Friday, August 6, 2010

Ra khỏi nhà phiền não 2--MP3

Thursday, August 5, 2010

MỘT CHỮ XẢ

Giảng tại Thiền viện Chân Không - 1998.

Vấn đề tôi nói hôm nay là một chữ XẢ. Quý vị biết ngược với xả là gì không ? Là cố chấp, nắm chặt. Cố là chặt, chấp là nắm; cố chấp là nắm chặt. Khác với nắm chặt là buông bỏ.

Mới nghe đơn giản quá nhưng xét kỹ, quý Phật tử sẽ thấy tất cả chúng ta sống trên thế gian này, ai cũng than buồn than khổ, gốc tại cố chấp thôi, chớ không có gì khác. Bây giờ muốn hết buồn, hết khổ thì chúng ta phải làm sao ? Phải xả, phải buông bỏ. Buông bỏ thì hết khổ. Như vậy quá giản đơn, quá tầm thường. Chỉ cần quý Phật tử thực hiện được điều chúng tôi nhắc thì sẽ bớt khổ ngay trong cuộc sống hiện tại này.

Lâu nay chúng ta cố chấp những gì mà bây giờ phải buông xả ? Trước hết là chúng ta cố chấp những điều phải, quấy. Thường thường ở thế gian ai cũng nghĩ điều mình nói, mình làm là phải nhưng người khác nói ngược lại, làm ngược lại thì cho là người khác quấy. Mình phải họ quấy mà họ không chịu nghe, không chịu làm theo mình, nên mình giận. Nhất là trong gia đình, cha mẹ thấy điều đó phải mà bảo con cháu không chịu làm theo thì nhất định là giận. Mà giận là vui hay buồn ? Giận là buồn, buồn rồi khổ. Có một Phật tử nói với tôi thế này:

- Con cháu của con bây giờ khó dạy quá !

Tôi hỏi:

- Sao đạo hữu nói khó dạy ?

- Thưa thầy, mình là cha nó mình hớt tóc ngắn. Mình thấy hớt tóc ngắn dễ chịu, mát mẻ. Bây giờ nó để tóc tới cổ mà rầy nó không chịu nghe. Nó còn nói: “Bây giờ thanh niên ai cũng để tóc dài mà ba biểu hớt ngắn, giống ông già quá, sao con làm được”. Chúng nó còn nhỏ mười chín, hai mươi tuổi mà đeo kính trắng, mình rầy nó: “Bộ mày mù sao mà đeo kính ?” Nó nói: “Ba không thấy sao, người trí thức họ đeo kính trắng. Con lớp mười hai rồi, con trí thức rồi, con đeo kính trắng có sao đâu”.

Đó, ông than con cháu ngày nay dạy không được. Quý vị thấy thế nào ? Bởi vì thường lúc nào chúng ta cũng có cái nhìn theo quan niệm của mình. Quan niệm của mình như vậy là phải, con cháu không chịu nghe theo thì mình giận, cho nó là quấy, là con ngỗ nghịch, con bất hiếu v.v… Khi đã như vậy rồi thì gia đình còn đầm ấm không, còn vui không ? Tôi mới giải thích cho Phật tử đó nghe:

- Đạo hữu nhớ như ở lứa tuổi của tôi, ông thân tôi hồi xưa để tóc bới có một củ tỏi phía sau. Tới chừng lớp của tôi lớn lên thì hớt tóc, ông tôi không vui. Ông nói bọn nhỏ văn minh quá, không có theo ông bà và dẫn sách Nho nói: “Thân thể phát phu thọ ư phụ mẫu, bất thương cảm hiếu chi thỉ giả”. Nghĩa là râu tóc da thịt này là nhận nơi cha mẹ, gìn giữ nó đừng cho thương tổn là cái hiếu đầu. Bây giờ mình cạo nó là bất hiếu rồi. Như vậy ông già nhìn lại mình hớt tóc thì ông già buồn, còn mình nhìn lại ông già thì thấy ông già lạc hậu phải không ? Thế thì ai đúng ? Để tóc bới đúng hay hớt ngắn đúng ? Nếu hai bên cứ cố chấp, ông già nghĩ ông già đúng, người con nghĩ người con đúng thì gia đình có bình an không ? Chắc là bất an.

Chúng ta phải hiểu thời xưa học theo Nho giáo thì để râu để tóc là phải. Nhưng thời sau này khác hơn vì nước mình lệ thuộc Pháp, người Pháp đi làm việc hớt tóc ngắn cho sạch sẽ mà mình cứ bảo như ông già để tóc, vậy thì lạc hậu mất rồi. Ở lứa tuổi của mình ai chấp nhận như thế ? Cho nên người cha phải thông cảm hoàn cảnh của con, người con phải hiểu hoàn cảnh của cha. Hai bên thông cảm nhau đừng cố chấp thì bớt khổ. Nếu cố chấp là nhất định khổ. Cha bất bình con, con bất mãn cha, cứ như vậy sanh ra chuyện rối rắm trong gia đình.

Rồi đến thời này mấy đứa nhỏ để tóc dài, có khi tới cổ thì mình không chấp nhận ? Mình để tóc ngắn mát mẻ, còn nó để dài lù xù nhưng nó lại thấy đẹp. Nếu đem cái nhìn của người cha mà trách đứa con thì đứa con cũng nhìn lại người cha bằng cặp mắt lạc hậu. Bây giờ phải xử làm sao ? Thôi, ba muốn mát mẻ ba hớt ngắn, con thích để dài cho đẹp thì con cứ để dài. Chuyện tóc tai, mỗi người mỗi sở thích riêng, bắt nó giống mình sao được ?

Quý Phật tử nhớ, một lứa tuổi là qua một thế hệ khác nhau, không giống nhau được. Không giống mà mình đem ý của mình, cái phải của mình áp đặt cho nó thì nó không chịu. Mà không chịu thì sanh ra giận hờn, buồn trách, khổ sở. Vậy thì muốn cho hết khổ mình đừng cố chấp, phải buông bỏ. Buông nghĩa là xả. Quan niệm của con thì con làm, quan niệm của ba thì ba giữ. Phần ai nấy giữ, người này đừng áp đặt người kia. Như thế chúng ta sống rất là thoải mái, nhẹ nhàng. Còn nếu mình cố chấp thì sống bực hoài, lúc nào cũng bất như ý. Như nó thích mang kính trắng thì để nó mang, mình không thích thì thôi. Chứ mình không thích mà bắt nó theo mình sao được ? Đó là quan niệm của mỗi người, miễn làm sao con biết kính trọng, thương cha, cha thương con là đủ. Tình thương mới là quan trọng, còn những cái bên ngoài đâu có quan trọng.

Vậy mà nhiều người vì cố chấp hình thức bên ngoài làm cho mất hết tình nghĩa trong gia đình, khiến cha con phiền muộn, vợ chồng không vui với nhau. Đó là tại cố chấp. Quý Phật tử nghĩ mình xả bỏ, đừng cố chấp có bớt khổ không ? Còn cố chấp như câu chuyện tôi vừa kể khổ không ? Lúc nào cũng buồn bực. Vì vậy cha mẹ nên thông cảm với con, con thông cảm với cha mẹ. Mà muốn được thông cảm thì hai bên đều xả, xả cái phải của mình thì thông cảm. Ngược lại, nếu không chịu xả, tự nhiên là khổ.

Đó là nói về lứa tuổi giữa người lớn và người trẻ. Còn nếu vợ chồng mà cố chấp thì sao, có khổ không ? Như bên phái nữ lâu nay quen rồi, nào là lọ tương, hũ tiêu, hũ ớt v.v… Những cái nhỏ họ coi chừng từng chút để nấu nướng. Còn người đàn ông đâu có để ý đến những thứ đó, mà họ nghĩ chuyện xã giao bên ngoài người này người nọ. Cho nên người chồng vì xã giao bạn bè nhiều, thành ra chi phí hơi rộng. Người phụ nữ chỉ lo chi tiết nhỏ trong nhà nên tiết kiệm, thấy chồng xài lớn một chút thì càm ràm. Còn chồng thấy vợ keo kiệt, nhỏ nhít quá cũng không bằng lòng. Như vậy vợ trách chồng lãng phí, chồng chê vợ keo kiệt. Đã thế thì gia đình có vui không ? Không bên nào bằng lòng bên nào hết ! Vì ai cũng nghĩ mình đúng.

Như vậy nếu người vợ bắt người chồng phải theo ý của mình, ngược lại người chồng bắt vợ phải theo ý của mình thì gia đình đó nhất định cãi lộn hoài. Nếu hai bên chồng và vợ cảm thông nhau, người chồng nghĩ rằng cô ấy lo chuyện bếp núc cho nên quen cái nhỏ nhặt, hũ tương, hũ ớt v.v… thành ra xài lớn cô không đồng ý cũng phải. Còn vợ thông cảm cho chồng, bởi vì anh ấy làm bên ngoài, giao thiệp kẻ này người nọ thì phải rộng rãi một chút người ta mới vui. Nếu bắt chồng hẹp hòi quá thì bạn bè khi, không chơi với mình, như vậy tội nghiệp. Hai bên thông cảm thì gia đình sống sẽ vui, không chống chọi nhau. Đó là tôi nói những việc nhỏ thôi, còn những việc lớn khác nữa, quý vị nghiệm xét rồi thông cảm, hiểu biết nhau đừng cố chấp, cố chấp thì khổ.

Như vậy xả bỏ là tu, còn cố chấp là chưa biết tu. Thế gian do cố chấp nên người nào cũng thấy sống trong gia đình không có hạnh phúc. Đã cố chấp thì làm sao hạnh phúc được ? Chồng chấp theo chồng, vợ chấp theo vợ, cha chấp theo cha, con chấp theo con, thành ra không ai thông cảm ai. Mà không thông cảm thì tự nhiên là phải buồn phải khổ. Bây giờ mỗi người tự xả bỏ cố chấp của mình để thông cảm với những người thân thì tự nhiên gia đình an vui hạnh phúc. Đó là bước thứ nhất xả chấp phải, chấp quấy theo quan niệm của mình.

Đến thứ hai nữa là xả oán hờn. Người thế gian luôn luôn nghĩ ai làm trái ý mình thì mình buồn, mình giận. Buồn giận nên bỏ liền hay nên giữ mãi ? Có người thường hay nói: “Con giận người đó hai, ba chục năm không quên”. Giận hai, ba chục năm không quên thì nghe như khẳng khái lắm nhưng thật ra là dại, là khổ, chứ có hay gì đâu.

Quý Phật tử nghĩ trên thế gian này chung quanh mình nào xóm giềng, thân tộc v.v… có bao giờ hoàn toàn không đụng chạm nhau đâu ? Người ta nói vợ chồng như chén trong sống. Chén úp trong sống thế nào cũng có khua, huống là xóm giềng, thân tộc làm sao vừa ý mình hết, mà trái ý thì mình giận. Giận rồi chứa trong tâm. Chứa là cố chấp. Giận một người chứa trong lòng, giận hai người cũng chứa trong lòng. Nếu giận một trăm người thì sao ? Chứa cả một trăm cái giận trong lòng, làm sao chịu nổi.

Quý vị xét khi mình đang vui vẻ mà bỗng nhớ tới người mình giận thì lúc đó gương mặt quạu xuống liền. Sở dĩ chúng ta ngủ không ngon là cũng tại giận đó. Khi nào nằm nhớ lại hôm qua, hôm kia ai làm trái ý mình liền nổi giận lên, thì hết ngủ. Đó là chứa chấp oán hờn. Chứa chấp là khổ. Ta đang vui vẻ tươi mát mà chứa một cái giận, cũng như đem cục than bỏ trong tay hay trong da, trong thịt mình vậy. Nếu cục than bỏ trong tay, trong da, trong thịt thì sao ? Nóng, khó chịu. Vậy mà lòng mình chứa một trăm cục than thì người này khổ nhiều ít ? Khổ thứ nhất là khô héo vì ngủ không ngon, ăn không ngon. Giận quá làm sao ăn ngon, ngủ ngon được. Khổ thứ hai là giận làm cho mình dễ xấu. Quý vị thấy mỗi lần nổi giận lên gương mặt mình thế nào ? Nổi giận lên thì con mắt đỏ ngầu, mặt đổi màu đổi sắc, không còn tốt đẹp nữa. Cả trăm cái giận ở trong lòng thì nó đốt riết mình khô héo, xấu xa. Như vậy ôm ấp cái giận mấy chục năm là khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan ?

Bởi vậy nên người biết tu ai nói gì trái ý, mình giận chút rồi bỏ đi, xả đi. Giận làm chi, ngu ! Ôm cái giận là ngu chớ không phải khôn, tội gì ôm cho khổ. Trong nhà Phật có câu: “Tăng hận bất cách túc” nghĩa là Tăng (người tu) giận không quá một đêm. Chúng ta là phàm Tăng nên tham sân si cũng còn, vì vậy gặp việc trái ý cũng giận. Nhưng giận chút thôi rồi bỏ, chớ không nên chấp chứa.

Người thế gian thường thích chứa, chứa năm này qua năm nọ. Họ tưởng như vậy là hay, là khôn mà không ngờ đó là tự chuốc họa vào mình, tự đeo khổ cho mình chứ không có lợi gì hết. Vì vậy nên Phật dạy phải xả hết những giận hờn. Chứa chấp vừa bị khổ trong hiện tại, mà còn khổ cả vị lai nữa.

Trong kinh Phật dạy, người khi sắp bỏ thân này qua đời khác thì nghiệp thương và nghiệp ghét sẽ đi theo. Bởi vì thương ai thì ta nhớ người đó, ghét ai cũng nhớ kẻ đó. Như chúng ta ngồi ôn lại trong lòng, thì nhớ những người mình thương và những người mình ghét nhiều nhất phải không ? Ghét không mất, thương cũng không mất. Vì vậy càng chứa sâu thì khi nhắm mắt các nghiệp đó dẫn mình đi đến chỗ thương hoặc chỗ ghét.

Do đó khi chúng ta thọ thân sau, nếu ôm ấp nghiệp ghét nhiều quá thì đến những gia đình gặp toàn chuyện buồn phiền, hờn giận, không vui. Có bao giờ chúng ta muốn gặp những người mình ghét không ? Không muốn. Ai cũng muốn gặp người mình thương. Nhưng trong lòng thù oán nhiều quá thì nó sẽ dẫn mình gặp lại những người thù oán. Nên hiện tại khổ mà vị lai cũng khổ luôn. Điều này rất thiết yếu.

Chúng ta phải khéo đừng nuôi dưỡng oán thù trong lòng, nên buông bỏ hết. Cái gì qua rồi không chứa chấp nữa. Hơn thua, phải quấy, chuyện đó không có gì quan trọng. Quan trọng ở chỗ làm sao cuộc sống mình bình an, thanh thản, tươi vui. Đó mới là điều đáng lưu tâm. Chúng ta sống muốn hạnh phúc, muốn được an lạc thì nên giữ hay nên xả ? Nên xả. Vì vậy tôi nói tu muốn cho hết khổ thì phải xả, đừng chứa chấp. Đó là điều thứ hai.

Điều thứ ba, chúng ta đừng cố chấp ý kiến mình là đúng, ý kiến người khác là sai. Bởi vì ở thế gian này không có gì là đúng cố định mà cũng không có gì là sai cố định. Chúng ta mở miệng nói với ai cũng “Tôi nghĩ thế này là đúng”. Nếu nói tôi nghĩ như vậy là đúng, người thứ hai nói tôi nghĩ thế khác mới đúng, thì hai cái đúng nó đụng nhau. Mình đúng theo cái nghĩ của mình, người khác đúng theo cái nghĩ của họ. Ai cũng đúng hết thì cãi lộn hay huề ? Thế gian không ai chịu thua ai, mình đúng thì người khác sai, mà người khác đúng thì mình sai. Cho nên khi người ta nghĩ khác với mình, mà họ cho rằng họ đúng thì mình bực lên liền, và người kia cũng nổi tức vậy. Hai cái nổi tức sẽ đi đến khẩu chiến. Khẩu chiến không xong thì tới thân chiến.

Quý vị thấy những người cãi nhau, đánh nhau khi được hỏi: “Tại sao quý vị đánh nhau ?” Họ nói: “Tôi nói cái này đúng mà nó cứ cãi hoài”. Có khi nào hai người cãi lộn mà chúng ta hỏi “tại sao”, họ nói “tại tôi sai” đâu. Nhất định là đúng. Hai cái đúng không giống nhau thì nhất định cãi lộn, cãi lộn không xong thì tới đánh lộn. Như vậy thì khổ hay vui ? Không bao giờ vui được. Những điều này xảy ra rất nhiều.

Gia đình vợ chồng, mỗi người thấy một lối, ai cũng cho là đúng thì gia đình đó cãi lộn hoài. Trong xã hội, nhóm này thấy thế này là đúng, nhóm kia thấy thế khác là đúng thì cũng gây ra cuộc đấu chiến. Cả trên thế gian đều như vậy. Nếu cố chấp cái nghĩ của mình đúng, cái nghĩ của người khác sai là gốc của đấu tranh, của tiêu diệt nhau. Cho nên chúng ta đừng có cố chấp. Cái đúng này là đúng của tôi, cái đúng kia là đúng của anh. Mỗi người giữ phần của mình, cãi nhau làm chi. Vậy là yên.

Xả hết cố chấp, đừng bắt người khác phải nghĩ, phải thấy như mình mới đúng. Đó là điểm đặc biệt của đạo Phật. Trong đạo Phật có câu: “Phật hóa hữu duyên nhân”, đức Phật giáo hóa người có duyên với Ngài mà thôi. Ai có duyên thì đến với Phật, chớ Phật không nói đạo Phật là đúng, đạo khác là sai. Theo đạo nào cũng tốt. Mình thích đạo Phật vì đạo Phật thích hợp với tâm tư nguyện vọng của mình nên mình theo, người khác không thích thì thôi. Chúng ta không nên nói theo đạo Phật chết được về Cực Lạc, còn theo đạo khác chết nhất định đọa địa ngục. Không nên như vậy.

Trong kinh Phật nhất là các bộ A Hàm, Phật thường nói: “Người tu theo đạo Phật làm lành, tu thập thiện được phước sanh cõi trời. Người không tu theo đạo Phật mà làm mười điều lành cũng được sanh cõi trời”. Không phải cõi trời chỉ dành cho người tu theo đạo Phật. Bởi vậy người không tu theo đạo Phật mà làm lành, làm tốt họ vẫn có phước. Mình tu theo đạo Phật mà mình làm xấu làm ác thì mình cũng bị tội như thường. Chúng ta mới thấy rằng chủ trương của đức Phật rất rõ ràng, rất thấu đáo. Phật không bắt ai phải theo mình dù biết rằng làm như vậy là tốt, là có lợi. Nếu người ta không thích thì thôi, không ép buộc.

Chúng ta học Phật phải tập tâm cởi mở, xả bỏ những cố chấp riêng tư, dù chấp tôn giáo mình cũng là bệnh nữa. Những gì chúng ta thấy đều do Phật dạy, mình biết mình tu. Ai thấy hợp thì tu theo, còn thấy không hợp thì thôi, ta chỉ cười chớ đừng giận. Đạo mình kính trọng mà nghe ai nói ngược lại, mình nổi sùng lên thì chưa gọi là hiểu đạo. Không cố chấp thì cuộc đời an vui, hạnh phúc, sống với mọi người rất hòa nhã.

Điều thứ tư là Phật dạy xả đừng chấp thân của mình nữa. Quý vị thấy dễ hay khó ? Xả mấy điểm kia thì còn khả dĩ, xả chấp thân mình thì hơi khó. Tôi hỏi quý vị trong tất cả cái sợ của mình hiện giờ, cái sợ nào là số một ? Sợ chết là số một. Tại sao mình sợ chết ? Vì cố giữ thân, cố chấp thân, nên nghe nói mất đi thì hoảng sợ. Do đó khi cái chết đến mình khổ vô cùng.

Chúng ta xét kỹ thân của mình, ai cũng muốn cho nó được tròn một trăm năm. Hồi xưa còn tham hơn nữa, hàng quần thần chúc vua chúa đến Vạn tuế, tức là muôn năm. Chúc muôn năm, mà có ông vua nào sống được muôn năm đâu. Mấy ông còn chết sớm hơn ai hết. Như vậy để thấy lòng tham sống của con người quá lớn. Bởi tham sống cho nên chết là cái khổ nhất.

Nếu người không tham sống thì chết có khổ không ? Đâu có khổ vì họ đâu có sợ. Nên quý vị cố chấp thân, muốn giữ cho nó lâu dài, mà lỡ nó bại hoại thì đau khổ vô cùng. Thân mình đâu có nguyên vẹn từ thỉ chí chung, mà nó đổi thay từng tháng, từng ngày. Như vậy muốn nó còn hoài, chẳng khác nào mình nắm một cục nước đá trong tay mà muốn nó đừng tan. Thân này cũng vậy, luôn biến chuyển từng phút giây. Đó là nói bình thường, còn nói theo khoa học là nó sinh diệt từng tế bào. Lúc nào, phút nào cũng sinh sinh diệt diệt, không dừng. Sinh diệt luôn luôn mà bảo nó còn hoài làm sao được. Chấp như vậy có phải là ảo tưởng không ? Ảo tưởng sai lầm mà chúng ta cứ chấp giữ, cho nên khổ vô cùng.

Vậy mà trăm người như một, ai cũng muốn giữ thân lâu dài. Nhiều khi bảy, tám mươi tuổi vẫn muốn sống hoài, không muốn chết. Muốn giữ hoài mà có giữ được đâu. Giữ không được thì khổ hay vui? Người lớn tuổi nào cũng thở dài than vắn, khổ quá ! Già yếu bệnh hoạn, khổ quá !

Thật ra già yếu, bệnh hoạn có khổ không ? Có gì đâu mà khổ, nó là như vậy. Hết thời ấu niên đến thời tráng niên, hết thời tráng niên đến thời trung niên, hết thời trung niên đến thời lão niên. Cứ thế mà đổi dời. Nên khi trẻ mình vui với tuổi trẻ, lúc già mình vui với tuổi già. Mai mốt chết thì cười với cái chết, sướng không ? Chứ ngồi đó mà than, ai cứu mình được. Không ai cứu được thì than hoài làm chi cho khổ vậy ? Cứ cười vui. Ờ ! Già tốt. Nếu đi hai chân không vững thì thêm chân thứ ba nữa. Cứ như vậy mà chống gậy, có gì đâu phải buồn. Xả được cố chấp thì vui, còn nếu giữ thì khổ. Lẽ thực là như vậy.

Con người sợ chết nhưng có giữ cho khỏi chết được không ? Nếu giữ được thì cũng nên sợ. Giữ không được thì cứ cười vui cho rồi. Quý vị nghĩ nếu lát nữa chết, chúng ta sẽ có cái gì vui ? Hiện tại mình biết hết các việc trên thế gian rồi, biết sự sống này rồi. Người ta nói đi du lịch vui chơi đó đây là tới những chỗ mình chưa biết, còn những chỗ nào biết rồi, đi chán lắm. Chúng ta đã ở trên thế gian mấy chục năm, chán quá rồi. Bây giờ đi tới chỗ khác chơi cho vui thì sợ gì. Khi sắp chết, mình tự nghĩ ta sẽ biết thêm một chỗ mới nữa. Vậy là vui chớ không sợ. Chúng ta sống vui với cái sống, chết cũng vui với cái chết, như vậy là an vui, tự tại.

Người không sợ chết thì chết không phải là khổ. Sở dĩ khổ là vì người ta chấp chặt phải sống, sống chừng nào cũng được, sống hoài. Chấp chặt vậy cho nên lỡ ai coi tuổi hoặc bắt mạch nói bệnh sắp chết liền quên ăn, quên ngủ. Nếu hiểu được lẽ thật thì chết là vui thôi. Ờ, tôi ở đây mấy chục năm chán rồi, đi chỗ khác chơi cho vui. Đó, nghĩ vậy thì cứ cười mà đi, có tự tại không ? Rõ ràng nếu buông xả cố chấp thì chúng ta an vui. Còn bám chặt giữ mãi thì chúng ta đau khổ.

Cuộc đời là một dòng biến chuyển từ ngoại vật cho tới con người. Nó biến chuyển mà chúng ta cố giữ thì có phải là si mê không ? Cho nên Phật nói người trí biết được vô thường biến chuyển nên không khổ. Còn người ngu, đối với vô thường biến chuyển mà muốn còn nguyên vẹn nên khổ. Bản thân mình nó phải biến hoại, phải mất; chúng ta biết rõ rồi cười với nó, không sợ, là chúng ta khéo tu.

Tu là như vậy, chớ không phải vừa mới bệnh liền chạy tới cầu Phật cho con sống được năm năm, mười năm. Phật tử bệnh tới chùa nhờ quý thầy cầu an. Quý thầy cầu cho Phật tử an, còn quý thầy không an thì cầu ai ? Nếu tất cả người bệnh cầu đều được an thì không ai chết hết. Nhưng thật ra đâu có chuyện đó. Kỳ này cầu an là tại họ chưa chết, kỳ sau tới lúc chết thì cầu gì cũng chết thôi, cầu an cũng không khỏi.

Như vậy để thấy chúng ta tu là phải nhận ra lẽ thật của cuộc đời, thấy rõ được lẽ thật của bản thân mình. Đừng lầm lẫn mới an vui, khỏi phải nhờ ai cầu gì hết, cũng khỏi cần coi tướng coi số làm chi. Cuộc đời là như vậy, không có gì phải lo. Năm mươi tuổi chết cũng tốt, bảy mươi tuổi chết cũng tốt, tám mươi tuổi chết cũng tốt, không sao hết. Tôi thường hay nói ai rồi cũng chết một lần, chớ có ai chết hoài đâu phải không ? Thì thôi lúc nào tới thì đi một lần, chớ đâu có đi hoài mà sợ.

Phật dạy khi bỏ thân này, muốn có thân khác đẹp hơn thì phải tạo duyên tốt. Như giữ được năm giới trọn vẹn thì đời sau trở lại làm người đủ năm điều kiện tốt: Không sát sanh thì tuổi thọ dài. Không trộm cướp thì có nhiều của. Không tà dâm thì đẹp đẽ trang nghiêm. Không nói dối thì ngôn ngữ được lưu loát. Không uống rượu, xì ke ma túy thì trí tuệ thông minh. Nếu thiếu một trong năm giới thì đời sau bất hạnh một phần. Ai muốn đời sau được thân tốt đẹp hơn thân người thì tu Thập thiện.

Như vậy chết không đáng sợ mà chỉ sợ mình không chuẩn bị được khi mất thân này. Đến lúc ngã ra chết không làm điều lành, không tạo phước đức thì chừng đó khổ hơn nữa. Cho nên biết tu thì trong cuộc sống hiện tại chúng ta được an vui tự tại, khi nhắm mắt chúng ta đã chuẩn bị cho đời sau được tốt đẹp hơn nên chúng ta càng vui, không có gì phải buồn sợ.

Cũng như mình đi chiếc xe cũ, lâu quá nó hư mòn, cứ đẩy hoài rất chán. Bây giờ mình dành dụm tiền, bỏ xe cũ mua xe mới đẹp hơn. Như vậy buồn hay vui ? Nhưng muốn mua xe khác đẹp hơn thì phải chuẩn bị tiền. Chuẩn bị trước rồi mới bỏ xe cũ mua xe mới được. Chứ không chuẩn bị thì xe cũ bỏ rồi, không biết làm sao mua xe mới. Cho nên người biết tu là người biết lo xa, biết chuẩn bị sẵn; bỏ thân này qua thân khác khỏe hơn. Đó là bước tiến của người tu.

Như vậy chỉ một chữ xả mà chúng ta được an ổn vui tươi. Cần gì phải nhiều. Một chữ mà biết tu là cả cuộc đời sống thoải mái, an vui. Ngược lại quý vị sẽ thấy mặt mày nhăn nhó hoài, bất mãn cái này, bất mãn cái nọ, bất mãn con cái, bất mãn vợ chồng, bất mãn xã hội… Mấy chục năm cứ nhăn nhó hoài, uổng một cuộc đời. Cho nên mình phải vui tươi xả bỏ, có mấy mươi năm ngắn ngủi, sống làm sao cho thảnh thơi, tạo phước lành để khi nhắm mắt được đến cõi lành, ở đó mà buồn giận làm chi cho khổ.

Vậy mong quý Phật tử nghe hiểu, ứng dụng tu để tất cả chúng ta sống trên thế gian này lúc nào cũng tươi cười, không còn buồn bực. Đến lúc nhắm mắt ra đi chúng ta cũng vui luôn. Đó là kết quả tốt đẹp của người Phật tử khéo tu.

]



--------------------------------------------------------------------------------

[mục lục][lời đầu sách]

[p1][p2][p3][p4][p5][p6][p7][p8][p9][p10]

[Trang chu] [Kinh sach]

Tuesday, August 3, 2010

Tứ Diệu Ðế

Trích lục kinh điển

Sau đó, Ðức Thế Tôn bảo các vị tỳ kheo: "Nầy các tỳ kheo, bởi vì không thông hiểu, không thấu đạt Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Ðế) mà ta cũng như quý vị từ lâu đã phải trãi qua nhiều kiếp luân hồi trong vòng sinh tử. Bốn sự thật ấy là gì?

Vì không thông hiểu Sự Thật về Khổ (Khổ Ðế) mà chúng ta luân hồi, không thông hiểu Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ (Tập Ðế), không thông hiểu về Sự Thật về Ðoạn Diệt Khổ (Diệt Ðế), không thông hiểu Sự Thật về Con Ðường Diệt Khổ (Ðạo Ðế), mà chúng ta đã phải luân hồi trong vòng sinh tử. Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt Sự Thật về Khổ, Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ, Sự Thật về Ðoạn Diệt Khổ, Sự Thật về Con Ðường Diệt Khổ, lòng tham thủ về sinh hữu được đoạn tận, sự hỗ trợ để sinh hữu được phá hủy, và từ đó không còn phải tái sinh nữa."

-- Kinh Ðại Niết Bàn (Trường Bộ, 16)

Ðức Phật giảng về sự Giác Ngộ của Ngài:

"Tri kiến phát sinh, minh sát phát sinh, tuệ giác phát sinh, hiểu biết phát sinh, minh kiến phát sinh trong ta, về những điều mà từ trước ta chưa từng nghe đến:

-- Ðây là Sự Thật Tuyệt Ðối về Khổ ... Khổ nầy phải được thông hiểu ... Khổ nầy vừa được thông hiểu.

-- Ðây là Sự Thật Tuyệt Ðối về Nguồn Gốc của Khổ ... Nguồn Gốc nầy phải được đoạn tận ... Nguồn Gốc nầy vừa được đoạn tận.

-- Ðây là Sự Thật Tuyệt Ðối về Sự Diệt Khổ ... Diệt Khổ nầy phải được trực nghiệm ... Diệt Khổ nầy vừa được trực nghiệm.

-- Ðây là Sự Thật Tuyệt Ðối về Con Ðường Diệt Khổ ... Con Ðường nầy phải được thực chứng ... Con Ðường nầy vừa được thực chứng.

Nầy các vị tỳ kheo, khi nào mà sự hiểu biết và nhận thức nầy của ta -- với ba vòng chuyển và mười hai kết hợp về bốn Sự Thật Tuyệt Ðối đó -- không tinh thuần, ta không thể khẳng định rằng ta là Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, vượt hơn tất cả mọi loài trong vũ trụ, chư thiên, ma quỷ, phàm phu, tu sĩ, vua chúa và thường dân. Tuy nhiên, ngay khi sự hiểu biết và nhận thức nầy của ta -- với ba vòng chuyển và mười hai kết hợp về bốn Sự Thật Tuyệt Ðối đó -- hoàn toàn thật sự tinh thuần, ta đã khẳng định rằng ta là Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, vượt hơn tất cả mọi loài trong vũ trụ, chư thiên, ma quỷ, phàm phu, tu sĩ, vua chúa và thường dân. Tuệ giác và tri kiến phát khởi trong ta: 'Sự Giải Thoát đã xảy ra. Ðây là kiếp sống cuối cùng?I Không còn phải tái sinh nữa.' "

-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)

1. Diệu Ðế về Khổ - Dukkha Ariya Sacca

Ðịnh nghĩa:

"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Ðế về Khổ: Sinh là khổ, già là khổ, chết là khổ; ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng là khổ; liên kết với những điều không ưa thích là khổ, cách ly những điều ưa thích là khổ; không đạt được những gì mong muốn là khổ; tóm lại, cả năm uẩn (*) để tham thủ là khổ"

-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)

(*) Năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sáu căn:

"Và thế nào là Diệu Ðế về Khổ? Câu trả lời phải là sáu căn đều khổ. Sáu căn đó là gì? Là căn của mắt (nhãn căn), căn của tai (nhĩ căn), căn của mũi (tỷ căn), căn của lưỡi (thiệt căn), căn của thân (thân căn), và căn của ý (ý căn). Ðây là Sự Thật Cao Quý về Khổ."

-- Tương Ưng, LVI-14

Khổ như lửa cháy:

"Tất cả đều là lửa cháy. Cái gì là lửa cháy?

-- Mắt là lửa cháy. Hình sắc là lửa cháy. Nhận thức từ mắt là lửa cháy. Tiếp cận qua mắt là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua mắt, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.

-- Tai là lửa cháy. Âm thanh là lửa cháy. Nhận thức từ tai là lửa cháy. Tiếp cận qua tai là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua tai, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.

-- Mũi là lửa cháy. Mùi hương là lửa cháy. Nhận thức từ mũi là lửa cháy. Tiếp cận qua mũi là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua mũi, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.

-- Lưỡi là lửa cháy. Vị nếm là lửa cháy. Nhận thức từ lưỡi là lửa cháy. Tiếp cận qua lưỡi là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua lưỡi, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.

-- Thân là lửa cháy. Vật xúc chạm là lửa cháy. Nhận thức từ thân là lửa cháy. Tiếp cận qua thân là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua thân, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.

-- Ý là lửa cháy. Tư tưởng là lửa cháy. Nhận thức từ ý là lửa cháy. Tiếp cận qua ý là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua ý, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng."

-- Tương Ưng, XXXV-28

2. Diệu Ðế về Nguồn Gốc của Khổ - Dukkha Samudaya Ariya Sacca

"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Ðế về Nguồn Gốc của Khổ: lòng tham thủ làm cho sinh hữu -- kèm theo với ham muốn và ưa thích, thêm vào chổ nầy chổ kia , nghĩa là tham thủ các dục lạc, tham thủ thường sinh, tham thủ đoạn sinh."

-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)

Ai sống trong đời n*?y,
Bị ái dục buộc ràng
Sầu khổ sẽ tăng trưởng,
Như cỏ Bi gặp mưa.

Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen. (Pháp Cú, 335-336)

Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại vẫn bền
Ái tùy miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài. (Pháp Cú, 338)

3. Diệu Ðế về Sự Diệt Khổ - Dukkha Nirodha Ariya Sacca

"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Ðế về Diệt Khổ: sự tàn lụn và ngưng không còn tàn dư, sự xuất ly, sự từ bỏ, sự giải phóng, và sự buông bỏ lòng tham thủ"

-- Tương Ưng, XLVI-11

Tháo gỡ các nguyên nhân về khổ:

"Ta bảo với các vị tỳ kheo, việc chấm dứt các lậu hoặc không thể nào có được nơi những người không thấy và không biết. Thấy gì và biết gì? 'Ðây là sắc, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Ðây là cảm thọ, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Ðây là tưởng, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Ðây là hành, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Ðây là thức, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó.' Việc chấm dứt các lậu hoặc chỉ có thể xảy ra nơi những người thấy và biết như thế.

Tuệ giác về sự đoạn diệt khi đoạn diệt hiện hữu là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là sự giải phóng.

-- Giải phóng là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là sự lạnh nhạt.
-- Sự lạnh nhạt là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là sự chán chường.
-- Chán chường là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là tri kiến về bản chất của sự vật.
-- Tri kiến về bản chất của sự vật là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là tâm định tĩnh.
-- Tâm định tĩnh là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là thư thái.
-- Thư thái là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là khinh an.
-- Khinh an là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là hỷ.
-- Hỷ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là lạc.
-- Lạc là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là tín tâm.

-- Khổ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là tái sinh.
-- Tái sinh là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là hữu.
-- Hữu là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là thủ.
-- Thủ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là tham muốn.
-- Tham muốn là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là thọ.
-- Thọ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là tiếp xúc.
-- Tiếp xúc là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là sáu xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
-- Sáu xứ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là danh sắc.
-- Danh sắc là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là thức.
-- Thức là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? ?ó là nghiệp hành.
-- Nghiệp hành là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Ðó là vô minh.

Cũng như khi chư thiên làm mưa sấm, trút nước vào vùng núi cao, nước nầy chảy xuống theo triền dốc, làm đầy các khe núi, hang động. Khi các khe và hang động đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các hồ nhỏ. Khi các hồ nhỏ đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các hồ lớn. Khi các hồ lớn đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các dòng suối. Khi các dòng suối đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các sông lớn. Khi các sông lớn đầy tràn, nước sẽ chảy ra đại dương. Cùng thế ấy:

Hành có vô minh là duyên,
Thức có hành là duyên
Danh sắc có thức là duyên
Sáu xứ có danh sắc là duyên,
Tiếp xúc có sáu xứ là duyên,
Thọ có tiếp xúc là duyên,
Tham muốn có thọ là duyên,
Chấp thủ có tham muốn là duyên,
Hữu có chấp thủ là duyên,
Sinh có hữu là duyên,
Hoạn khổ có sinh là duyên,

Tín tâm có hoạn khổ là duyên,
Lạc có tín tâm là duyên,
Hỷ có lạc là duyên,
Khinh an có hỷ là duyên,
Thư thái có khinh an là duyên,
Tâm định tĩnh có thư thái là duyên,
Tri kiến về bản chất của sự vật có tâm định tĩnh là duyên,
Chán chường có tri kiến về bản chất của sự vật là duyên,
Lạnh nhạt có chán chường là duyên,
Giải phóng có lạnh nhạt là duyên,
Tuệ giải thoát có giải phóng là duyên."

-- Tương Ưng, XII-23

Lý Duyên Sinh:

"Phương cách cao quý nào cần phải được nhận thấy đúng đắn và phân biệt rõ ràng bằng trí tuệ? Ðây là lúc một người đệ tử cao sang quán xét được rằng:

Khi cái nầy hiện hữu thì cái kia hiện hữu
Từ việc khởi sinh cái nầy thì có khởi sinh cái kia.
Khi cái nầy không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu,
Từ việc đoạn diệt cái nầy thì có đoạn diệt cái kia."

Nói cách khác:

"Vô minh là duyên của hành,
Hành là duyên của thức,
Thức là duyên của danh sắc,
Danh sắc là duyên của sáu xứ,
Sáu xứ là duyên của tiếp xúc,
Tiếp xúc là duyên của thọ,
Thọ là duyên của tham,
Tham là duyên của chấp thủ,
Chấp thủ là duyên của hữu,
Hữu là là duyên của sinh,
Sinh là duyên của già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng

Ðó là nguồn gốc rốt ráo của hoạn khổ.

Giờ đây, chấm dứt và đoạn diệt vô minh, đưa đến đoạn diệt hành.
Ðoạn diệt hành đưa đến đoạn diệt thức,
Ðoạn diệt thức đưa đến đoạn diệt danh sắc,
Ðoạn diệt danh sắc đưa đến đoạn sáu xứ? BR>Ðoạn diệt sáu xứ đưa đến đoạn diệt tiếp xúc,
Ðoạn diệt tiếp xúc đưa đến đoạn diệt cảm thọ,
Ðoạn diệt cảm thọ đưa đến đoạn diệt tham muốn,
Ðoạn diệt tham muốn đưa đến đoạn diệt chấp thủ,
Ðoạn diệt chấp thủ đưa đến đoạn diệt hữu,
Ðoạn diệt hữu đưa đến đoạn diệt sinh
Ðoạn diệt sinh đưa đến đoạn diệt già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.

Ðó là sự chấm dứt rốt ráo các hoạn khổ.

Ðây là phương cách cao quý cần phải được nhận thấy đúng đắn và phân biệt rõ ràng bằng trí tuệ"

-- Tăng Chi, X-92

4. Diệu Ðế về Con Ðường Diệt Khổ - Dukkha Nirodha Gamini Patipada Ariya Sacca

Bát Chánh Ðạo:

"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Ðế về Con Ðường Diệt Khổ, đó chính là Con Ðường Tám Chánh (Bát Chánh Ðạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh."

-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)

Bát Chánh Ðạo là Pháp Thừa (Dhammayana):

"Này Ananda, Con Ðường Tám Chánh nầy là đồng nghĩa với cỗ xe tối thượng, là cỗ xe Pháp, là sự chiến thắng vô thượng trong mọi chiến trận nhiếp phục tham, sân, si."

-- Tương Ưng, V-4

Ðịnh nghĩa về tám chi phần:

"Này các vị tỳ kheo, thế nào là chánh tri kiến? Ðó là sự thông hiểu về khổ, sự thông hiểu về nguyên nhân của khổ, sự thông hiểu về sự diệt khổ, và sự thông hiểu về con đường diệt khổ.

Thế nào là chánh tư duy? Ðó là tư duy về sự xuất ly, tư duy về vô sân, tư duy về vô hại.

Thế nào là chánh ngữ? Ðó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.

Thế nào chánh nghiệp? Ðó là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ hành động tà dâm.

Thế nào là chánh mạng? Ðó là đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng.

Thế nào là chánh tinh tấn? Ðó là tinh tấn ngăn chận không cho khởi sanh các bất thiện pháp chưa sanh, tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh, tinh tấn phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và tinh tấn duy trì các thiện pháp đã sanh.

Thế nào là chánh niệm? Ðó là sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời.

Thế nào là chánh định? Ðó là ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền-na thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ; rồi làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền-na thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh, nhất tâm; rồi ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú vào Thiền-na thứ ba; rồi xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào Thiền-na thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh."

-- Tương Ưng, V-8

Tìm lại Con Ðường Cũ Xa Xưa:

"Có một người đang đi theo một con đường mòn trong rừng. Ðột nhiên người ấy tìm ra được một con đường cũ xa xưa mà các vị tiền nhân thường dùng. Người ấy liền đi theo con đường ấy. Sau đó, người ấy tìm lại được thành phố cỗ xưa mà ngày trước đã có nhiều người trú ngụ, với các công viên, vườn cây, hồ ao, đền đài tráng lệ. Người ấy trở về, báo cáo với vu ?à các quan đại thần: 'Thưa bệ hạ, khi thần dân đi theo con đường mòn trong rừng, thần dân đã tìm lại được một con đường cũ xa xưa. Thần dân liền đi theo con đường ấy. Sau đó, thần dân tìm lại được thành phố cỗ xưa mà ngày trước đã có nhiều người trú ngụ, với các công viên, vườn cây, hồ ao, đền đài tráng lệ. Kính xin bệ hạ hãy trùng tu lại thành phố ấy.' Sau đó, nhà vua và các quan đại thần quyết định trùng tu thành phố cỗ đó, và về sau, thành phố nầy trở nên phồn thịnh, đông dân cư, phát triển lớn mạnh và giàu có.

Cùng thế ấy, ta đã tìm lại con đường cũ xa xưa, một con đường mà các Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác đều đi qua trong các thời kỳ trước. Con đường cũ xa xưa đó là gì? Ðó là Con Ðường Tám Chánh: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh. Ta đã đi theo con đường ấy.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về già và chết, tri kiến về nguyên nhân của già và chết, tri kiến về đoạn diệt già và chết, tri kiến về con đường đoạn diệt già và chết.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về sinh, tri kiến về nguyên nhân của sinh, tri kiến về đoạn diệt sinh, tri kiến về con đường đoạn diệt sinh.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về hữu, tri kiến về nguyên nhân của hữu, tri kiến về đoạn diệt hữu, tri kiến về con đường đoạn diệt hữu.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về chấp thủ, tri kiến về nguyên nhân của chấp thủ, tri kiến về đoạn diệt chấp thủ, tri kiến về con đường đoạn diệt chấp thủ.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về tham muốn, tri kiến về nguyên nhân của tham muốn, tri kiến về đoạn diệt tham muốn, tri kiến về con đường đoạn diệt tham muốn.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về thọ, tri kiến về nguyên nhân của thọ, tri kiến về đoạn diệt thọ, tri kiến về con đường đoạn diệt thọ.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về tiếp xúc, tri kiến về nguyên nhân của tiếp xúc, tri kiến về đoạn diệt tiếp xúc, tri kiến về con đường đoạn diệt tiếp xúc.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về sáu xứ, tri kiến về nguyên nhân của sáu xứ, tri kiến về đoạn diệt sáu xứ, tri kiến về con đường đoạn diệt sáu xứ.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về danh sắc, tri kiến về nguyên nhân của danh sắc, tri kiến về đoạn diệt danh sắc, tri kiến về con đường đoạn diệt danh sắc.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về thức, tri kiến về nguyên nhân của thức, tri kiến về đoạn diệt thức, tri kiến về con đường đoạn diệt thức.

Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về nghiệp hành, tri kiến về nguyên nhân của nghiệp hành, tri kiến về đoạn diệt nghiệp hành, tri kiến về con đường đoạn diệt nghiệp hành.

Tri kiến được như thế, ta đã truyền dạy lại cho các nam và nữ tu sĩ, nam và nữ cư sĩ, để đời sống thánh thiện nầy được trở nên hùng mạnh, huy hoàng, quảng bá sâu rộng cho chư thiên và loài người".

-- Tương Ưng, XII-65

Con đường giải thoát:

Nầy Subhada, nếu giáo pháp nào mà không hàm chứa Bát Chánh Ðạo thì giáo pháp đó không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán).

Nầy Subhada, nếu giáo pháp nào có hàm chứa Bát Chánh Ðạo thì giáo pháp đó sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư ?E? hàm), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán).

Nầy Subhada, giáo pháp của Ta có hàm chứa Bát Chánh Ðạo nên giáo pháp đó đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán). Các hệ giáo pháp khác đều không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thánh, đắc tuệ giải thoát. Nầy Subhada, khi nào các vị sa môn tu tập và truyền giảng Chánh Pháp một cách đúng đắn thì thế giới nầy sẽ không bao giờ trống vắng các bậc A la hán giải thoát.

-- Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh, 16:214