh tìm,
                    Như lựa thóc trong gạo.
                    Còn lỗi mình che giấu,
                    Như kẻ gian giấu bài.
Tức là thấy lỗi người ta thì dễ, thấy lỗi mình mới khó. Lỗi người khác thì cố moi tìm như lựa thóc trong gạo; còn lỗi mình thì che giấu cho qua như kẻ gian giấu bài. Đó là thói quen.
Vì thường thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình nên thành ra tự cao tự đại, rồi dễ bực mình, thấy anh đó cứ lầm lỗi hoài, cứ dở hoài mà không biết bản thân mình cũng có cái dở. Cho nên, nếu là người thường soi lại mình, lỡ thấy huynh đệ có sai sót thì cũng thông cảm, vì lâu lâu mình cũng có những cái dở, nhờ vậy ít bực bội. Nếu người mà lúc nào cũng tự cho là mình đúng, là tốt khi thấy người ta sai chút là dễ bực bội, rồi cứ lo trách người mà ít chịu trách mình.
Đó là những kinh nghiệm, là lẽ thật để chúng ta thường tự soi, tự kiểm lại mình, thấy được những cái sai sót của mình, dám nhận lỗi, dám nói lời xin lỗi, tạo không khí vui hòa, cũng là cách tiến tu. Có thấy được sai sót của mình, chúng ta mới sửa để tiến bộ, còn tưởng mình tốt thì không còn muốn nghe ai khuyên dạy nữa, cố chấp như vậy thì lỗi càng nhiều.
IV/ TỰ TRÁCH MÌNH TRƯỚC KHI TRÁCH NGƯỜI.
Một yếu chỉ để sống tốt nữa là phải thường tự trách mình trước khi trách người. Nghĩa là phải khéo tự trách mình trước rồi mới trách người sau, chứ đừng có trách người trước khi trách mình. Thường thì người ta hay trách người khác trước khi trách mình, chúng ta tu Phật phải ngược lại, tự trách mình trước. Đó cũng là cách giải tỏa nhiều phiền não cho mình. Bởi vì cứ lo trách người mà không dám trách mình, cứ đổ lỗi cho người còn mình lúc nào cũng tốt nên dễ sinh phiền não, bực bội bất mãn.
Cuối cùng, thấy ai cũng đáng trách hết, còn mình thì sao? Đây là một kinh nghiệm mỗi khi bị huynh đệ làm điều gì bất như ý cho mình thì phải tự xét tìm xem bản thân đã có khuyết điểm gì, nên người mới đối xử như vậy. Thí dụ họ cư xử tệ, có vẻ khinh thường mình, thì trước khi trách họ chúng ta phải trách mình trước, nghĩ lại chắc mình tu cũng có chỗ khiếm khuyết gì đó, hay đức hạnh của mình còn kém nên mới như vậy. Nếu như đức của mình cao thì họ đâu đối xử xấu. Quán xét kỹ thì sẽ thấy nhẹ nhàng, bớt phiền trách người khác. Tự kiểm mình để tu thêm chút nữa, vun bồi đức hạnh mình thêm chút nữa, được vậy thì tâm nhẹ nhàng và tu tiến thêm. Ngược lại, chưa gì đã trách người khác, thì càng sanh bực bội, càng thêm phiền não, không khí càng nặng nề hơn nữa.
Quý phật tử đã đọc câu chuyện ngài Milarepa, Ngài bị ông thầy ngược đãi một cách vô lý, nhưng Ngài cũng vẫn nhẫn nại, tự trách mình mà không oán giận thầy. Ngài tự trách nghiệp ác mình tạo nên mới gặp hoàn cảnh không hay. Đúng là trước kia Ngài cũng tạo nhiều nghiệp ác nên hiện tại thường tự trách lại mình, và Ngài càng tăng thêm sức nhẫn nhục. Nhờ vậy những quả báo ác của Ngài giảm bớt, và được giác ngộ trong hiện đời, nếu Ngài oán trách thì nghiệp ác không cởi bỏ được. Nếu người biết sống, sẽ có tiến bộ khéo vươn lên. Điều quan trọng là phải thường tự kiểm lại mình, tự trách mình, trách mình trước chứ đừng theo thói quen là trách người ta trước.
Việt Nam có kể câu chuyện về Thiền sư Hiện Quang là vị sư đầu tiên của sơn môn Yên Tử. Có lần, Ngài thấy vị thị giả dâng cơm, bất cẩn xẩy tay rơi mâm cơm xuống đất. Thầy thị giả sợ quá, vội lấy tay hốt cơm vô. Vì hốt vội nên cơm lẫn với đất đem dâng cho Ngài. Ngài thấy vậy tự trách mình: “Ta sống không làm lợi ích cho ai nhiều, nhọc công người cung cấp đến phải như thế.”
Ý của Ngài là thấy mình sống không làm được lợi ích cho ai nhiều mà còn phải làm phiền người. Từ đó, Ngài mặc áo bằng lá cây, ăn các thứ trái lượm được trong núi rừng chứ không dùng cơm để khỏi cần người cung cấp. Trải qua mười năm như vậy.
Đó là tinh thần tự trách mình, người tu được như vậy thì nhẹ nhàng không phiền não. Đây là những phương cách và là kinh nghiệm để chúng ta học hỏi. Người học đạo phải khéo biết soi lại như vậy.
Nhà thiền kể câu chuyện về Thiền sư Lâm Tế - Nghĩa Huyền khi còn đang tham học. Mỗi lần, đến thưa học pháp với ngài Hoàng Bá đều bị ăn một gậy và không trả lời gì hết. Nếu chúng ta đi cầu pháp mà gặp trường hợp như thế thì chắc là oán trách rồi bỏ đi vì ông thầy thô lỗ quá. Nhưng Ngài không trách gì hết, chỉ tự trách mình vô minh, nhiều chướng duyên nên không sáng tỏ được ý chỉ thầy dạy. Chính cái tâm như vậy nên mới tiến bộ, mới thành bậc Tông sư sau này.
Ở Việt Nam cũng có câu chuyện rất hay là “bến đò sáu mươi” nói về Sơ tổ Trúc Lâm.
Bấy giờ, vua Trần Nhân Tông lên núi tu nhưng cũng thường đi giáo hóa, thăm dạy các nơi. Ngài tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) nên mọi người xưng gọi là Trúc Lâm Đầu Đà. Vì Ngài mặc áo tu tầm thường, đi chân trần, nhìn không giống ông vua, nên có một lần đi từ nơi Thiên Trường qua bến đò ở xã Nghi Dương, nay là xã Ngũ Phúc thuộc huyện Kiến Thụy - Hải Phòng để thăm chị gái, tức là công chúa Thiên Thụy, tu ở chùa Nghi Dương.
Lúc ấy, trời sẩm tối có viên xã quan đi kiểm tra chuyển canh. Nhìn thấy vị sư khoác túi vải gầy gò, chống gậy dò đường đi ra bến đò. Vị xã quan đã ngà ngà say, hách dịch hỏi giấy tờ tùy thân của Đại sĩ. Đại sĩ từ tốn nói: “Tôi ở trên núi, lỡ đi có việc gấp nên quên mang theo giấy tờ”. Xã quan liền túm lấy Đại sĩ đấm cho sáu mươi đấm. Vừa lúc đó, gia nhân của công chúa Thiên Thụy tới đón Đại sĩ, thấy vậy mới hoảng hốt quát to: “Đó là Thượng hoàng, sao dám hỗn vậy?”. Xã quan nghe rồi hết hồn, run sợ quỳ rạp xuống lạy xin tội. Đại sĩ ôn tồn bảo tên xã quan phải khéo, từ đây trở đi phải chừa tật rượu chè, hống hách; rồi Ngài quay lại nói với gia nhân công chúa: “Đây cũng do nghiệp chướng của ta, không nên làm khó xã quan”. Vì vậy, từ đó bến đò này mới có tên là bến đò sáu mươi.
Như vậy, Ngài cũng tự trách nghiệp chướng của mình, trước do không khéo tạo nên nay mới gặp chuyện không hay, Ngài không trách người. Một vị vua danh tiếng, một vị Thượng hoàng đầy uy quyền khi bị người sĩ nhục vẫn không oán trách mà chỉ tự trách lại mình. Đối với chúng ta thì việc này có dễ làm không? Đó là những bài học sống, là tinh thần học đạo của người xưa.
V/ TÓM KẾT
Chúng ta học nhiều kinh luận, nhưng chỉ biết nhớ chữ nghĩa mà không ứng dụng ý kinh rồi chuyển thành bài học thực tế trong cuộc sống, thực là thiếu sót. Quý vị nghe giảng chỉ 1 tiếng đồng hồ là xong nhưng thực hành thì làm cả đời cũng không xong. Chỉ cần hai tiếng “xin lỗi” quý vị học cả đời học cũng chưa hết. Không phải đơn giản. Đừng tự hào nói tôi học thuộc hết bộ kinh này, bộ kinh kia…
Muốn học lẽ thực, trước hết chúng ta phải tập để quen “nói lời xin lỗi”. Tại sao phải thực tập? Bởi vì khi nghe thấy dễ nhưng làm thì khó, nên phải tập. Nếu như ai đã làm được rồi thì thôi, nhưng hầu hết chúng ta đều chưa được nên phải thực tập để cho quen, để sống được như vậy. Phải tập “nói lời xin lỗi” để có sự thông cảm với nhau, để dễ dàng dẹp bớt lòng tự phụ. Khi lỡ làm buồn phiền huynh đệ thì chúng ta phải tập can đảm lên, phải mạnh dạn nói lời “xin lỗi huynh, tôi đã làm huynh buồn”. Như vậy, liền có sự chuyển đổi, không khí sẽ nhẹ nhàng, bớt nặng nề. Còn nếu cứ mặt nặng với nhau ngày này qua ngày khác thì buồn phiền càng kết sâu. Sống như vậy có vui gì? Cũng như, nếu lỡ làm người trên buồn lòng thì trước mạnh dạn nói: “Con xin lỗi thầy” hoặc “Con xin lỗi ba mẹ”. Nói được bằng tâm chân thành thì sẽ không ai phiền trách nữa, không khí sẽ nhẹ nhàng an vui, hòa hợp. Phải tập giống như gia đình họ Trương, cả nhà ai cũng là người xấu hết thì không khí an vui, còn ai cũng tốt hết thì cãi vã nhau hoài.
Nếu có ai lỡ làm phiền huynh đệ, phiền người chung quanh mà còn tự ái cố chấp, làm mặt lạnh thì cuộc sống làm sao có sự thông cảm? Có nhiều trường hợp, hai xe đụng nhau, không ai chịu nhận lỗi, người này đổ qua người kia, người kia đổ qua người nọ thành ra cãi nhau; nếu lỡ chạm nhau chỉ cần bước xuống xe nói lời: “Xin lỗi tôi lỡ chạm anh” thì chắc là sự việc nhẹ nhàng. Cũng vậy, trong cuộc sống nếu cứ lo đổ lỗi cho nhau, trở thành bất mãn với nhau, rồi tự sanh phiền não, cuộc sống càng đưa đến tình trạng đen tối hơn, nguyên do cũng chỉ vì cố chấp mà ra.
Cho nên, người học đạo phải khéo tự kiểm tra và phải biết nói được lời “xin lỗi”. Có miệng là nói được. Chỉ cần khéo buông bớt cái “tôi” này một chút thôi thì sống gần với nhau, thương nhau hơn. Sẵn sàng xin lỗi tất cả. Đó là bài học mà tất cả người tu chúng ta cần phải thực tập.
Bây giờ, tôi xin làm gương trước: “Tôi xin lỗi tất cả. Bởi vì lâu nay mỗi lần giảng dạy Phật pháp, phải nói thẳng nói thật, nên nhiều khi cũng đụng chạm, ít nhiều cũng làm mất lòng mọi người nên tôi xin lỗi tất cả”. Khi nói thật thì có khi cũng đụng chạm cái tôi của mọi người. Nhưng học Phật là học sự thật, thì phải nói lời thật để khéo sống chân thật cùng tiến lên. Nay xin được nói lời xin lỗi, vì đây là việc làm rất là bổ ích trong cuộc sống của bản thân mỗi người. 
 

PHẬT PHÁP ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY_ Thầy Thích Thông Phương


I. ĐƯA NGƯỜI GIÁP MẶT SỰ THẬT, CHỨNG NGHIỆM CHÂN LÝ
Đề tài hôm nay là "Phật Pháp Đến Để Mà Thấy". Đây là câu thường gặp trong Kinh A-hàm và Kinh Nikaya.
Ý nghĩa thứ nhất là đưa người giáp mặt với sự thật, chứng nghiệm chân lý. Phật pháp là pháp giác ngộ lẽ thật. Sự giác ngộ đó ở trong tâm người chứ không phải trong lý luận, chữ nghĩa.
Thiền sư Lâm Tế có lần nhắc: "Người học tin chẳng kịp cho nên mới hướng ra bên ngoài để tìm kiếm. Dù cho tìm kiếm được thì cũng là tướng thù thắng của văn tự chứ trọn không được ý Tổ sống". Ý nghĩa chính không phải nằm trong văn tự. Ý của Phật hay Tổ sống nằm ngay trong tâm giác ngộ của mỗi người. Thiền sư nói thêm: "Các Đại đức! Ông chớ có nhận cái áo! Áo không biết cử động. Chính người mặc áo thì có cái áo Thanh tịnh, áo Vô sanh, áo Bồ-đề, áo Niết-bàn, áo Tổ, áo Phật v.v...". Có nghĩa là Bồ-đề, Niết-bàn, Tổ, Phật hay Chân như, Phật tánh v.v... chỉ là những danh từ. Giống như chiếc áo mặc bên ngoài chứ không phải bản thân Bồ-đề, Niết-bàn. Chiếc áo mặc thì không biết cử động. Chính con người mới biết cử động. Đó mới là Pháp sống. Học Phật phải khéo thấu qua được những chiếc áo đó để giáp mặt sự thật chứ không chỉ dừng ở chiếc áo mà lý luận. Đó là khéo học.
Thí dụ như danh từ Bồ-đề, Niết-bàn v.v... thì đâu có biết giác ngộ, đâu có thắng được phiền não. Giác ngộ, Niết-bàn hay giải thoát v.v... cần phải ở ngay nơi mình. Học Phật pháp, ban đầu là nương văn tự nhưng sau phải vượt qua văn tự, ngôn ngữ để trực tiếp chứng nghiệm chân lý. Vậy mới cứu được mình, hợp với bản tính của Phật.
Quý vị đọc lịch sử Phật sẽ thấy khi Đức Phật mới thành đạo Ngài không muốn đi thuyết pháp, mà mục đích Ngài tu hành thành đạo là để giáo hóa chúng sinh. Rồi đợi Phạm thiên thưa thỉnh ba lần, Ngài mới hứa khả là có ý sâu. Bởi Ngài thấy chỗ chứng đạo của Ngài quá sâu xa, vượt ngoài trí hiểu biết suy luận tầm thường của thế gian, nên Ngài không muốn vội đi thuyết pháp. Trong kinh kể, khi đó Ngài nói: "Ta đã thấu được pháp thâm diệu khó nhận, khó hiểu, vắng lặng, tuyệt vời, không biện giải gì được. Nó cũng tinh tế chỉ có bậc Thánh nhân mới hiểu được". Chỗ mà Ngài thấy, chứng ngộ đó vượt ngoài lý luận, biện giải nên phải là bậc Thánh, bậc chứng ngộ mới cảm thông được. Còn chưa cảm thông thì khi Ngài nói ra sợ sẽ có hiểu lầm, sai lệch ý của Phật.
Chính buổi đầu đó, Đức Phật đã ngầm nhắc cho hàng đệ tử học Phật sau này phải học vượt qua ngôn ngữ nói năng, văn tự ghi chép, mới cảm thông được chỗ Phật muốn chỉ, muốn nói. Có nói ra chỉ là phương tiện bất đắc dĩ của Phật mà thôi. Chân lý sống thì không ở trong phương tiện đó. Giống như chiếc xe đưa mình đi đến thành phố, chiếc xe không phải là thành phố, không phải là mục đích đến. Nếu mình cứ bám vào chiếc xe thì không đạt được mục đích mà chỉ tạm nương chiếc xe để đi đến nơi mục đích mình muốn. Trong Kinh Viên Giác, Phật có nói: "Những Kinh giáo mà Phật nói ra giống như ngón tay chỉ mặt trăng", người khéo thì phải nương ngón tay để thấy mặt trăng, không thể bám vào ngón tay mà cho là mặt trăng. Cũng vậy, những ngôn giáo để chỉ chân lý nhưng chân lý không nằm trong ngôn giáo.
Trong Kinh Lăng-già nói, Phật thuyết pháp trên bốn mươi năm nhưng khoảng giữa đó Ngài chưa từng nói một chữ. Tức là ý của Phật vốn không ở trên danh từ hay những lời nói đó.
II. BA THỨ BÁT NHÃ
Khi chúng ta học Bát-nhã, có chia ra thành ba loại: Văn tự Bát-nhã - Quán chiếu Bát-nhã - Thật tướng Bát-nhã. Chữ Bát-nhã dịch nghĩa là trí tuệ, nhưng trí tuệ ở đây không giống như trí tuệ ở thế gian thuộc về trí tuệ sanh diệt, đây là trí tuệ trong Phật pháp. Thường gọi là trí tuệ Bát-nhã để mọi người khỏi nhầm lẫn.
- Văn tự Bát-nhã: Người nghe, học, nghiên cứu kinh điển thì mở sáng được những điều hiểu biết về Phật pháp. Đó là cũng có trí tuệ nhưng là trí tuệ trên văn tự, trí tuệ của Phật của Tổ chúng ta học lại chứ chưa phải của chính mình. Thí dụ học nghe về lý vô thường thì hiểu lý vô thường, nhưng chưa thật sự cảm nhận được lý vô thường nơi chính mình. Tức là chưa có sức diệu dụng, chưa đến được những chỗ vi tế của vô thường. Bởi vậy, cần phải tiến thêm một bước nữa.
- Quán chiếu Bát-nhã: Nghe, hiểu rồi thì phải thường xuyên quán chiếu vào cuộc sống thực tế hàng ngày, đem chỗ mình học hiểu đó quán chiếu thẳng vào sự vật, các pháp để chứng nghiệm lẽ thật của nó. Trong Tâm Kinh Bát-nhã có câu "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách". Đây là thường phải quán chiếu năm uẩn của mình là không, quán tới, quán lui trong cả những lúc đi-đứng-nằm-ngồi để thấy rõ nó là không chứ không phải chỉ hiểu trên chữ nghĩa. Đem lý không đó vào ngay trong thực tế. Chứ hiểu năm uẩn là không mà gặp ai nói xúc phạm gì thì chúng ta liền thấy bực mình, khó chịu. Vậy thì nó không phải là không. Công phu quán chiếu này rất quan trọng, có quán chiếu được như vậy mới đưa chúng ta đến bờ Niết-bàn.
- Thật tướng Bát-nhã: Chúng ta quán chiếu thường xuyên đến khi thuần thục thì chính mình tự sáng tỏ ra. Tự mình mở sáng được trí tuệ, rõ lẽ thật đó ở ngay nơi chính bản thân mình. Nghĩa là chính mình là chân lý chứ không phải chia ra có ai quán, có cái gì để quán, như vậy nó thành cách biệt nhau. Đến đây, thật tướng đã hiện tiền, mình không cần phải quán nữa nhưng vẫn thấy nó là không. Đó là chỗ diệu dụng của Bát-nhã. Trực tiếp giáp mặt với chân lý mới thật sự qua được các khổ nạn. Chuyển "ngũ uẩn giai không" của Bồ-tát Quán Tự Tại trong Tâm Kinh thành của mình, ở ngay nơi chính mình. Chỗ này cần phải có công phu quán chiếu chứ không phải chỉ lý luận suông, phải là hành giả, phải thực hành sâu, miên mật, luôn luôn không gián đoạn. Không phải lúc rảnh mới quán, lúc bận thì thôi.
Cổ Đức có thí dụ: Người muốn qua sông phải bước lên thuyền, chèo thuyền sang bờ bên kia, khi tới bờ rồi thì bước lên bờ đi tự do. Bước lên thuyền là Văn tự Bát-nhã. Nhưng bước lên thuyền mà ngồi hoài thì cũng không thể tới bờ kia được, phải ra sức chèo qua bờ. Đó là Quán chiếu Bát-nhã. Tới bờ rồi mà ngồi trên thuyền thì cũng không đi đâu được, vì mắc kẹt trên thuyền, phải bước lên bờ, bỏ thuyền lại đi tự do. Đó là Thật tướng Bát-nhã.
Hoặc trường hợp chèo qua tới bờ mà tiếc chiếc thuyền, kéo theo lên bờ hay vác theo lên bờ thì cũng bị ngại. Hoặc nghĩ mình lên bờ rồi thì phá bỏ chiếc thuyền cũng không phải. Cần phải để lại cho những người chưa qua, họ cần chiếc thuyền đó để qua.
Ở đây, lỗi không phải ở chiếc thuyền. Cũng vậy, Pháp thì không có lỗi mà lỗi là do người dính kẹt vào đó. Nếu chúng ta khéo nương vào Pháp để tiến tu, thực chứng được chân lý thì Pháp là phương tiện đưa ta đến chân lý. Đó là điều tốt không có lỗi.
III. NHẤN MẠNH SỰ CHỨNG NGHIỆM
Phật Pháp nhấn mạnh việc chứng nghiệm chân lý. Người xưa nói: "Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con". Muốn dứt khổ phải dứt cái nhân tạo nên cái khổ, không thể đứng bên ngoài suy lý mà hết khổ được. Cũng vậy, "Muốn qua hết khổ ách" thì phải thực hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật từ đó mới "chiếu kiến" – thấu được năm uẩn đều không. Bát-nhã Ba-la-mật sâu xa đó không nằm trong chữ nghĩa, lý luận hay những trang giấy mực. Nếu chỉ ở trên lý luận, biện giải thì đâu có gọi là Bát-nhã sâu xa được. Tức là mình phải trực tiếp vào trong Bát-nhã, tự mình mở con mắt Bát-nhã. Lý luận, biện giải là bước đầu, dù lý luận, biện giải có hay đến mấy đi nữa thì cũng không thể biến năm uẩn thành "không" được.
Thiền sư Quảng Trí từng cảnh tỉnh những người học Phật hay lầm hiểu trên "cái không", lo nói "không" mà chưa hiểu "không". Ngài nói: "Không thể chấp rằng: ta đã ngộ xong, phiền não tánh nó là không, nếu khởi tâm tu lại là điên đảo. Thế nhưng, tánh phiền não dù là không mà nó hay khiến thọ nghiệp, cũng như nghiệp quả nó không tánh mà cũng tạo nên nhân khổ, khổ đau tuy là hư dối nhưng lại khó nhẫn là sao ?". Lẽ thật thì tánh phiền não là không nhưng không phải mình nói không là nó thành không, mà phải tu hành để chứng nghiệm nơi bản thân chính mình. Mình hiểu là không, nghe kinh nói là không rồi mình nói là không. Nhưng gặp khổ đau thì mình cũng khổ đau, khó nhẫn, khó chịu. Cho nên mình phải thực tu, thực chứng lẽ thật đó rồi cảm nhận thực sự chứ không phải mình hiểu không, nói không thì nó là không.
Trong Kinh A Hàm có bài kinh: Có lần Phật vào rừng, các vị Tỳ-kheo đi theo, Phật nắm một nắm lá trong tay rồi hỏi các vị Tỳ-kheo: " Lá trong tay Ta nhiều hay lá ngoài rừng nhiều ?". Các vị Tỳ-kheo đáp: " Lá trong tay Thế Tôn ít, lá ở ngoài rừng thì rất nhiều" . Phật nói: "Cũng vậy, những điều Ta chứng được, hiểu được thì giống như lá cây trong rừng, còn những điều Ta nói ra cho các ông cũng như lá cây trong tay".
Qua thí dụ này, ta thấy rằng dù ta học kinh điển mà Phật đã nói trong "Tam tạng Kinh Điển" cũng giống như nắm lá trong tay, còn những điều Phật hiểu, Phật chứng nghiệm, Phật chưa nói hết như lá trong rừng. Dù có học được năm, mười bộ kinh, năm, mười bộ luận cũng như nắm lá trong tay. Muốn thấu được lá trong rừng thì phải tu, phải thực hành, tỏ sáng trí tuệ, mới cảm thông được những điều Phật nói chưa hết. Ngôn ngữ còn trong giới hạn, còn lẽ thật, chân lý sống thì phải thực tu mới chứng nghiệm được. Các vị Thánh hiền hay các Thiền sư tu được chứng ngộ, các Ngài hay đánh thức đưa người học trực tiếp cảm nhận chân lý chứ không phải dừng trên ngôn ngữ.
Nhà Thiền có câu chuyện: Thượng tọa Định là đệ tử nối pháp của Thiền sư Lâm Tế. Một hôm trên đường đi thọ trai ở nhà thí chủ về, đi đến một cây cầu thì gặp ba vị tọa chủ là những vị trụ trì, giảng pháp. Một trong ba vị đó gặp Ngài hỏi: "Thế nào là tột đáy của sông thiền ?". Thượng tọa Định nghe xong liền chộp ngay ngực vị đó định ném xuống sông. Hai vị kia thấy vậy hoảng hốt xin tha. Thượng tọa Định buông ra rồi nói: " Nếu không có hai vị tọa chủ đây thì tôi sẽ cho Ngài xuống để biết tột đáy sông thiền".
Qua đó, thấy Thiền sư học Phật rất trọng lẽ thật, ông muốn rõ tột đáy sông thiền thì ông phải vào trong đó, chứ ông đứng bên ngoài hỏi đùa thì không thể biết được. Cũng vậy, chúng ta đứng đây cứ bàn về Niết-bàn, về Bồ-đề thì cũng không thấy Niết-bàn, Bồ-đề được. Nhiều khi bàn về Niết-bàn còn cãi nhau, có người nói Niết-bàn thế này, có người nói Niết-bàn thế kia. Cãi nhau rồi không thấy Niết-bàn đâu chỉ thấy sanh tử. Đúng lẽ thật, muốn thấy Niết-bàn thì phải thực hành, chứng nghiệm được Niết-bàn.
Bài Kinh "Có Pháp Môn Nào" trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật dạy: "Này các Tỳ-kheo, các ông mắt thấy sắc, trong nội tâm có tham, có sân..., có si v.v... thì biết rõ nội tâm của mình có tham..., có sân, có si, hoặc nội tâm không có tham..., sân..., si, thì cũng biết rõ nội tâm không có tham..., không có sân, không có si. Này các Tỳ-kheo! Biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm của vị ấy, thì có phải chúng là những pháp mà do lòng tin được hiểu biết hay do yêu thích được hiểu biết, do lắng nghe được hiểu biết, hoặc do suy tư về phương pháp, do kham nhẫn v.v... có phải vậy không ?". Các Tỳ-kheo thưa: "Bạch Thế Tôn, không". Phật hỏi thêm: "Có phải các pháp này do thấy với trí tuệ nên được hiểu biết hay không? ". Các Tỳ-kheo thưa: "Phải, bạch Thế Tôn".
Phật lại nói: "Đây chính là pháp môn, này các Tỳ-kheo, do pháp môn này ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp, ngoài kham nhẫn, thích thú, biện luận, có thể xác chứng với chánh trí. Vị đó biết rõ sanh tử đã hết, việc làm đã xong".
Phật xác chứng rõ ở trong nội tâm mình có tham, sân, si, biết có tham, sân, si. Trong nội tâm mình không có tham, sân, si cũng biết không có tham, sân, si. "Cái biết" này không phải do suy tư, biện luận hay do nghe ai nói lại, mà "cái này" mình phải xác chứng bằng chính trí tuệ của mình, hiện hữu nơi mình chứ không phải ở trong kinh điển, sách vở. Chính mình phải giáp mặt sự thật đó bằng chính trí của mình, không phải chỉ dừng ở sự học hiểu bên ngoài là đủ. Phải đến để mà thấy!
Học Phật là chính mình nương theo những lời Phật dạy, rồi chính mình thực hành, chính mình tiến đến sự thể nghiệm, cảm nhận được Phật pháp, trực tiếp giáp mặt với chân lý Phật đã dạy. Như vậy, chúng ta mới thật sự có sức để thắng được phiền não, đau khổ, nếu không, thì chỉ học, hiểu mà chưa đủ sức thắng.
Quý Phật tử học Phật thì hiểu thân tâm là vô thường, tạm bợ, mỏng manh, không bền chắc. Nhưng có thật sự mình hiểu nó là vô thường không? Nếu thật sự hiểu như vậy thì ví dụ khi đi khám bác sĩ, biết mình bị bệnh ung thư v.v... thì mình có thấy nó vô thường không? Hay lúc đó mình đã trả cái vô thường đó lại cho Phật, cho Tổ. Đó là điều thực tế.
VI. TÓM KẾT
Phật pháp là pháp chân thật, ở ngay nơi chính mình, không thể ở đâu khác. Đức Phật ra đời tự giác ngộ, tự chứng nghiệm được nơi bản thân rồi mới chỉ lại cho chúng sinh để cùng được giác ngộ như Ngài. Là muốn đưa người trực tiếp giáp mặt với chân lý giác ngộ, không phải chỉ đứng bên ngoài.
Bài pháp đầu tiên Phật thuyết ở vườn Lộc Dã là Pháp Tứ đế - Bốn chân lý cao thượng. Lần chuyển Pháp luân này gọi là "Tam chuyển thập nhị hành" tức là ba lần chuyển thành mười hai hành. Ba lần chuyển là: Thị chuyển, Khuyến chuyển, Chứng chuyển. Thị là chỉ ra, Khuyến là khuyên tu, Chứng là chứng thật.
Thị chuyển:
Phật chỉ rõ ràng cho chúng ta thấy đây là Khổ đế (là cái quả mà chúng sinh đang chịu), đây là Tập đế (là những cái nhân phiền não, tham, sân, si gây nên khổ), muốn hết khổ, đạt an vui Niết-bàn thì phải dứt cái nhân. Đó chính là Diệt đế (là an vui, Niết-bàn). Muốn dứt được cái nhân đó thì phải có đường lối, phương pháp, không phải chỉ lý luận, nói suông mà được. Đường lối đó chính là Bát Chánh Đạo hay Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đó là Đạo đế. Như vậy, tu đạo đế là dứt cái nhân đưa đến khổ, không có nhân thì không có quả khổ, thật sự chứng Niết-bàn, an vui là Diệt đế.
Khuyến chuyển:
Khi đã chỉ rõ cho chúng sinh thấy rồi thì Phật khuyên tu, tức là Khuyến chuyển. Phật nói: "Đây là khổ các ông cần phải biết; đây là Tập (tức là cái nhân đưa đến khổ) các ông cần phải đoạn dứt; đây là Diệt (dứt khổ) các ông cần phải chứng; đây là Đạo (là con đường để dứt khổ) các ông cần phải tu. Các ông không thể chỉ hiểu biết suông mà cần phải thực hành, phải tu để tiến thẳng vào lẽ thật".
Chứng chuyển:
Phật xác định rõ những điều đó là những điều Ngài đã thực chứng, đã trải qua, rồi chỉ dạy lại cho chúng sinh, không phải Ngài nghe ai nói hay Ngài suy tư, phỏng đoán. Ngài nói như vậy để dứt lòng nghi hoặc trong chúng sinh, cho chúng sinh biết Ngài đã trải qua rồi, đã đạt rồi. Ngài nói: "Khổ Như Lai đã biết, Tập Như Lai đã đoạn, Diệt Như Lai đã chứng, Đạo Như Lai đã tu". Tức là những điều đó là những điều Như Lai đã thực hành qua, đã thực chứng rõ ràng mới chỉ dạy cho các hàng đệ tử. Các hàng đệ tử của Phật thì cũng phải học theo cái gương đó, phải thực hành, phải chứng nghiệm, phải trải qua chứ không thể chỉ hiểu suông mà cho là đủ.
Ngài muốn nhắc cho hàng đệ tử học Phật phải thực đến với Phật pháp, nếm được pháp vị của Phật Pháp, chớ không dừng chết trên những ngôn ngữ, văn tự. Cần phải "đến để mà thấy", đó là thông điệp cho tất cả những người học Phật từ đây cho đến mãi về sau. Học Phật đúng nghĩa là phải chứng nghiệm được thì mới thấy được giá trị cao quý của Phật Pháp, lợi ích thiết thực của Phật pháp ngay trong cuộc sống của chính mình, ngay lúc mình có mặt không phải đợi xa xôi, qua kiếp sau mới chứng nghiệm được. Hiểu, thấm sâu Phật pháp thì sẽ thấy Phật pháp giúp mình chuyển cái nhìn từ mê lầm sang giác ngộ, sáng suốt. Từ đó chuyển hóa được cuộc đời mình.

Saturday, April 21, 2012

CHUYỆN ĐẬU NÀNH VÀ SỨC KHỎE ĐÂU LÀ SỰ THẬT


Nguyễn Thượng Chánh, DVM

Mấy năm gần đây có nhiều nguồn dư luận cho rằng chất phytroestrogen  trong đậu nành có thể có hại cho sức khỏe.
                                                                         ***
Ăn chay không thể thiếu đậu nành.
Đậu nành là thực phẩm nồng cốt trong một chế độ ăn chay.
Từ đậu nành người ta làm ra vô số món ăn chay, như các loại tàu hũ (tofu), tàu hũ ky (dried bean curd), tương miso, các loại tương ngọt, tương mặn, chao, nước tương và xì dầu.
Đậu nành chứa một tỷ lệ chất đạm cao nhất (trên 30%) trong nhóm đậu và cũng cao hơn các loại ngũ cốc (8%-15% đạm).
 Đậu nành chứa ít chất béo bão hòa, là loại chất béo xấu. Ngược lại tỷ lệ chất béo không bão hòa (chất béo tốt) của nó lại rất cao, đặc biệt là loại không bão hòa đa thể  (polyunsaturated). Chất nầy có thể giúp làm giảm cholesterol trong máu.
Đậu nành rất bổ
Đậu nành có chứa alpha linolenic còn được gọi là oméga-3. Các nhà dinh dưỡng đều nói rằng omega 3 rất tốt để ngừa các bệnh về tim mạch, để làm giảm áp huyết và để củng cố hệ miễn dịch! Oméga-3 cũng có nhiều trong các loại cá biển vùng nước lạnh như cá salmon và cá mackerel, v.v…
Đậu nành không có cholesterol, vì chất nầy chỉ thấy hiện diện trong các thực phẩm gốc động vật mà thôi. Đậu nành cũng không có chứa đường lactose (lactose free), vì vậy sữa đậu nành rất thích hợp cho những người nào bị bất dung nạp với lactose (lactose intolerance) mỗi khi uống sữa bò.
 Đậu nành có chứa hầu hết các amino acids thiết yếu, có nhiều chất khoáng, chất xơ và vitamins (nhưng không có B12). Nhờ những tính chất nầy nên người ta thường dùng tàu hũ để thay thế thịt trong chế độ ăn chay...
100gr đậu nành rang cho 36.5gr protein, đậu nành nấu chín cho 16.6gr, miso 11.8gr, tàu hũ cứng 15.8gr, sữa đậu nành 2.8gr.
Ngoài các chất dinh dưỡng và chất đạm ra, đậu nành còn chứa những chất isoflavones thuộc nhóm phytoestrogens. Đây là những hormones thiên nhiên tương tợ như oestradiol là  hormone sinh dục của phụ nữ.
Ăn tàu hũ và uống sữa đậu nành thường xuyên rất tốt cho các bà trong thời kỳ mãn kinh  (menopause). Chất phytoestrogens sẽ bù đấp lại phần nào sự suy giảm oestradiol  trong thời gian nầy, đồng thời nó làm nhẹ đi các triệu chứng bất lợi như các cơn bốc hỏa  (flushing),  hồi hộp khó chịu, niêm mạc âm hộ bị khô, tâm tính thay đổi bất thường hay xì nẹt quạu quọ bất tử, đổ mồ hôi ban đêm, và ngăn ngừa chứng loãng xương!
Có tài liệu còn nói ăn đậu nành có thể giúp giảm nguy cơ xuất hiện cancer vú. Đậu nành cũng có chứa chất sterol có khả năng kéo cholesterol xấu LDL trong máu xuống và giúp ngừa được các bệnh về tim mạch.
Video: Breast cancer survival and soy (Đậu nành giúp ngừa cancer vú) http://nutritionfacts.org/videos/breast-cancer-survival-and-soy/
 Tàu hũ, món ăn căn bản của người ăn chay
Đối với người VN mình, tàu hũ (Tofu) có thể được chế biến ra thành rất nhiều món ăn cũng ngon lắm. Nào là kho, chiên, xào, hấp hoặc nấu canh. Còn món tàu hũ trắng và mềm nữa, chế nước đường thắng với tí gừng, dùng để ăn chơi cũng hấp dẫn dữ lắm.
Đây là chưa kể đến tài nấu nướng của các bà chị khéo tay, có thể biến tàu hũ và mì căn ra thành vô số «món mặn» ăn cũng bắt cơm dữ lắm.
Dân Tây Mỹ thì họ xem  tofu như một loại thức ăn lành (healthy food), tốt cho sức khỏe, tuy biết vậy nhưng tofu cũng chưa phải là một món ăn hấp dẫn đối với họ. Theo người gõ thì Tofu bán ở các  siêu thị Tây ăn không mấy ngon và cũng không mấy thích hợp với «gu» của người mình.
Tàu hũ mua ở chợ Á Đông ăn vẫn thích hơn.
Sữa đậu nành
Nói đến tàu hũ thì cũng phải kể luôn món sữa đậu nành (soymilk). Đây là một loại thức uống rất bổ dưỡng. Tại các chợ Tây cũng như chợ Tàu đều có bán rất nhiều loại sữa đậu nành. Phần lớn sữa nầy đều được cho tăng cường thêm vitamins A, D, B12, riboflavin (B2), kẽm Zn, phosphorus và calcium, v.v…
 Cũng có nhiều loại sữa được pha thêm nước trái cây, vanilla hoặc lá dứa. Theo nhận xét riêng của người gõ, thì các loại sữa đậu nành bán ngoài chợ đều quá ngọt, vì vậy không mấy thích hợp cho những ai phải kiêng cữ đường.
 Tốt nhất chúng ta nên ra chợ mua một cái máy automatic soymilk maker, mỗi ngày tự làm sữa đậu nành tại gia. Uống vừa bổ, vừa hạp vệ sinh, duy chỉ hơi mất công một chút thôi...
Miso, Tương, Chao, Nước t ương, Xì dầu
Các loại nước chấm dùng để ăn chay thường được làm từ đậu nành...
Tương, chao, nước tương, xì dầu là những món rất phổ thông đối với người Việt Nam mình.
* Tương miso, gốc Nhật Bản, cũng thấy có bán tại các chợ Á đông. Có nhiều loại miso, như miso làm từ gạo (rice miso), từ đậu nành ủ cho lên men (soymiso) hoặc từ lúa mạch barley. Miso có thứ thì lỏng sền sệt, có thứ đặt hơn. Miso có nhiều màu như trắng, vàng và nâu đỏ. Miso trắng là loại ngọt, các thứ khác là loại miso mặn.
Theo phương thức cổ truyền, đậu nành được ủ cho lên men trong những thùng cây tuyết tùng (cedar) trong vòng cả 1-2 năm.
Miso sản xuất theo lối công nghiệp, thời gian ủ rất ngắn nên được gọi là quick miso. Lẽ dĩ nhiên miso công nghiệp phẩm chất không thể sánh bằng loại miso sản xuất theo lối cổ truyền được! Miso thường được dùng để nêm vào soupe gồm có tàu hũ, rong biển và nấm shiitake, v.v… theo kiểu Nhật Bản.
* Nói về tương thì Trung Hoa dẫn đầu về món nầy. Có rất nhiều loại tương được chế biến từ đậu nành. Tại Bắc Mỹ, không ai mà không biết hiệu tương ngọt Hoisin sauce bán ở các chợ Á đông. Người mình cũng không kém họ. Chúng ta cũng có rất nhiều loại tương quốc hồn quốc túy, chẳng hạn như tương bần và tương Cự Đà.
*Bên cạnh tương, thì cũng phải nói đến chao, cũng từ đậu nành mà ra.
 Ngày nay, tương, chao, nước tương và xì dầu đã trở thành những món chấm rất thông dụng cho cả ăn chay cũng như cho cả ăn mặn.
 Ngày xưa, lúc quê hương còn khó khăn, tương chao là những món chấm rất phổ thông và rất bình dân trong những bữa cơm hằng ngày của nhiều gia đình.
Thời đó, vào những ngày mùng một và  ngày rầm mỗi tháng, người gõ thỉnh thoảng thấy ở chợ Vườn Chuối, Saigon có bán một loại chao đặc biệt gọi là chao chùa. Chao nầy có màu trắng, hơi sền sệt, và có mùi thum thủm không khác gì mùi hột gà ung hay blue cheese, nhưng ăn vào thì lại rất bùi và rất  béo. Mua vài trái dưa leo và một bó rau lang về luộc chấm với chao cũng xong được một bữa cơm…thanh đạm và tốt cho sức khỏe.
Nước tương (soy sauce) được sản xuất qua phương pháp thủy phân (hydrolysis) đạm đậu nành. Năm 1999, cơ quan Joint Food Safety and Standards Group của Anh Quốc đã cảnh giác mọi người về sự hiện diện của một chất độc trong các loại nước tương (soy sauce) và dầu hào (oyster sauce) nhập cảng từ Á châu. Đó là chất 3-monochloropropane-1-2 (3-MCPD). Đây là một nhiễm hóa chất trong nhóm Chloropropanololsthấy trong các loại đạm thực vật được thủy phân bằng acid (acid hydrolysed vegetal protein).
 Chất 3-MCPD có thể gây cancer nếu ăn thật  nhiều và ăn thường xuyên.
Tại Canada, Cơ quan kiểm tra thực phẩm (CFIA) vẫn thường xuyên theo dõi và kiểm tra nồng độ chất 3-MCPD của tất cả mặt hàng loại nầy nhập cảng từ Á châu. (Ảnh trên là máy làm sữa đậu nành)
 Có một điểm cần nên nhớ là miso, tương, chao, nước tương và xì dầu đều rất mặn vì có chứa rất nhiều muối sodium, ăn nhiều, ăn thường xuyên sẽ có hại cho tim thận, và có thể làm tăng áp suất động mạch. Vậy hãy cẩn thận! 
Tin ngược dòng về đậu nành
Tuy từ lâu đậu nành đã được hầu như tất cả các nhà dinh dưỡng trên khắp thế giới ca ngợi hết lời nhưng gần đây Internet có đăng bài Tragedy and Hype của hai tác giả Sally Fallon và Mary G Inig viết trong  báo Nexus Úc châu.
Trong bài báo nầy đậu nành bị kết án là nguyên nhân của nhiều bệnh tật.
 Không biết họ làm chuyện nầy với dụng ý gì? .
Họ đã cảnh giác người tiêu thụ đừng nên đừng dùng đậu nành vì chất Isoflavone của đậu nành thuộc nhóm hormone nữ nên có thể gây hại tuyến giáp trạng (glande thyroide), giảm số lượng tinh trùng gây nên tình trạng vô sinh ở nam giới. Isoflavone còn ngăn trở tác dụng của hormone testosterone khiến các cháu trai trở thành homo hết « Soy is making kids gays ».
Sữa đậu nành Soy Formula dùng cho trẻ em Hoa Kỳ được ví như những viên thuốc ngừa thai đối với các cháu bé (birth control pills for babies) vì có chứa hormone nhóm estrogen, đậu nành làm teo não, gây bệnh Alzheimer’s, và làm tăng nguy cơ cancer vú ở phụ nữ nữa.
Ghê quá! Nguồn tin quái ác nầy rất khó kiểm chứng và cũng không có kèm theo một dẫn chứng khoa học nào đáng tin cậy cả.
Cũng không có một nhà khoa học quốc tế hay một tạp chí khoa học đứng đắng nào đề cập đến vấn đề trên. Tuy vậy, mặc dầu là tin dỏm từ đầu tới cuối nhưng nó cũng đã gây hoang mang trong dư luận không ít!
Vài năm trước đây người gõ có hỏi thẳng vấn đề trên với các nhà chuyên môn phụ trách trang mạng Y Dược Ngày Nay tại Hoa Kỳ. Dưới đây là tóm lược các câu trả lời của các vị bác sĩ.
Theo trang mạng Y Dược Ngày Nay (Hoa Kỳ)
Đậu Nành, Tofu, Phytoestrogen
Bs Nguyễn Thượng Chánh, Bs Nguyễn Ý Đức và Ts Nguyễn Văn Tuấn
Bs Nguyễn Thượng Chánh viết:
Tôi thấy gần đây trong Internet có post nhiều tin negative về Soybean. Họ nói chất Isoflavone (Estrogen) của Soybean có thể gây hại cho Thyroid Gland và nó cũng có thể làm giảm số Spermatozoa ở Thanh niên. Xin hỏi các tin trên có credible không? Các khảo cứu trên đã được ai thực hiện, và ở đâu? đã được đăng tải trong những revues nào? Hay đây cũng chỉ là 1 khảo cứu trong 1 điều kiện nhất định nào đó? Cũng có giả thuyết nói rằng đây là trận giặc giữa 2 phe: Soybean Industry và Pharmaceutical Industry. (Bs Nguyễn Thượng Chánh, cựu thú y sĩ CFIA)
Bs Nguyễn Văn Đức viết
Đậu nành tốt cho sức khỏe
Theo Chương trình Hướng dẫn Vấn đề Cholesterol quốc gia (National Cholesterol Education Program), khoảng 52 triệu người Mỹ có mỡ cao trong máu, và cần ăn một thực phẩm giúp hạ thấp lượng mỡ trong máu. Tính ra, cứ mỗi 1% chất cholesterol giảm đi trong máu, ta sẽ giảm triển vọng bị chết cơ tim cấp tính (myocardial infarction, nôm na là “heart attack”) được đến 2%. ..
“…Người Nhật, hàng ngày mỗi người họ dùng đến 10-50 g đậu nành (so ra, trung bình, một người Mỹ chỉ dùng 1-3 g mỗi ngày). Từ lâu, nó được pha làm sữa cho trẻ em, và dùng phụ thêm cho những người lớn, vì bệnh tật không thể ăn một thực phẩm bình thường. Các vị chay trường, không ăn thịt (vegetarians), nhiều lực sĩ mỗi ngày cũng tiêu thụ rất nhiều đậu nành.
Y học Tây phương gần đây quan ngại đậu nành chứa hoạt chất isoflavones, mang đặc tính giống chất kích thích tố nữ estrogen, nên nếu dùng về lâu về dài ở những người phụ nữ đã mãn kinh, có thể làm tăng triển vọng bị ung thư vú.
Quan ngại vậy thôi, điều này cũng chưa chứng minh được. Song cẩn thận vẫn hơn, nên người ta khuyên các phụ nữ dễ có nguy cơ bị ung thư vú, chẳng hạn như người có mẹ hoặc chị đã bị ung thư vú, không nên dùng quá nhiều đậu nành; dùng vừa phải thì được….” (Ngưng trích) 
Bác sĩ Nguyễn Văn Ðức, M.D., Chuyên Khoa Nội Thương
Nguyễn Ý Đức viết:
Đậu Nành: Giá Trị Dinh Dưỡng, Trị Liệu
“…Với sự tăng gia dân số trên thế giới, con người đang lo ngại thiếu thực phẩm nhất là protein động vật và đang tìm cách chế biến thực phẩm từ hóa chất. Chắc họ cũng không quên "vua trong các loại đậu" là đậu tương, đậu nành một thực vật dễ trồng lại có giá trị cao về chất đạm và nhiều phần tử dinh dưỡng khác.” (Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức, M.D., Chuyên Khoa Gia Ðình và Bệnh Người Già)
Ts Nguyễn Văn Tuấn viết:
Phytoestrogen và sức khỏe con người
“…Mối liên hệ giữa phytoestrogen và ung thư vú, và giữa chu kì kinh nguyệt và ung thư vú là hai vấn đề thu hút một số nghiên cứu trong thời gian gần đây. 
Ở phụ nữ người da trắng, chu kì kinh nguyệt trong những người bị ung thư vú ngắn hơn khoảng 2 đến 3 ngày so với chu kì trong những người không bị ung thư vú.
Chu kì kinh nguyệt ở phụ nữ da trắng tính trung bình ngắn hơn chu kì ở phụ nữ Á châu khoảng 2 đến 3 ngày, và sự khác biệt này được đề nghị là có liên hệ đến mức độ tiêu thụ đậu nành trong người Á châu cao hơn trong người Tây phương nói chung .
Bằng chứng y học thu thập trong khoảng 30 năm qua cho thấy phytoestrogen có ảnh hưởng tích cực chống lại các bệnh tim mạch. Đã từ lâu, giới nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ người Á châu, những người có mức độ tiêu thụ rau cải nhiều, bị bệnh tim mạch ít hơn người da trắng Tây phương [29-30]. Trong phụ nữ người da trắng, estrogen là một kích thích tố được xem là có tác dụng phòng chống nguy cơ bị bệnh tim mạch. Phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh dùng estrogen (hay HRT) có nguy cơ bị bệnh tim mạch thấp hơn phụ nữ không dùng estrogen …
Trong phụ nữ Á châu, những người dùng đậu nành trong một thời gian rất dài (qua nhiều thế hệ) và với liều lượng trung bình, thì khả năng sinh sản của họ không có gì để gọi là có vấn đề.
Phát triển - Cho đến nay, tất cả các nghiên cứu về phytoestrogen và phát triển chỉ giới hạn trong các động vật cấp thấp như chuột nhưng kết quả cũng không có gì mang tính khẳng định Dù thế, có người đặt giả thuyết rằng (còn gọi là Sharpe-Skakebaek hypothesis) nếu trẻ sơ sinh được tiếp thu estrogen sớm có thể dẫn đến một vài biến chứng trong thời gian trưởng thành, như chất lượng tinh trùng thấp, hay nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt…
Nhưng trong thực tế cho đến nay, những tác hại trên chưa được ghi nhận trong bất cứ một nghiên cứu nào. Thực ra, có bằng chứng cho thấy ngược lại rằng nếu trẻ sơ sinh dùng phyto- estrogen thì trong thời gian trưởng thành họ thường ít bị các chứng bệnh mãn tính.
Ở Mỹ, sữa đậu nành đã được dùng cho trẻ sơ sinh hơn 50 năm và chưa có bằng chứng gì cho thấy nó có tác hại.
Nhưng phytoestrogen cũng có một vài biến chứng phụ nếu dùng với liều lượng cao, dù những biến chứng này nói chung là không nghiêm trọng. Thế nào là một liều lượng trung bình?Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào trả lời dứt khoát câu hỏi này. Nhưng các dữ kiện khoa học công bố trong thời gian gần đây cho thấy có lẽ dùng khoảng 30-40 mg/ngày (tức khoảng 1 ly sữa đậu nành mỗi ngày) là một liều lượng an toàn. Về thời gian dùng "an toàn" cũng chưa có câu trả lời rõ ràng, vì hầu hết các nghiên cứu về tác dụng của phytoestrogen thường rất ngắn hạn, và chúng ta vẫn chưa biết được những biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, cho đến nay, trong các sắc dân Á châu dùng phytoestrogen (đậu nành) từ thế hệ này sang thế hệ khác, chưa thấy có biến chứng nguy hiểm nào được báo cáo.
Tăng cường tiêu thụ các sản phẩm như đậu khuôn hay rau cải cũng nằm trong một chiến lược y tế công cộng của chính phủ nhiều nước Tây phương nhằm giảm tỉ lệ dân số bị bệnh tim mạch, ung thư và loãng xương. Đối với người Việt Nam, các sản phẩm của đậu nành, như đậu khuôn, sữa đậu nành, đậu hủ là những món ăn quen thuộc, và không có lý do gì chúng ta phải từ bỏ nguồn thực phẩm lành mạnh và quan trọng này…” (
Ngưng trích). Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Ph.D., Giáo sư Ðại Học Y Khoa và Scientist tại Trung Tâm Khảo Cứu Y Khoa Garvan, Úc Châu
Ý kiến của Cư Sĩ Tâm Diệu Thuvienhoasen
Cư sĩ hiện là Chủ Biên Website Thư Viện Hoa Sen và là Soạn giả các sách về dinh dưỡng đã được xuất bản chính thức tại Việt Nam và Hoa Kỳ:
Ngoài các sách đã xuất bản, Cư sĩ còn trước tác và dịch thuật hơn 40 tiểu luận về Phật học và dinh dưỡng đã được đăng ở các tạp chí và các websites Phật giáo trong và ngoài nước.
Ý kiến dưới dây của Cư sĩ Tâm Diệu được thấy tiếp nối theo bài Ăn Chay và Sức khỏe của BS Nguyễn Thượng Chánh, DVM đăng trong trang Thuvienhoasen (06/09/2011)
Lời chú thích của BBT TVHS: (Trích từ quyển sách-Chương 5): 
ÐẬU NÀNH 

NGUỒN DINH DƯỠNG TUYỆT HẢO
Biên Soạn: Tâm Diệu
Sửa bản in: Liên Hương - Tâm Linh - Hồng Anh (VN)
Nhà xuất bản: Hoa Sen Westminster 1998 & Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. HCM 2001 (Chương 5):

HỎI Chúng tôi được đọc tập san Dinh Dưỡng Trị Liệu số 3, trong đó có một bài viết về đậu nành do một vị nữ y sĩ chỉnh xương biên soạn. Mặc dầu tác giả, trong phần kết luận, nói là “đưa ra hai quan điểm đối chọi để người đọc lựa chọn duyệt xét” về sự nguy hại hay không nguy hại của thực phẩm đậu nành, nhưng trong nội dung, tác giả đã không giữ được sự vô tư mà khẳng định là thực phẩm đậu nành “không có lợi cho sức khỏe”. (trang 48, cột thứ hai, dòng 31). Vậy xin ông cho biết quan điểm về lời nói này?
ÐÁP Trước tiên, chúng tôi xin lỗi là đã không trả lời bà trong hai quyển sách mà chúng tôi đã xuất bản, vì chúng tôi đang biên soạn quyển sách riêng về đậu nành, và muốn dành cho câu hỏi của bà cũng như câu trả lời của chúng tôi có một vị trí đặc biệt trong một quyển sách có tính cách nghiên cứu khoa học.
Thật ra, khi viết quyển sách này, một phần cũng là trả lời câu hỏi của bà. Tuy nhiên còn một vài điều đặc biệt, nên cũng dịp này trình bầy thêm để bà và quý độc giả hiểu rõ.
Trước hết phải nói ngay rằng bài viết của nữ y sĩ chỉnh xương như bà nói, là người phụ trách trông nom và cũng là biên tập viên tập san Dinh Dưỡng Trị Liệu, có trụ sở chánh tại San Jose, không phải là một bài biên soạn có tính cách nghiên cứu khoa học mà là một bài dịch, nhưng lại không được dịch đúng và có thêm ý kiến của người dịch vào, cũng lại không nói rõ xuất xứ nguồn tài liệu và tên tác giả để người đọc có thể tìm hiểu thêm. 
Nguồn gốc của bài viết có tựa là “Are Soy Products Dangerous?” thực ra là của Charlotte Gerson đăng tải trên mạng lưới Internethttp://www.gerson.org/soy.html, viết theo một tài liệu cũ cách nay 32 năm, in trên tờnguyệt san Newlife ở New York, số tháng Năm năm 1966 bởi hai nữ tác giả Sally W. Fallon, và Mary G. Enig. (có lưu trữ tại thư viện California State University, Fullerton)
Nội dung bài viết của Fallon và Enig đều chứa đựng những tin tức cũ và sai lạc so với những khám phá khoa học bây giờ.
Điều Thứ Nhất, tác giả cho rằng “Người Trung Hoa đã không ăn đậu nành như họ đã ăn các thứ đậu khác, như đậu lentil chẳng hạn vì đậu nành chứa một số lượng lớn những chất độc hại,” mà một trong những chất ấy tác giả gọi là “một loại điều tố cực mạnh có khả năng ngăn điều tố trypsin và các điều tố khác cần thiết cho sự tiêu hóa chất đạm đậu nành. Nấu chín cũng không triệt tiêu được loại điều tố này và làm cho sự tiêu hóa bị trở ngại.
Ðiều này hoàn toàn sai lầm, vì (thứ nhất) cổ thư Trung Hoa còn ghi lại là đậu nành xuất hiện từ trước thời đại nhà Chu (Chou Dynasty, khoảng thế kỷ thứ 11 trước Tây lịch) là một loại nông phẩm cổ nhất được dùng làm thực phẩm chánh, qua cả hai dạng lên men như chao, nước tương, miso, và dạng không lên men như đậu tươi luộc, đậu rang, bột đậu nành, giá sống, tầu hũ ky, sữa và đậu hũ; và (thứ hai), người Trung Hoa biết trong đậu nành có một chất làm khó tiêu hóa, (mà về sau khoa học mới gọi là SBTI “soybean trypsin inhibitors” có tác dụng ngăn cản nhiệm vụ của một chất xúc tác giúp cho sự tiêu hóa protein) nên họ đã hóa giải bằng cách ngâm đậu nành qua đêm xong xay nhuyễn bằng cối xay đá, vắt bỏ bã rồi nấu sôi thành chất sữa và từ đây biến ra các thực phẩm khác như đậu hũ, tầu hũ ki,..do đó qua tiến trình biến chế này chất SBTI đã bị khử trừ và các thực phẩm trở nên rất dễ tiêu hóa.
Điều Thứ Hai, tác giả cho rằng các thực phẩm đậu nành đã không được dùng cho đến khi kỹ thuật lên men được phát triển. Nói như vậy là sai vì ngay từ khi khám phá ra đậu nành người dân Trung Hoa đã ăn đậu nành qua dạng không lên men như đậu tươi luộc, đậu rang, bột đậu nành làm bánh, giá sống, tầu hũ ky, sữa và đậu hũ. Ðậu hũ bắt đầu có từ thời đại nhà Hán vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Tây lịch. (Han Dynasty 206 B.C.-220 A.D.)
Điều Thứ Ba, tác giả cho hay là thực phẩm đậu nành chứa nhiều chất hóa học không tốt, ví dụ như hóa chất Phytate, hóa chất Protease Inhibitors,..v..v..Ðiều này cũng hoàn toàn sai vì, như chúng tôi đã trình bầy rất rõ ràng trong sách. Xin bà xem lại chương nói về các hóa chất chống lại bệnh ung thư.
Điều Thứ Tư, tác giả cũng cho rằng trẻ sơ sinh uống sữa đậu nành bị thiếu chất kẽm (zinc), nhiều chất phytate, và bị dị ứng..v..v.. Ðiều này lại sai hơn nữa vì sữa đậu nành cho trẻ sơ sinh mới là loại sữa tốt, cân bằng đủ thứ vitamin và chất khoáng, nhất là lại càng không bị dị ứng. Xin bà coi lại chương nói về sữa đậu nành và sữa đậu nành công thức trẻ sơ sinh trong sách.
Cũng xin kể thêm là cháu ngoại của người viết, vì uống sữa bò bị dị ứng đầy mặt, đầy người, nên bác sĩ Hạnh đã cho thay thế bằng sữa đậu nành hiệu Isomilk mà kết quả là chứng dị ứng biến mất và rất là khỏe mạnh mập mạp.
Điều Thứ Năm, tác giả viết “trong lúc làm sữa đậu nành, các nhà sản xuất cố gắng loại bỏ tối đa chất trypsin inhibitors bằng cách cho đậu nành ngâm trong một dung dịch kiềm (alkaline), sau đó đun nóng bằng sức ép ở nhiệt độ 115 độ, nhưng hại thay là chất đạm bị làm tan dạng thức và số chất đạm còn lại khó có thể tiêu hóa được và chất phytate trong sữa đậu nành ngăn không cho các khoáng chất hấp thụ vào máu. Tệ hại hơn nữa chất kiềm dùng để ngâm tạo ra mầm ung thư lysinealine và giảm chất cystine, một chất rất quan trọng cho sự biến năng chất đạm. Thiếu chất cystine này các chất đạm trở thành vô dụng ngoại trừ ăn thêm các các thực phẩm có chất thịt, cá và các sản phẩm bằng sữa động vật như cheese bơ. Rất tiếc người ăn chay không có các chất này.” 
Xin trả lời là việc ngâm đậu nành trong một dung dịch kiềm là phương pháp cổ điển, mà ngày nay, hầu hết các nhà sản xuất thực phẩm đậu nành không còn áp dụng, mà họ theo kỹ thuật boiling water-grind do viện đại học Cornell University phát triển, vừa có tác dụng không cho chất xúc tác hành hoạt (inactivate the soy enzyme) mà lại còn làm chất sữa có mùi thơm tự nhiên hơn. Lẽ dĩ nhiên, theo kỹ thuật này, đậu nành vẫn phải ngâm khoảng 10 tiếng đồng hồ, nhưng chỉ với nước thường, không pha thêm bất kỳ một hóa chất nào.
Ðó là nói về tác giả Fallon, Enig và Charlotte Gerson, bây giờ chúng tôi xin nói thêm về những điều mà tập san Dinh Dưỡng Trị Liệu Số 3 đã cho thêm vào hoặc dịch không đúng khi chuyển ngữ: 
Thứ Nhất, người biên tập viết rằng: “Những lợi ích của sữa đậu nành đã bị trầy vết khi các nhà khảo cứu cho rằng đậu nành không những có lợi ích làm giảm cholesterol mà còn có lợi chống ung thư và các triệu chứng của thời kỳ sau tắt kinh.” mà nguyên văn tiếng Anh như sau: “The health benefits of soy foods keep piling up as research unveils new information about the benefits of the components of soy, not only that is low cholesterol, but that it is also linked to cancer benefits and may help menopause symptoms.”.
Chữ soy foods không thể dịch là sữa đậu nành, chữ piling up cũng không thễ dịch là trầy vết mà nó có nghĩa là chất đống, chất chồng. Ý nghĩa toàn câu này là “Những lợi ích sức khỏe của thực phẩm đậu nành được tích lũy thêm bởi các nghiên cứu khám phá những tin tức mới về lợi ích của các thành phần cấu tạo đậu nành, không những chỉ làm giảm cholesterol, mà còn có lợi chống lại bệnh ung thư và các triệu chứng sau khi mãn kinh của phụ nữ”.
Thứ Hai, trong khi nói rằng: “Ðậu nành có tác dụng hạ cholesterol ra sao thì chưa được rõ.." (trang 46 cột thứ nhất) thì ở một đoạn khác cô nói là: “Ðậu nành có khả năng làm giảm cholesterol trong máu, đồng thời còn ngăn ngừa chất LDL cholesterol xấu bị oxýt hóa. (trang 46 cột nhì). Quả là mâu thuẫn, đủ chứng tỏ người viết, đã không nắm vững vấn đề, cho nên mới không được nhất quán như vậy.
Thứ Ba, trong bản văn tiếng Anh, tác giả Charlotte Gerson viết: “New soy products are being marketed to the growing “health product” consumers: soy milk, soy baby formula, soy yogurt, soy ice cream, soy cheese, soy flour for baking, and soy protein as a meat substitute for the vegetarians.” Thế mà cô lại dịch, có thêm vào (những chữ gạch dưới hàng) như sau: “Chúng ta nên nhớ, những người ăn chay, ăn đậu hũ thường bị thiếu khoáng chất rất trầm trọng. Nhiều những sản phẩm mới làm bằng đậu nành như sữa đậu nành, công thức sữa đậu nành cho trẻ em, yogurt đậu nành, kem đậu nành, bột đậu nành được tuyên bố là “ lợi ích cho sức khỏe” nhưng thật ra không có lợi cho sức khỏe. (trang 48)
Chúng tôi rất tiếc cho người viết, một Doctor of Chiropractic, có trách vụ nghề nghiệp là chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, lại viết một bài về dinh dưỡng không phù hợp với các khám phá khoa học mới, vì cô chỉ y cứ vào một bài viết, mà bài viết đó lại căn cứ vào một bài viết khác quá cũ, đã xuất bản cách nay 32 năm, nhằm gây hoang mang cho những người ăn chay, một chế độ dinh dưỡng mới, đang đi vào dòng sinh hoạt chính của người dân Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương.”

Đọc thêm
-Akira Currier. The controversy surrounding soy
http://vitalitymagazine.com/article/the-controversy-surrounding-soy/
 -BBC. Soy “link” to male infertility
http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk_news/northern_ireland/3513607.stm
-Health Canada. (2006, November 3). Soy – one of the nine most common food allergens.
 http://www.hc-sc.gc.ca/fn-an/securit/allerg/fa-aa/allergen_soy-soja-eng.php
-Tatiana Mihaela. Is soy healthy or dangerous
http://tatjana-mihaela.hubpages.com/hub/soy
Montreal, 2012