Tuesday, May 1, 2012

NGÔI THIỀN VIỆN TRÊN "CÁNH ĐỒNG HOANG" NGÀY XƯA


Chánh Lạc Khiêm
Tân Phước là huyện vùng xa thuộc tỉnh Tiền Giang được thành lập từ năm 1994. Do phần lớn diện tích nằm trên phần trũng của vùng Đồng Tháp Mười (vùng đất làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Cánh Đồng Hoang” ) nên đất đai bị nhiễm phèn rất nặng, hàng năm có 6 tháng khô và 6 tháng nước.
Vào mùa khô thì không tìm đâu ra nước (nếu có cũng đặc quánh phèn), chỉ có một kinh lớn chạy suốt chiều dài phân chia 2 vùng nam-bắc của huyện là kênh Nguyễn Văn Tiếp và một đoạn kênh xáng Nguyễn Tấn Thành nối liền kinh Nguyễn Văn Tiếp với sông Tiền. Còn đến mùa nước nổi thì chìm ngập mênh mông, chỉ di chuyển được bằng xuồng, ghe.

Vì vậy, toàn vùng chỉ có cây tràm, cà na, bình bát, năn, bàng. Tuy nhiên hệ động vật và thưc vật nơi đây cũng rất phong phú với các loại chim như cò, le le, vịt trời , cá đồng, rắn, rùa, trăn... Cùng với chim, cá là những loại thảo mộc đặc trưng của vùng nước phèn Tân Phước.

Tiền Giang vốnlà vùng đất gắn bó với phong trào chấn hưng Phật Giáo trong nửa đầu thế kỷ 20. Lịch sử Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, luôn ghi nhớ công hạnh của các bậc cao tăng thạc đức vốn sinh trưởng ở nơi đây như quý Ngài : Hòa thượng Chánh Hậu, Hòa thượng An Lạc- Thích Minh Đàng, Hòa thượng Thích Thiện Tòng, Hòa thượngThích Minh Đức hoặc đã từng dừng bước hành đạo, hoằng pháp lợi sanh ở đây như quý Ngài: Bồ Tát Thích Quảng Đức, Hòa thượng Hoằng Ân - Minh Khiêm,  Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa…

Miền Tây cũng là quê hương của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, viện trưởng các thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, chưa có một thiền viện nào thuộc thiền phái được xây dựng mới tại miền Tây. Thể theo tâm nguyện của Hòa Thượng Viện Chủ và mong mỏi của Phật tử gần xa, muốn xây dựng một thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, tiếp nối, phát huy tôn chỉ và đường lối tu tập của Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt (Trúc Lâm Phụng Hoàng) do Hòa Thượng chủ trương, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt đã lập dự án và tiến hành các bước chuẩn bị cho việc xây dựng công trình mang nhiều ý nghĩa và lợi ích này.

Duyên lành hội đủ, được sự đồng thuận của HĐTS TƯGHPGVN, BTS tỉnh hội PG tỉnh Tiền Giang và UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã) cho phép Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt làm chủ đầu tư xây dựng mộtthiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử mang tên Thiền viện Trúc Lâm Chánh Pháp tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh  Tiền Giang. Một ban hưng công được thành lập với trưởng ban là thượng tọa Thích Thông Phương, phó Ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt.

Giữa “Cánh Đồng Hoang” ngày nào, giờ đây một ngôi Thiền Viện nguy nga sắp được xây dựng. Vào ngày 28 tháng 4 năm 2012 tới đây (nhằm ngày mùng 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn), lễ đặt đá chính thức xây dựng sẽ được cử hành.

Theo thông tin từ quý Thầy trong Ban Hưng Công cho biết, thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác có quy mô thuộc loại lớn nhất nước với tổng diện tích là 30ha. Thiền viện được xây dựng theo mô hình truyền thống của các thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, với 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác không có khu vực dành cho Ni, tuy nhiên theo quy hoạch tổng mặt bằng, Thiền viện cũng dành một khu đất khá rộng ( gần 19 ngàn mét vuông) để làm nhà khách nữ.

Cũng theo quy hoạch tổng mặt bằng, thiền viện có 25 hạng mục, bao gồm các hạng mục như Chánh Điện, Tổ Đường, Giảng Đường, Khu nội viện Tăng, Nhà Tăng ngoại viện, Trai đường, Lầu chuông, Lầu trống… với tổng diện tích xây dựng hơn 8000m2. Điều hết sức đặc biệt là trong bản quy hoạch, một khu vực rộng lớn được bố trí để xây dựng Tứ Động Tâm (Lâm Tì Ni – nơi Phật Thích Ca đản sinh; Bồ Đề Đạo Tràng – nơi Phật thành đạo; Vườn Lộc Uyển – nơi Phật  chuyển pháp luân và Câu Thi Na – nơi Phật nhập diệt) theo đúng nguyên mẫu với tỉ lệ 6-10. Theo tỉ lệ này thì tháp Đại Giác sẽ có chiều cao khoảng hơn 31m.

Đây có lẽ là điểm rất riêng của Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác mà không có một Thiền viện hoặc tự viện nào trong cả nước, thậm chí cả khu vực Đông Nam Á, có được. Với khu vực Tứ Động Tâm này, hứa hẹn trong tương lai, TV Trúc Lâm Chánh Giác sẽ là nơi thu hút Phật tử  và khách  du lịch trong cả nước đến tham quan và chiêm bái. Ngoài ra, ngay trung tâm thiền viện sẽ xây dựng một hòn giả sơn cao khoảng 25m để làm thế tự lưng cho Tổ Đường và Chánh Điện.

Phật sự lớn lao này sẽ chính thức được khởi động vào ngày 28 tháng 4 năm 2012, dự kiến sau 2 năm sẽ làm lễ khánh thành (giai đoạn 1) và sau 3 đến 5 năm sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục, “tùy theo sự phát tâm công đức của Phật tử gần xa”, theo lời quý Thầy trong Ban Hưng Công cho biết.

Tầm ảnh hưởng và sự lợi ích của công trình này đối với cộng đồng xã hội đã có thể nhìn thấy được nếu chúng ta xem xét các ngôi thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng trong cả nước và ở nước ngoài trong những năm qua.

Nguyện hồng ân Tam Bảo, chư vị Long Thiên Hộ Pháp cùng giác linh liệt vị Tổ Sư thùy từ gia hộ cho Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác sớm được hoàn thành, thỏa lòng  mong mỏi của đồng bào Phật tử gần xa.


0 comments:

Post a Comment